Ảo tưởng quyền lực, Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều rơi vào ngõ cụt
Khi vừa lên cầm quyền, Vladimir Putin gặp may : giá dầu tăng vọt, những cải cách trước đó có tác động tốt, phương Tây lo chống khủng bố. Nhưng tổng thống Nga tự cho những thành công là của mình, ảo tưởng khi xâm lăng Ukraine là do cấp dưới không ai nói ra sự thực. Tập Cận Bình cũng bị tách rời khỏi thực tế, không cảm nhận được sự phẫn nộ của người dân trước zero Covid. Giả thiết Trung Quốc trở thành siêu cường số 1 thế giới được cho là khó thành sự thực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, Saint Petersburg (Nga) ngày 07/06/2019. AP - Dmitri Lovetsky
Ngoài Courrier International đặt ra vấn đề "Có nên hợp pháp hóa cocain ?", các tuần báo Pháp kỳ này dành trang bìa cho những nhân vật rất khác nhau. L'Obs đưa lên trang nhất giải Nobel Văn chương 2022 Annie Ernaux với dòng tựa "Viết văn và cuộc sống". Ảnh bìa Le Point được dành cho "Kẻ lừa đảo thế kỷ" : chủ nhân trẻ tuổi của FTX đã làm 10 tỉ đô la biến thành mây khói. L'Express đăng ảnh ông chủ điện Kremlin, chạy tựa "Bóp méo thông tin, săng-ta, bạo lực : Putin, kẻ thao túng".
Putin, chiến lược gia hay kẻ thao túng một phương Tây nhu nhược ?
L'Express nhấn mạnh đến "Thất bại đã được lập trình của một kẻ lũng đoạn". Cho đến gần đây, nhiều người ở phương Tây vẫn coi Vladimir Putin là một "chiến lược gia", nhưng theo tuần báo Pháp, những thành công của ông ta là nhờ sự nhu nhược, đồng lõa và ù lì của những nhà lãnh đạo phương Tây. Ngay từ khi tổng thống Nga lao vào cuộc phiêu lưu ở Ukraine và đụng phải một đối thủ kiên cường, người ta có thể đánh giá được sự điều hành tồi tệ của Putin. Vấn đề là tìm hiểu các nguyên nhân.
Khi Vladimir Putin lên nắm quyền năm 2000, những người ủng hộ Kremlin cố thuyết phục phương Tây rằng quá khứ KGB không đáng lo mà là ưu điểm, vì thực dụng hơn các quan chức bàn giấy xô-viết. Nhưng thực tế, Putin nhìn người qua lăng kính một nhân viên tình báo. Ông ta luôn tìm kiếm điểm yếu nơi người đối thoại để có thể thao túng : hối lộ, nịnh nọt, dụ dỗ bằng tình cảm, đe dọa. Cung cách quản trị và mọi hành động ở nước ngoài đều thấm đẫm "ADN" của KGB, và bao quanh Putin là những người mà lòng trung thành được đặt lên hàng đầu.
Được đào tạo để quản lý những đường dây điệp viên khép kín, Putin không có cái nhìn tổng quan, và như vậy không tư tưởng chiến lược. Ngoại giao cũng vậy, chỉ là nối dài "quyền lực theo chiều thẳng đứng", qua việc lôi kéo các yếu nhân ngoại quốc và phát triển mạng lưới tình báo ở nước bị nhắm đến.
Putin không hành động như nguyên thủ mà như thủ lãnh băng nhóm, mục đích là bố trí người của mình vào tất cả các vị trí quan trọng ở Nga cũng như ở nước ngoài. Ông ta bao che cho những ai phục vụ mình, dù bất tài, có những sai lầm hay phạm tội ác. Ngược lại, những ai bị cho là phản bội thì bị trừng trị không thương tiếc để làm gương, dù đó là những cá nhân (Litvinenko) hay các dân tộc (Ukraine). Putin bị ám ảnh bởi những cuộc "cách mạng màu", vì làm sụp đổ những ê-kíp đã được bố trí từ lâu, biến những nỗ lực trong nhiều năm thành công cốc. "Suy bụng ta ra bụng người", Putin luôn cho rằng có ai đó giựt dây. Nếu người dân biểu tình trên đường phố Moskva năm 2011, thì đó là do Hillary Clinton muốn phá rối Kremlin.
Ăn may nhưng cứ ngỡ mình tài ba xuất chúng
Trong thời gian đầu, Vladimir Putin gặp rất nhiều may mắn : giá dầu khí tăng vọt, được hưởng lợi nhờ tác động từ cải cách của những người tiền nhiệm, phương Tây lo tập trung chống khủng bố Hồi giáo. Nhưng tổng thống Nga tự cho những thành công là của mình, tin rằng khả năng lũng đoạn là vô giới hạn. Và rồi gậy ông đã đập lưng ông : những phương pháp được lặp đi lặp lại một cách máy móc dần dà trở nên kém hiệu quả, những đệ tử ngoan ngoãn không phải là nhà quản lý giỏi. Ảo tưởng trong cuộc xâm lăng Ukraine là do vây quanh Putin toàn là những kẻ chỉ biết vâng dạ thay vì nói cho ông ta biết sự thực.
Nhưng nhất là với cái nhìn méo mó về con người, Vladimir Putin không thể dự kiến được phản ứng của người Ukraine và phương Tây. Ông ta ngỡ rằng đã trói chặt Châu Âu nhờ dầu khí, đã cài cắm đủ các tay trong ở Ukraine và phương Tây. Nhưng Châu Âu đã bất ngờ tỉnh thức, nhất là Pháp, Đức, Ý. Những mạng lưới xây dựng công phu từ hai chục năm qua trở nên vô dụng, vì sự kiêu căng điên rồ của một bạo chúa - tin rằng có thể thống trị lâu dài bất chấp những gì đã gây ra cho nhân loại.
Mục tiêu cuộc chiến được Nga thay đổi sau mỗi thất bại
Le Figaro số cuối tuần nhận định chiến tranh ở Ukraine là một "Cuộc chiến không mục đích". Hôm thứ Năm, Vladimir Putin trơ trẽn tự nhận "cuộc chinh phục những vùng đất mới" đã "có kết quả tốt", hoan nghênh biển Azov trở thành "nội hải" của Nga, nhắc nhở rằng đó là khát vọng của Pie Đại đế (Peter the Great). Tuy nhiên "không có chuyện sáp nhập thêm đất mới", và cần đàm phán để "tìm được một thỏa thuận". Bị thay đổi liên tục kể từ thất bại đầu tiên, mục tiêu cuộc chiến của Kremlin ngày càng mù mờ. Lợi ích chiến lược nào của việc tập trung oanh tạc khủng khiếp Bakhmut ?
Ngược lại chiến lược của Kiev rất rõ ràng. Bộ trưởng quốc phòng Oleksiy Reznikov khẳng định sẽ giành lại tất cả những lãnh thổ bị chiếm đóng, "kể cả Crimea". Những vụ oanh kích vào trung tâm nước Nga cũng không vượt qua lằn ranh đỏ, vì Putin khi tự ý sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine, đã làm cho chiến tranh diễn ra "trên đất Nga" rồi. Một đất nước không kiểm soát được biên giới, để cho những quân đội tư nhân đánh giùm, giới trẻ chạy trốn ra nước ngoài, cảnh sát đe dọa những bà mẹ chiến sĩ… Đó sẽ là một nước Nga lụn bại sau khi thất trận.
Putin phải trả lời về tội ác ở Ukraine
L'Express đã phỏng vấn hai nhà văn Andrei Kourkov của Ukraine – tác giả "Những con ong xám" và nhà văn Ý Guiliano da Empoli - tác giả cuốn sách bán rất chạy "Pháp sư Kremlin", giải thưởng lớn Viện Hàn lâm Pháp. Dù được viết trước khi cuộc xâm lăng xảy ra, tác phẩm của họ giúp hiểu được thực tế Ukraine và tính chất thực sự của chế độ Vladimir Putin. Cả hai cho rằng với Putin là "chiến lược đốt sạch, hỗn loạn và hủy diệt".
Nhà văn Kourkov cho biết từ thế kỷ 18, Pie Đại đế đã cấm in những văn bản tôn giáo bằng tiếng Ukraine, và đến 1917, các Sa hoàng đã ra trên 40 sắc lệnh để hạn chế ngôn ngữ Ukraine. Ông cho rằng không thể đàm phán với Putin, vì ông ta không hề có trách nhiệm về lời nói của mình. Mới hôm trước nói rằng không tấn công Ukraine thì hôm sau đã xua quân sang. Và nếu Putin bị thay thế, chế độ hiện nay sẽ sinh ra Putin 2 hay Putin 3, 4… Nhà văn Empoli nhấn mạnh, chế độ Putin chỉ biết có ngôn ngữ của vũ lực và nhắc nhở, trong lịch sử nước Nga những cuộc cách mạng chỉ diễn ra sau khi bại trận năm 1905 và 1917.
Bà Oleksandra Matviichuk, giải Nobel Hòa bình 2022 khẳng định "Putin là tội phạm chiến tranh đang ngự ở Kremlin". Theo nữ luật sư nhân quyền, quân Nga tra tấn, hãm hiếp… người dân Ukraine, tiến hành những trò tàn bạo đủ loại ; tổ chức phi chính phủ của bà đã thu thập được nhiều bằng chứng. Những tội ác chiến tranh này đều được Putin khuyến khích, và như vậy ông ta cần phải bị xét xử trước tòa án quốc tế.
Muốn hòa bình, Châu Âu cần chuẩn bị chiến tranh
Về phía Châu Âu, Le Point đặt câu hỏi châu lục này "Có biết rằng đang trong thời chiến hay không ?". Cách đây mười năm, EU nhận giải thưởng Nobel Hòa bình nhờ dự án siết chặt mối quan hệ giữa các Nhà nước thành viên từ 1992 trong khuôn khổ hiệp ước Maastricht. Nhưng thời điểm bây giờ không còn dành cho hòa bình mà là chiến tranh. Vấn đề nay không phải là dỡ bỏ các đường biên giới, mà là dân tộc chủ nghĩa cứng rắn ; không phải xây dựng hệ thống pháp lý mà là tương quan lực lượng thô bạo. Cuộc chiến ở Ukraine bước vào mùa đông đầu tiên và có thể không phải là cuối cùng. Khác với cuộc xung đột Nam Tư cũ trong thập niên 90 chỉ diễn ra ở vùng Balkan, trật tự hậu chiến trên toàn Châu Âu bị đảo lộn.
Tác giả Luc de Barochez cho rằng Châu Âu bị tấn công mà vẫn không nhận ra. Moskva đã tung ra cuộc chiến năng lượng. Theo tính toán của The Economist thì giá băng sẽ sát hại khoảng mấy chục ngàn người tại Châu Âu trong mùa đông này, cao hơn nhiều so với trên chiến địa : có thể hơn những mùa đông trước đến 335.000 người. Trước vụ vi phạm hòa bình trầm trọng nhất lại châu lục kể từ 1945, phản ứng cho đến nay chủ yếu là núp sau lưng Hoa Kỳ. Viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine nhiều gấp ba lần toàn bộ các nước Châu Âu (kể cả Anh).
Nếu Châu Âu giàu có không thể đối phó được mối đe dọa trực tiếp về an ninh, thì còn gì là lý do tồn tại ? Châu Âu cần một cuộc cách mạng tư duy. Từ khi thành lập Cộng đồng Than & Thép năm 1952, mục tiêu là "thay thế sự đối địch giữa các quốc gia bằng một liên minh các dân tộc trong tự do và đa dạng". Phượng hoàng có thể sống dậy từ tro tàn, nhưng ngày nay thế giới đã thay đổi. Cả một đất nước đã đứng lên cầm vũ khí đối phó với quân xâm lược Nga. Châu Âu phải rút ra bài học, cần vũ trang để buộc phải tôn trọng các láng giềng, trong bối cảnh tình hình các nơi đang xấu đi ; không cứ phải trông cậy vào nước Mỹ. Như người xưa đã nói, muốn hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh.
Kế hoạch chống dịch của Bắc Kinh là gì ?
Nếu mục đích chiến tranh của Putin không rõ, thì về phía "bạn vàng" của ông là Tập Cận Bình, The Economist cũng thắc mắc : "Kế hoạch chống Covid là gì ?". Lúc này là thời điểm kỳ lạ để giảm nhẹ phong tỏa. Những nước khác như Singapore, Đài Loan đã chuẩn bị vac-xin, thuốc kháng virus, tăng thêm các đơn vị hồi sức tích cực rồi mới giải tỏa dần dần. Còn Trung Quốc dưới áp lực của người biểu tình và tình trạng kinh tế suy sụp, đột ngột bỏ hẳn các biện pháp chính là xét nghiệm, cách ly, phong tỏa. Một chính quyền có trách nhiệm thì đã nhận sai và loan báo những bước cần thiết để thoát dần zero Covid. Nhưng Tập Cận Bình và đảng cộng sản đã tỏ ra vội vã, dù đã sẵn sàng hay chưa. Mọi dấu hiệu cho thấy là chưa.
Trung Quốc có quá ít giường hồi sức để đối phó với những ổ dịch lớn, không đủ nhân viên y tế, không có quy trình điều trị, và nhất là tỉ lệ người lớn tuổi được chích ngừa quá ít. Các quan chức và truyền thông nhà nước nay ra sức nói rằng biến thể Omicron không nguy hiểm. Trong một quốc gia từ lâu vẫn khuếch đại nỗi sợ con virus, thái độ này vừa thiếu liêm sỉ vừa nguy hại, vì Omicron vẫn giết người nếu không có miễn dịch cộng đồng, mà Hồng Kông đã chứng minh. Điều này gợi lên viễn cảnh đáng ngại là đảng sẽ che giấu số tử vong thực sự do Covid, hoặc đổ lỗi cho địa phương. Những viên chức nhỏ được giao nhiệm vụ bất khả là giảm nhẹ hạn chế đồng thời xử lý một số lượng lớn ca lây nhiễm. Cũng như chúng ta, họ sẽ tự hỏi : Kế hoạch chống dịch là gì ?
"Cách mạng giấy trắng" : Một thế hệ hoạt động chính trị mới được khai sinh
L’Obs nhận thấy "Một thế hệ chính trị mới đã được khai sinh tại Trung Quốc". Việc ông Lý Cường (Li Qiang), bí thư Thượng Hải trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính trị và sẽ là thủ tướng đã gây bất ngờ. Những người dân gào thét ở cửa sổ vì đói ăn, trẻ em bị tách khỏi cha mẹ… những thảm cảnh khi thành phố 26 triệu dân bị phong tỏa trong thời gian dài khiến người ta nghĩ rằng Lý Cường sẽ mất chức. Nhưng ông ta lại được Tập Cận Bình tưởng thưởng cho sự trung thành. Đối với dân Thượng Hải vốn sung túc, văn minh, đây là một cái tát ; thế nên không có gì ngạc nhiên khi biểu tình ở đây cũng mạnh mẽ nhất.
Bài học lớn nhất : giới lãnh đạo cấp cao nhất bị tách rời khỏi thực tế, không cảm thấy được sự bức bối của giai cấp trung lưu nhất là giới trẻ thành thị. Trong khi đảng cộng sản có tới 96 triệu đảng viên, các ủy ban khu phố là tai mắt, giám sát kỹ thuật số chặt chẽ chưa từng thấy. Tập Cận Bình, "chủ tịch của tất cả" - vì đẻ ra nhiều ủy ban do chính ông làm chủ tịch – cũng là người chịu trách nhiệm vì tất cả những bất cập này. Đảng đã nhượng bộ rất đáng kể về zero Covid, nhưng liệu có thay đổi cách quản trị hay sẽ tiếp tục đàn áp ?
Hỏi tức là trả lời, nhìn đâu cũng thấy "thế lực thù địch", hàng loạt người biểu tình đã bị truy bức. Một thế hệ mới nảy sinh từ "Cuộc cách mạng giấy trắng", sẽ không tiếp tục để bị nhốt vào lồng nếu không có một khế ước xã hội mới. L’Express cho rằng sai lầm của Tập Cận Bình là đã cắt đứt khế ước này. Theo Le Point, "Trung Quốc trong ngõ cụt zero Covid", Tập Cận Bình tự sập bẫy. Khoe khoang chiến thắng trước con virus và tính "ưu việt" của mô hình Trung Quốc, nhưng thực ra ông đã sáng chế Covid không hồi kết – một ý tưởng chẳng hay ho gì hơn so với sáng kiến đi xâm lăng nước láng giềng của Vladimir Putin.
Trung Quốc, đại cường giá trị ảo
Nhìn chung, không chỉ Putin ảo tưởng về sức mạnh. L'Express nghi ngờ "Trung Quốc, một siêu cường được thổi giá quá mức ?". Trên các lãnh vực kinh tế, địa chính trị, dân số hay quân sự, đế quốc tự cho là trung tâm thế giới đã có những dấu hiệu xuống sức. Trong hai thập niên qua, đã có biết bao nhiêu bài viết, trang nhất các báo, những cuốn sách cho rằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là đại cường số một thế giới trong tương lai, thậm chí đã ngự trị ở vị trí này. Nhưng khẳng định này quá vội vã, không tính đầy đủ các tiêu chí.
Trước hết về kinh tế, tăng trưởng GDP từ 12% sụt xuống còn 3% chỉ trong một thập niên. Nhưng không chỉ do việc quản lý Covid một cách thảm họa hay cuộc chiến tranh do "ông bạn thân" Vladimir Putin khởi động ở Ukraine không thể giải thích hết. Những yếu tố khác là kinh tế quá "nóng", đầu tư chậm lại, phản ứng của phương Tây trong những lãnh vực chiến lược. Tăng trưởng thấp như thế, mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho 700 triệu người Trung Quốc sẽ không đạt được. Và thế là tính chính danh mà chế độ dựa vào đó để trấn áp, đòi hỏi dân chúng phải hy sinh, trước mắt có nguy cơ sụp đổ. Thêm vào đó, Trung Quốc lệ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, đặc biệt là vùng Vịnh, về dầu khí.
Tiếp theo là dân số. Hầu hết gia đình chỉ muốn có một con. Với tỉ lệ sinh thuộc loại thấp nhất thế giới như Nhật Bản và Tây Âu, không có chính sách nhập cư, Trung Quốc sẽ thiếu lao động trong kỹ nghệ, khai thác mỏ và nông nghiệp ; không trả nổi lương hưu và việc nghiên cứu có thể yếu đi. Còn về ngoại giao ? Tuy việc mua trái phiếu của mấy chục nước giúp Bắc Kinh tránh được một số chỉ trích về nhân quyền và Đài Loan, nhưng những nước lệ thuộc Trung Quốc về tài chánh hầu như đều nằm ở Châu Phi, Châu Mỹ la-tinh, Châu Đại Dương, tiếng nói ít trọng lượng. Những quốc gia mạnh hơn nằm trên Con đường tơ lụa mới như Kazakhstan không phải luôn tuân phục Bắc Kinh.
Trong lãnh vực quân sự, chiến lược ; tuy cứ mỗi ba năm Trung Quốc cho xuất xưởng số lượng tàu chiến tương đương với cả hạm đội Pháp về trọng tải, nhưng lực lượng này dù hùng hậu liệu có đọ nổi với Đệ thất Hạm đội Mỹ ? Không có được đối tác quân sự vững mạnh, hải quân Trung Quốc đơn độc tập luyện, đôi khi tập trận với hạm đội Nga, mà thành tích mới đây chẳng lấy gì làm vẻ vang trên Hắc Hải. Về địa lý, trên biển Trung Quốc vô cùng bất lợi, những bán đảo, quần đảo xung quanh hầu hết thuộc phương Tây hoặc là đồng minh của Mỹ : Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines, Vanuatu hay… Đài Loan. Bắc Kinh đã thất bại trong ý đồ lập liên minh quân sự (trừ Salomon) tại Tây Thái Bình Dương. Ưu thế của một chế độ muốn tạo lập sức mạnh bên ngoài nằm ở sự ổn định trong nước, Bắc Kinh đã có được. Cho đến khi người dân nổi dậy chống lại zero Covid !
Thụy My
Quyền lực muôn năm
George Orwell - Trần Quốc Việt dịch
Đảng mưu cầu quyền lực hoàn toàn chỉ vì quyền lực. Chúng tôi không quan tâm đến lợi ích của kẻ khác ; chúng tôi chỉ quan tâm đến quyền lực. Không phải của cải hay xa hoa hay trường thọ hay hạnh phúc : chỉ quyền lực, quyền lực thuần túy.
Chúng tôi biết không ai chiếm quyền lực với ý định từ bỏ quyền lực. Quyền lực không phải là phương tiện, quyền lực là cứu cánh. Ta không thiết lập chế độ độc tài để bảo vệ cách mạng ; ta làm cách mạng để thiết lập chế độ độc tài. Mục đích của trấn áp là trấn áp. Mục đích của tra tấn là tra tấn. Mục đích của quyền lực là quyền lực.
Quyền lực thuộc về tập thể. Cá nhân chỉ có quyền lực chỉ khi y không còn là cá nhân. Ai cũng phải chết. Nhưng nếu y biết phục tùng hoàn toàn và tuyệt đối, nếu y có thể vượt qua cái tôi của mình, nếu y có thể nhập vào Đảng để y là Đảng, thì y toàn quyền năng và bất tử.
Quyền lực là quyền lực đối với con người, đối với thể xác, nhưng trên hết, đối với tâm hồn. Quyền lực thực sự, quyền lực chúng tôi phải đấu tranh suốt ngày đêm, không phải quyền lực đối với vật chất, mà đối với con người.
Ta khẳng định quyền lực của mình đối với kẻ khác như thế nào ? Bằng cách làm cho hắn phải đau khổ. Vâng lời không đủ. Trừ phi hắn phải đau khổ. Quyền lực là gây ra đau đớn và tủi nhục. Quyền lực là xé nát tâm hồn con người ra từng mảnh để ráp chúng lại theo bất kỳ hình dạng nào ta thích.
Chúng tôi đang tạo ra xã hội sợ hãi và phản bội và đau khổ, xã hội chà đạp và bị chà đạp, xã hội không phải trở nên ít tàn nhẫn hơn mà càng tàn nhẫn hơn khi nó càng hoàn thiện. Những nền văn minh cũ tuyên bố họ được đặt trên nền tảng thương yêu hay công lý. Nền văn minh của chúng tôi được đặt trên nền tảng căm thù. Trong xã hội chúng tôi sẽ không có những cảm xúc nào ngoại trừ sợ hãi, phẫn nộ, chiến thắng, và phủ phục.
Sẽ không có lòng trung thành, ngoại trừ trung thành với Đảng. Sẽ không có tình yêu, ngoại trừ tình yêu với Anh Cả. Sẽ không có tiếng cười, ngoại trừ tiếng cười chiến thắng trước kẻ thù thảm bại. Sẽ luôn luôn có niềm say mê quyền lực mà càng ngày càng tăng và càng ngày càng phát triển tinh tế hơn. Luôn luôn, ở mọi lúc, sẽ có niềm vui chiến thắng, cảm giác hân hoan chà đạp lên kẻ thù bất lực.
Nếu anh muốn hình dung tương lai, hãy tưởng tượng chiếc giày đạp vô tận vào mặt người.
George Orwell
Nguyên tác : "1984" của George Orwell, chương 3. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
*******************
Sống như con rận trong quần
Tần Thư - Trần Quốc Việt dịch
Phải chăng ta không bao giờ thấy con rận trong quần ? Nó chạy ra khỏi đường chỉ sâu trong quần rồi chui rúc trốn trong kẽ quần, và nó coi đây là nhà tốt. Khi nó di chuyển nó không dám rời khỏi đường chỉ quần ; nó không dám bò ra khỏi cái quần. Nó cảm thấy cuộc đời mình rất nề nếp và ổn định. Khi nó đói nó cắn người và coi đây là nguồn thực phẩm vô tận.
Nhưng ngọn lửa tràn qua đồi, lửa lan ra khắp nơi, làng mạc và kinh thành bị thiêu rụi. Và tất cả những con rận sẽ chết vì không thể nào thoát ra được.
Còn kẻ "quân tử" sống trong thế giới riêng của y, thử hỏi y có khác gì chăng với con rận sống trong quần.
Tần thư
Nguyên tác : "Buddhism in Chinese History" của tác giả Arthur F. Wright, nhà xuất bản Athenum, New York 1968, trang 29. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Tân Thư là sử về triều đại nhà Tần.
Chuyến viếng thăm phòng Bầu Dục đầu tiên của tôi diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử, khi theo truyền thống lâu đời thì vợ chồng Tổng Thống Bush đã mời Michelle và tôi đi thăm nơi sắp là nhà. Ngồi trên công xa của cơ quan mật vụ, chúng tôi chạy ngang qua vòng cung quanh co cổng Tây viên vào Bạch Ốc, cố lưu giữ dăm điều nơi chúng tôi sẽ dọn vào dưới ba tháng nữa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ ở Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày ngày . (Nguồn : Reuters)
Đó là một ngày nắng ấm, cây vẫn đầy lá và vườn Hồng ngập tràn hoa. Thời tiết Chicago đã vội chuyển sang lạnh và tối với những cơn gió lạnh Bắc cực thổi qua những hàng cây trụi lá thì mùa Thu vương vấn của Washington đã tạo một cảm giác chào mời, như thời tiết êm dịu bất thường mà chúng tôi đã được hưởng trong đêm bầu cử rồi biến ngay sau buổi lễ, như thể đã được ai sắp đặt vậy.
Tổng thống và Đệ Nhất phu nhân Laura Bush chào đón chúng tôi tại hiên Portico và sau những thủ tục bắt buộc với nhóm ký giả, Tổng thống Bush và tôi lên phòng Bầu dục, trong khi Michelle vào tư dinh thưởng trà cùng phu nhân Bush. Sau khi chụp thêm một vài tấm ảnh và lời mời nước từ một nhân viên trẻ, tổng thống mời tôi ngồi.
- "Sao, cảm giác anh thế nào?" - ông hỏi
- "Quá ngợp !". Tôi mỉm cười - "Tôi chắc rằng ông vẫn còn nhớ".
- "Vâng ! Nhớ chứ. Cứ ngỡ như mới hôm qua" - ông gật đầu dứt khoát. "Mà nói với anh điều này. Anh sắp cỡi đầu ngọn sóng đó. Chẳng có gì giống vậy đâu. Anh phải nhắc mình hãy cảm kích nó mỗi ngày".
Bất kể vì tôn trọng định chế, vì bài học từ cha mình, vì ký ức xấu về cuộc chuyển giao quyền lực của chính mình (có tin đồn rằng một số nhân viên của Clinton đã gỡ bỏ phím W khỏi các máy điện toán Bạch Ốc khi dọn ra), hoặc chỉ là phép lịch thiệp căn bản, Tổng thống Bush cuối cùng sẽ làm tất cả mọi điều có thể để cuộc trao quyền được diễn ra trôi chảy trong mười một tuần trước khi ông ra đi.
Mỗi ban bệ trong Bạch Ốc đều cung cấp cho nhóm nhân viên của tôi các bản hướng dẫn chi tiết "Làm thế nào để" (How to). Các nhân viên của ông luôn sốt sắng gặp gỡ những người kế nhiệm, trả lời các câu hỏi và thậm chí để họ cùng thực hiện sự vụ của mình. Hai ái nữ của tổng thống Bush là Barbara và Jenna, cũng còn trẻ lúc bấy giờ, đã sắp xếp lại lịch trình để dẫn Malia và Sasha đi xem những khu "vui thú" của riêng họ tại Bạch Ốc. Tôi tự hứa với bản thân mình rằng, sau này tôi cũng sẽ đối xử với người kế nhiệm của mình theo cách như vậy.
Tổng thống và tôi đã đề cập đến nhiều vấn đề trong chuyến thăm đầu tiên đó, từ kinh tế và Iraq đến nhóm báo chí phủ tổng thống và Quốc Hội, theo tính cách dí dỏm có phần hơi bồn chồn của ông. Ông đưa ra những đánh giá bộc trực về một số nhà lãnh đạo nước ngoài, cảnh báo tôi rằng người cùng đảng mới làm mình nhức đầu nhất và ân cần hứa sẽ thết đãi một tiệc trưa cùng tất cả các tổng thống tiền nhiệm trước lễ nhậm chức.
Tôi biết rằng, một tổng thống có những giới hạn cần thiết của ông ta để bộc bạch hết cho người kế nhiệm, nhất là đường lối tranh cử của người đó phản lại khá nhiều nghị trình của mình. Tôi cũng hiểu rằng Tổng thống Bush có vẻ khá hài hước nhưng sự hiện diện của tôi trong chính văn phòng mà ông sắp sửa rời khỏi, ắt cũng mang lại những cảm xúc không dễ dàng. Tôi để ông dẫn dắt câu chuyện mà không đào sâu vào chính sách. Hầu như tôi chỉ ngồi nghe.
Chỉ có một lần, điều ông nói làm tôi bất ngờ. Chúng tôi bàn về cuộc khủng hoảng tài chính và những nỗ lực của Bộ Trưởng Paulson kiến tạo chương trình TARP giải cứu cho các ngân hàng mà đã được Quốc Hội thông qua (chú thích người dịch: TARP - Troubled Asset Relief Program, là chương trình chính phủ giúp mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng nhằm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính và địa ốc vào năm 2008).
-"Tin tốt đó Barack" - ông nói. "Vào thời điểm anh nhậm chức, chúng tôi đã lo xong những điều thật sự khó khăn cho anh. Anh sẽ có thể khởi đầu mới mà không phải lo về nó nữa ".
Tôi nghẹn lời trong tích tắc. Tôi đã nói chuyện với Paulson thường xuyên và biết rằng các thất bại liên đới của ngân hàng cùng tình trạng suy thoái trên toàn thế giới vẫn đầy khả năng hiển hiện.
Nhìn kỹ tổng thống, tôi hình dung ra tất cả những ước vọng và niềm tin mà ông mang theo vào Phòng Bầu Dục lần đầu như một tổng thống tân cử. Chúng không kém phần hoa mắt bởi sự rực rỡ quyền binh, không kém phần háo hức muốn thay đổi thế giới này được tốt đẹp hơn như tôi, không kém phần tin chắc lịch sử rồi sẽ đánh giá nhiệm kỳ tổng thống của mình là thành công.
Cuối cùng rồi, tôi cũng thốt nên lời:
-Vì lợi ích quốc gia mà đi ngược lại công luận và nhiều người trong đảng của mình, phần ông đã phải rất dũng khí mới có thể thông qua được TARP.
Mà chính xác là vậy. Tôi thấy chẳng có gì để kể thêm nữa.
Barack Obama
(Trích từ hồi ký tổng thống Một Miền Đất Hứa - A Promised Land của Tổng thống Barack Obama)
Nhã Duy chuyển dịch và đặt tựa
(21/11/2020)
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng dự định sẽ đảm nhận chức chủ tịch nước, một sự hợp nhất chưa từng có về quyền lực có thể khiến ông trở thành Tập Cận Bình của Việt Nam
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : AFP
Nhất thể hóa đã rõ
Cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 21 tháng 9 xen lẫn giữa đám tang ở Việt nam và lời chia buồn của các lãnh đạo thế giới cùng với sự suy đoán đáng kể của những người quan sát Việt Nam về việc người thay thế ông Quang có ý nghĩa gì đối với chính trường trong tương lai của đất nước.
Nhưng tất cả những suy đoán đó chấm dứt vào tối thứ Tư (ngày 3 tháng 10) khi Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản cầm quyền nhất trí rằng phải là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay thế ông Quang, Trọng vốn đã là người quyền lực nhất nước.
Quyết định này phải được Quốc hội đồng ý vào cuối tháng này, mặc dù không có ứng cử viên nào khác và đó là một cơ quan không có thực quyền, Trọng sẽ gần như chắc chắn đảm nhận chức vụ này.
Quyết định của Ủy ban Trung ương là có khả năng vô đối. Trong nhiều thập kỷ, quyền lực chính trị đã được chia sẻ giữa tứ tụ, mỗi vị trí kiểm soát một lãnh vực quản trị khác nhau ở quốc gia độc đảng Việt nam.
Trọng, lãnh đạo thực tế đã kiểm soát Đảng cộng sản và bộ máy ra quyết định.
Thủ tướng chủ trì chính phủ dân sự, trong khi chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, làm tổng tư lệnh quân đội, tham gia vào các chuyến thăm nước ngoài, và chịu trách nhiệm bổ nhiệm thủ tướng. Chủ tịch Quốc hội cũng là người kiểm soát cơ quan lập pháp.
Vì tất cả nằm trong Bộ Chính trị, cấu hình này cho phép chính trị được điều hành bởi sự ra quyết định đồng thuận và, quan trọng hơn, ngăn cản bất kỳ một cá nhân nào giành được quá nhiều quyền lực.
Nhiều người trong Đảng tin rằng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thâu tóm quá nhiều quyền lực cá nhân là một trong những lý do để các thành viên Bộ chính trị liên kết lại để loại bỏ ông ta tại Đại hội Đảng năm 2016.
Quyền lực vô biên
So với Đảng cộng sản Trung Quốc đã quyết định vào những năm 1990 để nhất thể hóa vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước, cho phép chủ tịch Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực vô biên hiện nay.
Hiện Việt Nam dường như đang di chuyển theo cùng hướng với Trung Quốc, nâng cao khả năng cơ cấu ra quyết định dựa trên sự đồng thuận có thể sắp kết thúc - nền tảng mà Đảng cộng sản đã hạn chế quyền lực cá nhân và ảnh hưởng không được kiểm soát.
Ngoài quyền lực hiện tại là Tổng bí thư Đảng đã tăng lên đáng kể kể từ tháng 1 năm 2016, Trọng sẽ sớm nắm giữ quyền hành của chủ tịch nước.
Các quyền hành bao gồm khả năng đình chỉ các luật do thủ tướng ban hành, thay đổi Hiến pháp, đề xuất sa thải các quan chức cấp cao khác, và làm tổng tư lệnh quân đội.
Bởi vì những quyền lực đáng kể đó, chức chủ tịch nước đã thường được xem là nghi lễ khi những người nhậm chức này hiếm khi sử dụng quyền hạn được phép của họ.
Nếu việc sáp nhập diễn ra mà điều đó gần như chắc chắn, Trọng có thể trở thành nhân vật mạnh nhất trong chính trường Việt Nam kể từ thời Lê Duẩn, một anh hùng Đảng cộng sản và là người mạnh mẽ, từng là Tổng thư ký Đảng từ năm 1960 đến 1986.
Tạo ra bất hòa từ trên cao
Vẫn không chắc chắn Đảng viên thông thường sẽ phản ứng với quyết định bất ngờ ra sao. Nhưng gần như chắc chắn quyết định này sẽ gây ra sự bất hòa trong đội ngũ Đảng viên cao cấp, nơi mà sự trung thành, phục tùng, bảo trợ và tranh chấp chính sách từ lâu đã được kiểm soát bởi cấu trúc chia sẻ quyền lực của"tứ trụ".
Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu của Đại học New South Wales, cho biết : "Từ khi Trần Đại Quang được chẩn đoán bị bệnh giai đoạn cuối… Trọng bắt đầu vận động hành lang cho nhất thể hóa.
Trớ trêu thay, khi chủ đề tnhất thể hóa đã được Đảng cộng sản thảo luận vào đầu thập kỷ này, Trọng đã hoài nghi và thậm chí "bày tỏ lo ngại về nguy cơ tích tụ quyền lực không kiểm soát được", Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Đại học Quốc gia Việt Nam cho biết.
Các nhà phân tích đã hỏi tại sao Trọng dường như đã có thay đổi. Một câu trả lời khả thi là ông ta muốn củng cố thêm sức mạnh chính trị cho bản thân. Khả năng khác là nhất thể hóa mang lại sự ổn định vào thời điểm Đảng cũng như xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng.
Kể từ khi giữ chức vụ Tổng bí thư Đảng năm 2016, Trọng đã tung ra một cuộc thanh trừng chống tham nhũng rộng khắp với hàng ngàn quan chức, bao gồm cả các chính trị gia cao cấp, bị trừng phạt, miễn nhiệm hoặc bỏ tù vì cáo buộc tham nhũng.
Trọng, một nhà ý thức hệ nổi tiếng, cũng đã tổ chức một chiến dịch đạo đức bên trong Đảng. Vào tháng 10 năm 2016, một danh sách 27 "biểu hiện" của vô đạo đức đã được soạn thảo, bao gồm chín tội về tư tưởng chính trị, như là một nỗ lực để làm trong sạch Đảng vốn tham nhũng, xấu xa, lười nhác và vướng víu "lợi ích tài chính" từ những năm 2000.
Một phần trong mục tiêu của mình, Trọng nói nhiều lần, là để tránh khả năng "tự chuyển hóa", một uyển ngữ cho việc cải cách chính trị về hướng dân chủ do Đảng đề xướng.
"Không đẩy lùi [ngăn chặn] thoái hóa chính trị xã hội, tự chuyển hóa và tự diễn biến,có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường", Trọng phát biểu tại một hội nghị vào tháng 10 năm 2016. những hậu quả khôn lường ", có thể có nghĩa là sự sụp đổ của Đảng cộng sản.
Chỉ là tạm thời ?
Để duy trì sự thống trị của Đảng, Trọng đã thanh trừng Đảng theo những lý tưởng của mình, trong khi vẫn đảm bảo chiến dịch tiếp tục sau Đại hội Đảng vào năm 2021. Trọng cũng nỗ lực để đề bạt các đảng viên Trọng nghĩ sẽ duy trì cải cách Đảng. dù ia là người sẽ kế vị tổng bí thư vẫn chưa được rõ.
Theo thông lệ vị trí này sẽ được trao cho một trong tứ trụ từ nhiệm kỳ trước, do đó, hoặc là tổng bí thư đương nhiệm, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.
Với việc Trọng không thể tiếp tục ứng cử lại vào năm 2021 (nếu Trọng làm thì sẽ xé bỏ luôn điều lệ đảng), trước đây dường như có thể Quang sẽ trở thành tổng bí thư tiếp theo.
Hiện tại, không rõ liệu việc Trọng làm chủ tịch nước có là một động thái tạm thời hay không hoặc liệu những thay đổi hiến pháp cần thiết sẽ được thực hiện để nhất thể hoá.
Đây có thể là một biện pháp tạm thời bởi vì Đảng có ít ứng cử viên để lựa chọn nhằm thay thế ông Quang nếu vẫn giữ nguyên nghi thức chủ tịch nước là một thành viên Bộ Chính trị trước Đại hội Đảng năm 2016.
Ngoại trừ các thành viên Bộ Chính trị hai nhiệm kỳ hiện đang nắm giữ ba vị trí hàng đầu, chỉ có hai ứng cử viên : Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh và Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Các nhà phân tích cho rằng Phóng là một chính trị gia yếu và vai trò hiện tại của bà phần lớn là nghi lễ. Điều này có nghĩa rằng trong hai người Nhân là có khả năng hơn.
Quang là một người cộng sản tinh tuý, dễ dàng đi theo cấu trúc dựa trên sự đồng thuận. Nhân, được coi là "người ba phải" của Đảng sẽ phù hợp dễ dàng vào vị trí của Quang.
Nhưng có khả năng là Trọng không muốn đề cử Nhân. Đã có những gợi ý rằng ông Nhân vẫn gần gũi với cựu thủ tướng Dũng, người Trọng đã giúp cho bị mất chức cách đây hai năm.
Một số nhà báo độc lập rằng Nhân đã đến thăm Dũng hồi đầu năm nay, mặc dù không rõ nếu chuyến thăm của Nhân được thực hiện nhân danh Bộ Chính trị hay cá nhân.
Một sự thay thế là để cho Đảng thực hiện khác với thông lệ và chọn một thành viên Bộ Chính trị một nhiệm kỳ làm chủ tịch nước mới. Có tin cho rằng các ứng cử viên có khả năng bao gồm Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, và Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương và được nhiều người coi là đồng chí của Trọng.
Có thể là do thiếu các ứng viên phù hợp, việc nhất thể hóa hai vị trí hàng đầu của đất nước chỉ là một biện pháp tạm thời cho đến kỳ Đại hội Đảng tiếp theo.
Nhưng bằng việc giao cho Trọng quyền lực đáng kể trong hai năm tới, không có sự đảm bảo nào Trọng sẽ tuân theo hoặc buộc tuân theo các quy ước của Đảng về chia sẻ quyền lực và hạn chế nhiệm kỳ. Giới hạn hai năm đối với các nhà lãnh đạo có nghĩa là Trọng sẽ phải xuống vào năm 2021.
Nhưng với nhiều quyền lực hơn trong tay, Trọng có thể quyết định thay đổi các quy tắc về giới hạn hạn nhiệm kỳ và tái cử tổng bí thư Đảng, cũng như chủ tịch nước vào năm 2021, khiến Trọng trở thành Tập Cận Bình của Việt Nam.
David Hutt
Nguyên tác : All of Vietnam’s power is in Trong’s hands, Asia Times, 04/10/2018
Phương Thảo chuyển ngữ
Nguồn : VNTB, 06/10/2018
Quyền lực "sắc" : Đường lối ngoại giao mới của Bắc Kinh
Ngay sau Giáng Sinh, dĩ nhiên báo chí Pháp đã dành nhiều trang bài để nói về những sự kiện liên quan đến ngày lễ trọng đại đó của người phương Tây, đặc biệt là thông điệp đầy tình người của giáo hoàng Francis. Còn gắn với thời sự, đáng chú ý là hồ sơ của nhật báo Le Monde, mang tựa chung trên trang nhất là "Donald Trump làm thế nào để khóa miệng giới khoa học Mỹ về môi trường" và nhất là phân tích của báo Le Figaro về "Đường lối ngoại giao mới của Trung Quốc để gây ảnh hưởng", tít chính ở trang quốc tế.
Thượng nghị sĩ Úc Sam Dastyari, người bị báo chí Úc xem là con rối của Bắc Kinh. Ảnh minh họaAAP/Mick Tsikas/via Reuters
Mở đầu bài viết, tác giả Cyrille Pluyette ghi nhận là vụ điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ tăng tốc đã thu hút chú ý của thế giới về các mưu toan xen vào nội tình chính trị nước khác của điện Kremlin, nhưng có nguy cơ che khuất các cố gắng mà Trung Quốc đang bỏ ra để ảnh hưởng lên các quyết định chính trị của nhiều quốc gia.
Quyền lực từ "mềm" đang biến thành "sắc"
Đây được cho là một đường lối đối ngoại mới của Bắc Kinh, sử dụng "quyền lực mềm" để tìm cách tách một số nước ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ và đưa vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Một vụ tai tiếng gần đây tại Úc đã soi rọi cung cách Bắc Kinh sử dụng "quyền lực mềm" một cách thô bạo đến mức mà một số chuyên gia nhìn thấy đó không còn là quyền lực "mềm" nữa, tiếng Anh là "soft" mà là quyền lực "sắc" – "sharp power"…
Công chúng Úc đã vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra là một thượng nghị sĩ của họ, thân cận với một nhà tài trợ Trung Quốc, đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh trên những chủ đề gây tranh cãi. Vài tuần lễ trước đó, báo chí New Zealand cũng tiết lộ vụ một nghị sĩ New Zealand, sinh ra ở Trung Quốc, đã giấu quá khứ đảng viên đảng Cộng Sản và việc từng dậy tiếng Anh cho gián điệp Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn phủ nhận việc họ thao túng nội tình các nước, nhưng rõ ràng là các cuộc "tấn công" này không chỉ liên quan đến Úc và New Zealand - hai nước mà Bắc Kinh đang cố tách ra khỏi đồng minh của họ là Mỹ, để đưa vào quỹ đạo Trung Quốc - mà còn mang tính chất toàn cầu, nhắm vào các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, và nhất là các nước Đông Nam Á. Thậm chí cả Mỹ và Châu Âu cũng trở thành đối tượng tấn công.
Theo nhận định của Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu tại trung tâm tham vấn Mỹ Council on Foreign Relations, mục tiêu của Bắc Kinh là tăng cường ảnh hưởng, giảm bớt cái nhìn tiêu cực của giới truyền thông đối với Trung Quốc, và cổ vũ cho mô hình chuyên chế của Trung Quốc".
Bắc Kinh hy vọng là những nước mà họ muốn ảnh hưởng sẽ có quan điểm thuận lợi đối với quyền lợi kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, và tránh không chỉ trích Bắc Kinh trên các vấn đề như nhân quyền hay yêu sách chủ quyền lãnh thổ, cũng như tránh đề cập đến những chủ đề úy kỵ như vụ thảm sát Thiên An Môn hay quy chế của Đạt Lai Lạt Ma.
Chiến lược này, do chính chủ tịch Tập Cận Bình giám sát, được nhiều bộ và ngành thực hiện. Theo Le Figaro, sau khi nhận diện xong các mục tiêu cần thu phục, như chính khách, nhà báo, giáo sư đại học, giới khoa học, doanh nhân, thì Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp cận họ, mời mọc, hứa hẹn những khoản tài trợ đáng kể.
Theo bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia nghiên cứu tại Viên Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp, thì chẳng khác gì một cỗ xe hủ lô (rouleau compresseur), Trung Quốc đang tiến hành một chính sách ngoại giao gây ảnh hưởng "đặc biệt năng nổ và không mệt mỏi", dùng đến một loạt các phương tiện được một "nguồn tài chính chưa từng có trên thế giới" hỗ trợ.
Theo chuyên gia này, kết quả là "những đối tượng bị Trung Quốc nhòm ngó, sau cùng đã chấp nhận một đề nghị, ít ra là để khỏi bị phiền hà tiếp". Có điều là sau khi được đối đãi một cách hậu hĩnh, một số người cảm thấy có trách nhiệm là phải truyền đạt lập luận của Bắc Kinh…
Úc nói với Trung Quốc : "Dừng lại ngay đi !"
Và để minh họa cho bài phân tích về đường lối ngoại giao hung hăng rõ nét đó của Trung Quốc, nhật báo Le Figaro đã nêu bật trường hợp của nước Úc, đã công khai chống lại các thủ đoạn gây ảnh hưởng của Bắc Kinh và đã bị Trung Quốc hù dọa.
Trong bài viết "Nước Úc nói "stop" đối với các hành vi can thiệp của người khổng lồ Trung Quốc", phóng viên Mathilde Blottière của Le Figaro đã ghi nhận một nghịch lý : Một bầu không khí "Chiến Tranh Lạnh" đã bao trùm quan hệ Canberra-Bắc Kinh, vào lúc mà lẽ ra hai bên phải kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập bang giao vào tuần trước.
Căng thẳng Úc-Trung đã tăng đều đặn trong những tháng gần đây sau khi các cơ quan tình báo và phương tiện truyền thông Úc vạch trần những cố gắng của Trung Quốc nhằm thao túng nền chính trị Úc, từ việc nắm thóp một số nhân vật lãnh đạo chính trị, tài trợ thả giàn cho các đảng chính trị, cho đến lập ra các hội sinh viên Trung Quốc làm tay sai cho Bắc Kinh… Theo ghi nhận của Le Figaro, "Quyền lực mềm – Soft Power" của đế chế Trung Hoa đang trên đà cứng lại và nước Úc đã hô lên "Dừng lại ngay ở đây !".
Le Figaro đã nhắc lại trường hợp của thượng nghị sĩ Úc Sam Dastyari đầy thế lực, nhưng vừa bị buộc phải từ chức do tai tiếng làm tay sai cho Trung Quốc. Bị mệnh danh là "Sam Thượng Hải – Shanghai Sam", chính khách này đã trở thành biểu tượng của cái mà nước Úc có thể trở thành, nếu lơ là cảnh giác : Một con rối của Bắc Kinh.
Sai lầm của Sam Dastyari là gì ? Le Figaro điểm lại : Sau khi chống lại đường lối chính thức của nước Úc và của đảng Lao Động của ông về Biển Đông bằng cách ủng hộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Sam Dastyari đã báo động cho nhà tỷ phú Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), một người ở Úc thân cận với đảng cộng sản Trung Quốc, rằng điện thoại của tỷ phú này bị tình báo Úc nghe lén. Ông còn tìm cách phá hỏng một cuộc tiếp xúc giữa một nghị sĩ đảng Lao Động với một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Hồng Kông !
Trước các phản ứng từ nước Úc, chính quyền Bắc Kinh đã lớn tiếng dọa nạt Canberra, vừa cho báo chí đả kích Úc, vừa triệu mời đại sứ Úc ở Bắc Kinh lên Bộ ngoại giao để phản đối, vừa để cho đại sứ Trung Quốc ở Canberra công khai chỉ trích nước chủ nhà !
Ý tưởng về khả năng trừng phạt Úc cũng đã được gợi lên, trong bối cảnh mà theo Le Figaro, Úc bị lệ thuộc vào Trung Quốc trong lãnh vực du lịch, đại học, với du học sinh Trung Quốc là đội ngũ sinh viên nước ngoài lớn nhất ở Úc, và hàng Úc xuất qua Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông James Laurenceson, phó giám đốc Học Viện Quan Hệ Trung-Úc tại Đại Học Công Nghệ Sydney, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ được tiến hành một cách gián tiếp, chẳng hạn như giảm tốc độ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, không chọn Úc làm nơi đi du lịch hay du học.
Riêng ông Peter Jennings, giám đốc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc, thì cho rằng Bắc Kinh sẽ tránh phản ứng quá lố, vì không muốn làm sứt mẻ uy tín quốc tế khi trả thù một nước, chỉ vì nước đó muốn bảo vệ chủ quyền của mình.
Donald Trump khóa miệng giới nghiên cứu về môi trường
Như nói ở trên, nhật báo Le Monde đã dành hồ sơ chính với tựa trên trang nhất để nêu bật sự kiên "Donald Trump làm thế nào để khóa miệng giới khoa học Mỹ về môi trường"
Đối với tờ báo, tương tự như việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà ông đã làm, tổng thống Mỹ Donald Trump đang trên đường hoàn tất một lời hứa khác đưa ra khi tranh cử : Đó là hủy bỏ các quy định bảo vệ môi trường và khí hậu từng được thực hiện dưới thời tổng thống Obama tiền nhiệm.
Trong bài viết chính mang tựa đề "Các nhà khoa học Mỹ, mục tiêu của một chiến dịch săn đuổi phù thủy", nhật báo Pháp ghi nhận sự kiện Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) của Mỹ là đối tượng đầu tiên bị Nhà Trắng tấn công nhằm phá hoại các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, vì lợi ích của ngành công nghiệp.
Bài báo nhắc lại rằng tháng Hai năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã cam kết : "Cơ quan bảo vệ môi trường à ? Chúng ta sẽ loại bỏ hầu hết các biểu hiện của nó !"… Lời hứa nói trên đã được thực hiện. Dưới quyền lãnh đạo của tân giám đốc Scott Pruitt, một người nổi tiếng là không tin vào hiện tượng biến đổi khí hậu, xuất xứ từ tiểu bang Oklahoma, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (EPA) đã tận tâm tự hủy diệt và tháo dỡ các quy định bảo vệ môi trường được thông qua dưới thời Obama.
Để làm điều đó, cần phải đánh vào cán bộ, nhân viên, và ông Scott Pruitt đã tiến hành cả một cuộc chiến tranh du kích nhắm vào các quan chức và các nhà khoa học đối nghịch với ông… Theo Le Monde, ông đã hành động theo 4 hướng : làm nản lòng thậm chí đe dọa các nhân viên ; tái cấu trúc các ủy ban khoa học bằng cách bổ nhiệm những người bảo vệ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ; bịt miệng các nhà khoa học ; cắt giảm ngân sách và nhân lực.
Kết quả của các thủ đoạn nói trên được thấy rõ : hàng trăm nhà khoa học đã rời khỏi cơ quan.
Một nhân vật không tin là có biến đổi khí hậu lên nắm NASA ?
Trong một bài viết thứ hai mang tựa đề "Một phi công Hải Quân cực đoan thuộc đảng Cộng hòa ngắm nghía chức lãnh đạo cơ quan vũ trụ NASA", Le Monde nêu bật một quyết định khác của Donald Trump cũng theo chiều hướng khóa miệng giới bảo vệ môi trường.
Người được ông Trump cử làm lãnh đạo Cơ Quan Hàng Không Không Gian NASA nổi tiếng là James Bridenstine, cũng là một chính khách xuất thân từ bang Oklahoma, và cũng là một người từng phủ nhận hiện tượng trái đất bị hâm nóng.
Le Monde nhắc lại : Vào tháng 6 năm 2013, trước Hạ viện, James Bridenstine đã tuyên bố : "Nhiệt độ của hành tinh không tăng trong vòng mười năm nay". Ông giải thích rằng những thay đổi khí hậu chỉ liên quan đến hiện tượng bức xạ mặt trời, chu kỳ của đại dương, rằng các biến đổi đã qua hoàn toàn không phải là do hoạt động của con người…
Việc cử một người như ông Bridenstine lãnh đạo NASA đã đi ngược lại truyền thống, vì ông không phải là một nhà khoa học mà là một chính khách. Và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã khiến ông khổ sở hôm 01/11 vừa qua khi ông ra điều trần về quyết định bổ nhiệm.
Francis và 40 triệu follower trên twitter
Báo Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất cho giáo hoàng Francis và thông điệp Giáng Sinh của ngài "Đức giáo hoàng chống lại những ngọn gió chiến tranh", tựa lớn trên tranh nhất.
Theo tờ báo, từ Jerusalem, Syria, cho đến những người tị nạn Rohingyas ở Miến Điện, hay những người vượt biển Địa Trung Hải để vào châu Âu, theo truyền thống, đức giáo hoàng hôm 25/12 đã liệt kê tất cả những nơi trên thế giới mà hòa bình còn bị chiến tranh hay khủng hoảng đe dọa,những nơi mà phẩm giá con người còn bị xâm phạm.
Theo Le Figaro, người đứng đầu Giáo hội đã biết chọn những lời lẽ nhẹ nhàng để truyền đi thông điệp mạnh mẽ của ngài, và đấy chính là ngoại giao đích thực.
Tờ báo cũng nhắc lại rằng chưa bao giờ uy tín của Giáo hoàng lại cao như hiện nay. Tờ báo nêu một con số : ngài đã có 40 triệu người theo trên mạng xã hội Twitter, trở thành một trong những người được theo dõi nhiều nhất.
Libération : 200.000 người chết ở Mexico vì ma túy
Báo Libération đã nêu bật trên trang nhất một thảm họa mà đất nước Mexico đang phải trải tiếp tục chịu đựng : Mười một năm sau khi Nhà Nước Mexico tuyên chiến với ma túy, mức sản xuất bạch phiến đang bùng nổ, kèm theo là số sinh mạng bị cướp đi, với các băng buôn bán ma túy vẫn phát triển mạnh như mọi khi.
Do nhu cầu từ Mỹ tăng nhanh, Mexico đã trở thành nơi trung chuyển của ma túy, đặc biệt là loại heroin trộn lẫn với fentanyl. Việc bắt giữ những tay trùm ma túy khét tiếng đã không làm thay đổi bất cứ điều gì : Năm 2017 là năm có nhiều người chết vì ma túy nhất.
Trọng Nghĩa