Nếu không ta thì ai, nếu không bây giờ thì khi nào ?
Trần Quốc Việt, 10/06/2022
Nếu không ta thì ai, nếu không bây giờ thì khi nào ?
Nếu lời đáp cho câu hỏi trên là sự khẳng định ở ngay chính ta, ở ngôi thứ nhất, chứ không ở bất kỳ ai khác và thời gian là ngay bây giờ thì Việt Nam hy vọng còn có tương lai.
Mọi người vẫn chỉ là những khách qua đường tình cờ gặp nhau và nhìn nhau và để chờ lẫn nhau trên chuyến tàu Tương Lai
Nếu lời đáp là anh, chị hay những người ở ngôi thứ hai, dù bây giờ hay trong tương lai, thì Việt Nam vẫn chỉ là thực trạng ngày càng xấu hơn kéo dài bất tận từ thế hệ này đến thế hệ khác. Bởi lẽ mọi người vẫn chỉ là những khách qua đường tình cờ gặp nhau và nhìn nhau và để chờ lẫn nhau trên chuyến tàu Tương Lai sẽ mãi mãi không bao giờ rời được ga Chờ.
Nếu lời đáp là họ, tức con cháu chúng ta ở ngôi thứ ba và thời gian ở tương lai thì toa tàu Việt Nam sau khi nối vào đầu máy Trung Quốc sẽ tăng tốc rời ga Số phận đến ga Bắc Thuộc rồi đến ga Đồng Hóa cuối cùng.
Nếu không ta thì ai, nếu không bây giờ thì khi nào? Câu hỏi này hiện lên trong lòng mỗi khi ta nghe những hồi trống giục giã quen hay lạ vào ngày cuối tuần kêu gọi ta hãy xuống đường đòi quyền sinh tồn. Sự hiện diện của Formosa, tương lai của giống nòi lành mạnh, và tương lai sinh tồn của Việt Nam tất cả đều phụ thuộc vào lời đáp chung nhất trong những lời đáp trên của hơn 90 triệu người Việt hiện nay.
Những lời đáp cá nhân này không chịu phán xét của bất kỳ ai ngoại trừ của chính lương tâm và lòng yêu nước. Tuy lời đáp mang tính cá nhân nhưng dù muốn hay không số phận thì chung. Cho nên trước khi trả lời ta phải nhìn thật lâu vào tận cõi lòng của mình, vào tận lương tâm mình, vào suốt chiều dài lịch sử sinh thành ra mình để chọn lời đáp đúng nhất không phải cho cá nhân mình mà cho quê hương vì Mẹ Âu Cơ luôn luôn kỳ vọng vào lời đáp rất Việt Nam của đàn con.
Mẹ Việt Nam chung của chúng ta đã khổ đau vô cùng trước cuộc nội chiến
Xuống đường dưới bóng Mẹ hiền
Có lẽ không ai viết về người mẹ hay hơn văn hào Victor Hugo. Trong kiệt tác Những người khốn khổ ông cho nhân vật Jean Valjean lúc hấp hối tiết lộ cho Cosette biết về người mẹ của cô :
"Cosette, đã đến lúc nói cho con biết tên mẹ con. Mẹ con tên Fantine. Hãy khắc sâu trong lòng tên Fantine ấy. Hãy quỳ xuống mỗi khi con nói tên mẹ con. Mẹ con khổ sở biết bao nhiêu. Và thương con vô cùng".
Mẹ Việt Nam chung của chúng ta đã khổ đau vô cùng trước cuộc nội chiến kết thúc cách đây 41 năm mà đã giết hại hàng triệu người con của Mẹ. Mẹ hôm nay còn khổ sở hơn gấp bội trước sự tồn vong của những người con, đa phần còn trẻ, trước cảnh biển chết. Hình ảnh tương lai của đàn con của Mẹ là hình ảnh những con cá chết bị nhiễm độc trôi giạt vào bờ khi Việt Nam tương lai là nơi chứa chất thải độc hại, là những làng và thành phố ung thư trên khắp nước, là dân tộc sống dở chết dở để chờ ngày bị diệt vong. Hôm nay chúng ta hãy kêu lên tên Mẹ Việt Nam và hãy quỳ xuống trong tâm tưởng và khóc khi tưởng đến người Mẹ hiền chung ấy.
Chúng ta chiến thắng chỉ khi chúng ta coi mình là con Mẹ và chỉ khi chúng ta đoàn kết lại muôn người như một để bảo vệ sự sinh tồn của Mẹ Việt Nam và của chúng ta. Chúng ta không thể nào để cho Formosa hiện diện ở Việt Nam như lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu Mẹ và đàn con cháu dưới bóng Mẹ.
Chúng ta chiến thắng không phải khi chúng ta thắng bạo quyền nhưng khi chúng ta trung thành với mình (1). Trung thành với lương tâm, nhân phẩm thiên phú và khát vọng sinh tồn lành mạnh của con người bình thường.
Cuộc chiến sinh tồn ấy không diễn ra dưới bóng các tòa đại sứ hay trong hành lang quốc hội của các nước Phương Tây. Cuộc chiến ấy phải diễn ra trên đường phố ở đây vào mỗi ngày Chủ Nhật giữa những người con của Mẹ Việt Nam với những tên tay sai và công cụ của bạo quyền và ngoại bang. Để thắng cuộc chiến sinh tử này chúng ta phải chấp nhận cơn mưa đấm đá và dùi cui của họ. Nhưng chúng ta vững tiến lên và trào dâng như thác đổ dưới sự thúc giục và cổ vũ của người Mẹ chung vô hình-người sẽ dẫn đàn con đến bến bờ bình an và tươi sáng.
Để cho sự thật được phơi bày chúng ta không có con đường nào khác ngoại trừ xuống đường và cất cao lên tiếng hô vang phản đối. Chiến hữu chúng ta là đồng bào, vũ khí chúng ta là nhiệt huyết tràn đầy của người yêu gia đình và tổ quốc, đồng minh chung thủy chúng ta là Mẹ Việt Nam.
Chúng ta hãy cùng kêu lên tên Mẹ Việt Nam và hãy quỳ xuống trong tâm tưởng trên đường phố vào ngày Chủ Nhật này để kích hoạt niềm tin chiến thắng trước khi cùng kéo nhau xuống đường ngang qua những khuôn mặt bạo lực sát khí có đôi mắt cá chết của những kẻ đã quay lưng lại với Mẹ Việt Nam sinh thành.
Ta xuống đường vì cuộc sinh tồn của một Việt Nam đang bị tổn thương nặng nề
Quê hương và biển chờ ta trên đường phố ngày mai
Ta xuống đường vì cuộc sinh tồn đầy rủi ro của người thân, đặc biệt trẻ thơ, trước biển bị nhiễm độc. Nghĩ về họ, ta xuống đường với tấm lòng thương yêu và trách nhiệm của người đủ hiểu biết để nhận ra bao tác hại toàn diện và vô cùng lớn mà đang và sẽ gây ra đối với cuộc sống của hầu như từng cá nhân và cộng đồng.
Ta xuống đường vì cuộc sinh tồn của một Việt Nam đang bị tổn thương nặng nề khi môi trường ngày càng ô nhiễm và độc hại. Thảm họa môi trường biển chỉ là nạn nhân mới nhất nhưng chưa phải cuối cùng của biết bao nhiêu thảm họa môi trường hữu danh và vô danh khác như sông ngòi bị san lấp, bờ biển bị đào khoét nham nhở và độc hại do khai thác kim loại, núi non bị đục khoét và tàn phá, rừng bị đốn hạ, ruộng đồng khô hạn và nhiễm mặn, thực phẩm độc hại. Chưa kể đến những thảm họa hiển nhiên về văn hóa, giáo dục, y tế, và trên hết đạo đức ngày nay quá suy đồi trong thời kim tiền ngự trị khi xấu hổ biến mất, trâng tráo và tàn ác lên ngôi. Nghĩ về những điều này, ta xuống đường với lương tri và tâm hồn hiền lương truyền thống của người Việt để cố gắng chặn lại đà tiêu vong và sự biến mất chung cuộc của dân tộc và quê hương Việt Nam trên bản đồ địa lý và văn minh thế giới.
Ta xuống đường để cất lên tiếng kêu bi thương cho muôn loài dưới biển đang bị tàn sát. Ta hãy nói thay cho những con cá vô tội nằm chết lạc loài, dày dặc, và tức tưởi dọc theo bờ biển miền trung. Biết bao nhiêu chúng sanh vô tội ấy chết và giạt vào bờ biển như để làm nhân chứng cho tội ác khủng khiếp của một thiểu số người đã chết về phần hồn. Ta xuống đường vì thương xót cho những con cá bị đầu độc này. Trái tim tuổi thơ của mỗi người đều rộn ràng, hân hoan và sung sướng khi nhìn thấy cá bơi lội thì chẳng lẽ trái tim người lớn lại không đau lòng trước hình ảnh cá chết hàng loạt trên bờ và chết xếp lớp dưới biển. Biển nhiễm độc rốt cuộc sẽ tước đi bao thế hệ trẻ em và người lớn thú vui được hòa mình và nô đùa dưới biển. Tương lai ta rồi sẽ phải sống vô cảm giữa rừng bê tông và sắt thép quanh mình một khi muôn thú trên đất liền bị tận diệt và biền không còn cá. Ta hãy xuống đường để cứu lấy toàn bộ môi trường nuôi dưỡng và thanh lọc nên tâm hồn Việt Nam mình.
Nếu ta không liên tục xuống đường để đi đến tận cùng sự thật và nếu ta để cho mọi sự dần dần chìm vào quên lãng thì ngày nào đấy không xa người giàu âm thầm xếp hàng lên máy bay để bỏ nước ra đi đến nơi chốn an toàn còn người nghèo ở lại để sống mòn mỏi vô vọng giữa môi trường tự nhiên và xã hội bị nhiễm độc và băng hoại. Ta phải gìn giữ hình ảnh Việt Nam tươi đẹp cho ta, cho con cái mình và cho muôn đời sau bằng cách hãy lên tiếng phản đối mạnh mẽ tội ác môi trường của chế độ mà, xin mượn cách dùng từ của họ, khốn nạn, bất lương và vong bản đến thế là cùng.
Người xa góp lời người gần góp chân. Hãy lên tiếng không ngừng và hãy xuống đường bền bỉ và liên tục để làm tròn vai trò của những công dân trách nhiệm. Hãy lên tiếng vì tương lai sinh tồn của gia đình và tổ quốc. Biển đang hy vọng vào ta và đang chờ ta trên đường phố ngày mai.
Ta xuống đường và hình dung cảnh con cá vẩy bạc lấp lánh quăng mình cao lên trên mặt biển dưới ánh nắng hồng sớm mai-đó là hình ảnh Việt Nam tương lai. Hay ta ở nhà và hình dung cảnh con cá nằm hấp hối trên bờ biển hoang vắng dưới ánh chiều tà thoi thóp- đó là hình ảnh Việt Nam khi đa số quay lưng với số phận của mình và quê hương.
Quê hương và biển chờ ta đáp lời.
Số phận của chúng ta như con cá nằm trên thớt dưới lưỡi dao Formosa !
Hãy xuống đường bên nhau vì quê hương
Sau khi biết công ty Formosa thông đồng với các viên chức để đổ gần 3000 tấn chất thải công nghiệp có hàm lượng thủy ngân rất cao xuống bãi rác lộ thiên không có người bảo vệ ở thành phố Sihanoukville ở Cambodia dân chúng liền nổi loạn và biểu tình suốt ba ngày liền. Mười ngàn người dân địa phương sau đấy bỏ chạy về thủ đô Phnom Penh lánh nạn.
Tổ chức Y tế Thế giới phái ông Mineshi Sakamoto, chuyên gia về nhiễm độc thủy ngân, ở Viện Nghiên cứu Minamata thuộc cơ quan môi trường của chính phủ Nhật sang tận nơi. Sau đấy ông nói trước báo chí : " Đây là lần đầu tiên tôi thấy chuyện như thế này. Tôi rất kinh ngạc khi thấy nó, và tôi rất thương xót cho nhân dân Cambodia-thật là bất công" (2).
Mười tám năm sau Formosa gây ra tội ác môi trường còn ghê gớm gấp triệu lần tội ác họ gây ra ở nước láng giềng của Việt Nam - biển chết, cá chết, sự đe dọa đến sự sinh tồn và phát triển nòi giống của cả một dân tộc đã và đang trường tồn và đứng vững qua biết bao thăng trầm lịch sử. Khi biển cả - cội nguồn của nền văn minh và sinh tồn - chết thì sự diệt vong tất yếu chỉ là vấn đề thời gian. Đây là sự khởi đầu của quá trình suy tàn của một dân tộc.
Số phận của chúng ta như con cá nằm trên thớt dưới lưỡi dao Formosa !
Ông Mineshi Sakamoto nếu hôm nay đến đây có thể ông sẽ nói như thế này : "Tôi vô cùng thương xót cho nhân dân Việt Nam - thật là vô cùng bất công". Và ông chắc vô cùng kinh ngạc nếu như vào giờ phút này đa số chúng ta vẫn còn đứng bên lề cuộc sinh tử của gia đình và dân tộc.
Vì vậy chúng ta hãy xuống đường, hãy bước bên nhau vì quê hương, và hãy đứng bên nhau vai sát vai, chân sát chân, miệng sát miệng, lòng sát lòng, máu Việt nam chảy sát máu Việt Nam để cùng cất lên tiếng kêu xé trời xanh của biển người đang đứng mấp mé ở cửa tử - Formosa cút khỏi Việt Nam ngay !
Nhưng xuống đường hay không xuống đường là sự chọn lựa cá nhân phải được cộng đồng và xã hội tôn trọng. Tuy nhiên có sự chọn lựa chúng ta hiểu và thông cảm nhưng không bao giờ khen ngợi. Và có sự chọn lựa rất cá nhân dựa trên lương tâm, lý trí và can đảm cần nên được ca ngợi. Đó là sự chọn lựa của những người xuống đường với thái độ đưa cả hai má mình ra trước nắm đấm và dùi cui của những kẻ mà chúng ta nên tha thứ và thương hại họ vì họ không biết điều họ làm là sai đạo lý và trái với lương tri bình thường. Trách chăng là trách những kẻ chỉ huy họ ngồi trong phòng máy lạnh đang lướt mạng để tìm trước nơi tỵ nạn môi trường ở Phương Tây cho bản thân và gia đình.
Chủ Nhật này và hàng bao Chủ Nhật tới đường phố trên khắp nước Việt Nam sẽ rung chuyển không ngừng dưới những đôi chân bước theo chiều lịch sử hình chữ S ông cha ta đã chỉ ra từ ngàn xưa- chiều tiến lên để sinh tồn. Trời xanh vào những ngày ấy cũng sẽ dội vang vang không ngớt những tiếng hô xé trời từ hàng ngàn cái miệng dưới đất đồng loạt cất lên-Việt Nam trường tồn muôn năm! Biển Việt Nam muôn năm !
Có sự chọn lựa đưa ta thanh thản vào giấc ngủ với giấc mơ nô đùa với con cái trên bờ biển mùa hè trong lành thuở nào. Có sự chọn lựa nhiều năm về sau ta phải hối hận khi ngồi bên giường bệnh nhìn con cháu quằn quại với căn bệnh ung thư vì nhiễm độc hóa chất hay kim loại nặng như thủy ngân.
Nhưng quê hương không có sự chọn lựa nếu ta không đứng lên như lời kêu gọi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương "Không đòi, ai trả núi sông ta". Vì vậy có sự chọn lựa cho chính nghĩa đáng để ta hy sinh, và có sự chọn lựa mà về sau ta phải đứng trước vành móng ngựa của lương tâm và lịch sử.
Chúng ta hãy quyết tâm cùng nhau chìa hai má ra để đi qua những hàng dài đồng phục và dùi cui để mở đường cho Việt Nam tồn tại bất biến cùng với biển cả đã nuôi dưỡng nên thể chất và tâm hồn của bao thế hệ người Việt từ ngàn xưa đến nay.
Sóng biển vỗ vào bờ hoang vắng thiếu tiếng cười đùa của trẻ thơ và cha mẹ.
Tiền phúng điếu
Năm trăm triệu đô là tiền làm con đường đến địa ngục.
Hàng triệu người mất sinh kế gần như vĩnh viễn. Hàng trăm ngàn gia đình ly tán vì cha mẹ phải tha phương cầu thực. Tương lai của đa phần con cái họ là xấp vé số trên tay em bé, là những giọt lệ tuôn chảy không ngừng trong lòng thiếu nữ đương xuân trong vòng tay của bao khách làng chơi, là tủi nhục dâng trào thầm lặng theo từng giọt mồ hôi rơi trên lưng còng của người thanh niên trai tráng làm công trên xứ người.
Những bệnh viện ung thư rồi sẽ sớm bắt đầu mọc lên trên khắp nước để chữa trị vô vọng cho rất nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Hình ảnh địa ngục ở âm ty được tái hiện phần nào ở những nơi này qua hình ảnh dị dạng, khuyết tật, kinh hoàng của những người nghèo đã phải ăn cá, nước mắm, và muối bị nhiễm độc để qua cơn đói thèm. Họ nằm đấy chen chúc nhau trong các phòng và dọc theo hành lang của những địa ngục trần thế này.
Mùa hè trên biển mất vĩnh viễn. Sóng biển vỗ vào bờ hoang vắng thiếu tiếng cười đùa của trẻ thơ và cha mẹ. Biển hiền lành bình an đầy gợi tưởng và mơ mộng giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Biển và người đã mất đi mùa hè cuối cùng.
Tâm hồn con người ngày càng vô cảm và chai sạn khi phải quay lưng lại với biển. Biển chết, sông hồ chết, rừng chết tất cả đưa đến cái chết tất yếu của tâm hồn, đạo lý và cả lương tâm con người. Cửa vào tầng đầu địa ngục bắt đầu từ đây khi xã hội chìm đắm trong mông muội đang trở về.
Đảng Ác từ lâu đã phác thảo và xây dựng nên con đường dẫn đến địa ngục này. Formosa hôm nay chỉ cấp vốn cho họ làm tiếp đoạn đường cuối cùng đến cổng địa ngục.
Sẽ còn rất nhiều Formosa môi trường và chính trị khác để giúp Đảng làm tiếp những tầng địa ngục bên trong để chờ đón những người Việt cuối cùng.
Cuộc xếp hàng đi vào số phận đã bắt đầu.
Trần Quốc Việt
(10/06/2022)
Chú thích
(1) Lời của Adam Michnik, nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết Ba Lan.
(2) Theo bài báo của Chhay Sophal với tựa đề "‘Dangerous’ Waste Left In Cambodia; Taiwanese Material Contains Mercury" trên báo Washington Post số ra ngày 26/12/1998.