Câu hỏi đặt ra có vẻ trái khuấy vì Quốc hội là cơ quan soạn thảo Hiến pháp, bảo vệ và tu chính những điều khoản mà Hiến pháp quy định. Hành động vi hiến thường thấy bên hành pháp hơn là ngay tại các phiên họp của Quốc hội vì không lẽ một cơ quan quyền lực nhất nước lại trở thành nơi bị dân chúng phê phán vì đã không làm tròn trọng trách là bảo vệ Hiến pháp của mình.
Hơn 69.000 người ký kiến nghị đòi quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng, 16/10/2018.
Điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ : Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Vậy mà khi quyết định vấn đề quan trọng hiện nay của đất nước là Luật An ninh mạng, Quốc hội lại đồng lòng thông qua một cách chóng vánh bất kể những lý lẽ của các chuyên gia về luật này cũng như nhân sĩ trí thức lo ngại sự xâm phạm quyền con người của nhân dân đã gửi thư yêu cầu ngưng hoặc tạm ngưng thông qua chờ thêm những ý kiến đóng góp cho nó hoàn chỉnh và nhất là không phạm phải các quyền sơ đẳng của người dân.
Quốc hội đã nghe báo cáo của Bộ Công an cho rằng trên thế giới đã có 18 quốc gia có luật an ninh mạng tương tự như Việt Nam trong đó có Mỹ Canada và nhiều nước Tây phương khác. Các gợi ý đầy sai trái ấy bị Kỹ sư Dương Ngọc Thái đang làm việc về an ninh mạng tại Google cho biết thực ra chỉ có 3 nước là có các ép buộc tương tự như Luật An ninh mạng của Việt Nam đó là Trung Quốc, Nga và Indonesia. Mỹ chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tài chính và thuế, còn Canada thì yêu cầu lưu trữ dữ liệu của những tổ chức hành chính công như trường học công, bệnh viện công hay cơ quan nhà nước. Sự thiếu cân nhắc và tin vào chính phủ của Quốc hội là tiền đề để Quốc hội sa vào quyết định vi hiến.
Đại diện Bộ Công an còn đưa ra quy định General Data Protection Regulation (GDPR) của EU và cho rằng luật này cũng tương tự như Luật An ninh mạng của Việt Nam do Bộ Công an soạn thảo. Nhưng thực ra cũng theo Kỹ sư Dương Ngọc Thái thì GDPR không có bất kỳ điều luật nào yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu của người dân Châu Âu cho Nghị viện Châu Âu hay chính phủ các nước thành viên, vì bảo vệ riêng tư của người dân, trước tiên, là không chuyển dữ liệu cho chính phủ, nếu không có lệnh của tòa án (1).
Gần bốn triệu kiều bào đang sống khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nga, Trung Quốc và Indonesia có thể xác định được họ có phải tuân thủ những quy định của chính phủ nơi họ sinh sống có buộc họ khai báo hồ sơ cá nhân như Luật An ninh mạng của Việt Nam hay không.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng của Bộ Công an vừa đưa ra để lấy ý kiến đóng góp có những chi tiết mà bất cứ người dân nào cũng đều phản đối :
"Điều 24 của dự thảo quy định dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm 20 nội dung như : Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.
Bên cạnh đó là các dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm : thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị ; dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm : bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác..." (2).
Rõ ràng Bộ Công an muốn quản lý từng công dân một cách chặt chẽ nhất, và đó là ý muốn bình thường của mọi thể chế chính trị, kể cả Tây phương lẫn các nước theo chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên với các nước Tây phương, hệ thống tam quyền phân lập đã kềm chế ước muốn này thông qua sự quán quyết của Quốc hội và mọi chính sách vi phạm hiến pháp đều bị bác bỏ ngay từ khi manh nha bởi một cơ quan nào đó.
Tiếc thay, Quốc hội Việt Nam đã quên mình là cơ quan cao nhất nước, có bổn phận bảo vệ Hiến pháp một cách không khoan nhượng đối với hành pháp, lại gật đầu thông qua Dự luật sai trái này.
Nó sai trái vì đã cho phép công an hay Cục An ninh mạng ngang nhiên lục lọi vào quyền riêng tư của từng người dân. Mà những quyền này được Hiến pháp Việt Nam bảo vệ qua điều 21 tại khoản 1 và khoản 2 như sau :
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình ; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Quốc hội khi thông qua Luật An ninh mạng đã bỏ phiếu cho sự vi hiến của chính mình, người đáng ra phải bảo vệ HIến pháp tới cùng.
Tại Điều 25 của bản Hiến pháp Việt Nam cũng ghi rõ : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Quyền "Tiếp cận thông tin" của người dân đã bị xóa sổ và Quốc hội là kẻ cầm viết gạch đi những gì mà Hiến pháp quy định.
Câu hỏi "Quốc hội có vi hiến hay không" chắc phần nào tự nó đã chứng minh qua các điều khoản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước khi Luật An ninh mạng được áp dụng vào tháng 1 năm 2019, Nếu Quốc hội cảm thấy sức ép của người dân quá mạnh và Ban Thường vụ kịp thời triệu tập cuộc họp khẩn cấp cho ngưng dự luật này thì may ra tiếng xấu "vi hiến" sẽ được tẩy sạch, bằng không vết nhơ này rất khó phai trong biên niên sử có tên Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 09/11/2018
(2) http://baodansinh.vn/bo-cong-an-cong-bo-du-thao-nghi-dinh-luat-an-ninh-mang-d84598.html