Ông Nguyễn Văn Man (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4), ông Nguyễn Hữu Hùng (Đại tá, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) cùng với 11 người khác vẫn còn mất tích. Sự kiện này chính là một ví dụ về nhận thức và khả năng ứng phó với thiên tai tại Việt Nam yếu kém tới mức đáng ngạc nhiên…
Mưa lớn gây khó khăn cho di chuyển do bão Dianmu gây ra, tháng 8, 2016. Hình minh họa.
***
Cả tuần sau khi gần như toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế chìm trong nước, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mới thông báo thành lập Sở Chỉ huy Tiền phương để chỉ đạo các đơn vị quân đội trong vùng hỗ trợ chính quyền và dân chúng các địa phương bị lũ, lụt, ứng phó với lũ, lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Sở Chỉ huy Tiền phương được thành lập vào chiều 11 tháng 10 với Chỉ huy trưởng là ông Man. Tờ Quân đội nhân dân loan tin này vào ngày hôm sau (12 tháng 10), kèm ảnh ông Man cùng với tùy tùng tặng… một thùng mì cho… một nạn nhân lũ lụt ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế (1).
12 tháng 10 cũng là ngày chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận được tin vừa xảy ra sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 và có hàng chục công nhân bị vùi lấp. Theo tờ Nhân Dân, đó là lý do ông Man, ông Hùng, ông Nguyễn Thanh Bình (Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế) cùng với 18 người kháckhẩn trương lên rừng tìm kiếm, cứu nạn (2).
Tờ Tuổi Trẻ cho biếtĐoàn Tìm kiếm – Cứu nạn do ông Man làm Trưởng đoàn, khởi hành lúc hai giờ chiều 12 tháng 10, dự trù đi từ Huyện ủy Phong Điền đến Thủy điện Rào Trăng 3. Do đường ngập sâu trong nước, bốn giờ chiều, đoàn này phải bỏ xe và dự tính đi bộ đến hiện trường. Chín giờ tối 12 tháng 10, đoàn này đến Trạm Kiểm lâm Sông Bồ và quyết định dừng lại, nghỉ qua đêm. Khoảng 0 giờ ngày 13 tháng 10, sau một tiếng nổ lớn, đất, đá từ trên núi đổ xuống phủ kín Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. May mắn là có tám người chạy thoát, trong số này có ông Nguyễn Thanh Bình. 13 người còn lại, trong đó có ông Man, ông Hùng mất tích (3)…
***
Tổn thất nhân mạng dù bất kỳ là ai cũng đều đáng buồn và là điều đáng tiếc, song sự kiệnPhó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Tiền phương ứng phó với lũ lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, cùng vớiPhó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lâm nạn với 11 người nữa, cho thấy, ngay cả khi xảy ra tình huống đặc biệt khẩn cấp (cứu những người đang bị vùi trong đất, đá), hoạt động cứu nạn tại Việt Nam vẫn nặng về… trình diễn, thiếu thực chất.
Vì sao đề nghị cứu nạn gửi tới Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết rất rõ, đất, đá sạt lở đã vùi kín toànhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3, hàng chục người đang bị chôn sốngmà Đoàn Tìm kiếm – Cứu nạn chỉ có 21 người và không hề mang theo phương tiện chuyên dụng ?
Làm sao tìm kiếm và cứu nạn khi đoàn chỉ toàn viên chức :Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Tiền phương ứng phó với lũ lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phó Chủ tịch tỉnh. Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa - Thiên Huế. Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan(4)... Thành phần như thế đến hiện trường tai nạn để tìm gì và cứu gì ?..
***
Ba ngày trước khi xảy ra vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, hôm 9 tháng 10, tàu Vietship 01 đang neo tại cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) thì bị đứt neo và bị nước cuốn ra biển. Tuy Vietship 01 bị mắc cạn rồi chìm tại vùng nước cách bờ chỉ chừng một cây số, chỉ còn mũi tàu và ống khói cao hơn mặt nước, 4/12 thủy thủ đã nhảy xuống biển, bơi vào bờ cầu cứu nhưng chính quyền tỉnh Quảng Trị loay hoay suốt ba ngày vẫn không thể giải cứu tám thủy thủ còn lại...
Sóng to, gió lớn, các tàu tham gia cứu nạn không những không thể tiếp cận được Vietship 01 mà một trong những tàu đánh cá tham gia cứu nạn còn bị nhấn chìm nên có thêm ba ngư dân bám vào phần mũi của Vietship 01, nâng số nạn nhân từ 8 thành 11… Ngày 10 tháng 10, một tàu đánh cá cứu được 2/3 ngư dân tham gia cứu nạn gặp nạn, số nạn nhân từ 11 giảm xuống còn 9. Tối 10 tháng 10, một trong chín nạn nhân bị sóng cuốn khỏi tàu và mất mạng…
Sáng 11 tháng 10, 2/8 nạn nhân đánh liều, ôm phao nhảy xuống biển bơi vào bờ và được lực lượng cứu nạn vớt. Sau đó, sáu người còn lại được trực thăng của quân đội thả dây kéo khỏi ống khói tàu, đưa họ vào bờ… Ông Nguyễn Xuân Phúc đã gửicông điện khen ngợi các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Quân khu 4, toàn thể các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các bộ, ngành, cơ quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả của nhân dân dân địa phương… Đối với tìm kiếm – cứu nạn, thủ tướng Việt Nam vẫn không nhìn thấy vấn đề mấu chốt…
Trò chuyện với tờ Thanh niên, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, thú nhận :Dù chính quyền các cấp tại địa phương đã huy động toàn bộ người, phương tiện sẵn có, đặc biệt là sử dụng kinh nghiệm của ngư dân để ứng cứu nhưng không được. Phải đến khi có trực thăng và lực lượng đặc công nước thì cuộc cứu nạn mới thành công. Đây là một bài học kinh nghiệm về chủ động, trang bị thêm các thiết bị, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn tinh nhuệ hơn, hiện đại hơn để ứng cứu trong những tình huống sau này (5).
***
Sông Rào Trăng hay Khe Bùn là một con sông có nguồn từ các đỉnh núi tọa lạc ở khu vực thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chiều dài của sông Rào Trăng chỉ chừng 26 cây số nhưng hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam đã cho phép xây dựng bốn công trình thủy điện theo dạng bậc thang. trên cùng là Thủy điện A Lin B1, kế đó là A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 (6).
Tuy bão, lũ, lụt, sạt lở không xa lạ gì với người Việt, đặc biệt là khu vực miền Trung nhưng cách ứng xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam cho thấy, họ không thể hoặc không thèm dự liệu, chuẩn bị cho việc ứng phó với thiên tai cả về kế hoạch lẫn phương tiện. Đó chính là lý do Đoàn Tìm kiếm – Cứu nạn do ông Nguyễn Văn Man làm Trưởng đoàn lâm nạn. Đó cũng chính là lý do đủ loại ngành, cấp ở Quảng Trị loay hoay suốt ba ngày để cứu tám người gặp nạn ở vùng nước cách bờ chỉ chừng một cây số nhưng suýt mất thêm người chứ không cứu được ai, trong khi thực tế cho thấy, trực thăng chỉ mất chừng… 20 phút.
***
Tìm kiếm – cứu nạn khi xảy ra thiên tai hoặc những tình huống ngặt nghèo, khẩn cấp, không bao giờ có thể có hiệu quả khi chỉ loanh quanh với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các loại cấp ủy, chính quyền, sự sáng tạo, dũng cảm của các loại lực lượng. Loại công việc này đòi hỏi cả sự chuyên nghiệp lẫn phương tiện ứng cứu hiện đại, đa dạng. Việt Nam có không ? Câu trả lời là không. Không phải vì không có tiền mà vì tiền đã được dốc hết vào những dự án nhằm khẳng định sự ưu việt của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vào những tượng đài, cổng chào ca ngợi, biết ơn bác, đảng, vào các đại hội đảng…
Nếu thật sự quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân như thiên hạ, thiên tai sẽ không tạo ra vô số câu chuyện não lòng vì không được giúp ngay, cứu kịp do thiếu đủ loại phương tiện thiết yếu như đã và đang thấy. Nếu thật sự quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân như thiên hạ, chắc chắn Thừa Thiên – Huế, Quân đoàn 4,… rộng hơn là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã phải soạn sẵn kịch bản ứng phó với những tình huống như lũ, lụt, sạt lở ở lưu vực Rào Trăng. Nhân lực, tài lực chưa bao giờ được dùng vào những chuyện như thế vì nhân lực, tài lực đã được dồn vào việc chuẩn bị, mua sắm phương tiện, diễn tập chống bạo động !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/10/2020
Chú thích
(3) https://tuoitre.vn/sat-lo-tram-67-gan-thuy-dien-rao-trang-3-xay-ra-nhu-the-nao-20201013200552759.htm
(5) https://thanhnien.vn/thoi-su/bai-hoc-cuu-ho-thuyen-vien-tau-vietship-01-1290268.html