Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/07/2021

Sau 15 ngày phong tỏa, Sài Gòn sẽ làm gì tiếp ?

Nguyễn Bình Tâm

Tại cuộc họp báo tối 13/7/2021, Phó Bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, chưa đủ thời gian để có thể khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt đỉnh dịch hay chưa.
Tờ báo điện tử Dân Việt đưa tin như trên. Tác giả bài báo cho biết, ông Phan Văn Mãi đã tính tới phương án xấu nhất khi sau 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 mà dịch bệnh vẫn gia tăng mạnh, mất kiểm soát.

saigon1

Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/7/2021, ngày đầu thực hiện phong toả do dịch bệnh-AFP

Chính là tiếp tục phải tính đến các phương án phong toả mạnh mẽ hơn, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp khác.

Biện pháp khác là biện pháp gì, ông Phó bí thư thành phố chưa nói. Nhưng có thể cũng khó mà nói trước được vì tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam thay đổi, thậm chí biến động theo từng giờ. Song có thể đoán, nó vẫn chủ yếu xoay quanh việc phong tỏa để đảm bảo giãn cách, cắt đứt nguồn lây nhiễm.

Nếu tình hình sáng sủa hơn, hai phương án còn lại sẽ được áp dụng. Đó là :

- Phương án thứ nhất : thành phố kiểm soát và chặn được Covid-19, thì có thể sẽ xem xét áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19, hoặc "Chỉ thị 16".

- Phương án thứ hai : chưa kiểm soát được Covid-19, dịch vẫn gia tăng. Khi đó, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 một thời gian nữa.

saigon2

Tấm biển kêu gọi chống dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/7/2021. AFP

Tính đến tối 13/7, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 16.573 ca mắc Covid-19, 10 khu cách ly cấp thành phố, quy mô 15.080 giường, đang cách ly khoảng 8.000 người. Số ca nhiễm mới trong ngày thường xuyên ở mức 700 ca. Đây là con số mà chỉ hơn hai tháng trước đây, ngành y tế Thành phố không thể ngờ tới.

Với Thành phố Hồ Chí Minh là vùng dịch lớn nhất và phức tạp nhất Việt Nam hiện tại, trong chiều 13/7, một loạt thay đổi lớn trong thực hiện dập dịch của Việt Nam đã được đưa ra. Bao gồm :

- Giảm thời gian nằm viện với người dương tính với Covid nhưng không có triệu chứng.

Theo Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy có gần 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp diễn biến nặng xảy ra sau 7 – 10 ngày từ khi phát hiện dương tính. Do vậy, những ca dương tính không triệu chứng đang nằm viện sẽ xét nghiệm hai lần vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu âm tính hoặc tải lượng virus dưới ngưỡng thì được xuất viện và không phải cách ly vì không có khả năng lây nhiễm, nhưng vẫn phải theo dõi y tế 14 ngày tại nơi lưu trú.

Với các ca F0 không triệu chứng phát hiện ngoài cộng đồng thì chuyển đến cơ sở y tế và xét nghiệm sau 24 giờ. Xử lý tương tự như trên.

Bộ Y tế cũng cho biết đã tổng kết 40 trường hợp tái dương tính trong cộng đồng và không phát hiện lây nhiễm.

- Thay đổi lớn thứ hai là giảm thời gian cách ly từ 21 ngày xuống còn 14 ngày với mọi hình thức cách ly (tại nhà, nhập cảnh).

F1 và F0 cũng được cho cách ly tại nhà tùy theo từng điều kiện cụ thể. Một số điều kiện không hợp lý và thiếu thực tế trong hướng dẫn trước kia của Bộ Y tế như phải có phòng riêng biệt để nhân viên y tế khám hay lấy mẫu ; F1 ở trong chung cư hay nhà tập thể không được cách ly tại nhà đã được bỏ. Thay đổi lần này phù hợp hơn với thực tế tại Thành phố, như F1 ở chung cư hay khu tập thể có phòng riêng khép kín vẫn được cách ly tại nhà ; cũng không yêu cầu phải có một phòng riêng cho nhân viên y tế làm việc.

Tất cả các biện pháp thay đổi trên xuất phát từ nghiên cứu các thay đổi của biến chủng Delta đang lưu hành ở Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam. Nhưng hiệu quả trước mắt của nó là giảm tải cho lực lượng y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Gần hai tháng nay, từ khi dịch tái bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng y tế thành phố dường như đã cạn kiệt sức lực.

Tối 13/7, đoạn ghi âm giữa một người bệnh đang điều trị tập trung với nhân viên y tế phường Tân Định quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã gây xôn xao mạng xã hội Việt Nam. Theo đó, gia đình người bệnh gồm cha và con gái lớn là F0, đang điều trị ở Bệnh viện Củ Chi. Mẹ và em gái là F1 tự cách ly tại nhà ở quận 1. Chiều 13/7, người con gái lớn gọi về nhà thì được biết mẹ và em đang yếu đi rất nhanh và khó thở. Chị gọi đến y tế phường nhờ đưa xe đến đưa họ tới bệnh viện điều trị Covid. Nhưng nhân viên y tế tại đây cho biết đang thiếu xe cứu thương, thiếu giường bệnh nên HCDC không tiếp nhận, dù họ đã giục giã nhiều lần. Hiện ở phường còn tám ca dương tính cũng chưa được chuyển đi vì lý do này.

Cuối cùng, sau hai tiếng kể từ cuộc điện thoại, người con gái lớn xác nhận mẹ và em cô đã được xe đến đưa đi bệnh viện điều trị.

Tuy nhiên, cuộc điện thoại đầy những từ "rất yếu", "không nghe máy được nữa", "hiện nay không thể làm gì" với giọng nói đẫm nước mắt và cuối cùng thì vỡ ra của nam nhân viên y tế gây nên một ấn tượng kinh khủng về dịch bệnh.

Thế nhưng hình như chỉ những người đang trực tiếp trải nghiệm bệnh dịch mới có cảm giác lo sợ như vậy. Còn không ít người khác dường như không nghĩ rằng đang sống trong đại dịch.

Trên mạng xã hội Việt Nam, chỉ mới là ngày cách ly xã hội thứ năm đã có không ít lời ca thán. Người đi làm kêu phải qua nhiều chốt kiểm soát giấy tờ nên mất thời gian. Người đi mua thực phẩm kêu phải xếp hàng dài mà siêu thị vẫn không còn rau hay thịt tươi. Người mua được rau và thịt tươi ca thán vì thực phẩm thiết yếu thì đủ nhưng không mua được đủ những món mình thích. Người ôm mèo đi chữa bệnh thì bảo mèo là sinh vật được xem như người thân, vậy mang người thân đi cấp cứu tại sao không cho, tại sao không phải là nhu cầu thiết yếu…

Ngoài đường thì bất kể chốt, bất kể chỉ thị yêu cầu "nhà cách ly với nhà", "khu phố cách ly với khu phố", bất kể chỉ thị dặn chỉ được ra đường khi có các yêu cầu thiết yếu, người ta vẫn ra đường hà rầm. Dường như hôm nay trong nội đô được gỡ bỏ chốt kiểm soát nên họ ra đường… bù ! Nhìn là biết chẳng phải nhu cầu thiết yếu gì : ông bụng bự phóng cái rét chui từ trong hẻm giăng đầy dây ra ngoài. Mấy bà đi lững thững dạo bộ. Đầy người đi ngược đi xuôi… Năm ngoái cũng Chỉ thị 16, Sài Gòn im ru vắng ngắt. Năm nay, dịch bệnh nặng hơn, mà không ít người như không kiềm chế nổi, hoặc không tin là có dịch nên không cho ai cản trở sinh hoạt bình thường của mình hết.

Sài Gòn có rất nhiều khu dân cư lớn nằm giữa các con đường trung tâm. Mấy hôm nay F0 đầy nhóc, ở các đầu hẻm người ta giăng dây cấm người lạ và hạn chế ra vào. Nhưng có những hẻm chính dân trong đó ra vào nhiều đến nỗi họ tung đứt hết dây, chỉ còn mấy đầu dây bay phất phơ trong gió. Có những hẻm người ta vén dây lên thật cao để người xe gì cũng thoải mái đi vào. Chỉ có những hẻm lôi cả kẽm gai ra bỏ lùng nhùng một khúc đầu hẻm mới không thấy ai lách ra lách vô.

Tối qua tôi đi mua thuốc, tranh thủ xem xem tình hình ở các điểm bán thực phẩm ra sao : siêu thị, bách hóa xanh, mini mart, circle K, ministop, coop food, coop smile, mini farm… Hóa ra tùy cách xử lý của từng nơi cả. Chỗ xếp hàng cho vài người vào, họ ra gần hết mới tiếp tục cho người khác. Chỗ mặc kệ, không điều tiết, tuy xếp hàng giãn cách bên ngoài nhưng vào trong lại người sát người. Chỗ hết sạch rau củ thịt trứng, chỗ đầy ắp tươi ngon. Thậm chí quầy rau tươi trong siêu thị Hà Nội ở đường Cống Quỳnh đã heo héo do… ế !

Nhiều người cho hay, ngoài đường phố vắng lặng hoặc ít người nhưng trong hẻm người ta vẫn tụ tập bà tám như thường.

Trở lại câu hỏi : Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm gì tiếp theo sau 15 ngày cách ly xã hội ?

Với số ca nhiễm vẫn chưa hạ thấp, cùng với sự hiểu biết, ý thức tuân thủ các quy định về chống dịch rất mỗi nơi một kiểu như hiện tại, rất có thể sau 15 ngày cách ly đợt một, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cách ly đợt hai với các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Thậm chí có thể không chờ đến hết đợt một mà là thay đổi bất cứ lúc nào.

Dù thế nào đi nữa, một nguyên tắc bất di bất dịch ở tất cả các vùng dịch bị phong tỏa là đều cho ra khỏi nhà đi mua thực phẩm và chăm sóc y tế thiết yếu. Có thể hạn chế theo giờ, theo vùng, nhưng điều này chắc chắn không thay đổi.

Vấn đề còn lại được quyết định bởi hiểu biết và ý thức chấp hành của người dân.

Nguyễn Bình Tâm

Nguồn : RFA, 14/07/2021

Tham khảo :

Bạch Dương, "TP.HCM tính đến phương án xấu nhất sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16", Dân Việt, 13/07/2021

Hà Phượng, "Sáng 14-7 thêm 909 ca mắc Covid-19, TP.HCM nhiều nhất với 666 ca", Báo Mới, 14/07/2021

Lam Giang, "Lời gan ruột của CSGT bị 'tấn công' trên MXH vì phạt người đưa mèo đi khám giữa lúc giãn cách", Infonet, 14/07/2021

Minh Hòa, "Ở quận 12 xin qua Gò Vấp chăm 'thú cưng', CSGT yêu cầu quay đầu", Tuổi Trẻ Online, 09/07/2021

Vũ Phượng, "TP.HCM giãn cách Chỉ thị 16: Người dân đưa đủ loại 'giấy thông hành' để qua chốt", Thanh Niên, 12/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Bình Tâm
Read 510 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)