Biểu tình muôn năm
Lời người dịch : Vào ngày 22/1/1967 Vladimir Bukovsky cùng vài người bạn đã biểu tình ở Quảng trường Puskin tại Mạc Tư Khoa để phản đối việc bắt giam những người bạn của họ trong vụ án xuất bản lậu (samizdat). Vào ngày 1/9/1967 Bukovsky đã bảo vệ quyền được biểu tình của mình trong lời phát biểu cuối cùng sau tại tòa.
Người biểu tình tụ tập tại tượng đài Pushkin ở Moscow ngày 5/5/2018
"Vậy, Công tố viên coi cuộc biểu tình của chúng tôi là vô liêm sỉ. Tuy nhiên ở đây tôi có trước mặt bản Hiến pháp của chúng ta : 'Nhằm đáp ứng quyền lợi của công nhân và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa, luật pháp bảo đảm công dân Liên Xô... quyền tự do tuần hành và biểu tình trên đường phố'. Tại sao Điều khoản này lại được đưa vào Hiến pháp ? Phải chăng để hợp pháp hóa những cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười và ngày Quốc tế Lao động ? Nhưng điều ấy không cần thiết-mọi người đều biết rằng nếu Chính quyền tổ chức biểu tình thì sẽ không có ai phá tan cuộc biểu tình. Lợi ích gì của quyền tự do biểu tình 'ủng hộ' nếu chúng ta không thể biểu tình 'chống lại' ? Chúng tôi biết rằng biểu tình phản kháng là vũ khí mạnh mẽ trong tay công nhân và quyền tổ chức biểu tình là quyền bất khả xâm phạm trong tất cả các nước dân chủ. Nhưng quyền biểu tình này hiện nay bị cấm đoán ở đâu ? Trước mặt tôi là tờ báo Sự Thật số ra ngày 19 tháng Tám, 1967 - tin tức từ Paris cho hay phiên tòa hiện nay đang diễn ra ở Madrid xử những người tham gia vào cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao động. Họ bị xử theo luật mới : luật này gần đây được thông qua ở Tây Ban Nha, và luật áp đặt những bản án tù từ mười tám tháng đến ba năm cho những ai tham gia biểu tình. Mọi người hãy chú ý đến sự đồng tâm nhất trí đến cảm động giữa luật Phát-xít Tây Ban Nha và luật Cộng sản Liên Xô...
Chẳng lẽ Hiến pháp không phải là luật pháp nền tảng ở nước ta hay sao ? Tôi sẽ đọc toàn văn Điều 125 :
'Nhằm đáp ứng quyền lợi của công nhân và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa, luật pháp bảo đảm công dân Liên Xô :
(a) Tự do ngôn luận
(b) Tự do báo chí
(c) Tự do hội họp
(d) Tự do tuần hành và biểu tình trên đường phố.
Để bảo đảm những quyền này nhà chức trách sẽ cho công nhân và các tổ chức của họ được xử dụng máy in, giấy, tòa nhà công cộng, đường phố' -Công dân Công tố viên, nghe rõ nhé, đường phố đấy ! - 'phương tiện giao thông, và vật chất khác cần thiết để thực thi các quyền này'...
Cho nên tôi phản đối Công tố viên kết tội chúng tôi là ngu dốt và không biết rành về những vấn đề pháp lý... Chúng tôi biết tự do ngôn luận và tự do báo chí trước tiên chính là tự do chỉ trích. Chưa từng có ai bị cấm khen ngợi chính quyền bao giờ. Nếu những Điều khoản về tự do ngôn luận và tự do báo chí này được đưa vào Hiến pháp thì Chính quyền phải có kiên nhẫn lắng nghe chỉ trích. Hiện nay trên thế giới những quốc gia nào cấm công dân chỉ trích chính quyền và cấm các hành động phản kháng ? Những quốc gia cấm đoán ấy là các nước tư bản ư ? Không, chúng ta biết rằng ở các nước tư sản vẫn có những đảng cộng sản hợp pháp mà mục đích của họ là cố ý phá hoại chế độ tư bản. Ở Mỹ Đảng cộng sản bị cấm hoạt động - nhưng Tòa án Tối cao tuyên bố lệnh cấm là vi hiến và đã được hoạt động trở lại với tất cả mọi quyền lợi...
Vụ án của chúng tôi rất phức tạp. Chúng tôi bị kết tội là chỉ trích luật pháp. Vì vậy tôi có quyền nêu ra những vấn đề pháp lý căn bản trong lời nói cuối cùng của tôi và tôi phải nêu ra.
Nhưng cũng có những vấn đề khác- đấy là những khái niệm về chính trực và can đảm dân sự. Các ông là chánh án, thiết nghĩ các ông phải có những phẩm chất này. Nếu các ông quả thật là những con người ngay thẳng chính trực và có can đảm dân sự thì trong vụ án này các ông sẽ chỉ có thể tuyên án : 'vô tội'. Tôi hiểu điều này rất là khó cho các ông...
(Bukovsky nói với Công tố viên) : Ông kết tội chúng tôi là mưu toan bôi nhọ KGB bằng các khẩu hiệu của chúng tôi, nhưng KGB đã tự bôi nhọ mình đến mức chúng tôi không còn gì để có thể nói thêm nữa. (Quay sang Tòa án) chúng tôi không phạm bất kỳ tội nào. Tôi tuyệt đối không hối hận là đã tổ chức cuộc biểu tình. Tôi nghĩ cuộc biểu tình đã thành công, và khi tôi lại được tự do tôi sẽ tổ chức những cuộc biểu tình khác - tất nhiên luôn luôn giống cuộc biểu tình này mà hoàn toàn hợp pháp. Tôi không có gì nói nữa".
Hầu hết tội phạm Liên Xô nhận án tử hình đều chết bằng cách xử bắn. (Nguồn: Bundesarchiv / Wikipedia)
Nhận xét của nữ luật sư Dina Kaminskaya, người đã bào chữa cho Vladimir Bukovsky :
"Lời nói cuối cùng của Bukovsky là sự chọn lựa can đảm những từ ngữ. Lời nói cuối cùng này, vào ngày 1 tháng Chín, 1967, ở Tòa án Thành phố Mạc Tư Khoa, là một sự kiện rất quan trọng. Tôi tin đây là lần đầu tiên kể từ khởi đầu triều đại khủng bố của Stalin một người đã chỉ trích mạnh mẽ chế độ Xô Viết ở một phiên tòa công khai tại Liên Xô. Lần đầu tiên một người nói mà chánh án không thể nào chặn lại được, một người không khuất phục trước sự cắt ngang của công tố viên khi ông ta nói : "Bị cáo đang phạm thêm một tội mới nữa ở tại tòa án này".
[Tại tòa chánh án liên tục ngắt lời của bị cáo Vladimir Bukovsky, nhưng bị cáo đã bảo vệ thành công quyền được phát biểu của mình tại tòa dựa theo Điều 243 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự của Liên Xô - Trần Quốc Việt lý giải].
Vào cuối ngày xử án, Vladimir Bukovsky bị kết án nặng nhất - ba năm ở trại lao động cải huấn. Hai người bạn ông được hưởng án treo và được trả tự do tại tòa".
Pavel Litvinov, Dina Kaminskay
Nguyên tác :
1. Pavel Litvinov, "The Demonstration in Puskin Square", nhà xuất bản Harvill Press, London, 1969, bản dịch tiếng Anh của Manya Harari, trang 87,88, 92,93, 94 và 95.
2. Dina Kaminskay, "Final Judgment-My life as a Soviet Defense Attorney", nhà xuất bản Simon and Schuster, New York, 1982, bản dịch tiếng Anh của Michael Glenny, trang 202-203.
Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
***********************
Hy sinh vì chính nghĩa
Vaclav Havel - Trần Quốc Việt dịch
21 tháng Hai 1989
Lời phát biểu cuối cùng của Vaclav Havel ở Tòa án Quận 1 Prague
Thưa tòa,
Vì tôi đã bình luận đủ về từng lý do trong cáo trạng, cả trong quyết định khởi tố trước khi xét xử và ở tòa án này, cho nên tôi không có ý định nhắc lại mà chỉ tóm tắt lập trường của tôi. Tôi tin đến nay vẫn không có bằng chứng nào được đưa ra nhằm chứng minh hoặc sự kích động hay sự cản trở người thi hành công vụ, vì thế tôi xem như mình vô tội và yêu cầu thả tôi ra.
Lời phát biểu cuối cùng của Vaclav Havel ở Tòa án Quận 1 Prague - Biểu tượng cuộc cách mạng nhung - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cuối cùng tôi muốn nói đôi điều về một khía cạnh cho đến nay chưa bao giờ được đề cập đến của toàn bộ vụ án. Cáo trạng tuyên bố rằng tôi "ra sức che đậy bản chất chống nhà nước và chống chủ nghĩa xã hội của cuộc tụ họp như dự tính". Ngẫu nhiên lời tuyên bố ấy mà không trưng ra bằng chứng cụ thể nào - và cũng chẳng có thể có bằng chứng- gán các động cơ chính trị cho những hành vi của tôi. Vì thế trong phạm vi quyền của mình tôi sẽ nói kỹ trong chốc lát về các khía cạnh chính trị của toàn bộ vụ án.
Trước tiên, tôi phải chỉ ra rằng những từ "chống nhà nước" và "chống chủ nghĩa xã hội" từ lâu đã mất tất cả các ý nghĩa ngữ nghĩa, sau nhiều năm xử dụng hoàn toàn tùy tiện đã trở thành chỉ là sự quy chụp xúc phạm đến tất cả các công dân mà làm cho chế độ khó chịu vì bất cứ lý do nào đấy, nhưng tuyệt đối không liên quan gì đến quan điểm chính trị thực sự của họ. Vào những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời họ, ba vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc-Slánský, Husák và Dubček- đã được mô tả bằng chính những từ này. Bây giờ chính sự chụp mũ này lại được áp dụng đối với Hiến chương 77 và các nhóm kiến nghị của các công dân độc lập, chỉ vì chính quyền ghét các hoạt động của họ và cảm thấy cần thiết phải làm giảm uy tín họ bằng cách nào đấy. Như ta có thể thấy rõ, cáo trạng trong vụ án của tôi cũng sa đà vào sự lạm dụng chính trị như thế.
Mục đích chính trị thực sự của hoạt động của chúng tôi là gì? Hiến chương 77 được lập ra và vẫn tiếp tục hoạt động như một cộng đồng không chính thức nhằm cố gắng theo dõi sự tôn trọng nhân quyền trong nước ta, bao gồm sự tuân thủ các công ước quốc tế liên quan hay hiến pháp Tiệp Khắc, tùy theo trường hợp. Trong mười hai năm qua, Hiến chương 77 đã thu hút sự chú ý của nhà cầm quyền vào sự tương phản giữa những cam kết pháp luật và những gì là thực tế thực sự trong xã hội ta. Trong mười hai năm qua Hiến chương đã báo trước nhiều hiện tượng bất ổn khác nhau và những dấu hiệu khủng hoảng, và vạch trần những vi phạm các quyền hiến pháp, cũng như những hành vi tùy tiện, sự sai lầm và bất tài về phía nhà cầm quyền. Khi theo đuổi những hoạt động này, Hiến chương 77 đang thể hiện quan điểm của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội ta, vì bản thân tôi có thể đánh giá từng ngày. Trong mười hai năm qua, chúng tôi thường mời nhà cầm quyền tham gia vào cuộc đối thoại về những vấn đề này.Trong mười hai năm qua, nhà cầm quyền lờ đi công cuộc vận động của chúng tôi và chỉ là giam cầm hay truy tố chúng tôi về vai trò của chúng tôi trong Hiến chương. Tuy nhiên, chế độ bây giờ thừa nhận nhiều vấn đề mà Hiến chương đã phơi bày cách đây nhiều năm và có thể đã được giải quyết từ lâu nếu như nhà cầm quyền lưu tâm đến tiếng nói của Hiến chương. Hiến chương 77 luôn luôn nhấn mạnh đến bản chất bất bạo động và pháp luật của những hoạt động của mình. Hiến chương không bao giờ có mục tiêu tổ chức gây rối loạn trên đường phố.
Chính tôi thường công khai nhấn mạnh nhiều lần rằng mức độ tôn trọng dành cho những công dân có đầu óc chỉ trích và bất đồng chính kiến chính là mức độ tôn trọng công luận nói chung. Nhiều lần tôi thường nhấn mạnh rằng tiếp tục coi thường sự bày tỏ ôn hòa của công luận chỉ có thể dẫn đến sự phản kháng xã hội càng ngày càng công khai và mạnh mẽ. Tôi thường nói rõ sẽ chẳng có lợi cho ai nếu chính quyền cứ chờ đợi cho tới khi nhân dân bắt đầu biểu tình và tiến hành đình công, nhưng điều ấy hoàn toàn có thể tránh được dễ dàng nếu nhà cầm quyền nên bắt đầu tham gia đối thoại và tỏ ra sẵn sàng lắng nghe những tiếng nói chỉ trích.
Chưa từng bao giờ chú ý đến những lời cảnh báo như thế cho nên bây giờ chế độ mới gặt lấy những hậu quả từ chính thái độ xem thường ấy.
Tôi phải thú nhận một điều : vào ngày 16 tháng Một tôi có ý định rời Quảng trường Wenceslas ngay sau khi đặt hoa ở tượng đài. Hóa ra, tôi ở lại đấy hơn một giờ, chính vì tôi không thể nào tin vào mắt mình. Một chuyện đã xảy ra mà tôi có nằm mơ cũng không thể nào thấy. Sự ngăn cản hoàn toàn vô ích của công an đối với những người chỉ muốn âm thầm và lặng lẽ đặt hoa gần tượng đài đã thành công tức thì trong việc biến một nhóm người tình cờ đi ngang qua thành một cuộc biểu tình đông người. Tôi nhận thức chính xác rằng nếu việc như thế có thể xảy ra được thì dân chúng ắt hẳn vô cùng bất mãn.
Cáo trạng trích dẫn lời tôi nói với các nhà lãnh đạo nước ta rằng tình hình là nghiêm trọng. Thực ra tôi nói với họ tình hình còn nghiêm trọng hơn họ nghĩ nhiều. Rồi vào ngày 16 tháng Một, tôi bất ngờ nhận thức rằng tình hình còn nghiêm trọng hơn cả tôi nghĩ trước đây.
Là một công dân muốn thấy mọi sự trên đất nước mình diễn ra ôn hòa và êm thắm, tôi thành thực tin tưởng rằng cuối cùng nhà cầm quyền sẽ chú ý đến bài học ấy để bắt đầu đối thoại nghiêm túc với mọi tầng lớp trong xã hội, và không một ai sẽ bị loại ra khỏi cuộc đối thoại ấy chỉ vì họ bị quy chụp là "chống chủ nghĩa xã hội". Tôi thành thực tin tưởng rằng cuối cùng nhà cầm quyền sẽ không còn đóng vai cô gái xấu xí đập vỡ gương vì tin rằng hình ảnh trên gương thật đáng trách. Đó cũng là lý do tôi tin tưởng tôi sẽ không bị kết tội vô căn cứ một lần nữa.
(Lời tuyên bố của Václav Havel sau khi tuyên án)
Biểu tượng của cuộc Cách Mạng Nhung năm 1989
Vì tôi cảm thấy không có tội nên tôi cảm thấy không có gì hối hận, còn nếu tôi phải chịu sự trừng phạt, tôi sẽ coi sự trừng phạt đối với tôi là sự hy sinh vì chính nghĩa, một sự hy sinh rất nhỏ nhoi so với sự hy sinh tuyệt đích của Jan Palach (*), mà nhân ngày hy sinh ấy chúng tôi định đến tưởng niệm.
Václav Havel
Nguyên tác : "Václav Havel concluding the statement at the Prague Court", 21/02/1989. Bản dịch tiếng Anh của Alice và Gerald Turner. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Chú thích
(*) Jan Palach là sinh viên Tiệp Khắc tự thiêu vào ngày 16 tháng Một 1969 tại Quảng trường Wenceslas ở Prague. Qua sự hy sinh cao quý nhất này anh muốn đánh thức sự vô cảm của người dân Tiệp theo sau vụ Nga xâm lăng Tiệp Khác vào ngày 20 tháng Tám 1968. (chú thích của người dịch)