Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/06/2022

Châu Âu chia tay với "tiền rẻ" - Thê giới Nga của Putin tan rã

Trọng Thành

Châu Âu buộc phải chia tay với "tiền rẻ"

Ngân hàng Trung ương Châu Âu ra quyết định "lịch sử", chấm dứt thời kỳ cho vay tiền với lãi suất bằng không hoặc âm, với hy vọng hạn chế được lạm phát phi mã. Kỉ niệm 350 năm ngày sinh Sa hoàng Pierre Đại đế, tổng thống Nga khẳng định là người kế tục sứ mạng lấy lại các vùng đất của Nga bị nước ngoài "chiếm đoạt" trước đây. 

tienre1

Ảnh minh họa chính sách "tiền rẻ" của Châu Âu. Những đồng euro mệnh giá 50 euros. AFP – Denis Chảlet

Truyền hình Pháp công chiếu bộ phim "Ukraine : la fin du monde russe ?", giải thích cội nguồn văn hóa sâu xa của cuộc kháng chiến Ukraine chống Nga. Nước Nhật lần đầu tiên dè dặt đón khách quốc tế trở lại, sau hơn hai năm đóng cửa. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

***

Lần đầu tiên kể từ 11 năm nay, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE / ECB) tăng lãi suất chỉ đạo. Theo AFP, ngày 09/06, Ngân hàng Trung ương Châu Âu quyết định lãi suất sẽ tăng 0,25% từ cuối tháng 7 tới, và dự kiến sẽ có thể tăng thêm 0,25% vào tháng 9 (lãi suất cũng có thể sẽ phải tiếp tục tăng dần dần để đạt mức 2%, thậm chí cao hơn). Báo chí Pháp chạy tít : "giã biệt giai đoạn tiền rẻ", "chấm dứt thời kỳ lãi suất tiền cho vay âm"… Giới quan sát nhìn chung nhận định việc chấm dứt giai đoạn tiền rẻ, giai đoạn cho vay tiền dễ dãi, là một "quyết định lịch sử" của khu vực đồng euro.

"Tiền rẻ" từng được khu vực đồng euro coi như nhân tố kích thích đầu tư và tăng trưởng quan trọng, trong chục năm trở lại đây. Nhiều quốc gia Châu Âu đã được vay tiền với lãi suất bằng không, hay thậm chí với lãi suất âm. "Lãi suất âm" có nghĩa là bên đi vay không những không phải trả lãi, mà thậm chí chỉ phải hoàn trả số tiền ít hơn vốn đã vay. Nói cách khác, bên vay được tặng thêm tiền khi vay tiền.

Vậy vì sao Ngân hàng Trung ương Châu Âu phải chấm dứt giai đoạn "tiền rẻ" lạ lùng kéo dài này ? Theo giới quan sát, BCE giờ đây "không có lựa chọn nào khác". Trong lúc viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm, "tiền rẻ" giờ đây bị điểm mặt như nhân tố kích thích lạm phát. Mà lạm phát đang ở mức độ ngày càng trầm trọng, với tỷ lệ trung bình 8,1% vào tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao chưa từng thấy tại khu vực đồng euro, kể từ khi đồng tiền này ra đời, và cao hơn gấp 4 lần so với chỉ tiêu phấn đấu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (lạm phát tại 14 nước Châu Âu còn vượt cà mức trung bình nói trên).

Dân Đức chê trách quyết định của BCE

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde bảo đảm là lạm phát có thể sẽ được khống chế chỉ ở mức dưới 7% trong năm nay. Tuy nhiên, quan điểm lạc quan của Ngân hàng Trung ương Châu Âu bị phản bác mạnh mẽ tại Đức. Trả lời RFI sau thông báo nói trên, kinh tế gia Gunther Schnabl, Đại học Leipzig (Đức), nhấn mạnh đến phản ứng bất bình của đông đảo dân chúng Đức, về quyết định được đưa ra quá muộn màng và không đủ tầm mức :

"Chính phủ Đức đã có thêm nhiều cam kết chi tiêu bổ sung trong những năm gần đây. Rõ ràng là những cam kết và kế hoạch chi tiêu này chỉ có thể đạt được, nếu Ngân hàng Trung ương Châu Âu không tăng lãi suất quá nhiều. Tuy nhiên, quan điểm về phía các ngân hàng là khác. Trong lĩnh vực ngân hàng tại Đức, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ - với số lượng lớn - có vai trò quan trọng.

Chính sách tiền tệ quá linh hoạt của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đặc biệt là chính sách lãi suất âm, đã gây tổn hại rất nặng nề cho các ngân hàng như vậy. Đây là lý do khiến các ngân hàng Đức hoan nghênh việc tăng lãi suất. Về phần mình, người dân Đức vốn đã quen với tình trạng lạm phát thấp trong một thời gian rất dài. Đây là lý do tại sao họ tiết kiệm rất nhiều bằng hình thức gửi ngân hàng. Hiện tại, người Đức đang phải chịu tình trạng lạm phát cao. Đối với họ, việc tăng lãi suất đã được đưa ra quá muộn và lại không đủ cao. Chính vì vậy người dân Đức thất vọng với quyết định của Ngân hàng Trung ương Châu Âu".

Chấm dứt 40 năm "lạm phát trong vòng kiểm soát" ?

Trái ngược hoàn toàn với tin tưởng lạc quan của nhiều lãnh đạo ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Trung ương Châu Âu, theo một số kinh tế gia, như cựu bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, các nền kinh tế phương Tây "đang bước vào thời kỳ lạm phát kéo dài", chấm dứt giai đoạn 40 năm lạm phát trong vòng kiểm soát (kinh tế gia Larry Summers là một trong số ít ỏi chuyên gia, ngay từ đầu năm 2021, đã dự báo nguy cơ lạm phát).

Một số chuyên gia cho rằng việc cho vay với "lãi suất âm" như trên là điều hết sức khác thường, chưa từng có trong lịch sử kinh tế nhân loại, và đây là một biện pháp "con dao hai lưỡi", hết sức nguy hiểm. Còn chuyên gia ngân hàng Jacques de Larosière, cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng từ khá sớm đã lên án chính sách cho vay với lãi suất âm là một sự "điên rồ". Theo ông, gánh nặng nợ nần chồng chất chính là đầu mối sâu xa của khủng hoảng, mà chính sách "lãi suất âm" "khiến dòng tiền tín dụng càng ồ ạt tuôn ra, khiến nguy cơ bất ổn tài chính tăng vọt".

Pictures of the Week-Global-Photo Gallery

Vladimir Putin trong một cuộc họp báo ở Moscow vào ngày 23 tháng 12 năm 2021. Alexander Zemlianichenko / AP

Putin nói cần chiến tranh để lấy lại đất đai của tổ tiên

Trong lúc chiến tranh xâm lăng của Nga tại Ukraine tiếp diễn, nhất cử nhất động của tổng thống Nga Vladimir Putin đều được giới quan sát chú ý. Hôm 09/05 vừa qua, chính quyền Nga tổ chức long trọng dịp kỷ niệm 350 năm sinh của Sa hoàng Pierre Đại đế. Pierre Đại đế đã tổ chức xây dựng Saint Petersbourg, thành thủ đô của đế chế Nga, "cánh cửa mở ra Châu Âu". Nhiều hoạt động diễn ra hôm 09/06, từ biểu diễn cho đến hội thảo.

Sa hoàng Pierre Đại đế - trị vì từ năm 1682 đến 1725 – là một biểu tượng có ý nghĩa hai mặt. Nhiều người coi là ông là người đã đưa nước Nga xích lại gần với Châu Âu, học hỏi Châu Âu về nhiều mặt, để hiện đại hóa đế chế Nga, từ phát triển công nghệ đến cải cách quân đội, cải cảch Nhà nước, Giáo hội, khởi đầu cho một cuộc cách mạng văn hóa thực sự, mà nước Nga hiện tại được thừa hưởng. Tuy nhiên, mặt khác, Pierre đệ nhất cũng được coi là một thủ lĩnh chiến tranh, người mở rộng lãnh thố đế chế Nga, và một nhà độc tài, không gặp bất cứ phản kháng nào trong nội bộ. Sử dụng phương diện độc tài, đế quốc của hình tượng Pierre đệ nhất để khẳng định quyền lực là ý đồ của tổng thống Nga, là điều mà một số nhà quan sát như sử gia Daniil Kotsubinski nhấn mạnh.

"Pierre Đại đế đã tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc trong vòng 21 năm. Có vẻ như trong cuộc chiến với Thụy Điển, vị hoàng đế này đã cướp đi của Thụy Điển một thứ gì đó. Nhưng không, không phải như vậy, ông ấy đã không lấy gì từ họ, ông ấy chỉ chiếm lại hồi những gì vốn thuộc về Nga)". Ông Putin đã phát biểu như trên, sau khi tham quan một cuộc triển lãm dành riêng cho lịch sử vị Sa hoàng này tại Moskva hôm 08/06.

Khi tổng thống Nga phát biểu trên truyền hình, vào ngày thứ 106 của cuộc chiến ở Ukraine, ông đã so sánh chiến dịch, do Sa hoàng Pierre đệ nhất lãnh đạo, với nhiệm vụ mà nước Nga phải đối mặt hiện nay. Putin nói : "Có vẻ như chúng tôi cũng có trách nhiệm khôi phục (những gì thuộc về Nga) và củng cố đất nước. Và nếu chúng ta giả định rằng những giá trị cơ bản này tạo thành cơ sở tồn tại cho chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong việc giải quyết các vấn đề trước mắt chúng ta".

"Pierre Đại đế mở cửa ra Châu Âu, Putin là người đóng lại"

Trong bối cảnh căng thẳng cao độ giữa Moskva và Châu Âu, nhiều người Nga đặt câu hỏi : Liệu ông Putin có ý định "đóng lại cánh cửa" từng được Pierre Đại đế mở ra với Châu Âu cách nay ba thế kỷ. Trong nhiều ngày trước dịp kỷ niệm, trên các mạng xã hội Nga, nhiều người đưa lên các hình ảnh châm biếm, thể hiện thái độ hoài nghi của một bộ phận dân Nga về tương lai quan hệ Nga – phương Tây.

Một trong các thông điệp được chú ý : "Pierre Đại đế mở cửa ra với Châu Âu, Putin là người sẽ đóng nó lại". Một hình ảnh châm biếm khác mượn lời hoàng đế năm xưa nhắc nhở : "Nếu đóng lại cánh cửa mở ra Châu Âu, tương lai sẽ là khủng khiếp".

Ukraine trỗi dậy - "Thế giới Nga" của Putin tan rã ?

Vẫn về khủng hoảng Nga – Ukraine, kênh truyền hình song ngữ Pháp – Đức Arte cuối tháng 5 giới thiệu một bộ phim tài liệu có ý nghĩa soi sáng. Bộ phim mang tên "Ukraine : la fin du monde russe ?" (tạm dịch là : Sự trỗi dậy của Ukraine : Phải chăng là sự chấm dứt của Thế giới Nga ?). Bộ phim - do đạo diễn Pháp Philippe Lagnier cùng với nhà báo Pháp gốc Nga Ksenia Bolchakova (*), thực hiện - tìm cách trả lời cho các câu hỏi : Nga và Ukraine gần gũi gì về văn hóa ? Và sự gần gũi này đã thay đổi ra sao kể từ đầu chiến tranh đến nay ?

"Thế giới Nga" là một chủ thuyết được tổng thống Nga Vladimir Putin cổ vũ. "Thế giới Nga" bao gồm cư dân ba quốc gia, Nga, Belarus (hay "Bạch Nga" với người Nga) và Ukraine (hay "Tiểu Nga" với người Nga). Ở đâu có người Nga ở đó là "Thế giới Nga". Quan điểm về "Thế giới Nga" được chính quyền Putin sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lăng, mà một trong các mục tiêu chính là để bảo vệ người nói tiếng Nga.

Tại Ukraine, ước tính có khoảng 8 triệu người dùng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ, chiếm khoảng 20% dân số. Tại thành phố Odessa thậm chí đến 80% dân nói tiếng Nga. Những người Ukraine nói tiếng Nga phản ứng ra sao trước cuộc xâm lăng của Putin là chủ đề chính của bộ phim.

Từ bỏ tiếng Nga mẹ đẻ để chống Putin

Phim "Ukraine, la fin du monde russe" cho thấy ngày càng nhiều người dân nói tiếng Nga quyết định ngừng nói thứ tiếng này, kể cả nhiều người mà tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Một nhân chứng tiêu biểu trong bộ phim tài liệu là nhà văn Andrei Kurkov, văn sĩ Ukraine được dịch nhiều nhất trên thế giới, người biết 13 ngôn ngữ, cả đời viết bằng tiếng Nga. Nhưng kể từ cuộc xâm lăng, ông ngừng xuất bản bằng tiếng Nga.

Nhà văn Ukraine giải thích lý do của xu thế đoạn tuyệt với tiếng Nga : "Tiếng Nga sẽ ngày càng ít được sử dụng. Ngày càng có nhiều người từ chối nói thứ tiếng này. Giờ đây họ chọn tiếng Ukraine, mặc dù họ đã từng là người nói tiếng Nga cả đời. Tiếng Nga là vũ khí của Putin, là ngôn ngữ của kẻ thù. Khái niệm "Thế Giới Nga" này có thể được tóm gọn trong một câu : Biên giới nước Nga dừng lại ở nơi không còn ai nói tiếng Nga nữa. Như vậy, chúng ta sẽ ngăn chặn Thế Giới Nga với việc không nói tiếng Nga".

Ngừng nói tiếng Nga tức không chấp nhận quan điểm của Putin, không chấp nhận một "Thế Giới Nga" theo định nghĩa của Putin.

Hậu Covid : Nhật dè dặt mở lại cửa cho khách nước ngoài

Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, ngày 10/06, Nhật Bản bắt đầu mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài. Nhật là quốc gia G7 duy nhất trong hơn hai năm luôn đóng chặt biên giới. Từ giờ, du khách một lần nữa được chào đón nhưng với số lượng hạn chế. Tuy nhiên, các chuyến đi sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt về y tế.

Thông tín viên Bruno Duval tường trình từ Tokyo :

"Ở Asakusa, một quận vốn rất đông khách du lịch của Tokyo, những nhà kinh doanh đã có các phản ứng khác nhau, khi nói đến sự trở lại ồ ạt của du khách nước ngoài. Một phụ nữ cho biết : "Điều này là rất tốt, sẽ mang lại sức sống cho quận của chúng tôi, vốn đang tàn tạ vì không còn khách du lịch nước ngoài". Một người đàn ông bày tỏ : "Tôi rất phấn khích ... nhưng đồng thời cũng rất lo lắng, vì tôi đã không được nói tiếng Anh từ hơn hai năm ! Nhưng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ ổn thôi ..."

Một người đàn ông khác thì tỏ ra thận trọng : "Những người khách du lịch này sẽ không được phép đi chệch khỏi lộ trình du lịch đã định sẵn cho họ, hoặc thậm chí không được phép đến những nơi đông đúc. Nếu như vậy, thì than ôi, chắc là các hàng quán của quận này cũng sẽ không phải là nơi họ đến để chi tiền… ".

Trong các trao đổi của cư dân trên phạm vi toàn quốc, trên các mạng xã hội, có một lý do gây lo ngại mà nhiều người liên tục nêu ra : việc đeo khẩu trang. "Chúng tôi thấy điều đó hàng ngày trên bản tin truyền hình : hầu hết mọi người không đeo khẩu trang ở Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Nếu khách hàng nước ngoài cũng làm điều tương tự như trong khách sạn của tôi thì khách hàng Nhật Bản sẽ khó chịu. Vốn dĩ tôi đã rất căng thẳng khi phải xử lý những căng thẳng như vậy... "

Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo sẽ rất nghiêm khắc : một vi phạm dù là nhỏ nhất đối với các quy định phòng dịch, chi phối các chuyến đi có tổ chức này, sẽ ngay lập tức dẫn đến việc các khách du lịch liên quan bị trục xuất".

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 11/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)