Chứ chuyện thanh tra ăn hối lộ toàn đoàn, nó cũ xì, cũ mèm, cũ rích, cũ người đời đi qua không thèm ngó lại một cái như cái gáo dừa múc nước của bà ngoại tui.
Báo Chính Phủ
Đầu năm 2012, Nguyễn Minh Tuấn, thanh tra viên thuộc Ban Thanh tra đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng một số cán bộ khác đi kiểm tra hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa phận tỉnh Yên Bái, phát hiện đơn vị thi công đào hố chôn cột điện chỉ cách mép đường khoảng một mét, vi phạm chỉ giới an toàn giao thông. Tuấn đòi hối lộ 19 triệu đồng để bỏ qua.
Tháng 4/2019, một thanh tra viên thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đe dọa, ép buộc đối tượng bị thanh tra phải đưa tiền để bỏ qua sai phạm và bị công an bắt quả tang khi đang nhận tiền.
Tháng 6/2019, Đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng phát hiện một doanh nghiệp có nhiều nghi ngờ dàn xếp trong đấu thầu và một số vi phạm khác trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, trưởng đoàn thanh tra đòi doanh nghiệp chung chi để "làm mờ". Doanh nghiệp đã đưa hơn hai tỷ đồng.
Tháng 3/2020, năm người là cựu thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị tòa án tỉnh này tuyên phạt tổng cộng 154 tháng tù giam vì tội vòi tiền hối lộ của ba doanh nghiệp.
Năm 2021, "một số" (không rõ bao nhiêu) cán bộ Thanh tra Chính phủ bị khởi tố, tạm giam vì nhận hối lộ trong vụ án ngân hàng SCB. Hai cán bộ bị khai trừ khỏi Đảng, các cán bộ liên quan đến vụ án bị buộc thôi việc.
Tháng 3/2023 : Cán bộ thanh tra tỉnh Lai Châu cùng hai cán bộ ở các sở khác cùng tham gia đoàn thanh tra các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Sau khi quyết định thanh tra được ban hành, chín người là nguyên và đương chức Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ của bảy huyện đã liên hệ, bàn bạc và thống nhất góp 560 triệu đồng hối lộ đoàn thanh tra để xin giảm bớt các sai phạm. Trưởng đoàn thanh tra nhận và chia tiền cho các thành viên trong đoàn.
Cũng trong tháng 2/2023, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng bị bắt vì nhận hối lộ liên quan dự án khu đô thị Nam Đà Lạt (công ty Sài Gòn-Đại Ninh). Đến nay sau 13 năm triển khai, dự án chỉ thực hiện được một số hạng mục phụ và đã xuống cấp nghiêm trọng. Dự án đã để cho rừng bị phá đến hơn 257 ha và trên 111 ha bị lấn chiếm.
Tháng 5/2023 : ít nhất năm đội trưởng, đội phó, cán bộ thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị bắt vì nhiều lần nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ thanh tra hiện nay rất dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, 2022).
Tóm lại, Thanh tra thì cũng như Đăng kiểm, Ngoại giao, Hàng không, Lãnh sự, cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, Hải quan, xây dựng… Không ăn của dân thì cạp đất cho no à ?
Tự xửa từ xưa, dân gian đã lan truyền câu ca dao mới về ngành thanh tra như sau :
Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì
Cứ có phong bì thì lại thanh-kiu (thank you)
Ông Trần Ngọc Chanh, từng là Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình kể với báo chí, vào khoảng gần chục năm trước : "Trong thời gian 15 năm (1991 - 2005) làm công tác thanh tra, tôi đã trực tiếp tham gia hàng trăm cuộc thanh tra trên đủ các lĩnh vực, nhưng nhiều nhất là thanh tra về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án lớn. Thực tế, không phải cuộc thanh tra nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhiều cuộc thanh tra đã gần về đến đích, lại bị "phanh". Và, có cuộc thanh tra vừa triển khai đã bị "nhắc", thậm chí phía bị thanh tra còn đặt vấn đề "bồi dưỡng", ngỏ ý "xin".
Chỉ khi biết tỏng tòng tong nội bộ có nhiều vi phạm nghiêm trọng thì mới sợ thanh tra sẽ soi ra sai lỗi. Biết rõ rằng nếu khui ra sẽ động ổ động dây, liên đới đến những ông anh bà chị nào đó, thì mới có lời văng vẳng từ trển xuống nhắc nhở các chú thanh tra đừng hăng quá, nhìn trước ngó sau mà làm, kẻo mang vạ vào thân.
Nhưng ai "phanh" ? Ai "nhắc" ? Là ai mà dám can thiệp vào hoạt động chuyên môn của một cơ quan nhà nước đặc thù như Thanh tra ? Là ai nhăn trán mà cuộc thanh tra đã sắp hoàn tất kết luận lại buộc phải dừng ? Là ai mà cuộc thanh tra vừa mới bắt đầu đã có thể giơ tay vẽ vòng phấn Tam Tạng nhốt Tôn Ngộ Không ?
Chỉ có thể từ những "ai" đó có quyền lực khuynh loát cả cơ quan thanh tra, mới có cơ hội dính líu lợi ích sâu sắc. Chỉ khi lo sợ "trạng chết chúa cũng băng hà" thì mới có cái gan chạy tội ngang nhiên như thế.
Ông Chanh đã dùng từ rất đắt để lột tả bản chất của thực trạng liên kết lợi ích, hình thành những đường dây cộng sinh giữa quan chức và doanh nhân.
Năm 2022, Tổng thanh tra Chính phủ ra quyết định cấm cán bộ công chức viên chức trong Thanh tra Chính phủ nhận tiền, quà, tài sản, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra. Thứ nhất, nó bộc lộ thực trạng rằng những hành vi bị cấm vốn đã xảy ra rất phổ biến. Thứ hai, như tất cả các cấm đoán khác, nó vô hiệu. Trong nội bộ cơ quan thanh tra, ai cũng hiểu nếu không nhận "bồi dưỡng" của doanh nghiệp thì chẳng mấy ai kiên trì để theo nghề cả.
Một số người ban đầu cũng tự an ủi rằng nếu không làm sai lệch kết quả thanh tra thì việc nhận tiền quà của đối tượng thanh tra không phải là hành vi sai trái gì cả.
Nhưng…
Ngạch lương của thanh tra viên là bao nhiêu ?
Ở ngạch thanh tra viên cao cấp, mức lương cao nhất được trả là 14,4 triệu đồng/tháng. Ngạch này chia làm sáu bậc, thấp nhất là hơn 11 triệu đồng/tháng. Các bậc chênh nhau khoảng 700.000 đồng.
Ở ngạch thanh tra viên chính, mức lương cao nhất là 12,2 triệu đồng/tháng, thấp nhất gần 8 triệu đồng/tháng. Có tám bậc, chênh nhau khoảng 600.000 đồng.
Ngạch thanh tra viên, mức lương cao nhất gần 8,4 triệu đồng/tháng. Có chín bậc, chênh nhau khoảng 500.000 đồng.
Mà chỉ mới đầu tháng 7 năm nay thì họ mới được hưởng mức lương như trên (đã tăng). Còn trước đó thì thấp hơn khoảng hai triệu đồng/bậc. Thanh tra viên cao cấp có hệ số cao nhất chỉ 11,9 triệu đồng/tháng. Ngạch Thanh tra viên mức thấp nhất thì chưa đến 3,5 triệu đồng/tháng.
Từ thanh tra viên lên đến thanh tra cao cấp tối thiểu phải mất 17 năm. Để được mức lương 11 triệu đồng/tháng. Cộng thêm vào đó là phụ cấp trách nhiệm, phu cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thiên vượt khung (nếu có), tối đa khoảng vài triệu đồng/tháng nữa. Kịch kim, tổng thu nhập cao nhất của Tổng thanh tra Chính phủ cũng không thể quá 20 triệu đồng/tháng.
Tóm lại, mức lương thanh tra chỉ đủ để tồn tại, còn với thanh tra viên mới vào nghề thì chỉ đủ cầm hơi mà sống.
Ấy thế mà, lành thay ! Hàng ngày họ lại phải tiếp xúc với rất nhiều tiền và vô số lợi ích !
Chẳng khác gì thả một con hổ bị bỏ đói lâu ngày vào chuồng dê, rồi viết nghị quyết ra lệnh nó phải nghiêm túc làm một tấm gương ăn chay cho bầy dê vậy.
Nhưng không phải lúc nào tại cơ quan bị thanh tra cũng có cạm bẫy. Cho dù không có phốt nào chăng nữa, doanh nghiệp hoặc các cơ quan tổ chức đang được thanh tra luôn luôn tìm mọi cách cư xử thật tốt với đoàn thanh tra. Về nguyên tắc, đoàn thanh tra phải tự lo cơm nước và di chuyển khi đi thanh tra tại cơ sở, nhưng hầu như tất cả các đơn vị đang được thanh tra đều biết ý mà bỏ tiền lo cực kỳ chu đáo những khoản ăn nghỉ của đoàn. Đấy là nói ở mức độ thấp nhất. Rồi thì quà, tiền "bồi dưỡng anh em làm việc vất vả", những hứa hẹn giúp đỡ cơ hội làm ăn...
Có là thánh thì mới không cảm thấy xao xuyến trước những lợi ích từ rất lặt vặt, rất nhỏ ấy.
Người thanh tra thường có tâm lý phẫn nộ và bất lực.
Do bản chất công việc, họ tiếp xúc với đơn thư tố cáo tất tần tật mọi góc độ từ sinh hoạt đời sống trụy lạc đến phạm pháp tày đình, cấu kết chặt chẽ tinh vi. Người cán bộ thanh tra biết rõ những liên minh cánh hẩu, những nhóm lợi ích ma qủy sâu-bền-rộng đến khó tin, cũng như thường xuyên chứng kiến sự giả dối, hai mặt của nhiều quý đồng chí chưa bị lộ. Đối diện với sự đảo điên ấy, chỉ có đồng lương của họ là vẫn vững chắc không thay đổi qua thời gian. Nên càng dày nghề, càng chứng kiến nhiều cuộc thanh tra bị "phanh", bị "nhắc", người cán bộ thanh tra vững vàng đến mấy cũng sẽ có lúc gác tay lên trán tự hỏi : "Mình cam chịu nghèo túng để giữ được một hạt cát lương thiện, nhưng các ông to thì một tay đánh trống khua chiêng hùng hồn ca ngợi đạo đức và bắt mọi người tuân theo, tay kia thì vơ vét cả một đại dương tiền của. Làm gì có sự chính trực, mà chỉ là một màn mị dân để tiếp tục lừa những thằng ngu bán mạng. Mình trong sạch liêm khiết để được gì khi (các) cấp trên ăn bẩn như thế ? Đối tượng bị thanh tra phạm pháp nhưng được che đậy kín kẽ từ nhiều tầng đến thế, nỗ lực lôi ra ánh sáng của mình liệu có thành công hay chuốc họa vào thân, bị đe dọa, vu khống, thậm chí có thể bị sát hại ?
Cạnh đó, thử hỏi thời buổi này doanh nghiệp nào có thể hoàn toàn trong trắng mà vẫn làm ăn có lãi ? Họ kinh doanh tiền trăm tỷ nghìn tỷ, cho mình vài chục triệu để "làm mờ" vài điểm không quan trọng thì thấm vào đâu, cũng chẳng sai trái gì. Đầy chỗ sai kinh khủng mà có dù to nên vẫn vững như bàn thạch kìa.
Cả xã hội đục, một mình ta trong thì có ý nghĩa gì ? Thậm chí còn bị gọi là ngu xuẩn".
Với thời gian và những điều kiện thuận lợi, người thanh tra còn có thể tiến đến mức rèn luyện khả năng phát hiện vi phạm thật xuất sắc để có thể... tự bán mình với giá cao hơn !
Hơn hết, những bàn tay có thể "phanh" một cuộc thanh tra cũng có thể tổ chức ra những cuộc thanh tra khác để dằn mặt và loại trừ đối thủ.
Ngành thanh tra và các đại biểu quốc hội tỏ vẻ rất nghiêm túc yêu cầu những quy định về đạo đức công vụ của người cán bộ thanh tra. Nhưng hình như chẳng ai thấy cần phải thay đổi đồng lương chết đói và yêu cầu kỳ quặc của người cán bộ thanh tra như thế nào.
***
Dư luận Việt Nam sẽ sôi sục lên vài ngày với bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đang bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu đô la của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hay quá, một vụ án điểm nêu cao tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm sẽ được hình thành. Người dân sẽ hào hứng cao độ để vỗ tay cho cuộc bắt bớ và xét xử.
Dường như không nhiều người thấy rằng đó chỉ là hành động rắc hoa lên bề mặt một vũng lầy thối rữa và sâu thẳm.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 29/11/2023
Tham khảo :
http://www.cema.gov.vn/2012-01-17/26a9730049d32c59b3f8bffe318d14f8-cema.htm
https://vov.gov.vn/5-cuu-thanh-tra-tinh-thanh-hoa-nhan-hoi-lo-linh-an-tu-dtnew-154857
Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Từ trái sang : Các bị cáo Bùi Xuân Bảy, Dương Văn Lực và Lương Cao Khải tại phiên tòa
Quyền lực của Thanh tra chính phủ được quy định tại Nghị định số Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018 của Chính phủ. Và dĩ nhiên, nó là thứ quyền lực vô biên dành cho các đại quan thanh tra nhà nước khi thực thi việc kiểm soát tất cả hoạt động từ kinh tế, vốn, tài sản, ngân sách của các ban bộ, ngành trực thuộc Chính phủ và 63 tỉnh thành trên cả nước.
Trưởng một đoàn Thanh tra, có toàn quyền chuyển hay không chuyển hồ sơ thanh tra sang Cơ quan điều tra được quy định tại Điều 30 Thông tư 05/2014/TT-TTCP.
Như vậy bất kỳ đơn vị nào bị thanh tra, nếu như Trưởng đoàn quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu sai phạm, cấu thành tội danh, sang Cơ quan điều tra, thì xem như "bộ sậu" ở đó nhẹ thì bay chức, chuyển công tác, nặng thì khởi tố, bắt giam, đi tù. Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP của Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Thanh tra Chính phủ cũng thể hiện rõ điều đó.
Năm 2005, một vụ án chấn động dư luận xã hội, khi Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, khám xét nơi làm việc, bắt giam ba nhân vật, gồm : Lương Cao Khải, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra kinh tế 2 ; Dương Văn Lực, Phó Vụ trưởng Vụ 4 và Bùi Xuân Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ 2, Thanh tra Chính phủ, về tội "nhận hối lộ".
Theo cáo trạng, Lương Cao Khải đã nhận hối lộ, số tiền 11.500 USD và 10 triệu đồng. Khải cũng khai nhận, ba lần đưa tiền hối lộ với tổng số tiền 110 triệu đồng cho ông Quách Lê Thanh (1947-2010) khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Cả ba đều phải ra toà năm 2007 và nhận mức án như sau : Lương Cao Khải 21 năm tù ; Dương Văn Lực 8 năm tù và Bùi Xuân Bảy 3 năm tù giam. Ông Quách Lê Thanh dù miễn trách nhiệm hình sự nhưng phải về vườn vào tháng 8/2007. Trong vụ án này, Trần Quốc Trượng, Phó Tổng Thanh tra chính phủ bị cáo buộc nhận hối lộ 3000 USD và 10 triệu VNĐ nhưng sau đó thoát nạn.
Ba năm sau, năm 2010, Quách Lê Thanh cựu Tổng Thanh tra chính phủ, Phó Ban Nội chính Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa chết vì bạo bệnh.
Sau khi Quách Lê Thanh bị phế bỏ năm 2007, người được điền vào vị trí Tổng Thanh tra chính phủ là Trần Văn Truyền. Truyền sinh năm 1950, quê Bến Tre, Ủy viên Trung ương khóa IX và X, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, người của phe 3X.
Dưới thời Trần Văn Truyền, tình trạng tham nhũng hoàn toàn mất kiểm soát. Lực lượng chống tham nhũng đã đồng loã, tiếp tay, dung túng cho sai phạm của các bộ ngành, tập đoàn kinh tế, các tỉnh thành. Hậu quả là hàng trăm ngàn tỷ của nhà nước bay theo gió, những "quả đấm thép" của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bỗng nát vụn. Chỉ được một thứ còn nguyên vẹn, đó là tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng, gồm biệt phủ, nhiều căn nhà lầu, bất động sản, mấy chục ngàn mét vuông đất tại Sài Gòn và ở quê nhà Bến Tre của Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra chính phủ.
Năm 2014, vụ "phát lộ" tài sản khủng nhờ "làm đến thối móng tay" mà có, chứ "hổng phải do tham nhũng" của Trần Văn Truyền gây chấn động cả nước. Tờ báo Người Cao Tuổi với Tổng biên tập Kim Quốc Hoa đã tiên phong phanh phui vụ việc và lúc này Đảng mới có cơ hội kỷ luật "cảnh cáo" Trần Văn Truyền.
Sau đó không lâu, "sóng gió" nổi lên, phe 3X bắt đầu trả thù. Tháng 2/2015, Bộ Thông tin Truyền Thông của Nguyễn Bắc Son đã thanh tra báo Người Cao Tuổi để "bới lông tìm vết", gây sức ép, thu hồi thẻ nhà báo và miễn nhiệm chức Tổng Biên tập với ông Kim Quốc Hoa.
Tháng 5/2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố Kim Quốc Hoa về hành vi "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258, Bộ luật Hình sự.
Dư luận đồn đoán Kim Quốc Hoa là người của phe ông Nguyễn Phú Trọng và dường như sự đồn đoán này không rõ đúng, sai ra sao, nhưng đến tháng 12/2016, sau khi ông Trọng loại bỏ được Nguyễn Tấn Dũng và tái đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ hai, thì Bộ Công an phải đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với Kim Quốc Hoa.
Ngược dòng thời gian, tháng 12/2013, Thanh tra viên Nguyễn Trung Kiên, thuộc Vụ 1- Thanh tra chính phủ đã gởi đơn khắp nơi tố cáo ông Lê Sỹ Bảy, sinh 1966, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, Phó Vụ trưởng Vụ 1, là kẻ dối trá, man khai lý lịch, bằng cấp, tài sản… để được bổ nhiệm.
Từ một anh học Cao đẳng ngân hàng, Lê Sỹ Bảy khai bừa tốt nghiệp đại học, để được đi học Cao cấp chính trị và bổ nhiệm chức Vụ trưởng. Mức lương của Lê Sỹ Bảy thời điểm năm 2013 khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng Lê Sỹ Bảy đứng tên gần chục căn nhà và thửa đất ở Hà Nội, đi xe 5 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu trị giá nhiều tỷ đồng. Nếu không nhận hối lộ, thì tài sản đó đo đâu mà có ?
Mặc dù vào cuộc, nhưng Kết luận của UBKT Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cũng chỉ dừng lại ở đề nghị "kiểm điểm, rút kinh nghiệm" đối với Lê Sỹ Bảy.
Người bảo kê, nâng đỡ cho Lê Sỹ Bảy là Phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh. Bản thân Ngô Văn Khánh cũng chẳng tốt đẹp gì. Sở hữu nhiều nhà đất ở Hà Nội, Sài gòn, đặt biệt Khánh đã xây một lâu đài lên đến 300 tỷ VNĐ (gần 15 triệu đô vào lúc đó). Ngoài ra, Ngô Văn Khánh bị phát hiện có hàng chục tỷ đồng gửi tại ngân hàng VIB Bank, cổ phiếu ở các ngân hàng như Quân đội, Nam Á, Liên Việt, cùng một số công ty như Xi-măng Công Thanh, Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện…
Tiền ở đâu ra mà nhiều thế ? Cứ nhìn việc Ngô Văn Khánh ém nhẹm hồ sơ thanh tra sai phạm tại hệ thống ngân hàng, các dự án BOT, các Tập đoàn kinh tế như Điện lực Việt Nam, Hàng không Việt Nam, vụ mua bán AVG… có thể đoán được Khánh đã nhận hối lộ số tiền khủng như thế nào. Đặc biệt, năm 2015, Ngô Văn Khánh thay mặt Tổng Thanh tra chính phủ ký quyết định đóng dấu "Mật" hoãn vô thời hạn thanh tra Thủ Thiêm. Nhờ đó, bộ sậu "lãnh chúa" thành Hồ thoát tội, còn dân oan Thủ Thiêm thì… mãi mãi khóc than.
Sau khi Trần Văn Truyền nghỉ hưu, người thay Truyền là Huỳnh Phong Tranh. Tranh sinh năm 1955, quê Hậu Giang, Ủy viên Trung ương khóa X và XI, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Huỳnh Phong Tranh là một "đệ tử" nữa của Nguyễn Tấn Dũng. Tranh "chân ướt chân ráo" được anh 3X gọi về thủ đô, vì vậy mọi việc ở Thanh tra chính phủ gần như do các Phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh, Nguyễn Đức Hạnh mặc sức tung hoành.
Cũng như người tiền nhiệm Trần Văn Truyền, nhiệm kỳ 5 năm của Huỳnh Phong Tranh chỉ làm mỗi việc đánh bóng mác "liêm chính" cho chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và giúp các đại dự án của các tập đoàn kinh tế phá hàng chục ngàn tỷ đồng của quốc gia.
Tháng 12/2014, tại một cuộc tọa đàm về phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Huỳnh Phong Tranh có câu nói "để đời", khi cho rằng "tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định".
Trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức, sáng 24/12/2015, Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định rằng, các cơ quan chống tham nhũng có hành vi tham nhũng của những người thực thi công vụ, nhưng … "ở mức độ chưa nhiều".
Tại đại hội 12 của Đảng, dù tốn khá nhiều tiền để được giữ lại "trường hợp đặc biệt", song Huỳnh Phong Tranh vẫn bị "out" khi bầu bán và đành ngậm ngùi rời cuộc chơi.
Người thay Tranh là Phan Văn Sáu, sinh năm 1959, quê Đồng Tháp, Ủy viên Trung ương khóa XII, Phó Ban kinh tế Trung ương, cựu Bí thư Tỉnh ủy An Giang. Giai đoạn này nội bộ lãnh đạo Thanh tra chính phủ mất đoàn kết, chia phe nhóm đấu đá, tố cáo nhau kinh hoàng.
Gồng mình gần hai năm trong vai Tổng Thanh tra chính phủ, chịu không thấu cảnh "trên đe, dưới búa" với các "đồng chí" xứ Bắc, Phan Văn Sáu xin rút lui khỏi vị trí, đề đạt nguyện vọng về lại Nam Bộ. Ngay sau đó, ghế Tổng Thanh tra chính phủ được dành cho Lê Minh Khái, sinh năm 1964, quê Bạc Liêu, Ủy viên Trung ương khóa XII, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Lê Minh Khái là "đệ" của Vương Đình Huệ, đầu quân phe tổng Trọng.
Quay trở lại câu chuyện Vụ trưởng Vụ 1 – Thanh tra chính phủ Lê Sỹ Bảy. Dù bê bối như thế, Lê Sỹ Bảy vẫn ngồi vững trên ghế, điều đó chứng tỏ Bảy biết chung chi đầy đủ cho cấp trên.
Vụ trưởng Lê Sỹ Bảy vẫn "đều đều" được cấp trên khen thưởng
Mới đây, vỡ ra chuyện bà Lê Hồng Sâm, thanh tra viên chính Vụ 1-Thanh tra chính phủ, "gà cưng" của Lê Sỹ Bảy, đã có 27 lần đi nước ngoài nhưng không báo cáo, không xin phép cơ quan. Thậm chí có chuyến bà Sâm vi vu ra nước ngoài để sinh con thứ 3, khi vẫn có tên trong các đoàn đang đi thanh tra, nhưng chỉ bị Đảng xử lý "khiển trách".
Nhân sự việc này, dư luận xã hội và các cán bộ lão thành cho rằng, cơ quan Thanh tra chính phủ hiện không phải là nơi chống tham nhũng, mà là "ổ tham nhũng", "nơi nhung nhúc sâu mọt", quả không sai chút nào.
Thu Hà
Nguồn : https://baotiengdan.com/2021/06/08/o-tham-nhung-hoi-lo-ngay-tai-thanh-tra-chinh-phu/
Một văn bản giải trí cực cao của Thanh tra Chính phủ
Lý Bá, RFA, 21/01/2020
Cuối năm, tình cờ thấy cái tin thuộc loại "đến hẹn lại lên" nên cũng chẳng quan trọng gì, nhưng đọc mấy mới hàng tôi đã sặc cười.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị xét xử vì tội nhận hối lộ trước tòa tại Hà Nội năm 2019 - Courtesy of VCCI
Điểm gây cười thứ nhất : "Em kính đề nghị các anh chị báo cáo cho em các anh chị hối lộ như thế nào"
Xin trích ra đây cho quý vị : "Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng và quy định tặng quà và nhận quà tặng. Cụ thể là báo cáo những trường hợp tặng quà, nhận quà trái quy định và sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi trước ngày 1/2/2020" (tức mùng 8 tết Nguyên đán).
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các đơn vị nêu trên không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp ; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động cá nhân trong dịp Tết, các lễ hội.
Tôi xin bày tỏ lời khen ngợi với khả năng sử dụng ngôn ngữ của ông Trần Ngọc Liêm. Ông đã dùng từ vô cùng uyển chuyển và khéo léo trong một văn bản thuộc lĩnh vực nhạy cảm.
Trong tiếng Việt, "đề nghị" là hành động đưa ra mong muốn với người khác, nhưng không có giá trị bắt buộc. Nếu bắt buộc thì phải dùng từ "yêu cầu". Nếu yêu cầu thì ai không thực hiện sẽ phải có lý do chính đáng và chịu chế tài khi vi phạm. Đằng này, Thanh tra Chính phủ chỉ nhỏ nhẹ "đề nghị" các anh không lạm tiêu công quỹ, không hối lộ, không nhận hối lộ. Các anh thích nghe thì nghe, không nghe chẳng sao, tôi chỉ có một ước ao, một khát khao thế thôi.
Việc yêu cầu chính những người có tiềm năng hối lộ, nhận hối lộ và lạm tiêu công quỹ phải lập báo cáo về việc làm của họ là điểm gây cười chính. Ông Liêm đang yêu cầu trẻ mẫu giáo thực hành bài học công dân hay sao ?
Tôi cá với quý vị, sau mùng 8 Tết Nguyên đán sẽ chẳng có bao nhiêu báo cáo được lập. Nếu có thì chỉ trong hai dạng : một là "thành công tốt đẹp", cơ quan chúng ta tất cả liêm khiết trong sáng như trăng rằm. Dạng thứ hai, nếu cán bộ nào bị phát hiện thì chỉ là do trật đường dây, GATO, do bị "đánh", kính thưa các đồng chí chưa bị lộ ạ !
Điểm gây cười thứ hai : Hiệu quả kiểm tra
Thanh tra Chính phủ dẫn ra 2.290 cuộc kiểm tra trong năm 2019, phát hiện gần 350 vụ, hơn 400 người vi phạm. Thế nhưng chỉ 8 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị hơn 100 triệu đồng.
Tính ra, chi phí cho ngót 2.300 cuộc kiểm tra quá đắt đỏ. Kết quả thì dĩ nhiên-như trò hề.
Gần 400 người vi phạm kia đi đâu, tại sao chưa ai nộp lại quà tặng hay hoàn lại cho công quỹ các khoản chi vượt hoặc sai chế độ, tiêu chuẩn ? Hay sẽ không nộp ? Vì sao họ không nộp ? Có hình phạt nào cho những người đã nhận quà hay tiêu xài quá tay mà không nộp lại không ? Phạm Luật chống tham nhũng thì cứ lôi luật ra xử, sao phải ra công văn nhắc nhở ? Nguồn gốc của hối lộ và lạm tiêu công quỹ là gì ? Có cơ chế nào để ngăn chặn việc này không ?
À, dân thì ai chẳng biết nhưng ông Phó tổng Thanh tra Chính phủ không biết. Mọi chuyện minh bạch rõ ràng y như bầu trời Hà Nội mùa cao điểm bụi mịn.
Điểm gây cười thứ ba : Phát hiện 10 người vi phạm trong minh bạch tài sản
Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, năm 2018 có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập để minh bạch. Phát hiện 10 người vi phạm, đã kỷ luật 8, đang xem xét kỷ luật 2 trường hợp.
Tôi lại lăn ra cười với cái "phát hiện" này. Kê khai tài sản là quy định bắt buộc đối với cán bộ từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương. Cả nước Việt Nam, dạng này có hàng trăm ngàn người, và thôi chẳng đếm chi cho mệt, cứ căn theo số vụ tham nhũng đã mang ra xét xử cũng đủ thấy số vi phạm phải gấp vài trăm lần, chứ sao chỉ có 8 người được. Ông Phó tổng thanh tra Chính phủ muốn đùa hay gì ?
Cách đây 14 năm, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp. Năm 2020 đến được 21 ngày rồi, chửa biết nước ta đã công nghiệp trong các nền khác chưa chứ nền công nghệ tham nhũng thì ta cho bọn 4.0 hít khói từ lâu lắm. Giờ này còn nghĩ tham nhũng là biếu tiền trong phong bì, xách quà lễ mễ đến nhà hay vác xe công đi ăn nhậu, đi du hí, đi lễ chùa… thì xin mời Thanh tra Chính phủ về lại đĩa bay cho chóng. Ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đô la, chắc bên kia khiêng mấy valy đến nhà bảo, bác ơi cho em mượn cái máy đếm tiền em đếm cho cẩn thận kẻo mất lòng hai bên ạ ?
Cơ mà, nói thế thôi, chẳng ai tin ông Trần Ngọc Liêm lại cà dốt hay ngây thơ đến thế.
Thế thì đường đường là cơ quan phụ trách việc kiểm tra nội bộ cao nhất của cả một thể chế, có vai trò như con gõ kiến suốt đời chỉ đi tìm bắt sâu đục thân cây, cớ sao ông vẫn trịnh trọng ký hẳn một cái công văn không bói ra được một gam hiệu quả nào, một ly răn đe nào vào những ngày nhà bao nhiêu việc thế này ? Ông rảnh ? Ông hài quá ? Ông muốn gõ nhẹ một cái ?
Hay thực ra ông đúng là người miền Bắc có lý luận, nên mới chọn những ngày đốt lò hừng hực để tận hiến nhân dân một trò giải trí cao tay nhằm chứng minh cho thiên hạ thấy có những cơ quan Nhà nước quan trọng nhưng thực chất đang vô dụng đến mức nào.
Còn quý vị nghĩ sao ?
Lý Bá
Nguồn : RFA, 21/01/2020
******************
Tổng bí thư : Hiếm có đảng cầm quyền nào trên thế giới được dân tin yêu như 'Đảng ta'
VOA, 21/01/2020
Mặc dù thú nhận "không phải không có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm", nhưng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm khuyết điểm này và kiên quyết sửa chữa, dù đau đớn, nên đã khiến cho người dân càng tin tưởng vào đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên giường bệnh. Ảnh biếm họa (facebook Nhật Ký Yêu Nước)
"Nói một cách công bằng và thẳng thắn, không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, dù có đau đớn hay phải đối diện với muôn vàn khó khăn, rào cản", ông Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo Quân Đội Nhân Dân vào ngày 20/1, nhân dịp Tết Nguyên Đán và kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vẫn theo lời ông Trọng, chính nhờ tinh thần "tự phê bình và phê bình này" mà "hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam".
Bài phỏng vấn đặc biệt Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đưa ra vào thời điểm công luận vẫn chưa ngớt chỉ trích Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam về hành động được cho là "thất nhân tâm" khi thực hiện cuộc bố ráp, đột kích vào làng Đồng Tâm khiến cho "thủ lĩnh tinh thần" của người dân làng – ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – và 3 công an thiệt mạng vào ngày 9/1, ngay thời điểm sát Tết Nguyên Đán, dịp hội tụ quây quần của các gia đình Việt Nam.
Bộ Công an quy kết ông Lê Đình Kình và hàng chục người dân làng Đồng Tâm là "đối tượng chống đối" và đưa ra quyết định khởi tố vụ án ngay sau đó đối với 22 người làng Đồng Tâm (trong đó có nhiều người là con cháu ông Kình) về 3 tội danh : giết người, tàng trữ-sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ.
Trong khi đó, 3 công an tử vong ngay lập tức được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cương vị Chủ tịch nước, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cấp bằng "Tổ quốc ghi công" và Bộ Công an thăng cấp bậc hàm vượt cấp.
Theo nhận định của một số người quan sát tình hình thời sự Việt Nam, chưa có vụ tranh chấp đất đai nào từ trước tới nay lại dẫn đến sự phân hóa, chia rẽ công luận và rạn vỡ xã hội như trong vụ Đồng Tâm.
Hơn 10 ngày kể từ sau khi xảy ra vụ việc, công luận vẫn có thể nhìn thấy rõ làn sóng bất bình của người dân biểu lộ qua mạng xã hội và những hành động "bất tuân dân sự".
Chẳng hạn, ngay sau khi Bộ Công an tuyên bố việc phong tỏa số tiền phúng điếu ông Kình với hơn nửa tỷ đồng (gần 23.000 USD) mà người dân đóng góp là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi "tài trợ khủng bố", kêu gọi người dân "nâng cao cảnh giác, không gửi tiền và tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ" và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý", thì người dân không những không tuân theo mà còn lập tức "tỏ thái độ" bằng cách kêu gọi tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi lưu giữ số tiền gây quỹ trên, và đồng thời gây một quỹ khác trên GoFundMe và đóng góp số tiền còn nhiều hơn số tiền đã bị công an phong tỏa, gần 35.000 USD (vào tối 21/1) chỉ sau 3 ngày kêu gọi.
Một số người khác, đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Quang A – người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, đã đến Viện kiểm sát Hà Nội nộp đơn "tố cáo" về hành vi giết người trong vụ việc mà họ cho là chính quyền đã "tấn công" vào người dân tại Đồng Tâm.
Nguồn : VOA, 21/01/2020
Thông qua báo chí, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa bảo với đồng bào rằng, lực lượng Thanh tra của chính phủ sẽ "rà soát" chuyện giới lãnh đạo của lực lượng này lũ lượt dắt díu nhau đi ngoại quốc bằng công quỹ để "làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng", trước khi… đồng loạt nghỉ hưu (1).
Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra của chính phủ hứa : Xử lý nghiêm những cán bộ ngành Thanh tra vi phạm quy định
Cho dù hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang ra sức chứng minh nỗ lực phòng – chống tham nhũng là hết sức… quyết liệt, không hề có… vùng cấm nhưng chuyện Thanh tra thuộc chính phủ từ cao cấp đến trung cấp, lũ lượt dắt díu nhau đi ngoại quốc trong lúc "chờ hưu", chính là ví dụ minh họa mới nhất, rõ ràng nhất cho thấy thời đại tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sẽ còn… huy hoàng.
***
Đầu tuần trước, tờ Tuổi Trẻ công bố một thống kê, theo đó, từ tháng 8 năm ngoái đến tháng ba năm nay, lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam liên tục thành lập các "Đoàn công tác", cử đến Đan Mạch, Nga, Nam Hàn, Nhật, Hồng Kông. Thành viên trong các "Đoàn công tác" này bao gồm viên chức thanh tra đủ cấp, từ những cá nhân cao cấp nhất đến lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, kể cả nhà báo của cơ quan ngôn luận thuộc ngành Thanh tra.
Tờ Tuổi Trẻ không cho biết tổng chi phí cho các "Đoàn công tác" là bao nhiêu mà chỉ kể rằng, tất cả thành viên của các "Đoàn công tác" đều được ngân sách đài thọ từ tiền mua vé máy bay khứ hồi quốc tế, tiền mua vé máy bay, vé tàu, thuê phương tiện đi lại ở các quốc gia mà họ đến trong thời gian công tác, đến chi phí khách sạn, ăn uống, điện thoại, kể cả tiền… tiêu vặt, cùng với đủ thứ chi phí khác (bảo hiểm, thuê phiên dịch,…), theo đúng qui định chi tiêu cho công vụ ở ngoại quốc mà Bộ Tài chính ban hành.
Điểm đáng chú ý là cho dù mục tiêu của các đợt công tác tại ngoại quốc được minh định nhằm "làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng" nhưng "Đoàn công tác" nào cũng có các viên chức đã nhận được quyết định cho nghỉ hưu như : ông Lê Khả Thanh (Phó Văn phòng của lực lượng Thanh tra thuộc chính phủ Việt Nam), ông Nguyễn Thanh Hải (Tổng Biên tập báo Thanh tra), ông Đặng Quang Trọng (cán bộ Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra),…
Cũng vì vậy, sau khi cùng với các "Đoàn công tác" ra ngoại quốc "làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng", những viên chức có tên như vừa kể đều đã nghỉ hưu ngay sau đó. Dù muốn những Lê Khả Thanh, Nguyễn Thanh Hải, Đặng Quang Trọng,… cũng chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng kiến thức đã thu thập được từ Châu Âu, Châu Á với… vợ con, cháu chắt, rộng hơn là với các đồng chí đang sinh hoạt trong… tổ hưu !
***
Tham nhũng không đơn thuần là lạm dụng công quyền để thu đoạt các lợi ích vật chất có thể định danh, định tính, định lượng một cách dễ dàng. Tham nhũng còn là lạm dụng công quyền để thủ đắc lợi ích dưới những hình thức hết sức đa dạng khác. Không phải tự nhiên mà phòng ngừa tham nhũng luôn luôn song hành với chống lãng phí. Lãng phí không chỉ tạo tiền đề thuận lợi cho tham nhũng. Lãng phí là một trong các dạng thức tham nhũng.
Không phải tự nhiên mà Thanh tra của chính phủ Việt Nam – lực lượng chính trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam – liên tục tổ chức thanh tra việc sử dụng công quĩ, cử các đoàn đi công tác ở ngoại quốc. Năm ngoái, lực lượng này từng làm công chúng bàng hoàng khi công bố kết quả thanh tra chuyện lập đoàn, cử người đi công tác ở ngoại quốc của bốn bộ và sáu tỉnh : Chỉ trong bốn năm, từ 2012 đến 2016, bốn bộ và sáu tỉnh này đã chi hơn 1.000 tỉ, lập 17.500 "Đoàn công tác" ở ngoại quốc.
Kết luận thanh tra vừa kể được công bố vào tháng 7 năm 2018. Lúc đó, Thanh tra của chính phủ Việt Nam từng dõng dạc đề nghị Thủ tướng Việt Nam yêu cầu các bộ, địa phương có liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định hình thức xử lý tương xứng với vi phạm. Trong đủ loại vi phạm các qui định hiện hành về thành lập "Đoàn công tác" cử người đi ngoại quốc, có cả vi phạm sử dụng danh nghĩa công tác, lấy công quỹ đưa các viên chức sắp, thậm chí đã nghỉ hưu đi du lịch ở ngoại quốc (3).
Giờ, người ta mới biết, vào đúng thời điểm công bố Kết luận thanh tra việc các bộ : Tài chính, Công Thương, Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh : Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang thành lập 17.500 "Đoàn công tác", cử 53.000 lượt viên chức đi ngoại quốc trong bốn năm từ 2012 đến 2016, giới lãnh đạo lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam còn thản nhiên phê duyệt kế hoạch thành lập các "Đoàn công tác"… tương tự !
Thanh tra của chính phủ Việt Nam, lực lượng chuyên trách, được giao đảm nhận vai trò "tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, tổ chức kiểm tra việc chấp hành, thực thi các qui định pháp luật trong hệ thống công quyền, thông qua đó xác định nguyên nhân tham ô, lãng phí để khuyến nghị các cấp có thẩm quyền đặt định những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa, giải quyết tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí" (4)mà cũng ô trọc, trâng tráo như thế thì còn bàn tay nào đủ sạch để phòng – chống tham nhũng ?
***
Chuyện lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam cũng thành lập các "Đoàn công tác", rồi chọn – cử những thành viên từ cao cấp đến trung cấp đi Châu Âu, Châu Á "làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng", trước khi… họ đồng loạt nghỉ hưu cho thấy, dù tệ nạn đã trở thành quốc nạn, tham nhũng vẫn đang trong giai đoạn… huy hoàng.
Sự huy hoàng đó được chính lực lượng thanh tra tham gia tô điểm không chỉ bằng scandal vừa kể mà còn bằng những khối tài sản khổng lồ ai cũng biết từ đâu mà ra của những Tổng Thanh tra như : Trần Văn Truyền (5), Huỳnh Phong Tranh (6),… những Phó Tổng Thanh tra như Ngô Văn Khánh (7),… Khi không phải Thanh tra viên, chỉ là nhân viên cấp thấp như Hoàng Đức Cần mà cũng có thể khai thác cả uy thế lẫn ưu thế của lực lượng chuyên trách phòng – chống tham nhũng để bóp cổ cả mẹ liệt sĩ lấy thù lao giải quyết khiếu nại, tố cáo (8)thì thay vì chỉ "hưởng dương" tham nhũng dư điều kiện để "hưởng thọ".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/04/2019
Chú thích :
(3) https://vnexpress.net/thoi-su/bon-bo-nganh-chi-hon-1-000-ty-di-nuoc-ngoai-mot-nhiem-ky-3775172.html
(4) http://www1.napa.vn/tcqlnn/vai-tro-cua-thanh-tra-nha-nuoc-trong-phong-ngua-tham-nhung.htm
(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Văn_Truyền
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Huỳnh_Phong_Tranh
(7) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/pho-tong-thanh-tra-cp-len-tieng-ve-tai-san-khung-164399.html