Nhầm lẫn của tòa hay vì đây là "án bỏ túi" ?
Cát Tường, VNTB, 09/06/2022
Tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại SAGRI chiều 8/6, cựu giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm nhầm lẫn quy định chuyển nhượng dự án bất động sản với chuyển nhượng vốn nhà nước ra ngoài doanh nghiệp.
Cựu Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh : Việt Dũng
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Trọng Tuấn kháng cáo kêu oan. Ông Tuấn thừa nhận hành vi đã ký vào tờ trình báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi kết luận các tình tiết liên quan, bản án sơ thẩm không phân biệt được quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, và chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong dự án.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc "khi bán dự án có đang bán kèm quyền sử dụng đất không", ông Tuấn cho rằng trong vốn doanh nghiệp đầu tư vào dự án có quyền sử dụng đất và tài sản khác.
Về vấn đề này, chủ tọa cho rằng muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước hết phải xem luật đất đai có thỏa mãn không. Trường hợp nếu SAGRI là chủ dự án, xây nhà để bán thì không phải đấu giá vì quyền sử dụng đất đã được bán thông qua giá thị trường. Còn khi bán đất đai cho doanh nghiệp, tổ chức thì phải đấu giá.
Tranh biện, ông Tuấn cho rằng Nhà nước đã giao đất cho SAGRI và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2010. Doanh nghiệp đem tài sản của mình vào hợp tác kinh doanh, tức là đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nên có quyền chuyển nhượng vốn đó mà không phải đấu giá.
Chủ tọa tiếp tục hỏi : "Năm 2011, SAGRI đã đóng tiền sử dụng đất 128 tỉ đồng, đến năm 2017 mới chuyển nhượng dự án tại sao vẫn để giá cũ ? SAGRI có quyền đại diện vốn nhà nước, còn tiền của SAGRI vẫn là tiền của nhà nước. Do vậy khi muốn thoát sự quản lý nhà nước khu đất này thì phải thực hiện theo đúng thủ tục".
"Phải có sự quản lý nhà nước để bảo toàn tài sản nhà nước, nhưng trong trường hợp này không có quy định pháp luật về buộc đấu giá thì phải thẩm định giá như ý kiến của Bộ Tài chính" – ông Tuấn khẳng định.
Dưới góc nhìn pháp lý của một luật sư tham vấn, xin bàn luận các vấn đề trên để làm rõ là ở đây có thật là "nhầm lẫn", hay vì đó là "án bỏ túi" nên kêu oan sẽ là vô vọng ?
Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 219/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau :
Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên : Thực hiện bán, chuyển nhượng với giá thỏa thuận trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình hoặc chuyển nhượng cho thành viên khác trong công ty ; Bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên.
Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần : Giá thoả thuận khi chuyển nhượng vốn (cổ phiếu) đã đăng ký, niêm yết phải đảm bảo trong biên độ giá giao dịch (giới hạn giao động giá của mã chứng khoán) tại ngày chuyển nhượng ; và không được thấp hơn giá cổ phiếu xác định theo giá trị sổ sách của công ty, căn cứ vào tổng giá trị vốn chủ sở hữu chia cho vốn điều lệ của công ty tại thời điểm chuyển nhượng.
Thông tư 219/2015/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2016 và thay thế Thông tư 220/2013/TT-BTC.
Còn đối với dự án bất động sản được chuyển nhượng thì phải thỏa mãn yêu cầu pháp lý cụ thể tại quy định của khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Theo đó dự án bất động sản được chuyển nhượng phải có đủ các điều kiện sau : Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt ; Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ đã được phê duyệt ; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.
Điều kiện đối với bên bán là chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng (khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014).
Và điều kiện đối với bên mua là chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án (khoản 3 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản).
Như vậy xét về những gì công khai trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa kể trên, cho thấy các tranh biện của ông Trần Trọng Tuấn là có căn cứ pháp lý rõ ràng của việc kháng cáo "kêu oan".
Cát Tường
Nguồn : VNTB, 09/06/2022
************************
Liêm chính công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng
Thới Bình, VNTB, 08/06/2022
Mỉa mai vô cùng khi yêu cầu về liêm chính trong bối cảnh các nhà lãnh đạo chưa lần nào ‘hóa trang’ để vi hành.
Mỗi đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp cần thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm cao trong việc lựa chọn những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất đạo đức và tài năng cho cấp ủy khóa mới _Ảnh: Tư liệu
Ở đây nếu đặt vấn đề qua góc nhìn quản trị nhân sự đảng viên nói chung, nhân sự đảng viên cấp ủy viên Trung ương nói riêng, thì rõ ràng là cần nghiêm túc đặt vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu Đảng.
Giả dụ như Quốc hội Việt Nam có nhiều ghế dành cho các đảng phái chính trị, thì có lẽ ở Nghị trường hôm 7/6 với áp lực cạnh tranh, người ta sẽ chứng kiến tuyên bố việc từ chức của người đương nhiệm đứng đầu Đảng, và nội bộ của Đảng này sẽ cử một người nào đó lên thay thế, vì nhân tài của một đảng chính trị không thể là "lá mùa thu".
Nhằm tránh bị chụp mũ chính trị là trang Việt Nam Thời Báo đang cổ súy cho "lật đổ chế độ" qua cổ súy đa nguyên chính trị, xin được luận bàn theo văn phong tuyên giáo Đảng về trách nhiệm của vị thuyền trưởng trong vai trò Tổng bí thư.
Trong các tiết bồi dưỡng chính trị định kỳ mang tính bắt buộc đối với tất cả đảng viên đang trong bộ máy cầm quyền, người ta luôn nghe thuyết giảng với những lời hay ý đẹp trong môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" (trích) :
Sinh thời, ý thức rõ về nguy cơ tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục đạo đức công vụ cho họ với phẩm chất hàng đầu là sự liêm chính. Người yêu cầu cán bộ, công chức phải thực sự trong sạch, ngay thẳng, "công bình, chính trực", hết lòng phục vụ Tổ quốc và nhân dân.
Những chỉ dẫn của Người về liêm chính công vụ ngày càng tỏ rõ giá trị khi xây dựng chính phủ liêm chính với tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng động và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nước ta hiện nay…
Trong một bài giảng có tên "Liêm chính trong suy nghĩ và hành động !" của Tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai, Ban Tuyên giáo Trung ương, có đoạn viết :
"Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh : Liêm "là trong sạch, không tham lam", là "không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình".
Trái ngược với liêm, thì người "tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm", cho nên cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Người có đức Liêm là người liêm sỉ, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi làm điều xấu ; đồng thời, biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong và sáng. Sự thanh liêm của họ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn những người xung quanh.
Vì, đức Liêm của người cán bộ sẽ tạo lòng tin của nhân dân, cho nên, nếu không có hoặc thiếu Liêm "mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời", cho nên, cán bộ phải nhất thiết phải Liêm, phải thực hành chữ Liêm, "tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân ;… mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường", nhất là "mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân"…
Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là "Liêm một nửa". Đồng thời, với nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, để "dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm, cũng phải hóa ra Liêm" là việc pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì".
Những đoạn dẫn trực tiếp trong dấu ngoặc kép được giảng viên Văn Thị Thanh Mai cho biết là các huấn thị kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vậy thì cấp ủy viên Trung ương Đảng đã không thể dưỡng liêm, thì rõ ràng đó là lỗi trong quản trị nhân sự của nội bộ Đảng.
Nếu được phép chỉ trích, xin được nói rằng người đứng đầu Đảng hiện tại đang thiếu đức Chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng "chính" đòi hỏi con người phải có sự chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải ; chi phối mọi công việc, mọi con người trong xã hội, do đó, "chính" là đức khó thực hiện nhất trong "tứ đức" cần – kiệm – liêm – chính, tức là sự biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người.
Lẽ ra các cái sai của đảng viên cấp ủy viên Trung ương trong dưỡng liêm, phải được người đứng đầu Đảng dũng cảm đấu tranh ngay từ lúc gọi là "manh nha trứng nước", chứ không phải đến lúc "bung toang" như vụ Việt Á kéo dài suốt mấy năm trời dịch giã Covid (?!).
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 08/06/2022
**********************
Nguồn vốn xã hội hóa : bức bình phong của tham nhũng ?
Hàn Lam, VNTB, 07/06/2022
"Nhà đầu tư tư nhân" như Việt Á, hay Vũ "nhôm" ở Đà Nẵng đều là sân sau của những quan chức chính phủ đương nhiệm, hoặc lui "về làm người tử tế".
Nguồn vốn xã hội hóa được hiểu là những qui định phi chính thức, những chuẩn mực và các mối quan hệ lâu dài giúp thúc đẩy các hành động tập thể và cho phép mọi người thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh cùng có lợi.
Do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam không bố trí được nguồn vốn đầu tư nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới trong năm 2022, nên UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Thủ tướng cho đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đó là nội dung công văn vừa được ông Trần Thắng – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – ký gửi Thủ tướng về đầu tư dự án nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới.
Thuộc tính sinh lợi cho biết vốn xã hội phải có khả năng sinh ra một nguồn lợi nào đó cả về mặt vật chất và tinh thần. Tính hao mòn là thuộc tính hệ quả của tính sinh lợi, một điểm khác biệt quan trọng của vốn xã hội với các loại vốn khác là ngày càng sử dụng càng tăng.
Cũng chính vì vậy mà vốn xã hội có thể bị suy giảm và triệt tiêu nếu không được sử dụng có thể bi phá hoại một cách vô tình hay cố ý khi vi phạm qui luật tồn tại và phát triển của loại hình vốn này. Là loại hình vốn nên vốn xã hội cũng sẽ thuộc sở hữu của một cộng đồng xã hội nào đó, là một loại hình vốn nên nó có thể được đo lường, tích lũy và chuyển giao. Một đặc điểm khác nữa của vốn xã hội là nó được làm tăng lên trong quá trình chuyển giao.
Vốn xã hội có tính hai mặt : nó có thể hướng đến sự phát triển hoặc thiên về tính bảo tồn, kìm hãm sự phát triển. Vốn xã hội phải thuộc về một cộng đồng nhất định là sự chia sẻ những giá trị chung, những qui tắc và ràng buộc chung của cộng đồng đó.
Như vậy một khi thiếu vắng những quy định liên quan đến quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư/ đối tác tư nhân trong các dự án xã hội hóa dẫn đến chưa tạo dựng được một thị trường cạnh tranh, minh bạch và còn đương nhiên tiềm ẩn nhiều hệ lụy mà vụ kit test Việt Á là một đơn cử.
Trên thực tế, trường hợp dự án xã hội hóa không thực hiện theo quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và do tính đa dạng của các hoạt động xã hội hóa nên việc áp dụng quy trình đấu thầu còn lúng túng. Bên cạnh mô hình đầu tư ngoài công lập thực hiện theo quy định về đầu tư hiện hành, mô hình liên doanh, liên kết hầu như chưa có thủ tục để thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch.
Nói một cách khác, xã hội hóa bao hàm nhiều hoạt động, trong đó có những hình thức không áp dụng quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như trường hợp cơ sở sự nghiệp công lập tự vay vốn hoặc huy động vốn để đầu tư dự án.
Ngoài ra, trong hầu hết các trường hợp, cơ sở thực hiện xã hội hóa đều mong muốn triển khai nhanh các dịch vụ xã hội hóa, đồng thời việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa cũng chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, nên các cơ sở thực hiện xã hội hóa thường tự lựa chọn đối tác/ nhà đầu tư tư nhân. Mà điều này ở Việt Nam lâu nay cho thấy cái gọi là "nhà đầu tư tư nhân" kiểu như Việt Á chẳng hạn, hay loạt doanh nghiệp đình đám của Vũ "nhôm" ở Đà Nẵng đều là sân sau của những quan chức chính phủ đương nhiệm, hoặc lui "về làm người tử tế".
Về minh bạch hoá, hoạt động liên doanh liên kết, các dự án, đề án liên doanh, liên kết nhân danh xã hội hóa được minh bạch hóa theo quy chế nội bộ, chưa thực sự hướng tới sự giám sát rộng rãi và độc lập. Điều này xuất phát từ thực trạng chung là thiếu cơ chế khuyến khích sự tham gia giám sát, đánh giá của các đơn vị độc lập, người sử dụng dịch vụ.
Còn dự án PPP được công khai hoá, minh bạch hoá từ danh mục dự án đến các bước lựa chọn nhà đầu tư tại Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và trang web của các bộ, địa phương. Dĩ nhiên không hẳn các dự án PPP không dính tới chuyện buộc phải "bà thò chân giò, ông góp chai rượu" trong những áp phe làm ăn trong thể chế chính trị không chịu sự áp lực cạnh tranh của các ghế quyền lực ở Quốc hội đa đảng phái như các quốc gia khác.