Một thế giới truyền thông ngoài truyền thống
Truyền thông bảo thủ là một bộ máy phun sương mù khổng lồ được thiết kế để làm người ta hoang mang và mất phương hướng
(The conservative media is a giant fog machine designed to confuse and disorient people).
Charlie Sykes,
cựu hướng dẫn viên chương trình của đài phát thanh bảo thủ.
---------------------
Ben Shapiro, 34 tuổi, là cái loa phóng thanh của giới trẻ bảo thủ Mỹ. Với cách đáp ứng nhanh nhẹn và khả năng lý luận thông minh, Shapiro là người thừa kế của một trong nhiều ông vua truyền thông bảo thủ, chẳng hạn như hướng dẫn viên chương trình phát thanh Rush Limbaugh và gương mặt truyền hình Sean Hannity.
Shapiro không sợ đụng chạm và trở thành nổi tiếng khi đi đến các trường đại học tự do để tranh luận với những người không đồng quan điểm.
Ngay từ lúc 17 tuổi, Shapiro đã là nhân viên chính thức của đài truyền thanh và trước khi đầy 22 tuổi, cựu sinh viên Havard này đã viết hai cuốn sách có cái tít gây sốc Brainwashed : How Universities Indoctrinate America’s Youth và Porn Generation : How Sosial Liberalism Is Corrupting Our Future.
Shapiro dành nhiều thời gian để chỉ trích cánh tả. Hiện nay anh cầm đầu chương trình podcast The Ben Shapiro Show và là biên tập viên của trang tin tức The Daily Wire.
Ngôi sao truyền thông trẻ tuổi này rất bén nhạy và cay độc. Giễu cợt là vũ khí hàng đầu của anh và mọi người yêu thích. Shapiro không sợ đụng chạm và trở thành nổi tiếng khi đi đến các trường đại học tự do để tranh luận với những người không đồng quan điểm. Những đề tài anh đề cập có thể đoán trước được : quyền lực của nhà nước, giáo dục gia đình, ảnh hưởng của cộng đồng LGBT, phá thai, sở hữu vũ khí, v.v… Dù thường được xem là đại diện quan trọng nhất của thể loại này, kênh truyền hình Fox News vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Posdcast của Shapiro được tải xuống 15 triệu lần mỗi tháng. Ngoài ra, anh còn là bình luận viên thường xuyên trên một số kênh truyền hình và có trang Facebook riêng.
Tin tức bảo thủ là "big business", thông qua nhiều cơ sở truyền thông, tiếp cận hàng chục triệu người Mỹ mỗi ngày. Ngành công nghiệp này phát triển mạnh bằng cách tạo cơ hội cho các chính trị gia cộng hòa lên tiếng cáo buộc tất cả các phương tiện truyền thông chính thống đều thiên tả, và chỉ có các kênh bảo thủ mới cung cấp toàn bộ sự thật. Mỗi ngày, truyền thông bảo thủ kiếm được rất nhiều tiền bằng cách vùi dập tính độc lập còn lại của báo chí (đối thủ cạnh tranh). Kết quả là người Mỹ bảo thủ có nghi ngờ sâu sắc đối với đại đa số các nguồn tin chính thức trong nước.
Cung cấp thông tin bảo thủ là một thể loại được gọi là "truyền thông ngoài truyền thống" (alternative media). Những người phổ biến tin tức kiểu này không che giấu lập trường ý thức hệ. Họ nỗ lực tiếp cận các phân khúc hẹp hơn trong thị trường truyền thông – đặc biệt nhắm đến những người dân chủ hay cộng hòa quan tâm thu thập tin tức từ các nguồn thiên vị. Sự xuất hiện của các kênh truyền thông ngoài truyền thống như vậy đã phân mảnh bức tranh truyền thông Hoa Kỳ và góp phần chia rẽ nước Mỹ.
"Truyền thông tự do" không thành công nhiều như truyền thông bảo thủ. Nhiều người đã thử. Trang web The Huffington Post rất phổ biến trong nhiệm kỳ tổng thống Bush Jr. nhưng mất cả độc giả lẫn danh tiếng trong 10 năm qua. "Đài phát thanh tiếng nói tự do" chưa hề cất cánh. Vào giữa những năm 2000, kênh Air America đã cố gắng tạo thị trường cho thể loại này nhưng cũng phá sản năm 2010. Trong nhiều năm, mặc dù các diễn viên hài trên TV như John Steward, Steven Colbert và John Oliver đã thành công lớn với chương trình châm biếm chính trị, họ vẫn chưa bao giờ cố gắng trở thành những người phát sóng tin tức nghiêm chỉnh.
Lời giải thích là có thể các cử tri tự do, trái ngược với các đối thủ chính trị của họ, tin vào thực chất của các nguồn tin chính thống. Họ nghe NPR hay đọc những tờ báo lớn như Washington Post và New York Times. Một giải thích cụ thể hơn áp dụng cho các nhóm thiểu số ở Hoa Kỳ, phần lớn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, là họ chọn các kênh liên quan đến người Mỹ gốc Châu Phi hay các chương trình tiếng Tây Ban Nha. Nhưng điều này không có nghĩa là các phương tiện truyền thông này không lớn mạnh bên cánh tả. Các cử tri tự do có khuynh hướng thích tin tức từ các nguồn ôn hòa.
Người đàn ông khả kính nhất nước Mỹ
Để hiểu được sự xuất hiện của truyền thông ngoài truyền thống, chúng ta phải đi ngược lại thời gian.
Ngày 20 tháng Bảy 1969, người Mỹ thực hiện cuộc đổ bộ mặt trăng lần đầu tiên trong lịch sử. Toàn thế giới theo dõi sự kiện này sau khi phi hành gia Neil Amstrong gửi về trái đất câu nói nổi tiếng : "Đây là bước nhỏ bé của một người nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại". Chính người đưa tin Walter Cronkite đã truyền lại câu nói này khắp thế giới.
Mỗi ngày Cronkite tường thuật mạch lạc và sâu sắc tin tức đến hàng triệu gia đình Mỹ. Thời gian này chỉ có vài kênh TV. Cronkite được cả nước biết đến. Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông là "người khả tín nhất nước Mỹ". Hướng dẫn viên chương trình này được người dân ngưỡng mộ hơn cả các chính trị gia, các ngôi sao thể thao và những người nổi tiếng. Cronkite là biểu tượng Mỹ trong giai đoạn phần lớn người dân tin nhiều vào truyền thông. Khi Cronkite ở đỉnh cao của sự nghiệp, 78% người Cộng hòa và 64% người Dân chủ tin rằng truyền thông đã hoạt động hợp lý khi chống lại cả hai đường lối chính trị.
Sự tín nhiệm như vậy đối với truyền thông không phải lúc nào cũng là chuẩn mực trong lịch sử Hoa Kỳ. Giai đoạn chiến tranh giành độc lập từ 1775 đến 1783, trong giới làm báo, có sự chia rẽ giữa những người ủng hộ cuộc nổi dậy và những người muốn các thuộc địa vẫn trung thành với vương quốc Anh.
Trong một Hợp Chủng Quốc Mỹ tân lập, báo chí sát cánh với các đảng phái khác nhau và sinh hoạt như cơ quan ngôn luận của các chính trị gia. Vào giữa những năm 1800, báo chính trị bị những tờ báo lá cải cạnh tranh. Hầu hết mọi người đều chú ý đến tin tức. Đến cuối thế kỷ, mối quan tâm này bùng nổ. Số lượng báo và độc giả tăng mạnh. Nhiều tờ báo tập trung tường thuật các tin giật gân, tin đồn và các vụ hình sự. Đồng thời báo chính trị ít dần.
Qua thế kỷ 20, báo chính trị tái chiếm thị trường. Việc ghi tên ký giả trong bài báo trở thành phổ biến để tác giả phải chịu trách nhiệm bài viết của mình. Năm 1930, số lượng độc giả tăng lên 40 triệu và quyền lực của báo chí cũng tăng theo. Trong những năm 1960 – 1970, nhiều người tin rằng báo chí là khởi điểm tốt nhất để dẫn đến sự công bằng và bình đẳng xã hội. New York Times và Washington Post tường thuật về cái gọi là Pentagon Papers, các tài liệu liên quan đến chuyện lính Mỹ ở Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò báo chí như cơ quan quyền lực thứ tư. Cuộc đấu tranh không mệt mỏi của Washington Post đã vạch trần vụ bê bối Watergate.
Trong giai đoạn này, báo chí rất được tôn trọng vì hai lý do : giữa các tòa báo ít có sự cạnh tranh nên nhà báo có rộng thời gian để tập trung vào những vấn đề lớn. Đây cũng là thời điểm các đảng phái chính trị ít bị phân cực, do đó các chính trị gia không dùng nhiều thì giờ để chỉ trích các phương tiện truyền thông.
Chiến dịch bôi nhọ có chủ ý
Những năm 1960 – 1970 là thời hoàng kim của báo chí Mỹ nhưng cũng là lúc có dấu hiệu phân mảnh trong tương lai. Trong chiến dịch năm 1964, Barry Goldwater đã sỉ nhục báo chí bằng hàng chữ "Eastern Liberal Press". Goldwater và cánh bảo thủ cho rằng cả nhà báo lẫn cánh hữu Cộng hòa ôn hòa thuộc giới tinh hoa ở bờ biển phía Đông Hoa Kỳ. Và họ không phải là những người duy nhất tin vào chuyện này.
Năm 1968, buổi họp thường niên của đảng Dân chủ ở Chicago kết thúc với sự hỗn loạn trong phòng họp và bạo động trên đường phố bên ngoài. Người bảo thủ xem TV khắp nơi trong nước phản ứng với các đài truyền hình và quả quyết truyền thông không tường trình đúng mức cuộc bạo loạn của những người biểu tình.
Năm 1969, Spiro Agnew, phó tổng thống của Nixon, cáo buộc các đài truyền hình phát sóng tin tức chính trị một chiều. Trong bài phát biểu, ông mô tả các nhà bình luận và các hướng dẫn viên chương trình như cái trục New York – Washington sống trong một thế giới khác với phần còn lại trong nước. Từ đó, quả quyết của Agnew được các chính trị gia cộng hòa nhắc lại và biến cải nhiều lần. Newt Gingrich chọn thuật ngữ "elite media", trong khi ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin rất thích cái tên "lamestream". Trump liên tục sử dụng cụm từ "fake news media" và thường xuyên tuyên bố truyền thông là kẻ thù của nhân dân. Chúng là những thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực được biết đến nhiều nhất và truyền thông bảo thủ thường xuyên lặp lại. Khi mở kênh Fox News, rất hiếm khi người ta không nghe hướng dẫn viên chương trình và khách mời không ném ra những thuật ngữ như "liberal media" hoặc "the anti-Trump, leftish media establishment".
Cánh hữu luôn cáo buộc truyền thông có khuynh hướng thiên tả khi tường thuật tin tức nên quan điểm chính trị của người dân dựa trên nền tảng sai lầm. Vì vậy, các kênh bảo thủ cần tái cân bằng bức tranh thực tế sai lệch. Để điều chỉnh sự mất cân bằng này, các chính trị gia đảng Cộng Hòa đã thay đổi luật chơi nhiều lần. Các kênh phát sóng ở Hoa Kỳ được đặt dưới sự quản lý của The Federal Communications Commission (FCC). Ủy ban này gồm năm thành viên do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng Viện phê chuẩn. Tối đa ba thành viên có thể cùng chung một đảng. Trong nhiệm kỳ tổng thống của Ronald Reagan, đảng Cộng hòa có được đa số tại FCC và xóa bỏ luật có tên là The Fairness Doctrine. Luật này yêu cầu tất cả các đài phát thanh phải d
ành một khoảng thời gian phát sóng nhất định để đưa ra các đề tài đang gây tranh cãi trong công chúng. Ngoài ra, các kênh phải đại diện cho cả hai bên về cùng một vấn đề và chuẩn bị truyền thanh đúng công tâm. Biện luận cho các quy định là, trước kia ở Mỹ, có quá ít kênh phát sóng nên cần có sự can thiệp của nhà nước để bảo đảm các vấn đề quan trọng phải được thảo luận và các quan điểm khác biệt có cơ hội được trình bày. Đến thập niên 1980, đảng Cộng hòa cho rằng đây không còn là vấn đề nữa. Bằng cách loại bỏ các rào cản đối với việc đơn phương bàn về tin tức chính trị đã mở cửa cho một phương tiện mới : Talk Radio.
Rush Limbaugh và Fox News
Ngày nay, hơn một nửa dân số Mỹ nghe radio mỗi ngày. Mặc dù nhiều người chủ yếu nghe nhạc hay thể thao, talk radio là hiện tượng rất phổ biến. Đây là thể loại phát thanh kéo dài hàng giờ, kết hợp với âm nhạc, để thuyết trình viên và người gọi vào có dịp trao đổi ý kiến với nhau.
Rush Limbaugh là ông vua talk radio với 27 triệu thính giả nghe đài mỗi ngày
Trong thị trường talk radio, hơn 90% các chương trình có góc độ bảo thủ và được hàng triệu người nghe mỗi ngày. Rush Limbaugh là ông vua talk radio và phụ trách công việc này trên 30 năm. Giống như phần lớn những người khác cùng ngành, ông hay nói về chính trị, thường với giọng điệu dân túy, bảo thủ và châm chọc. Gây sốc là mục tiêu của hướng dẫn viên radio này. Ngay trong những năm 1990, ông đã dùng các thuật ngữ như "feminazis", "environmental wackos" hay "commie liberals". Việc bãi bỏ nguyên tắc Fairness đã giúp Limbaugh có được nhiều thính giả hơn qua làn sóng radio và công nghệ này cũng giúp ông tiến xa. Trong khi các kênh radio nhỏ ở địa phương cần hướng dẫn viên chương trình, các kỹ thuật phát sóng mới trong những năm 1990 đã cho họ cơ hội truyền tải các chương trình quốc gia và chỉ cần trả một phần chi phí. Ngoài ra, vì âm nhạc có thể truy cập dễ dàng hơn trên internet nên các đài phát thanh cần phải có cái gì để bù vào khoảng trống trong chương trình. Đối với các đài địa phương, Limbaugh là một chọn lựa rất thích hợp vì ông lấp đầy thời gian phát sóng và đã thu hút được nhiều thính giả.
Nhân vật hướng dẫn chương trình bảo thủ này nhận được sự giúp đỡ từ Washington. Năm 1996, đảng Cộng hòa ở Quốc hội với Newt Gingrich đứng đầu, đã bãi bỏ quy định về quyền sở hữu trong thị trường radio. Trước kia, tư nhân chỉ có thể sở hữu tối đa 24 kênh phát sóng quốc gia. Đảng Cộng hòa đã loại bỏ giới hạn này. Thị trường tái lập nhanh chóng sau khi vài doanh nghiệp mua nhiều ngàn kênh. Doanh nghiệp lớn nhất trong số này là công ty Clear Channel. Nhiều lãnh đạo bảo thủ Cộng hòa từ Texas, có quan hệ mật thiết với gia đình Bush, sở hữu và quản lý công ty này. Các cải cách bảo đảm cho nhiều tiếng nói bảo thủ trên làn sóng radio, như Rush Limbaugh, đột nhiên tiếp cận được nhiều thính giả mới.
30 năm sau khi ra mắt, lịch phát sóng của Rush Limbaugh vẫn tiếp tục đều đặn từ 2 đến 3 tiếng mỗi ngày. Ông cho biết 27 triệu người Mỹ hàng ngày nghe chương trình của ông. Chuyện này làm ông trở thành người dẫn chương trình radio nổi tiếng nhất nước Mỹ, với một chương trình được phát sóng trên hơn 600 kênh địa phương. Limbaugh được biết đến là người hay có những câu tuyên bố gây tranh cãi. Năm 2012, ông gọi một phụ nữ trẻ lên sóng phát thanh sau khi cô công khai tuyên bố bảo hiểm y tế chỉ nên dùng để trả cho việc kiểm soát sinh đẻ. Năm 2016, Limbaugh khiến nhiều người lắc đầu khi ông tuyên bố chính quyền Obama đang cố gắng chuyển các quỹ của nhà nước cho nông dân đồng tính nữ để họ xâm chiếm các khu vực bảo thủ.
Danh tiếng của Limbaugh giảm bớt trong những năm gần đây nhưng chuyện này không có nghĩa chương trình của ông không còn được yêu thích. Có lẽ các phương tiện truyền thông ngoài truyền thống đã lan sang các bình diện mới khác, chủ yếu là truyền hình và internet.
Ruper Murdock, một ông trùm trong ngành truyền thông người Úc, vào những năm 1990, đã khởi xướng một kênh truyền hình bảo thủ ở Hoa Kỳ. Murdock xây dựng đế chế truyền thông của mình ở Úc và Anh Quốc trước khi xâm nhập thị trường báo chí Mỹ. Ông có quan điểm chính trị bảo thủ và không hài lòng với cách truyền bá thông tin của những người bạn Mỹ cánh hữu của mình. Vì vậy, ông thành lập Fox News. Kênh tin tức này tự quảng bá bằng khẩu hiệu "Fair and Balanced" với ý nghĩa Fox News không thiên hữu nhưng đây là cuộc chuyển hướng trở về trung tâm của nhóm tinh hoa truyền thông tự do.
Fox News bước vào một thị trường đang dưới sự thống lãnh của CNN và MSNBC. Người sáng lập CNN, Ted Turner, chào đón đối thủ cạnh tranh và cười tuyên bố rằng ông sẽ đập nát Murdock như đập một con bọ. Turner đã đánh giá đối thủ quá thấp. Murdock thuê chiến lược gia đảng Cộng hòa Roger Ailes để dẫn dắt kênh truyền hình mới. Ailes bắt đầu sự nghiệp trong ngành truyền hình nhưng nhanh chóng được Richard Nixon để mắt tới, sau lần gặp tổng thống trong một chương trình thu hình. Nhà sản xuất TV trẻ tuổi Ailes trở thành hướng dẫn viên truyền thông cho Nixon và sau này làm việc cho cả Reagan và Bush. Trong một giai đoạn, ông cũng sản xuất radioshow cho Rush Limbaugh.
Triết lý nghề nghiệp của ông sếp Fox News mới rất đơn giản và được minh họa bằng một giai thoại ngắn mà ông thường hay kể : hai ứng cử viên chính trị đứng trên sân khấu. Một ứng cử viên trình bày giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông. Người kia té ngay xuống chỗ dàn nhạc bên dưới. Theo Ailes, ai thắng trong cuộc tranh luận này ? Tất nhiên là người bị té. Vụ tai nạn của ông hay bà ta sẽ được các kênh TV tranh nhau tường thuật. Chìa khóa để chiến thắng trong mặt trận truyền thông là cứ làm ầm lên, bất kể chủ đề gì. Với triết lý này, Ailes đã thành công tột bậc : trong 10 năm, số lượng người xem Fox News tăng lên 570%, gấp đôi số người xem CNN, và từ đó là kênh tin tức này có vị trí hàng đầu trên truyền hình cáp.
Fox News có vị trí quan trọng bên cánh hữu. Năm 2014, sáu trong mười người xem TV tự nhận mình là người Cộng hòa trong khi chỉ một số ít là người Dân chủ. Trong một nghiên cứu năm 2017, người ta cho rằng việc Fox News đưa tin về hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 và 2008 đã dẫn đến kết quả đảng Cộng hòa được nhiều phần trăm hơn trong ngày bỏ phiếu.
Sức mạnh của truyền hình đạt đến một tầm cao mới trong cuộc bầu cử năm 2016 phần lớn nhờ Donald Trump. Ngoại trừ thời gian ngắn với sự có mặt của hướng dẫn viên chương trình Megyn Kelly, Trump tuyên bố Fox News là kênh ông ưa thích. Tổng thống thường xuyên liên lạc với người dẫn chương trình Sean Hannity. Ông này đóng vai trò cố vấn không chính thức cho tổng thống.
Trump thường xuyên viết tweet khuyến khích mọi người xem các chương trình phát sóng khác nhau của Fox, đặc biệt là chương trình yêu thích của riêng mình Fox and friends. Lời kêu gọi lên đến đỉnh điểm sau vài tháng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống, khi ông trích dẫn một bài bình luận của Fox và diễn giải theo cách Thụy Điển gần đây mới bị bọn khủng bố tấn công. Dân Thụy Điển lắc đầu ngao ngán và Sarah Huckabee Sanders phải lên tiếng giải thích tổng thống không đề cập đến một vụ khủng bố cụ thể nào, nhưng ông chỉ muốn nói đến cái gọi là "tình trạng ở Thụy Điển". Tổng thống bất chấp chỉ trích và liên tục lặp lại ông nghe tin này từ Fox News. Giờ đây, tổng thống Mỹ là cái loa phát thanh cho Fox News chứ không phải ngược lại.
Mặc dù có nhiều quyền lực, Fox News cũng không độc quyền. Trong những năm 1990, có sự hợp nhất trong thị trường truyền thanh.Thế giới truyền hình cũng xảy ra giống vậy. Nhóm truyền thông bảo thủ Sinclair Broadcast Group đã mua lại hơn 200 kênh truyền hình địa phương. Việc này giúp họ mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động và gia tăng khả năng tác động đến các cuộc thảo luận xã hội. Những chủ nhân nào không công khai gửi thông điệp chính trị đến người xem và những đài địa phương nào không chuyển tiếp thông điệp sẽ lãnh hậu quả. Năm 2004, nhóm truyền thông này đã sa thải một biên tập viên vì ông từ chối phát sóng một phim tài liệu trong phần tin tức trên đài truyền hình địa phương của mình. Phim tài liệu này chỉ trích một chiều ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ John Kerry. Mặc dù, sau vụ này, Sinclair bị chỉ trích không ít nhưng họ cũng không thay đổi nhiều. Sinclair thường xuyên phân phối các clip tin tức hay luận điểm cho các chương trình phát sóng địa phương trong nước. Bằng cách này, họ tiếp cận được rất nhiều người xem vì TV địa phương là phương tiện hầu hết người Mỹ dùng để xem tin tức.
Gần đây, một số nhà phê bình cho biết Sinclair Broadcast Group có khuynh hướng kèm thêm những câu trả lời thân Trump vào luận điểm của họ, và yêu cầu đài địa phương phải đọc lên. Trong các clip video, người ta thấy hiệu ứng orwellian khi hàng chục lập trình viên đọc rập khuôn các câu trả lời thân GOP. Thông điệp "pro Trump" lan rộng khắp nơi, nhưng hiếm khi người ta có được cái nhìn toàn diện bởi vì nó được phát sóng trên các kênh truyền hình đơn lẻ.
Không một thành phần nào bên cánh tả có thể so sánh với Fox News hay Sinclair Broadcast Group. Sức mạnh của truyền thông bảo thủ dành cho cánh hữu trong lãnh vực radio và TV là độc nhất vô nhị. Đồng thời, bên cánh tả cũng có khuynh hướng phát triển tương tự. Kênh truyền hình CNN thường hoạt động rất tốt trong ngành báo chí nhưng họ không đưa nhiều tin về chính quyền Trump. Có thể giải thích là vì Trump đã dời sự hiểu biết về sự thật của chúng ta ra khỏi khuôn khổ đã có từ trước. Việc này gây khó khăn cho các hãng truyền thông nghiêm túc khi tường trình về ông.
Mùa xuân 2017 Trump quả quyết Obama đã nghe lén điện thoạt trong chiến dịch bầu cử của ông là một ví dụ. Đây là một cáo buộc vô nghĩa vì hoàn toàn không đúng sự thật nên khó có thể tường trình một cách đứng đắn. Nhưng vai trò khách quan trong việc đưa tin cũng bị tổn hại khi hai hướng dẫn viên chương trình nổi tiếng Erin Burnett và Don Lemon chế diễu Trump để rồi bị xem như bản sao của Sean Hannity và vài người khác.
Đàn em MSNBC còn tệ hơn nữa. Mika Brzezinski và Joe Scarborough, hai hướng dẫn viên chương trình Breakfast TV (từng là đại diện Hạ Viện của đảng Cộng hòa những năm 1990) từ lâu đã có xích mích với người bạn cũ Donald Trump. Hai ông và tổng thống cùng tạo ra mối quan hệ cộng sinh. Trong chương trình TV, Mika và Joe thường chế diễu Trump. Tổng thống trả đũa trên twitter và Morning Joe lại dùng nội dung tweet làm đề tài mới cho chương trình lần tới. Mối quan hệ hỗ tương như vậy khiến cách hữu cho rằng truyền thông chính thống thiên tả.
Donald Trump đã giúp phần tin tức của các kênh truyền hình được nhiều người xem. Trên nguyên tắc, các cuộc thảo luận chính trị nên được tiết chế hoặc bằng một nhà báo thận trọng hay một chuyên gia ngăn chặn kịp thời sự quá khích của đôi bên. Ở Hoa Kỳ các kênh truyền thông đã rời bỏ điều này. Các nhà bình luận làm việc cho những kênh TV lớn nhất ở Mỹ có vai trò khác. CNN mỗi ngày phát sóng các cuộc thảo luận với sự tham dự của bảy tám người, được chia làm hai nhóm và mỗi nhóm có một chuyên gia thiếu khách quan hỗ trợ. Hai bên không che giấu những lý luận của họ được trích thẳng từ chính sách của đảng và cuộc thảo luận trở thành việc xác định vị trí chính trị của họ với người xem. Do có nhiều người tham dự buổi hội thảo và nhiều lần bị quảng cáo gián đoạn, người điều hành chương trình ít khi can thiệp để chặn sự thái quá hay dối trá. Kết quả làm người xem có cùng ấn tượng như lúc mới bắt đầu bật TV hoặc không chắc chắn cái gì là sự thật.
Phân cực kỹ thuật số
Sự xuất hiện của các kênh truyền thanh hay truyền hình với góc độ bảo thủ hay tự do là tin xấu cho cuộc thảo luận xã hội ở Hoa Kỳ. Truyền thông ngoài truyền thống tiếp cận hàng triệu người Mỹ mỗi ngày và trở thành cái phòng echo (echo chamber) cho phép người ta giữ chặt quan điểm của mình thay vì cập nhật tin tức. Điều này đặc biệt đúng với các cử tri bảo thủ vì họ sử dụng rất ít nguồn tin. Radio và TV đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển này nhưng internet và mạng xã hội còn đưa đến chiều hướng tiêu cực hơn.
Đêm thứ bảy ngày 17 tháng Giêng 1998, một blogger trẻ tuổi tên là Matt Drugde đã tung ra một trái bom từ phòng ngủ của anh ở Hollywood. Chỉ cần nhấp chuột, anh tiết lộ vụ Monica Lewinsky khiến nhiệm kỳ thứ hai của Bill Clinton đổ dồn chính vào Lewinsky. Tin sốt dẻo này không những ảnh hưởng đến tổng thống mà còn làm thay đổi cả cách truyền tải tin tức. Trang web của Drugde trở nên phổ biến bằng cách liên kết với bài viết của những người khác nhưng không phải lúc nào cũng là nguồn tin khả tín. Trong cơn sốc, các nhà báo đánh giá Drugde như kiểu truyền miệng, một lối gièm pha không có nguồn tin cậy. Cùng với số lượng độc giả ngày càng tăng, hình thức tin tức trực tuyến xuất hiện và tồn tại. Drugde khởi đầu cho cái gọi là phương tiện truyền thông ngoài truyền thống trên mạng vốn sống nhờ tái sinh và tiếp tục xoay vòng các sự kiện.
Cũng chính từ Drugde, Adrew Breitbart sau này thành lập trang mạng Breitbart và bắt đầu làm việc như biên tập viên. Phong cách cứng rắn của Andrew Breitbart đã lôi cuốn Steve Bannon, người có ảnh hưởng đến nền chính trị Mỹ sau này. Andrew Breitbart và Steve Bannon gặp nhau lần đầu năm 2004, trong buổi ra mắt phim tài liệu về Reagan và chủ nghĩa cộng sản. Bannon, qua trung gian ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, đã chuyển tiền của mình vào ngành trò chơi trên máy tính. Ông chia sẻ quan điểm Breitbart cực hữu và bắt đầu trợ cấp tài chính cho các trang mạng. Bảy năm sau, chính Bannon đã thuyết phục tỷ phú Robert Mercer đầu tư hơn 9 triệu dollars vào trang mạng Breitbart.
Giống như Matt Drugde và Roger Ailes, Andrew Breitbart nghĩ rằng quần chúng rất ít quan tâm đến sự thật hay sắc thái và hầu hết chỉ muốn xem vở kịch diễn tả cuộc chiến giữa hai thế lực tốt và xấu trong xã hội. Mục đích của Breitbart không nhằm tạo ra đề tài nhưng để ảnh hưởng và định hình các thể chế chính trị, đồng thời thay đổi những gì ông cho là vô văn hóa và thiếu chuẩn xác chính trị. Nhưng ông chết vì bệnh tim trước khi thực hiện triết lý của mình. Steve Bannon vào cuộc.
Khởi đầu, chỉ có vài nhân viên tận tâm điều hành Breitbart trong căn hầm của một ngôi nhà Bannon thuê ở Washington D.C. Bannon ngủ và làm việc tại đó và tiến hành triết lý bi kịch của Breitbart. Trang mạng viết về những đề tài lớn quen thuộc như di dân, khủng bố, chiến tranh chủng tộc và mối đe dọa đối với các giá trị truyền thống trong xã hội (155). Cuối cùng, Bannon tuyên bố trang mạng là "nhà của phong trào Alt-Right". Alt-Right (viết tắt của Alternative Right) là một phong trào chính trị liên kết lỏng lẻo ủng hộ một ý thức hệ bảo thủ cấp tiến hơn. Trái ngược với chủ nghĩa bảo thủ truyền thống, những người ủng hộ Alt Right kết hợp mọi ý thức hệ, từ tân phát xít đến các nguồn internet. Dưới sự quản lý của Bannon, số lượng người làm việc cho trang web tăng lên gấp ba lần và họ mở thêm văn phòng tại London, Texas, Jerusalem và California. Năm ngoái, trước cuộc bầu cử 2016, số lượng người truy cập trang web này tăng lên rất mạnh và Breitbart, từ một trang web vô danh, đã trở thành một trong những trang web bảo thủ được truy cập nhiều nhất ở Hoa Kỳ.
Breitbart không có nhiều điểm chung với Drugde Report nhưng cả hai là một phần của câu lạc bộ những người viết blog như The Blaze, Newsmax, Daily Caller, Daily Wire, Washington Free Beacon, Western Journalism, Gateway Pundit và Newsbusters v.v…
Điểm chung của các trang blog này là tái chế các vấn đề của truyền thông chủ lưu (mainstream media) nhưng trình bày chúng dưới góc độ bảo thủ. Đôi khi họ còn gán các vấn đề vào các nguồn truyền thông chủ lưu như Fox News và CNN bằng cách viết những bài phê phán các phương tiện truyền thông này đã bỏ qua những tin tức quan trọng. Một cựu tổng thư ký của đảng cộng hòa gọi chiến lược này là "gây ảnh hưởng đến thẩm phán". Ông so sánh nó với trận bóng đá, nơi huấn luyện viên cố gắng tạo áp lực với trọng tài bằng cách liên tục quấy rối làm phiền. Nó không thể thay đổi thái độ của trọng tài ngay lúc đó, nhưng lâu dài có thể làm trọng tài thay đổi đôi chút trong trận đá bóng sắp tới. Như vậy người ta cũng đạt được mục tiêu.
Năm 2016 chúng ta có một thí dụ đau lòng về cách hành xử như vậy. Ngày 10 tháng Bảy 2016, Seth Rich, một nhân viên của đảng Dân chủ bị bắn chết gần nhà mình ở Washington D.C. Sau đó các trang web bảo thủ tung ra một thuyết âm mưu cho rằng Rich đã giao các email của đảng Dân chủ cho Wikileaks khiến đảng chính trị này gặp khó khăn trong chiến dịch bầu cử. Động lực vì Rich ủng hộ Bernie Sanders và muốn thọc gậy bánh xe cản trở Hillary Clinton. Theo thuyết âm mưu, Rich bị giết vì bị cho là thành phần nguy hiểm. Nhiều phương tiện truyền thông lớn cũng "cắn câu" đưa tin nhưng cuối cùng chỉ là tin vịt. Hai người tung ra thuyết âm mưu cho biết họ đã gặp thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer. Mục đích là chuyển sự quan tâm của quần chúng về vụ điều tra Nga sang hướng khác : đảng Dân chủ.
Truyền thông trực tuyến tự do cũng đang trên đường phát triển. Những trang web như Salon, Democracy now !, Slate, HuffPost, The Young Turks, Raw Story, Daily Kos và The Nation ngày càng trở nên phổ biến. Một khía cạnh bị thiếu trong các trang mạng này là sự thù địch đối với các phương tiện truyền thông chủ lưu. Điều này không có nghĩa là chúng không góp phần vào sự phân cực. Các kênh cấp tiến thường tấn công chính quyền Cộng hòa, đặc biệt là dưới thời Bush và Trump. Chiến lược thường được áp dụng là tìm cách phỏng vấn một đảng viên Cộng hòa hoặc một người thuộc cánh hữu và chụp lấy cơ hội để phê phán khi họ nói sai hay đuối lý trong cuộc thảo luận. Đôi khi, các trang mạng này được ủng hộ do đã vạch ra những vấn đề gian lận của truyền thông bảo thủ. Nó tạo thành hiệu ứng bóng bàn cho phép cả đôi bên dẫn ra những khía cạnh tồi tệ nhất của phía bên kia và dựa vào đó để chụp mũ đối phương. Đây không phải là hiện tượng hiếm hoi : tổng quan cho thấy hơn 500 trang web hoặc tự do hoặc bảo thủ luôn bóp méo tin tức hay chính trị trong cách trình bày của mình.
Mạng xã hội và tin tức giả
Hiệu ứng dân chủ hóa mạng xã hội đã cho người đọc cơ hội tham gia cuộc hội thoại nên, về cơ bản, là sức mạnh tích cực. Mọi người giờ đây có thể tham gia chính trị mà không cần rời khỏi ghế sô pha. Nhưng mạng xã hội cũng tạo ra những căn phòng echo mới mà phương tiện truyền thông ngoài hệ thống đang tận dụng.
Một ví dụ : cô Tomi Lahren, 26 tuổi, sau một năm làm việc cho kênh TV của sinh viên, đã trở thành người dẫn chương trình cho kênh internet The Blaze của Glenn Beck. Lahren nổi tiếng ngay lập tức khi cáo buộc tổng thống Obama ủng hộ chiến binh Hồi giáo (jihadist) và tránh dùng thuật ngữ Hồi giáo cực đoan (radical Islam). 65 triệu người đã xem video cô tường thuật về một cầu thủ bóng đá không đứng lên trong lễ chào cờ. Những đoạn blog ngắn của cô làm mạng xã hội dậy sóng. Cô chỉ là một trong nhiều ví dụ.
Những người sử dụng kỹ thuật số thuộc cả cánh hữu lẫn cánh tả lấp đầy mạng xã hội bằng clip video và lời gây chia rẽ. Trang web tự do Raw Story mô tả Trump, những người Cộng hòa và các gương mặt truyền thông bảo thủ là những kẻ ngu xuẩn. Being Liberal truyền bá tin tức cấp tiến và quảng cáo cho nhiều cuộc biểu tình khác nhau. Điểm chung của các trang mạng này là chúng khiêu khích hay vận động những người cùng chí hướng tham gia và được hàng triệu người thích, chia sẻ, bình luận mỗi ngày. Việc tích cực tham gia vào tin tức chính trị trên mạng xã hội đã thu hút các thành phần có mưu toan đáng sợ hơn là chính phương tiện truyền thông ngoài hệ thống.
Sau cuộc bầu cử 2016, rất nhiều blogger và trang mạng đã tung tin giả. Biểu đồ của Media Bias/Fact Check (MBFC News), một tổ chức độc lập chuyên kiểm tra mức độ khả tín của tin tức, cho thấy có hơn 400 trang web truyền bá tin tức giả đến công chúng Mỹ. Nhiều trang trong số này truyền tải thông điệp của họ qua Facebook và các nhóm Facebook như "We hate Donald J. Trump" hay "Hillary Clinton for Prison". Các nhóm này có từ vài trăm đến hàng trăm ngàn thành viên. Họ thường đưa ra các câu hỏi có tính cách kiểm soát, có lẽ để tránh sự lũng đoạn của đối phương. Biện pháp này tăng cường hiệu ứng phòng echo vì chỉ những người đồng ý mới có thể là thành viên.
Alice Marwick, giảng viên trường đại học University of North Carolina tại Chapel Hill và là chuyên gia về mạng xã hội. Bà đã vạch ra hiện tượng các nhóm cực hữu bắt đầu phổ biến thuyết âm mưu trên diễn đàn trực tuyến 4Chan. Đây là một trong những diễn đàn nổi tiếng nhất. Họ truyền bá tin tức trên Twitter, Reddit và Facebook đến các phương tiện truyền thông ngoài hệ thống. Và từ đó, chúng chuyển tiếp đến các phương tiện truyền thông chính thống. Theo điều tra viên đặc biệt Robert Mueller, người dẫn đầu cuộc điều tra Nga, tình báo Nga cũng cố gắng làm giống như vậy trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Khi đưa ra cáo buộc 13 người Nga dính líu đến cuộc bầu cử, Mueller đã đề cập đến nhiều nỗ lực nhằm gây ra hỗn loạn, bao gồm việc khích động những người đối lập thông qua Facebook và các kênh truyền thông xã hội khác. Người Nga đã quá dễ dàng khai thác các phòng echo trong mạng xã hội khi làm chuyện đó.
Không chỉ riêng Vladamir Putin vui mừng trước sự phát triển này. Những người lập thuyết âm mưu ở Mỹ chưa bao giờ có điều kiện làm việc tốt như hiện nay. Một trong những người đứng đầu là Alex Jones, sáng lập viên các show radio-internet và đã điều hành trang mạng Infowars từ năm 1999. Trang web này chuyên về thuyết âm mưu và được 10 triệu người truy cập mỗi tháng. Chính Alex Jones đã đứng sau lời quả quyết về vụ thảm sát Sandy Hook, với cái chết của 20 đứa trẻ và 6 nhà giáo, đã được dàn dựng nhằm đưa ra luật kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn. Ông còn tung ra các thuyết khác như Michelle Obama là đàn ông, nhà nước kiểm soát khí hậu, người thằn lằn cai trị trái đất và Hillary Clinton là một con quỷ.
Jones không ngồi một chỗ để truyền bá âm mưu của mình vào hư không. Các video trên Youtube của ông có 1,3 tỷ lượt xem. Ông nổi tiếng trong năm 2016 là nhờ Donald Trump. Tổng thống đã tỏ vẻ thích Jones trong nhiều năm và còn tham dự show của Jones với tư cách là khách mời. Jones cho biết, sau cuộc bầu cử, Trump đã điện thoại cho ông và cảm ơn Infowars đã giúp ông rất nhiều trong cuộc bầu cử. Roger Stone, cố vấn không chính thức của Trump, thường xuyên xuất hiện trên Infowars, nói rằng chương trình thuyết âm mưu đã không được đánh giá đúng mức trong việc giúp tổng thống thắng cử năm 2016. Khoảng một năm rưỡi sau, công trạng của trang mạng này được đền đáp đôi chút khi Infowars có giấy phép tạm thời vào nhà Trắng. Chính các đại diện trang web tuyên bố họ đang vận động để được truy cập thường xuyên các cuộc họp báo trong Nhà Trắng.
Charlie Sykes, cựu hướng dẫn viên chương trình phát thanh bảo thủ giải thích những ý tưởng của Jones được nhân vật quyền lực nhất thế giới hợp thức hóa như sau : "Ông ta đã tiêm lối nói độc hại và hoang tưởng vào cách suy nghĩ bảo thủ thông thường mà vài thập niên trước không ai làm được. Chúng tôi muốn nói về một nhân vật đang quảng bá một số thuyết cực kỳ bệnh hoạn và gây sốc nhất. Nhưng, cuối cùng, các ý tưởng đó lại bám rễ. Giống như Trump, Jones xác quyết Barack Obama sinh ra ở ngoài Hoa Kỳ. Một nửa trong số những người ủng hộ Trump tin rằng Obama sinh ở Kenya. Số lượng người tương đương cũng tin Hillary Clinton dính líu đến "Pizzagate", một thuyết âm mưu tố cáo đảng Dân Chủ buôn lậu người. Chính Jones đã tung ra thuyết âm mưu này. Đây chỉ là hai ví dụ về những chuyện điên rồ trước kia chỉ phổ biến giới hạn trong xã hội nhưng bây giờ lại tràn lan trên mạng xã hội.
Phương tiện truyền thông ngoài truyền thống vừa là kết quả vừa là yếu tố góp phần vào sự phân cực trong chính trị Mỹ. Trong hơn 60 năm, các chính trị gia Cộng hòa và truyền thông bảo thủ luôn cáo buộc báo chí chính thống tường thuật tin tức một cách bất công. Khác với cử tri tự do, cử tri bảo thủ không sử dụng nhiều nguồn tin. Các kênh thiên hữu luôn nhắc đến "sự thiên vị" để duy trì thị phần của họ. Niềm tin vào truyền thông giảm sút nên quần chúng có ít thông tin hơn. Vì hoài nghi tin tức từ nguồn truyền thông lớn, người đọc tìm đến các nguồn thông tin khác nhằm củng cố định kiến của mình.
Các nguồn tin bảo thủ và tự do phổ biến tiếng nói chính trị đội lốt tin tức. Các "tin tức" kiểu này trộn lẫn sự kiện với quan điểm và sự kiện được diễn giải theo hướng có lợi cho mỗi bên khiến các đối thủ đả kích lẫn nhau. Việc này tạo ra chu kỳ thông tin liên tục lan rộng trên các bình diện như radio, TV, podcast, blog và mạng xã hội.
Thor Steinhovden
Nguyên tác : Thor Steinhovden, Det Amerikaske Marerittet, Res Republica, 15/10/2018
Hoàng Thủy Ngữ lược dịch
Một hệ thống chính trị đang gặp khủng hoảng
Thomas Mann và Norman Ornstein là hai nhà nghiên cứu uy tín thuộc Tổ chức tư vấn chính sách (Thinktank) nổi tiếng Brookings Institute và American Enterprise Institute. Cả hai đều có hơn 40 năm kinh nghiệm trong chính trị Mỹ.
Trong quyển sách It’s Even Worse Than It’s Look : How the american constitutional system collided with the new politics of extremism (Thậm chí còn tệ hơn cái dáng của nó : hệ thống hiến pháp Mỹ đã va chạm như thế nào với chính sách mới của chủ nghĩa cực đoan) 2012, Mann và Ornstein nói về một hệ thống chính trị đang mất dần khả năng thực hiện những tính năng cơ bản. Thông thường, trước tiên các dự luật được ủy ban cứu xét, sau đó đưa ra điều trần công khai và cuối cùng bỏ phiếu nhiều lần. Trong cơ cấu xây dựng, điều này tạo ra sự thuận lợi cho quá trình thực hiện các thỏa hiệp và tính cả đến những phản đối của thiểu số. Tuy vậy, thay vì kêu gọi sự thỏa thuận, đảng đa số trong quốc hội bắt đầu sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để ngăn chặn việc truy xét kỹ hơn của hội đồng và cản trở đảng thiểu số có cơ hội phản đối. Cả hai đảng đều có lỗi trong sách lược của họ. Thêm vào đó, hệ thống bị tham nhũng, việc cứu xét luật chậm chạp hơn, khủng hoảng ngân sách và sự cân bằng quyền lực giữa Quốc hội, Nhà trắng và Tòa án bị suy yếu.
Trong 10 năm qua, có hai cuộc thay đổi luật pháp điển hình của trường hợp này. Năm 2009, cải cách y tế Obamacare được quyết định thành luật, chỉ bằng các phiếu thuận của đảng Dân chủ. Đây là sự mở rộng lớn nhất dành cho các chương trình phúc lợi ở Hoa Kỳ trong hơn nửa thế kỷ. Đảng Cộng hòa cáo buộc đối phương đã thông qua cải cách to lớn mà không chấp nhận những phản đối của cánh hữu và chỉ ra rằng người ta không thể đoán trước được các hậu quả có thể xảy ra do luật này đưa đến. Khi Nancy Pelosi, lãnh đạo đa số ở Hạ viện, tuyên bố với FoxNews rằng "người ta phải thông qua dự luật để chúng ta có thể tìm hiểu những gì trong đó" tất nhiên phải bị phản đối ầm ĩ. Lời nói của Pelosi được hiểu là ngữ cảnh nhưng minh họa cho một quá trình lỏng lẻo.
Bảy năm sau, đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội và muốn thông qua một kế hoạch thuế lớn. Cuối cùng chỉ có các chính trị gia cộng hòa chấp thuận kế hoạch này, theo một quá trình mà nhiều thành viên quốc hội hầu như không biết họ bỏ phiếu cho đề xuất nào. Chỉ vài giờ trước khi bỏ phiếu, phe đối lập được xem một văn bản dài hàng trăm trang và phải giải mã các ghi chú viết tay ở lề. Nhiều ghi chú được thông qua thành luật sau vài cố gắng tìm hiểu các ghi chú viết tay khác nhau.
Hai luật trên sẽ tốt hơn nếu trải qua một quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng và cân bằng. Điều này bảo đảm cho chúng có giá trị lâu dài. Sau khi thua vòng biểu quyết cải cách y tế, đảng Cộng hòa đã mất nhiều năm sau đó để tìm cách bãi bỏ nó. Obamacare rất có thể sẽ sụp đổ bởi vì chính quyền Trump đang bóp nó chết từ từ, nhưng chắc chắn. Cải cách thuế của đảng Cộng hòa có thể sẽ cùng chung số phận nếu đảng Dân chủ giành lại được quyền lực trong các cuộc bầu cử sắp tới. Và cứ như thế, ngày tháng qua đi, Hoa Kỳ không có được những cải cách bền vững.
Hỗn loạn trong Quốc hội
Hans Høeg, một người Na Uy đã chứng kiến tận mắt những hỗn loạn ở Quốc hội. Tôi gặp ông trên từng hai, trong quán cà phê yên tĩnh có tên là Lot 38, tại một góc phố hẻo lánh ở Washington D.C. Một bài viết đã mô tả cái quán cà phê nhỏ, do gia đình làm chủ này, như một nơi người ta có thể nói chuyện với nhau mà không ai nghe lén cả. Một nơi thích hợp cho các cuộc trò chuyện về các đề tài tế nhị, tôi nghĩ vậy.
Høeg hứa sẽ cho tôi biết sự thật, không hề giấu diếm, về sinh hoạt hàng ngày tại nơi làm việc trong một cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới. Điều thú vị không kém khi ông nói thêm là, theo luật pháp địa phương, ông không thể từ chối việc tôi thu âm cuộc đàm thoại – một mánh khóe ông đã từng sử dụng chống lại người cùng đảng với mình. Một vài kỹ sư cơ khí từ Drammen đã trở thành chánh văn phòng cho một trong những thành viên bảo thủ nhất ở Hạ viện - chỉ do một sự tình cờ.
Høeg quen với Thomas Massie ở Kentucky, từ khi họ sống cùng dẫy phòng trọ trong thời gian học ở MIT (Massachusetts Institute of Technology), đại học công nghệ hàng đầu Massachusetts. Hai người trở thành bạn và giữ liên lạc. Mặc dù Høeg thiếu kinh nghiệm chính trị, Massie vẫn điện thoại cho ông sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2012. Massie cần một người tin cẩn.
Tại Quốc hội, Høeg và sếp của mình nhanh chóng phát hiện ra rằng các thành viên quốc hội không thực sự được khuyến khích tự suy nghĩ. Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc bầu cử, điện thoại liên tục gọi đến, không chỉ từ những người vận động hành lang muốn đút lót vị dân biểu mới của bang Kentucky, mà còn từ giới lãnh đạo đảng, những người muốn ông khẳng định lòng trung thành đối với đường lối của đảng.
Trong cuộc họp với Chủ tịch Hạ viện John Boehner, một cố vấn của ông đã hướng dẫn chúng tôi về những đề tài nào chúng tôi có thể nói đến và những đề tài nào không thể nêu ra. Thomas Massie và tôi bị sốc vì chúng tôi cứ nghĩ rằng mình đến Washington với sự ủy nhiệm của cử tri. Tuy nhiên, ngay từ đầu ban lãnh đạo đảng đã cố gắng tạo ấn tượng cho thấy có những nguyên tắc và quy tắc nhất định mà người ta phải tuân theo.
Nếu Massie tuân theo những quy tắc này, lãnh đạo sẵn sàng giúp đỡ ông trong sự nghiệp ở Quốc hội. Nếu trả lệ phí hàng năm cho cho nhóm quốc hội cộng hòa, ông sẽ được "che chở". Massie sẽ được cung cấp danh sách của các nhà tài trợ. Họ sẵn sàng hỗ trợ các chiến dịch và lãnh đạo đảng sẽ chuyển tiền từ giới kinh doanh thông qua các nhóm quyên góp phục vụ chính trị có tên là Ủy ban hành động chính trị (Political Action Commitees). Ngoài ra, ông còn được lãnh đạo cung cấp những điểm chính để nói, đặc biệt trong những sự kiện phức tạp có thể trở thành vấn đề ở khu vực quê nhà. Một chiến lược điển hình, theo Høeg, là chỉ thị đại diện quốc hội tuyên bố rằng ông/bà ta bỏ phiếu dựa trên các báo cáo không thể công bố công khai. Tung tiền ra quảng cáo là một chiến lược khác. "Rất dễ trở thành đại diện quốc hội nếu bạn đi theo chương trình của lãnh đạo vạch ra. Nếu bạn chỉ cần gạt bỏ lương tâm và sự liêm chính thì đây là công việc dễ dàng".
Høeg kể về những gì ông gọi là một Quốc hội tham nhũng, được điều hành bởi những nhà vận động hành lang có rất nhiều tiền và các chính trị gia chỉ muốn duy trì quyền lực và địa vị của mình. Trong vài trường hợp, các chính trị gia cố tình không giải quyết vấn đề bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn khi vấn đề vẫn chưa được giải quyết, theo nhận định của Høeg. Bằng cách này, họ tin chắc là cử tri vẫn tiếp tục tham gia và đóng góp tiền bạc. Trong một hệ thống chính trị, nơi các thành viên Hạ viện chỉ mới bắt đầu làm việc rồi lại lao vào cuộc tranh cử chỉ nửa năm sau thì "vấn đề quan trọng hơn sự giải quyết". Trò chơi chính trị trong Quốc hội đặt nặng vào việc sát cánh với lãnh đạo đảng để từ đó giành được các vị trí quyền lực trong các ủy ban khác nhau.
Ngược lại, dân biểu Massie, sếp của Høeg, là một nhân vật cứng đầu, quả quyết với chánh văn phòng là ông đang rời dần khỏi chức vụ. Massie là người nguyên tắc, theo chủ nghĩa tự do. Ông tự gọi mình là người "bảo thủ hiến pháp". Ông cho rằng nhà nước nên tránh xa hầu hết các công việc của xã hội và nói rõ ngay từ đầu ông không chấp nhận đòn roi của đảng. Điều này không phổ biến trong giới vận động hành lang và tầng lớp lãnh đạo đảng. Trong một trường hợp Massie bỏ phiếu chống một đề xuất mà một nhà vận động hành lang đã cố gắng thuyết phục ông bỏ phiếu thuận. Chỉ mười phút sau, một cú điện thoại gọi đến báo cho biết tiền từ nhà vận động hành lang này sẽ bị dừng ngay lập tức. Høeg kể rằng giới lãnh đạo đảng có biện pháp trừng phạt tiên tiến hơn, được chia làm ba cấp độ đe dọa khác nhau mà chính ông gọi là "DEFCON 3, 2 và 1", theo hệ thống đánh giá mối đe dọa của bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Cấp độ 1 là nghiêm ngặt nhất.
3. Gia hạn : "Tôi thấy bạn đã bỏ phiếu chống nhưng hãy để tôi giải thích cho bạn biết thực sự nó là gì".
2. Đe dọa : "Nếu bỏ phiếu như vậy, bạn sẽ không bao giờ được làm việc ở thành phố này nữa. Bạn sẽ không còn được hỗ trợ tiền bạc, phương tiện vì bạn là người ngoài nhóm".
1. Phản ứng quyết liệt : "Lãnh đạo đảng mất suy nghĩ và hét lên với bạn. Chụp lấy tay bạn, dí tay vào ngực bạn và chửi rủa".
Một phản ứng cực đoan hơn là yêu cầu Ủy ban Đạo đức (Ethics Committee) của Quốc hội theo dõi.
Ủy ban này chưa bao giờ được dùng để chống Massie, nhưng theo lời chánh văn phòng, lãnh đạo cả 2 đảng đã để ngỏ các quy tắc đạo đức một cách khó hiểu, với mục đích có thể sử dụng trừng phạt các dân biểu không tuân theo thỏa thuận.
Høeg đưa ra một nhận xét "đứng tim" :
Thật ra Hoa Kỳ không phải là một nước cộng hòa dân chủ. Đó chỉ là cái tên. Tất nhiên, nó hoạt động tốt hơn nhiều so với Bắc Hàn, nhưng ở đây, trong Hạ viện, người ta làm mọi cách để lừa bạn, đẩy bạn ra ngoài và lèo lái bạn – để đạt được những gì HỌ muốn. Khi tôi nói HỌ, đó là "giới tinh hoa nội bộ", những chính trị gia thích được K Street bôi trơn.
Thomas Massie vẫn làm việc ở Quốc hội. Ông sống sót sau những lần đe dọa của cả phát ngôn viên John Boehner và người kế nhiệm Paul Ryan, nhân vật tuyên bố vào mùa xuân 2018 sẽ về nghỉ hưu sau cuộc bầu cử tháng Mười Một. Massie thường bị nhầm là thành viên của The Freedom Caucus và từng trình bày quan điểm của mình ở nhóm liên minh dân biểu quốc hội bảo thủ.
Quan điểm chính của ông là nhà nước đã trở nên quá lớn và vì vậy ông bỏ phiếu chống nhiều đề xuất mới ở Quốc hội. Høeg cười khúc khích nói : "Tom từng nói đùa là ông sẽ ăn trưa một mình mỗi ngày, trừ khi họ sớm cho ông những gì để ông bỏ phiếu thuận".
"Nguyên tắc" là thuật ngữ chính xác để dành cho Massie, nhưng ông không phải là một dân biểu có tính cách xây dựng đặc biệt. Vị dân biểu đến từ quận 4 tiểu bang Kentucky bỏ phiếu chống nhiều lần tới mức tờ báo trực tuyến Politico đặt cho ông cái tên diễu là Mr. NO. Một trong những lần ông bỏ phiếu chống, đó là vào mùa thu 2013, khi một nhóm thành viên quốc hội từ chối chấp thuận một thỏa thuận ngân sách không bao gồm việc cắt giảm tài chính dành cho cải tổ y tế Obamacare. Hậu quả là nhà nước Mỹ tê liệt trong nhiều tuần. Bản thân tôi đã làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ trong thời gian đóng cửa lần thứ ba. Đây là lần "shutdown" dài nhất. 800 000 nhân viên nhà nước bị sa thải vô thời hạn và 1,3 triệu người làm việc không lương. Hầu hết các công viên quốc gia lớn, các viện bảo tàng và các địa điểm thu hút du khách đóng cửa. Chúng tôi vẫn đến Đại sứ quán làm việc nhưng được lệnh nghiêm ngặt không được dùng tiền. Các buổi tổ chức sự kiện, các hội nghị chuyên đề và những cuộc họp song phương bị hủy – thậm chí không thể dùng máy in vì máy hết mực và không có tiền để mua mực mới. Một cảm giác siêu thực khi làm việc cho một siêu cường mạnh nhất thế giới nhưng không có khả năng để đổ mực vào máy. Càng đóng cửa lâu, càng thấy xấu hổ. Nhưng đối với Massie, đây không phải là vấn đề. Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh WFPL ở Kentucky, ông thừa nhận đảng Cộng hòa có lỗi phần lớn trong tình huống này nhưng quả quyết vụ đóng cửa "không phải là vấn đề lớn". 800 000 ngàn người bị sa thải có lẽ không hoàn toàn đồng ý với vị đại diện dân cử về ý kiến này.
Thomas Massie và Hans Høeg nên được tuyên dương vì đã ra mặt chống lại những thứ không đem đến kết quả tốt nhất cho cử tri như mục đích chính trong một hệ thống tham nhũng. Tuy nhiên lối nguyên tắc quá mức của Massie tự nó là một thách thức. Massie là dân biểu quốc hội nhưng lại muốn Nhà nước không có trách nhiệm to lớn nào khác ngoài việc bảo trì đường sá và bảo vệ đất nước. Nhiều người cho rằng đó không phải là quan điểm thực tế và Massie trở thành một phần của vấn đề. Phiếu chống của ông phụ thêm vào việc khóa chặt cuộc hội thoại chính trị.
Gridlock
Trong một bức tranh đơn giản, tôi thấy bản thân hệ thống chính trị Hoa Kỳ như cái bánh xe xoay tròn. Quốc hội (quyền lập pháp), Nhà trắng (quyền hành pháp) và Tòa án (quyền tư pháp) nằm rải rác ở nhiều điểm khác nhau trong bánh xe và giúp nó tăng hay giảm tốc. Khi bánh xe xoay nhanh với tốc độ tốt, hệ thống sẽ hoạt động bình thường. Luật được thông qua và thực thi, phối hợp với tổng thống và bộ máy quan liêu. Trường hợp luật pháp vượt quá những gì hiến pháp cho phép, tòa án sẽ điều chỉnh để nó trở lại đúng hướng. Tuy nhiên khi bánh xe bắt đầu quay chậm và dừng lại, hệ thống ngưng hoạt động. Sự kiện này được gọi là "gridlock".
Chính trị Hoa Kỳ ngày nay đang bế tắc. Chính sách có tính cách ngắn hạn vì thiếu sự đồng thuận giữa các đảng. Việc thông qua dự luật, dù lớn hay nhỏ, mất rất nhiều thời gian. Một lần nữa, cuộc tranh luận về cải cách kinh tế Obamacare là ví dụ điển hình. Cùng với hai người cộng hòa khác, thượng nghị sĩ John McCain đã bỏ phiếu chống lại chính đảng của mình và chống lại việc bãi bỏ cải cách kinh tế Obamacare vào tháng Sáu 2017. Sau cuộc bỏ phiếu McCain gặp gỡ báo chí và khẩn khoản nói : "Chúng tôi không còn có thể làm bất cứ điều gì trong Quốc hội nữa. Chúng ta phải tin tưởng nhau và quay trở lại với cách xử lý vấn đề bình thường một lần nữa". Cho đến nay, lời van xin của McCain vẫn ít được đáp ứng.
Nhiệm vụ chính của tổng thống, người đứng đầu hành pháp, là thực thi luật pháp quốc gia. Hiến pháp quy định tổng thống có được khoản trống khả thi nhất định để ông/bà thực hiện theo cách riêng của mình và trách nhiệm chính của Quốc hội là làm luật. Một số nhà phê bình tin rằng các vị tổng thống hiện đại đã khai thác cơ hội này để quấy nhiễu quyền lực lập pháp.
Đối với nhiều người cộng hòa, giai đoạn cuối của Obama là ví dụ cho thấy sự leo thang kiểu này. Obama đã xây dựng nhiều thay đổi lớn trong chính sách biến đổi khí hậu, bao gồm kế hoạch cắt giảm kỹ nghệ than. Ngoài ra, ông còn cố gắng tiến hành các chính sách di trú như Deferred Action for Parents of Americans (DAPA) và Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA). Những thay đổi này nhằm cấp cho một số lượng lớn người sống không giấy tờ ở Mỹ quyền cư trú và làm việc trong nước.
Cả chính sách biến đổi khí hậu lẫn những thay đổi trong lãnh vực di dân đều không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Chúng được đưa ra theo lệnh của tổng thống. Mệnh lệnh là tài liệu do tổng thống ban hành và bộ máy quan liêu dựa vào để thực thi luật hiện hành. Qua các hành động này của Obama, các nhà phê bình cho rằng ông đã dẫm chân sâu vào công việc soạn thảo luật pháp của Quốc hội. Theo Hans Høeg, cố vấn của Thomas Massie, phương cách này được khai thác rộng rãi dưới thời của Bush, Obama và Trump : tổng thống có quá nhiều quyền lực, do đó tạo ra sự mất cân bằng trong việc xây dựng chính sách.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, các tòa án bị ảnh hưởng bởi đường lối chính trị độc hại của các đảng phái trong khi quyền lực tư pháp cần được bảo vệ. Tòa án là một trong những số ít cơ quan vẫn được phần lớn người Mỹ tin tưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, các cơ quan tư pháp thường xuyên bị lôi vào trò chơi chính trị ở Washington. Thẩm phán liên bang được tổng thống đề cử và thượng viện phê chuẩn. Sau khi giành lại được đa số ở Thượng Viện trong cuộc bầu cử năm 2012, những người cộng hòa đã đi chơi thể thao để trì hoãn những đề cử của Obama. Trong khi Thượng Viện với đa số người dân chủ chấp nhận 68 ứng cử viên do George W. Bush đề cử trong hai năm cuối nhiệm kỳ của ông thì những người cộng hòa chỉ chấp nhận 22 người do Obama đề cử vào 2 năm cuối nhiệm kỳ tổng thống. Tình huống gây tranh cãi nhất là khi chánh án bảo thủ Tòa án Tối cao Antonin Scalia đột ngột qua đời vào mùa xuân 2016. Những người cộng hòa từ chối xem xét Merrick Garland, ứng cử viên ôn hòa do Obama đề cử. Chuyện này mở đường cho Donald Trump sau này, vào mùa xuân 2017, đề cử Neil Gorsuch và ông này được chấp thuận. Để đưa Gorsuch vào ghế chánh án, những người cộng hòa đã xóa một đoạn văn cũ đòi hỏi 60 phiếu trong Thượng viện để phê chuẩn. Nếu không xóa đoạn văn này, họ phải cần đến phiếu của các nghị sĩ dân chủ để phê chuẩn Gorsuch. Bằng cách thay đổi, đảng Cộng hòa được phép làm việc này chỉ với 51 phiếu.
Trước cuộc bầu cử năm 2016, Trump đã hứa rằng, với tư cách tổng thống, ông chỉ đề cử các ứng cử viên Tòa án Tối cao nằm trong danh sách do hai tổ chức bảo thủ thiết lập. Lời hứa là sự bảo đảm với những người cộng hòa còn hoài nghi để họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho ông : "Nếu không thích tôi, bạn cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ phiếu cho tôi. Bạn biết tại sao không ? : Đó là Tòa án Tối cao", Trump nói như vậy trong một buổi họp bầu cử.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tòa án ngày nay là một phần của trò chơi quyền lực chính trị. Và chính trị hóa có nguy cơ làm lung lay niềm tin của mọi người vào thể chế trung lập cuối cùng trong chính trị Hoa Kỳ.
Gridlock khiến cử tri Mỹ hoài nghi về các đảng phái và các thể chế chính trị. Năm 2017, 12% dân số Mỹ đặt niềm tin vào Quốc hội, một con số không thể tin nổi khi nó đã là mức cải thiện lớn hơn năm trước. John McCain từng nói đùa rẳng "Những kẻ duy nhất ủng hộ Quốc hội ngày nay là thân nhân của những người được bầu và những người được cơ quan lập pháp trả tiền". Chỉ 1/3 người Mỹ tin vào tổng thống và niềm tin chung vào "nhà nước" đã giảm đi rất nhiều từ năm 1960. Chưa đến một trong năm người Mỹ tin rằng nhà nước thường hoạt động vì lợi ích xã hội.
Mike Apitz là một trong những cử tri không tin vào các chính trị gia và các thể chế chính trị. Tôi gặp anh ở khuôn viên trường đại học nơi tôi từng là sinh viên, tại St. Olaf College ở Minnesota. Apitz lớn hơn tôi 20 tuổi, sống cách trường 10’ và đây là lần đầu tiên ông đến đây. Các trường đại học có tiếng là pháo đài của cánh tả và ông không tiếp tục học lên tiếp sau khi xong cấp 3. Đây cũng là một trong những ít nơi ông không mang theo vũ khí. "Vì lý do an ninh", ông quả quyết như vậy và nhấn mạnh rằng kinh tế giờ nay đang tệ đi. Tôi hoàn toàn không hiểu tương quan của sự việc nhưng kết luận là ông muốn nói đến chuyện cướp bóc. Hơn 90% người Mỹ như Apitz ủng hộ thủ tục kiểm tra lý lịch chặt chẽ trong việc mua vũ khí nhưng rất bận tâm bảo vệ phần bổ túc hiến pháp thứ hai của Hoa Kỳ cho phép quyền mang vũ khí. Đây là lý do tại sao ông thích Trump hơn Clinton. "Kẻ ít tệ hơn giữa hai con quỷ", ông nhấn mạnh như vậy, nhân cơ hội ông ca ngợi kiểu nổi loạn của tổng thống. Cũng có lúc ông không đồng ý với cách sử dụng từ ngữ của Trump nhưng cho rằng Trump đã đạp vào chân các chính trị gia và điều khiển con tàu theo cách riêng. "Có thể những gì ông ta nói không phải lúc nào cũng đúng về mặt chính trị nhưng ông ấy đã chọn ra những gì nên nói". Apitz muốn ám chỉ chuyện nhập cư. Nhà bán thiết bị máy móc từ một khu vực ở vùng Trung Tây không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vì Apitz chắc chắn rằng cuộc bầu cử được tổ chức theo hướng có lợi cho Hillary Clinton. Trump không có chút cơ hội nào trong đại dương, ông nghĩ thế. Apitz vui mừng vì đã nghĩ sai và điều này cho thấy ông nên đi bầu trong tương lai. "Đó là bài học lớn cho tôi. Tôi thừa nhận nó. Tôi cứ tưởng phiếu bầu của tôi sẽ không được tính nên tôi không quan tâm đến chuyện đi bỏ phiếu".
Apitz mô tả toàn hệ thống chính trị được thiết kế như một trò chơi kim tự tháp. Các chính trị gia làm giàu bằng cách không đồng ý và không ai bỏ phiếu cho những gì ngăn chận dòng tiền. "Chúng ta có cả đám nhóc con trong Quốc hội. Chúng nó nói rằng : "Được rồi ! Nếu mày không muốn chơi thì tao đem quả bóng của tao về nhà". Chẳng có quá khó để tìm ra được thỏa hiệp tốt ở giữa. Có thể làm được mà. Tôi lập gia đình đã 20 năm". Tôi không chắc cái gì là "ở giữa" trong vở kịch này nhưng nghi ngờ các thỏa hiệp không dễ tìm được ở Washington D.C. như ở nhà Apitz.
Người đàn ông đang ngồi đối diện tôi là người chống cải cách y tế Obamacare. Ông ủng hộ chính sách nhập cư nghiêm ngặt của Trump và rất bận tâm đến chuyện các giáo viên được đem vũ khí vào lớp học ở Mỹ. Đại đa số những người dân chủ sẽ nhảy dựng lên phản đối những ý kiến như vậy trong buổi họp và ở đây có rất ít chỗ cho sự thỏa hiệp.
Mike Apitz là một trong những người thuộc nhóm cử tri độc lập lớn tuổi không gia nhập vào một trong hai đảng nhưng, thông qua các tiêu chuẩn giá trị và chính kiến của họ, thực ra họ vẫn thiên về dân chủ hay cộng hòa. Điều này có nghĩa sự gắn kết với một đảng phái chính trị ở Mỹ suy giảm, là đường congđi xuống rõ rệt từ thế chiến thứ Hai, nhưng khônglà bức tranh chính xác cho thấy cử tri nhất thiết phải chọn tham gia một đảng phái nào.
Phân cực có lỗi rất lớn trong những bế tắc hiện nay. Nó khóa chặt hoàn cảnh làm Apitz bực bội và góp phần tạo ra những quan điểm ảm đạm của cử tri về các thể chế chính trị trong nước. Phân cực là hiện tượng làm gia tăng khoảng cách giữa các thành phần tham gia hệ thống chính trị, ví dụ như các đảng phái. Nếu những điểm cực đoan trong chính trị củng cố vị trí của chúng đối với trung tâm thì sự cực đoan còn nặng nề hơn nữa. Có thể nó sẽ gây ra những hiệu ứng khác nhau, chẳng hạn chính sách sẽ ít dựa vào dữ kiện thực tế hoặc khối đông cử tri giải thích thông tin không còn khách quan. Phân cực cũng liên quan đến sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư kinh tế giảm.
Sự phân cực ở Mỹ đã có từ lâu, trước khi Trump trở thành tổng thống. Trong những năm 1980, hai nhà nghiên cứu khoa học chính trị, Keith T. Poole và Howard Rosenthal tại University of Georgia đã phát triển một hệ thống đo lường mức độ chia rẽ giữa các đại diện dân cử trong nước. Hai ông xem xét những lần bỏ phiếu ở Quốc hội, kể từ năm 1789 cho đến nay. Dựa trên biểu quyết của các đại diện, họ đưa ra cái nhìn tổng quát về cách Quốc hội phân cực vào những thời điểm khác nhau. Theo Poole và Rosenthal, chưa khi nào cả các dân biểu hay nghị sĩ phân cực nhiều hơn hôm nay, và vào những năm 1970 mức độ gia tăng lúc càng nhiều dẫn đến bức tranh phân cực hiện tại.
Như chúng ta sẽ thấy trong các chương sắp tới, không chỉ những người cộng hòa bị buộc tội phân cực. Những người dân chủ cũng có phần đóng góp.Theo giáo sư khoa học chính trị Nolan McCarthy tại Princeton, chính những người cộng hòa đã thúc đẩy phần lớn sự phân cực."Từ những năm 1970, các nhóm chính trị gia mới thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội có quan điểm bảo thủ hơn về các dự luật so với những người tiền nhiệm. Điều tương tự không xảy ra với đảng Dân chủ". Mann và Ornstein, những người chúng ta đã gặp trong chương trước, còn nói "dữ dội" hơnkhihaiông phân tích trách nhiệm trong việc phân cực giữa hai đảng : "Cộng hòa đã trở thành những người nổi loạn cực đoan trong chính trị Mỹ. Đó là những người cực đoan về ý thức hệ, chống đối mọi thỏa hiệp, cố chấp trước những giải thích thông thường về các sự kiện, số liệu thống kê và khoa học và bác bỏ tính hợp pháp của các đối thủ chính trị". Trong phần lớn cuốn sách này, tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến đảng Cộng hòa vì nhiều lý do : Chúng ta có thể tin các nhà nghiên cứu nói trên khi họ nói rằng người cộng hòa đã đóng góp vào sự phân cực nhiều hơn người dân chủ. Vì vậy câu chuyện của họ minh họa rõ ràng hơn về cách Hoa Kỳ bị chia rẽ. Ngoài ra tôi tìm hiểu kỹ thêm về những người cộng hòa, hay The Grand Old Party (GOP), như họ tự nhận, vì chính tôi cũng quan tâm đến những gì đang diễn ra trong đảng. Cuối cùng, cũng không kém phần quan trọng, đường lối của đảng Cộng hòa ngày nay rất xa với trọng điểm chính trị Na Uy, làm nó trở thành ví dụ thú vị.
Theo Mann và Ornstein, các quan điểm chính trị thường do các chính trị gia khởi xướng trước khi chúng lan rộng trong cử tri. Ý kiến của Trump về thương mại tự do là một ví dụ đáng đưa ra. Thương mại tự do là câu thần chú thiêng liêng giữa những người cộng hòa cho đến khi Trump đảo lộn giải pháp này. Các cử tri nghe theo. Tất nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Một số "luật" về ý thức hệ bám rễ vững chắc trong cử tri đến mức các chính trị gia không thể thay đổi chúng. Như chúng ta đã thấy, khi các cử tri cộng hòa dành ưu tiên cho chính sách nhập cư hạn chế thì những cố gắng lái nó về hướng ôn hòa hơn của lãnh đạo đảng cũng chẳng giúp được gì nhiều. Tuy vậy giọng điệu của Washington D.C. thường viện dẫn ý của cử tri. Vì vậy đây là điều tự nhiên để bắt đầu tìm câu trả lời về cách Hoa Kỳ trở thành một quốc gia bị chia rẽ, trong các tác nhân đã định hình cuộc thảo luận chính trị ở thủ đô. Tôi sẽ làm việc này trong các chương 3, 4, 5 và 6. Tuy vậy, trước tiên chúng ta phải quay lại chỗ sự phân cực bắt đầu.
Bối cảnh lịch sử rất quan trọng nếu muốn hiểu tình hình chính trị hiện tại, bởi chính ở đây hai đảng bắt đầu di chuyển theo những hướng khác nhau. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem làm thế nào đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thành hình trong thời kỳ hậu chiến và ý nghĩa trong việc lựa chọn hướng đi của từng đảng.
Thor Steinhovden
Nguyên tác : Detamerikanskemarerittet (The American nightmare), Phần 1, chương 2.
Hoàng Thủy Ngữ dịch (28/02/2019)
Xem thêm :