Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2019

Người Việt được gì với Trump-Kim tại Hà Nội ?

Phạm Trần

Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đã lợi dụng thế giới thông tin về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn để bán thương hiệu "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" và "Việt Nam là nơi hòa giải".

hanoi11

Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ sẵn sàng chào đón Tổng thống Hoa Kỳ tới hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nhưng "hòa bình" theo nghĩa không còn chiến tranh, hay nơi là "nguôn gốc của chiến tranh huynh đệ tương tàn của người Việt Nam" ?

Và, liệu Việt Nam có thật sự là "nơi hòa giải" của dân tộc Việt Nam hay chỉ là chỗ dừng chân tạm thời cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un trong hai ngày 27 và 28/02/2019 để họ bàn về khả năng giải giới vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn và chấm dứt vĩnh viễn lo ngại tái diễn chiến tranh Hàn Quốc ?

Lý do Việt Nam được chọn, theo ý của Mỹ và cá nhân ông Trump, vì Bắc Hàn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Nhất là Việt Nam và Mỹ từng là thù địch trong chiến tranh mà đã biết quên di quá khứ để bắt tay hợp tác phát triển kinh tế, biến Việt Nam chậm tiến thành một quốc gia có mức phát triển kinh tế cao ở Đông Nam Á.

Vì vậy, ông Trump đã công khai nói nếu Chủ tịch Kim từ bỏ vũ khí nguyên tử thì sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế giống như Việt Nam và Mỹ sẵn sàng ủng hộ.

Báo Zing.vn viết : "Ông Trump gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là "ví dụ" về những gì Triều Tiên có thể trở thành nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Đây là cuộc họp lần 2 giữa Mỹ và Bắc Hàn về triển vọng vãn hồi hòa bình cho nhân dân hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Cuộc họp Trump-Kim lần thứ nhất đã diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018, nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào.

Cuộc chiến Nam-Bắc

Nên biết cuộc chiến Hàn Quốc bắt đầu ngày 25/06/1950, bởi cuộc xâm lăng miền Nam qua Vĩ tuyến 38, chia đôi lãnh thổ, của 75.000 quân chính phủ miền Bắc, khi ấy là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (The Democratic People’s Republic of Korea) do Nga Xô hậu thuẫn.

Quân miền Nam, Cộng hòa Đại Hàn (The Republic of Korea) được lực lượng của 16 quốc gia Liên Hiệp Quốc, do Hoa Kỳ lãnh đạo đã phản công và kết thúc cuộc chiến ngày 27/07/1953.

Cuộc chiến, tuy chỉ dài hơn 3 năm nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho cả đôi bên.

Về quân lính, căn cứ theo Bách khoa toàn thư mở :

- Hoa Kỳ : chết và bị thương 128.650 ; mất tích 4.757.

- Nam Hàn : 178.405 tử thương, 566.434 bị thương và 32.25 mất tích.

- Bắc Hàn : từ 398.000 đến 533.000 chết, 686.500 bị thương và 145.000 hay cao hơn mất tích.

Tổng số thường dân của cả hai bên chết và bị thương ước tính 2,5 triệu người.

Tuy chiến tranh giữa người Hàn đã kết thúc 66 năm, tính từ 1953 đến 2019, nhưng hai miền Nam-Bắc vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chỉ có "Hiệp định ngưng bắn" mà không có "Hiệp định hòa bình". Vì vậy có khoảng 28.000 quân Mỹ thường xuyên đồn trú ở Nam Hàn để đề phòng cuộc tấn công của Bắc Hàn.

Nhưng đe dọa lớn nhất không những cho Nam Hàn mà cả cho Nhật Bản và Hoa Kỳ là số vũ khí nguyên tử Bắc Hàn đã chế tạo và tàng trữ. Số này ước tính của Tây phương là trên 60 vũ khí nguyên tử, kể cả loại hỏa tiễn có tầm bắn xa 13.000 dặm.

Trước khi có cuộc họp ở Singapore tháng 6/2018, thỉnh thoảng Bắc Hàn vẫn cho thử nghiệm các hỏa tiễn mới bắn về phía biển Đông Á, giữa Nam Hàn và Nhật Bản khiến Thế giới lo âu, và là nguyên nhân Bắc Hàn bị Liên Hiệp Quốc, do Hoa Kỳ dẫn đầu, cấm vận.

Vì bị thế giới cấm vận, cộng với nền kinh tế lạc hậu nên Bắc Hàn phải sống nhờ vào viện trợ, nhiên liệu và khí đốt từ Trung Quốc.

Các nhà kinh tế độc lập ước tính Bắc Hàn có trên 25 triệu dân, nhưng kinh tế thuộc hạng kém mở mang, tùy thuộc phần lớn vào hầm mỏ.

Ông Ri Jong-ho, một viên chức kinh tế cao cấp của Bắc Hàn đào thoát tiết lộ tại cuộc họp của tổ chức the Asia Society tại New York năm 2017 rằng người dân Bắc Hàn không đủ ăn.

Đó là lý do mà, theo các nhà quan sát Á Châu, khiến nhà độc tài Kim Jong-un bằng lòng nói chuyện với Tổng thống Donald Trump; với hy vọng đòi được bỏ cấm vận để đổi lấy cam kết về vũ khí nguyên tử. Ông Kim cũng dự trù đòi Mỹ rút quân khỏi Nam Hàn.

Trump quên nhân quyền

Bắc Hàn là một nước khép kín với thế giới bên ngoài, nhưng các vụ đàn áp dã man những ai có hành động hay tư tưởng chống đối, từ thời Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, ông nội của Kim Jong-un), qua đến người Bố là Kim Jong-il, đã bị lộ ra ngoài bởi những nạn nhân đào thoát khỏi Bắc Hàn.

Họ nói chính phủ Bắc Hàn đã thiết lập nhà tù nhiều hơn trường học, nhưng từ sau những tuyên bố quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn cuối năm 2017, ông Donald Trump và tòa Bạch Ốc đã có thái độ im lặng về các vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn, theo báo Washington Post, ngày 26/02/2019.

Đó cũng là trường hợp của Việt Nam trong cuộc họp của ông Trump với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm 27/02/2019.

Theo báo của nhà nước Việt Nam, ông Trump đã tỏ ra "ấn tượng về lòng hiếu khách của người dân và sự phát triển rất ấn tượng của Việt Nam".

"Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới… Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông… Tổng thống Donald Trump cảm ơn và đánh giá rất cao sự chủ động và thiện chí của Việt Nam trong việc cung cấp địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai ; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực quan trọng này" (QĐND, 27/02/2019).

Các báo-đài khác của Việt Nam cũng đưa tin tương tự.

Như vậy, điều mà nhiều người Việt Nam tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước và hải ngoại trông đợi ông Trump sẽ đề cập vấn đế nhân quyền và đòi trả tự do cho hơn 100 tù nhân chính trị đang bị giam cầm đã không xẩy ra.

Cũng bị gạt ra ngoài là lá thư của 3 Dân biểu Alan Lowenthal (Dân chủ), Chris Smith (Cộng hòa), và Zoe Lofgren (Dân chủ) yêu cầu ông Trump cần quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam khi ông có mặt ở Hà Nội.

Ngược lại, ông Trung đã cùng chứng kiến với ông Trọng trong buổi lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Theo tin của phía Việt Nam thì :

"Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ). 

Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD".

Như vậy là phía Việt Nam đã chi ra tổng cộng 21 tỷ dollars để mua hàng Mỹ trong chuyến đi Việt Nam của ông Trump. Báo chí Việt Nam còn viết :

"Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông đánh giá cao việc Việt Nam tin chọn và cân nhắc mua các thiết bị quân sự của Mỹ mà theo ông là các thiết bị quân sự tốt nhất thế giới hiện nay".

Cho đến nay, Nga là nước bán nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/05/2017, Việt Nam đã bỏ ra "gần 15 tỷ USD, chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ"

Như vậy, khi Việt Nam khoe Hà Nội là thành phố hòa bình thì họ lại quên lịch sử đã chứng minh nơi đây cũng là chỗ bắt đầu các quyết định xua quân xăm lăng Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1960.

Còn về "hòa giải" thì khi Ban Tuyên giáo hồ hởi tự khoe "Việt Nam là nơi hòa giải" thì lại không biết, sau 44 năm kết thúc cuộc chiền huynh đệ tương tàn, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ôm hận thất bại với Nghị quyết 36 (26/03/2004) về "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài".

Phạm Trần

(28/02/2019)

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)