Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2023

Khoảng trống lớn trong chính sách giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam

Mai Lan

Giấc mơ về bộ sách giáo khoa chữ nổi

Các học sinh khiếm thị vẫn phải thi tuyển vào lớp 10 y hệt như với các em không bị khuyết tật. Thi đậu, các em khiếm thị sẽ học chung với học sinh sáng mắt với sách giáo khoa mà học sinh sáng mắt đang học. Giấc mơ về bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille tiếng Việt, đến nay vẫn chưa rõ bao giờ sẽ thành hiện thực.

khoangtrong1

Đến nay vẫn chưa có đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị.

Hơn chục năm nay, vào ngày cuối tuần, giáo viên trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, Sài Gòn) tập trung để tự làm sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị của trường. "Do chương trình giáo dục mới nên các em chưa có nhiều tài liệu, thầy cô phải chuyển đổi sách giáo khoa thông thường sang dạng chữ nổi cho các em học sinh theo kịp", hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Huệ cho biết.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thống chuyển từng trang bản mềm sách giáo khoa từ chữ sáng (word) sang chữ nổi (braille) trước khi đem đi in bằng máy chuyên dụng. "Nhờ có phần mềm chuyển đổi nên công việc nhanh hơn. Tuy nhiên mọi người phải đọc lại kỹ để chỉnh lỗi. Thường gặp nhất là sai chính tả, công thức toán, lý, hoá", thầy Thống nói.

Là giáo viên dạy, làm chữ nổi tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2012, thầy Thống thường là người truyền đạt lại kinh nghiệm cho giáo viên khác.

Với những trang sách có hình thì công việc phức tạp hơn. Giáo viên sẽ chọn hình có thể chuyển sang tài liệu chữ nổi, thiết kế qua máy tính rồi cắt và dán thành trang có ảnh kèm chữ nổi để tạo phôi, sau đó mang đi ép đóng thành cuốn sách hoàn chỉnh. Hình nổi thường xuyên phải đối chiếu để xem có chuẩn về hình dạng, vị trí với hình gốc. Chất liệu làm hình nổi thường là giấy, gỗ mỏng, tăm, chỉ... để tạo độ nhám khác nhau và chịu được nhiệt khi đem đi ép thành sách.

Một cuốn sách in thường chuyển sang in chữ nổi sẽ thành 6 - 8 tập ; giấy in chữ nổi và in nhiệt đều có kinh phí cao - khoảng hơn 14 triệu đồng cho 1 bộ sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị lớp 1... Và đến nay vẫn chưa có đơn vị cung cấp sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị.

Công nghệ đã có, chỉ chờ… áp dụng

Đề tài nghiên cứu khoa học "Xây dựng quy trình thực hiện và hệ thống chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị" đã được trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện và thạc sĩ Phan Nguyễn Ái Nhi làm chủ nhiệm.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu, thạc sĩ Phan Nguyễn Ái Nhi cho biết, hai lý do chính dẫn đến tình trạng khan hiếm sách chữ nổi là do thiếu nguồn nhân lực có kỹ thuật tốt và chi phí nguyên vật liệu, trang thiết bị máy móc chuyên dụng quá cao (5.500 - 7.500 đồng/tờ giấy ép nhiệt và khoảng 700 triệu đồng cho máy ép nhiệt và máy in chữ Braille).

"Hiện tại cả nước chỉ có trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hồ Chí Minh, trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hà Nội và và Mái ấm Nhật Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh) là có đủ máy móc, trang thiết bị để in sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị của đơn vị mình và hỗ trợ vài nơi trong khả năng có thể", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ phân tích.

"Tuy nhiên, hệ thống sách giáo khoa được sản xuất vẫn tập trung chủ yếu vào sự mô tả bằng ngôn ngữ hơn là minh họa hình nổi. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức của học sinh khiếm thị, đặc biệt là ở các môn toán, vốn dĩ luôn đòi hỏi phải có hình ảnh minh họa cho khái niệm, tính chất, nguyên lý và các bài tập ứng dụng".

Về cơ bản, có thể hiểu chế bản in sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị là hệ thống các phôi, khuôn hay mẫu in gồm nhiều hình ảnh và chữ nổi được chuyển đổi trực tiếp từ sách giáo khoa, làm cơ sở tạo thành những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille hỗ trợ việc học cho học sinh khiếm thị qua các quá trình đúc, thổi, in, ép… bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.

Trong khuôn khổ của nội dung nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được nghiệm thu, những cuốn sách giáo khoa hình và chữ nổi Braille này sẽ được tạo thành theo công năng của máy ép nhiệt Thermoform (loại máy đặc thù được dùng để sản xuất sách cho học sinh khiếm thị với loại giấy Brailon chuyên dụng) bằng kỹ thuật tạo hình chân không.

Do đó, các nguyên vật liệu được dùng để làm chế bản chủ yếu là giấy carton, bìa cứng và một số loại nguyên vật liệu không nóng chảy khác để đảm bảo độ bền và độ phân lớp rõ nét của hình ảnh trên chế bản.

…Với những tóm lược như trên cho thấy rất rõ một điều là thay vì Quốc hội bàn luận cho đề xuất "Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa : Nên hay không ?", thì "đảng cộng sản Việt Nam nên tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ khiếm thị, khiếm thính, sách giáo khoa cho trẻ em dân tộc thiểu số, việc này cấp thiết hơn".

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 03/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan
Read 195 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)