Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào cuối tháng 7, hai nước đã ký một bản ghi nhớ, theo đó Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm, xác định danh tính và quy tập hài cốt các liệt sĩ. Động thái này cho thấy, 46 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Washington vẫn đang nỗ lực cùng Hà Nội thúc đẩy hòa giải giữa hai cựu thù. Những nỗ lực không ngừng như vậy là một phần cốt lõi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

myviet00

Tổng thống Bill Clinton tại thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2000

Hành trình dài hướng tới hòa giải này được kể lại một cách sinh động trong cuốn "Không gì là không thể : Hòa giải của Mỹ với Việt Nam" (Nothing Is Impossible : America’s Reconciliation with Vietnam), một cuốn sách mới của Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2017. Lấy cảm hứng từ tuyên bố của Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi hai nước thiết lập quan hệ, rằng "không có gì là không thể trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam", cuốn sách cung cấp một phân tích chi tiết và sâu sắc nhất cho đến nay về những diễn tiến trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam kể từ khi bình thường hóa, cũng như nhiều thách thức mà hai nước đã vượt qua trong quá trình đó.

Osius có một vị trí thuận lợi để viết cuốn sách này. Ông đã hai lần phục vụ tại cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội, lần đầu tiên với tư cách là một tùy viên chính trị ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, và sau đó là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam gần 20 năm sau. Sự gắn bó lâu dài của Osius với Việt Nam, mà ông tóm tắt là "theo đuổi ngoại giao với Việt Nam trong hai mươi ba năm – dưới thời bốn tổng thống và bảy ngoại trưởng", đã giúp ông hiểu sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của quan hệ song phương. Đổi lại, điều này đã cung cấp cho ông những nguyên liệu cần thiết để đưa vào cuốn sách của mình những câu chuyện hấp dẫn về cách Washington và Hà Nội đã cùng nhau thúc đẩy hòa giải và củng cố quan hệ song phương.

Cuốn sách lần theo sự phát triển của quan hệ song phương kể từ năm 1995 thông qua một loạt "những câu chuyện hữu hình của một số cá nhân nổi bật, cũng như những công dân bình thường", cho thấy quá trình hòa giải giữa hai nước là một nỗ lực chung, liên quan đến nhiều tác nhân ở cả hai phía. Trong khi những nhân vật nổi bật như cố Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Ngoại trưởng John Kerry và các đại sứ khác nhau của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đóng vai trò quan trọng, thì những người khác, như các quan chức chính phủ khác nhau trong bộ máy ngoại giao và quốc phòng của hai nước, những người làm việc âm thầm ở hậu trường, hay ngay cả những người dân bình thường ở Việt Nam, cũng đóng góp một phần vào quá trình đó.

Ví dụ, hàng trăm nghìn người Việt Nam xếp hàng dài trên phố để chào đón Tổng thống Bill Clinton hồi năm 2000 và Tổng thống Barack Obama năm 2016 trong chuyến thăm của họ tới Việt Nam cho thấy cách nhìn lạc quan, hướng tới tương lai của người dân Việt Nam đối với nước Mỹ, cũng như sự sẵn sàng của họ trong việc vượt lên trên quá khứ bi thảm giữa hai nước. Trong một trường hợp khác, Osius kể một câu chuyện xúc động về cuộc gặp của ông với một người phụ nữ Việt Nam trên một cây cầu gần khu phi quân sự từng chia cắt hai miền nam bắc. Người phụ nữ nói rằng người Mỹ đã phá hủy cây cầu nhiều lần và giết chết những người mà cô biết. Nhưng sau đó, "với cách nói thân mật dành cho các thành viên trong gia đình", cô nói với tác giả rằng Mỹ và Việt Nam giờ là bạn bè, và "ngày nay, cậu và tôi là chị em một nhà". Trong phiên điều trần xác nhận việc bổ nhiệm đại sứ trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào năm 2014, Osius đã nhắc lại câu chuyện này như một bằng chứng cho thấy "tinh thần tha thứ và hòa giải" của người Việt Nam.

Sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, như Osius kể lại, đã diễn ra thông qua các biện pháp và hình thức khác nhau, từ nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh cho đến các động thái nhằm xây dựng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Những tường thuật tỉ mỉ và thú vị của cuốn sách về những nỗ lực này giúp người đọc hiểu rõ hơn về hoạt động phức tạp bên trong của bộ máy hoạch định chính sách của cả hai bên, cũng như cách họ vượt qua những trở ngại khác nhau để đạt được các thỏa hiệp giúp giữ cho quan hệ song phương tiến về phía trước. Một số ví dụ liên quan và thú vị được đề cập trong cuốn sách bao gồm nỗ lực vận động để chính quyền Mỹ phê duyệt ngân sách rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin ở Việt Nam, việc thuyết phục các lãnh đạo Việt Nam đồng ý cho tu sửa một nghĩa trang dành cho quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa, hoặc thuyết phục Tổng thống Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục, bất chấp việc ông Trọng chỉ là lãnh đạo một chính đảng (chứ không phải là lãnh đạo hành pháp), trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ năm 2015.

Mặc dù chủ đề chính của cuốn sách là về hòa giải Mỹ – Việt, nhưng nó cũng đề cập đến những phát triển khác nhau hướng tới tương lai trong quan hệ song phương, chẳng hạn như các sáng kiến ​​hp tác kinh tế, giáo dc và quc phòng. Vic ký Hip định Thương mi song phương Việt – Mỹ năm 2000, thành lập Đại học Fulbright Việt Nam năm 2016, và chuyến thăm của tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson đến Việt Nam năm 2018, tất cả đều được mô tả chi tiết trong cuốn sách, là những ví dụ phù hợp cho thấy cam kết của hai nước trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung và ứng phó với các thách thức tương lai, cho dù là trong việc theo đuổi sự thịnh vượng và phát triển của mỗi nước, hay trên những vùng biển đầy thử thách của Biển Đông.

Cuốn sách nói chung đưa ra một cái nhìn lạc quan về quan hệ Việt – Mỹ, nhưng tác giả cũng mang lại sự cân bằng cho những câu chuyện này bằng cách thảo luận về các thách thức đang kìm hãm quan hệ song phương. Hai vấn đề cụ thể được đề cập sâu trong cuốn sách là sự phản đối của một bộ phận cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ đối với nỗ lực của Washington nhằm phát triển quan hệ với Hà Nội, và sự khác biệt giữa hai nước về vấn đề nhân quyền.

Trường hợp thứ hai được minh họa rõ ràng qua lời kể của tác giả về các cuộc đàm phán căng thẳng với các quan chức Việt Nam nhằm sắp xếp cho cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với các thành viên xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam của ông vào tháng 5 năm 2016. Osius đã đạt được đảm bảo từ một lãnh đạo Việt Nam rằng chính quyền Việt Nam sẽ không can thiệp vào cuộc họp miễn là họ được cung cấp trước danh sách những người tham gia, và những người đó chưa từng bị cơ quan chức năng Việt Nam điều tra. Tuy nhiên, trước sự thất vọng của các quan chức Mỹ, vào hôm trước cuộc họp, các quan chức an ninh Việt Nam đã sử dụng các chiến thuật khác nhau để tạm giữ hoặc đe dọa 5 trong số 9 thành viên được mời, khiến cuộc gặp suýt nữa đổ bể.

Bất chấp những cam kết của Mỹ về việc tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam, một số lãnh đạo Việt Nam vẫn lo sợ mơ hồ về mối đe dọa thay đổi chế độ, được cho là do âm mưu "diễn biến hòa bình" của Mỹ gây ra. Nhưng nỗi sợ hãi như vậy là không có căn cứ. Như cuốn sách của Osius cho thấy, Mỹ đã học được cách tôn trọng các lợi ích chính trị của Việt Nam, đồng thời có mong muốn mạnh mẽ trong việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang gia tăng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Trái ngược với suy nghĩ của các quan chức này, một mối quan hệ bền chặt hơn với Hoa Kỳ sẽ giúp củng cố, thay vì làm suy yếu, chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều ví dụ lịch sử, từ Chile, Nicaragua và Cuba, đến Iran, Iraq và Triều Tiên, cho thấy rằng, các chế độ thân thiện với Mỹ và lợi ích của nước này sẽ có một kết cục tươi sáng hơn nhiều so với các chế độ thù địch với Mỹ.

Tuy nhiên, những quan chức vẫn giữ lối suy nghĩ lỗi thời như vậy dường như chỉ là thiểu số. Những diễn biến gần đây, bao gồm các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng 7 và Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng 8, cũng như chuyến thăm Mỹ trong tuần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy quan hệ Việt – Mỹ vẫn duy trì đà phát triển mạnh mẽ mà Đại sứ Osius từng chứng kiến trong nhiệm kỳ của ông tại Hà Nội. Hai nước vẫn đang nỗ lực để vượt ra ngoài quá trình hòa giải, hướng tới một sự hợp tác thực chất hơn, đồng thời tiếp tục duy trì đánh giá của Pete Peterson rằng "Không có gì là không thể trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam".

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/09/2021

Lê Hồng Hiệp là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore. Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat.

Additional Info

  • Author Lê Hồng Hiệp
Published in Diễn đàn

Mấy năm qua, tuy quan hệ Mỹ-Việt đã có những bước tiến dài, nhưng phải đặt quan hệ song phương trong bối cảnh an ninh khu vực và bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung. Không phải ngẫu nhiên mà tàu sân bay Mỹ đã đến thăm Đà Nẵng hai lần, và Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam hai tàu tuần duyên lớp Hamilton, nhằm nâng cao năng lực hàng hải. Đó mới chỉ là bước đầu. Vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò trụ cột của "Bộ Tứ" (Quad) ngày càng quan trọng trong cơ chế an ninh khu vực, theo tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

myviet1

Quan hệ Mỹ - Việt / Ảnh minh họa

Trong sáu tháng đầu năm 2021, tuy Mỹ nhấn mạnh tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng đã chú trọng nhiều hơn đến khu vực Châu Âu, Trung Đông, và Đông Bắc Á, trong khi có phần coi nhẹ Đông Nam Á. Vì vậy trong sáu tháng cuối năm, Washington phải tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực này. Đó là bối cảnh chuyến thăm Singapore và Việt Nam của phó tổng thống Kamala Harris trong tháng 8, tiếp theo chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam, và Philippines cuối tháng7 vừa rồi.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng, phó tổng thống Kamala Harris sẽ thăm chính thức Singapore và Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 26/8/2021. Đây là lần đầu tiên một phó tổng thống đương nhiệm của Mỹ thăm Việt Nam. Chuyến thăm của bà Harris sẽ tập trung vào bốn vấn đề lớn. Một là nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden. Hai là cam kết của Mỹ đối với nỗ lực thúc đẩy an ninh khu vực. Ba là quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước ASEAN. Bốn là bảo vệ những giá trị của Mỹ.

Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ-ASEAN ngày 4/8, khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Blinken và các ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận những thách thức cấp bách trong khu vực và trên thế giới, bao gồm ứng phó với đại dịch Covid-19, hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển nguồn nhân lực, và hành động cấp thiết đối với tình hình Myanmar.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 3/8 đã hoan nghênh và đánh giá cao các chuyến thăm cấp cao "rất giá trị" của Mỹ. Đó là chỉ dấu cho thấy Washington nhận thức được rằng họ cần bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích thực chất và quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi và mong muốn không tụt dốc hơn nữa.

Tại Hà Nội, ngày 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời báo chí rằng hai bên đang phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm của phó tổng thống Kamala Harris. Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, không đi với nước này để chống nước kia. Về đối tác chiến lược, Việt Nam cho rằng tên gọi không quan trọng bằng thực chất và sự bền vững của quan hệ giữa hai nước.

Chủ trương của Mỹ   

Theo Symone Sanders (người phát ngôn của phó tổng thống), chuyến thăm của bà Harris nhằm nhấn mạnh "Mỹ đang Quay lại", và trao đổi về đối phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, cũng như an ninh khu vực. Chuyến thăm này sẽ khẳng định tầm quan trọng của "tham dự toàn diện và đối tác chiến lược" trong chính sách đối ngoại của Mỹ. "Chúng ta phải cùng cố gắng cổ vũ cho trật tự quốc tế dựa trên pháp luật".

Theo các chuyên gia, Mỹ vừa phải cạnh tranh với Trung Quốc, vừa phải điều chỉnh lập trường phù hợp với nguyện vọng của các nước Đông Nam Á. Mỹ không thể ép các nước khu vực chọn phe. Tuy trong sáu tháng đầu năm 2021, Washington tỏ ra coi nhẹ khu vực, nhưng bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin tại Singapore (27/7) khẳng định chính quyền Biden quan tâm tới Đông Nam Á, và ủng hộ các nước trong khu vực bảo vệ chủ quyền và tài nguyên của họ.

Tổng thống Biden và phó tổng thống Harris ưu tiên việc xây dựng lại các quan hệ đối tác để đảm bảo an ninh cho Mỹ, và an toàn bền vững cho chuỗi cung ứng. Tìm giải pháp để tránh bị thiếu hụt là ưu tiên chính của chuyến đi này. Việc thiếu hụt chất bán dẫn trên thế giới và khó khăn về chuỗi cung ứng là trọng tâm của bà Harris trong chuyến thăm Đông Nam Á, nơi Mỹ phải tăng cường quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Việc thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu tiếp tục làm trì trệ các ngành sản xuất điện tử. Nhà Trắng đang thảo luận khả năng ký một hiệp định thương mại tự do về công nghệ số với các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Singapore và Việt Nam. Singapore sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh trị giá 4 tỷ USD dự kiến sẽ vận hành vào năm 2023, trong khi Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng khi nhiều công ty đã chuyển dây chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo Murray Hiebert (CSIS), chuyến thăm của bà Harris rất quan trọng vì nhấn mạnh cam kết của Mỹ tại Đông Nam Á, với hứa hẹn tăng thêm viện trợ vaccine cho khu vực. Chuyến thăm của bà Harris cũng như ông Austin chứng tỏ với Đông Nam Á là Mỹ muốn can dự. Gần đây, thứ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến thăm Indonesia, Campuchia và Thailand (cuối tháng 5 – đầu tháng 6), và đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ (tháng 7) trước khi đến thăm Trung Quốc để hội đàm, nhưng không giảm được căng thẳng.

Bà Kamala Harris vốn là một luật sư và công tố viên của bang California, đã nổi tiếng là một người sắc sảo tại các cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ. Ở tuổi 57, phó tổng thống Harris trẻ hơn nhiều so với tổng thống Biden, nay đã 79 tuổi. Chắc bà Harris sẽ phải thay mặt ông Biden đảm đương một số chuyến viếng thăm quốc tế, đặc biệt là đến Đông Nam Á, nơi lãnh đạo các nước ASEAN thường phàn nàn là bị các tổng thống Mỹ coi nhẹ.

Theo James Crabtree (IISS), chính quyền Biden thường bị phê phán là coi nhẹ các nước đồng minh và đối tác khu vực. "Quan hệ kinh tế của Mỹ với Singapore, Việt Nam, và Indonesia gần đây có một số thay đổi có lợi cho Trung Quốc". Một chính quyền Biden lúng túng có thể để mất Đông Nam Á vào tay Trung Quốc.

Phản ứng của Trung Quốc

Theo Derek Grossman (RAND Corporation), Trung Quốc không chuẩn bị cho một điều chỉnh chiến lược lớn nào của Việt Nam trong tương lai, nên bất cứ một biến đổi nào trong hợp tác an ninh Mỹ-Việt sẽ làm Trung Quốc bất ngờ và phản ứng. Trung Quốc không muốn làm đảo lộn hòa bình và ổn định khu vực chỉ vì Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau, nên việc nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt từ đối tác "toàn diện" lên thành đối tác "chiến lược" ít có khả năng làm cho Trung Quốc phản ứng mạnh.

Derek Grossman khuyến nghị Washington nên theo đuổi một chiến lược đa dạng bao gồm hợp tác ngoại giao, kinh tế, và an ninh, để tạo điều kiện cho các nước Đông Nam Á đang phải chơi trò đu dây (hedging and balancing) như Việt Nam có thể hợp tác với Mỹ mà không sợ bị ép buộc phải chọn phe giữa các nước lớn (như Mỹ và Trung Quốc). Nói cách khác, Washington không nên và không thể tác động vào quyết sách của Hà Nội, cho đến khi nào Hà Nội thấy đã đến lúc chín muồi để tự điều chỉnh chiến lược.

Theo Kevin Rudd (chủ tịch Asia Society), "Bộ Tứ" (Quad) là thách thức lớn nhất đối với tham vọng của Trung Quốc trong những năm tới. Tuy lúc đầu họ coi thường, nhưng từ cuộc họp cấp cao trực tuyến (3/2021) của nhóm này thì Bắc Kinh ngày càng lo ngại về triển vọng "Bộ Tứ" có thể tập hợp lực lượng, như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố : "Cuộc họp cấp cao hôm nay chứng tỏ "Bộ Tứ đã trưởng thành như một trụ cột quan trọng cho ổn định trong khu vực".

Cuộc họp cấp cao G-7 làm Bắc Kinh càng lo ngại về "Bộ Tứ" như một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Hàn Quốc để "Quad" trở thành "Quint" (Bộ Ngũ). Đó là một nhân tố định hình quan hệ Mỹ-Trung, và tham vọng của Trung Quốc. Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố thẳng thừng rằng mục tiêu của Mỹ là thể chế hóa "Bộ Tứ" thành "Bộ tứ Mở rộng" (Quad plus) gồm New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam, để hợp tác đảm bảo an ninh thương mại, công nghệ, và chuỗi cung ứng.

Bắc Kinh lo ngại "Bộ Tứ" có thể phối hợp với "Sáng kiến Răn Đe Thái Bình Dương" của Mỹ và chia sẻ thông tin nhạy cảm về chiến lược của Trung Quốc với các đối tác trong nhóm "Five Eyes". Nhưng điều Bắc Kinh lo ngại nhất là "Bộ Tứ" trở thành nền tảng và đòn bẩy cho một liên minh toàn cầu chống Trung Quốc.

Tại sao Việt Nam ?

Bộ trưởng quốc phòng Austin đã đến thăm Việt Nam, Singapore và Philippines (cuối tháng 7) để chuẩn bị cho chuyến thăm của bà Harris tới Singapore và Việt Nam. Tại sao bà Harris đến thăm Singapore và Việt Nam trước, mà không đến thăm Ấn Độ trước, tuy Ấn Độ là đối tác chiến lược của Mỹ trong "Bộ Tứ" và "quê ngoại" của bà Harris. Phải chăng Singapore và Việt Nam có vị trí chiến lược trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ?

Chuyến thăm Việt Nam của ông Austin tuy không được báo chí đưa tin nhiều, nhưng không kém phần quan trọng. Trong khi thâm hụt thương mại Mỹ-Việt ngày càng tăng (69,7 tỷ đô la năm 2020), thì chương trình hợp tác quốc phòng trở thành một trụ cột chính trong quan hệ Mỹ-Việt. Việt Nam ngày càng quan trọng đối với Mỹ, và Hà Nội cũng như Singapore đang trở thành các mỏ neo (anchors) trong chính sách của Mỹ.

Trong khi bờ biển Việt Nam dài hơn 3.000km giáp Biển Đông và án ngữ lối ra Biển Đông của Trung Quốc, thì Singapore án ngữ eo biển Malacca là yết hầu (choke point) nối Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Singapore là nước ASEAN duy nhất cho Mỹ sử dụng căn cứ hải quân (Changi), gia hạn 15 năm (đến 2035), trong khi căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam được các nước lớn chú ý vì vị trí chiến lược trọng yếu tại Biển Đông.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ bán cho Singapore 12 máy bay chiến đấu F-35B (thế hệ mới) như một ưu tiên đặc biệt. Singapore là nước ASEAN đầu tiên có máy bay F-35B (trước đây đã mua F-15 và F-16). Nếu Mỹ quyết định thành lập "hạm đội 1" như đề xuất của bộ trưởng hải quân Mỹ để tăng cường lực lượng cho hạm đội 7 và hạm đội 5 tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì Singapore sẽ là một lựa chọn cho căn cứ của hạm đội mới. Nói cách khác, Singapore và Việt Nam đều rất quan trọng, cả về chiến lược và thương mại.

Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của phó tổng thống Harris, và chuyến thăm của tổng thống Biden vào dịp họp cấp cao ASEAN và Đông Á (dự kiến vào cuối năm) chứng tỏ hai điều cơ bản. Một là khu vực bao gồm ASEAN là một phần thiết yếu trong bàn cờ chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP). Hai là Mỹ muốn thăm dò Việt Nam về khả năng đồng thuận nâng cấp quan hệ lên thành "đối tác chiến lược".

Hợp tác chiến lược với Mỹ không chỉ là vấn đề đối ngoại, mà còn là vấn đề đối nội vì liên quan đến đổi mới thể chế và chiến lược phát triển quốc gia. Khi quan hệ Mỹ-Trung càng xấu đi, thì quan hệ Mỹ-Việt càng tốt lên, làm quan hệ Trung-Việt càng nhạy cảm trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung-Việt. Trong khi xây dựng lòng tin chiến lược với Mỹ, Việt Nam vẫn duy trì cân bằng chiến lược với Trung Quốc. Đó là nguyên tắc "không chọn phe" trong đối ngoại, và chủ trương "ba không một nếu" trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam.

Về an ninh quốc phòng, Đô đốc Karl Schultz (Tư lệnh tuần duyên Mỹ) nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Ông cho biết lãnh đạo Việt Nam cam kết sử dụng các tàu tuần duyên của Mỹ chuyển giao phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia trong khu vực. Ông tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng của lực lượng Tuần duyên Mỹ. Tùy viên Quân sự Mỹ tại Hà Nội Thomas Stevenson cũng cho rằng chính sách quốc phòng "ba không một nếu" của Việt Nam có thể tạo ra khuôn khổ đối thoại hiệu quả để tránh xung đột. Vì vậy, hai bên đã nhất trí, "không ai yêu cầu các nước khu vực phải chọn phe".

Hợp tác Mỹ-Việt không chỉ về an ninh quốc phòng (như tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam hai lần, Mỹ chuyển giao hai tàu tuần duyên cho Việt Nam để nâng cao năng lực hàng hải), mà còn về y tế (Mỹ viện trợ vaccine và giúp Việt Nam công nghệ sản xuất vaccine), khắc phục hậu quả chiến tranh (như phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh), đối phó với biến đổi khí hậu (đang diễn ra tại lưu vực sông Mekong), về thương mại (như rút Việt Nam khỏi danh sách bị Mỹ cáo buộc "thao túng tiền tệ").

Về y tế, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna, cùng với 20 triệu USD giúp Việt Nam chống Covid-19. Mỹ là nước tặng nhiều vaccine nhất cho Việt Nam (dù nhận trực tiếp hay thông qua Covax). Trước mắt, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục viện trợ vaccine cho Việt Nam. Về lâu dài, VinBioCare (Vingroup) đã nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine VBC-COV19-154 của Arcturus Therapeutics, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta, Alpha, Beta, Gamma.

Trở về tương lai

Theo huyền sử (chưa kiểm chứng), ông Bùi Viện được vua Tự Đức cử làm sứ thần sang Mỹ (1873-1875) không chỉ để thiết lập bang giao song phương, mà còn nhằm cầu viện Mỹ làm đối trọng với Pháp, lúc đó đang muốn biến Việt Nam thành thuộc địa. Nhưng sứ mệnh của ông Bùi Viện không thành, đã để lại một kinh nghiệm đáng buồn về "nhỡ tàu", được lặp đi lặp lại trong quan hệ Mỹ-Việt.

Lịch sử dường như lặp lại khi Hồ Chí Minh chủ trương hợp tác với Mỹ để chống Nhật (1944-1945), thông qua các đầu mối OSS như Archimedes Patti và Charles Fenn cùng nhóm "Con Hươu" (Deer Team), để vận động Mỹ giúp Việt Minh. Hồ Chí Minh đã gửi 8 bức thư và điện cho tổng thống Mỹ Herry Truman (1945-1946) nhưng không được hồi đáp. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Mỹ đã giúp Pháp đánh Việt Minh, và trong cuộc Chiến tranh Việt Nam (1955-1975), Mỹ đã quyết định can thiệp trực tiếp.

Chiến tranh Việt Nam là một thảm họa cho cả hai bên, vì đó là "một cuộc chiến tranh sai lầm, tại một địa điểm sai lầm, vào một thời điểm sai lầm, và chống một kẻ thù sai lầm (a wrong war, at the wrong place, at the wrong time, and with the wrong enemy)  như lời tướng Omar Bradley. Hơn 45 năm sau, tuy "vết thương Việt Nam" chưa lành và "bóng ma Việt Nam" chưa chết hẳn, Mỹ và Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng lòng tin chiến lược cho một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.

Trong lịch sử của Việt Nam với Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, thì quan hệ với Trung Quốc là phức tạp nhất, như một định mệnh. Hai nước gắn liền với nhau về địa lý (núi liền núi, sông liền sông), về lịch sử (ngàn năm Bắc thuộc), về kinh tế (phụ thuộc vào nhau), về chính trị (cùng hệ tư tưởng). Quan hệ Trung-Việt như cục nam châm vừa hút vừa đẩy, phản ánh thực trạng "vừa yêu vừa ghét" như "anh em thù địch" (brother enemy).

Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Việt không phải là định mệnh mà có thể hóa giải. Hơn 45 năm sau chiến tranh, và 25 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Mỹ và Việt Nam đang dần trở thành đối tác chiến lược. Điều đó phản ánh không chỉ nhu cầu phát triển của mỗi nước, mà còn cả tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng.

Nội dung quan trọng nhất trong chuyến thăm Việt Nam của ông Austin là khắc phục hậu quả chiến tranh, để thúc đẩy hòa giải và xây dựng lòng tin. Hai bên đã ký một bản ghi nhớ (MOU) về việc giúp Việt Nam tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA). Điều đó rất thiết yếu để tăng cường hợp tác an ninh và xây dựng lòng tin. Quan hệ Mỹ-Việt không chỉ dựa trên tầm nhìn chiến lược chung về Trung Quốc và trật tự khu vực, mà còn phải bắt nguồn từ lòng tin giữa hai quốc gia. Nói cách khác, hóa giải quá khứ là kiến tạo tương lai.

Sau thời Trump với "nước Mỹ trên hết", đến thời Biden với "nước Mỹ trở lại". Tuy chính quyền Biden cũng nhận diện Trung Quốc là "thách thức lớn nhất", nhưng Mỹ không thể đối phó một mình, mà phải tập hợp đồng minh và đối tác, như trong "Bộ Tứ" (có Nhật, Ấn, Úc), và trong ASEAN (có Singapore, Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia). Để có đồng minh và đối tác bền vững, Mỹ cần xây dựng lòng tin và sức mạnh "răn đe tích hợp" (integrated deterrence) trong cơ chế an ninh khu vực, bao gồm cả quan hệ với Việt Nam.

Thay lời kết 

Trong các bài viết trước đây, tôi thường đề cập đến khả năng Việt Nam dễ bị mắc kẹt trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung. Khi quan hệ Mỹ-Trung càng xấu đi, thì quan hệ Mỹ-Việt càng tốt lên, làm quan hệ Trung-Việt càng nhạy cảm. Việt Nam cũng như các nước khu vực không muốn chọn phe vì ba lo ngại chính. Một là Trung quốc có thể trả đũa làm cho họ thiệt hại hơn là được lợi từ Mỹ. Hai là Mỹ có thể bỏ rơi họ để bắt tay với Trung Quốc như bài học trong quá khứ. Ba là Mỹ có thể tìm cách diễn biến làm cho họ phải thay đổi chế độ.

Theo các chuyên gia, các lo ngại đó vừa phản ánh thực tế vừa phản ánh não trạng. Lo ngại thái quá sẽ làm gia tăng năng lượng tiêu cực, biến nhận thức thành thực tế, có thể gây nhầm lẫn đáng tiếc. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, mọi thứ đều có thể bị đảo lộn, kể cả thói quen tư duy và hệ quy chiếu. Diễn biến càng khó lường thì quyết sách càng dễ nhầm lẫn. Vì vậy, quyết định về "đối tác chiến lược" với Mỹ đúng lúc rất hệ trọng, vì quyết định quá sớm có thể rủi ro cao, nhưng quá muộn có thể đánh mất cơ hội chiến lược.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/08/2021

Additional Info

  • Author Nguyễn Quang Dy
Published in Diễn đàn