Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quyền biểu tình vẫn chưa được pháp luật quy định.

Ở Việt Nam, muốn xuống đường biểu tình thì người dân cũng chẳng biết phải làm thủ tục ra sao ?

bieutinh1

Hàng trăm nhà đầu tư của Tập đoàn Trường Tiền đã căng băng rôn dọc đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để kêu cứu ngày 29/3/2023.

Hiến pháp 2013, ở Điều 25 ghi rằng : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Thế nhưng đến tận thời điểm này, quyền biểu tình vẫn chưa được pháp luật quy định, do vậy chuyện người dân xuống đường biểu tình nếu không liên quan đến cái gọi là ‘nhạy cảm chính trị’, thì vẫn được xem là vi phạm vì ‘hợp pháp hóa’ ở đây chưa biết đến bao giờ mới thực thi.

Mới nhất là vụ hàng trăm nhà đầu tư của Tập đoàn Trường Tiền đã căng băng rôn dọc đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để kêu cứu. Theo đó, hôm 29/3/2023, trong hàng trăm nhà đầu tư của Tập đoàn Trường Tiền đã căng băng rôn dọc đường Trần Hưng Đạo thì đa phần các nhà đầu tư là người lớn tuổi, thậm chí có cụ đã ngoài 80 tuổi.

Theo những người biểu tình cho biết hiện đã có hơn 1.500 nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của Công ty cổ phần Trường Tiền Holdings, trụ sở tại Hà Nội, và Công ty cổ phần đầu tư Gold Garden, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư. Cụ thể, từ năm 2018, các nạn nhân đã ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư với 2 công ty trên do ông Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương làm chủ. Số tiền mỗi người bỏ ra từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, với hứa hẹn được trả lãi suất cao.

Từ cuối năm 2019, các nhà đầu tư đã bị ngưng chi trả lợi nhuận nên đòi thanh lý hợp đồng, nhưng đến nay vẫn chưa đòi lại được tiền.

Theo phản ánh, số tiền của nhà đầu tư bị chiếm đoạt đã hơn 832 tỷ đồng. Ngoài hình thức "Hợp đồng góp vốn đầu tư", công ty này còn dụ dỗ các nạn nhân dưới hình thức "đối ứng đất với công ty", nhưng lô đất đối ứng là ảo, vẽ ra trên giấy, không có thực.

Tập đoàn Trường Tiền được thành lập năm 2008, tiền thân là Công ty cổ phần May Phú Thành, với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết trên sàn HNX (tháng 1/2016), hoạt động kinh doanh của May Phú Thành duy trì ổn định, lãi sau thuế trong 2 năm 2016 và 2017 lần lượt là 5,8 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.

Bước ngoặt đối với doanh nghiệp này bắt đầu từ khi nhóm của ông Lê Khánh Trình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị và hiện là Phó tổng giám đốc cùng 2 công ty có liên quan thâu tóm và trở thành cổ đông lớn vào năm 2018.

Sau Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/11/2018, May Phú Thành đã đổi tên thành Tập đoàn Trường Tiền, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, hướng đến xây dựng thành tập đoàn cung cấp các sản phẩm đẳng cấp quốc tế và đa ngành nghề.

Cũng trong năm 2018, Trường Tiền ghi nhận lãi sau thuế tăng cao, đạt 26,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm mạnh xuống còn 2,47 tỷ đồng vào năm 2019, dù doanh thu thuần tăng 40%, lên hơn 163 tỷ đồng.

Đáng chú ý là đến đầu quý IV/2020, ông Lê Khánh Trình và 2 doanh nghiệp liên quan đồng loạt thoái vốn nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu tại Trường Tiền xuống còn 0%. Trước ông Lê Khánh Trình, một số cổ đông lớn khác là các ông Bùi Cảnh Hoàng, Vũ Hoài Vũ, Bùi Việt Quân cũng đã thoái toàn bộ vốn tại thời điểm quý III/2020.

Ông Nguyễn Gia Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hiện nay của Trường Tiền được bầu lên thay ông Lê Khánh Trình tại Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2020, cũng đã thoái hết vốn tại Trường Tiền hồi cuối tháng 3/2021.

Trong chuỗi diễn biến liên quan, ngày 6/3/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đang thụ lý điều tra tố giác về tội phạm của nhiều cá nhân ngụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, tố cáo Lê Khánh Trình (sinh năm 1981, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trường Tiền Holdings – gọi tắt Công ty Trường Tiền), và Khiếu Xuân Khương (sinh năm 1986, Tổng Giám đốc Công ty Trường Tiền, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Gold Garden – gọi tắt Công ty Gold Garden) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung tố giác, từ cuối năm 2018 đến 2019, có 58 người ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Lê Khánh Trình, và Khiếu Xuân Khương. Sau khi ký các hợp đồng, 58 cá nhân nói trên đã nộp, chuyển tiền cho Công ty Trường Tiền theo như thỏa thuận.

Tuy nhiên, sau thời điểm ký kết hợp đồng, Công ty Trường Tiền chỉ thực hiện chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một thời gian ngắn, sau đó không tiếp tục thực hiện các nội dung cam kết trong hợp đồng.

Khi khách hàng nhiều lần kéo đến trụ sở công ty thì Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương hướng dẫn họ làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký kết với cam kết rằng sau thời điểm thanh lý sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp cho khách hàng.

Vậy nhưng sau đó thì Công ty Trường Tiền vẫn không thực hiện theo cam kết và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm. Nhận thấy ông Trình và ông Khương có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị hại làm đơn trình báo đến cơ quan điều tra.

Ngoài ra, vào ngày 23/1/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận phiếu chuyển tố giác về tội phạm từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị khác chuyển đến, với số bị hại là 39 cá nhân.

Những bị hại này cũng tố cáo Công ty Trường Tiền và Công ty Gold Garden có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tương tự. Theo đó, Công ty Trường Tiền và Công ty Gold Garden lừa đảo các nạn nhân thông qua hình thức ký kết "Hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án Tập đoàn Trường Tiền", sau đó chuyển đổi thành "Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần"…

Đến thời điểm hiện nay, ông Trình và ông Khương không thực hiện cam kết là sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp cho khách hàng và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm. Tổng số tiền nghi bị chiếm đoạt của 39 bị hại theo thống kê sơ bộ là hơn 29,8 tỷ đồng.

Kết quả xác minh cho thấy Công ty Trường Tiền, Công ty Gold Garden không có trụ sở hoạt động thực tế tại địa chỉ như đã đăng ký ở phường Linh Chiểu, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Khánh Trình, ông Khiếu Xuân Khương cũng không cư ngụ tại các địa chỉ trên và địa chỉ đăng ký thường trú…

Đông Đô

Nguồn : VNTB, 30/03/2023

Published in Diễn đàn
vendredi, 10 juin 2022 23:27

Quyền biểu tình thời Liên Xô cũ

Biểu tình muôn năm

Lời người dịch : Vào ngày 22/1/1967 Vladimir Bukovsky cùng vài người bạn đã biểu tình ở Quảng trường Puskin tại Mạc Tư Khoa để phản đối việc bắt giam những người bạn của họ trong vụ án xuất bản lậu (samizdat). Vào ngày 1/9/1967 Bukovsky đã bảo vệ quyền được biểu tình của mình trong lời phát biểu cuối cùng sau tại tòa.

lienxo1

Người biểu tình tụ tập tại tượng đài Pushkin ở Moscow ngày 5/5/2018

"Vậy, Công tố viên coi cuộc biểu tình của chúng tôi là vô liêm sỉ. Tuy nhiên ở đây tôi có trước mặt bản Hiến pháp của chúng ta : 'Nhằm đáp ứng quyền lợi của công nhân và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa, luật pháp bảo đảm công dân Liên Xô... quyền tự do tuần hành và biểu tình trên đường phố'. Tại sao Điều khoản này lại được đưa vào Hiến pháp ? Phải chăng để hợp pháp hóa những cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười và ngày Quốc tế Lao động ? Nhưng điều ấy không cần thiết-mọi người đều biết rằng nếu Chính quyền tổ chức biểu tình thì sẽ không có ai phá tan cuộc biểu tình. Lợi ích gì của quyền tự do biểu tình 'ủng hộ' nếu chúng ta không thể biểu tình 'chống lại' ? Chúng tôi biết rằng biểu tình phản kháng là vũ khí mạnh mẽ trong tay công nhân và quyền tổ chức biểu tình là quyền bất khả xâm phạm trong tất cả các nước dân chủ. Nhưng quyền biểu tình này hiện nay bị cấm đoán ở đâu ? Trước mặt tôi là tờ báo Sự Thật số ra ngày 19 tháng Tám, 1967 - tin tức từ Paris cho hay phiên tòa hiện nay đang diễn ra ở Madrid xử những người tham gia vào cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao động. Họ bị xử theo luật mới : luật này gần đây được thông qua ở Tây Ban Nha, và luật áp đặt những bản án tù từ mười tám tháng đến ba năm cho những ai tham gia biểu tình. Mọi người hãy chú ý đến sự đồng tâm nhất trí đến cảm động giữa luật Phát-xít Tây Ban Nha và luật Cộng sản Liên Xô...

Chẳng lẽ Hiến pháp không phải là luật pháp nền tảng ở nước ta hay sao ? Tôi sẽ đọc toàn văn Điều 125 :

'Nhằm đáp ứng quyền lợi của công nhân và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa, luật pháp bảo đảm công dân Liên Xô :

(a) Tự do ngôn luận

(b) Tự do báo chí

(c) Tự do hội họp

(d) Tự do tuần hành và biểu tình trên đường phố.

Để bảo đảm những quyền này nhà chức trách sẽ cho công nhân và các tổ chức của họ được xử dụng máy in, giấy, tòa nhà công cộng, đường phố' -Công dân Công tố viên, nghe rõ nhé, đường phố đấy ! - 'phương tiện giao thông, và vật chất khác cần thiết để thực thi các quyền này'...

Cho nên tôi phản đối Công tố viên kết tội chúng tôi là ngu dốt và không biết rành về những vấn đề pháp lý... Chúng tôi biết tự do ngôn luận và tự do báo chí trước tiên chính là tự do chỉ trích. Chưa từng có ai bị cấm khen ngợi chính quyền bao giờ. Nếu những Điều khoản về tự do ngôn luận và tự do báo chí này được đưa vào Hiến pháp thì Chính quyền phải có kiên nhẫn lắng nghe chỉ trích. Hiện nay trên thế giới những quốc gia nào cấm công dân chỉ trích chính quyền và cấm các hành động phản kháng ? Những quốc gia cấm đoán ấy là các nước tư bản ư ? Không, chúng ta biết rằng ở các nước tư sản vẫn có những đảng cộng sản hợp pháp mà mục đích của họ là cố ý phá hoại chế độ tư bản. Ở Mỹ Đảng cộng sản bị cấm hoạt động - nhưng Tòa án Tối cao tuyên bố lệnh cấm là vi hiến và đã được hoạt động trở lại với tất cả mọi quyền lợi...

Vụ án của chúng tôi rất phức tạp. Chúng tôi bị kết tội là chỉ trích luật pháp. Vì vậy tôi có quyền nêu ra những vấn đề pháp lý căn bản trong lời nói cuối cùng của tôi và tôi phải nêu ra.

Nhưng cũng có những vấn đề khác- đấy là những khái niệm về chính trực và can đảm dân sự. Các ông là chánh án, thiết nghĩ các ông phải có những phẩm chất này. Nếu các ông quả thật là những con người ngay thẳng chính trực và có can đảm dân sự thì trong vụ án này các ông sẽ chỉ có thể tuyên án : 'vô tội'. Tôi hiểu điều này rất là khó cho các ông...

(Bukovsky nói với Công tố viên) : Ông kết tội chúng tôi là mưu toan bôi nhọ KGB bằng các khẩu hiệu của chúng tôi, nhưng KGB đã tự bôi nhọ mình đến mức chúng tôi không còn gì để có thể nói thêm nữa. (Quay sang Tòa án) chúng tôi không phạm bất kỳ tội nào. Tôi tuyệt đối không hối hận là đã tổ chức cuộc biểu tình. Tôi nghĩ cuộc biểu tình đã thành công, và khi tôi lại được tự do tôi sẽ tổ chức những cuộc biểu tình khác - tất nhiên luôn luôn giống cuộc biểu tình này mà hoàn toàn hợp pháp. Tôi không có gì nói nữa".

lienxo2

Hầu hết tội phạm Liên Xô nhận án tử hình đều chết bằng cách xử bắn. (Nguồn: Bundesarchiv / Wikipedia)

Nhận xét của nữ luật sư Dina Kaminskaya, người đã bào chữa cho Vladimir Bukovsky :

"Lời nói cuối cùng của Bukovsky là sự chọn lựa can đảm những từ ngữ. Lời nói cuối cùng này, vào ngày 1 tháng Chín, 1967, ở Tòa án Thành phố Mạc Tư Khoa, là một sự kiện rất quan trọng. Tôi tin đây là lần đầu tiên kể từ khởi đầu triều đại khủng bố của Stalin một người đã chỉ trích mạnh mẽ chế độ Xô Viết ở một phiên tòa công khai tại Liên Xô. Lần đầu tiên một người nói mà chánh án không thể nào chặn lại được, một người không khuất phục trước sự cắt ngang của công tố viên khi ông ta nói : "Bị cáo đang phạm thêm một tội mới nữa ở tại tòa án này".

[Tại tòa chánh án liên tục ngắt lời của bị cáo Vladimir Bukovsky, nhưng bị cáo đã bảo vệ thành công quyền được phát biểu của mình tại tòa dựa theo Điều 243 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự của Liên Xô - Trần Quốc Việt lý giải].

Vào cuối ngày xử án, Vladimir Bukovsky bị kết án nặng nhất - ba năm ở trại lao động cải huấn. Hai người bạn ông được hưởng án treo và được trả tự do tại tòa".

Pavel Litvinov, Dina Kaminskay

Nguyên tác :

1. Pavel Litvinov, "The Demonstration in Puskin Square", nhà xuất bản Harvill Press, London, 1969, bản dịch tiếng Anh của Manya Harari, trang 87,88, 92,93, 94 và 95.

2. Dina Kaminskay, "Final Judgment-My life as a Soviet Defense Attorney", nhà xuất bản Simon and Schuster, New York, 1982, bản dịch tiếng Anh của Michael Glenny, trang 202-203.

Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

***********************

Hy sinh vì chính nghĩa

Vaclav Havel - Trần Quốc Việt dịch 

21 tháng Hai 1989

Lời phát biểu cuối cùng của Vaclav Havel ở Tòa án Quận 1 Prague

Thưa tòa,

Vì tôi đã bình luận đủ về từng lý do trong cáo trạng, cả trong quyết định khởi tố trước khi xét xử và ở tòa án này, cho nên tôi không có ý định nhắc lại mà chỉ tóm tắt lập trường của tôi. Tôi tin đến nay vẫn không có bằng chứng nào được đưa ra nhằm chứng minh hoặc sự kích động hay sự cản trở người thi hành công vụ, vì thế tôi xem như mình vô tội và yêu cầu thả tôi ra.

VH FS 1992

Lời phát biểu cuối cùng của Vaclav Havel ở Tòa án Quận 1 Prague - Biểu tượng cuộc cách mạng nhung - Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, cuối cùng tôi muốn nói đôi điều về một khía cạnh cho đến nay chưa bao giờ được đề cập đến của toàn bộ vụ án. Cáo trạng tuyên bố rằng tôi "ra sức che đậy bản chất chống nhà nước và chống chủ nghĩa xã hội của cuộc tụ họp như dự tính". Ngẫu nhiên lời tuyên bố ấy mà không trưng ra bằng chứng cụ thể nào - và cũng chẳng có thể có bằng chứng- gán các động cơ chính trị cho những hành vi của tôi. Vì thế trong phạm vi quyền của mình tôi sẽ nói kỹ trong chốc lát về các khía cạnh chính trị của toàn bộ vụ án.

Trước tiên, tôi phải chỉ ra rằng những từ "chống nhà nước" và "chống chủ nghĩa xã hội" từ lâu đã mất tất cả các ý nghĩa ngữ nghĩa, sau nhiều năm xử dụng hoàn toàn tùy tiện đã trở thành chỉ là sự quy chụp xúc phạm đến tất cả các công dân mà làm cho chế độ khó chịu vì bất cứ lý do nào đấy, nhưng tuyệt đối không liên quan gì đến quan điểm chính trị thực sự của họ. Vào những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời họ, ba vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc-Slánský, Husák và Dubček- đã được mô tả bằng chính những từ này. Bây giờ chính sự chụp mũ này lại được áp dụng đối với Hiến chương 77 và các nhóm kiến nghị của các công dân độc lập, chỉ vì chính quyền ghét các hoạt động của họ và cảm thấy cần thiết phải làm giảm uy tín họ bằng cách nào đấy. Như ta có thể thấy rõ, cáo trạng trong vụ án của tôi cũng sa đà vào sự lạm dụng chính trị như thế.

Mục đích chính trị thực sự của hoạt động của chúng tôi là gì? Hiến chương 77 được lập ra và vẫn tiếp tục hoạt động như một cộng đồng không chính thức nhằm cố gắng theo dõi sự tôn trọng nhân quyền trong nước ta, bao gồm sự tuân thủ các công ước quốc tế liên quan hay hiến pháp Tiệp Khắc, tùy theo trường hợp. Trong mười hai năm qua, Hiến chương 77 đã thu hút sự chú ý của nhà cầm quyền vào sự tương phản giữa những cam kết pháp luật và những gì là thực tế thực sự trong xã hội ta. Trong mười hai năm qua Hiến chương đã báo trước nhiều hiện tượng bất ổn khác nhau và những dấu hiệu khủng hoảng, và vạch trần những vi phạm các quyền hiến pháp, cũng như những hành vi tùy tiện, sự sai lầm và bất tài về phía nhà cầm quyền. Khi theo đuổi những hoạt động này, Hiến chương 77 đang thể hiện quan điểm của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội ta, vì bản thân tôi có thể đánh giá từng ngày. Trong mười hai năm qua, chúng tôi thường mời nhà cầm quyền tham gia vào cuộc đối thoại về những vấn đề này.Trong mười hai năm qua, nhà cầm quyền lờ đi công cuộc vận động của chúng tôi và chỉ là giam cầm hay truy tố chúng tôi về vai trò của chúng tôi trong Hiến chương. Tuy nhiên, chế độ bây giờ thừa nhận nhiều vấn đề mà Hiến chương đã phơi bày cách đây nhiều năm và có thể đã được giải quyết từ lâu nếu như nhà cầm quyền lưu tâm đến tiếng nói của Hiến chương. Hiến chương 77 luôn luôn nhấn mạnh đến bản chất bất bạo động và pháp luật của những hoạt động của mình. Hiến chương không bao giờ có mục tiêu tổ chức gây rối loạn trên đường phố.

Chính tôi thường công khai nhấn mạnh nhiều lần rằng mức độ tôn trọng dành cho những công dân có đầu óc chỉ trích và bất đồng chính kiến chính là mức độ tôn trọng công luận nói chung. Nhiều lần tôi thường nhấn mạnh rằng tiếp tục coi thường sự bày tỏ ôn hòa của công luận chỉ có thể dẫn đến sự phản kháng xã hội càng ngày càng công khai và mạnh mẽ. Tôi thường nói rõ sẽ chẳng có lợi cho ai nếu chính quyền cứ chờ đợi cho tới khi nhân dân bắt đầu biểu tình và tiến hành đình công, nhưng điều ấy hoàn toàn có thể tránh được dễ dàng nếu nhà cầm quyền nên bắt đầu tham gia đối thoại và tỏ ra sẵn sàng lắng nghe những tiếng nói chỉ trích.

Chưa từng bao giờ chú ý đến những lời cảnh báo như thế cho nên bây giờ chế độ mới gặt lấy những hậu quả từ chính thái độ xem thường ấy.

Tôi phải thú nhận một điều : vào ngày 16 tháng Một tôi có ý định rời Quảng trường Wenceslas ngay sau khi đặt hoa ở tượng đài. Hóa ra, tôi ở lại đấy hơn một giờ, chính vì tôi không thể nào tin vào mắt mình. Một chuyện đã xảy ra mà tôi có nằm mơ cũng không thể nào thấy. Sự ngăn cản hoàn toàn vô ích của công an đối với những người chỉ muốn âm thầm và lặng lẽ đặt hoa gần tượng đài đã thành công tức thì trong việc biến một nhóm người tình cờ đi ngang qua thành một cuộc biểu tình đông người. Tôi nhận thức chính xác rằng nếu việc như thế có thể xảy ra được thì dân chúng ắt hẳn vô cùng bất mãn.

Cáo trạng trích dẫn lời tôi nói với các nhà lãnh đạo nước ta rằng tình hình là nghiêm trọng. Thực ra tôi nói với họ tình hình còn nghiêm trọng hơn họ nghĩ nhiều. Rồi vào ngày 16 tháng Một, tôi bất ngờ nhận thức rằng tình hình còn nghiêm trọng hơn cả tôi nghĩ trước đây.

Là một công dân muốn thấy mọi sự trên đất nước mình diễn ra ôn hòa và êm thắm, tôi thành thực tin tưởng rằng cuối cùng nhà cầm quyền sẽ chú ý đến bài học ấy để bắt đầu đối thoại nghiêm túc với mọi tầng lớp trong xã hội, và không một ai sẽ bị loại ra khỏi cuộc đối thoại ấy chỉ vì họ bị quy chụp là "chống chủ nghĩa xã hội". Tôi thành thực tin tưởng rằng cuối cùng nhà cầm quyền sẽ không còn đóng vai cô gái xấu xí đập vỡ gương vì tin rằng hình ảnh trên gương thật đáng trách. Đó cũng là lý do tôi tin tưởng tôi sẽ không bị kết tội vô căn cứ một lần nữa.

(Lời tuyên bố của Václav Havel sau khi tuyên án)

lienxo4

Biểu tượng của cuộc Cách Mạng Nhung năm 1989

Vì tôi cảm thấy không có tội nên tôi cảm thấy không có gì hối hận, còn nếu tôi phải chịu sự trừng phạt, tôi sẽ coi sự trừng phạt đối với tôi là sự hy sinh vì chính nghĩa, một sự hy sinh rất nhỏ nhoi so với sự hy sinh tuyệt đích của Jan Palach (*), mà nhân ngày hy sinh ấy chúng tôi định đến tưởng niệm.

Václav Havel

Nguyên tác : "Václav Havel concluding the statement at the Prague Court", 21/02/1989. Bản dịch tiếng Anh của Alice và Gerald Turner. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

 

Chú thích

(*) Jan Palach là sinh viên Tiệp Khắc tự thiêu vào ngày 16 tháng Một 1969 tại Quảng trường Wenceslas ở Prague. Qua sự hy sinh cao quý nhất này anh muốn đánh thức sự vô cảm của người dân Tiệp theo sau vụ Nga xâm lăng Tiệp Khác vào ngày 20 tháng Tám 1968. (chú thích của người dịch)

Published in Diễn đàn

Ngày 27/8, Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, đã phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp giao ban công tác Thành phố Hà Nội rằng công an thành phố cần "không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hành vi quá khích trên địa bàn thành phố" trong dịp 2/9 [1].

quyen1

Quyền biểu tình (một cách ôn hòa) là một trong các quyền công dân cơ bản

Tuy không nói tới biểu tình mà chỉ nói tới "tụ tập đông người", song phát biểu của ông Chung được cho là chỉ đạo ngăn chặn biểu tình, và xếp chung biểu tình với "hành vi quá khích". Nhân phát biểu này của ông Chung, chúng ta cùng tìm hiểu về quyền biểu tình.

Căn cứ pháp lý quốc gia

Đầu tiên, cần biết rằng quyền biểu tình (một cách ôn hòa) là một trong các quyền công dân cơ bản, là một dạng của quyền tự do biểu đạt, và cũng là một dạng của quyền tự do hội họp. Quyền này được quy định trong Hiến pháp Việt Nam 2013 [2], đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia, tại Điều 25 :

"Người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Vậy pháp luật quy định ra sao về quyền biểu tình ? Câu trả lời là 'Không ra sao cả vì chưa có luật biểu tình'. Điều đó có nghĩa là người dân không được đi biểu tình ? Câu trả lời là 'Không phải thế'. 

Khi chưa có luật biểu tình thì chưa có quy định nào về biểu tình để điều chỉnh các hành vi biểu tình của người dân. Khi đó, các hành vi của người dân trong biểu tình được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật hiện có, chẳng hạn quy định về an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Như vậy, dù chưa có luật biểu tình thì người dân vẫn được đi biểu tình. Việc chưa có luật biểu tình không phải là lý do để ngăn chặn người dân thực hiện quyền này. Nếu chính quyền ngăn chặn người dân biểu tình, chính quyền đã vi phạm hiến pháp, hay vi hiến.

Căn cứ pháp lý quốc tế

Không chỉ có căn cứ pháp lý là hiến pháp quốc gia, quyền biểu tình – một dạng của quyền tự do hội họp (như trên đã nêu) – còn có căn cứ pháp lý là luật quốc tế, bao gồm Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 1948 (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) [3], và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) [4] mà Việt Nam tham gia năm 1982.

"Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình".

(Khoản 1, Điều 21, UDHR)

"Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác".

(Điều 21, ICCPR)

Trong khi ICCPR với tư cách là một công ước có tính chất ràng buộc đối với Việt Nam cũng như các bên tham gia khác, UDHR không phải là một công ước nhưng có ý nghĩa như "một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia" [5], làm cơ sở cho nhận thức của tất cả các quốc gia và dân tộc về các quyền con người và quyền công dân.

Ngoài ICCPR và UDHR, luật quốc tế còn có nhiều văn bản khác về quyền con người dành cho các cộng đồng khác, như Hiến chương Châu Phi về quyền con người và các dân tộc (the African Charter on Human and Peoples' Rights), Công ước Châu Mỹ về quyền con người (the American Convention on Human Rights), và Công ước Châu Âu về quyền con người (the European Convention on Human Rights), v.v.

Các giới hạn của quyền

Như hầu hết các quyền tự do, quyền biểu tình là có giới hạn. Các giới hạn đó là gì ? Điều 21, ICCPR nêu trên đã chỉ ra các giới hạn, đó là các hạn chế về :

1) an ninh quốc gia,

2) an toàn và trật tự công cộng,

3) sức khỏe và đạo đức xã hội,

4) quyền và tự do của những người khác.

quyen2

Người biểu tình phản đối Trung Quốc đứng trước hàng rào công an trên đường phố Sài Gòn hôm 11/5/2014- AFP

Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng chỉ ra các giới hạn tương tự tại Khoản 2, Điều 14 :

"Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Một băn khoăn được đặt ra là có các nguyên tắc hay hướng dẫn nào cho các giới hạn, để các chính quyền tránh xâm phạm vào các quyền tự do nói chung và quyền biểu tình nói riêng hay không ? Câu trả lời là 'Có'. Năm 1985, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (Economic and Social Council – ECOSOC) của Liên Hợp Quốc đã thông qua các nguyên tắc Siracusa về các quy định giới hạn và đình chỉ trong ICCPR [6]. Sau đây là một số nguyên tắc : 

"Sức khỏe của công chúng có thể được coi là căn cứ cho việc giới hạn một số quyền để cho phép một nhà nước có biện pháp đối phó với một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân hoặc các cá nhân thành viên của cộng đồng. Những biện pháp này phải được nhắm cụ thể đến việc ngăn ngừa bệnh tật hoặc chấn thương hoặc cung cấp sự chăm sóc cho các bệnh nhân và người bị thương".

(Nguyên tắc 25)

"An ninh quốc gia có thể được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp giới hạn một số quyền chỉ khi chúng được thực hiện để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ của nó hoặc độc lập chính trị chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực".

(Nguyên tắc 29)

"An toàn công cộng nghĩa là bảo vệ chống lại sự nguy hiểm đối với sự an toàn của con người, đối với cuộc sống của họ hoặc toàn vẹn về thể chất, hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của họ".

(Nguyên tắc 33)

"Một giới hạn đối với một quyền con người dựa trên danh dự của người khác không được sử dụng để bảo vệ nhà nước và công chức của mình khỏi quan điểm hoặc chỉ trích của công chúng".

(Nguyên tắc 37)

Có thấy rằng các nguyên tắc trên đây, đặc biệt là các nguyên tắc về an ninh quốc gia và an toàn công cộng, đã không được chính quyền Việt Nam tôn trọng. Hệ quả là các giới hạn về an ninh quốc gia và an toàn công cộng được sử dụng một cách tùy tiện để cản trở người dân thực hành quyền biểu tình cũng như các quyền tự do khác.

Dẫu vậy, việc hiểu biết về quyền biểu tình bên cạnh các quyền tự do khác là rất cần thiết đối với chúng ta, với tư cách là chủ thể của các quyền, để có thể thực hiện các quyền với tất cả sự tự tin và xa hơn, là thúc đẩy các quyền này, để chúng thực sự được chính quyền tôn trọng, và để chúng ta thực sự được tự do.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 31/08/2018 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Chủ tịch Hà Nội : Không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người dịp 2/9

https://news.zing.vn/chu-tich-ha-noi-khong-de-xay-ra-tinh-trang-tu-tap-d...

[2] Hiến pháp Việt Nam 2013

http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=32801 

[3] Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quy...

 [4] Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quy...

[5] Dẫn từ lời nói đầu của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 

[6] ABC về các quyền dân sự và chính trị cơ bản (xem phụ lục từ trang 133)

http://isee.org.vn/Content/Home/Library/461/abc-ve-cac-quyen-dan-su-chin...

Published in Diễn đàn

Các tổ chức xã hội dân sự và người Việt sinh sống trong và ngoài nước vào ngày 28 tháng 9 đưa ra văn bản Tuyên bố về Quyền Tự do Lập hội và Quyền tự do Biểu tình và công bố với truyền thông vào ngày 1 tháng 10 năm 2017.

quyen1

Công an ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 7 năm 2016 - AFP

Một di sản của miền Nam

Ông Hạ Đình Nguyên, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Phối hợp Hành động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn có cách nhìn về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình như một "di sản để lại cho người miền Nam từ thời Việt Nam Cộng hoà".

"Họ để lại cho nhân dân miền Nam ba điểm rất quan trọng, đó là họ để lại bước đầu trong việc xây dựng Tam quyền phân lập. Trong Tam quyền phân lập đó có vấn đề biểu tình, có vấn đề lập hội".

Nhà báo Lê Phú Khải, cũng là thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng, từ Sài Gòn nhận xét quyền tự do lập hội, tự do biểu tình là những quyền cơ bản đã tồn tại trong thể chế dưới thời Việt Nam Cộng Hoà.

"Chế độ Sài Gòn cũ về mặt thể chế là một chế độ tiến bộ vì quốc hội có phe đối lập, có quyền biểu tình có quyền báo tư nhân".

Theo ông Hạ Đình Nguyên, quyền lập hội và quyền biểu tình là những quyền rất cơ bản giúp cho người dân sống trong xã hội hiểu được rõ hơn về các quyền tự do bất khả xâm phạm của mỗi công dân, và góp phần làm cho nhà nước biết tôn trọng họ.

Thế nhưng, trong nhà nước hiện tại, ông Hạ Đình Nguyên nói rằng quyền biểu tình và quyền lập hội chưa từng xảy ra.

Lời nhắc nhở với chính phủ

Nhà báo Lê Phú Khải cho biết bản tuyên bố là một lời nhắc nhở của những người quan tâm đến sự an lành của xã hội Việt Nam gửi đến chính phủ.

"Nó có từ trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946. Những người cầm quyền họ không chịu thực hiện điều đó. Đây là tuyên ngôn chúng tôi nhắc nhở họ phải làm đúng cái gì mà họ đã hứa, còn nợ với nhân dân. Đấy là quyền lợi tối thiểu của công dân mà chúng ta phải có từ nhà cầm quyền này. Khi nhà nước cố tình lờ đi là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tối thượng của con người".

Là một nhà báo, đặc biệt là nhà báo nhiều lần từ chối lời mời vào Đảng với lý do nói rằng chế độ mà ông đang sống là "một chế độ độc tài", những quyền tự do tối thượng ấy được nhà báo Lê Phú Khải kể ra như quyền được biểu đạt ý kiến, quyền lên tiếng, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Với ông, những quyền ấy đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc mang lại an lành cho xã hội.

"Trong tuyên ngôn nhân quyền thế giới cũng nói rất rõ quyền của người dân được biểu đạt ý kiến của mình, được chia sẽ thông tin của mình, được truyền đạt tư tưởng của mình.

Có như thế thì xã hội mới lành mạnh được.

Có phản biện thì nhà nước, những người cai trị đất nước mới biết những gì nhân dân cần, những gì nhân dân mong muốn để chỉnh sửa cách điều hành, cai trị đất nước".

Theo nhà báo Lê Phú Khải, nhà cầm quyền phải biết ơn những nhà tri thức đã biểu lộ tư tưởng, làm cho xã hội trở nên ôn hoà. Ông ví von với hình ảnh hai quả cầu khi va vào nhau sẽ tạo ra sự tương tác.

"Hai quả cầu nó va vào nhau thì nó phải toé lửa bật ra, đó là qui luật. Người ta tưởng nó là xung đột nhưng chính cái đó làm cho năng lượng được giải toả.

Nếu hai quả cầu va vào nhau mà không bật ra, thì trông bề ngoài tưởng như không có chuyện gì, người ta tưởng rằng sự đời nó êm ả, không có sóng gió nhưng thật ra ở trong nó méo rồi, biến dạng rồi, thì đến 1 ngày nào đó, nó biến dạng hoàn toàn, đất nước sẽ sụp đổ".

Mâu thuẫn từ trong nội bộ

Một cách trực khởi hơn khi nói về khía cạnh này, ông Hạ Đình Nguyên cho rằng xã hội nào cũng có sự mâu thuẫn. Thế nhưng ở thể chế của nhà nước Việt Nam hiện tại, chính phủ không cho người dân giải quyết những mâu thuẫn ấy bằng tiếng nói của người công dân. Chính vì thế, những mâu thuẫn đó sẽ được dồn hết vào trong nội bộ.

"Họ không dám cho cái quyền này vì họ quá lộn xộn với nhau rồi. Trong nội bộ hiện tại không ai biết ra làm sao, bao nhiêu phe nhóm ? Họ lo đấu với nhau đã không xong thì đâu quan tâm gì đến quyền của người dân. Nếu không giải quyết bằng tam quyền phân lập, trong đó có tiếng nói của người dân thì những mâu thuẫn đó quay vào, trở lại trong nội bộ của Đảng, và khi đó thì họ chơi dao găm, ám khí với nhau".

Những sự việc đã và đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện tại có thể chứng minh được lời nói của ông Hạ Đình Nguyên. Mặc dù cũng như nhiều quyền cơ bản khác của công dân được qui định trong Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, kể từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp gần đây nhất 2013, nhưng dự án luật Biểu tình đã nhiều lần bị Quốc hội và chính phủ trì hoãn với lý do cần chuẩn bị kỹ hơn.

Vào tháng 4 năm 2017, Luật Biểu tình không có mặt trong tờ trình của Chính phủ lên Thường vụ Quốc hội, đồng nghĩa với quyền hiến định của người dân tiếp tục bị đưa vào giai đoạn chờ đợi.

Ngày 23 tháng 5, 2017, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 3, quốc Hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hôi đã có ý kiến về việc chính phủ Hà Nội trì hoãn trình Luật Biểu tình. Chính đại biểu Dương Trung Quốc cũng đã có ý kiến về vấn đề này.

Thêm vào đó, hàng loạt các vụ bắt bớ người tham gia những cuộc tưởng niệm như chiến tranh biên giới 17-2, tưởng niệm trận chiến Gạc Ma, biểu tình đòi minh bạch cho thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra…và quy kết tội gây rối trật tự công cộng.

Đối với nhà báo Lê Phú Khải, việc bắt bớ, cấm đoán, kết tội những người bày tỏ phản ứng bằng cách biểu tình là hoàn toàn vô lý.

"Những người đi biểu tình, những người biểu đạt ý kiến không có nghĩa là họ lật đổ chế độ. Họ biểu lộ tình cảm, biểu lộ phản ứng.

Những vấn đề cụ thể như môi trường. Họ bảo vệ môi trường chứ có làm gì đâu ? Bảo vệ môi trường không phải chỉ có những người đấu tranh dân chủ. Ngay cả những người Cộng sản cũng cần môi trường"

"Là một người quan tâm đến vận mệnh của đất nước", theo như cách nhà báo Lê Phú Khải nói về mình, ông khẳng định "Nếu cứ gói nó lại để cho cái ung nhọt đó tích tụ lại, đàn áp nó, không cho nó phát biểu, thì đến 1 ngày nào đó nó vỡ ra, thì lúc ấy xã hội sẽ không cứu vãn được nữa".

Còn đối với ông Hạ Đình Nguyên, một lần nữa ông khẳng định quyền tự do lập hội và tự do biểu tình là những quyền cơ bản làm cho xã hội ngày càng lành mạnh hơn.

Đó cũng chính là thông điệp của 5 tổ chức xã hội dân sự và hơn 70 cá nhân đặt vào bản Tuyên bố ngày 1 tháng 10 năm 2017.

Cát Linh

Published in Việt Nam