Hôm 20/08/2021, chính quyền Việt Nam thông báo sẽ siết chặt thêm một nấc các biện pháp phòng dịch tại Sài Gòn. Dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 23/08 và kéo dài hai tuần lễ. Hôm nay 21/08, dân chúng ồ ạt mua thực phẩm dự trữ từ sớm. Vì sao người dân lo lắng tích trữ thực phẩm bất chấp chính quyền đã cam kết bảo đảm nguồn thực phẩm cho tất cả ?
Tại một siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa trống trơn. Ảnh chụp ngày 21/08/2021, hai ngày trước ngày khởi đầu đợt siết chặt phong tỏa chống Covid. Reuters - Stringer
Việc "giãn cách" phòng dịch theo Chỉ thị 16, kéo dài từ giữa tháng 6 đến nay, sau hơn 2 tháng, đã không cho phép dịch bệnh đi xuống như dự kiến của chính quyền. Hôm qua 20/08, vẫn tiếp tục có thêm ít nhất 390 người qua đời vì Covid-19, và thêm hơn 10.000 ca nhiễm mới, theo số liệu chính thức. Tuy nhiên, đe dọa của bản thân virus gây bệnh Covid-19 chưa chắc đã đáng sợ bằng tình trạng thiếu đói đang đè nặng lên một bộ phận đáng kể dân cư thành phố. Ngày 17/08, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đề nghị chính quyền Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 28 nghìn tỉ đồng và 142.000 tấn gạo để cứu nguy cho gần 5 triệu dân nghèo thành phố.
Trong bối cảnh dịch đã lan rộng, lan sâu trong cộng đồng, việc chính quyền tiếp tục siết chặt phòng dịch theo các biện pháp kiểu cũ, nhưng lần này đặc biệt lại có thêm sự tham gia của quân đội, gây nhiều hoài nghi trong xã hội. Nhiều người lo ngại việc chính phủ không có được một chính sách phù hợp, hiệu quả, khiến nạn thiếu đói và chăm sóc y tế kịp thời thêm trầm trọng.
***
Từ thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội, nhận xét với RFI tiếng Việt về chính sách "lock down" (phong tỏa), mà chính quyền dự định tiến hành.
Hoàng Dũng : Chính quyền sợ dân phản ứng, cho nên quả quyết rằng đó không phải là "lock down", nhưng mà ngay tình trạng hiện nay, chưa đến ngày 23/08, thì thực sự đã là việc "lock down" nghiêm ngặt hơn rất nhiều nước trên thế giới. Tôi phải nói là "lock down", vì chính ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng ban Tuyên Giáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - phủ nhận có "lock down". Ông ấy nói bằng tiếng Tây hẳn hoi. Trên thực tế, tình trạng hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể chính sách sau ngày là 23/08 đã là "hard lock down" (phong tỏa cứng) so với nhiều nước.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê sợ là dân sốc. Sự sợ hãi đó ta có thể hiểu được một phần, nhưng một phần khác khiến ta tức giận. Bởi vì bây giờ không phải là ngày xửa ngày xưa, coi dân như một bọn trẻ con, trình độ kém, để mình có thể chỉ cần đổi tên sự vật mà người ta hiểu thành vật khác. Đối với dân, phải thành thật hơn và phải tôn trọng hơn, nói đúng sự việc.
Ngày 23 người ta đưa quân đội vào, để đảm nhận toàn bộ việc tiếp tế lương thực. Và tất nhiên còn những chuyện khác, chẳng hạn như việc kiểm soát 312 điểm kiểm soát. Và không chỉ là quân đội tại chỗ, mà có thông tin cho biết là có lính từ sân bay Nội Bài bay vào Sài Gòn. Ta thấy rằng ngày 23 sắp đến là một bước ngoặt. Một bước ngoặt phong tỏa có thể nói là chưa bao giờ quyết liệt như vậy. Như vậy có thể nói đây là tình trạng "thiết quân luật", hay một tình trạng bán chiến tranh. Tôi chưa thấy ở đâu, để chống Covid, mà người ta lại sử dụng quân đội làm lực lượng chủ lực cả. Có thể nói điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn, "một trận đánh" cuối cùng. Sở dĩ nói là trận đánh cuối cùng bởi vì người ta hy vọng với trận đánh như thế, với các biện pháp như thế, thì sau ngày 15/09, người ta có thể trở lại với trạng thái gọi là "bình thường mới". Mới đây, đại diện hãng Intel ở Việt Nam lo ngại, sau 15/09, nếu vẫn còn tình trạng phong tỏa như vậy, thì rất có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam. Đe dọa đó rất lớn. Tôi biết rằng hiện nay, tuy chưa đến ngày 15/09, nhiều xí nghiệp vừa và nhỏ đã phải phá sản. Bạn bè tôi nhiều người làm kinh tế, giám đốc công ty vừa và nhỏ, họ nói rất bi đát. Có thể nói là cứu giúp của Nhà nước cho đến nay đa số là trên giấy tờ. Trong khi đó người ta đang cần sự cứu giúp thực sự và đến ngay với doanh nghiệp và với người dân.
Hiện nay, Nhà nước đã có một số cứu giúp, tuy quý nhưng chưa thấm vào đâu, chưa giải quyết được vấn đề. Trong tình hình đấy mà lock down (như sắp tới sẽ làm), thì có thể sẽ phải trả giá bằng cái chết của nhiều người. Bởi nếu anh nắm dân không kỹ, thì ngay cả chuyện đau ốm bình thường, chứ không phải Covid, ví dụ như khi có cấp cứu, lúc đó kiếm được một phương tiện cấp cứu là không dễ với những người trong cuộc. Ngay hiện nay, tình trạng tràn ngập người ở các bệnh viện đã là một thực tế ai cũng thấy. Tất cả những cái đó làm người dân lo lắng.
Lo lắng của người dân biểu hiện rõ nhất là sáng hôm nay, ngay sau khi biết thông tin ngày 23/08 sẽ kiểm soát chặt hơn, quân đội sẽ đảm nhiệm nhiều công việc như tôi vừa nói, thì các siêu thị tràn ngập người đi mua thực phẩm. Theo tờ Thanh Niên, người ta sắp hàng từ mờ sáng, nhưng mà người ta nói là chưa bước đến được cửa siêu thị, chưa nói vào được trong mà mua hàng. Tình trạng đó chắc chắn sẽ phải trả giá bằng việc lan truyền thêm dịch bệnh.
Hiện tượng này cho thấy điều gì ? Thứ nhất, đó là năng lực của Nhà nước là yếu kém. Bởi vì tất cả những chuyện này, người quản lý phải hình dung trước, và làm thế nào để người dân khỏi phải tới tập trung ở siêu thị, vi phạm quy định về "giãn cách xã hội". Điểm thứ hai là điều này cho thấy người dân không còn tin Nhà nước nữa. Nhà nước nhắc đi nhắc lại, ý thức được chuyện người dân lo ngại chuyện thiếu ăn, cho nên tuyên bố của Nhà nước, của rất nhiều quan chức, từ cấp thấp đến cấp cao, đều nhắc đi nhắc lại là bà con đừng lo mua tích trữ, vì quân đội sẽ lo việc mang đồ ăn đến từng nhà. Thế nhưng, người ta vẫn lao đi mua như thế, điều đó chứng tỏ rằng trong dân, lòng tin vào Nhà nước giảm sút. Họ không tin, họ nói tốt nhất là tự họ lo cho mình.
RFI : Ông có thể cho biết điều gì đáng lo nhất sau cái mốc 23/08 ?
Hoàng Dũng : Ngày hôm qua, trên truyền đi đoạn video một người cao tuổi sống với một chiếc xe lăn, và chết trên chiến xe lăn ấy. Một nhóm làm từ thiện, họ phun thuốc rồi đưa xác đi, người vợ lạy thi hài đã được quấn vào bao nylon. Thực tế đó (tức sự tìm đến hỗ trợ của những nhóm từ thiện, tìm đến những cá nhân, gia đình khó khăn, nhưng không nơi nương tựa như vậy, cho dù là quá muộn) có thể sẽ chấm dứt sau ngày 23, khi quân đội vào cuộc.
Để biết được số phận của những người như vậy, tình trạng của những người vậy, có đau ốm gì không, có đói không… cần phải có một chính quyền cơ sở nắm rất chắc. Cho đến nay, không có cơ sở nào để tin rằng đã làm tốt được việc này. Người đói rất nhiều ! Tất nhiên, nếu căn cứ theo những con số "vô hồn", thì chúng ta có thể tin tưởng, vui vẻ, vì tổng số những người bị bỏ sót như vậy có thể là "quá ít" so với dân cư hơn chục triệu dân của thành phố. Tuy nhiên, một người cũng quan trọng. Qua những bạn bè của tôi đang lao vào cứu giúp từng người dân, tôi thấy rằng số lượng ấy là lớn. Tôi tin là lớn. Hãy nhớ rằng, sau ngày 23/08, việc các tổ chức dân sự, thiện nguyện, việc người này đi giúp người kia, với tư cách cá nhân, sẽ hết sức hạn chế trong điều kiện phong tỏa cứng như vậy. Số người đứt bữa, không có ăn, đau ốm khi cần không ai đưa đến bệnh viện sẽ tăng lên rất cao. Tất cả gánh nặng ấy đặt lên vai Nhà nước. Và lúc đó, Nhà nước là người hứng chịu mọi trách nhiệm. Tôi cho đó là thách thức rất lớn.
RFI : Ông nghĩ gì về quyết định siết chặt phong tỏa này ?
Hoàng Dũng : Phong tỏa có tác dụng không, phong tỏa đến mức nào thì đi đến chỗ mà người gọi là phải xem xét bài toán Được - Mất (trad-off). Đó là một cuộc tranh cãi lớn hiện nay, không chỉ ở Việt Nam. Tính toán của các nhà chính trị phải dựa trên các nhà khoa học đáng tin cậy. Ở Việt Nam, tôi nhớ, có một ông thủ tướng, tôi nhớ khi được khuyên phải tiếp xúc, phải dựa vào các nhà khoa học, ông ấy đã thản nhiên trả lời là xung quanh tôi có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ. Điều đó chứng tỏ nhà cầm quyền như vậy không biết phân biệt đâu là trí thức thực sự giữa một biển vô vàn giáo sư, tiến sĩ. Tôi sợ rằng ngay hiện nay, Nhà nước Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng đó. Cho nên, các chính sách bây giờ cho thấy là sai, mà chính quyền bắt buộc phải sửa đổi, rốt cuộc đã được tham vấn bởi một loạt các giáo sư, tiến sĩ không thực chất kiểu đó.
Tôi chỉ muốn nói là, tất cả những người ở vị trí ra quyết định phải rời khỏi phòng lạnh. Hãy sống với cuộc sống của người dân. Trước khi đưa ra một quyết định, phải cân nhắc quyết định đó, tác động của quyết định đó đến người dân như thế nào. Cân nhắc mọi lẽ, tính toán được mất, rồi sau đó sẽ làm. Đừng có sung sướng với một sáng kiến lóe lên trong một giây phút, rồi ngày hôm sau đem ra áp dụng. Sinh mạng của người dân không phải là nơi cho anh thử nghiệm những sáng kiến kiểu ấy.
RFI : Xin cảm ơn Giáo sư Hoàng Dũng.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 21/08/2021
Tại cuộc họp báo tối 13/7/2021, Phó Bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, chưa đủ thời gian để có thể khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt đỉnh dịch hay chưa.
Tờ báo điện tử Dân Việt đưa tin như trên. Tác giả bài báo cho biết, ông Phan Văn Mãi đã tính tới phương án xấu nhất khi sau 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 mà dịch bệnh vẫn gia tăng mạnh, mất kiểm soát.
Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/7/2021, ngày đầu thực hiện phong toả do dịch bệnh-AFP
Chính là tiếp tục phải tính đến các phương án phong toả mạnh mẽ hơn, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp khác.
Biện pháp khác là biện pháp gì, ông Phó bí thư thành phố chưa nói. Nhưng có thể cũng khó mà nói trước được vì tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam thay đổi, thậm chí biến động theo từng giờ. Song có thể đoán, nó vẫn chủ yếu xoay quanh việc phong tỏa để đảm bảo giãn cách, cắt đứt nguồn lây nhiễm.
Nếu tình hình sáng sủa hơn, hai phương án còn lại sẽ được áp dụng. Đó là :
- Phương án thứ nhất : thành phố kiểm soát và chặn được Covid-19, thì có thể sẽ xem xét áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19, hoặc "Chỉ thị 16".
- Phương án thứ hai : chưa kiểm soát được Covid-19, dịch vẫn gia tăng. Khi đó, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 một thời gian nữa.
Tấm biển kêu gọi chống dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/7/2021. AFP
Tính đến tối 13/7, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 16.573 ca mắc Covid-19, 10 khu cách ly cấp thành phố, quy mô 15.080 giường, đang cách ly khoảng 8.000 người. Số ca nhiễm mới trong ngày thường xuyên ở mức 700 ca. Đây là con số mà chỉ hơn hai tháng trước đây, ngành y tế Thành phố không thể ngờ tới.
Với Thành phố Hồ Chí Minh là vùng dịch lớn nhất và phức tạp nhất Việt Nam hiện tại, trong chiều 13/7, một loạt thay đổi lớn trong thực hiện dập dịch của Việt Nam đã được đưa ra. Bao gồm :
- Giảm thời gian nằm viện với người dương tính với Covid nhưng không có triệu chứng.
Theo Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy có gần 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp diễn biến nặng xảy ra sau 7 – 10 ngày từ khi phát hiện dương tính. Do vậy, những ca dương tính không triệu chứng đang nằm viện sẽ xét nghiệm hai lần vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu âm tính hoặc tải lượng virus dưới ngưỡng thì được xuất viện và không phải cách ly vì không có khả năng lây nhiễm, nhưng vẫn phải theo dõi y tế 14 ngày tại nơi lưu trú.
Với các ca F0 không triệu chứng phát hiện ngoài cộng đồng thì chuyển đến cơ sở y tế và xét nghiệm sau 24 giờ. Xử lý tương tự như trên.
Bộ Y tế cũng cho biết đã tổng kết 40 trường hợp tái dương tính trong cộng đồng và không phát hiện lây nhiễm.
- Thay đổi lớn thứ hai là giảm thời gian cách ly từ 21 ngày xuống còn 14 ngày với mọi hình thức cách ly (tại nhà, nhập cảnh).
F1 và F0 cũng được cho cách ly tại nhà tùy theo từng điều kiện cụ thể. Một số điều kiện không hợp lý và thiếu thực tế trong hướng dẫn trước kia của Bộ Y tế như phải có phòng riêng biệt để nhân viên y tế khám hay lấy mẫu ; F1 ở trong chung cư hay nhà tập thể không được cách ly tại nhà đã được bỏ. Thay đổi lần này phù hợp hơn với thực tế tại Thành phố, như F1 ở chung cư hay khu tập thể có phòng riêng khép kín vẫn được cách ly tại nhà ; cũng không yêu cầu phải có một phòng riêng cho nhân viên y tế làm việc.
Tất cả các biện pháp thay đổi trên xuất phát từ nghiên cứu các thay đổi của biến chủng Delta đang lưu hành ở Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam. Nhưng hiệu quả trước mắt của nó là giảm tải cho lực lượng y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Gần hai tháng nay, từ khi dịch tái bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng y tế thành phố dường như đã cạn kiệt sức lực.
Tối 13/7, đoạn ghi âm giữa một người bệnh đang điều trị tập trung với nhân viên y tế phường Tân Định quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã gây xôn xao mạng xã hội Việt Nam. Theo đó, gia đình người bệnh gồm cha và con gái lớn là F0, đang điều trị ở Bệnh viện Củ Chi. Mẹ và em gái là F1 tự cách ly tại nhà ở quận 1. Chiều 13/7, người con gái lớn gọi về nhà thì được biết mẹ và em đang yếu đi rất nhanh và khó thở. Chị gọi đến y tế phường nhờ đưa xe đến đưa họ tới bệnh viện điều trị Covid. Nhưng nhân viên y tế tại đây cho biết đang thiếu xe cứu thương, thiếu giường bệnh nên HCDC không tiếp nhận, dù họ đã giục giã nhiều lần. Hiện ở phường còn tám ca dương tính cũng chưa được chuyển đi vì lý do này.
Cuối cùng, sau hai tiếng kể từ cuộc điện thoại, người con gái lớn xác nhận mẹ và em cô đã được xe đến đưa đi bệnh viện điều trị.
Tuy nhiên, cuộc điện thoại đầy những từ "rất yếu", "không nghe máy được nữa", "hiện nay không thể làm gì" với giọng nói đẫm nước mắt và cuối cùng thì vỡ ra của nam nhân viên y tế gây nên một ấn tượng kinh khủng về dịch bệnh.
Thế nhưng hình như chỉ những người đang trực tiếp trải nghiệm bệnh dịch mới có cảm giác lo sợ như vậy. Còn không ít người khác dường như không nghĩ rằng đang sống trong đại dịch.
Trên mạng xã hội Việt Nam, chỉ mới là ngày cách ly xã hội thứ năm đã có không ít lời ca thán. Người đi làm kêu phải qua nhiều chốt kiểm soát giấy tờ nên mất thời gian. Người đi mua thực phẩm kêu phải xếp hàng dài mà siêu thị vẫn không còn rau hay thịt tươi. Người mua được rau và thịt tươi ca thán vì thực phẩm thiết yếu thì đủ nhưng không mua được đủ những món mình thích. Người ôm mèo đi chữa bệnh thì bảo mèo là sinh vật được xem như người thân, vậy mang người thân đi cấp cứu tại sao không cho, tại sao không phải là nhu cầu thiết yếu…
Ngoài đường thì bất kể chốt, bất kể chỉ thị yêu cầu "nhà cách ly với nhà", "khu phố cách ly với khu phố", bất kể chỉ thị dặn chỉ được ra đường khi có các yêu cầu thiết yếu, người ta vẫn ra đường hà rầm. Dường như hôm nay trong nội đô được gỡ bỏ chốt kiểm soát nên họ ra đường… bù ! Nhìn là biết chẳng phải nhu cầu thiết yếu gì : ông bụng bự phóng cái rét chui từ trong hẻm giăng đầy dây ra ngoài. Mấy bà đi lững thững dạo bộ. Đầy người đi ngược đi xuôi… Năm ngoái cũng Chỉ thị 16, Sài Gòn im ru vắng ngắt. Năm nay, dịch bệnh nặng hơn, mà không ít người như không kiềm chế nổi, hoặc không tin là có dịch nên không cho ai cản trở sinh hoạt bình thường của mình hết.
Sài Gòn có rất nhiều khu dân cư lớn nằm giữa các con đường trung tâm. Mấy hôm nay F0 đầy nhóc, ở các đầu hẻm người ta giăng dây cấm người lạ và hạn chế ra vào. Nhưng có những hẻm chính dân trong đó ra vào nhiều đến nỗi họ tung đứt hết dây, chỉ còn mấy đầu dây bay phất phơ trong gió. Có những hẻm người ta vén dây lên thật cao để người xe gì cũng thoải mái đi vào. Chỉ có những hẻm lôi cả kẽm gai ra bỏ lùng nhùng một khúc đầu hẻm mới không thấy ai lách ra lách vô.
Tối qua tôi đi mua thuốc, tranh thủ xem xem tình hình ở các điểm bán thực phẩm ra sao : siêu thị, bách hóa xanh, mini mart, circle K, ministop, coop food, coop smile, mini farm… Hóa ra tùy cách xử lý của từng nơi cả. Chỗ xếp hàng cho vài người vào, họ ra gần hết mới tiếp tục cho người khác. Chỗ mặc kệ, không điều tiết, tuy xếp hàng giãn cách bên ngoài nhưng vào trong lại người sát người. Chỗ hết sạch rau củ thịt trứng, chỗ đầy ắp tươi ngon. Thậm chí quầy rau tươi trong siêu thị Hà Nội ở đường Cống Quỳnh đã heo héo do… ế !
Nhiều người cho hay, ngoài đường phố vắng lặng hoặc ít người nhưng trong hẻm người ta vẫn tụ tập bà tám như thường.
Trở lại câu hỏi : Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm gì tiếp theo sau 15 ngày cách ly xã hội ?
Với số ca nhiễm vẫn chưa hạ thấp, cùng với sự hiểu biết, ý thức tuân thủ các quy định về chống dịch rất mỗi nơi một kiểu như hiện tại, rất có thể sau 15 ngày cách ly đợt một, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cách ly đợt hai với các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Thậm chí có thể không chờ đến hết đợt một mà là thay đổi bất cứ lúc nào.
Dù thế nào đi nữa, một nguyên tắc bất di bất dịch ở tất cả các vùng dịch bị phong tỏa là đều cho ra khỏi nhà đi mua thực phẩm và chăm sóc y tế thiết yếu. Có thể hạn chế theo giờ, theo vùng, nhưng điều này chắc chắn không thay đổi.
Vấn đề còn lại được quyết định bởi hiểu biết và ý thức chấp hành của người dân.
Nguyễn Bình Tâm
Nguồn : RFA, 14/07/2021
Tham khảo :
Bạch Dương, "TP.HCM tính đến phương án xấu nhất sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16", Dân Việt, 13/07/2021
Hà Phượng, "Sáng 14-7 thêm 909 ca mắc Covid-19, TP.HCM nhiều nhất với 666 ca", Báo Mới, 14/07/2021
Lam Giang, "Lời gan ruột của CSGT bị 'tấn công' trên MXH vì phạt người đưa mèo đi khám giữa lúc giãn cách", Infonet, 14/07/2021
Minh Hòa, "Ở quận 12 xin qua Gò Vấp chăm 'thú cưng', CSGT yêu cầu quay đầu", Tuổi Trẻ Online, 09/07/2021
Vũ Phượng, "TP.HCM giãn cách Chỉ thị 16: Người dân đưa đủ loại 'giấy thông hành' để qua chốt", Thanh Niên, 12/07/2021