Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/02/2018

Cáp treo vào hang Én đe dọa Sơn Đoòng ?

BBC tiếng Việt

"Việc xây dựng cáp treo ở hang Én chỉ cách hang Sơn Đoòng hơn ba cây số có thể là đường dẫn để đưa tới các hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái của Sơn Đoòng", một chuyên gia địa chất nói với BBC.

cap1

Sơn Đoòng được UNESCO công nhận là hang động lớn nhất thế giới

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Minh Toàn, giảng viên cao cấp Khoa Địa chất, trường Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội, trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội ngày 2/1 :

"Vấn đề quan trọng là đánh giá tác động của môi trường. Nếu xây cáp treo ở vị trí như thế [hang Én] dứt khoát sẽ ảnh hưởng tới hang Sơn Đoòng".

"Chúng ta đã nhìn thấy bài học từ du lịch Fansipan, cái được thì ít nhưng cái mất rất nhiều".

"Điều nghiêm trọng hơn trong trường hợp của Sơn Đoòng là địa thế của khu vực này khác hẳn Fansipan".

"Ở đỉnh Fansipan, một phần do khí hậu khắc nghiệt, người ta chỉ có thể leo lên đấy ngắm cảnh chứ không khai thác gì được. Nhưng ở Sơn Đoòng hoàn toàn có thể triển khai các hoạt động khai thác, dẫn tới các hoạt động phá hoại môi tường khác".

"Tôi không ủng hộ việc này. Phát triển du lịch như vậy chỉ mang lại chút lợi nhuận trước mắt cho địa phương nhưng để lại hậu quả lâu dài cho các thế hệ sau".

"Cần tôn trọng thiên nhiên. Cần phải hỏi ý kiến của cộng đồng khoa học quốc tế. Sơn Đoòng là di sản văn hóa thế giới chứ không phải chỉ là tài sản của Việt Nam".

Tranh cãi dự án cáp treo vào hang Én

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phủ nhận tin xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng nhưng im lặng trước thông tin xây cáp treo vào Hang Én cách Sơn Đoòng chỉ 3,5 km và đều nằm trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trong email gửi BBC, FLC không trả lời các câu hỏi của BBC về dự án cáp treo vào hang Én, nhưng gửi link một bài viết cũ trên website của công ty liên quan đến dự án cáp treo vào Sơn Đoòng.

Thông tin này được FLC đăng tải ngày 26/1 trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội Việt Nam phản ứng trước thông tin tập đoàn này tiếp tục dự án xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng.

Theo đó, FLC cho hay họ "không có bất cứ hoạt động khảo sát, xây dựng nào liên quan đến hang Sơn Đoòng hoặc khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng" từ trước đến nay.

FLC nói thêm tập đoàn "chỉ cân nhắc" các dự án du lịch quanh Sơn Đoòng được "chính phủ, chính quyền địa phương thông qua" và "phải nhận được sự chấp thuận từ Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO)".

BBC liên lạc với ông Hồ Khanh, người được ghi danh là có công trong việc tìm ra hang Sơn Đoòng năm 1990, để tìm hiểu thông tin về dự án cáp treo tại Hang Én.

Tuy nhiên ông Khanh, hiện đang quản lý dịch vụ homestay tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, kinh doanh các dịch vụ khám phá Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, từ chối bình luận.

cap2

Sơn Đoòng - cảnh đẹp gây sửng sốt khán giả khi Đài truyền hình ABC phát trực tiếp giới thiệu di sản này với nước Mỹ - Ảnh : THUẬN THẮNG

Thông tin của Quảng Bình

Trong khi đó, giới chức Quảng Bình nói tập đoàn FLC thực hiện việc khảo sát làm cáp treo vào Hang Én thời điểm cuối năm 2016, theo lời ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được báo Tuổi trẻ trích lời ngày 26/1.

"Sau đó, đến đầu năm 2017, đoàn khảo sát này đã báo cáo phương án xây dựng cáp treo vào hang Én với tỉnh Quảng Bình".

"Theo đó, tuyến cáp treo này sẽ dài khoảng 5,1 km từ km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông vào đến hang Én. Từ hang Én đến hang Sơn Đoòng còn cách khoảng 3,5km".

"Đến tháng 8/2017 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào làm việc với tỉnh Quảng Bình cũng đã đồng ý về chủ trương làm cáp treo vào hang Én với điều kiện không làm ảnh hưởng đến di sản và có tham khảo ý kiến của UNESCO".

Ý kiến UNESCO

Trong khi đó, UNESCO, trong một văn bản đưa ra từ tháng 7/2017, có vẻ nói 'không' cho mọi dự án cáp treo tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trong mục b, trang 77 có ghi UNESCO "đề nghị chính phủ [Việt Nam] hủy bỏ vĩnh viễn các dự án phát triển cáp treo" [tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng].

Được biết, văn bản này được UNESCO đưa ra trong cuộc họp tại Krakow, Ba Lan bàn thảo việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

"Khẳng định của Chính phủ Việt Nam rằng dự án cáp treo Sơn Đoòng, nằm trong vùng di sản được bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ chỉ được thực hiện dựa trên sự chấp thuận của Ủy ban [Di sản thế giới] được ghi nhận", theo báo cáo này của UNESCO.

"Tuy nhiên, thực tế việc UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho khảo sát và nghiên cứu tại khu vực này chỉ ra rằng dự án vẫn đang được xem xét".

"Cần lưu ý rằng cáp treo sẽ tạo điều kiện tiếp cận với di sản và vì vậy có thể tăng số lượng khách du lịch cùng những tác động tiêu cực lên môi trường nhạy cảm của hang, và cũng dẫn tới tăng áp lực từ các hoạt động bất hợp pháp. Hơn thế nữa, hoạt động du lịch hang động hiện nay vốn đang tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thể sẽ giảm nếu nhu cầu hướng dẫn viên và người vận chuyển giảm".

"Vì vậy, đề nghị Ủy ban [Di sản thế giới] nhắc lại mối quan ngại về dự án này và các ảnh hưởng tiềm ẩn... và yêu cầu chính phủ [Việt Nam] hủy bỏ vĩnh viễn các dự án phát triển cáp treo", theo văn bản khi đó của UNESCO.

Trả lời BBC qua email hôm 1/2, ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO ở Hà Nội, nhắc rằng vấn đề này từng được nêu tại cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới tại Krakow, Ba Lan tháng Bảy 2017.

Ông cho biết trả lời khi đó của Việt Nam "rất rõ ràng".

Đó là "không có ý định xây hệ thống cáp treo ở tại hang Sơn Đoòng, cũng như không cung cấp lối tiếp cận tới hang", ông Michael Croft nhắc lại quan điểm của đoàn Việt Nam tại cuộc họp.

Dư luận lo ngại

Thông tin xây cáp treo hang Én khiến dư luận tại Việt Nam lo ngại.

"Dù là Sơn Đoòng hay Hang Én thì đây đều là vùng lõi của Phong Nha-Kẻ Bàng, Di sản Thiên nhiên Thế giới. Và Việt Nam đã ký vào Công ước Bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO", theo thông tin từ trang Facebook của Hội bảo vệ Sơn Đoòng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khác, ông Trịnh Xuân Nguyên, đồng sáng lập Tổ chức phi chính phủ PanNature nói với BBC qua điện thoại từ Hà Nội : "Tôi không ủng hộ hoạt động khai thác trong các khu dự trữ sinh quyển".

"Các khu vực đã quy hoạch, đặc biệt là các khu dự trữ sinh quyển cần phải được bảo tồn đặc biệt".

"Chúng tôi không khuyến khích kiểu du lịch đại trà. Bài học về du lịch đại trà đã có ở nhiều địa phương, hầu như khi họ không còn giữ được các giá trị của thiên nhiên nữa".

"Khả năng phát triển, quản lý, giám sát tại các điểm du lịch đại trà cần phải xem xét. Các hoạt động phá hoại thiên nhiên nhiều hơn là gìn giữ được hệ sinh thái".

"Hiện tại tỉnh Quảng Bình về cơ bản làm khá tốt việc quản lý du lịch, có trách nhiệm trong bảo tồn thiên nhiên, di sản và kiểm soát lượng khách du lịch vào khu bảo tồn".

"Còn dự định mở cho các doanh nghiệp như FLC vào mở rộng hoạt động hoạt động du lịch, ví dụ như làm cáp treo thì là sai lầm lớn nếu để chuyện đó xảy ra".

"Nhìn chung việc các doanh nghiệp hiện nay cứ theo mốt cáp treo hiện nay là không hay ho lắm. Như vậy có thể khiến lượng khách du lịch kéo đến một điểm quá lớn, tác động không kiểm soát được về mặt lâu dài".

Báo Tuổi Trẻ ngày 1/2 dẫn lời đại diện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch rằng Bộ này chưa nhận được hồ sơ cụ thể về phương án làm cáp treo vào hang Én.

Ông Nguyễn Viết Cường, trưởng phòng quản lý di tích Cục Di sản văn hóa, nói : "Từ giai đoạn khảo sát đến lập phương án phải được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và UNESCO có ý kiến thông qua mới được thực hiện".

"Nếu làm cáp treo mà ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đã được UNESCO công nhận thì chúng tôi không thống nhất làm", ông Cường nói.

Quay lại trang chủ
Read 771 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)