Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 22 mars 2020 21:20

Tiềm năng quan hệ Mỹ-ASEAN

Cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất của ISEAS cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng giành được ưu thế kinh tế và chiến lược ở Đông Nam Á so với Mỹ. Do đó, để lấy lại lợi thế của mình tại khu vực này, Mỹ phải xác định lại các điều khoản cạnh tranh.

tiemnang1

Mỹ đã tham vấn các đối tác ASEAN và đưa ra một quyết định khó khăn là hoãn cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 3

Trong một diễn biến đáng tiếc liên quan đến nỗi sợ ngày càng lớn về dịch Covid-19, Chính quyền Trump đã quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với tất cả 10 nước thành viên ASEAN dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 ở Las Vegas, Nevada. Một quan chức cấp cao nói với các phóng viên : "Giữa lúc cộng đồng quốc tế hợp tác chống lại dịch Covid-19, Mỹ đã tham vấn các đối tác ASEAN và đưa ra một quyết định khó khăn là hoãn cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 3. Mỹ đánh giá cao mối quan hệ với các nước trong khu vực quan trọng này và mong chờ các cuộc họp trong tương lai".

Hội nghị thượng đỉnh tại Las Vegas phần lớn được xem là một nỗ lực để bù đắp cho việc Tổng thống Donald Trump vắng mặt tại cả hai hội nghị thượng đỉnh của ASEAN vào năm 2018 và năm 2019, điều đã làm dấy lên mối hoài nghi rằng Mỹ không đáng tin cậy. Tổng thống Mỹ cũng đã cử đại diện cấp thấp nhất của nước này tính từ năm 2011 tới dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2019.

Sau khi trích dẫn chính sách ngoại giao gây bối rối và việc Chính quyền Trump cắt giảm ngân sách ngoại giao nói chung, một số nhà quan sát tuyên bố sự bá quyền tồn tại suốt nhiều thập kỷ của Mỹ tại Đông Nam Á đã chấm dứt, và Trung Quốc là cường quốc mới giữ vai trò chi phối. Tuy nhiên, do tư tưởng thân Mỹ vẫn tồn tại ở khu vực này - và sự hoài nghi của họ đối với Trung Quốc ngày càng lớn – nên Mỹ rõ ràng vẫn giữ được lợi thế dẫn đầu trong cuộc đua lôi kéo Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu Washington muốn làm vậy, thì họ cần đẩy mạnh, cải cách và xác định lại chiến lược của mình.

Một khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) có trụ sở tại Singapore cho thấy đại đa số giới tinh hoa ở Đông Nam Á mô tả Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực này. Tuy nhiên, phần lớn họ đều nhất trí rằng dưới thời Trump, Mỹ can dự ít hơn vào khu vực. Điều này đã thúc đẩy các chính phủ Đông Nam Á tìm kiếm sự hỗ trợ cả về chính trị lẫn kinh tế ở nơi khác, cụ thể là Bắc Kinh. Tất cả 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) với Trung Quốc ; đầu tư cũng như ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở khu vực này đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã kích động phản ứng dữ dội do thái độ quyết đoán của họ về vấn đề lãnh thổ và mối lo ngại về bẫy nợ liên quan đến các dự án đầu tư. Không có vấn đề nào phủ bóng lên mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN hơn việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông. Trong một cuộc họp năm 2016, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trao cho các nhà ngoại giao ASEAN một văn bản "bày tỏ sự đồng thuận" đề cập tới các vấn đề gây bất đồng như tranh chấp lãnh thổ trên biển và yêu cầu họ ký tên mà không tham vấn trước. Động thái này rõ ràng đã khiến một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Philippines, Việt Nam và Malaysia, tức giận. Một trong những nhà ngoại giao tham dự cuộc họp đã nói : "Trung Quốc đã đi quá xa và gây phản tác dụng. Có một cách hay hơn để diễn đạt những điều này thay vì đưa ra thông điệp ‘Chúng tôi đúng và bạn đã sai’". Thái độ hung hăng của Trung Quốc trong lĩnh vực này tiếp tục gây ra phản ứng dữ dội. Năm 2019, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc có hành động đe dọa và ép buộc, thậm chí còn đặt câu hỏi liệu Hà Nội và Bắc Kinh có thể đàm phán về những tuyên bố trong lĩnh vực này một cách có thiện chí hay không. Mặt khác, Mỹ vẫn quan tâm đến việc đảm bảo quyền tự do hàng hải trong vùng biển này, và tiếp tục ủng hộ các đối tác của mình theo đuổi một cộng đồng hàng hải ổn định.

Sự thẳng thắn không nên có của Trung Quốc thể hiện rõ trong nỗ lực ngoại giao của họ ở những nơi khác, điều giải thích một phần lý do tại sao đối với nhiều nước Đông Nam Á, Mỹ vẫn được ưa thích hơn. James M. Dorsey viết : "Điều gây lo ngại không phải là tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà chính là khả năng đánh giá chiến lược của Bắc Kinh và cách hành xử của Trung Quốc khi họ trở nên mạnh hơn về quân sự và kinh tế".

Khảo sát năm 2020 của ISEAS cho thấy khu vực này quan ngại sâu sắc về Trung Quốc và mong ngóng sự can dự của Mỹ. 71% người tham gia khảo sát cho biết họ lo lắng về ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ; 85% lo lắng về ảnh hưởng chiến lược của nước này. Mặt khác, số người hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Mỹ lần lượt là 70% và 52%. Những con số này nhất quán với kết quả thăm dò ý kiến trước đó, vốn cho thấy thiện cảm chung đã có từ lâu của người dân Châu Á đối với Mỹ. Một số quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn tỏ ra cảnh giác hơn với Trung Quốc : Năm 2014, 93% người Philippines và 84% người Việt Nam cho biết họ lo ngại rằng những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự.

Trong khi Đông Nam Á vẫn bày tỏ thiện chí với Washington, thì sự can dự hạn chế của Chính quyền Trump đang gây tổn hại đến ảnh hưởng của Mỹ ở đó, đẩy các nước tiến gần hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc. Đáng chú ý, theo báo cáo của ISEAS, 60% số người tham gia khảo sát có thái độ nghi ngờ đối với Mỹ nói rằng niềm tin của họ vào Washington sẽ tăng lên nếu Trump không còn là tổng thống. Những con số này đặc biệt cao ở Indonesia, Malaysia, Brunei và Singapore – những nước mà phần lớn dân số theo đạo Hồi và dường như là những người tức giận nhất trước giọng điệu bài Hồi giáo của Trump.

Nhà Trắng và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã thiếu khôn khéo khi ám chỉ ASEAN phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) của Chính quyền Mỹ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng hoạt động kinh tế trục lợi để đẩy các nước vào phạm vi ảnh hưởng của họ, nhưng Mỹ không đưa ra được bất kỳ kế hoạch nào thay thế cho dự án đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tiếp tục từ chối việc lựa chọn 1 trong 2 mà Mỹ ám chỉ và mong muốn duy trì quan hệ với cả hai nước. Tuy nhiên, người dân Đông Nam Á cũng lo ngại rằng chính phủ của họ sẽ phải đối phó với sức ép buộc họ phải lựa chọn bằng cách dựa nhiều hơn vào Trung Quốc, một lựa chọn có thể dự đoán được. Cuối năm 2019, Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir đã nói : "Chúng tôi không đủ khả năng xây những tuyến đường sắt tốn kém này. Dù có thích hay không thì chúng tôi vẫn phải tìm đến Trung Quốc".

Ngay cả các đối tác khác của Mỹ như Việt Nam cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Việc yêu cầu các nước Đông Nam Á phải lựa chọn giữa Trung Quốc, một phương án cận kề và thiết thực, và một nước Mỹ đang ngày càng xa cách về mặt ngoại giao là một bước đi thất sách của Washington, đặc biệt là khi Mỹ chưa thể vạch ra một kế hoạch hấp dẫn hơn BRI đối với các nhà lãnh đạo khu vực.

Điều khôn ngoan mà Chính quyền Trump cần làm là thi hành một chiến lược thu hút các đối tác Đông Nam Á vốn đang thận trọng không để Trung Quốc xa lánh. Trước hết, Mỹ cần tránh tạo ra các khối thù địch ở Đông Nam Á bằng cách buộc các đối tác khu vực phải hỗ trợ Chính quyền Trump kiềm chế Trung Quốc. Nếu muốn các đối tác trong khu vực ngả về phía Mỹ và ủng hộ tầm nhìn FOIP, thì Mỹ phải thu hút họ theo các điều kiện riêng của họ chứ không phải kích động họ tham gia một liên minh chống Trung Quốc.

Thứ hai, ngay cả khi có được sự hỗ trợ của các đối tác trong khu vực như Nhật Bản thì trên thực tế Mỹ cũng không thể hy vọng vượt qua BRI của Trung Quốc. Thay vào đó, Washington cần đưa ra một tầm nhìn kinh tế đa phương khả thi cho khu vực này thay vì rút khỏi thỏa thuận thương mại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc phối hợp với các đồng minh như Nhật Bản và Úc đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực là một dự án liên kết đầy hứa hẹn. Mỹ cũng viện trợ kinh tế cho các nước phát triển như Campuchia và Myanmar theo những cách giúp tăng cường các lợi ích của Mỹ mà không làm gia tăng chủ nghĩa độc đoán (mối lo ngại của hầu hết các nước Đông Nam Á) hay yêu cầu họ chấm dứt quan hệ với Trung Quốc. Mỹ cần tiếp tục viện trợ cho các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và giáo dục, vốn không bị những kẻ chuyên quyền kiểm soát trực tiếp và sẽ tác động tích cực nhất đến người dân, đồng thời phối hợp với các đối tác khu vực phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên các tiêu chuẩn về sự minh bạch và môi trường, điều mà BRI còn thiếu. Do đó, Mỹ không nên đặt mục tiêu đối đầu trực tiếp với BRI mà nên phát triển một giải pháp thuyết phục để thay thế BRI và sau đó tái can dự với Trung Quốc trong vai trò là một nước ở thế mạnh.

Thứ ba, Washington cần đầu tư nhiều công sức hơn vào hoạt động ngoại giao, đặc biệt là trong các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các đối tác khu vực. Bất cứ khi nào có thể, tổng thống Mỹ các nhiệm kỳ cần tránh bỏ qua các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Đông Nam Á, như Trump đã làm trong năm 2018 và 2019 (trong khi năm 2017, ông đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN nhưng từ chối ở lại dự Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức ngay sau đó). Chính quyền Mỹ phải bổ sung các vị trí ngoại giao còn trống và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á. Việc Trump bổ nhiệm Patrick Murphy, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, làm đại sứ Mỹ tại Campuchia vào mùa Hè năm 2019 là một bước khởi đầu mạnh mẽ, phát tín hiệu cho thấy sự quan tâm của Washington tới Phnom Penh. Các tuyên bố từ Nhà Trắng về Campuchia cũng góp phần trong nỗ lực này. Dù vậy, vẫn khó có thể giải thích cho việc Trump vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại ASEAN, Philippines và Singapore, trong khi đó người được Trump bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Indonesia vẫn chưa được xác nhận. Tất nhiên, Trung Quốc đã có đại sứ tại những vị trí này, làm tăng thêm lợi thế ngoại giao của mình so với Mỹ trong khu vực.

Cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất của ISEAS cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng giành được ưu thế kinh tế và chiến lược ở Đông Nam Á so với Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những sai lầm ngớ ngẩn và sự lơ là của Chính quyền Trump liên quan đến ASEAN, Mỹ vẫn là đối tác được giới tinh hoa ở nhiều nước trong khu vực lựa chọn, phần lớn là do các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc và nhiều vấn đề khác. Với chiến lược đồng bộ nhằm xây dựng lại uy tín của Mỹ, Đông Nam Á vẫn là địa bàn mà Washington không thể để mất, và bá quyền Trung Quốc vẫn là một kết quả xa vời.

Tuy vậy, Chính quyền Trump cần nhanh chóng từ bỏ luận điệu đối đầu mà thay vào đó nên can dự với Đông Nam Á theo các điều kiện mà khu vực này đặt ra, và theo những cách cho phép các quốc gia trong khu vực có sự linh hoạt để chống lại Trung Quốc – ngay cả khi họ vẫn duy trì quan hệ thương mại và ngoại giao với siêu cường đang lớn mạnh nhanh chóng này.

Charles Dunst & Hunter Marston

Nguyên tác : Making the Most of US-ASEAN Ties, Even Without the Vegas Summit , The Diplomat, 17/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 17/03/2020

Charles Dunst là cộng tác viên của LSE IDEAS, nhà tư tưởng chính sách đối ngoại của Trường Kinh tế Luân Đôn. Hunter Marston là nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc. Bài viết được đăng trên The Diplomat

Published in Diễn đàn

Với tất cả những tiết lộ khác nhau về các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, giới phân tích càng lúc càng lo ngại trước điều được cho là sự thờ ơ tương đối của tân chính quyền Mỹ đối với Đông Nam Á so với thời Obama. Tuy nhiên, chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 30/03/2017 đã cho rằng nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy là chính sách can dự vào Châu Á của chính quyền Donald Trump vẫn là một sự tiếp nối của đường lối ngoại giao Mỹ nói chung, chứ không phải là một sự đoạn tuyệt như nhiều người bi quan thường nghĩ. Trong chiều hướng đó, tờ báo đã nêu bật 5 điểm mà Hoa Kỳ cần chú ý trong chính sách Đông Nam Á của mình.

myasean1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) bắt tay ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 19/03/2017 tại Bắc Kinh. Reuters/路透社

Theo Prashanth Parameswaran, tác giả bài phân tích dài mang tựa đề "Trắc nghiệm ASEAN thực thụ của (tổng thống Mỹ) Trump - Trump’s Real ASEAN Test", tân tổng thống Mỹ Donald Trump thoạt đầu đã khiến cả Đông Nam Á lo ngại với ba quyết định được cho là phản ánh một chính sách đối ngoại theo kiểu "America First – Nước Mỹ trên hết" : Rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, đặt lại câu hỏi về chính sách Một nước Trung Hoa duy nhất và cấm cửa công dân từ 7 nước Hồi Giáo (dẫn tới những tin đồn vô căn cứ về khả năng mở rộng ra một số quốc gia Đông Nam Á).

Tuy vậy, theo The Diplomat, phải thấy rằng chính quyền Donald Trump chỉ mới ở những ngày đầu, và chính sách đối ngoại còn đang sơ khai. Trong bối cảnh đó, đã có một số dấu hiệu tích cực :

Đầu tháng Ba này, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp các đại sứ và đại biện của các quốc gia ASEAN tại Washington, và đã cố trấn an về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực. Bên cạnh đó, mặc dù việc bổ nhiệm dàn nhân sự chuyên trách tiến triển chậm hơn so với các chính quyền trước, nhưng các nhà ngoại giao và quan chức các nước ASEAN cũng đã bắt đầu tiếp xúc được với các quan chức chính quyền Trump ở các cấp khác nhau để lên kế hoạch thăm viếng cho năm nay.

Sắp tới đây sẽ có hai sự kiện quan trọng : Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ thăm Indonesia trong khuôn khổ một vòng công du Châu Á rộng lớn hơn, và một cuộc họp giữa ngoại trưởng Tillerson và các đồng nhiệm ASEAN.

Theo The Diplomat, vào lúc chính sách Đông Nam Á của chính quyền Trump bắt đầu hình thành, điều quan trọng là chính sách đó phải giúp Mỹ duy trì được vai trò một cường quốc Thái Bình Dương, có năng lực và quyết tâm củng cố an ninh, thịnh vượng và dân chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, biết cộng tác với nước Đông Nam Á để đối phó với những thách thức chung theo chiều hướng vừa thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ nhưng vẫn bảo đảm sao cho các đối tác giữ được quyền tự chủ và tự do hành động của họ.

Muốn thế thì theo bài báo, cần phải thực hiện năm điều :

Tiếp tục tập trung mối quan tâm vào Châu Á

Trước tiên hết, theo The Diplomat, chính quyền Trump phải đảm bảo rằng Hoa Kỳ vẫn tập trung vào Châu Á trong chính sách đối ngoại.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tầm quan trọng ngày càng tăng của Châu Á trên thế giới thường không phù hợp với vị trí của nó trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, với việc Washington thường xuyên bị phân tâm vì lo lắng đến các khu vực khác từ Balkan đến Trung Đông.

Chính sách tái cân bằng gần đây chính là một nỗ lực nhằm điều chỉnh lại vấn đề, với việc Mỹ ưu tiên cho Châu Á nhưng vẫn tiếp tục giải quyết các mối quan ngại ở các nơi khác trên thế giới, điều mà bất kỳ một siêu cường toàn cầu nào đều làm.

Mặc dù có thể không chấp nhận thuật ngữ tái cân bằng, nhưng chính quyền Trump nên thể hiện tinh thần của nó và giảm bớt mối quan ngại về khả năng Hoa Kỳ lơ là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày nay, khi nói chuyện với một quan chức ngoại giao Đông Nam Á, khó tránh được đề tài Hoa Kỳ lại có thể bị lôi cuốn vào khu vực khác - có thể là Trung Đông – và xa rời Châu Á…

Đối với The Diplomat, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump là làm sao gạt bỏ được mối quan ngại là quan điểm Nước Mỹ Trên Hết sẽ tác hại đến một chính sách đối ngoại theo hướng Châu Á Trước Hết.

Xây dựng lại nền tảng của sức mạnh Mỹ

Điểm thứ hai là chính quyền Trump nên xây dựng lại nền tảng tạo nên sức mạnh của Hoa Kỳ vốn là cơ sở giúp Mỹ dấn thân lâu dài vào vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Cho dù những dự báo về ngày tàn của Mỹ đã bị phóng đại quá mức…, phải nói là chính sách tài chính thiếu trách nhiệm và những chệch choạc chính trị mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua đã làm tăng thêm nỗi lo về sức mạnh của Hoa Kỳ.

Mặc dù đây là nhiệm vụ của nhiều chính phủ, nhưng chính quyền của tổng thống Trump đang có cơ hội bắt tay vào việc xây dựng nền móng tại Hoa Kỳ cho chính sách của Mỹ ở Châu Á.

Về phương diện quân sự, điều này đang được tiến hành với triển vọng rất khả quan nhờ ngân sách quốc phòng dồi dào hơn, không còn bị khống chế. Nhưng vế quân sự phải được cân bằng với những động thái trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, bằng không thì Mỹ có thể bị chỉ trích là có chính sách quá nặng về quân sự.

Về phía kinh tế, chính quyền Trump phải giải quyết các vấn đề mang tính chất cơ cấu như phát triển cơ sở hạ tầng và đưa ra được một chính sách thương mại phù hợp hơn với mong muốn của đa số dân Mỹ. Việc rút ra khỏi Hiệp Định TPP buộc chính quyền phải tiến bước với một số sáng kiến kinh tế thay thế, kể cả với một vài thỏa thuận song phương quan trọng hoặc một vài hình thức sắp xếp nhỏ khác.

Tìm thế cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung

Điểm thứ ba, chính quyền Trump phải tìm được thế cân bằng trong việc vừa hòa dịu, vừa cảnh giác trong quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù các chính quyền Mỹ vẫn thường cho thấy là thoạt đầu họ luôn gặp khó khăn khi xử lý quan hệ với Trung Quốc, tuy nhiên, dù đúng hay sai, thì nhiều nhà quan sát nghiêm túc ở Đông Nam Á đều đã có cảm giác là chính quyền Trump thay đổi quá đột ngột, từ một lập trường cực kỳ hiếu chiến, qua một thái độ quá mềm mỏng.

Một ví dụ được The Diplomat nêu lên là hiện đang có tâm lý hoài nghi về khả năng chính quyền Trump đã "đi đêm" với Bắc Kinh trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, và hy sinh các vấn đề khác như Biển Đông. Mặc dù những nỗi lo ngại đó hoàn toàn sai lạc, nhưng tại vùng Đông Nam Á, các cảm nhận có thể nhanh chóng biến thành suy nghĩ thực.

Chính quyền của tổng thống Obama được cho là đã làm tốt hơn trong việc lôi kéo Trung Quốc thay vì đối đầu trên những vấn đề không cần thiết. Chính quyền Trump cần sớm tìm ra thế cân bằng tốt hơn và báo hiệu điều này cho khu vực biết, bởi vì điều đó sẽ quyết định cách tiếp cận của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc…

Trên bình diện này, các nước Đông Nam Á sẽ xem xét kỹ lưỡng hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào tháng 4. Việc đạt được thế cân bằng cũng sẽ làm tăng khả năng làm việc của chính quyền Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, về cách đối phó với một Trung Quốc đang vươn lên, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nước này.

Thận trọng xử lý các mối đe dọa

Điểm thứ tư là chính quyền Trump nên dấn thân vào vùng Đông Nam Á không chỉ thông qua lăng kính của những mối đe dọa hạn hẹp đối với Mỹ, mà là nhằm vào những lợi ích lâu dài.

Việc yêu cầu các các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN cố gắng nhiều hơn để giúp Hoa Kỳ giải quyết những vấn đề quan trọng đối với lợi ích của Hoa Kỳ - chống lại Nhà Nước Hồi Giáo hay đối đầu với Trung Quốc - có thể đạt hiệu quả nếu được làm đúng. Tuy nhiên, chính quyền Trump cũng phải thấy rằng một chính sách Trung Quốc không cân bằng, hoặc là một mối đe dọa liên quan đến chủ nghĩa khủng bố bị đánh giá là quá mức, cũng có thể khiến cho cư dân các nước Đông Nam Á thiếu tích cực trong việc ủng hộ Mỹ, hay cũng như hạn chế phạm vi hoạt động của giới hoạch định chính sách…

Tương tự như vậy, ngay cả khi việc ông Trump tham gia các hội nghị thượng đỉnh tại Châu Á còn được chú ý hơn Obama, thì chính quyền của ông phải chứng minh rằng họ ủng hộ chính sách đa phương ở Đông Nam Á . Cho dù ASEAN làm việc chậm chạp, thì các nước Đông Nam Á và ASEAN là một tác nhân quan trọng trong việc giúp ông Trump và các cố vấn của ông đối phó với những thách thức mà họ cho là quan trọng như khủng bố và an ninh hàng hải.

Cho dù ông Trump và những thành viên khác trong chính phủ của ông phải kiên nhẫn khi dự những cuộc họp thượng đỉnh như vậy, thì đấy cũng là cơ hội để tiến hành những cuộc gặp gỡ song phương quan trọng với nhiều nước khác bên lề hội nghị, kể cả với chủ tịch ASEAN (Philippines năm 2017, Singapore 2018). Song phương và đa phương không hề mâu thuẫn với nhau.

Xử lý đúng đắn vấn đề nhân quyền và dân chủ

Điểm cuối cùng là chính quyền Trump cần bảo đảm rằng dân chủ và nhân quyền vẫn là trụ cột của chính sách Châu Á của Mỹ. Ông Trump thường được mô tả là ít quan tâm đến việc thúc đẩy giá trị của Mỹ mà chỉ quan tâm đến những quyền lợi thương mại hẹp hòi.

Theo The Diplomat, xử sự không đúng trên vấn đề các quyền (tự do) thật sự là một sai lầm, vì điều đó cho thấy là Mỹ muốn vứt bỏ dân chủ và nhân quyền đối với một số quốc gia như Thái Lan hay Philippines, và sẽ giảm đi khả năng gây sức ép của Mỹ trên các quốc gia này…

Vạch ra một đường lối rõ ràng cũng giúp cho ê kíp của ông Trump đi trước các sự kiện, với các cuộc bầu cử ở Malaysia và Cam Bốt trong năm tới đây, với khả năng diễn ra những thay đổi quan trọng hay phản ứng dữ dội…

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 30/03/2017

Published in Diễn đàn