Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/09/2021

Quan hệ Mỹ – Việt : Đi từ hòa giải đến quan hệ thực chất

Lê Hồng Hiệp

Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào cuối tháng 7, hai nước đã ký một bản ghi nhớ, theo đó Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm, xác định danh tính và quy tập hài cốt các liệt sĩ. Động thái này cho thấy, 46 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Washington vẫn đang nỗ lực cùng Hà Nội thúc đẩy hòa giải giữa hai cựu thù. Những nỗ lực không ngừng như vậy là một phần cốt lõi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

myviet00

Tổng thống Bill Clinton tại thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2000

Hành trình dài hướng tới hòa giải này được kể lại một cách sinh động trong cuốn "Không gì là không thể : Hòa giải của Mỹ với Việt Nam" (Nothing Is Impossible : America’s Reconciliation with Vietnam), một cuốn sách mới của Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2017. Lấy cảm hứng từ tuyên bố của Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi hai nước thiết lập quan hệ, rằng "không có gì là không thể trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam", cuốn sách cung cấp một phân tích chi tiết và sâu sắc nhất cho đến nay về những diễn tiến trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam kể từ khi bình thường hóa, cũng như nhiều thách thức mà hai nước đã vượt qua trong quá trình đó.

Osius có một vị trí thuận lợi để viết cuốn sách này. Ông đã hai lần phục vụ tại cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội, lần đầu tiên với tư cách là một tùy viên chính trị ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, và sau đó là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam gần 20 năm sau. Sự gắn bó lâu dài của Osius với Việt Nam, mà ông tóm tắt là "theo đuổi ngoại giao với Việt Nam trong hai mươi ba năm – dưới thời bốn tổng thống và bảy ngoại trưởng", đã giúp ông hiểu sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của quan hệ song phương. Đổi lại, điều này đã cung cấp cho ông những nguyên liệu cần thiết để đưa vào cuốn sách của mình những câu chuyện hấp dẫn về cách Washington và Hà Nội đã cùng nhau thúc đẩy hòa giải và củng cố quan hệ song phương.

Cuốn sách lần theo sự phát triển của quan hệ song phương kể từ năm 1995 thông qua một loạt "những câu chuyện hữu hình của một số cá nhân nổi bật, cũng như những công dân bình thường", cho thấy quá trình hòa giải giữa hai nước là một nỗ lực chung, liên quan đến nhiều tác nhân ở cả hai phía. Trong khi những nhân vật nổi bật như cố Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Ngoại trưởng John Kerry và các đại sứ khác nhau của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đóng vai trò quan trọng, thì những người khác, như các quan chức chính phủ khác nhau trong bộ máy ngoại giao và quốc phòng của hai nước, những người làm việc âm thầm ở hậu trường, hay ngay cả những người dân bình thường ở Việt Nam, cũng đóng góp một phần vào quá trình đó.

Ví dụ, hàng trăm nghìn người Việt Nam xếp hàng dài trên phố để chào đón Tổng thống Bill Clinton hồi năm 2000 và Tổng thống Barack Obama năm 2016 trong chuyến thăm của họ tới Việt Nam cho thấy cách nhìn lạc quan, hướng tới tương lai của người dân Việt Nam đối với nước Mỹ, cũng như sự sẵn sàng của họ trong việc vượt lên trên quá khứ bi thảm giữa hai nước. Trong một trường hợp khác, Osius kể một câu chuyện xúc động về cuộc gặp của ông với một người phụ nữ Việt Nam trên một cây cầu gần khu phi quân sự từng chia cắt hai miền nam bắc. Người phụ nữ nói rằng người Mỹ đã phá hủy cây cầu nhiều lần và giết chết những người mà cô biết. Nhưng sau đó, "với cách nói thân mật dành cho các thành viên trong gia đình", cô nói với tác giả rằng Mỹ và Việt Nam giờ là bạn bè, và "ngày nay, cậu và tôi là chị em một nhà". Trong phiên điều trần xác nhận việc bổ nhiệm đại sứ trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào năm 2014, Osius đã nhắc lại câu chuyện này như một bằng chứng cho thấy "tinh thần tha thứ và hòa giải" của người Việt Nam.

Sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, như Osius kể lại, đã diễn ra thông qua các biện pháp và hình thức khác nhau, từ nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh cho đến các động thái nhằm xây dựng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Những tường thuật tỉ mỉ và thú vị của cuốn sách về những nỗ lực này giúp người đọc hiểu rõ hơn về hoạt động phức tạp bên trong của bộ máy hoạch định chính sách của cả hai bên, cũng như cách họ vượt qua những trở ngại khác nhau để đạt được các thỏa hiệp giúp giữ cho quan hệ song phương tiến về phía trước. Một số ví dụ liên quan và thú vị được đề cập trong cuốn sách bao gồm nỗ lực vận động để chính quyền Mỹ phê duyệt ngân sách rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin ở Việt Nam, việc thuyết phục các lãnh đạo Việt Nam đồng ý cho tu sửa một nghĩa trang dành cho quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa, hoặc thuyết phục Tổng thống Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục, bất chấp việc ông Trọng chỉ là lãnh đạo một chính đảng (chứ không phải là lãnh đạo hành pháp), trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ năm 2015.

Mặc dù chủ đề chính của cuốn sách là về hòa giải Mỹ – Việt, nhưng nó cũng đề cập đến những phát triển khác nhau hướng tới tương lai trong quan hệ song phương, chẳng hạn như các sáng kiến ​​hp tác kinh tế, giáo dc và quc phòng. Vic ký Hip định Thương mi song phương Việt – Mỹ năm 2000, thành lập Đại học Fulbright Việt Nam năm 2016, và chuyến thăm của tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson đến Việt Nam năm 2018, tất cả đều được mô tả chi tiết trong cuốn sách, là những ví dụ phù hợp cho thấy cam kết của hai nước trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung và ứng phó với các thách thức tương lai, cho dù là trong việc theo đuổi sự thịnh vượng và phát triển của mỗi nước, hay trên những vùng biển đầy thử thách của Biển Đông.

Cuốn sách nói chung đưa ra một cái nhìn lạc quan về quan hệ Việt – Mỹ, nhưng tác giả cũng mang lại sự cân bằng cho những câu chuyện này bằng cách thảo luận về các thách thức đang kìm hãm quan hệ song phương. Hai vấn đề cụ thể được đề cập sâu trong cuốn sách là sự phản đối của một bộ phận cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ đối với nỗ lực của Washington nhằm phát triển quan hệ với Hà Nội, và sự khác biệt giữa hai nước về vấn đề nhân quyền.

Trường hợp thứ hai được minh họa rõ ràng qua lời kể của tác giả về các cuộc đàm phán căng thẳng với các quan chức Việt Nam nhằm sắp xếp cho cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với các thành viên xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam của ông vào tháng 5 năm 2016. Osius đã đạt được đảm bảo từ một lãnh đạo Việt Nam rằng chính quyền Việt Nam sẽ không can thiệp vào cuộc họp miễn là họ được cung cấp trước danh sách những người tham gia, và những người đó chưa từng bị cơ quan chức năng Việt Nam điều tra. Tuy nhiên, trước sự thất vọng của các quan chức Mỹ, vào hôm trước cuộc họp, các quan chức an ninh Việt Nam đã sử dụng các chiến thuật khác nhau để tạm giữ hoặc đe dọa 5 trong số 9 thành viên được mời, khiến cuộc gặp suýt nữa đổ bể.

Bất chấp những cam kết của Mỹ về việc tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam, một số lãnh đạo Việt Nam vẫn lo sợ mơ hồ về mối đe dọa thay đổi chế độ, được cho là do âm mưu "diễn biến hòa bình" của Mỹ gây ra. Nhưng nỗi sợ hãi như vậy là không có căn cứ. Như cuốn sách của Osius cho thấy, Mỹ đã học được cách tôn trọng các lợi ích chính trị của Việt Nam, đồng thời có mong muốn mạnh mẽ trong việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang gia tăng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Trái ngược với suy nghĩ của các quan chức này, một mối quan hệ bền chặt hơn với Hoa Kỳ sẽ giúp củng cố, thay vì làm suy yếu, chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều ví dụ lịch sử, từ Chile, Nicaragua và Cuba, đến Iran, Iraq và Triều Tiên, cho thấy rằng, các chế độ thân thiện với Mỹ và lợi ích của nước này sẽ có một kết cục tươi sáng hơn nhiều so với các chế độ thù địch với Mỹ.

Tuy nhiên, những quan chức vẫn giữ lối suy nghĩ lỗi thời như vậy dường như chỉ là thiểu số. Những diễn biến gần đây, bao gồm các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng 7 và Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng 8, cũng như chuyến thăm Mỹ trong tuần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy quan hệ Việt – Mỹ vẫn duy trì đà phát triển mạnh mẽ mà Đại sứ Osius từng chứng kiến trong nhiệm kỳ của ông tại Hà Nội. Hai nước vẫn đang nỗ lực để vượt ra ngoài quá trình hòa giải, hướng tới một sự hợp tác thực chất hơn, đồng thời tiếp tục duy trì đánh giá của Pete Peterson rằng "Không có gì là không thể trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam".

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/09/2021

Lê Hồng Hiệp là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore. Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hồng Hiệp
Read 343 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)