Sự việc trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đăng tải hình ảnh hang động Sơn Đoòng (một trong những hang động nổi tiếng của Việt Nam) rồi tự nhận là hang động của Trung Quốc khiến nhiều người phẫn nộ.
Bức ảnh được những du khách Trung Quốc chụp lại tại hang động Sơn Đoòng, sau đó được đăng tải lên mạng xã hội Weibo nổi tiếng của Trung Quốc và tự công nhận đây là di tích du lịch của họ.
Rõ ràng đây là sự tuyên truyền có chủ đích từ phía Nhà cầm quyền Trung Quốc lên người dân về một miền đất mới, nhiều người cho rằng, phía Trung Quốc đang dần Hán hóa Việt Nam bằng những hành động xầm phạm đến chủ quyền. Và nhìn vào thực tế chúng ta có thế dễ dàng nhận ra điều đó.
Cụ thể là những động thái gần đây của Trung Quốc khi công nhận chủ quyền trên biển Đông, nhất là việc điều tên lửa tới khu vực đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) như là một lời thách thức.
Tiếp đến là chính sách mở cửa biên giới cho xe tự lái Trung Quốc vào lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc, các cuộc thăm khoan dầu khí và những công trình trọng điểm trong nước được nhà thấu Trung Quốc đứng đầu. Và mới nhất là hàng chục du khách ngang nhiên mặc áo in hình lưỡi bò có mặt trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
Du khách Trung Quốc mặc áo có bản đồ hình "lưỡi bò"
Nhưng tất cả các sự việc trên lại không được những người lãnh đạo Việt Nam lên tiếng phản bác. Trong khi đó những chiếc áo in hình khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam bị nhà cầm quyền cấm mặc, những chiếc No U phản đối đường 9 đoạn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thậm chí, người dân mặc áo phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm bị đánh đập, bắt bớ và tống giam.
Trước thực trạng trên, bạn trẻ có nickname ThuyVy Nguyen đã chia sẻ nổi xót xa này lên trang facebook của mình rằng "Như bao người khác, nó lướt nhiều trang fb khác nhau, nhất là về thế giới vẻ đẹp. Thì bất chợt một cái post với tấm hình của động Sơn Đòng, thuộc tỉnh Quảng Bình. Cái động này nó đã biết đến cách đây 10 năm qua tạp chí Địa Lý Các Nước ( National Geographic). Tuy nhiên, trớ trêu thay, hôm nay cái động lại được giới thiệu là cái động rất sâu và đẹp tại Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam. Và điều gì xảy ra ? Thiên hạ khắp nơi trên thế giới đọc, họ khen đẹp và kháo nhau, truyền nhau, cái động này ở Tàu ! Nó phải nhảy vào chỉnh chửi một cách lịch sự. Tuy nhiên, tại sao một địa danh thế này mà lại một ai đó dám công khai bảo nó thuộc về Tàu.
Quí vị hiện đang sống trong nước, hãy xem lại và suy nghĩ, xin đừng thờ ơ, kệ tới đâu hay tới đó. Nó, một đứa sống tại xứ người như bao kẻ khác, nhưng nó không để cho ai, bàng quan thiên hạ khắp nơi mà nó giao lưu hay gặp gỡ lại am hiểu sai lầm về bất cứ cái gì thuộc và không thuộc về chữ Việt Nam. Dù hiện tại không sống ở Việt Nam, nhưng nó không bỏ mặc hay trốn tránh trách nhiệm đề cao và cất lên tiếng nói bảo tồn chữ Việt Nam đến ngàn đời sau".
Qua những gì đang diễn ra, tôi tin rằng dẫu đất nước của chúng ta có thể bị tàn phá bởi sự cướp bóc tài nguyên và đầu độc môi trường của những kẻ tham lam và vô trách nhiệm. Dân tộc Việt Nam có thể nghèo khổ vì nạn bóc lột và tham nhũng tràn lan…nhưng chúng ta vẫn là quốc gia độc lập và có chủ quyền. Mọi sự xấu xa, tệ nạn của hiện tại theo thời gian có thể sẽ thay đổi, nhưng mất nước là mất tất cả. Tôi tin rằng nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ ngồi yên, chịu sự đô hộ để đi đến diệt vong dân tộc trước bọn bá quyền Trung Quốc. Những kẻ nào đang có ý đồ bán rẻ Tổ quốc sẽ không bao giờ thực hiện được tham vọng bần tiện và nhục nhã đó. Bọn chúng sẽ phải trả giá nếu những điều chúng ta nghi ngờ trở thành sự thật.
Bởi vì nhân dân Việt Nam không hèn yếu và nhu nhược, nên tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thực hiện được tham vọng bá quyền từ ngàn đời của tổ tiên bọn chúng ở đất nước mến yêu này".
Và rồi đây dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu ?
Tôn Phi
Nguồn : VNTB, 18/05/2018
"Việc xây dựng cáp treo ở hang Én chỉ cách hang Sơn Đoòng hơn ba cây số có thể là đường dẫn để đưa tới các hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái của Sơn Đoòng", một chuyên gia địa chất nói với BBC.
Sơn Đoòng được UNESCO công nhận là hang động lớn nhất thế giới
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Minh Toàn, giảng viên cao cấp Khoa Địa chất, trường Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội, trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội ngày 2/1 :
"Vấn đề quan trọng là đánh giá tác động của môi trường. Nếu xây cáp treo ở vị trí như thế [hang Én] dứt khoát sẽ ảnh hưởng tới hang Sơn Đoòng".
"Chúng ta đã nhìn thấy bài học từ du lịch Fansipan, cái được thì ít nhưng cái mất rất nhiều".
"Điều nghiêm trọng hơn trong trường hợp của Sơn Đoòng là địa thế của khu vực này khác hẳn Fansipan".
"Ở đỉnh Fansipan, một phần do khí hậu khắc nghiệt, người ta chỉ có thể leo lên đấy ngắm cảnh chứ không khai thác gì được. Nhưng ở Sơn Đoòng hoàn toàn có thể triển khai các hoạt động khai thác, dẫn tới các hoạt động phá hoại môi tường khác".
"Tôi không ủng hộ việc này. Phát triển du lịch như vậy chỉ mang lại chút lợi nhuận trước mắt cho địa phương nhưng để lại hậu quả lâu dài cho các thế hệ sau".
"Cần tôn trọng thiên nhiên. Cần phải hỏi ý kiến của cộng đồng khoa học quốc tế. Sơn Đoòng là di sản văn hóa thế giới chứ không phải chỉ là tài sản của Việt Nam".
Tranh cãi dự án cáp treo vào hang Én
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phủ nhận tin xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng nhưng im lặng trước thông tin xây cáp treo vào Hang Én cách Sơn Đoòng chỉ 3,5 km và đều nằm trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Trong email gửi BBC, FLC không trả lời các câu hỏi của BBC về dự án cáp treo vào hang Én, nhưng gửi link một bài viết cũ trên website của công ty liên quan đến dự án cáp treo vào Sơn Đoòng.
Thông tin này được FLC đăng tải ngày 26/1 trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội Việt Nam phản ứng trước thông tin tập đoàn này tiếp tục dự án xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng.
Theo đó, FLC cho hay họ "không có bất cứ hoạt động khảo sát, xây dựng nào liên quan đến hang Sơn Đoòng hoặc khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng" từ trước đến nay.
FLC nói thêm tập đoàn "chỉ cân nhắc" các dự án du lịch quanh Sơn Đoòng được "chính phủ, chính quyền địa phương thông qua" và "phải nhận được sự chấp thuận từ Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO)".
BBC liên lạc với ông Hồ Khanh, người được ghi danh là có công trong việc tìm ra hang Sơn Đoòng năm 1990, để tìm hiểu thông tin về dự án cáp treo tại Hang Én.
Tuy nhiên ông Khanh, hiện đang quản lý dịch vụ homestay tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, kinh doanh các dịch vụ khám phá Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, từ chối bình luận.
Sơn Đoòng - cảnh đẹp gây sửng sốt khán giả khi Đài truyền hình ABC phát trực tiếp giới thiệu di sản này với nước Mỹ - Ảnh : THUẬN THẮNG
Thông tin của Quảng Bình
Trong khi đó, giới chức Quảng Bình nói tập đoàn FLC thực hiện việc khảo sát làm cáp treo vào Hang Én thời điểm cuối năm 2016, theo lời ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được báo Tuổi trẻ trích lời ngày 26/1.
"Sau đó, đến đầu năm 2017, đoàn khảo sát này đã báo cáo phương án xây dựng cáp treo vào hang Én với tỉnh Quảng Bình".
"Theo đó, tuyến cáp treo này sẽ dài khoảng 5,1 km từ km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông vào đến hang Én. Từ hang Én đến hang Sơn Đoòng còn cách khoảng 3,5km".
"Đến tháng 8/2017 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào làm việc với tỉnh Quảng Bình cũng đã đồng ý về chủ trương làm cáp treo vào hang Én với điều kiện không làm ảnh hưởng đến di sản và có tham khảo ý kiến của UNESCO".
Ý kiến UNESCO
Trong khi đó, UNESCO, trong một văn bản đưa ra từ tháng 7/2017, có vẻ nói 'không' cho mọi dự án cáp treo tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Trong mục b, trang 77 có ghi UNESCO "đề nghị chính phủ [Việt Nam] hủy bỏ vĩnh viễn các dự án phát triển cáp treo" [tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng].
Được biết, văn bản này được UNESCO đưa ra trong cuộc họp tại Krakow, Ba Lan bàn thảo việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
"Khẳng định của Chính phủ Việt Nam rằng dự án cáp treo Sơn Đoòng, nằm trong vùng di sản được bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ chỉ được thực hiện dựa trên sự chấp thuận của Ủy ban [Di sản thế giới] được ghi nhận", theo báo cáo này của UNESCO.
"Tuy nhiên, thực tế việc UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho khảo sát và nghiên cứu tại khu vực này chỉ ra rằng dự án vẫn đang được xem xét".
"Cần lưu ý rằng cáp treo sẽ tạo điều kiện tiếp cận với di sản và vì vậy có thể tăng số lượng khách du lịch cùng những tác động tiêu cực lên môi trường nhạy cảm của hang, và cũng dẫn tới tăng áp lực từ các hoạt động bất hợp pháp. Hơn thế nữa, hoạt động du lịch hang động hiện nay vốn đang tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thể sẽ giảm nếu nhu cầu hướng dẫn viên và người vận chuyển giảm".
"Vì vậy, đề nghị Ủy ban [Di sản thế giới] nhắc lại mối quan ngại về dự án này và các ảnh hưởng tiềm ẩn... và yêu cầu chính phủ [Việt Nam] hủy bỏ vĩnh viễn các dự án phát triển cáp treo", theo văn bản khi đó của UNESCO.
Trả lời BBC qua email hôm 1/2, ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO ở Hà Nội, nhắc rằng vấn đề này từng được nêu tại cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới tại Krakow, Ba Lan tháng Bảy 2017.
Ông cho biết trả lời khi đó của Việt Nam "rất rõ ràng".
Đó là "không có ý định xây hệ thống cáp treo ở tại hang Sơn Đoòng, cũng như không cung cấp lối tiếp cận tới hang", ông Michael Croft nhắc lại quan điểm của đoàn Việt Nam tại cuộc họp.
Dư luận lo ngại
Thông tin xây cáp treo hang Én khiến dư luận tại Việt Nam lo ngại.
"Dù là Sơn Đoòng hay Hang Én thì đây đều là vùng lõi của Phong Nha-Kẻ Bàng, Di sản Thiên nhiên Thế giới. Và Việt Nam đã ký vào Công ước Bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO", theo thông tin từ trang Facebook của Hội bảo vệ Sơn Đoòng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khác, ông Trịnh Xuân Nguyên, đồng sáng lập Tổ chức phi chính phủ PanNature nói với BBC qua điện thoại từ Hà Nội : "Tôi không ủng hộ hoạt động khai thác trong các khu dự trữ sinh quyển".
"Các khu vực đã quy hoạch, đặc biệt là các khu dự trữ sinh quyển cần phải được bảo tồn đặc biệt".
"Chúng tôi không khuyến khích kiểu du lịch đại trà. Bài học về du lịch đại trà đã có ở nhiều địa phương, hầu như khi họ không còn giữ được các giá trị của thiên nhiên nữa".
"Khả năng phát triển, quản lý, giám sát tại các điểm du lịch đại trà cần phải xem xét. Các hoạt động phá hoại thiên nhiên nhiều hơn là gìn giữ được hệ sinh thái".
"Hiện tại tỉnh Quảng Bình về cơ bản làm khá tốt việc quản lý du lịch, có trách nhiệm trong bảo tồn thiên nhiên, di sản và kiểm soát lượng khách du lịch vào khu bảo tồn".
"Còn dự định mở cho các doanh nghiệp như FLC vào mở rộng hoạt động hoạt động du lịch, ví dụ như làm cáp treo thì là sai lầm lớn nếu để chuyện đó xảy ra".
"Nhìn chung việc các doanh nghiệp hiện nay cứ theo mốt cáp treo hiện nay là không hay ho lắm. Như vậy có thể khiến lượng khách du lịch kéo đến một điểm quá lớn, tác động không kiểm soát được về mặt lâu dài".
Báo Tuổi Trẻ ngày 1/2 dẫn lời đại diện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch rằng Bộ này chưa nhận được hồ sơ cụ thể về phương án làm cáp treo vào hang Én.
Ông Nguyễn Viết Cường, trưởng phòng quản lý di tích Cục Di sản văn hóa, nói : "Từ giai đoạn khảo sát đến lập phương án phải được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và UNESCO có ý kiến thông qua mới được thực hiện".
"Nếu làm cáp treo mà ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đã được UNESCO công nhận thì chúng tôi không thống nhất làm", ông Cường nói.
Tại báo cáo thẩm định và bảo tồn 99 di sản của thế giới đang hiện diện ở các quốc gia thành viên năm 2017, UNESCO khẳng định hang Sơn Đoòng, nằm trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, là "Tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu"- Outstanding Universal Value - và đề nghị Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng. Cho đến nay, khuyến cáo đó của UNESCO vẫn còn nguyên hiệu lực.
Cửa sau của hang Én, nơi dẫn tới hang Sơn Đoòng, theo hướng đi trekking (đi bộ dài ngày) đang được khai thác. Đây là nơi đã khảo sát cho dự án cáp treo tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
UNESCO : cáp treo sẽ tác động tiêu cực đến Sơn Đoòng
Báo cáo và khuyến cáo của UNESCO trong tài liệu kiểm tra, thẩm định và bảo tồn 99 di sản của thế giới nằm tại các quốc gia thành viên, đã được công bố vào tháng 7/2017. Trong đó, Uỷ ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO được yêu cầu xem lại các báo cáo về tình trạng bảo tồn các tài sản có trong tài liệu.
Trong phần nhận định về Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đoòng, Ủy ban Di sản Thế giới cho biết, các báo cáo trước đây đã cho thấy có một số yếu tố tác động tiêu cực đến di sản như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các hành vi xâm phạm rừng và hoạt động khai thác gỗ trái phép, sự giảm sút và biến mất của một số động thực vật…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và trung ương đều thiếu các kế hoạch quản lý khách du lịch. Kế hoạch Phát triển Du lịch Bền vững đưa ra không đầy đủ, thiếu những cảnh báo về tác động của khách du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có dự án làm cáp treo vào hang động Sơn Đoòng.
Đầu năm 2017, UNESCO nhận được báo cáo của Việt Nam, trong đó, phía Việt Nam báo cáo một số thông tin liên quan đến bảo tồn và phát triển quần thể di sản này, đồng thời khẳng định : "Chưa cấp phép cho dự án cáp treo vào hang động Sơn Đoòng, trong khi chờ đợi Đánh giá Tác động Môi trường".
Báo cáo của Việt Nam cũng cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý tiến hành nghiên cứu và điều tra để xác định lựa chọn tốt nhất cho phát triển du lịch liên quan đến di sản.
Báo cáo của Việt Nam khẳng định : dự án xây dựng cáp treo sẽ chỉ được tiến hành nếu có sự tán thành của Uỷ ban Di sản Thế giới.
Khu rừng trong lòng hang Sơn Đoòng, một trong những yếu tố làm nên sự độc đáo của hang. Khách thám hiểm được yêu cầu đi theo lối mòn do các chuyên gia hang động giám sát, nhằm giảm thiểu tác động của con người lên hệ sinh thái tự nhiên trong hang.
Trong diễn biến liên quan, Trung tâm Di sản Thế giới và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phân tích báo cáo và đưa ra kết luận, đề xuất lên Ủy Ban Di Sản Thế giới. Theo đó :
Việt Nam đã thể hiện nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức bảo tồn giữa các cộng đồng địa phương và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học tại di sản. Tuy nhiên, thông tin cung cấp chưa đủ để đánh giá hiệu quả của việc thực thi pháp luật, trong khi đó, khai thác và săn bắt trái phép vẫn tiếp tục có dấu hiệu diễn ra.
Dữ liệu cung cấp về các loài động vật hoang dã cũng chưa đủ để đánh giá chính xác tình hình thực tế, số lượng các loài tăng giảm ra sao.
Việt Nam đã xác nhận thực hiện nghiên cứu dự án cáp treo nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt vào hang Sơn Đoòng nhưng cho hay sẽ chỉ tiến hành khi có sự chấp thuận của Ủy ban Di sản Thế giới.
Thế nhưng, động thái UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho khảo sát và nghiên cứu để thực hiện dự án lại cho thấy dự án xây cáp treo vẫn đang được cân nhắc. Cần lưu ý rằng, việc làm cáp treo đồng nghĩa với khả năng số lượng khách tham quan vào hang tăng mạnh. Điều đó đi kèm các tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với môi trường nhạy cảm của hang động. Các hoạt động bất hợp pháp khác cũng có khả năng gia tăng.
Trong khi đó, hoạt động du lịch hang động, hay đi thám hiểm hang động (có giới hạn) hiện tạo ra việc làm cho các cộng đồng địa phương. Du lịch đại trà, với quần thể cáp treo, sẽ khiến nhu cầu lao động của người khuân vác và hướng dẫn địa phương giảm đáng kể.
Vì vậy, Trung tâm Di sản Thế giới và IUCN đề nghị Ủy ban Di Sản Thế giới khẳng định lại mối quan tâm của mình đối với dự án này và các tác động tiềm tàng lên tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, đồng thời yêu cầu Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch phát triển cáp treo.
Dựa trên những đánh giá của Trung tâm Di sản Thế giới và IUCN, Ủy ban Di sản Thế giới đã tái khẳng định mối quan tâm về đề xuất xây dựng cáp treo vào hang động Sơn Đoòng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và những tác động tiềm tàng của dự án đến tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, kêu gọi hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo.
Ủy ban Di sản Thế giới cũng đề nghị Việt Nam mời đại diện của Trung tâm Di sản Thế giới và Đoàn giám sát phản ứng của IUCN đến trực tiếp đánh giá tình trạng bảo tồn, tác động của hành vi săn trộm, khai thác trái phép và các loài xâm lấn từ bên ngoài, cũng như tư vấn cho Việt Nam về du lịch bền vững tương thích với tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, trong đó có hang Sơn Đoòng.
UNESCO yêu cầu Việt Nam nộp bản báo cáo cập nhật về tình trạng bảo tồn di sản cho Trung tâm Di sản Thế giới vào tháng 12/2018, để Ủy ban Di sản Thế giới kiểm tra vào năm 2019.
Cửa vào hang Sơn Đoòng khá hẹp, hiện cách thức vào hang là từng người, bám dây đu xuống với hỗ trợ của chuyên gia hang động.
Tập đoàn FLC liên quan đến đâu ?
Những ngày gần đây, tin đồn lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến sự việc tập đoàn FLC và tỉnh Quảng Bình đang âm thầm xây dựng cáp treo tại vườn quốc gia dẫn vào hang Sơn Đoòng, đã khiến nhiều người quan tâm đến di sản thiên nhiên Sơn Đoòng bất an, và có rất nhiều ý kiến phản đối dự án cáp treo vào Sơn Đoòng, kêu gọi hủy bỏ mọi dự định liên quan đến xây cáp treo vào Sơn Đoòng.
Trước diễn biến căng thẳng này, tối 26/1, trên một facebook được cho là của tập đoàn FLC đã đưa ra thông báo ngắn, tố cáo tin giả (fake news) cho rằng FLC và chính quyền tỉnh Quảng Bình "âm thầm triển khai dự án cáp treo" đến gần hang Sơn Đoòng, hay "cố tình tung hoả mù" về dự án.
Thông báo ngắn đó cho biết, hiện tại tập đoàn FLC "hoàn toàn không có bất cứ hoạt động khảo sát nào liên quan đến hang Sơn Đoòng hoặc khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng. FLC cũng hoàn toàn không có bất cứ hoạt động xây dựng nào liên quan đến các khu vực này từ trước đến nay".
Đáng chú ý, thông báo cho hay, việc nghiên cứu, khảo sát khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng của FLC - theo lời mời của tỉnh Quảng Bình - liên quan đến ý tưởng làm cáp treo đến gần hang, chỉ tiến hành trong vài ngày và đã kết thúc từ tháng 5/2017.
Vẫn theo thông báo, quan điểm của FLC là : "bất cứ ý tưởng, dự án khai thác du lịch nào xung quanh hang Sơn Đoòng sẽ chỉ được chúng tôi cân nhắc khi và chỉ khi đã được Chính phủ và chính quyền địa phương thông qua, cũng như đã được các bộ ban ngành chức năng tại Việt Nam phê duyệt, đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc chung khi khai thác di sản trong phát triển kinh tế - xã hội. Và đặc biệt phải nhận được sự chấp thuận từ UNESCO".
Một trong hai hố sụt thuộc hệ thống hang Sơn Đoòng, nơi từng được đề xuất làm cáp treo và thang máy để đưa hàng ngàn du khách vào trong hang mỗi ngày.
Để làm rõ thông báo ngắn trên có phải của tập đoàn FLC, chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với tập đoàn này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa liên lạc được người có thẩm quyền phát ngôn chính thức. Trong một diễn biến liên quan, trả lời trên Tuổi Trẻ online ngày 26/1, ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc ban quản lý vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, không hề có chuyện gần đây tập đoàn FLC thực hiện khảo sát làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng như những thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền.
Ông Tịnh cũng cho biết, thực chất của thông tin này là việc tập đoàn FLC thực hiện khảo sát làm cáp treo vào hang Én, nhưng thời điểm diễn ra vào cuối năm 2016. Sau đó, đến đầu năm 2017, đoàn khảo sát này đã báo cáo phương án xây dựng cáp treo vào hang Én với tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, tuyến cáp treo này sẽ dài khoảng 5,1 km từ km37 Đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) vào đến hang Én. Từ hang Én đến hang Sơn Đoòng còn cách khoảng 3,5 km. Đến tháng 8/2017 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào làm việc với tỉnh Quảng Bình, đồng ý về chủ trương làm cáp treo vào hang Én với điều kiện không làm ảnh hưởng đến di sản và có tham khảo ý kiến của UNESCO.
"Sơn Đoòng không phù hợp với kiểu làm du lịch đại trà, nên không có chuyện làm cáp treo vào đó đâu", ông Tịnh khẳng định. Ông Hồ An Phong, giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng khẳng định đến thời điểm này tỉnh Quảng Bình chưa hề có ý định làm cáp treo vào Sơn Đoòng.
Cửa vào hang Sơn Đoòng hiện tại, theo tour thám hiểm dài ngày...
Mặc dù thông tin được đưa ra từ nhiều nguồn, có độ vênh về nội dung và có điều chỉnh cách giải thích, nhưng dựa vào báo cáo của Việt Nam gửi UNESCO và các thông tin nói trên, có thể khẳng định : UBND tỉnh Quảng Bình muốn triển khai dự án cáp treo và thực tế đã cho khảo sát trong năm 2017. Quy trình khảo sát có thể vào đến hang Én, một hang động lớn cách Sơn Đoòng vài cây số, và được coi là cửa ngõ vào hang Sơn Đoòng. Thông qua một số thông số ghi chú trên các vách đá được cho là trong hang Sơn Đoòng, có thể thấy quá trình khảo sát đã vào đến Sơn Đoòng.
Những người miệt mài cứu Sơn Đoòng khỏi "miệng" cáp treo
Ba năm trước, thông tin xây cáp treo vào Sơn Đoòng từng liên quan đến tập đoàn Sun Group và tạo ra làn sóng phản đối. Tập đoàn này ngay sau đó đã có giải thích trên báo chí : "Tập đoàn chưa biết thông tin phản ứng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về dự án cáp treo tại Sơn Ðoòng như thế nào. Tuy nhiên trong trường hợp UNESCO đồng ý cho xây dựng cáp treo thì chưa chắc Sun Group đã đầu tư…
Hiện dư luận đang tranh cãi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Còn về phía Sun Group, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, thẩm định đánh giá về lợi nhuận kinh tế sẽ mang lại sau khi dự án đi vào hoạt động nên chưa có gì phải bàn cãi".
Tháng 2/2015, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Quy hoạch xác định rõ nguyên tắc : cùng với việc bảo tồn nguyên trạng, vườn quốc gia cũng sẽ gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương để đưa di sản Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một trong những vùng du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Phê duyệt này, cùng với thông tin tập đoàn Sun Group không tiếp tục nghiên cứu, thẩm định Sơn Đoòng và không có kế hoạch đầu tư cáp treo vào Sơn Đoòng, đã làm làn sóng phản đối xây cáp treo vào Sơn Đoòng giảm nhiệt.
Sơn Đoòng tưởng đã được bình yên với giá trị di sản thiên nhiên thế giới mà UNESCO hai lần công nhận cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, và Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh vinh danh Sơn Đoòng là "hang động tự nhiên lớn nhất thế giới".
Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, một cái tên khác lại nổi đình nổi đám khi nhắc đến cáp treo Sơn Đoòng : tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 4/5/2017, ông Trịnh Văn Quyết cho biết sắp tới FLC sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Sơn Đoòng nằm trong quần thể di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Theo ông Quyết, hệ thống cáp treo này là "chủ trương, mong muốn của tỉnh". Trước đây đã có một doanh nghiệp lớn dự định đầu tư vào nhưng sau đó đã... bỏ cuộc. "FLC không có nhu cầu làm nhưng tỉnh đã mời không dưới 3 lần. Chúng tôi đầu tư các dự án lớn khác trong tỉnh nên mới nhận lời. Còn tỉnh muốn kết nối, muốn du khách đến đấy không chỉ nghỉ dưỡng mà còn khám phá Sơn Đoòng để không lãng phí tiềm năng khai thác từ di sản nên mới mời chúng tôi đầu tư cáp treo", ông Quyết cho biết.
Những mạo hiểm, thách thức của hành trình khám phá hang Sơn Đoòng ngày càng hấp dẫn du khách Việt.
Từ diễn tiến bất ngờ đó, làn sóng phản đối xây dựng cáp treo vào Sơn Ðoòng xâm hại "Tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu" tiếp tục bùng lên mạnh mẽ, trong đó dự án #Save Sơn Doong (Cứu Sơn Đoòng) do những người trẻ khởi động, đã miệt mài theo sát các diễn tiến liên quan đến số phận Sơn Đoòng, kịp thời loan báo những thông tin có nguy cơ xâm hại đến Sơn Đoòng cho dư luận biết.
Thành lập từ những ngày đầu tiên khi có thông tin về khả năng hình thành một dự án cáp treo vào tận hang Sơn Đoòng năm 2014, nhóm các bạn trẻ đã dùng rất nhiều cách để lan tỏa ý thức bảo vệ một di sản vô giá của người dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam và của nhân loại, không thuộc về riêng tỉnh Quảng Bình hay của bất cứ một tập đoàn nhiều tiền, nhiều quyền nào.
Những ngày đầu năm 2018 khi làn sóng phản đối cáp treo vào Sơn Đoòng tiếp tục bùng lên, cũng là những ngày bận rộn của nhóm các bạn trẻ #Save Son Doong tại Sài Gòn, với dự án trải nghiệm hành trình khám phá Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo.
Người trẻ đang trải nghiệm hành trình khám phá Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án trải nghiệm này lần đầu tiên được nhóm #Save Son Doong thực hiện tại Đà Nẵng, ngay trước Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tháng 11/2017, thu hút được khoảng 3.500 cá nhân đến xem, đủ mọi thành phần, lứa tuổi.
Khi tiếp tục thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2018, hàng trăm người - cả Việt Nam lẫn nước ngoài - đã đến trải nghiệm để hiểu hơn về di sản và hưởng ứng lời kêu gọi, tại sao phải bảo vệ di sản, cũng như tìm kiếm một giải pháp phát triển bền vững cho di sản, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, vừa bảo tồn cho thế hệ tương lai. Mọi thông tin, hoạt động đều được lan tỏa trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook.
"Mạng xã hội là công cụ chính giúp chúng tôi truyền tải thông điệp. Chúng tôi đã tận dụng mạng xã hội theo cách tốt nhất để đánh thức trách nhiệm của mọi người cùng chung tay bảo vệ di sản thiên nhiên, môi trường", Thiên Hương, một thành viên của nhóm #Save Son Doong chia sẻ.
Thiên Hương đang nỗ lực đưa các giá trị khoa học và nguyên sơ của Sơn Đoòng đến với nhiều người, tại buổi trải nghiệm hành trình khám phá Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo. Ảnh : Lê Quỳnh
Hoạt động bền bỉ của nhóm #Save Son Doong, cùng thông tin khảo sát thực hiện dự án cáp treo của tỉnh Quảng Bình và tập đoàn FLC, đã khơi lên sự quan tâm của rất nhiều người với Sơn Đoòng, trong đó có những chiến dịch ký tên phản đối xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng, với hàng trăm ngàn người tham gia.
Điều này cho thấy, bên cạnh những "lớp sóng tin tức" dồn dập mỗi ngày, tưởng chừng nuốt chửng những tiếng kêu gọi yếu ớt bảo vệ di sản thiên nhiên, vẫn có rất nhiều người âm thầm làm việc với niềm tin có thể kêu gọi nhận thức và hành động của mọi người.
Trách nhiệm và nghĩa vụ cuối cùng, liên quan đến khuyến cáo của UNESCO, đang thuộc về chính các cơ quan chức năng của Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, một trong những địa phương từng gián tiếp bị thiệt hại nặng nề về môi trường tự nhiên từ vụ xả thải của nhà máy Formosa và bây giờ đang đối diện trực tiếp với nguy cơ tổn thất về giá trị di sản thiên nhiên do chủ trương xây dựng cáp treo tự mình đưa ra.
Khi bất chấp khuyến cáo của UNESCO, liệu danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có Sơn Đoòng, có còn nguyên vẹn ?
Ninh Hạ
Nguồn : Người đô thị, 29/01/2018