Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2019

Sự phân cực trong chính trị Mỹ

Thor Steinhovden

Một hệ thống chính trị đang gặp khủng hoảng

Thomas Mann và Norman Ornstein là hai nhà nghiên cứu uy tín thuộc Tổ chức tư vấn chính sách (Thinktank) nổi tiếng Brookings Institute và American Enterprise Institute. Cả hai đều có hơn 40 năm kinh nghiệm trong chính trị Mỹ.

my1

Trong quyển sách It’s Even Worse Than It’s Look : How the american constitutional system collided with the new politics of extremism (Thậm chí còn tệ hơn cái dáng của nó : hệ thống hiến pháp Mỹ đã va chạm như thế nào với chính sách mới của chủ nghĩa cực đoan) 2012, Mann và Ornstein nói về một hệ thống chính trị đang mất dần khả năng thực hiện những tính năng cơ bản. Thông thường, trước tiên các dự luật được ủy ban cứu xét, sau đó đưa ra điều trần công khai và cuối cùng bỏ phiếu nhiều lần. Trong cơ cấu xây dựng, điều này tạo ra sự thuận lợi cho quá trình thực hiện các thỏa hiệp và tính cả đến những phản đối của thiểu số. Tuy vậy, thay vì kêu gọi sự thỏa thuận, đảng đa số trong quốc hội bắt đầu sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để ngăn chặn việc truy xét kỹ hơn của hội đồng và cản trở đảng thiểu số có cơ hội phản đối. Cả hai đảng đều có lỗi trong sách lược của họ. Thêm vào đó, hệ thống bị tham nhũng, việc cứu xét luật chậm chạp hơn, khủng hoảng ngân sách và sự cân bằng quyền lực giữa Quốc hội, Nhà trắng và Tòa án bị suy yếu.

Trong 10 năm qua, có hai cuộc thay đổi luật pháp điển hình của trường hợp này. Năm 2009, cải cách y tế Obamacare được quyết định thành luật, chỉ bằng các phiếu thuận của đảng Dân chủ. Đây là sự mở rộng lớn nhất dành cho các chương trình phúc lợi ở Hoa Kỳ trong hơn nửa thế kỷ. Đảng Cộng hòa cáo buộc đối phương đã thông qua cải cách to lớn mà không chấp nhận những phản đối của cánh hữu và chỉ ra rằng người ta không thể đoán trước được các hậu quả có thể xảy ra do luật này đưa đến. Khi Nancy Pelosi, lãnh đạo đa số ở Hạ viện, tuyên bố với FoxNews rằng "người ta phải thông qua dự luật để chúng ta có thể tìm hiểu những gì trong đó" tất nhiên phải bị phản đối ầm ĩ. Lời nói của Pelosi được hiểu là ngữ cảnh nhưng minh họa cho một quá trình lỏng lẻo.

Bảy năm sau, đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội và muốn thông qua một kế hoạch thuế lớn. Cuối cùng chỉ có các chính trị gia cộng hòa chấp thuận kế hoạch này, theo một quá trình mà nhiều thành viên quốc hội hầu như không biết họ bỏ phiếu cho đề xuất nào. Chỉ vài giờ trước khi bỏ phiếu, phe đối lập được xem một văn bản dài hàng trăm trang và phải giải mã các ghi chú viết tay ở lề. Nhiều ghi chú được thông qua thành luật sau vài cố gắng tìm hiểu các ghi chú viết tay khác nhau.

Hai luật trên sẽ tốt hơn nếu trải qua một quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng và cân bằng. Điều này bảo đảm cho chúng có giá trị lâu dài. Sau khi thua vòng biểu quyết cải cách y tế, đảng Cộng hòa đã mất nhiều năm sau đó để tìm cách bãi bỏ nó. Obamacare rất có thể sẽ sụp đổ bởi vì chính quyền Trump đang bóp nó chết từ từ, nhưng chắc chắn. Cải cách thuế của đảng Cộng hòa có thể sẽ cùng chung số phận nếu đảng Dân chủ giành lại được quyền lực trong các cuộc bầu cử sắp tới. Và cứ như thế, ngày tháng qua đi, Hoa Kỳ không có được những cải cách bền vững.

Hỗn loạn trong Quốc hội

Hans Høeg, một người Na Uy đã chứng kiến tận mắt những hỗn loạn ở Quốc hội. Tôi gặp ông trên từng hai, trong quán cà phê yên tĩnh có tên là Lot 38, tại một góc phố hẻo lánh ở Washington D.C. Một bài viết đã mô tả cái quán cà phê nhỏ, do gia đình làm chủ này, như một nơi người ta có thể nói chuyện với nhau mà không ai nghe lén cả. Một nơi thích hợp cho các cuộc trò chuyện về các đề tài tế nhị, tôi nghĩ vậy.

Høeg hứa sẽ cho tôi biết sự thật, không hề giấu diếm, về sinh hoạt hàng ngày tại nơi làm việc trong một cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới. Điều thú vị không kém khi ông nói thêm là, theo luật pháp địa phương, ông không thể từ chối việc tôi thu âm cuộc đàm thoại – một mánh khóe ông đã từng sử dụng chống lại người cùng đảng với mình. Một vài kỹ sư cơ khí từ Drammen đã trở thành chánh văn phòng cho một trong những thành viên bảo thủ nhất ở Hạ viện - chỉ do một sự tình cờ.

Høeg quen với Thomas Massie ở Kentucky, từ khi họ sống cùng dẫy phòng trọ trong thời gian học ở MIT (Massachusetts Institute of Technology), đại học công nghệ hàng đầu Massachusetts. Hai người trở thành bạn và giữ liên lạc. Mặc dù Høeg thiếu kinh nghiệm chính trị, Massie vẫn điện thoại cho ông sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2012. Massie cần một người tin cẩn.

Tại Quốc hội, Høeg và sếp của mình nhanh chóng phát hiện ra rằng các thành viên quốc hội không thực sự được khuyến khích tự suy nghĩ. Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc bầu cử, điện thoại liên tục gọi đến, không chỉ từ những người vận động hành lang muốn đút lót vị dân biểu mới của bang Kentucky, mà còn từ giới lãnh đạo đảng, những người muốn ông khẳng định lòng trung thành đối với đường lối của đảng.

Trong cuộc họp với Chủ tịch Hạ viện John Boehner, một cố vấn của ông đã hướng dẫn chúng tôi về những đề tài nào chúng tôi có thể nói đến và những đề tài nào không thể nêu ra. Thomas Massie và tôi bị sốc vì chúng tôi cứ nghĩ rằng mình đến Washington với sự ủy nhiệm của cử tri. Tuy nhiên, ngay từ đầu ban lãnh đạo đảng đã cố gắng tạo ấn tượng cho thấy có những nguyên tắc và quy tắc nhất định mà người ta phải tuân theo.

Nếu Massie tuân theo những quy tắc này, lãnh đạo sẵn sàng giúp đỡ ông trong sự nghiệp ở Quốc hội. Nếu trả lệ phí hàng năm cho cho nhóm quốc hội cộng hòa, ông sẽ được "che chở". Massie sẽ được cung cấp danh sách của các nhà tài trợ. Họ sẵn sàng hỗ trợ các chiến dịch và lãnh đạo đảng sẽ chuyển tiền từ giới kinh doanh thông qua các nhóm quyên góp phục vụ chính trị có tên là Ủy ban hành động chính trị (Political Action Commitees). Ngoài ra, ông còn được lãnh đạo cung cấp những điểm chính để nói, đặc biệt trong những sự kiện phức tạp có thể trở thành vấn đề ở khu vực quê nhà. Một chiến lược điển hình, theo Høeg, là chỉ thị đại diện quốc hội tuyên bố rằng ông/bà ta bỏ phiếu dựa trên các báo cáo không thể công bố công khai. Tung tiền ra quảng cáo là một chiến lược khác. "Rất dễ trở thành đại diện quốc hội nếu bạn đi theo chương trình của lãnh đạo vạch ra. Nếu bạn chỉ cần gạt bỏ lương tâm và sự liêm chính thì đây là công việc dễ dàng".

Høeg kể về những gì ông gọi là một Quốc hội tham nhũng, được điều hành bởi những nhà vận động hành lang có rất nhiều tiền và các chính trị gia chỉ muốn duy trì quyền lực và địa vị của mình. Trong vài trường hợp, các chính trị gia cố tình không giải quyết vấn đề bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn khi vấn đề vẫn chưa được giải quyết, theo nhận định của Høeg. Bằng cách này, họ tin chắc là cử tri vẫn tiếp tục tham gia và đóng góp tiền bạc. Trong một hệ thống chính trị, nơi các thành viên Hạ viện chỉ mới bắt đầu làm việc rồi lại lao vào cuộc tranh cử chỉ nửa năm sau thì "vấn đề quan trọng hơn sự giải quyết". Trò chơi chính trị trong Quốc hội đặt nặng vào việc sát cánh với lãnh đạo đảng để từ đó giành được các vị trí quyền lực trong các ủy ban khác nhau.

Ngược lại, dân biểu Massie, sếp của Høeg, là một nhân vật cứng đầu, quả quyết với chánh văn phòng là ông đang rời dần khỏi chức vụ. Massie là người nguyên tắc, theo chủ nghĩa tự do. Ông tự gọi mình là người "bảo thủ hiến pháp". Ông cho rằng nhà nước nên tránh xa hầu hết các công việc của xã hội và nói rõ ngay từ đầu ông không chấp nhận đòn roi của đảng. Điều này không phổ biến trong giới vận động hành lang và tầng lớp lãnh đạo đảng. Trong một trường hợp Massie bỏ phiếu chống một đề xuất mà một nhà vận động hành lang đã cố gắng thuyết phục ông bỏ phiếu thuận. Chỉ mười phút sau, một cú điện thoại gọi đến báo cho biết tiền từ nhà vận động hành lang này sẽ bị dừng ngay lập tức. Høeg kể rằng giới lãnh đạo đảng có biện pháp trừng phạt tiên tiến hơn, được chia làm ba cấp độ đe dọa khác nhau mà chính ông gọi là "DEFCON 3, 2 và 1", theo hệ thống đánh giá mối đe dọa của bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Cấp độ 1 là nghiêm ngặt nhất.

3. Gia hạn : "Tôi thấy bạn đã bỏ phiếu chống nhưng hãy để tôi giải thích cho bạn biết thực sự nó là gì".

2. Đe dọa : "Nếu bỏ phiếu như vậy, bạn sẽ không bao giờ được làm việc ở thành phố này nữa. Bạn sẽ không còn được hỗ trợ tiền bạc, phương tiện vì bạn là người ngoài nhóm".

1. Phản ứng quyết liệt : "Lãnh đạo đảng mất suy nghĩ và hét lên với bạn. Chụp lấy tay bạn, dí tay vào ngực bạn và chửi rủa".

Một phản ứng cực đoan hơn là yêu cầu Ủy ban Đạo đức (Ethics Committee) của Quốc hội theo dõi.

Ủy ban này chưa bao giờ được dùng để chống Massie, nhưng theo lời chánh văn phòng, lãnh đạo cả 2 đảng đã để ngỏ các quy tắc đạo đức một cách khó hiểu, với mục đích có thể sử dụng trừng phạt các dân biểu không tuân theo thỏa thuận.

Høeg đưa ra một nhận xét "đứng tim" :

Thật ra Hoa Kỳ không phải là một nước cộng hòa dân chủ. Đó chỉ là cái tên. Tất nhiên, nó hoạt động tốt hơn nhiều so với Bắc Hàn, nhưng ở đây, trong Hạ viện, người ta làm mọi cách để lừa bạn, đẩy bạn ra ngoài và lèo lái bạn – để đạt được những gì HỌ muốn. Khi tôi nói HỌ, đó là "giới tinh hoa nội bộ", những chính trị gia thích được K Street bôi trơn.

Thomas Massie vẫn làm việc ở Quốc hội. Ông sống sót sau những lần đe dọa của cả phát ngôn viên John Boehner và người kế nhiệm Paul Ryan, nhân vật tuyên bố vào mùa xuân 2018 sẽ về nghỉ hưu sau cuộc bầu cử tháng Mười Một. Massie thường bị nhầm là thành viên của The Freedom Caucus và từng trình bày quan điểm của mình ở nhóm liên minh dân biểu quốc hội bảo thủ.

Quan điểm chính của ông là nhà nước đã trở nên quá lớn và vì vậy ông bỏ phiếu chống nhiều đề xuất mới ở Quốc hội. Høeg cười khúc khích nói : "Tom từng nói đùa là ông sẽ ăn trưa một mình mỗi ngày, trừ khi họ sớm cho ông những gì để ông bỏ phiếu thuận".

"Nguyên tắc" là thuật ngữ chính xác để dành cho Massie, nhưng ông không phải là một dân biểu có tính cách xây dựng đặc biệt. Vị dân biểu đến từ quận 4 tiểu bang Kentucky bỏ phiếu chống nhiều lần tới mức tờ báo trực tuyến Politico đặt cho ông cái tên diễu là Mr. NO. Một trong những lần ông bỏ phiếu chống, đó là vào mùa thu 2013, khi một nhóm thành viên quốc hội từ chối chấp thuận một thỏa thuận ngân sách không bao gồm việc cắt giảm tài chính dành cho cải tổ y tế Obamacare. Hậu quả là nhà nước Mỹ tê liệt trong nhiều tuần. Bản thân tôi đã làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ trong thời gian đóng cửa lần thứ ba. Đây là lần "shutdown" dài nhất. 800 000 nhân viên nhà nước bị sa thải vô thời hạn và 1,3 triệu người làm việc không lương. Hầu hết các công viên quốc gia lớn, các viện bảo tàng và các địa điểm thu hút du khách đóng cửa. Chúng tôi vẫn đến Đại sứ quán làm việc nhưng được lệnh nghiêm ngặt không được dùng tiền. Các buổi tổ chức sự kiện, các hội nghị chuyên đề và những cuộc họp song phương bị hủy – thậm chí không thể dùng máy in vì máy hết mực và không có tiền để mua mực mới. Một cảm giác siêu thực khi làm việc cho một siêu cường mạnh nhất thế giới nhưng không có khả năng để đổ mực vào máy. Càng đóng cửa lâu, càng thấy xấu hổ. Nhưng đối với Massie, đây không phải là vấn đề. Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh WFPL ở Kentucky, ông thừa nhận đảng Cộng hòa có lỗi phần lớn trong tình huống này nhưng quả quyết vụ đóng cửa "không phải là vấn đề lớn". 800 000 ngàn người bị sa thải có lẽ không hoàn toàn đồng ý với vị đại diện dân cử về ý kiến này.

Thomas Massie và Hans Høeg nên được tuyên dương vì đã ra mặt chống lại những thứ không đem đến kết quả tốt nhất cho cử tri như mục đích chính trong một hệ thống tham nhũng. Tuy nhiên lối nguyên tắc quá mức của Massie tự nó là một thách thức. Massie là dân biểu quốc hội nhưng lại muốn Nhà nước không có trách nhiệm to lớn nào khác ngoài việc bảo trì đường sá và bảo vệ đất nước. Nhiều người cho rằng đó không phải là quan điểm thực tế và Massie trở thành một phần của vấn đề. Phiếu chống của ông phụ thêm vào việc khóa chặt cuộc hội thoại chính trị.

Gridlock

Trong một bức tranh đơn giản, tôi thấy bản thân hệ thống chính trị Hoa Kỳ như cái bánh xe xoay tròn. Quốc hội (quyền lập pháp), Nhà trắng (quyền hành pháp) và Tòa án (quyền tư pháp) nằm rải rác ở nhiều điểm khác nhau trong bánh xe và giúp nó tăng hay giảm tốc. Khi bánh xe xoay nhanh với tốc độ tốt, hệ thống sẽ hoạt động bình thường. Luật được thông qua và thực thi, phối hợp với tổng thống và bộ máy quan liêu. Trường hợp luật pháp vượt quá những gì hiến pháp cho phép, tòa án sẽ điều chỉnh để nó trở lại đúng hướng. Tuy nhiên khi bánh xe bắt đầu quay chậm và dừng lại, hệ thống ngưng hoạt động. Sự kiện này được gọi là "gridlock".

Chính trị Hoa Kỳ ngày nay đang bế tắc. Chính sách có tính cách ngắn hạn vì thiếu sự đồng thuận giữa các đảng. Việc thông qua dự luật, dù lớn hay nhỏ, mất rất nhiều thời gian. Một lần nữa, cuộc tranh luận về cải cách kinh tế Obamacare là ví dụ điển hình. Cùng với hai người cộng hòa khác, thượng nghị sĩ John McCain đã bỏ phiếu chống lại chính đảng của mình và chống lại việc bãi bỏ cải cách kinh tế Obamacare vào tháng Sáu 2017. Sau cuộc bỏ phiếu McCain gặp gỡ báo chí và khẩn khoản nói : "Chúng tôi không còn có thể làm bất cứ điều gì trong Quốc hội nữa. Chúng ta phải tin tưởng nhau và quay trở lại với cách xử lý vấn đề bình thường một lần nữa". Cho đến nay, lời van xin của McCain vẫn ít được đáp ứng.

Nhiệm vụ chính của tổng thống, người đứng đầu hành pháp, là thực thi luật pháp quốc gia. Hiến pháp quy định tổng thống có được khoản trống khả thi nhất định để ông/bà thực hiện theo cách riêng của mình và trách nhiệm chính của Quốc hội là làm luật. Một số nhà phê bình tin rằng các vị tổng thống hiện đại đã khai thác cơ hội này để quấy nhiễu quyền lực lập pháp.

Đối với nhiều người cộng hòa, giai đoạn cuối của Obama là ví dụ cho thấy sự leo thang kiểu này. Obama đã xây dựng nhiều thay đổi lớn trong chính sách biến đổi khí hậu, bao gồm kế hoạch cắt giảm kỹ nghệ than. Ngoài ra, ông còn cố gắng tiến hành các chính sách di trú như Deferred Action for Parents of Americans (DAPA) và Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA). Những thay đổi này nhằm cấp cho một số lượng lớn người sống không giấy tờ ở Mỹ quyền cư trú và làm việc trong nước.

Cả chính sách biến đổi khí hậu lẫn những thay đổi trong lãnh vực di dân đều không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Chúng được đưa ra theo lệnh của tổng thống. Mệnh lệnh là tài liệu do tổng thống ban hành và bộ máy quan liêu dựa vào để thực thi luật hiện hành. Qua các hành động này của Obama, các nhà phê bình cho rằng ông đã dẫm chân sâu vào công việc soạn thảo luật pháp của Quốc hội. Theo Hans Høeg, cố vấn của Thomas Massie, phương cách này được khai thác rộng rãi dưới thời của Bush, Obama và Trump : tổng thống có quá nhiều quyền lực, do đó tạo ra sự mất cân bằng trong việc xây dựng chính sách.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, các tòa án bị ảnh hưởng bởi đường lối chính trị độc hại của các đảng phái trong khi quyền lực tư pháp cần được bảo vệ. Tòa án là một trong những số ít cơ quan vẫn được phần lớn người Mỹ tin tưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, các cơ quan tư pháp thường xuyên bị lôi vào trò chơi chính trị ở Washington. Thẩm phán liên bang được tổng thống đề cử và thượng viện phê chuẩn. Sau khi giành lại được đa số ở Thượng Viện trong cuộc bầu cử năm 2012, những người cộng hòa đã đi chơi thể thao để trì hoãn những đề cử của Obama. Trong khi Thượng Viện với đa số người dân chủ chấp nhận 68 ứng cử viên do George W. Bush đề cử trong hai năm cuối nhiệm kỳ của ông thì những người cộng hòa chỉ chấp nhận 22 người do Obama đề cử vào 2 năm cuối nhiệm kỳ tổng thống. Tình huống gây tranh cãi nhất là khi chánh án bảo thủ Tòa án Tối cao Antonin Scalia đột ngột qua đời vào mùa xuân 2016. Những người cộng hòa từ chối xem xét Merrick Garland, ứng cử viên ôn hòa do Obama đề cử. Chuyện này mở đường cho Donald Trump sau này, vào mùa xuân 2017, đề cử Neil Gorsuch và ông này được chấp thuận. Để đưa Gorsuch vào ghế chánh án, những người cộng hòa đã xóa một đoạn văn cũ đòi hỏi 60 phiếu trong Thượng viện để phê chuẩn. Nếu không xóa đoạn văn này, họ phải cần đến phiếu của các nghị sĩ dân chủ để phê chuẩn Gorsuch. Bằng cách thay đổi, đảng Cộng hòa được phép làm việc này chỉ với 51 phiếu.

Trước cuộc bầu cử năm 2016, Trump đã hứa rằng, với tư cách tổng thống, ông chỉ đề cử các ứng cử viên Tòa án Tối cao nằm trong danh sách do hai tổ chức bảo thủ thiết lập. Lời hứa là sự bảo đảm với những người cộng hòa còn hoài nghi để họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho ông : "Nếu không thích tôi, bạn cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ phiếu cho tôi. Bạn biết tại sao không ? : Đó là Tòa án Tối cao", Trump nói như vậy trong một buổi họp bầu cử.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tòa án ngày nay là một phần của trò chơi quyền lực chính trị. Và chính trị hóa có nguy cơ làm lung lay niềm tin của mọi người vào thể chế trung lập cuối cùng trong chính trị Hoa Kỳ.

Gridlock khiến cử tri Mỹ hoài nghi về các đảng phái và các thể chế chính trị. Năm 2017, 12% dân số Mỹ đặt niềm tin vào Quốc hội, một con số không thể tin nổi khi nó đã là mức cải thiện lớn hơn năm trước. John McCain từng nói đùa rẳng "Những kẻ duy nhất ủng hộ Quốc hội ngày nay là thân nhân của những người được bầu và những người được cơ quan lập pháp trả tiền". Chỉ 1/3 người Mỹ tin vào tổng thống và niềm tin chung vào "nhà nước" đã giảm đi rất nhiều từ năm 1960. Chưa đến một trong năm người Mỹ tin rằng nhà nước thường hoạt động vì lợi ích xã hội.

Mike Apitz là một trong những cử tri không tin vào các chính trị gia và các thể chế chính trị. Tôi gặp anh ở khuôn viên trường đại học nơi tôi từng là sinh viên, tại St. Olaf College ở Minnesota. Apitz lớn hơn tôi 20 tuổi, sống cách trường 10’ và đây là lần đầu tiên ông đến đây. Các trường đại học có tiếng là pháo đài của cánh tả và ông không tiếp tục học lên tiếp sau khi xong cấp 3. Đây cũng là một trong những ít nơi ông không mang theo vũ khí. "Vì lý do an ninh", ông quả quyết như vậy và nhấn mạnh rằng kinh tế giờ nay đang tệ đi. Tôi hoàn toàn không hiểu tương quan của sự việc nhưng kết luận là ông muốn nói đến chuyện cướp bóc. Hơn 90% người Mỹ như Apitz ủng hộ thủ tục kiểm tra lý lịch chặt chẽ trong việc mua vũ khí nhưng rất bận tâm bảo vệ phần bổ túc hiến pháp thứ hai của Hoa Kỳ cho phép quyền mang vũ khí. Đây là lý do tại sao ông thích Trump hơn Clinton. "Kẻ ít tệ hơn giữa hai con quỷ", ông nhấn mạnh như vậy, nhân cơ hội ông ca ngợi kiểu nổi loạn của tổng thống. Cũng có lúc ông không đồng ý với cách sử dụng từ ngữ của Trump nhưng cho rằng Trump đã đạp vào chân các chính trị gia và điều khiển con tàu theo cách riêng. "Có thể những gì ông ta nói không phải lúc nào cũng đúng về mặt chính trị nhưng ông ấy đã chọn ra những gì nên nói". Apitz muốn ám chỉ chuyện nhập cư. Nhà bán thiết bị máy móc từ một khu vực ở vùng Trung Tây không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vì Apitz chắc chắn rằng cuộc bầu cử được tổ chức theo hướng có lợi cho Hillary Clinton. Trump không có chút cơ hội nào trong đại dương, ông nghĩ thế. Apitz vui mừng vì đã nghĩ sai và điều này cho thấy ông nên đi bầu trong tương lai. "Đó là bài học lớn cho tôi. Tôi thừa nhận nó. Tôi cứ tưởng phiếu bầu của tôi sẽ không được tính nên tôi không quan tâm đến chuyện đi bỏ phiếu".

Apitz mô tả toàn hệ thống chính trị được thiết kế như một trò chơi kim tự tháp. Các chính trị gia làm giàu bằng cách không đồng ý và không ai bỏ phiếu cho những gì ngăn chận dòng tiền. "Chúng ta có cả đám nhóc con trong Quốc hội. Chúng nó nói rằng : "Được rồi ! Nếu mày không muốn chơi thì tao đem quả bóng của tao về nhà". Chẳng có quá khó để tìm ra được thỏa hiệp tốt ở giữa. Có thể làm được mà. Tôi lập gia đình đã 20 năm". Tôi không chắc cái gì là "ở giữa" trong vở kịch này nhưng nghi ngờ các thỏa hiệp không dễ tìm được ở Washington D.C. như ở nhà Apitz.

Người đàn ông đang ngồi đối diện tôi là người chống cải cách y tế Obamacare. Ông ủng hộ chính sách nhập cư nghiêm ngặt của Trump và rất bận tâm đến chuyện các giáo viên được đem vũ khí vào lớp học ở Mỹ. Đại đa số những người dân chủ sẽ nhảy dựng lên phản đối những ý kiến như vậy trong buổi họp và ở đây có rất ít chỗ cho sự thỏa hiệp.

Mike Apitz là một trong những người thuộc nhóm cử tri độc lập lớn tuổi không gia nhập vào một trong hai đảng nhưng, thông qua các tiêu chuẩn giá trị và chính kiến của họ, thực ra họ vẫn thiên về dân chủ hay cộng hòa. Điều này có nghĩa sự gắn kết với một đảng phái chính trị ở Mỹ suy giảm, là đường congđi xuống rõ rệt từ thế chiến thứ Hai, nhưng khônglà bức tranh chính xác cho thấy cử tri nhất thiết phải chọn tham gia một đảng phái nào.

Phân cực có lỗi rất lớn trong những bế tắc hiện nay. Nó khóa chặt hoàn cảnh làm Apitz bực bội và góp phần tạo ra những quan điểm ảm đạm của cử tri về các thể chế chính trị trong nước. Phân cực là hiện tượng làm gia tăng khoảng cách giữa các thành phần tham gia hệ thống chính trị, ví dụ như các đảng phái. Nếu những điểm cực đoan trong chính trị củng cố vị trí của chúng đối với trung tâm thì sự cực đoan còn nặng nề hơn nữa. Có thể nó sẽ gây ra những hiệu ứng khác nhau, chẳng hạn chính sách sẽ ít dựa vào dữ kiện thực tế hoặc khối đông cử tri giải thích thông tin không còn khách quan. Phân cực cũng liên quan đến sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư kinh tế giảm.

Sự phân cực ở Mỹ đã có từ lâu, trước khi Trump trở thành tổng thống. Trong những năm 1980, hai nhà nghiên cứu khoa học chính trị, Keith T. Poole và Howard Rosenthal tại University of Georgia đã phát triển một hệ thống đo lường mức độ chia rẽ giữa các đại diện dân cử trong nước. Hai ông xem xét những lần bỏ phiếu ở Quốc hội, kể từ năm 1789 cho đến nay. Dựa trên biểu quyết của các đại diện, họ đưa ra cái nhìn tổng quát về cách Quốc hội phân cực vào những thời điểm khác nhau. Theo Poole và Rosenthal, chưa khi nào cả các dân biểu hay nghị sĩ phân cực nhiều hơn hôm nay, và vào những năm 1970 mức độ gia tăng lúc càng nhiều dẫn đến bức tranh phân cực hiện tại.

Như chúng ta sẽ thấy trong các chương sắp tới, không chỉ những người cộng hòa bị buộc tội phân cực. Những người dân chủ cũng có phần đóng góp.Theo giáo sư khoa học chính trị Nolan McCarthy tại Princeton, chính những người cộng hòa đã thúc đẩy phần lớn sự phân cực."Từ những năm 1970, các nhóm chính trị gia mới thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội có quan điểm bảo thủ hơn về các dự luật so với những người tiền nhiệm. Điều tương tự không xảy ra với đảng Dân chủ". Mann và Ornstein, những người chúng ta đã gặp trong chương trước, còn nói "dữ dội" hơnkhihaiông phân tích trách nhiệm trong việc phân cực giữa hai đảng : "Cộng hòa đã trở thành những người nổi loạn cực đoan trong chính trị Mỹ. Đó là những người cực đoan về ý thức hệ, chống đối mọi thỏa hiệp, cố chấp trước những giải thích thông thường về các sự kiện, số liệu thống kê và khoa học và bác bỏ tính hợp pháp của các đối thủ chính trị". Trong phần lớn cuốn sách này, tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến đảng Cộng hòa vì nhiều lý do : Chúng ta có thể tin các nhà nghiên cứu nói trên khi họ nói rằng người cộng hòa đã đóng góp vào sự phân cực nhiều hơn người dân chủ. Vì vậy câu chuyện của họ minh họa rõ ràng hơn về cách Hoa Kỳ bị chia rẽ. Ngoài ra tôi tìm hiểu kỹ thêm về những người cộng hòa, hay The Grand Old Party (GOP), như họ tự nhận, vì chính tôi cũng quan tâm đến những gì đang diễn ra trong đảng. Cuối cùng, cũng không kém phần quan trọng, đường lối của đảng Cộng hòa ngày nay rất xa với trọng điểm chính trị Na Uy, làm nó trở thành ví dụ thú vị.

Theo Mann và Ornstein, các quan điểm chính trị thường do các chính trị gia khởi xướng trước khi chúng lan rộng trong cử tri. Ý kiến của Trump về thương mại tự do là một ví dụ đáng đưa ra. Thương mại tự do là câu thần chú thiêng liêng giữa những người cộng hòa cho đến khi Trump đảo lộn giải pháp này. Các cử tri nghe theo. Tất nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Một số "luật" về ý thức hệ bám rễ vững chắc trong cử tri đến mức các chính trị gia không thể thay đổi chúng. Như chúng ta đã thấy, khi các cử tri cộng hòa dành ưu tiên cho chính sách nhập cư hạn chế thì những cố gắng lái nó về hướng ôn hòa hơn của lãnh đạo đảng cũng chẳng giúp được gì nhiều. Tuy vậy giọng điệu của Washington D.C. thường viện dẫn ý của cử tri. Vì vậy đây là điều tự nhiên để bắt đầu tìm câu trả lời về cách Hoa Kỳ trở thành một quốc gia bị chia rẽ, trong các tác nhân đã định hình cuộc thảo luận chính trị ở thủ đô. Tôi sẽ làm việc này trong các chương 3, 4, 5 và 6. Tuy vậy, trước tiên chúng ta phải quay lại chỗ sự phân cực bắt đầu.

Bối cảnh lịch sử rất quan trọng nếu muốn hiểu tình hình chính trị hiện tại, bởi chính ở đây hai đảng bắt đầu di chuyển theo những hướng khác nhau. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem làm thế nào đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thành hình trong thời kỳ hậu chiến và ý nghĩa trong việc lựa chọn hướng đi của từng đảng.

Thor Steinhovden

Nguyên tác : Detamerikanskemarerittet (The American nightmare), Phần 1, chương 2.

Hoàng Thủy Ngữ dịch (28/02/2019)

Xem thêm :

Cơn ác mộng Mỹ - 1

Cơn ác mộng Mỹ - 2

Quay lại trang chủ
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)