Phạm Đoan Trang mong giải thưởng RSF lột tả sự ‘đàn áp, bịt miệng’ tại Việt Nam
Trà Mi, VOA, 13/09/2019
Một ký giả độc lập tại Việt Nam vừa nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của Phóng viên Không biên giới (Reporters sans frontières - RSF) nói cô mong giải thưởng này khuyến khích người dân Việt Nam dấn thân vì tự do báo chí và thúc đẩy Hà Nội cải thiện quyền căn bản của công dân.
Blogger Phạm Đoan Trang
Blogger Phạm Đoan Trang, nhà hoạt động-nhà báo tự do của Việt Nam được quốc tế biết tiếng, được RSF vinh danh Giải thưởng Tự do Báo chí 2019, trong hạng mục Tầm ảnh hưởng, tại lễ trao giải tối ngày 12/9 ở Berlin, Đức.
Trả lời phỏng vấn VOA từ Việt Nam sau khi được tin nhận giải, Trang cảm ơn sự ủng hộ của mọi người và bày tỏ hy vọng các giải thưởng quốc tế như thế này sẽ mang lại ích lợi, kết quả tốt đẹp chung cho phong trào đấu tranh trong nước và tự do báo chí ở Việt Nam.
"Em thật sự mong muốn nó có thể khích lệ các nhà báo khác, kể cả các nhà báo tự do, dấn thân nhiều hơn, theo đuổi sự thật, công lý, nhân quyền ở Việt Nam nhiều hơn", cô nói.
Nữ blogger từng thực hiện các chuyến quốc tế vận kêu gọi cổ súy tự do báo chí cho người dân Việt Nam nhấn mạnh xã hội muốn phát triển, muốn dân chủ thì phải bảo đảm tự do báo chí để dân được nghe, được biết sự thật đa chiều và được nói lên quan điểm chính kiến mà không bị đàn áp hay trả thù, điều mà cô cho rằng còn vắng bóng ở đất nước Việt Nam do đảng cộng sản độc quyền cai trị.
"Tự do truyền thông trong đó có tự do báo chí và tự do xuất bản sẽ là lĩnh vực cuối cùng mà họ nới lỏng. Cho nên, tự do báo chí các nhà báo phải chiến đấu mới có được. Cần sự nỗ lực, dấn thân của các nhà báo. Em rất mong các nhà báo ý thức được sự cần thiết, vai trò của mình trong việc đấu tranh giành lại quyền tự do báo chí", Trang bộc bạch.
Qua việc một blogger từ Việt Nam được Phóng viên Không biên giới trao giải thưởng, Trang nói cô mong muốn quốc tế biết đến tình hình vi phạm tự do báo chí ở Việt Nam là ‘cực kỳ nghiêm trọng’ và là ‘một thực tế rất đau lòng của Việt Nam nửa thế kỷ qua.’
"Em mong giải thưởng này có thể thu hút được quốc tế biết đến làn sóng ngầm đang diễn ra dưới bề mặt ổn định chính trị của Việt Nam. Dưới bề mặt đó là lớp sóng ngầm của đàn áp, của bịt miệng", blogger Phạm Đoan Trang chia sẻ.
Phạm Đoan Trang nằm trong danh sách chung khảo gồm các cá nhân và tổ chức từ 12 nước trên thế giới cho 3 giải thưởng quốc tế vinh danh sự Can đảm, tính hoạt động Độc lập, và Tầm ảnh hưởng của họ.
Cùng được trao thưởng với Phạm Đoan Trang là nhà báo Ả Rập Eman al Nafjan, trong hạng mục Can đảm, và ký giả Caroline Muscat từ Malta được giải về tính hoạt động Độc lập.
RSF nói Giải thưởng về Tầm ảnh hưởng dành cho Đoan Trang nhằm vinh danh các ký giả có công tạo ra những cải thiện cụ thể về quyền tự do báo chí hay góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về quyền này.
Đoan Trang là tác giả của các đầu sách đánh động nhận thức của người dân về các quyền căn bản và giúp họ tự bảo vệ các quyền hợp pháp đó, chống lại những vi phạm của nhà cầm quyền như Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù…Cô là người sáng lập và biên tập tờ Luật Khoa, tạp chí điện tử cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý. Cô cũng là nạn nhân bị nhắm mục tiêu sách nhiễu, bắt bớ, hành hung vì công việc vận động của mình.
Phạm Đoan Trang không đến Berlin dự lễ trao thưởng hôm 12/9 vì biết rằng có thể bị sách nhiễu, cản trở việc xuất cảnh.
Tổng thư ký RSF Christophe Deloire nói những nhân vật được họ vinh danh lẽ ra nên được vinh danh tại chính đất nước của họ, nhưng lại bị tước đoạt các quyền tự do, kể cả quyền tự do đi lại. Tuy nhiên, theo RSF, tinh thần cống hiến của các nhà báo này vượt xa những rào cản biên giới mà các nhà độc tài không thể làm gì có thể ngăn cản được điều đó.
Giải thưởng Tự do Báo chí thường niên của RSF được thành lập từ năm 1992 để giúp bảo vệ và cổ súy truyền thông tự do, độc lập. Mỗi giải thưởng đi kèm với 2500 euro hiện kim.
Blogger Đoan Trang từng được tổ chức nhân quyền People In Need tại Cộng hòa Séc trao Giải Homo Homini vào năm 2018, giải thưởng dành cho những người có đóng góp đáng kể vào việc cổ súy nhân quyền-dân chủ trên thế giới.
Trà Mi
Nguồn : VOA, 13/09/2019
****************
Giải Tự do Báo chí : Phạm Đoan Trang đấu tranh bằng ngòi bút (BBC, 13/09/2019)
Với việc bà Phạm Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí 2019, hy vọng giới chức trong nước sẽ "giảm bớt cường độ đàn áp đối với cá nhân" bà, luật gia Trịnh Hữu Long nói với BBC.
Bà Phạm Đoan Trang của Việt Nam là một trong ba phụ nữ đoạt giải Tự do Báo chí của RSF 2019 ; hai người kia là Caroline Muscat từ Malta và Eman Al Nafjan từ Saudi Arabia
Nhà báo tự do, blogger, đồng thời là một nhà đấu tranh dân chủ có tiếng ở Việt Nam vừa được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hạng mục Ảnh Hưởng.
Lễ công bố và trao giải diễn ra tối ngày 12/9 tại Berlin.
Đại diện cho nhà báo Phạm Đoan Trang tại lễ trao giải là ông Trịnh Hữu Long, người đồng sáng lập hai trang web Tạp chí Luật Khoa và The Vietnamese với bà Đoan Trang.
"Chúng tôi hy vọng là với việc được thế giới biết đến nhiều hơn [qua giải thưởng này], được thế giới ghi nhận nỗ lực của các nhà báo độc lập Việt Nam nhiều hơn, chính quyền Việt Nam sẽ giảm bớt cường độ đàn áp đối với cá nhân Phạm Đoan Trang và cộng đồng các nhà báo độc lập Việt Nam cũng như các nhà đấu tranh Việt Nam", ông Trịnh Hữu Long nói từ Berlin.
"Chúng tôi hy vọng áp lực quốc tế sẽ giúp cải thiện dần dần thái độ, hành vi ứng xử lẫn chế độ chính sách của chính quyền Việt Nam đối với các nhà báo độc lập", ông Trịnh Hữu Long nói thêm.
Đại diện cho bà Phạm Đoan Trang tới dự lễ trao giải ở Berlin là nhà báo tự do Trịnh Hữu Long (phải)
Bà Phạm Đoan Trang bắt đầu nghề báo từ năm 2000.
Trong thời gian 13 năm liên tục, bà đã làm việc trong gần 10 cơ quan báo chí chính thống, trong đó có các tờ báo có tiếng như VietnamNet, VnExpress, Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Bà nổi tiếng với một số bài viết về chủ đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc đăng trên các báo này, và những bài viết về chủ đề chính trị nhạy cảm khác.
Năm 2009, bà bị bắt giam trong đồn công an chín ngày vì nghi vấn mà giới chức nói là liên quan tới "an ninh quốc gia", nhưng một số tổ chức nhân quyền thì cho là làn sóng trấn áp tiếng nói đối lập.
Sự kiện này khiến cho bà "không chỉ còn là một nhà báo mà còn là một nhà hoạt động dân chủ", ông Trịnh Hữu Long nói.
"Phạm Đoan Trang cố gắng dùng những ngôn ngữ bình dân nhất, giải thích một cách dễ hiểu nhất các khái niệm có vẻ trừu tượng, khó hiểu về dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, những quyền người dân đang có".
Bà muốn "dùng ngòi bút của mình nhằm mong muốn thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam", ông Trịnh Hữu Long nói thêm.
Giới chức thành phố Berlin tổ chức buổi lễ tối 12/09 tại địa điểm danh giá, Deutsches Theater Berlin.
Hồi 2/2018, bà Phạm Đoan Trang được tổ chức People in Need ở Czech trao giải nhân quyền Homo Homini 2017, vì "lòng dũng cảm của bà khi không mệt mỏi theo đuổi sự thay đổi dân chủ cho đất nước mình, mặc cho sự sách nhiễu và khủng bố".
Bà Phạm Đoan Trang là phụ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt giải Tự do Báo chí của RSF.
Năm nay, cả ba giải thưởng của RSF đều được trao cho các gương mặt nữ.
Cùng được trao giải trong năm 2019 với bà Phạm Đoan Trang là Caroline Muscat từ Malta (hạng mục Độc lập) và Eman Al Nafjan từ Saudi Arabia (hạng mục Can đảm).
*******************
Việt Nam : Blogger Phạm Đoan Trang được giải tự do báo chí của RSF
Thụy My, RFI, 13/09/2019
Tối qua 12/09/2019 tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở tại Paris đã trao Giải tự do báo chí 2019 cho ba nhà báo nữ, trong đó có blogger Phạm Đoan Trang ở Việt Nam.
Blogger Phạm Đoan Trang, giải thưởng "Tác động" của Phóng Viên Không Biên Giới năm 2019.RSF
Giải thưởng này lần đầu tiên được trao tại Berlin, ở nhà hát Deutches Theater, với sự hiện diện của nhiều khách mời quan trọng như thị trưởng Berlin (Michael Müller), tổng biên tập The Guardian (Alan Rusbridger) và một số nhà báo từng đoạt giải.
Phạm Đoan Trang được tặng giải "Tác động", dành cho các nhà báo đã giúp cải thiện cụ thể sự tự do, độc lập và đa chiều của nghề báo hoặc đánh động ý thức về vấn đề này. Bà đã thành lập Luật Khoa tạp chí trên mạng và tham gia biên tập trang web thevietnamese, giúp độc giả hiểu thêm về luật pháp để bảo vệ quyền lợi của mình, chống lại sự độc đoán.
Bà Đoan Trang cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có một tác phẩm cổ vũ quyền của cộng đồng LGBT (người đồng tính, chuyển giới). Blogger này từng bị đánh đập nhiều lần, và bị giam giữ tùy tiện nhiều ngày trong năm 2018.
Giải "Can đảm" được trao cho nhà báo Saudi Arabia Eman Al Nafjan, người sáng lập trang web SaudiWomen.me và là tác giả nhiều bài viết trên báo chí quốc tế, đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ Saudi Arabia. Bà bắt tháng 5/2018 và hiện nay đang trong tình trạng bị quản thúc, có nguy cơ lãnh án đến 20 năm tù.
Giải "Độc lập" dành cho nhà báo Caroline Muscat ở Malta. Sau khi nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia bị ám sát, bà Muscat tiếp tục tố cáo nhiều vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức Malta.
Được thành lập năm 1992, các giải thưởng của Phóng Viên Không Biên Giới ngoài giá trị danh dự còn được kèm theo số tiền tượng trưng là 2.500 euro. Trong quá khứ, RSF đã từng trao giải cho một số nhân vật như Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), sau này trở thành khôi nguyên Nobel.
Trên Facebook cá nhân, blogger Phạm Đoan Trang đã đăng một video clip (có phụ đề tiếng Việt) gởi đến tham gia buổi lễ trao giải do không đến dự được, đồng thời gởi lời cám ơn đến những độc giả lâu nay của bà.
Thụy My
Nguồn : RFI, 13/09/2019
*****************
Nhà báo 'không lề' Phạm Đoan Trang được giải Tự do Báo chí 2019 (BBC, 13/09/2019)
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hạng mục Ảnh Hưởng.
Được thực hiện từ 27 năm qua, giải thưởng Tự do Báo chí nhằm vinh danh những người không chịu im lặng, "bất chấp các hoàn cảnh khắc nghiệt nhất" và "những đe dọa tới tính mạng, thân thể", thông cáo của tổ chức Phóng viên Không Biên giới viết.
Bà Phạm Đoan Trang của Việt Nam là một trong ba phụ nữ đoạt giải Tự do Báo chí của RSF 2019. Hai người kia là Caroline Muscat từ Malta và Eman Al Nafjan từ Saudi Arabia.
Lễ công bố và trao giải diễn ra tối ngày 12/9 tại Berlin.
Phát biểu tại buổi lễ, Thị trưởng Berlin Michael Müller nói rằng tự do báo chí, bên cạnh quyền tự do biểu đạt và quyền biểu tình, đóng vai trò rất quan trọng, "giúp cho xã hội minh bạch, giúp kiểm soát quyền lực và các hoạt động xã hội".
Trong số những người từng được giải có nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc, cũng là người được giải Nobel Hòa bình hồi 2010, ông Lưu Hiểu Ba, nay đã qua đời.
Thị trưởng Berlin Michael Müller phát biểu tại lễ trao giải
Từ Hà Nội, nhà báo Phạm Đoan Trang trả lời phỏng vấn của BBC sau khi biết tin từ Berlin.
Phạm Đoan Trang : Biết mình được trao giải thưởng Tự do Báo chí ở hạng mục Ảnh hưởng, tôi rất vui mừng. Điều đó có nghĩa là tổ chức Phóng viên Không Biên giới đánh giá các tác phẩm của tôi đã có những ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng người đọc Việt Nam.
Tôi vô cùng cảm ơn độc giả. Cảm giác chính của tôi lúc này là muốn tri ân những người đã đọc tác phẩm của tôi, cả ở trong nước và hải ngoại. Tôi tin rằng không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Phóng viên Không biên giới biết đến các tác phẩm của tôi.
BBC : Lễ công bố và trao giải năm nay diễn ra ở Berlin. Bà đã không tới dự tuy được mời. Vì sao vậy ?
Phạm Đoan Trang : Để đi Berlin, trong các bước làm thủ tục xuất cảnh chắc chắn tôi sẽ phải làm việc với Bộ Công an trước. Không thiếu các trường hợp các nhà hoạt động ở Việt Nam đã có visa xuất cảnh của nước ngoài rồi, mua vé máy bay rồi, nhưng ra đến sân bay thì bị công an giữ lại, không cho đi.
Tôi biết trước là tôi sẽ rơi vào tình trạng như vậy. Chưa kể nếu có thể xuất cảnh được, thì lúc quay về, làm thủ tục nhập cảnh cũng sẽ bị giữ lại, sẽ phải trải qua các cuộc đối thoại không dễ chịu gì với bên an ninh.
Tôi biết họ sẽ đặt điều kiện, và tôi cũng biết trước là tôi sẽ không chấp nhận các điều kiện đó.
Cho nên tôi quyết định không đi, để khỏi phải trải qua những cuộc đối thoại không dễ chịu đó.
Đại diện cho bà Phạm Đoan Trang tới dự lễ trao giải ở Berlin là nhà báo tự do Trịnh Hữu Long
BBC : Tuy giải tự do báo chí đã được trao từ gần 30 năm nay, nhưng được biết bà là người Việt Nam đầu tiên được trao giải với tư cách là phóng viên chuyên nghiệp. Điều này liệu có ảnh hưởng, tác động gì tới hoạt động của bà và các nhà báo tự do tại Việt Nam trong tương lai không ?
Phạm Đoan Trang : Tôi không muốn đưa ra dự đoán về tương lai, nhưng tôi hy vọng là giải thưởng này sẽ có giá trị tích cực không chỉ cho riêng cá nhân tôi mà còn cho cả cộng đồng đấu tranh và hoạt động dân chủ, cộng đồng những người làm báo tự do, các blogger, các công dân mạng ở Việt Nam, những người dám sử dụng mạng xã hội để nói lên chính kiến của mình, những người luôn là nạn nhân trực tiếp của sự hà hiếp, đàn áp, khủng bố của công an.
Hàng ngàn blogger đã liên tục bị "để ý", mà chỉ riêng trong hai năm qua đã có hàng trăm người phải đi tù vì những việc liên quan tới livestream trên Facebook.
Tôi mong muốn giải thưởng này của mình, như sứ mệnh của tổ chức Phóng viên Không Biên giới đặt ra, sẽ đem đến sự an ủi đối với các nhà báo ở những nước vẫn còn độc tài, để những nhà báo đó cảm thấy rằng họ không cô đơn, họ luôn được hỗ trợ, được ủng hộ, được khuyến khích, được động viên, được biết rằng công việc của họ không phải là vô nghĩa, không ai biết đến.
Tôi mong là trong tương lai gần, ở Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều người mạnh dạn lên tiếng, nói lên quan điểm, chính kiến của mình trong các vấn đề chính trị xã hội.
Đặc biệt, tôi rất mong đợi sẽ có sự xuất hiện của thêm nhiều cây viết, nhiều nhà báo tự do, nhà báo độc lập, các blogger có nghề viết chuyên nghiệp, kể cả các nhà báo 'lề phải', tham gia vào công cuộc vận động dân chủ hóa xã hội thông qua con đường truyền thông.
BBC : Bà khởi đầu nghề báo ở vị trí mà như bà gọi là nhà báo 'lề phải' trước khi chuyển sang vị trí nhà báo tự do. Bà thấy sự khác biệt lớn nhất giữa vai trò của mình khi cầm bút viết với tư cách một người thuộc hệ thống báo chí chính thống với khi cầm bút viết ở vị trí thuộc lề khác là gì ?
Phạm Đoan Trang : Tôi đã làm ở báo chính thống, mà như chúng ta thường gọi là báo nhà nước, hay báo quốc doanh trong thời gian khá dài. Tôi làm từ năm 2000 cho đến tận 2013.
Trong 13 năm đó, tôi làm liên tục cho VnExpress, VietnamNet, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, truyền hình VTC, và các nơi khác, khoảng gần 10 cơ quan báo chí khác nhau.
Tôi cũng làm công tác xuất bản nữa. Bởi vậy, tôi nghĩ là tôi khá hiểu về nghề báo ở Việt Nam dưới sự kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản.
Từ khi chuyển sang trở thành một nhà báo tự do, hay như chúng tôi gọi mình là nhà báo 'không lề', tôi thấy có rất nhiều khác biệt.
Các cuốn sách của bà Phạm Đoan Trang chủ yếu đến với độc giả trong nước
Tôi cũng nhận ra là có nhiều điều từ xưa tới nay chúng ta vẫn hiểu nhầm.
Điều khác biệt đương nhiên nhất là bị đàn áp nhiều hơn.
Các nhà báo tự do bị đàn áp bằng mọi biện pháp, từ tinh vi cho đến thô thiển nhất. Không gian tự do cho nhà báo 'không lề' ít hơn nhiều so với các nhà báo đi theo định hướng.
Một sự khác biệt lớn nữa mà mọi người thường hiểu nhầm, hoặc có thể nói là quan niệm sai lầm từ trước tới nay. Đó là mọi người nghĩ nhà báo tự do sẽ không có ảnh hưởng bằng nhà báo chính thống. Những bài viết của nhà báo tự do thì không ai đọc, hoặc chỉ có số người đọc không đáng kể. Đó là quan niệm phổ biến, và đặc biệt phổ biến trong giới làm báo chính thống và trong giới công an.
Tôi biết rằng rất nhiều đồng nghiệp của tôi ở trong các tờ báo chính thống đặt câu hỏi vì sao lại phải bẻ bút đi làm 'phản động', sao không đi làm cho tờ báo nào đó mà lại đi làm tự do, bài viết viết ra như vậy liệu đến được với mấy người ?
Trong lúc nếu đưa mình vào trong một tờ báo đi theo định hướng của Đảng, nhà nước, chúng ta vẫn có cơ hội để bài viết được lên báo, được nhiều người đọc, tạo ảnh hưởng lớn hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chính sách, thông qua việc các quan chức nhà nước đọc được bài báo của mình và họ sẽ thay đổi chính sách, thay đổi suy nghĩ, v.v...
Họ cho rằng ảnh hưởng của báo chí chính thống vẫn mạnh hơn báo chí ngoài lề.
Tôi cho rằng đó là quan niệm sai, và càng ngày tôi càng thấy quan niệm đó sai hơn.
Chúng ta thấy rằng các blogger, các Facebooker chưa bao giờ được nhà nước thừa nhận, chẳng hạn như Người Buôn Gió, lại có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn.
Việc xuất bản cũng vậy. Khi tôi bắt tay vào xuất bản 'ngoài luồng', tức là không phải với các nhà xuất bản được cấp giấy phép chính thức của nhà nước, tôi nhận ra rằng lượng người đọc của hệ 'ngoài luồng' nhiều đến bất ngờ.
Tôi tin là số lượng người đọc của Nhà xuất bản Tự do, một nhà xuất bản 'ngoài luồng' như thế, đông hơn số lượng người đọc của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tức là Nhà xuất bản Sự thật ngày trước.
So sánh ra thì số lượng bản in nhiều hơn, số lượng độc giả nhiều hơn, sức ảnh hưởng nhiều hơn, mức độ tương tác với độc giả nhiều hơn nhiều.
Chúng tôi có những người chuyển sách của Nhà xuất bản Tự do, cụ thể là sách của tôi, tới cho độc giả, thì có những độc giả đã ôm lấy người chuyển sách mà khóc, nói, "cảm ơn các anh các chị đã dũng cảm để chúng tôi có được những cuốn sách này".
Tất nhiên, cũng có rủi ro là bị công an 'bẫy', nhưng chúng tôi cảm nhận được tình cảm thực sự yêu quý mà các độc giả dành cho mình.
Cho nên có thể nói sự khác biệt dễ nhận thấy là mức độ ảnh hưởng giữa bên 'ngoài luồng' và bên chính thống, mức độ tình cảm của độc giả dành cho mỗi bên.
*****************
Nhà báo Phạm Đoan Trang được giải thưởng tự do báo chí 2019 (RFA, 12/09/2019)
Vào tối ngày 12/9, giờ Berlin, Đức, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) công bố nhà báo Phạm Đoan Trang là người được giải thưởng Tự do Báo chí 2019, hạng mục tầm ảnh hưởng.
Hình minh họa. Nhà báo Phạm Đoan Trang và các cuốn sách của mình Courtesy of FB Pham Doan Trang
Nhà báo Phạm Đoan Trang, 41 tuổi, không thể có mặt tại buổi trao giải ở Berlin, nhưng cô đã gửi video của mình đến ban tổ chức. Nhà báo Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập và sáng lập viên của Luật khoa tạp chí đã đến nhận giải thay mặt Phạm Đoan Trang.
Trong đoạn video ngắn được RSF chiếu tại buổi trao giải, Phạm Đoan Trang đàn và hát bài dân ca Lý Chiều Chiều. Cô nói về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam bị bóp nghẹt, các nhà báo bị đàn áp.
Về Phạm Đoạn Trang, RSF viết : "Phạm Đoan Trang từ Việt Nam – sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí hiện sống tại một trong những quốc gia đàn áp nhất trên thế giới. Với các bài báo của mình, cô giúp người dân của mình bảo vệ các quyền dân sự. Cô cũng là người lên tiếng cho các quyền LGBT. Vì những việc làm của mình, cô dã bị đánh đập và bắt giữ tùy tiện nhiều lần".
Trong bài phát biểu trên video gửi cho ban tổ chức, Phạm Đoan Trang nói những đe dọa của chính quyền với cô và các nhà báo không làm họ lo sợ vì : "chúng tôi cam kết vì sự thật và có hy vọng. Chúng tôi hy vọng một ngày Việt Nam có được dân chủ".
Khi nói về giải thưởng cho mình, Phạm Đoan Trang nói "giải thưởng không phải cho mình tôi mà còn cho những người muốn tìm kiếm sự thật trên toàn thế giới".
Phạm Đoan Trang cho biết nghề báo ở Việt Nam bị coi là một tội, tội chống lại nhà nước. Cô nói cô và những nhà báo độc lập ở Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nghề báo không còn bị coi là một cái tội ở khắp nơi trên thế giới.
****************
Tối ngày 12/09/2019 tại Berlin, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã chính thức trao giải Tự do Báo chí với hạng mục Tầm ảnh hưởng cho nhà báo độc lập, blogger Phạm Đoan Trang của Việt Nam.
Blogger Phạm Đoan Trang, tác giả của một số sách chính luận bị cấm xuất bản trong nước, cho VOA biết bà quyết định không tới Berlin để dự lễ trao thưởng của RSF hôm 12/9 vì biết rằng chính quyền Việt Nam có thể gây cản trở việc bà xuất cảnh, dù Đại sứ quán Đức tại Hà Nội có can thiệp.
Nữ blogger Phạm Đoan Trang nói :
"Tôi nghĩ nếu tôi muốn đi thì chính quyền có thể cho đi, nhưng chắc chắn trước khi đi thì phải ngồi đàm phán, và tôi phải chấp nhận một số điều kiện do bên chính quyền đưa ra, còn nếu tôi không chấp nhận thì không được đi. Vì tôi không muốn đối thoại với họ nên tôi quyết định không đi.
"Theo tôi biết thì Đại sứ Đức có can thiệp với phía chính quyền Việt Nam để họ trả lại quyền mang hộ chiếu cũng như đảm bảo quyền tự do xuất nhập cảnh của một số nhà hoạt động Việt Nam trong đó có tôi.
"Phía Đức rất nhiệt tình, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì kiểu gì cũng phải đàm phán với phía công an Việt Nam như : không được đi vận động, không tuyên truyền, không nói xấu đất nước…nếu không thì họ sẽ khởi tố ; họ cũng sẽ cho rằng họ sẽ khó xử liệu tôi có đi về hay không, cho nên tốt nhất là tôi quyết định không đi".
Hôm 29/08, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập của trang mạng online Luậ t khoa Tạp chí, được RSF đề cử Giải Tự do Báo chí trong hạng mục Tầm ảnh hưởng.
Ông Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF, nhận định với VOA : "Phạm Đoan Trang là một nữ anh hùng chân chính - như chúng ta đã biết tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam là các nhà báo và blogger không tuân theo đường lối của Đảng cộng sản phải đối mặt với những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng".
Đại diện của RSF nói rằng chính phủ Việt Nam cương quyết bóp nghẹt tiếng nói của bà thông qua việc bị công an đe dọa, chỉ vì bà phơi bày những bất công và lên tiếng nhằm đảm bảo các quyền dân sự và chính trị.
Ông Bastard nói rằng mặc dù bị sách nhiễu và trấn áp liên tục từ năm 2016 cho đến nay, bà Đoan Trang vẫn quyết tâm đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin độc lập và vận dụng quy tắc thượng tôn pháp luật - như Hiến pháp Việt Nam quy định - để chống lại các hành vi độc đoán của chính quyền.
Ông Bastard nói thêm : "Chúng tôi đã mời bà tham gia buổi lễ trao giải tại Berlin, nhưng chính phủ Việt Nam không cho phép bà đi ra nước ngoài - điều đó thật xấu hổ".
Bà Đoan Trang nhận định về lý do bà được RSF đề cử trao giải mục Tầm ảnh hưởng :
"Tôi nghĩ có thể họ biết rằng trong 2-3 năm qua tôi đã xuất bản rất nhiều sách, bên cạnh công việc biên tập của tôi ở Luậ t khoa Tạp chí. Mỗi năm tôi xuất bản 2-3 quyển sách và có lượng độc giả nhiều đến mức chính tôi cũng bất ngờ. Có thể họ căn cứ vào đó để trao giải thưởng.
"Tôi biết rằng giá trị mà RSF theo đuổi khi xét trao giải thưởng này là họ muốn các nhà báo trên toàn thế giới, nhất là các nhà báo đang là nạn nhân của bức hại, sách nhiễu, hành hạ, ngược đãi của chính quyền biết rằng là các nhà báo đó không cô đơn trong cuộc chiến của họ.
"RSF đã thực sự giúp cho những người trong tình trạng như tôi cảm thấy mình không cô đơn".
Những quyển sách của Blogger Phạm Đoan Tranh được Nhà xuất bản Tự Do phát hành gần đây như Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù, Politics of A Police State…
Vào tối ngày 12/09, có mặt tại Berlin, nhà báo Trịnh Hữu Long thông báo trên Facebook :
"Vì nhiều lý do, nhà báo Đoan Trang không đi Đức dự lễ trao giải này. Nhà báo Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luậ t Khoa, sẽ thay mặt nhà báo Đoan Trang tham dự sự kiện".
Phóng viên Không biên giới RSF ngày 27/11 loan báo kế hoạch tiếp tục chiến dịch kêu gọi chấm dứt đàn áp nhân quyền tại Việt Nam sau khi một blogger kiêm ký giả công dân 22 tuổi bị tuyên án nặng nề tại Hà Tĩnh.
"Chúng tôi hết sức quan ngại trước tình trạng Việt Nam ngày càng gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng", bà Margaux Ewen, Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, nói với VOA Việt ngữ cùng ngày.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở chính tại Pháp nêu rõ bản án 7 năm tù, 3 năm quản chế về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho anh Nguyễn Văn Hóa trong phiên xử kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ hôm 27/11 đã đưa nhà hoạt động trẻ này vào danh sách dài gồm các blogger bị đàn áp tại Việt Nam.
Báo điện tử Hà Tĩnh của nhà nước Việt Nam nói anh Hóa đã sử dụng Facebook để gieo rắc tuyên truyền phản động chống lại chính sách của đảng cộng sản và nhà nước thông qua các bài viết, video, và hình ảnh có nội dung tiêu cực.
Nguyên nhân chính khiến nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị bắt đầu năm nay là do anh tường thuật về phản ứng của dân chúng trước việc Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung và làm kiệt quệ đời sống của hàng ngàn ngư dân Việt, theo RSF.
Blogger này đã dùng kỹ thuật camera trên thiết bị bay điều khiển từ xa để ghi hình các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng phản đối Formosa rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội.
"Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án hoàn toàn bất xứng này", ông Daniel Bastard, trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF cho biết trong thông cáo báo chí cùng ngày.
"Ngay cả gia đình anh Hóa cũng không được thông báo về phiên xử. Động thái triệt để đó càng cho thấy Việt Nam nhất mực không dung chấp bất kỳ một tự do tường trình nào cả. Các đối tác thương mại của Việt Nam nên rút ra kết luận tương ứng", ông Bastard nhấn mạnh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về nhân quyền Việt Nam và đề cập vấn đề này với các đối tác làm ăn với Việt Nam như EU và Mỹ", Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, bà Ewen, cho VOA Việt ngữ biết.
Việt Nam lâu nay nhất mực khẳng định không có gì là bất hợp pháp khi tống giam các nhân vật bị Hà Nội xem là ‘phạm nhân’, là ‘vi phạm luật pháp’, những người mà quốc tế gọi là tù nhân lương tâm, những nhà hoạt động cổ súy cho dân chủ-nhân quyền một cách ôn hòa.
Giám đốc Vận động và Truyền thông của Phóng viên Không biên giới, nói: "Có những quy chuẩn quốc tế rằng dân chúng được quyền loan truyền tin tức và bày tỏ ý kiến một cách tự do, theo điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chính quyền Việt Nam nên nhớ rằng trong nhiều năm qua, họ xếp gần chót bảng trong Chỉ số Tự do Báo chí của RSF. Nếu họ muốn cải thiện điểm số này, họ nên đối xử với blogger bằng sự tôn trọng, cho phép blogger truyền tải tin tức, vốn là điều rất hữu ích cho dân chúng Việt Nam".
Cũng lên tiếng về thảm họa môi trường Formosa, tháng 6 năm nay, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) đã bị Việt Nam tuyên án 10 năm tù về cùng tội danh, ‘tuyên truyền chống nhà nước.’
Luật sư của Mẹ Nấm, ông Võ An Đôn, vừa bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên chỉ 4 hôm trước phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 30/11 tới đây. Hành động đó, theo RSF, nhằm ngăn không cho luật sư Đôn truyền tải thông tin về vụ án.
Phóng viên Không biên giới cho biết trong khuôn khổ chiến dịch kêu gọi nhân quyền cho người dân Việt Nam (#StopTheCrackdownVN) do RSF và các tổ chức phi chính phủ khác tiến hành nhằm phản đối các vi phạm về tự do báo chí, một phái đoàn vận động hôm 22 và 23/11 đã gặp các thành viên Nghị viện Châu Âu tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về số phận của các blogger tại Việt Nam và khả năng Nghị viện Châu Âu có thể ra nghị quyết khẩn về tình trạng Việt Nam.
Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do RSF thực hiện, Việt Nam xếp gần chót, ở vị trí 175 trên 180 quốc gia được khảo sát.
Trà Mi
**********************
Cộng sản Việt Nam tuyên án 7 năm tù người phổ biến video biểu tình chống Formosa (Người Việt, 27/11/2017)
Một thanh niên quay video tung lên YouTube cu2ộc biểu tình của người dân hồi năm 2016 chống nhà máy luyện gang thép Formosa xả hóa chất kịch độc ra biển miền Trung Việt Nam vừa bị tòa án cộng sản Việt Nam tuyên án 7 năm tù.
Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, bị kết án 7 năm tù ngày 27 tháng Mười Một, 2017, vì dùng skycam quay video biểu tình ở Hà Tĩnh chống Formosa xả chất độc ra biển. (Hình : VNN via AP)
Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, bị đưa ra tòa án ở tỉnh Hà Tĩnh sáng 27 tháng Mười Một, 2017, trong một phiên xử không ai biết và cũng không có luật sư bào chữa.
Các báo tại Việt Nam tường thuật lại cho biết Nguyễn Văn Hóa, cư dân xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh bị lôi ra tòa án để xử về tội "Tuyên truyền chống nhà nước" cộng sản Việt Nam theo điều 88 Luật Hình Sự của chế độ. Tội danh này nặng hơn và khác với tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…" theo điều 258 Luật Hình Sự mà báo chí trong nước qua tờ VietNamNet gán cho Hóa hồi tháng Tư vừa qua, căn cứ vào lệnh khởi tố của công an tỉnh Hà Tĩnh.
Nguyễn Văn Hóa bị bắt ngày 11 tháng Giêng, 2017, gia đình không ai hay biết mãi nhiều ngày sau mới được thông báo. Gia đình không được thăm gặp hay tiếp xúc và chịu nhiều áp lực từ phía công an, kể cả chuyện đe dọa không được tiếp xúc với các linh mục Công Giáo ở địa phương.
Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến đầu năm 2017, Nguyễn Văn Hóa "lập tài khoản cá nhân trên facebook để kết bạn, trao đổi thông tin với một số đối tượng xấu; đồng thời chia sẻ, phát tán bài viết, video, hình ảnh có nội dung tiêu cực, kích động, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản động trái với đường lối, chính sách của đảng và nhà nước".
Nguyễn Văn Hóa đã bị cáo buộc "trực tiếp bố trí, dàn xếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn và đăng tải lên mạng xã hội để kích động người dân tụ tập biểu tình, chống đối chính quyền" nhất là "sự cố môi trường biển và lũ lụt trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình".
Các video clip về các cuộc biểu tình hàng chục ngàn người chống nhà máy luyện gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, phổ biến trên Facebook, YouTube đã lôi cuốn hàng trăm ngàn người theo dõi, gây rúng động dư luận.
Người dân leo lên tường rào của nhà máy Formosa, treo biểu ngữ đòi đuổi công ty này "cút khỏi Việt Nam". Người ta cũng thấy cả hình ảnh những ông công an cởi sắc phục để bỏ chạy khi thấy khí thế cuộc biểu tình quá đông đảo, quá nguy hiểm cho tính mạng của họ.
Nguyễn Văn Hóa bị cáo buộc "đã nhận được sự hỗ trợ, cung cấp về tài chính từ các cá nhân cực đoan, tổ chức phản động trong và ngoài nước số tiền 92.1 triệu đồng và 5,264 USD" để thực hiện các bản tin và video clip thời sự liên quan đến các hoạt động chống ô nhiễm môi trường và những gì gây bất lợi cho sự tuyên truyền của nhà nước.
Video của báo Hà Tĩnh tường thuật phiên tòa nói sau phần "tranh tụng" thì Hóa đã "cúi đầu nhận tội" "ăn năn hối cải" nhưng không có luật sư thì lấy gì "tranh tụng", cũng không thấy Hóa "cúi đầu nhận tội" gì cả. Toàn là lời tuyên truyền của nhà cầm quyền.
Dù vậy các báo tại Việt Nam nói rằng Nguyễn Văn Hóa đã bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế.
Theo Facebooker Phạm Lê Vương Các, nhà cầm quyền đã lừa dối dư luận về ngày xử Hóa. Trên lịch xử án của tòa án tỉnh Hà Tĩnh, phiên xứ Nguyễn Văn Hóa ghi ngày 28 tháng Mười Một không phải ngày 27 tháng Mười Một như đã diễn ra thật nhanh chóng. Trên lịch ghi phiên tòa ngày 27 tháng Mười Một là vụ xử "Cố ý làm trái QĐ về QLKT gây HQ nghiêm trọng" (Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) nhằm đánh lừa dư luận.
"Nhìn qua vào hình thì thấy em vẫn không cúi đầu, và ăn mặc đẹp. Dù truyền thông có nói gì thì chúng tôi cũng không tin, đừng lấy lao tù mà ép một thanh niên như vậy. quy tội cách vô lý và xét xử cách bí mật với án cao là một hành động vi phạm các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Mọi quy kết là vô giá trị trước lương tâm nhân loại", facebooker Phạm Lê Vương Các viết.
Phiên tòa kết án Nguyễn Văn Hóa diễn ra ba ngày trước khi dự trù có phiên tòa phúc thẩm blogger Mẹ nấm tại Nhà Trang.
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị tòa án của chế độ kết án 10 năm tù ngày 29 tháng Sáu, 2017, khi bị vu cho tội "Tuyên truyền chống nhà nước" dù bà chỉ dùng quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận mà Hiến Pháp chế độ thừa nhận để bầy tỏ ý kiến cá nhân về các vấn đề thời sự của đất nước.
Bà đã được Phu Nhân Tổng Thống Mỹ Melania Trump vinh danh là một trong những "Phụ nữ can đảm" trên thế giới nhân ngày Phụ Nữ Thế Giới trong một buổi lễ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Trước khi ông bà Tổng Thống Trump đến Việt Nam dự hội nghị APEC và thăm viếng chính thức, con gái 10 tuổi của Mẹ Nấm viết thư xin bà Melania can thiệp để trả tự do cho mẹ.
Không thấy Mẹ Nấm được thả và bà Melania Trump đã trở về Mỹ trước khi đến Việt Nam.
Hôm 26 tháng Mười Một, 2017, Luật Sư Võ An Đôn, một trong số những luật sư nhận bào chữa cho Mẹ Nấm đã bị đoàn luật sư tỉnh Phú Yên tước thẻ hành nghề lấy cớ ông đã nói xấu chế độ. (TN)