Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 22 janvier 2023 16:31

San Jose : 30 Tết năm nay ít nhộn nhịp

Năm nay sinh hoạt Tết ở vùng San Jose, nơi có hơn một trăm nghìn người Việt sinh sống, cũng chưa khởi sắc lại như những năm trước dịch Covid. Phần vì dịch bệnh vẫn còn, phần vì thời tiết mưa nhiều từ sau lễ Giáng Sinh.

sanjose1

Chụp hình kỷ niệm đón Tết Quý Mão ở San Jose, California.

Hôm tiễn Ông Táo về trời và hai tuần trước đó California đã đón những dòng sông nước mưa chảy xiết từ trời đổ xuống gây ngập lụt ở hai miền nam bắc tiểu bang, nhất là những thành phố ven biển.

Ba ngày trước tết trời mới nắng ráo. Năm nay tết về sớm nên chưa thấy hoa đào bừng nở hai bên xa lộ 880 và 280 hay dọc theo một số con đường của thành phố.

Trước Grand Century Mall đã có tiếng pháo đã nổ, nhưng không rền vang như nhiều năm về trước. Năm nay mặt tiền của trung tâm thương mại này có treo một băng rôn quảng cáo cho xe Vinfast, ngay sau tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Cà phê Paloma đông khách ngồi bên ngoài. Vang vang là tiếng nhạc xuâ n, nhạc vàng với các giọng ca tài tử, cây nhà lá vườn từ một sân khấu dã chiến ngay bên cạnh. Nhìn ra phía đường Story, trong bãi đậu xe có khu hội chợ tết, với một sân khấu, ít quầy trò chơi cho trẻ em và chừng hai chục lều bán hàng tết hay quảng cáo dịch vụ.

Vừa vào cửa Grand Century Mall, khách du xuân sẽ thấy hai xe Vinfast VF8 mầu đỏ và mầu bạc đặt cạnh chậu mai vàng. Mấy nhân viên tiếp thị niềm nở mời khách xem xe và ghi tên nếu muốn lái thử xe trong những ngày tới.

Bên trong, trước vài cửa tiệm có trang trí cảnh ngày xuân thu hút nhiều bố mẹ đưa con nhỏ đi chơi tết, mặc áo dài, đội khăn đóng chụp hình kỷ niệm với nét truyền thống của quê hương.                                

sanjose2

Xác pháo trong khu Vietnam Town ở San Jose hôm 30 Tết Quý Mão.

Chỉ còn một buổi mua sắm nữa là sẽ qua giao thừa. Năm nay trong vùng không có chợ hoa. Vì thời tiết hay cũng có thể vì khó cạnh tranh với siêu thị Costco mà những năm qua khi tết về đã có bán nhiều loại hoa như lay-ơn, cúc, hay cây kim quất, cây phát tài với giá rẻ.

Thời Thung lũng Điện tử có sinh hoạt tết nhộn nhịp nhất là khi kinh tế phát triển vào thập niên đầu của thiên niên kỷ. Những năm đó cộng đồng Việt có diễn hành tết trên phố Market với nhiều đoàn thể, cơ quan tham dự bằng nhiều xe hoa rực rỡ, với áo dài muôn mầu tung bay trong nắng gió xuân. Sau diễn hành là hội xuân, hội tết ngay trên đường Park hay ở County Fairgrounds với mấy vạn khách du xuân.

Mười năm qua tết cộng đồng chỉ còn được tổ chức rời rạc ở các địa điểm khác nhau, có khi cùng chung vào một cuối tuần nên không khí ít nhộn nhịp.

Sinh hoạt đón tết ngày nay tập trung ở khu Little Saigon với Grand Century Mall và Vietnam Town hay bên Lion Plaza. Cái khó khăn cho những nơi này là thiếu không gian rộng lớn cho hội chợ vì không đủ chỗ đậu xe nên chỉ có thể tổ chức trong phạm vi thu nhỏ.

Ngày xuân du khách đến hai nơi này chủ yếu để ăn uống, mua sắm hàng tết trong các hàng quán bên trong và để nghe pháo nổ, ngửi mùi thuốc pháo lan toả trong gió mà nhớ về một thời đón tết ở quê nhà như thế.

Về đây, ai muốn đốt một phong pháo ngắn hay tràng pháo dài cả chục mét để xua đuổi tà ma năm cũ thì cứ tự nhiên vì có sạp bán pháo ngay tại chỗ, bỏ ra 10 đô hay nhiều hơn là có pháo để châm ngòi, nổ giòn vang.

Tết về các cửa hàng bán bánh chưng, bánh tét, giò chả thật đông khách. Giò bì, giò thủ, giò lụa, chả quế đắt hàng. Có người mua cả chục cây để ăn và biếu tết người thân. Không quên thêm lọ dưa món. Mứt sen cũng là món ưa chuộng được chọn làm quà tết. Nơi đất Mỹ, xa quê hương vạn dặm mà ăn tết không thiếu các món truyền thống.

Còn đồ mặc tết có áo dài, khăn đóng cho quí bà, quí ông và trẻ em. Mấy cửa hàng bán áo dàiđông khách chọn hàng trong ngày cuối năm để chuẩn bị du xuân hay đến chùa, nhà thờ vào đêm giao thừa. Một bộ áo dài lụa cho người lớn giá chưa tới 100 đôla. Áo cho trẻ em chừng 30 đôla.

Đêm nay ở các thành phố có đông người Việt và người Hoa như San Francisco, San Jose, Oakland pháo sẽ nổ rền vang để đón giao thừa.

Ngày mai Mồng Một Tết Quý Mão. Bữa cơm sum họp của nhiều gia đình Việt Nam trong ngày đầu năm âm lịch với bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, heo quay. Với bia rượu và quây quần bên màn hình tivi xem trận đấu bóng cà na giữa đội nhà San Francisco 49ERS và đội Dallas Cowboys, rất hồi hộp để xem đội nào có cơ hội vào chung kết Super Bowl năm nay.

Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời / Vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi… (Đón xuân, Phạm Đình Chương).

Bùi Văn Phú

Nguồn : BBC, 22/01/2023

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Văn hóa

Chủ Nhật, 25 tháng Chạp. Chỉ còn vài ngày nữa là chuột chạy ra khỏi nhà cho trâu thủng thẳng bước vào.

Tình hoài hương Nhạc Phạm Duy Tiếng hát Thái Thanh (Pre 75)

Cuối tuần trước tết nắng đổ chan hòa, ấm áp mà San Jose yên lặng quá. Bình thường, ngày này mỗi năm con đường Story từ xa lộ 101 vào khu Little Saigon đã ùn tắc và trong khi chầm chậm để đến được bãi đậu xe của Grand Century Mall hay Vietnam Townđã nghe tiếng pháo nổ liên hồi vọng lại.

tet1

San Jose trưa ngày Chủ Nhật 7/2/2021 với không khí tết buồn như chưa bao giờ có (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Trưa nay bãi đậu xe trước khu thương mại lớn nhất của người Việt San Jose vẫn còn nhiều chỗ trống.

Hồ nước với tượng Quang Trung Đại Đế bên cạnh mọi năm tràn ngập xác pháo đỏ, hôm nay sạch sẽ. Vài em nhỏ chơi pháo chuột ném xuống đất nổ lẹt đẹt.

Cạnh đó là lều xin chữ ký bãi nhiệm Thống đốc Gavin Newsom. Cử tri California, trong đó có nhiều chủ tiệm, nhiều thợ neo người Việt không đồng lòng với chính sách của thống đốc đã đóng cửa các cơ sở thương mại trong nhiều tháng qua vì dịch Covid-19 làm nhiều người gặp khó khăn kinh tế. Người khác thì than vãn sống ở đây phải trả thuế quá cao.

Trong năm qua Thống đốc Newsom đã hai lần ban hành chính sách đóng cửa tiệm neo tóc, cửa tiệm đấm bóp, nhà hàng chỉ cho bán thức ăn đem về. Các nơi thờ phượng không được cử hành nghi thức tôn giáo trong giáo đường, chùa chiền.

tet2

Gian hàng bán đồ tết trong Grand Century Mall, San Jose hôm Chủ Nhật 7/2/21 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Lần đầu vào giữa tháng 3/2020 với lệnh Shelter-In-Place, đóng cửa trường học các cấp, các cơ sở thương mại không cần thiết cho nhu cầu cuộc sống. Hè có nới lỏng, rồi siết lại vì số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng cao.

Lần thứ hai hôm đầu tháng 12 vừa qua với chính sách Stay-At-Home, sau ngày lễ Thanksgiving gia đình xum họp làm lân lan bệnh dịch. Giáng Sinh, Tết Tây vừa qua là cao điểm hoành hành của Covid.

Nạn nhân đầu tiên của Covid ở Hoa Kỳ là một cư dân San Jose, bà Patricia Dowd, 48 tuổi, qua đời ngày 6/2/2020, được giới chức y tế và dịch tễ xác nhận là ca tử vong đầu tiên trên nước Mỹ.

Một năm sau, tháng 1/2021 Hoa Kỳ có số người lây nhiễm và tử vong lên mức kỷ lục cao nhất thế giới.

Theo số liệu mới nhất từ WorldOMeter.info thì đã có 28 triệu 300 nghìn ca nhiễm và 484 nghìn tử vong tại Mỹ.

California có 3 triệu 450 nghìn ca nhiễm, hơn 45 nghìn người chết là tiểu bang có con số cao nhất nước, theo giới chức y tế tiểu bang.

Các quận hạt phía nam California bị nhiều hơn cả. Quận Cam, thủ phủ của người Việt, có 254 nghìn ca và 3451 tử vong.

Trên San Jose, quận hạt Santa Clara có 106 nghìn ca nhiễm, 1595 người chết là con số mới nhất do quận hạt đưa ra hôm 10/2.

Thành phố và các tổ chức cộng đồng thường xuyên ra thông báo nhắc nhở không tụ họp ăn uống, vui chơi. Khuyến cáo đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 mét và thường xuyên rửa tay.

Một số người Việt trong vùng bị nhiễm Covid trong kỳ nghỉ cuối năm vừa qua. Có người lên tiếng trên truyền thông, chia sẻ trải nghiệm về sự nguy hiểm của căn bệnh.

Với thuốc chích ngừa Covid đã có, Santa Clara là nơi tiến hành việc tiêm chủng qui mô nhất trong vùng. Ngoài nhân viên y tế, những người trên 65 tuổi cũng được ưu tiên tiêm thuốc ngừa. Trung tâm thể thao bóng cà-na Levi’s Stadium và County Fairgrounds được biến thành nơi chính ngừa cho hàng vạn cư dân mỗi ngày.

Tuần qua Thống đốc đã có lệnh cho phép những khu vực mà mức lây lan và số người nhập viện giảm thì nhà hàng có thể đón khách ăn ngoài trời, các tiệm neo tóc được mở cửa hoạt động.

So với tháng trước, sinh hoạt của người Việt San Jose có sinh động hơn. Nhưng trong tình hình bệnh dịch, không khí tết năm nay ảm đạm.

Khu Grand Century Mall, trước nhà hàng Dynasty, Saigon Kitchen và Café Paloma có đông khách ngồi ăn trong lều. Bên Vietnam Town các tiệm Phở 90 Degrees, Phở Hà Nội, Bánh Cuốn Ông Tạ, Bún Riêu với bàn ăn ngoài trời không còn chỗ trống.

Bên kia đường là hàng dài người xếp hàng trước tiệm Đức Hương. Nhà tôi nhập vào hàng chờ mua bánh mì ăn trưa và giò, chả về biếu và ăn tết.

Tiệm Thanh Sơn/Hiển Khánh bán các loại chè ngọt và đủ mọi thứ thức ăn nhanh vào giấc trưa cũng đông khách chờ trước cửa. Tôi hay mua chè đậu, bánh cuốn, bê thui, đậu hũ chiên hành nấm ở đây.

Trong bãi đậu xe trước Grand Century Mall những cây hoa mầu trắng đã bừng nở. Hồ phun nước bên tượng Quang Trung Đại Đế mọi năm ngập xác pháo, hôm nay yên ắng và sạch sẽ. Không thấy gian hàng bán hoa cúc, quầy bán pháo ngay cửa vào như năm ngoái. Chỉ một bàn nhỏ bán ít hoa và bánh tết.

Vào trong cũng vắng vẻ. Trước cây mai vàng mấy phụ nữ trong áo dài xúm xít chụp hình kỷ niệm. Nhiều tiệm vàng, tiệm thức ăn đóng cửa.

Tiệm ô mai với nhiều loại mứt đông người xem, mua. Khách hàng đeo khẩu trang nhưng không giữ khoảng cách 2 mét. Trước một cửa tiệm bán hoa ny-lông, bao lì xì cũng không ai giữ cách giãn xã hội.

Tiệm băng đĩa nhạc, sách báo ngay góc gần cửa ra vào đã đóng cửa nên không nghe vang vang tiếng nhạc xuân, không còn thấy màn hình lớn trong tiệm chiếu nhạc xuân Thuý Nga Paris By Night.

Khu Lion Plaza hôm nay cũng không có chợ hoa như những năm trước. Không tiếng pháo nổ. Bãi đậu xe còn nhiều chỗ. Trước tiệm bò bảy món Anh Hồng và khu ăn uống là nơi mọi năm giờ này ngập xác pháo, đông người xem cùng đám trẻ con vui đùa nhặt pháo xì. Hôm nay yên lặng. Cũng không thấy các bác bày cờ tướng ra chơi quanh đây.

Bên kia đường, tiệm giò chả Đức Hương nguyên thuỷ cũng là một hàng dài khách chờ mua hàng, như tiệm bên đường Story. Những cửa hàng quần áo, thức ăn khô, bánh mứt thưa người qua lại.

Lái xe lòng vòng qua khu Eastridge, năm ngoái có hội chợ, rồi qua khu Capitol Expressway cũng vắng sinh hoạt đón tết. Không lồng đèn, không bích chương quảng bá hội chợ.

Ghé chúc tết gia đình ông anh con bác. Chị cho bánh chưng, bánh tét, bánh gai. Không biết có phải là gốc Ông Tạ hay sao mà chị cũng khéo tay, biết làm bánh các loại. Mấy chục năm qua, năm nào chị cũng gói bánh tết, chỉ bán cho người thân quen để gây quỹ giúp hội từ thiện. Anh ra vườn trước cắt cho mấy cành đào đã nở rộ hoa mầu đỏ, mầu hồng. Thế là có hoa, có bánh mang về nhà đón tết.

Không khí đón Tết Tân Sửu thật buồn, như chưa bao giờ có trong cộng đồng người Việt ở thung lũng hoa vàng.

Chính quyền địa phương biết phong tục tết của người Việt nên đã khuyến cáo không tụ họp trong nhà. Nếu vui tết ngoài trời cũng nên giới hạn trong ba gia đình và không quá 20 người và phải luôn đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội.

tet3

Bên ngoài thiếu không khí tết nhưng trong nhà cũng có hoa đào, bánh chưng (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Đêm giao thừa năm nay chắc cũng im tiếng pháo vì các ngôi chùa có sinh hoạt giới hạn, không cho phép đông người vào khấn vái, hái lộc đầu năm. Không cho đốt pháo.

Tết Canh Tý 2020 rộn ràng vui xuân, đón tết với chợ hoa, với pháo nổ rền vang, tung tăng hội chợ. Trong không khí tết, xem đấu bóng cà-na Super Bowl giữa đội nhà 49ERS với đội Chiefs của Kansas City, tuy thua mà vui, vẫn ăn nhậu tưng bừng.

Chủ Nhật vừa rồi đội Chiefs tranh cúp vô địch với Buccaneers của Tampa City, nhưng không còn tụ họp đông vui nữa.

Mồng một Tết là ngày thứ Sáu 12/2. Chủ Nhật là Valentine’s Day. Thứ Hai nghỉ lễ Presidents’ Day. Thường tình sẽ là một tuần nhộn nhịp vui tết, đón xuân, lễ Mỹ, lễ Việt giao duyên. Nhưng vì Covid mà năm nay không tết.

Kinh tế Mỹ vẫn suy trầm. Năm ngoái chính phủ có gói cứu trợ 2 nghìn 200 tỉ đô giúp dân cầm cự sống.

Năm nay cơn dịch chưa qua, chính phủ đang bàn luận gói cứu trợ mới với 1 nghìn 900 tỉ đô la để tiếp tục giúp dân.

Một cặp vợ chồng đang đi làm, vì Covid mà mất việc thì năm ngoái cũng nhận được 40 nghìn đô trợ cấp các thứ. Nhưng mấy ai muốn ở nhà mãi mà chỉ muốn kinh tế mở cửa, trở lại làm việc, có cơ hội đi chơi đó đây. Con cái trở lại trường với thày cô.

Tuy có trợ giúp của chính phủ, nhiều người còn gặp khó khăn. Số người thiếu thực phẩm ngày một tăng. Nhiều hội đoàn thiện nguyện của quận hạt trong năm qua đã phát thực phẩm cho người nghèo. Tuần qua còn có quà tết đặc biệt cho người gốc Việt.

Một năm qua, nhìn lại kẻ mất người còn trong cộng đồng người Việt mà bùi ngùi vì không được đưa tiễn, nhìn mặt lần cuối. Có người ra đi vì tuổi già, vì bệnh, có người vì covid.

Ca sĩ Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian. Ca sĩ Lệ Thu, tiếng hát vàng ròng. Nghệ sĩ Chí Tài đem tiếng cười đến cho đời. Ca sĩ Quốc Anh với giọng trầm ấm.

Nhà báo Hà Túc Đạo, chủ bút tuần báo Dân Tộc ở San Jose một thời, về Việt Nam mở trường dạy tiếng Anh thành công. Nhưng rồi cũng phải bỏ của chạy lấy người, về Mỹ và qua đời.

Nhà văn Nhật Tiến, tác giả của Thềm Hoang. Nhạc sĩ Lam Phương với những ca khúc để đời Thu Sầu, Một Mình.

Trung tướng Lâm Quang Thi, nguyên chỉ huy Trường Võ Bị Quốc Gia.

tet4

Em bé chăn trâu ở Uông Bí, Quảng Ninh (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Mong năm Tân Sửu, con trâu bước vào đem ấm no cho mọi nhà. Cho mọi người cơ hội đi cày chăm chỉ như trâu mà vui.

Thay vì nhạc xuân, xin mượn ca từ Phạm Duy để nhớ không khí tết năm 2021 không vui vì Covid, ở California cũng như ở quê nhà :

Quê hương ơi ! Bóng đa ôm đàn em bé

Nắng trưa im lìm trong lá

Có con trâu lành trên đồi, nằm mộng gì ?

Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi

Bùi Văn Phú

(07/02/2021)

Bài viết là cảm nhận riêng của tác giả là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

Cali có gì lạ không em ?

San Jose cuối tuần trước cấm túc đợt hai

Bắt đầu tuần này, hầu hết cư dân California lại phải ở nhà cho đến ngày 5/1/2021. Đây là lần thứ hai lệnh cấm túc – Stay At Home – được ban hành để phòng lây lan Covid-19 trên diện rộng.

cali01

Bắt đầu tuần này, hầu hết cư dân California lại phải ở nhà cho đến ngày 5/1/2021.

Sau Lễ Tạ ơn 26/11 chính quyền và giới chức y tế quan ngại số ca nhiễm và người nhập viện sẽ tăng vì dân chúng chủ quan, dù đã được khuyến cáo không nên về thăm gia đình hay tụ họp mừng lễ.

Nhiều người dường như không nghe lời khuyến cáo nên một tuần sau kỳ nghỉ số nhiễm Covid-19 tăng vọt trên toàn nước Mỹ. Giới chức y tế quan ngại nhất là người phải vào bệnh viện cũng tăng nhanh, số giuờng cấp cứu ICU (Intensive Care Unit) không có đủ để đáp ứng nhu cầu trong những ngày mùa đông trước mặt.

Hôm Lễ Tạ ơn, gia đình tôi cũng dự dịnh xum họp anh em, con cháu như mọi năm, nhưng sẽ làm ngoài vườn sau vào giờ trưa, không quá 20 người và trong vòng hai tiếng đồng hồ, như khuyến cáo của chính quyền tiểu bang và quận hạt. Nhưng rồi các em nói thôi, vì không biết thời tiết ngày đó sẽ ra sao.

Thế là năm nay gia đình tôi đón lễ vỏn vẹn chỉ có 3 người, không gà tây mà chỉ có món thịt heo dăm bông (baked ham) và thịt bò nướng.

cali02

Thống đốc Gavin Newsom dự tiệc trong một nhà hàng sang trọng với hơn chục người quen

Trong khi khuyến cáo dân không tụ họp trong nhà thì lãnh đạo lại làm khác, bị phát hiện, đưa lên truyền hình và bị dân om sòm phê bình.

Thống đốc Gavin Newsom dự tiệc trong một nhà hàng sang trọng với hơn chục người quen. Thị trưởng San Francisco London Breed cũng đi nhà hàng ăn mừng sinh nhật với bạn. Thị trưởng San Jose Sam Liccardo quây quần tại nhà với bố mẹ và gia đình người thân.

Ba vị đã lên tiếng xin lỗi nhưng có nhiều người dân không tin các chính sách của chính phủ đưa ra nhằm giới hạn sinh hoạt thương mại, ăn uống, giải trí.

Trên diện rộng toàn nước Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, tiếng nói có thẩm quyền về dịch tễ, khi thấy con số lây nhiễm và tử vong tăng nhiều sau Lễ Tạ ơn, ông đã báo động là nếu không có những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt hơn thì sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Tết Tây số người nhiễm Covid-19 và số tử vong sẽ tăng vọt hơn nữa.

Sau Lễ Độc lập 4/7 số ca nhiễm đã tăng vọt. Lễ Tạ ơn là đợt tăng thứ hai. Bác sĩ Fauci cảnh báo một mùa đông u ám đang chờ đợi nước Mỹ.

cali03

Bác sĩ Fauci cảnh báo một mùa đông u ám đang chờ đợi nước Mỹ.

Tính đến ngày 8/12 số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ là 15,4 triệu và số tử vong 286 nghìn.

California có 1,42 triệu ca nhiễm và hơn 20 nghìn tử vong, nhiều nhất là vùng Los Angeles, vùng Vịnh San Francisco và Quận Cam là những nơi có đông người Việt sinh sống. Vùng Vịnh San Francisco hiện có 137 nghìn ca nhiễm và 1900 tử vong.

Tuần trước Thống đốc California Gavin Newsom họp báo và đề xuất chia California thành 5 khu vực, nơi nào số giường cấp cứu ICU trong các bệnh viện còn dưới 15%, khu vực đó sẽ ban hành lệnh cấm dân ra đường nếu không có việc gì cần.

cali04

California được chia thành 5 khu vực, nơi nào số giường cấp cứu ICU trong các bệnh viện còn dưới 15%, khu vực đó sẽ ban hành lệnh cấm dân ra đường nếu không có việc gì cần.

Với lệnh mới, nhà hàng chỉ được bán thức ăn mang về. Các tiệm tóc, tiệm làm móng tay phải đóng cửa. Nơi thờ phượng không được cầu nguyện bên trong, ra ngoài trời cũng giới hạn số tín đồ không quá 100.

Gia đình nhà nào ở nhà đó, không được thăm nhau hay tụ họp sinh hoạt.

Vùng Vịnh San Francisco tuần qua số giường ICU còn hơn 20% nhưng hôm Thứ Sáu chính quyền địa phương đã ban hành lệnh ở nhà bắt đầu từ thứ Hai tuần này. Các khu vực miền trung và nam California cũng đã theo sau với lệnh cấm túc.

Tháng Ba đầu năm, vùng Vịnh San Francisco cũng là khu vực đã có lệnh cấm túc đầu tiên ở Mỹ.

Trước tình hình không được ra khỏi nhà lần nữa và mùa đông mưa lạnh đang về, cuối tuần qua chúng tôi đi mua đồ ăn khô, nước uống phòng ngừa bất trắc cho tháng ngày trước mặt.

Siêu thị Costco không còn cảnh xếp hàng dài như hồi tháng Tư, tháng Năm. Mở cửa 9 giờ sáng mà khi chúng tôi đến lúc 10 giờ thì cũng không còn giấy vệ sinh, không còn giấy sát trùng lau tay.

Lần trước có lệnh cấm túc vào tháng Ba. Tháng Tư đường phố, xa lộ thật vắng xe. Người dân lo lắng nhiều, đổ sô đi mua các thứ cần thiết phòng chống Covid-19 và trữ thực phẩm nên các siêu thị với hàng dài người xếp hàng.

Hè đến có nới lỏng sinh hoạt. Nhà hàng được phép phục vụ khách ngoài trời. Rồi các trung tâm thương mại, các tiệm tóc, làm đẹp móng tay, phòng tập thể dục mở cửa với số khách giới hạn 20% và phải tuân thủ giãn cách xã hội, mang khẩu trang. Nhiều nơi còn đo thân nhiệt khách hàng trước khi phục vụ.

cali05

Cửa hàng ăn ngoài trời ở San Jose hôm Chủ Nhật 6/12/20 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hai tháng qua phố xá đã đông xe qua lại. Sinh hoạt các nơi sinh động hơn. Mức thất nghiệp tại Mỹ từ hơn 10% vào tháng Tư, nay còn trên 6%. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng với những con số kỷ lục.

Kỳ bầu cử tháng 11 vừa qua khu thương mại Grand Century ồn ào không khí vận động tranh cử. Các tiệm ăn đông khách ngồi bên ngoài vào cuối tuần.

Hai tháng sau, Chủ Nhật vừa qua trở lại San Jose thì nơi đây không còn ồn ào nữa. Quán càphê Paloma thường đông khách nay vắng vẻ. Nhà hàng Dynasty phục vụ chừng hai chục bàn điểm sấm trong lều trước tiệm cũng thưa khách. Bên trong Grand Century ít người qua lại, hầu hết các tiệm đóng cửa.

Khu Vietnam Town bên cạnh có Phở 90 Degrees đông khách bên ngoài. Nhiều tiệm trong khu này đóng cửa. Cạnh đài phát thanh Tiếng Mõ Bắc Cali là Bánh Cuốn Ông Tạ có khách ngồi ngoài ăn, nhìn qua bên kia có quán ăn Hàn quốc mới mở thì vắng.

cali06

Xếp hàng mua giò chả trước tiệm Đức Hương ở San Jose hôm Chủ Nhật 6/12/20 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Bên Lion Plaza cũng vắng vẻ. Nhà hàng Nha Trang quây lưới phía trước cho khách ngồi ngoài. Khu ăn uống cạnh tiệm bò bảy món Ánh Hồng nay kê bàn trong khuôn viên hình tròn ngoài trời, lưa thưa khách.

Giò chả Đức Hương là hàng quán đông khách nhất trong ngày Chủ Nhật. Hai tiệm, một ở gần Lion Plaza và một gần Grand Century Mall, giờ trưa khách xếp hàng dài chờ vào mua. Ai cũng đeo khẩu trang, đứng cách nhau hai mét.

Theo số liệu từ Hiệp hội Nhà hàng (National Restaurant Association) và Yelp thì mùa hè qua, thời gian cao điểm đón khách du lịch, đã có 16 nghìn nhà hàng đóng vĩnh viễn trên toàn quốc. Một khảo sát trong tháng Chín cho thấy 17% nhà hàng tại Mỹ đã phải đóng cửa dài hạn hay dẹp tiệm luôn, con số này là gần 100 nghìn cơ sở thương mại dịch vụ ăn uống.

cali07

Quán ăn ngoài trời trong khu thương mại Lion Plaza ở San Jose hôm Chủ Nhật 6/12/20 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Tháng Sáu vừa qua có bạn học cũ từ nam California lên chơi, chúng tôi ăn phở 90 rồi qua Paloma uống cà phê. Hỏi chuyện, anh bạn nhận xét trên đây hầu hết dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội, trong khi dưới Quận Cam nhiều người xem thường những việc này.

Tuần trước có bạn cũng từ Quận Cam lên thăm. Mua bánh mì hẹn nhau ra Jack London Square ở bến cảng Oakland ngồi ăn. Bạn cũng có nhận xét người dân vùng San Francisco tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 hơn dân Quận Cam.

Dư luận cho thấy trong chín tháng qua nước Mỹ có hai khuynh hướng. Những nơi đông người ủng hộ cộng hoà, theo Tổng thống Trump thì xem nhẹ việc phòng Covid-19 lây lan, không thích mang khẩu trang khi ra đường, không quan tâm đến giãn cách xã hội.

Nơi đông người theo khuynh hướng dân chủ, ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nay coi như đắc cử tổng thống, xem việc mang khẩu trang, cách giãn xã hội là điều phải làm.

Ông Biden có chủ trương là khi nhận chức tổng thống sẽ ban hành biện pháp buộc mọi người đeo khẩu trang khi ra đường để phòng chống Covid-19.

Hai vùng đông dân cư nhất California cũng là hai nơi với khuynh hướng khác nhau trong việc phòng Covid-19 lây lan.

Với lệnh cấm túc mới ở California, lần ngày còn giới hạn hơn trước. Chẳng hạn như không cho tụ họp những người không ở chung một nhà.

Trong tháng tới cũng không ai được đi xa. Khách sạn chỉ đón khách đến khu vực vì có công việc cần thiết. Quận hạt Santa Clara, với San Jose là thủ đô của vùng thung lũng điện tử, có lệnh nếu di chuyển xa hơn 150 dặm đường, khi trở về phải tự cách ly hai tuần.

Các tiệm hớt tóc, làm đẹp móng tay lại phải đóng cửa một tháng. Trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, bán lẻ chỉ được đón 20% số khách thường có.

cali08

Các tiệm tóc, tiệm làm đẹp móng tay ở California sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 5/1/21 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Lần trước ngồi quán cà phê ở San Jose nghe nhiều người hỏi nhau có nhận 1200 đôla trợ giúp của chính phủ chưa. Hôm rồi không nghe nói gì vì Quốc hội vẫn chưa thông qua luật cứu trợ mới. Lãnh đạo hai đảng vẫn chưa đồng ý với nhau.

Số giường ICU trong các bệnh viện quận hạt Santa Clara tuần trước còn ở mức trên 20%, hôm nay đã xuống 14%.

Dịch Covid-19 vẫn lan nhanh, trong khi nhiều người nay đã cạn tiền trợ cấp của chính phủ, tiền thất nghiệp cũng sắp hết. Mùa đông năm nay người dân và nước Mỹ đang chờ đợi những thử thách lớn trước mặt.

Bùi Văn Phú

Nguồn : © 2020 Buivanphu, 11/12/2020

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

Biết tin Hội đồng Thành phố San Jose sẽ biểu quyết cấm cờ đỏ sao vàng, tôi có hỏi Nghị viên Nguyễn Tâm về thời điểm ra nghị quyết thì được nghe : "Vì mới đây có sự kiện Hùng Cửu Long định mang cờ đỏ đến Little Saigon".

codo1

Cộng đồng Việt tại California và lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa

Từ hai thập niên qua, đúng hơn là từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (1995), nhiều người Việt ở Mỹ e ngại cờ đỏ sao vàng của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ phấp phới bay khắp nơi trên đất Hoa Kỳ.

Lá cờ đó, gắn liền với lịch sử chiến tranh, với trại học tập cải tạo, vùng kinh tế mới, đánh tư sản mại bản, với vượt biển vượt biên và đã để lại trong lòng nhiều người Việt, những người Mỹ đã chiến đấu trên mảnh đất Việt Nam và gia đình họ, nhiều khổ đau và nước mắt.

Nay đến bến bờ tự do họ không còn muốn nhìn thấy bóng dáng lá cờ đỏ đó nữa.

Năm 1998, khi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam lần đầu tiên liên hoan đón Tết tại San Francisco, cờ đỏ sao vàng được treo bên cạnh cờ Hoa Kỳ trước tiền đình của nơi tổ chức Tết là Veteran Building.

Nhưng chỉ trong một thời gian chưa đến một giờ đồng hồ là đã phải kéo cờ xuống vì bị đe dọa biểu tình phản đối.

Đến đầu năm 1999 có sự kiện Trần Trường treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh trong cửa tiệm của ông ở Westminster thuộc Quận Cam, California và đã bị biểu tình phản đối kéo dài gần hai tháng.

Vào đầu thiên niên kỷ, sau một phần tư thế kỷ định cư, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã vững mạnh hơn với những dân cử gốc Việt trong chính trường nên có những vận động các cấp chính quyền từ tiểu bang xuống đến thành phố để công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là di sản của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Luôn luôn là cờ vàng

Từ đó hình ảnh cờ vàng luôn có trong các sinh hoạt của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Vài tháng qua lại bùng nổ lên chuyện cờ đỏ, cờ vàng với sự kiện một du khách từ Việt Nam là Hùng Cửu Long muốn phô trương cờ đỏ ở Little Saigon, Quận Cam.

codo2

Hùng Cửu Long xuất hiện trước Thương xá Phước Lộc Thọ với chiếc áo dài màu đỏ có in hình sao vàng

Ngày 20/11/2016, Hùng Cửu Long xuất hiện trước Thương xá Phước Lộc Thọ gây xôn xao cộng đồng.

Ít tuần sau, Thị trưởng Tạ Đức Trí và Nghị viên Diep Tyler đã đệ trình nghị quyết cấm cờ đỏ và đã được hội đồng thành phố đồng thanh chấp thuận trong phiên họp ngày 14/12/2016.

Nghị viên Sergio Contreras của Westminster đã phát biểu rằng ông không muốn thấy bất cứ ai "đến thành phố của chúng ta để tạo ra những xáo động và rắc rối".

Nghị quyết này cấm trưng bày hay treo cờ đỏ sao vàng ở bất cứ nơi nào trong phạm vi Thành phố Westminster vì : "Lá cờ này trong quá khứ và đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng cho một nền độc tài chuyên chế".

Sau khi Westminster chấp thuận nghị quyết cấm cờ đỏ sao vàng, ngày 19/12/2016 bốn nghị viên Thành phố San Jose là Tâm Nguyễn, Mạnh Nguyễn, Sergio Jimenez và Magdalena Carrasco đã đệ trình một nghị quyết chỉ cấm treo cờ đỏ trên các cột cờ thuộc sở hữu của thành phố.

Westminster là nơi đã có nghị quyết về cờ vàng đầu tiên và đây cũng là nơi đầu tiên đưa ra nghị quyết cấm cờ đỏ và đã được thông qua một cách mau chóng, vì không có tiếng nói phản đối.

Nhưng San Jose thì khác.

Khi nghị quyết cấm cờ đỏ được đưa ra tiểu ban cách đây hai tuần và đã có người phản đối. Thung lũng Điện tử nay có nhiều du sinh từ Việt Nam tại các đại học trong vùng, có nhiều doanh gia bỏ tiền đầu tư, có con cháu quan chức nhà nước chọn là nơi định cư.

Sự chống đối nghị quyết cũng có ở San Jose vì vùng Vịnh San Francisco có khuynh hướng chính trị thông thoáng, sẵn sàng chấp nhận những quan điểm khác biệt hơn là Quận Cam bảo thủ.

codo3

Cuộc họp của Hội đồng Thành phố San Jose ra nghị quyết cấm cờ đỏ

Sau gần ba tiếng đồng hồ cho cư dân phát biểu, các vị dân cử đã nghe cả trăm ý kiến, đại đa số ủng hộ nghị quyết. Chỉ có vài ba ý kiến phản đối.

Phát biểu ủng hộ có nhiều tiếng nói quen thuộc của cộng đồng.

Bryan Đỗ đại diện cho Dân biểu Liên Bang Ro Khanna đọc quan điểm của ông về vấn đề này. Ông chống lại việc trưng bày lá cờ đỏ của chế độ toàn trị tại Việt Nam vì "chế độ đó đã đàn áp nhân quyền, bỏ tù người cầm bút và những ai lên tiếng phản kháng".

Cùng ủng hộ nghị quyết có Nghị viên Kimberly Hồ của Westminster, có Mindy Nguyễn đại diện cho Dân biểu Tiểu bang Ash Kalra.

Có những nhân vật cộng đồng như Thomas Nguyễn, Jimmy Phạm, Đỗ Thành Công, Jane Đỗ Bùi, Kính Đoàn, Mai Quyền, Minh Nguyễn, có cụ bà Đào Nguyên Nguyễn, cụ ông Nghiệp Đoàn.

Những người ủng hộ nghị quyết cho rằng lá cờ đỏ là ác mộng vì những gì họ đã trải qua.

Hoặc cho rằng đó là biểu tượng của sự thiếu tự do dân chủ, không tôn trọng nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại.

Thượng Nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn, Dân biểu Tiểu bang Ash Kalra, Nghị viên Thành phố Milpitas Anthony Phan cũng gửi văn thư chính thức ủng hộ.

Có tin Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco gửi văn thư phản đối, nhưng văn phòng thành phố đã không nhận được để đưa vào hồ sơ nghị trình.

Hai luồng ý kiến

Phản đối nghị quyết có ý kiến của Long Lê, Chris Lê, Sam Lê và Phúc Lê.

Long Lê cho rằng nghị quyết này sẽ tạo một tiền lệ không tốt cho thành phố, vì nếu mai này có nhóm người khác đòi không cho treo cờ Mexico, Cuba hay cờ của các nước Trung Đông thì thành phố cũng chiều theo hay sao.

Sam Lê nhắc đến những hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang có trên Biển Đông, vì thế việc chống lại lá cờ của quốc gia Việt Nam sẽ làm tổn thương đến quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực.

Chris Lê nhận ông là một người theo đảng Libertarian và ông không hy vọng hội đồng thành phố sẽ bác bỏ nghị quyết này.

Sau khi lên tiếng phản đối từ lúc nghị quyết được đưa ra tiểu ban hai tuần trước, trả lời báo chí trong những ngày qua Chris Lê cho biết ông sẽ ra tranh cử ở Khu vực 7 vào năm 2018 với mục đích đánh bại Nghị viên Tâm Nguyễn, đồng tác giả của nghị quyết cấm cờ đỏ.

codo4

Diễu hành ở Việt Nam : cờ đỏ gợi lại quá khứ chiến tranh kinh hoàng với nhiều người tỵ nạn gốc Việt

Trong năm qua Chris Lê tích cực tham gia vận động tranh cử dân biểu tiểu bang cho Phó Thị trưởng Madison Nguyễn.

Trước khi phiên họp hội đồng thành phố diễn ra, tôi hỏi cựu Phó Thị trưởng Madison Nguyễn về nghị quyết này, bà cho biết ý kiến như sau :

"Tôi hết lòng ủng hộ nghị quyết cấm cờ cộng sản ở San Jose. Nó sẽ tái xác nhận những cam kết của thành phố là tôn trọng lịch sử của nhiều người tị nạn Việt Nam đã chối bỏ chế độ cộng sản để đến Mỹ, trong đó có gia đình tôi".

Tháng 11/2016 cựu Phó Thị trưởng Madison Nguyễn ra tranh chức dân biểu tiểu bang nhưng không thành công.

Sau khi đã nghe tất cả các phát biểu của cư dân, một số nghị viên đã phát biểu ý kiến.

Nghị viên Raul Peralez nhấn mạnh rằng quyền tự do phát biểu của người dân vẫn được tôn trọng nếu có ai muốn mang cờ đỏ đến San Jose. Nghị quyết chỉ cấm treo lá cờ đỏ trên cột cờ thuộc về thành phố.

Tân Nghị viên Diệp Thế Lân nói đây không phải là vấn đề tự do biểu đạt hay quan hệ quốc tế mà nó liên quan đến một cộng đồng đã bị cộng sản làm hại vì họ đã không có tự do biểu đạt dưới chế độ cộng sản.

Ông nói : "Ở bất cứ nơi nào có người Việt tự do, họ sẽ lên tiếng chống lại cộng sản".

Sau đó hội đồng thành phố San Jose gồm Thị trưởng Sam Liccardo và tất cả 10 nghị viên đã đồng thanh biểu quyết chấp thuận nghị quyết không cho phép treo cờ đỏ sao vàng của cộng sản Việt Nam trên các cột cờ của thành phố.

Sau Westminster và San Jose, đang có những vận động của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở những thành phố như Garden Grove, Santa Ana và Milpitas để thông qua những nghị quyết cấm cờ đỏ.

Bùi Văn Phú

Nhà báo tự do, gửi tới BBC Tiếng Việt từ San Jose, 25/01/2017

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

sanjose1

Thành phố San Jose, Hoa Kỳ, vào hôm 24/1 dự kiến có buổi điều trần về việc có ban hành hay không một nghị quyết cấm quốc kỳ hiện nay của Việt Nam tại thành phố. MONICA M. DAVEY/AFP/GETTY IMAGES

Một thành viên Hội đồng San Jose, California, đề xuất việc cấm treo cờ đỏ sao vàng tại các cột cờ của thành phố.

Nghị viên Nguyễn Tâm nói lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, gây cảm giác đau thương.

Tuy nhiên, lại có một nhóm khác cũng trong cộng đồng gốc Việt có ý kiến phản bác.

Trang abc7news.com nói rằng những người chống đối lá cờ đỏ sao vàng muốn cấm hẳn, không cho lá cờ này được tung bay.

Phe này lập luận rằng lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền Nam Việt Nam ngày trước, vốn mang truyền thống di sản của Việt Nam và là đại diện cho tự do, cần phải được nhìn thấy ở khu vực San Jose, nơi có cộng đồng người gốc Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam.

Hồi 2005, Hội đồng Thành phố đã thông qua việc công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là cờ của cộng đồng gốc Việt tại San Jose.

sanjose2

Năm 2005, Hội đồng Thành phố đã thông qua việc công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là cờ của cộng đồng gốc Việt tại San Jose - VIVIANE MOOS/CORBIS/CORBIS VIA GETTY IMAGES

Trang abc7news.com dẫn lời ông Nguyễn Tâm, nói lá cờ chính thức của Việt Nam hiện nay nếu treo tại San Jose sẽ "giống như treo cờ phát xít ở nơi có cộng đồng người Do Thái", và với cộng đồng người gốc Việt chạy trốn cộng sản thì "nó đeo đuổi chúng tôi như một cơn ác mộng".

Tuy nhiên, thế hệ trẻ gốc Việt, do Chris Le, một kiểm toán viên chuyên về thuế ở Oakland, phản bác đề xuất của ông Tâm.

Những người này nói rằng việc cấm cờ đỏ sao vàng là vi phạm quyền của các di dân mới từ Việt Nam sang, là những người vốn tin rằng lá cờ là đại diện cho tổ quốc của họ.

Lý do, Chris Le nói, là các thế hệ trẻ người Việt Nam có thể không yêu chính phủ nhưng không ghét lá quốc kỳ hiện hành của Việt Nam.

"Nếu quý vị tấn công lá quốc kỳ của họ, nghĩa là chúng ta đang xa lánh họ, khiến họ không cảm thấy được chào đón ở San Jose", Chris Le được trang mercurynews.com dẫn lời, và giải pháp đó "mâu thuẫn với lý tưởng Mỹ".

Le nói rằng những người nhập cư mới cũng đi làm, đóng thuế, và phải được quyền treo cờ của họ tại các địa điểm thuộc sở hữu công.

Theo Chris Le, vấn đề ở đây không phải là việc ông yêu cầu được treo cờ Việt Nam lên, bởi "không ai điên mà treo cờ cộng sản", mà là chuyện ý thức hệ khi xử lý câu chuyện.

Phát ngôn viên thành phố là David Vossbrink nói từ trước tới nay giới chức chưa từng nhận được lời đề nghị nào đối với việc treo cờ đỏ sao vàng tại các tòa nhà, cột cờ của thành phố.

Hội đồng thành phố sẽ cân nhắc lệnh cấm trong phiên họp diễn ra vào tối thứ Ba.

Published in Việt Nam