Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/03/2020

Tiềm năng quan hệ Mỹ-ASEAN

Charles Dunst & Hunter Marston

Cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất của ISEAS cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng giành được ưu thế kinh tế và chiến lược ở Đông Nam Á so với Mỹ. Do đó, để lấy lại lợi thế của mình tại khu vực này, Mỹ phải xác định lại các điều khoản cạnh tranh.

tiemnang1

Mỹ đã tham vấn các đối tác ASEAN và đưa ra một quyết định khó khăn là hoãn cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 3

Trong một diễn biến đáng tiếc liên quan đến nỗi sợ ngày càng lớn về dịch Covid-19, Chính quyền Trump đã quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với tất cả 10 nước thành viên ASEAN dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 ở Las Vegas, Nevada. Một quan chức cấp cao nói với các phóng viên : "Giữa lúc cộng đồng quốc tế hợp tác chống lại dịch Covid-19, Mỹ đã tham vấn các đối tác ASEAN và đưa ra một quyết định khó khăn là hoãn cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 3. Mỹ đánh giá cao mối quan hệ với các nước trong khu vực quan trọng này và mong chờ các cuộc họp trong tương lai".

Hội nghị thượng đỉnh tại Las Vegas phần lớn được xem là một nỗ lực để bù đắp cho việc Tổng thống Donald Trump vắng mặt tại cả hai hội nghị thượng đỉnh của ASEAN vào năm 2018 và năm 2019, điều đã làm dấy lên mối hoài nghi rằng Mỹ không đáng tin cậy. Tổng thống Mỹ cũng đã cử đại diện cấp thấp nhất của nước này tính từ năm 2011 tới dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2019.

Sau khi trích dẫn chính sách ngoại giao gây bối rối và việc Chính quyền Trump cắt giảm ngân sách ngoại giao nói chung, một số nhà quan sát tuyên bố sự bá quyền tồn tại suốt nhiều thập kỷ của Mỹ tại Đông Nam Á đã chấm dứt, và Trung Quốc là cường quốc mới giữ vai trò chi phối. Tuy nhiên, do tư tưởng thân Mỹ vẫn tồn tại ở khu vực này - và sự hoài nghi của họ đối với Trung Quốc ngày càng lớn – nên Mỹ rõ ràng vẫn giữ được lợi thế dẫn đầu trong cuộc đua lôi kéo Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu Washington muốn làm vậy, thì họ cần đẩy mạnh, cải cách và xác định lại chiến lược của mình.

Một khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) có trụ sở tại Singapore cho thấy đại đa số giới tinh hoa ở Đông Nam Á mô tả Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực này. Tuy nhiên, phần lớn họ đều nhất trí rằng dưới thời Trump, Mỹ can dự ít hơn vào khu vực. Điều này đã thúc đẩy các chính phủ Đông Nam Á tìm kiếm sự hỗ trợ cả về chính trị lẫn kinh tế ở nơi khác, cụ thể là Bắc Kinh. Tất cả 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) với Trung Quốc ; đầu tư cũng như ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở khu vực này đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã kích động phản ứng dữ dội do thái độ quyết đoán của họ về vấn đề lãnh thổ và mối lo ngại về bẫy nợ liên quan đến các dự án đầu tư. Không có vấn đề nào phủ bóng lên mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN hơn việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông. Trong một cuộc họp năm 2016, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trao cho các nhà ngoại giao ASEAN một văn bản "bày tỏ sự đồng thuận" đề cập tới các vấn đề gây bất đồng như tranh chấp lãnh thổ trên biển và yêu cầu họ ký tên mà không tham vấn trước. Động thái này rõ ràng đã khiến một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Philippines, Việt Nam và Malaysia, tức giận. Một trong những nhà ngoại giao tham dự cuộc họp đã nói : "Trung Quốc đã đi quá xa và gây phản tác dụng. Có một cách hay hơn để diễn đạt những điều này thay vì đưa ra thông điệp ‘Chúng tôi đúng và bạn đã sai’". Thái độ hung hăng của Trung Quốc trong lĩnh vực này tiếp tục gây ra phản ứng dữ dội. Năm 2019, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc có hành động đe dọa và ép buộc, thậm chí còn đặt câu hỏi liệu Hà Nội và Bắc Kinh có thể đàm phán về những tuyên bố trong lĩnh vực này một cách có thiện chí hay không. Mặt khác, Mỹ vẫn quan tâm đến việc đảm bảo quyền tự do hàng hải trong vùng biển này, và tiếp tục ủng hộ các đối tác của mình theo đuổi một cộng đồng hàng hải ổn định.

Sự thẳng thắn không nên có của Trung Quốc thể hiện rõ trong nỗ lực ngoại giao của họ ở những nơi khác, điều giải thích một phần lý do tại sao đối với nhiều nước Đông Nam Á, Mỹ vẫn được ưa thích hơn. James M. Dorsey viết : "Điều gây lo ngại không phải là tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà chính là khả năng đánh giá chiến lược của Bắc Kinh và cách hành xử của Trung Quốc khi họ trở nên mạnh hơn về quân sự và kinh tế".

Khảo sát năm 2020 của ISEAS cho thấy khu vực này quan ngại sâu sắc về Trung Quốc và mong ngóng sự can dự của Mỹ. 71% người tham gia khảo sát cho biết họ lo lắng về ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ; 85% lo lắng về ảnh hưởng chiến lược của nước này. Mặt khác, số người hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Mỹ lần lượt là 70% và 52%. Những con số này nhất quán với kết quả thăm dò ý kiến trước đó, vốn cho thấy thiện cảm chung đã có từ lâu của người dân Châu Á đối với Mỹ. Một số quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn tỏ ra cảnh giác hơn với Trung Quốc : Năm 2014, 93% người Philippines và 84% người Việt Nam cho biết họ lo ngại rằng những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự.

Trong khi Đông Nam Á vẫn bày tỏ thiện chí với Washington, thì sự can dự hạn chế của Chính quyền Trump đang gây tổn hại đến ảnh hưởng của Mỹ ở đó, đẩy các nước tiến gần hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc. Đáng chú ý, theo báo cáo của ISEAS, 60% số người tham gia khảo sát có thái độ nghi ngờ đối với Mỹ nói rằng niềm tin của họ vào Washington sẽ tăng lên nếu Trump không còn là tổng thống. Những con số này đặc biệt cao ở Indonesia, Malaysia, Brunei và Singapore – những nước mà phần lớn dân số theo đạo Hồi và dường như là những người tức giận nhất trước giọng điệu bài Hồi giáo của Trump.

Nhà Trắng và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã thiếu khôn khéo khi ám chỉ ASEAN phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) của Chính quyền Mỹ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng hoạt động kinh tế trục lợi để đẩy các nước vào phạm vi ảnh hưởng của họ, nhưng Mỹ không đưa ra được bất kỳ kế hoạch nào thay thế cho dự án đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tiếp tục từ chối việc lựa chọn 1 trong 2 mà Mỹ ám chỉ và mong muốn duy trì quan hệ với cả hai nước. Tuy nhiên, người dân Đông Nam Á cũng lo ngại rằng chính phủ của họ sẽ phải đối phó với sức ép buộc họ phải lựa chọn bằng cách dựa nhiều hơn vào Trung Quốc, một lựa chọn có thể dự đoán được. Cuối năm 2019, Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir đã nói : "Chúng tôi không đủ khả năng xây những tuyến đường sắt tốn kém này. Dù có thích hay không thì chúng tôi vẫn phải tìm đến Trung Quốc".

Ngay cả các đối tác khác của Mỹ như Việt Nam cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Việc yêu cầu các nước Đông Nam Á phải lựa chọn giữa Trung Quốc, một phương án cận kề và thiết thực, và một nước Mỹ đang ngày càng xa cách về mặt ngoại giao là một bước đi thất sách của Washington, đặc biệt là khi Mỹ chưa thể vạch ra một kế hoạch hấp dẫn hơn BRI đối với các nhà lãnh đạo khu vực.

Điều khôn ngoan mà Chính quyền Trump cần làm là thi hành một chiến lược thu hút các đối tác Đông Nam Á vốn đang thận trọng không để Trung Quốc xa lánh. Trước hết, Mỹ cần tránh tạo ra các khối thù địch ở Đông Nam Á bằng cách buộc các đối tác khu vực phải hỗ trợ Chính quyền Trump kiềm chế Trung Quốc. Nếu muốn các đối tác trong khu vực ngả về phía Mỹ và ủng hộ tầm nhìn FOIP, thì Mỹ phải thu hút họ theo các điều kiện riêng của họ chứ không phải kích động họ tham gia một liên minh chống Trung Quốc.

Thứ hai, ngay cả khi có được sự hỗ trợ của các đối tác trong khu vực như Nhật Bản thì trên thực tế Mỹ cũng không thể hy vọng vượt qua BRI của Trung Quốc. Thay vào đó, Washington cần đưa ra một tầm nhìn kinh tế đa phương khả thi cho khu vực này thay vì rút khỏi thỏa thuận thương mại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc phối hợp với các đồng minh như Nhật Bản và Úc đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực là một dự án liên kết đầy hứa hẹn. Mỹ cũng viện trợ kinh tế cho các nước phát triển như Campuchia và Myanmar theo những cách giúp tăng cường các lợi ích của Mỹ mà không làm gia tăng chủ nghĩa độc đoán (mối lo ngại của hầu hết các nước Đông Nam Á) hay yêu cầu họ chấm dứt quan hệ với Trung Quốc. Mỹ cần tiếp tục viện trợ cho các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và giáo dục, vốn không bị những kẻ chuyên quyền kiểm soát trực tiếp và sẽ tác động tích cực nhất đến người dân, đồng thời phối hợp với các đối tác khu vực phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên các tiêu chuẩn về sự minh bạch và môi trường, điều mà BRI còn thiếu. Do đó, Mỹ không nên đặt mục tiêu đối đầu trực tiếp với BRI mà nên phát triển một giải pháp thuyết phục để thay thế BRI và sau đó tái can dự với Trung Quốc trong vai trò là một nước ở thế mạnh.

Thứ ba, Washington cần đầu tư nhiều công sức hơn vào hoạt động ngoại giao, đặc biệt là trong các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các đối tác khu vực. Bất cứ khi nào có thể, tổng thống Mỹ các nhiệm kỳ cần tránh bỏ qua các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Đông Nam Á, như Trump đã làm trong năm 2018 và 2019 (trong khi năm 2017, ông đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN nhưng từ chối ở lại dự Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức ngay sau đó). Chính quyền Mỹ phải bổ sung các vị trí ngoại giao còn trống và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á. Việc Trump bổ nhiệm Patrick Murphy, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, làm đại sứ Mỹ tại Campuchia vào mùa Hè năm 2019 là một bước khởi đầu mạnh mẽ, phát tín hiệu cho thấy sự quan tâm của Washington tới Phnom Penh. Các tuyên bố từ Nhà Trắng về Campuchia cũng góp phần trong nỗ lực này. Dù vậy, vẫn khó có thể giải thích cho việc Trump vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại ASEAN, Philippines và Singapore, trong khi đó người được Trump bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Indonesia vẫn chưa được xác nhận. Tất nhiên, Trung Quốc đã có đại sứ tại những vị trí này, làm tăng thêm lợi thế ngoại giao của mình so với Mỹ trong khu vực.

Cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất của ISEAS cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng giành được ưu thế kinh tế và chiến lược ở Đông Nam Á so với Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những sai lầm ngớ ngẩn và sự lơ là của Chính quyền Trump liên quan đến ASEAN, Mỹ vẫn là đối tác được giới tinh hoa ở nhiều nước trong khu vực lựa chọn, phần lớn là do các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc và nhiều vấn đề khác. Với chiến lược đồng bộ nhằm xây dựng lại uy tín của Mỹ, Đông Nam Á vẫn là địa bàn mà Washington không thể để mất, và bá quyền Trung Quốc vẫn là một kết quả xa vời.

Tuy vậy, Chính quyền Trump cần nhanh chóng từ bỏ luận điệu đối đầu mà thay vào đó nên can dự với Đông Nam Á theo các điều kiện mà khu vực này đặt ra, và theo những cách cho phép các quốc gia trong khu vực có sự linh hoạt để chống lại Trung Quốc – ngay cả khi họ vẫn duy trì quan hệ thương mại và ngoại giao với siêu cường đang lớn mạnh nhanh chóng này.

Charles Dunst & Hunter Marston

Nguyên tác : Making the Most of US-ASEAN Ties, Even Without the Vegas Summit , The Diplomat, 17/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 17/03/2020

Charles Dunst là cộng tác viên của LSE IDEAS, nhà tư tưởng chính sách đối ngoại của Trường Kinh tế Luân Đôn. Hunter Marston là nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc. Bài viết được đăng trên The Diplomat

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Charles Dunst & Hunter Marston
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)