Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoàng Phủ Ngọc Tường – Sát nhân máu lạnh ?

Nguyễn Tiến Cường, 29/07/2023

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn nổi tiếng - nhưng không nổi tiếng với những tác phẩm của mình, ông nổi tiếng về vụ Thảm sát Tết Mậu Thân 1968 - đã qua đời vào ngày 24/07/2023. Cái chết của ông Tường gây rất nhiều tranh cãi về sự hiện diện của ông trong vụ Thảm sát Tết Mậu Thân nói trên với hơn 3.000 thường dân vô tội.

hpnt1

Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1963

Sự tranh cãi đã nổ ra vào năm 2018 khi ông Tường viết một lá thư có tựa đề Lời xin lỗi cho một chuyện quá buồn (1), được đánh giá như lời sám hối (nửa vời) của ông với những nạn nhân vụ Thảm sát Mậu Thân 1968.

Một số người bênh vực, bào chữa cho ông Tường, quả quyết (theo lời kể của ông Tường) rằng ông không hề có mặt ở Huế, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Lập – thường được gọi là Bọ Lập, người phổ biến lá thư trên trang nhà ở Facebook, viết thêm lời nhận định.

Nhiều người khác chính thức lên tiếng, kết án ông là một trong những sát thủ máu lạnh, thủ phạm chính trong Thảm sát Mậu Thân 1968. Sau đó, khi bị chỉ trích nặng nề, ông Lập đành phải công khai xin chấm dứt tranh luận, rút bài của mình xuống.

Ngay sau khi ông Tường qua đời, cuộc tranh cãi chợt bùng nổ trở lại. Tôi không tham gia vào cuộc tranh cãi này vì ông Tường có mặt ở Huế hay không thì việc phân tích, mổ xẻ một cuộc tàn sát thường dân vô tội sau 55 năm không thể căn cứ vào lời nói, tài liệu, bằng chứng thứ cấp (nghe kể lại, có bài báo...). Hơn thế nữa, việc tranh cãi có lợi gì không khi người nói có, kẻ nói không, đôi co qua lại, kết quả là gì, đi về đâu ?

Khi ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phủ nhận sự có mặt của mình trong thời gian quân cộng sản chiếm đóng Huế bằng lá thư sám hối thượng dẫn cùng với lời bàn của nhà văn Nguyễn Quang Lập – thú nhận rằng ông đã nói dối – chỉ kể theo lời một người khác, chúng ta hãy tin như vậy.

Bài viết này chỉ nhận định, đánh giá con người, bản chất của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường – một cán bộ cộng sản tiêu biểu - qua những câu trả lời phỏng vấn với đài PBS năm 1982 và thư sám hối (nửa vời) năm 2018. Trích :

"Còn một số những trường hợp khác thì chính nhân dân do đã căm thù quá lâu, đó là những người đã bị (chính quyền Sài Gòn) tra tấn, bắt tất cả gia đình phải đi ở tù ra ngoài đảo... và đến khi cách mạng bùng lên, họ lấy lại cái thế của người mạnh, thì họ tự đi tìm những kẻ đó để loại trừ như trừ những con rắn độc mà từ lâu nay nếu còn sống sẽ tiếp tục gây tội ác trong chiến tranh". Hết trích (2).

Trong thư "sám hối", ông Tường viết : "Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc".

Lúc trả lời phỏng vấn đài PBS, nhận mình là nhân chứng ở Huế trong Thảm sát Tết Mậu Thân, một mặt ông Tường mong đợi sự tin dùng của chế độ cộng sản, mặt khác khẳng định mình là người cộng sản sắt máu, không nhân nhượng với kẻ thù. Chỉ hoài công, khi làm tờ nguyệt san Cửa Việt với tư cách tổng biên tập, Nguyễn Quang Lập phụ tá, tờ báo chỉ ra được 17 số rồi phải đóng cửa. Trước đó, ông Tường phải viết một lá thư cầu cứu trung ương vì sự chèn ép, hăm dọa của cán bộ lãnh đạo địa phương, nhưng vô ích – nội dung, bài vở tờ báo không làm hài lòng họ.

Phải chờ đến cuối đời, ngồi xe lăn, ông Tường mới nhận ra được tác hại những phát ngôn của mình, nên vụng về bào chữa rằng lúc trả lời phỏng vấn đã mạo nhận là nhân chứng. Số phận của ông Tường cũng là số phận của những đứa con nuôi lạc loài của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ở đây cần đặt ra một vài câu hỏi : Là người sinh trưởng ở Huế, học hành, thành nhân, tốt nghiệp cử nhân triết đại học văn khoa Huế, dạy học, sinh sống cũng ở Huế…, lý do nào ông Tường hận thù, căm ghét người dân Huế đến mức độ gọi họ là những con rắn độc ? Viên chức chính quyền, cảnh sát, công an nào đã hành hạ, bắt giữ, tra tấn ông Tường hay thân nhân ruột thịt, bạn bè ông khiến ông nguyền rủa họ khi họ đã chết ?

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chết, bằng cách này hay cách khác, xác thân ông sẽ trở về với cát bụi, ông có hiện diện ở Huế, trực tiếp hay gián tiếp nhúng tay vào cuộc Thảm sát Mậu Thân 1968 không ? Không quan trọng ! Quan trọng là chế độ cộng sản, chế độ mà ông trung thành, theo đuổi, phục vụ, tham gia xây dựng đã tàn phá đất nước về mọi mặt, từ giáo dục, y tế, đến lãnh thổ, tài nguyên, đạo đức, văn hóa, ngôn ngữ... vô phương cứu chữa.

Ông ra đi nhưng chắc khó lòng siêu thoát bởi di hại cho dân tộc, đất nước Việt Nam - có sự góp phần của ông dù trực tiếp hay gián tiếp - sẽ tồn tại lâu dài theo thời gian, có khi cả trăm năm. Tuy nhiên dù sao đi nữa, tôi vẫn cầu xin cho ông được bình yên, thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Tiến Cường

Nguồn : tiencuong.nguyen.94, 29/07/2023

****************************

Người chứng kiến sát thủ Hoàng Phủ Ngọc Phan ở Tết Mậu Thân Huế

Nguyễn Thị Thái Hòa, Văn Hóa, 15/01/2018

Bà Nguyễn Thị Thái Hòa là nhân chứng sống của cuộc tàn sát dân lành một cách dã man chưa từng có trong lịch sử Việt Nam của cộng sản Bắc Việt. Bà chính mắt chứng kiến ông nội và 3 người anh ruột bị Hoàng Phủ Ngọc Phan sát hại.

hpnt2

Ảnh chụp tại chiến khu Bình Trị Thiên : Hoàng Phù Ngọc Tường (đứng, giữa), Hàng Phủ Ngọc Phan (phải, ngồi)

Nhân chứng, nạn nhân tội ác cộng sản Tết Mậu Thân 1968

Tôi xin tường thuật lại chi tiết những cái chết đau thương của ông nội tôi, ba người anh, cùng một người bạn của họ, như là một nhân chứng còn sống sót sau tết Mậu Thân như là tiếng kêu oan cho gia đình tôi, cho linh hồn của những người thân trong gia đình, gia tộc tôi cách riêng, và cho những người dân Huế nói chung, thay cho tất cả những ai bị sát hại trong tết Mậu Thân 1968 bây giờ còn kẹt lại Việt Nam không có cơ hội để nói lên những oan khiên mà họ đã gánh chịu bởi Đảng cộng sản, và bè lũ tay sai khát máu giết hại dân lành vô tội như anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh, v.v…

hpnt3

Bệnh viện Trung ương Huế, đường Lê Lợi, 1968.

Năm 1968, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất trường Cán sự Điều dưỡng Huế. Ngoài những giờ học lý thuyết chung tại trường, bọn sinh viên chúng tôi được chia thành nhiều toán. Mỗi toán từ 8 đến 10 người, luân phiên thực tập ở các trại. Có những trại bệnh sinh viên thực tập theo giờ hành chánh. Có một vài nơi, như phòng cấp cứu, phòng bệnh nội thương… thì giờ thực tập được chia làm ba ca, sáng, chiều và đêm… Ca sáng từ 7 giờ đến 2 giờ chiều, ca chiều từ 2 giờ đến 9 giờ tối, và ca đêm từ 9 giờ tối cho đến 7giờ sáng hôm sau.

Mỗi một nơi chúng tôi được thực tập từ 2 đến 3 tuần lễ.

Hai tuần trước tết, toán của tôi được chia phiên thực tập ở phòng cấp cứu. Ngày mồng hai, tôi và hai anh bạn vào ca đêm.

Tết năm nay ba tôi bận đi hành quân xa không về kịp ăn tết.

Thường thì mấy anh em tôi năm nào cũng vậy, đều phải về nhà ông bà nội từ trước ngày 30 tết, ở luôn cho hết ngày mồng một, rồi sau đó mới được tự do đi chơi, thăm viếng bạn bè…

Sau bữa cơm tối mồng một tết, khoảng 8 giờ 30, anh Hai lấy xe Honda của anh đưa tôi tới Bệnh viện, và nói sáng mai anh sẽ đến đón.

Tối mồng một tết phòng cấp cứu hơi vắng, chúng tôi, mấy anh sinh viên y khoa và hai người nhân viên phòng cấp cứu nói đùa với nhau rằng hôm nay tụi mình… hên ! Chúng tôi mang một ít mứt bánh ra vừa ăn vừa nói chuyện, vừa thay nhau thăm chừng những bệnh nhân mới nhập viện từ đêm qua chưa được chuyển trại.

Nhưng qua nữa đêm thì bắt đầu nghe có tiếng súng. Tiếng súng lớn, nhỏ, từ xa rồi mỗi lúc một gần. Chúng tôi thốt giựt mình, băn khoăn nhìn nhau, hoang mang lo sợ. Bầu không khí bắt đầu căng thẳng, mấy anh sinh viên y khoa thì nghe ngóng bàn tán, thắc mắc không biết tiếng súng từ đâu vọng lại…

Lúc đầu chúng tôi tưởng là thành phố Huế và Bệnh Viện bị pháo kích, nhưng không ngờ, chừng 3, 4 giờ sáng, bất thần không biết từ ngõ ngách nào có chừng mười mấy người tràn vào phòng cấp cứu, họ xưng "chúng tôi là quân giải phóng". Đa số mặc áo quần đen, súng mang vai, bị rết ngang hông. Họ bắt tất cả chúng tôi băng bó cho một số người bị thương, đồng thời hò hét chia nhau lục soát, vơ vét, và lấy đi một số thuốc men, bông băng, dụng cụ y khoa, v.v… Họ lấy sạch không chừa lại một món nào, kể cả những bánh mứt chúng tôi để trong phòng trực.

Trong lúc bọn họ đang tranh nhau lục lọi, thì ầm một cái, một tiếng nổ rớt rất gần, đâu đó trong Bệnh viện, rồi tiếng thứ hai, thứ ba… rớt ngay con đường phía trước cổng chính Bệnh viện, kề phòng cấp cứu… Điện trong phòng cấp cứu vụt tắt. Thừa lúc bọn chúng nhốn nháo kéo nhau đi, chúng tôi mạnh ai nấy tìm đường chạy thoát thân.

Ra khỏi phòng cấp cứu tôi cắm đầu chạy, tôi không định hướng được là mình đang chạy đi đâu. Súng nổ tư bề, cứ nằm xuống trốn đạn, rồi đứng lên chạy, cứ thế mà chạy. Chạy bất kể tả hữu. Cho tới khi tôi đâm sầm vào một người, định thần ngó lại mới biết đó là cha Trung, tuyên úy của Bệnh viện. Cha từ phía một trại bệnh nào đó tình cờ chạy về phía tôi. Nét mặt cha cũng thất thần, đầy vẻ lo âu, nhận ra tôi, cha hỏi "con ở mô chạy lại đây ?". Tôi nói "từ phòng cấp cứu". Vừa nói vừa theo cha, chạy về phía nhà nguyện của Bệnh viện và cũng là chỗ ở thường ngày của cha. Đến đó thì đã có hai bà sơ dòng áo trắng và vài người nữa không biết từ trại bệnh nào cũng chạy lại đây. Tôi nhận ra trong số đó có sơ giám thị suốt trong sáu năm tôi nội trú tại trường trung học Jeanne d’Arc.

Cha Trung quen biết ông nội và ba mạ tôi, thỉnh thoảng ngài có ghé đến thăm ông nội nhà ở đường Hàm Nghi, nên ngài biết tôi. Không biết chạy đi đâu nữa tôi ở lại đó với cha hai bà sơ, và mấy người nữa.

Bốn năm ngày liền chúng tôi chui rúc trong nhà nguyện, không dám chạy ra ngoài và cũng không liên lạc được với một ai từ những trại bệnh khác. Súng nổ tư bề nên ai ở đâu thì cứ ở đó.

Sau khi đám người xưng là "quân giải phóng" ở Cấp Cứu kéo nhau đi chúng tôi không gặp, không thấy bọn Việt Cộng nào nữa, hay chúng đang lẫn trốn trong những trại bệnh khác thì tôi không biết.

Tới ngày thứ năm, ruột gan như lửa đốt, không biết ông bà nội, mạ và mấy anh em tôi trên đường Hàm Nghi ra sao. Tôi nói với cha Trung, cha ơi con muốn muốn về nhà. Cha bảo, không được, súng đạn tư bề, nguy hiểm lắm, cứ ở đây với cha và mấy sơ đi đã, khi mô có lính mình xuất hiện thì mới đi được. Tôi hỏi, khi mô thì lính mình mới tới, cha nói không sớm thì muộn họ cũng sẽ phản công thôi, cha nói như để trấn an tôi và mọi người thôi chứ trên mặt cha thì vẫn đầy vẻ lo âu…

Không biết nghe tin từ đâu mà một người trong nhóm nói người ta chạy vô ở trong nhà thờ Phủ Cam đông lắm. Tôi nghe càng nóng lòng muốn chạy về nhà. Muốn đi phần vì sốt ruột muốn gặp mạ với mấy anh em tôi, phần vì đói. Đã mấy ngày không có gì ăn ngoài mấy ổ bánh mì cứng còng của Caritas còn sót lại ở nhà nguyện chúng tôi chia nhau gặm… cầm hơi !

Tôi quyết định chạy về tìm gia đình. Tôi liều. Trên người tôi chỉ có bộ đồ đồng phục dính đầy máu, tôi chạy ra phía sau cổng Bệnh viện, tìm đường về nhà. Vừa chạy vừa lo, ngó tới, ngó lui không một bóng người, nhưng tiếng súng thì nghe rất gần. Không biết mấy lần vấp, tôi té xuống. Té rồi lồm cồm bò dậy, vài bước lại vấp té. Tôi lạnh run, hai hàm răng đánh bò cạp, nhìn cảnh tượng xác người nằm đây đó, máu me đóng vũng, không biết họ bị thương đâu đó ở bên ngoài chạy vào gục chết ở đây. Quá sợ hãi, tôi định chạy trở lại nhà nguyện thì bất thần thấy anh Văn hớt ha hớt hải từ cổng sau Bệnh viện chạy vô.

hpnt4

Đại học Văn Khoa Huế trước 1975.

Văn là bạn của anh Hải, anh kế tôi, hai người cùng học ở Văn Khoa. Nhà Văn ở miệt trên, gần dòng Thiên An. Mặt mày Văn xanh xao, hai mắt thất thần, trủm lơ, gặp tôi Văn lắp bắp, nói không ra hơi.

- Ti ơi thằng Hải bị bắn chết rồi. Hắn bị bắn ở bên Văn Khoa.

Toàn thân run rẩy, tôi khuỵu xuống. Văn đỡ tôi đứng lên. Lại có tiếng nổ rất gần. Văn hoảng hốt kéo tôi chạy lại ngồi xuống bên trong bức tường sát cánh cổng sau Bệnh viện. Hai đứa tôi run rẩy ngồi sát vào nhau. Lát sau, tiếng được tiếng mất, anh lắp bắp kể. Văn nói mấy đêm rồi Văn với mấy người anh của tôi trốn đạn trong nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ Phủ Cam), nhưng rồi đêm qua có mấy sinh viên của mình dắt một toán Việt Cộng vô nhà thờ đọc một lô danh sách, họ lùa người đi đông lắm, không biết họ đưa đi đâu. Văn kể một hơi mấy tên "sinh viên của mình" nhưng bây giờ tôi không còn nhớ nổi.

hpnt5

Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam trải qua 3 đời Giám mục - từ Tổng giám mục Ngô Đình Thục đến Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và Tổng giám mục Nguyễn Như Thể (1)

Khi đám người bị lùa đi, thân nhân của họ khóc la thảm thiết.

Sau đó Văn, anh Hải cùng mấy người bạn rủ nhau trốn ra khỏi nhà thờ và mạnh ai nấy tìm đường trốn.

Ra khỏi nhà thờ, không biết trốn chui, trốn nhủi, chạy quanh, chạy co, làm sao mà Văn với anh Hải lại tới được Trường Y khoa. Anh Lộc, anh Kính đi lạc hướng nào không biết. Hai anh hè nhau chui vô phòng thí nghiêm trốn thì thấy có vài người đã bị bắn chết từ bao giờ mà những vũng máu đọng dưới họ còn tươi lắm. Văn, anh Hải hoảng hồn chạy trở ra. Chưa ra khỏi cửa thì gặp Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn thị Đoan Trinh cùng mấy sinh viên khác nữa Văn không biết tên, chỉ biết họ đồng bọn với Hoàng Phủ Ngọc Phan. Văn biết mặt Phan là vì Văn có người anh học y khoa cùng lớp với Phan.

Gặp Văn, Phan nạt nộ :

- Tụi mi chạy trốn đi mô ? Khôn hồn thì chạy qua bên Văn Khoa tập trung ở đó để đi tải thương !

Hải và Văn biết không thể nào thoát khỏi sự kiểm soát của bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan nên vội vàng chạy bộ xuống Văn Khoa, hy vọng bị bắt đi tải thương chứ không bị giết.

Bọn Trinh, Phan chạy xe Honda nên họ tới trước, và cũng đã bắn trước một số người khác rồi. Hải, Văn không biết nên lúc thúc chạy đến. Anh Hải chạy vô trước, nghĩ là sẽ gặp được một số bạn bè khác, cùng đi tải thương với nhau như lời Hoàng Phủ Ngọc Phan nói.

Vừa vô tới giảng đường thì anh Hải bị Hoàng Phủ Ngọc Phan bắn gục ngay. Văn mắc đi cầu, tìm chỗ phóng uế nên chạy vô sau anh Hải. Mới tới cửa thì nghe tiến súng, tiếng hét của anh Hải, Văn quay đầu bỏ chạy. Chưa kịp rượt theo Văn thì bỗng ầm, một tiếng nổ đâu đó, trong sân trường đại học, khiến Hoàng Phủ Ngọc Phan và đồng bọn hoảng hốt leo lên xe Honda tháo chạy. Văn thoát chết, chạy như điên, như khùng, chạy vô Bệnh viện và tình cờ gặp tôi trong đó.

Nghe anh Hải bị bắn trong sân đại học Văn khoa, tôi bỏ ý định về nhà, tôi muốn chạy qua Văn khoa tìm anh tôi, hy vọng anh chưa chết, tôi nghĩ sẽ tìm cách đưa anh vô Bệnh viện cấp cứu. Tôi khóc nói với Văn, em tới chỗ anh Hải. Văn can :

- Ti đừng đi, tụi nó có thể trở lại.

Tôi mặc kệ Văn ngồi đó, vừa khóc vừa chạy. Một lát nghe tiếng chân Văn sau lưng, miệng thì nói : "Ti ơi, vô Bệnh viện trốn đi, Hải nó chết thiệt rồi", mà chân vẫn bước theo tôi. Tôi như người mất hồn, vừa đi, vừa chạy, vừa khóc. Trời ơi, thật là khủng khiếp, chỉ một đoạn đường từ cổng sau Bệnh viện tới sân trường Văn Khoa mà không biết bao nhiêu là xác người, áo quần vung vãi khắp nơi.

Chúng tôi chạy mới tới trường trung học Jeanne d’Arc, thì gặp bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan lấp ló trước cổng trường với một nhóm bộ đội Bắc Việt. Người nào mặt mày cũng đằng đằng sát khí. Gặp lại Phan, Văn run rẩy, Phan chưa kịp nói thì Văn đã lắp bắp phân trần, em qua Bệnh viện kiếm con Ti chớ em không có trốn mô, và xin xỏ, anh cho em với con Ti đem xác thằng Hải về nhà rồi em trở lại đi… tải thương !

Phan không trả lời Văn, hắn nhìn tôi ác độc :

- Mi về nhà kêu thằng Lộc, thằng Kính xuống đây mà đem thằng Hải về.

Tôi líu lưỡi :

- Em không biết hai anh em ở mô mà kêu.

Trước đây tôi không hề biết mặt Hoàng Phủ Ngọc Phan, mà cũng chưa hề nghe nói tới tên người này vì trước năm 68 tôi còn là học sinh trung học. Có thể các người anh của tôi thì biết, vì họ là những lớp sinh viên đàn anh, đã từng qua những khó khăn đối đầu với đám sinh viên theo phe "tranh dấu, lên đường xuống đường" của những năm trước.

hpnt6

Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1981. Nguồn : Hoàng tộc Bích Khê.

Hoàng Phủ Ngọc Phan to nhỏ gì với những người đồng bọn rồi quay lại ra lệnh cho tôi với anh Văn đem xác anh Hải về nhà. Chưa biết nghĩ cách nào để đem xác anh Hải về thì Văn thấy một chiếc xích lô của ai bị bể bánh xe sau, nằm chơ vơ cạnh vách tường trường Jeanne d’Arc.

Văn gọi tôi theo anh. Chúng tôi đẩy chiếc xích lô sứt cọng gẫy càng về phía Văn Khoa. Có chừng 10 xác người trong đó. Tôi không dám nhìn lâu. Chúng tôi hè hụi khiêng Hải bỏ lên xích lô. Xác anh đã cứng. Đùm ruột lòi ra ngoài trông rất khủng khiếp. Hai mắt vẫn còn mở trừng. Miệng vẫn còn há ra.

Hoàng Phủ Ngọc Phan vừa đánh anh Văn bằng báng súng vừa chửi :

- Chuyến ni mi trốn nữa, mi gặp lại tau là mi chết !

Văn run rẩy lắp bắp, "dạ lạy anh, em không dám nữa mô". Rồi chúng tôi hè hụi đẩy chiếc xích lô mang xác người anh xấu số của tôi nhắm hướng cầu Kho Rèn đi lên. Nhà tôi ở trên đường Hàm Nghi. Qua khỏi cầu một chút. Suốt quãng đường từ đó về đến nhà, có rất nhiều đám lính bộ đội Bắc Việt đứng tụm năm, tụm ba. Chúng tôi không bị bắt giữ lại vì có Hoàng Phủ Ngọc Phan chạy đi trước ra dấu cho họ để cho chúng tôi đi.

Khúc đường ngang trường Thiên Hựu cũng có rất nhiều xác người nằm rãi rác. Nhiều vũng máu cũng như xác người bị ruồi bu đen.

Đã mấy ngày không có gì trong bụng, tôi vừa đi vừa ói khan. Văn cũng vậy. Chúng tôi ráng sức đẩy chiếc xích lô, trong lúc Hoàng Phủ Ngọc Phan cùng hai người đàn bà nữa cứ chạy xe đảo tới, đảo lui hối chúng tôi mau lên. Tôi nghe chúng nó hỏi nhau, bên Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ còn ai nữa không ? Có mấy chiếc xe Honda chở gạo, bánh tét, đã tịch thu của nhà ai đó chạy thẳng vô trường Thiên Hựu.

Lúc đó bỗng dưng có mấy chiếc trực thăng xuất hiện trên trời nhả đạn xuống, Văn nói như reo bên tai tôi :

- Ti ơi, máy bay của mình.

Mừng chưa kịp no, thì trời ơi, từ những cửa sổ trên lầu của trường Thiên Hựu những họng súng lớn nhỏ nhả đạn, nhắm hai chiếc trực thăng mà bắn, lúc đó chúng tôi mới biết là Việt Cộng đang ở trong trường Thiên Hựu quá nhiều. Hoảng hồn tôi, Văn chạy lại ngồi sụp xuống bên tường rào của trường tránh đạn. Phan và đồng bọn biến đâu mất. Tụi nó như ma, khi ẩn, khi hiện. Nhưng chỉ được một lát, hai chiếc trực thang bay đâu mất. Chúng tôi thất vọng, khi thấy Phan với đồng bọn xuất hiện hối chúng tôi đi.

Lên tới cầu Kho Rèn, thấy một đám người, đàn ông, đàn bà, con nít bị bắt trói chung với nhau ngồi trên đầu cầu. Họ ngồi gục đầu xuống hai đầu gối. Tiếng con nít khóc, tiếng mấy bà mẹ dỗ con, nín đi con ơi. Đi ngang qua họ mà chúng tôi không dám nhìn. Có tiếng người trong đám gọi tôi : "Ti ơi !", quay lại tôi nhận ra chị giúp việc của mẹ tôi và vợ của một chú cùng đơn vị với ba tôi ở tiểu đoàn 12 Pháo binh Phú Bài. Tôi đoán họ là những người từ trên Phủ Cam, chung quanh cầu Kho Rèn, Hàm Nghi và những con đường chung quanh đó chạy xuống tìm đường trốn lên Phú Lương thì bị bắt giữ.

Tôi định dừng lại hỏi thăm thì Hoàng Phủ Ngọc Phan trờ xe tới nạt nộ "Đi mau, ngó chi !".

Trên đoạn đường từ Văn Khoa ngang qua trường Thiên Hựu, cầu Kho Rèn, lên tới nhà nội chúng tôi thấy nhiều người bị trói dính chùm vào với nhau đi trước mấy người mặc đồ đen đi dép râu, mang súng.

Súng nổ tư bề mà sao không thấy bóng dáng lính mình ở đâu cả. Chỉ thấy lính bộ đội Bắc Việt khắp nơi.

Trên đường Hàm Nghi, Nguyễn Thị Đoan Trinh chạy ngang nhà nào mà y thị gật đầu là y như rằng trong nhà đó có người bị bắt đem ra, người thì bị bắn tại trước nhà, người thì bị dắt đi, mấy ông bà cụ trong nhà chạy theo nằm lăn ra đường khóc la thảm thiết… Bọn lính Bắc thì cứ chửi thề luôn miệng : "Đéo mẹ câm mồm, ông bắn bỏ mẹ bây giờ…".

Hai chúng tôi cứ nghiến răng, cúi mặt, lầm lủi đẩy chiếc xích lô mang xác anh Hải đi tới.

Khi gần tới nhà tôi ở số 24 đường Hàm Nghi thì Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh rà xe lại gần bảo tôi :

- Không được đẩy vô nhà mi. Đẩy lên trên tê !

Đẩy lên trên tê, tôi hiểu đây là đẩy lên nhà ông bà nội tôi. Cũng trên đường Hàm Nghi nhưng nhà nội tôi ở trên dốc, hướng đi lên Phủ Cam. Nhà ba mạ tôi thì ở gần cầu Kho Rèn.

Tôi cũng không hề biết mặt Nguyễn Thị Đoan Trinh trước đó. Trong hoàn cảnh này tôi mới biết mặt y thị là nhờ anh Văn nói. Tội nghiệp anh Văn, cứ tưởng khi Hoàng Phủ Ngọc Phan biểu cùng tôi đẩy xác anh Hải về là được tha chết. Anh Văn và tôi cũng không ngờ rằng đoạn đường từ Văn Khoa lên tới nhà nội trên đường Hàm Nghi là đoạn đường sau cùng chúng tôi đi chung với nhau trong cuộc đời này

Lên tới nhà nội, chúng tôi đẩy xác anh Hải vô bên trong hàng rào chè tàu. Bỏ anh Hải ngoài sân, tôi với Văn chạy vào nhà, nhà vắng ngắt, đi từ trước ra sau bếp gọi "ông ơi, mệ ơi". Nghe tiếng ông nội yếu ớt từ trong buồng vọng ra, ai đó, đứa mô đó ? "Con đây, ông nội". Nghe tiếng tôi, ông tôi hấp tấp chạy ra, bước chân xiêu xiêu, ông tôi chạy lại ôm tôi, ông khóc, ông nói : "Lạy Chú,a lạy Mẹ, cháu tui con sống". Tôi không khóc được, tôi run rẩy trong tay ông nội. Ông tưởng tôi sợ nên an ủi : "Con còn sống mà về được đây là phúc lắm rồi, ở đây với ông nội, không can chi mô ! Nghe nói mạ mi đưa ba thằng em mi chạy lên Phú Lương rồi, không biết đi tới mô rồi, có thoát được không ? Lạy Chúa, lạy Mẹ phù hộ".

Tôi không nói vì quá mệt, kéo tay ông nội ra ngoài, thấy Văn ngồi bệt dưới nền nhà, ông hỏi : "Đứa mô giống thằng Văn rứa bây ?". Văn òa khóc, tôi khóc theo, kéo ông nội ra sân. Nhìn thấy xác Hải ông nội tôi khuỵu xuống, miệng thì kêu "Ttrời ơi, trời ơi, răng mà ra nông nỗi ni…".

Chúng tôi đem Hải vào nhà, đặt anh trên divan. Ông nội lấy mền đắp lên xác Hải.

Hai người anh tôi đang trốn trên trần nhà đòi xuống nhìn mặt Hải. Ông nội không cho. Anh Lộc giở nắp trần nhà sát góc tường, thò đầu xuống vừa khóc vừa nói :

- Ti, đẩy cái ghế đẩu qua cho anh.

Tôi nghe lời ra đằng sau bếp lấy cái ghế đẩu mang lên để ngay góc phòng cho anh Lộc nhẩy xuống. Ông nội ngó lên, quơ quơ hai tay, giọng ông lạc đi :

- Đừng xuống, ông nội lạy con, đừng xuống, ở trên đó đi mà…

Anh Kính đang ở trên đó, cũng đang khóc. Lộc chưa kịp nhẩy xuống thì nghe tiếng nói, tiếng chân người ngoài sân. Anh vội vàng đóng miếng ván lại thì bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng vừa vào đến.

Thấy Phan bước vô, mặt Văn biến sắc, anh lắp bắp nói với ông nội :

- Anh Phan cho tụi con đem xác về đó ông ơi.

Ông nội đứng im không nói. Hai mắt cú vọ của nó ngó ông nội hỏi : "Thằng Lộc, thằng Kính ở mô ?". Ông nội nói "tui không biết". Phan gằn giọng :

- Ông thiệt không biết tụi hắn ở mô? Tụi hắn năm mô cũng về ăn tết ở đây mà ông không biết răng được ?

Ông nội nói:

- Ba ngày tư ngày tết, ăn xong thì tụi hắn đi chơi, đi thăm bà con họ hàng chứ chẳng lẽ ở nhà hoài răng ? Chừ thì tui biêt tụi hắn ở nhà mô mà chỉ !

Mắt Phan ngó láo liên khắp nơi, chợt thấy cái ghế đẩu ngay góc phòng, nó cười khan một tiếng.

Tôi đứng núp sau lưng ông nội, Hoàng Phủ Ngọc Phan hung hăng bước tới, xô ông nội qua một bên, nó nắm lấy tóc tôi kéo tôi ra về phía hắn. Ngó lên trần nhà la lớn :

- Lộc, Kính, Hiệp, tụi mày không xuống tau bắn con Ti !

Nó vừa nói, vừa xoáy mái tóc dài của tôi trong tay, nó đẩy tới, đẩy lui. Tôi đau điếng, tôi sợ, tôi run lẩy bẩy, nước mắt ứa ra nhưng không dám la thành tiếng. Ông nội tôi chấp tay lạy nó như tế sao :

- Tui lạy anh tha cháu tui, con gái con lứa, hắn biết chi mô.

Thằng Phan càng la lớn :

- Tau biết tụi mi trên đó, có xuống không thì nói, tau bắn con Ti.

Phan xô tôi té xuống, lấy chân đạp lên lưng. Chĩa mũi súng lên đầu tôi hô một, hai, ba… Lập tức anh Lộc mở nắp trần nhà thò đầu xuống la to :

- Đừng, đừng bắn em tau, tau xuống, để tau xuống…

Ông nội tôi chạy lại giữ cái ghế cho anh bước xuống, hai chân ông run, ông té sấp, đang lúc anh Lộc tìm cách tuột xuống, thò hai chân xuống trước, hai tay còn vịn trần nhà, khi đôi chân vừa chạm chiếc ghế đẩu thì Hoàng Phủ Ngọc Phan đã nổ súng, đạn trúng ngay chính giữa cổ, máu phọt ra, anh Lộc lăn xuống sàn nhà toàn thân anh dẫy dụa mấy cái rồi nằm im.

Mặc ông nội tôi la hét thất thanh, Phan chĩa súng bắn lên trần nhà, nghe tiếng anh Kính lăn tới đâu, nó bắn tới đó, bắn nát trần nhà, hết đạn nó dành lấy cây súng của một thằng khác bắn tiếp, cho tới khi anh Kính tôi rớt xuống theo mấy miếng ván.

Anh Văn ngồi bệt xuống đất, nhắm mắt, bịt tai, run lẩy bẩy. Ngồi kề bên cạnh anh, người tôi tê cóng, đái ỉa ra cả quần. Ông nội tôi nhào tới ôm anh Kính, hai mắt trợn trừng, anh đang thều thào những lời sau cùng. Ông khóc, ông chửi rủa thằng Phan. Nó say máu, bắn luôn ông nội tôi. Ông tôi đổ xuống bên cạnh anh Kính.

Bắn ông tôi xong, chúng kéo nhau đi bắt anh Văn theo. Còn lại một mình, tôi bò lại ôm lấy ông nội, tôi khóc không ra tiếng, tôi thở không ra hơi, hai bàn tay tôi ướt đẫm máu, máu của ông nội tôi, tôi bò sang anh Lộc, bò sang anh Kính, tôi lay, tôi gọi, tôi gào, không ai nghe tôi hết. Anh tôi không trả lời tôi, hai con mắt, bốn con mắt, sáu con mắt đều mắt mở trừng. Ông nội tôi nằm im, máu trong ngực ông vẫn tuôn ra từng vòi. Tôi gục đầu xuống xác ông lịm đi. Không biết bao lâu thì tôi tỉnh lại, nhưng không ngồi dậy nổi. Cứ nằm ôm lấy xác ông nội. Tóc tôi bết đầy máu, toàn thân tôi, máu, phân và nước tiểu đẩm ướt. Tôi không còn sức để ngồi lên. Không biết tôi nằm bên cạnh xác ông tôi với ba người anh như vậy là bao lâu. Khi tỉnh dậy thì thấy hai vợ chồng bác Hậu, vài người lối xóm của với ông nội đang ở trong nhà.

Họ dọn dẹp, khiêng bộ ngựa trong nhà bếp ra trước phòng khách, đặt xác ông nội cùng với ba người anh tôi nằm chung với nhau. Hai bác gái đem tôi vào phòng tắm, phụ nhau tắm rửa cho tôi như một đứa con nít, bác Hậu lấy áo quần của bác mặc cho tôi. Tâm trí tôi hoàn toàn tê liệt. Tôi không còn khóc được, không còn mở miệng nói được câu nào. Ngày cũng như đêm ngồi rũ rượi bên cạnh xác của ông tôi, các anh tôi. Tôi không còn sợ chết. Nhưng sao tụi nó không giết luôn tôi ? Trời hỡi, trời ơi !

Nhìn thấy tôi tiều tụy, mỗi ngày bác Hậu gái khuấy cho tôi vài muổng bột bích chi ép tôi uống. Thiệt ra nhà nội cũng chẳng còn chi. Gạo cơm, bánh mứt thì bị tụi nó khiêng đi hết rồi. Bác Hâu còn dấu được ít gạo, ít than nấu cháo uống cầm hơi với nhau.

Ngày hôm sau thằng Phan trở lại. Bác Hâu xin phép được chôn ông tôi và mấy người anh sau vườn nhà nhưng nó không cho, nói cứ để đó.

Đã hơn bảy ngày, xác đã bắt đầu sình lên và nặng mùi. Mà Phan không trở lại. Một buổi tối tụi bộ đội Bắc Việt đến lục lọi kiếm gạo. Bác Hậu xin chúng nó đào huyệt sau nhà để chôn ông nội và ba người anh tôi. Chúng nó bảo ừ thối quá rồi thì chôn đi, nhưng chỉ được đào một lỗ huyệt.

Vợ chồng bác Hậu khóc lóc năn nĩ, mấy anh ơi, người chết rồi biết chi, anh cho tụi tui đào 4 huyệt. Chúng không cho. Chúng nó phụ bác Hậu đào huyệt. Bảo đem cả bốn người bỏ xuống chung một lỗ. "Lấp lẹ đi, thối quá". Bác Hậu với mấy người trong nhà không ai muốn làm, ngó nhau mà khóc…

Chiều tối hôm đó Văn trở lại với Phan và mấy thằng bộ đội. Chúng nó bắt Văn phụ với mấy thằng bộ đội khiêng từng người ra bỏ xuống huyệt. Hai vợ chồng bác Hậu theo ra vườn. Tôi kiệt sức nằm vùi một chỗ nhưng tai tôi vẫn nghe rõ những lời đối thoại trong nhà. Tôi không đủ can đảm theo ra vườn chứng kiến cảnh vùi lấp những người thân yêu của tôi. Nằm trong buồn ông bà nội nhưng tôi nghe rõ từng tiếng cuổng xẻng đang đào đất. Tâm trí tôi quay cuồng, ruột gan tôi đòi đoạn. Trời ở đâu, đất ở đâu ? Tôi gọi ông tôi, gọi anh Lộc, anh Kính, anh Hải, không ai nghe tôi hết…

Khi bốn cái xác người được bỏ xuống, miệng lỗ chưa được lấp, thì tôi nghe tiếng súng nổ, tiếng kêu gào của vợ chồng bác Hậu, nhưng không nghe tiếng của Văn.

Tiếng bác Hậu kêu "Văn ơi, Văn ơi", giọng bác đòi đoạn, thì tôi biết chuyện gì đã xẩy ra cho Văn. Toàn thân tôi lẩy bẩy, tôi cảm thấy khó thở, một lần nữa cứt và nước đái trong người tôi túa ra.

Tôi nghe tiếng mấy thắng bộ đội hò hét bảo lấp đất lại. Bác Hậu và những người hàng xóm của nội tôi đành phải làm theo. Khi tụi bộ đội Việt Cộng bỏ đi, bác Hậu chạy vào buồng vò đầu, bức tai, giọng tức tưởi :

- Thằng Văn nằm chung với ba thằng anh mi rồi con ơi ! Trời ơi, là trời ơi0

Bác Hậu đấm ngực :

- Không biết thằng Văn đã chết chưa mà hắn bắt tui lấp. Văn ơi là Văn ơi, con tha tội cho bác, trời ơi người mô mà ác như rứa…

Tôi lặng người, nghe bác Hậu khóc anh Văn.

Sau lần đó không đứa nào trong bọn chúng trở lại, kể cả tụi bộ đội. Chắc nhà ông tôi chẳng còn người để mà giết, chẳng còn của cải chi để mà cướp nữa.

Hơn hai mươi ngày, tôi nằm liệt lào trong nhà nội. Bên ngoài súng đạn vẫn tư bề.

Hai vợ chồng bác Hậu không nở bỏ tôi lại một mình, trong lúc bác nghe ngóng và biết đa số dân Phủ Cam đã tìm đường chạy thoát được xuống Phú Lương. Bác năn nỉ tôi ráng ăn uống thêm một chút để có sức mà chạy, không lẽ con nằm đây chờ chết ? Con không muốn tìm mạ con răng ?

Hôm sau nữa tôi theo gia đình bác Hậu tìm đường chạy lên Phú Lương vì nghe nói lính Mỹ, lính mình đã thấy xuất hiện chung quanh đây rồi. Đi xuống ngã cầu Kho Rèn thì cầu đã bị sập, bác theo đoàn người đi hướng khác, tôi đi theo như người mất hồn, họ đi đâu tôi theo đó, tôi không còn nhớ là mình đã đi qua được những nơi đâu. Có điều tôi lấy làm lạ, trên đường chạy giặc, mỗi khi đạn pháo bắn khắp nơi mà người ta cứ gồng gánh nhau mà đi, không ai chịu dừng lại kiếm chỗ tránh đạn. Người ta nói với nhau : "khi mô mà có mọc chê hay đạn pháo chi đó thì bọn Việt Cộng chui vô nhà dân để trốn đạn, chúng nó không ra đường để chặn bắt dân lại", vì vậy người ta cứ chạy bất kể, dưới lằn mưa đạn người ta càng chạy đi đông hơn. Ôi những người dân tội nghiệp của xứ Huế thà chết dưới bom đạn còn hơn để bị lọt vô tay quân sát nhân ác độc.

Cuối cùng thì tôi cũng về đến được Phú Lương gặp mạ và ba đứa em trai của tôi. Quá đau khổ, Mạ tôi bị phát điên khi hay tin cái chết của ba người anh và ông nội. Ít lâu sau ba tôi trở về sau một đợt hành quân nào đó của tiểu đoàn 12 Pháo binh Phú Bài. Thấy mạ tội như vậy, biết không thể trở lại đường Hàm Nghi, ông mướn nhà ở tạm tại Phú Lương.

hpnt6

Cầu Phú Lương, 1968

Sau khi Huế được giải thoát. Ba tôi nhờ bà con lối xóm cải táng Văn, ba người anh, và ông nội tôi, tang lễ được cử hành tại nhà thờ Phủ Cam do cha Nguyễn Phùng Tuệ chủ tế. Gia đình anh Văn đồng ý cho anh Văn được nằm lại trong miếng vườn nhà ông nội tôi cùng với ba người anh của tôi.

Ba tôi được giải ngũ khoảng giữa năm 69. Mạ tôi vẫn trong cơn điên loạn không thuyên giảm. Ba tôi quyết định bỏ Huế đem hết gia đình vào Long Khánh sinh sống. Nhà nội giao lại nhờ hai bác Hậu coi chừng. Nhà ở 24 Hàm Nghi (gần đường rầy xe lửa) thì bán cho ai đó tôi không rõ.

hpnt8

Tưởng nhớ 7.600 người dân Huế bị thảm sát trong cuộc tổng tấn công của cộng sản, Tết Mậu Thân, 1968.

Thưa ông Liên Thành,

Đó là những cái chết oan khiên của những người ruột thịt thân yêu mà tôi phải chứng kiến tận mắt với muôn ngàn đau đớn. Trong bà con thân tộc nội ngoại hai bên của tôi, có rất nhiều người bị bắt đi ở nhà thờ Phủ Cam, một số bị bắt ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Số người bị chôn sống, mất tích lên tới 70 người. Tất cả đều là học sinh, sinh viên, thường dân, nông dân, buôn bán ở chợ An Cựu.

Sau Tết Mậu Thân, những người bà con còn lại của tôi quá đau khổ, sợ hãi, họ đã âm thầm bỏ Huế, tản mác khắp nơi, thay tên đổi họ mà sống…

Sau biến cố tháng 4 đen 75, gia đình tôi lại là những nạn nhân của lũ cộng sản ác độc, vô luân. Ba tôi và những đứa em trai còn lại cũng đã chết sau mười mấy năm bị đày đọa trong lao tù cộng sản.

Đã 40 năm qua, những vết thương đó vẫn còn tươi rói trong tôi. Nỗi đau mỗi ngày một đầy. Đó là những cái chết oan khiên trong muôn ngàn cái oan khiên của người dân Huế.

Tôi là người con duy nhất trong gia đình còn sống sót sau Tết Mậu Thân cũng như sau những ngày mất nước. Nay viết lại những cái chết thương tâm của những người Thân Yêu Trong Gia Đình Tôi với tư cách là một nhân chứng và nạn nhân, để tố cáo Tội Ác của cộng sản, có như thế, oan hồn của ông nội và anh em tôi mới có thể siêu thoát

Tôi sẵn sàng ra làm nhân chứng trước tòa án quốc tế, cũng như xuất hiện trước các phương tiện truyền thông khi cần thiết.

Xin trình ông tên tuổi ông nội tôi, và của ba người anh bị sát hại :

Tên ông nội : Nguyễn Tín, 70 tuổi.

Ba người anh : Nguyễn Xuân Kính, sinh viên y khoa, sinh năm 1942.

Nguyễn Xuân Lộc, sinh viên luật, sinh năm 1946.

Nguyễn Thanh Hải, sinh viên Văn Khoa, sinh năm 1949.

Lê Tuấn Văn, sinh viên Văn Khoa, bạn của anh Hải tôi.

Nguyễn Thị Thái Hòa

Nguồn : Văn Hóa online, 15/01/2018

(1) Nhà thờ Phủ Cam do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và điều khiển xây dựng.

Ngô Viết Thụ (1926–2000), là một kiến trúc sư Việt Nam. Ông đã đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1955, là tác giả công trình kiến trúc hiện đại như Dinh Độc Lập, Viện Hạt nhân Đà Lạt, Nhà thờ chính tòa Phủ Cam... Ông sinh ngày 17 tháng 9 năm 1926, tại tại làng Lang Xá, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông lập gia đình với bà Võ Thị Cơ từ năm 1948, trong khi theo học dự bị kiến trúc tại trường Cao đẳng Kiến trúc tại Đà Lạt. Ông bà có 8 người con, trong đó có một người là Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cũng là một kiến trúc sư tốt nghiệp tại Mỹ (Đại học Berkeley và Đại học Washington) và hiện đang giảng dạy tại Châu Á, và Bắc Mỹ (theo Trần Công Nhung).

Published in Quan điểm

Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đã tự tay bóp cò súng vào đầu khi mở tiệc liên hoan mừng "chiến thắng Mậu Thân 50 năm" mà mồm vẫn bô bô kêu gọi người Việt bỏ nước ra đi từ sau 30/04/1975 hãy "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai vì mục tiêu phát triển chung của cả dân tộc".

mung1

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh Dân Trí 26/01/2018

Đây là một bằng chứng nữa chứng minh người cộng sản luôn luôn nói một đảng làm một nẻo và lươn lẹo có truyền thống.

Họ cũng đã quên lời nói của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2005 vào dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh :

"Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu".

(Phỏng vấn của báo Quốc tế số ra ngày 31/3/2005)

Vậy thì khi có những cái đầu Lãnh đạo "sỏi đá nhiều hơn óc thịt" muốn lấy máu xương Mậu Thân 1968 của đồng bào miền Nam để sắp cỗ mừng Xuân Mậu Tuất 2018 thì họ có mục đích gì ngoài việc "lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu" ?

Miệng lưỡi hổ mang

Là người Việt Nam, ai cũng nhớ về cội nguồn dân tộc, ông bà, tổ tiên, dòng họ,chòm xóm và bạn bè, thầy cô mỗi khi Tết về. Nhưng ngoài những người còn sống, truyền thống dân tộc còn dạy chúng ta không quên người chết vì trong số họ, có cả những người đã hy sinh cho ta được sống sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do Đảng cộng sản Việt Nam chủ động và nuôi dưỡng.

Trong số những nạn nhân của cuộc chiến, kinh hoàng, bi thảm và tàn ác nhất là những người bị quân cộng sản giết không nương tay khihọ tấn công vào cố đô Huế Tết Mậu Thân năm 1968.

Số người này được ước tính từ 5.000 đến 6.000 người chết và mất tích trong 25 ngày đêm thành phố Huế nằm trong tay lực lượng cộng sản. Họ bị quân đội miền Bắcvà tay sai nằm vùng coi là "kẻ thù của cách mạng" và "có nợ máu với nhân dân" nên phải bị tiêu diệt gồm quân nhân, cảnh sát, công chức và đảng viên các đảng chính trị. Số còn lại là các Nhà tu hành, viên chức làng xã, một số bác sĩ Việt Nam và nước ngoài và dân thường chưa hề ám hại ai.

Tất cả những người này đã bị quân cộng sản thảm sát bằng nhiều hình thức, kể cả chôn sống hay đập đầu cho chết vì muốn tiết kiệm đạn để chiến đấu.

Phía cộng sản miền Bắc chối biến không nhúng tay vào máu người Cố đô Huế mà đổ tội cho máy bay, đại bác và quân đội Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.

Bằng chứng trong cuốn phim tài liệu dài 12 tập "Mậu Thân 1968", được nhà nước đầu tư và đã chiếu trên đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 25 tháng 01 năm 2013, nhà đạo diễn (bà) Lê Phong Lan (chủ hãng phim Bản Sắc Việt) đã mồm loa mép giải rằng : "Cái gọi là "cuộc thảm sát đẫm máu" chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế Huế đã bị bom Mỹ phá hủy làm nhiều thường dân chết cùng với quân giải phóng và lính Mỹ".

Nhưng điêu ngoa cách mấy cũng không thoát được lưới Trời lồng lộng.

Đã có hằng hà sa số nhân chứng và tài liệu chứng minh hành động sát nhân của quân cộng sản ở Huế Mậu Thân và khắp miền Nam trong chiến tranh. Nhưng Lê Phong Lan và những miệng lưỡi hổ mang của người cộng sản hãy banh tai ra mà nghe "Lời cuối cho câu chuyện quá buồn", của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người Huế có học chạy theo cộng sản, từng bị nhiều người nguyền rủa vai trò của anh ta trong vụ thảm sát Huế Tết Mậu Thân.

Thư này được Tường nhờ nhà văn trong nước Nguyễn Quang Lập phổ biến ngày 10/02/2018, trong đó có đọan nói về thảm sát Huế :

"Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng".

Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nhìn nhận đã có những sai lầm khi trả lời Burchett trong cuốn phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" (Vietnam : A Television History, Tet, 1968, Interview with Hoang Phu Ngoc Tuong) năm 1981.

Hoàng Phủ Ngọc Tường nói trong "Lời cuối cho câu chuyện quá buồn" :

"Khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. Đó là năm 1981, khi còn hăng say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình.Đó là sự ngủy biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968".

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng là thành viên của Liên minh các lực lượng dân tộc dân thủ và hòa bình thành phố Huế đi theo cộng sản từ trước Mậu Thân. Vào năm 1981, khi cuộc phỏng vấn của Burchett diễn ra là thời gian Tường xin vào Đảng cộng sản Việt Nam mà chưa được nên đã "hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ " để lấy điểm chăng ?

Nghi vấn này được Hoàng Hải Vân, một cựu Bộ đội quân cộng sản người Huế, viết trên Facebook ngày 11/02/2018. Nguyên văn như thế này :

"Tôi không dám sủy đoán về những gì mà tôi không biết. Tôi chỉ nhớ lại một chi tiết mà bản thân tôi có "dính" một chút xíu vào thời điểm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát biểu "mạo nhận" và "lỡ lời" trên bộ phim nói trên. Hồi ấy tôi vừa ở bộ đội về. Một hôm nhà thơ Phan Dủy Nhân (người bị bắn gãy chân và bị bắt trong sự kiện Mậu Thân ở Đà Nẵng, sau này làm Quyền trưởng Ban tôn giáo chính phủ) mang một tờ giấy đến nhờ tôi đánh máy giúp (vì tôi biết đánh máy chữ và đánh ít khi bị lỗi). Đó là bản Xác nhận quá trình tham gia cách mạng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, do anh Phan Dủy Nhân "lôi kéo" và tổ chức. Tôi hỏi anh Nhân, rằng anh Tường là nhà văn nổi tiếng, đã thoát ly tham gia cách mạng rồi thì cần cái bản xác nhận này để làm gì, anh Nhân nói ông ấy đang xin vào Đảng, cần cái xác nhận này để bổ sung lý lịch. Tôi thắc mắc, ảnh nổi tiếng thế sao giờ vẫn chưa vào Đảng, anh Nhân nói người ta phải xét tới xét lui rất lằng nhằng".

Trong cuộc phỏng vấn của Thủy Khuê, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI-Radio France International) vào dịp kỷ niệm Mậu Thân 30 năm, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn nhắc lại chuyện ông Lê Minh, một trong số các tư lệnh của quân cộng sản tại chiến trường Huế Mậu Thân đã nhìn nhận "có sai lầm" và yêu cầu "minh oan" cho những nạn nhân.

Tường nói : "Lê Minh (lúc đó đã nghỉ hưu), còn nhắc nhở rằng, điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ".

"Đồng chí" của Tường là Nguyễn Đắc Xuân, người cũng bị nhiều nhân chứng Huế liệt kê vào hàng ngũ sát nhân nhắc lại chuyện Lê Minh với BBC ngày 12/02/2018 :

"Năm 1988, tôi giúp Thành ủy Huế làm một quyển sách về Huế Mậu Thân 1968. Khi đó, ông Lê Minh, người chỉ hủy hồi 1968 đó đã yêu cầu những người cách mạng bây giờ là phải tổ chức minh oan cho những người đã chết. Rất tiếc, đến giờ này, chưa ai làm việc minh oan này cả".

Gương bà Nguyễn Thị Năm

Làm gì có 2 chữ "minh oan" trong từ điển sắt máu của người cộng sản Việt Nam, như lịch sử đã chứng minh tội ác của đảng cầm quyền thời ông Hồ Chí Minh trong bi kịch Cải cách Ruộng đất 1953-1956 ?

Tài liệu chính thức ghi : "Tổng số người bị qủy trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172.008 người ; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66%".

"Người đầu tiên bị dân chúng địa phương buộc tội chết trong cải cách ruộng đất là bà Cát Hanh Long, tức Nguyễn Thị Năm  ở Thái Nguyên ; bà bị người dân địa phương qủy tội địa chủ gian ác, bị xử bắn mặc dù trong thời kháng chiến đã có nhiều công lao lớn với cách mạng Việt Nam".

(theo Bách Khoa Toàn thư mở)

Tài liệu của báo Luật sư Việt Nam ngày 18/09/2017 viết về công lao của bà Năm thế này :

"Trước khi thành công, bà Năm đã ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng tiền Đông Dương (giá trị bằng 700 lượng vàng) không kể vải vóc, lương thực. Trong "Tuần lễ vàng" ở Hải Phòng, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1945, bà Năm cũng đã ủng hộ 100 lạng vàng nữa. Bà được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên ba năm liền. Các ngôi biệt thự của bà ở Hà Nội, Hải Phòng, ở đồn điền Đồng Bẩm đều là nơi qua lại, ăn ở, địa điểm liên lạc của cán bộ Việt Minh cao cấp. Hai con trai bà là Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Văn Cát đều theo Việt Minh đi bộ đội. Nguyễn Hanh từng tháp tùng Đoàn đại biểu chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Hủy Liệu, Cù Hủy Cận... vào Huế nhận ấn kiếm khi vua Bảo Đại thoái vị".

Trong số những người được bà Năm nuôi ăn, cho chỗ ở và giúp đỡ trong nhiều năm có Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh v.v…

Người bị lên án vô ơn bạc nghĩa nặng nhất trong vụ án bà Nguyễn Thị Năm là Hồ Chí Minh, người cầm quyền khi thi hành Cải cách Ruộng đất. Ông Hồ đã không dám cứu bà Năm vì nhu nhược trước áp lực của cố vấn Trung Quốc muốn đưa bà Năm ra xử làm gương.

Nhà báo Bùi Tín kể :

"Ông Hoàng Quốc Việt kể lại rằng hồi ấy ông chạy về Hà Nội, báo cáo việc hệ trọng này với ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ chăm chú nghe rồi phát biểu : "Không ổn ! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính ủy trung đoàn Quân đội Nhân dân đang tại chức".

Cũng có lời kể lại :

"Hồ Chủ tịch đã nói với nhiều đồng chí trung ương : "Người ta không nên đánh phụ nữ dù bằng một cánh hoa hồng, huống hồ phát súng đầu tiên của cải cách ruộng đất lại nhằm vào một phụ nữ, mà người ấy lại rất có công với cách mạng".

Chuyện kể là như thế, nhưng thật hư khó chứng minh. Chỉ có điều chắc chắn là ông Hồ, vì sợ mất lòng cố vấn Tàu Lã Qủy Ba nên đã "làm ngơ" để cho bà Nguyễn Thị Năm bị đưa ra pháp trường thi hành án tử hình tối ngày 29/5 năm Qủy Tỵ (ngày 9/7/1953) tại Thái Nguyên khi 47 tuổi.

(báo Luật sư Việt Nam, ngày 18/09/2017)

Phục hồi danh dự cho ai ?

Vẫn theo báo Luật sư Việt Nam, cho đến năm 1987, khi đất nước bắt đầu đổi mới theo Nghị quyết Đại hội 6 của Đảng, bà Nguyễn Thị Năm mới được minh oan, sửa lại thành phần giai cấp sau 1/3 thế kỷ bị oan sai.

"Theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức trung ương đã đề nghị Tỉnh ủy Bắc Thái (tháng 4/1987) sửa lại thành phần giai cấp cho bà Năm do hai con trai bà đầu đơn, đến tháng 6/1987 UBND tỉnh Bắc Thái đã quyết định ghi rõ : "Bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long trước bị qủy là "Tư sản địa chủ cường hào gian ác" nay sửa lại thành phần giai cấp cho bà Năm là : "Tư sản địa chủ kháng chiến".

Đáng lẽ ra, sau khi đã sửa sai như thế thì bà Năm phải được "Nhà nước khen thưởng (trủy tặng) như ngàn, vạn người có công với cách mạng theo Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ, mặc dầu con bà đã nhiều lần gửi đơn xin các cơ quan cứu xét, nhưng vẫn chưa được một cơ quan nào trả lời", báo Luật sư Việt Nam đặt vấn đề.

Thắc mắc là chuyện của dân nhưng quan tâm hay không là chuyện của đảng và nhà nước. Vì vậy "dù đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu từ năm 1995 đến năm 2014 qua những lá thư gửi lên địa phương và trung ương đòi phục hồi danh dự cho mẹ nhưng gia đình hoàn toàn không được hồi âm", báo Luật sư Việt Nam than vãn thay cho gia đình bà Năm.

Vu cáo máu tanh

Ngược dòng thời gian, để bào chữa cho việc xử bắn bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, báo Nhân Dân của Đảng cộng sản Việt Nam ngày 21/07/1953 đã bịa đặt ra đủ thứ tội ác để buộc tội bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm. Bài viết ký tên tắt C.B. mà sau này có nhiều người sủy đoán là "Của Bác" để ám chỉ tác giả chính là ông Hồ Chí Minh.

Những vu oán cáo vạ đê hèn của bài viết nguyên văn như sau :

"Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã :

- Giết chết 14 nông dân.

- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.

- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.

- Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.

- Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào !

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ :

- Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.

- Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.

- Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.

- Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.

- Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.

- Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.

Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là :

Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,

Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể !

(21/7/1953)

C.B.

Như vậy thì ông Hồ và nhiều lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, những người đã được bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm cưu mang có "ăn cháo đá bát" không ?

Nhắc lại chuyện này để chúng ta thấy chuyện phản bội trắng trợn xấu xa này tưởng như chỉ xẩy ra trong hàng ngũ đầu trộm đuôi cướp vô học, ai ngờ cũng ăn sâu bám rễ ở cung đình Đảng cộng sản Việt Nam.

Đáng chú ý hơn là chuyện gia đình bà Năm "hoàn toàn không được hồi âm" đã xẩy ra trong khoảng thời gian từ 1995 cho đến bây giờ (năm 2018), tổng cộng 23 năm, qua 4 đời Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Những người này, trong chuỗi thời gian cầm quyền, cũng đã ra rả khua môi gõ lưỡi kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc với những người Việt Nam bỏ nước ra đi trong khi họ vẫn tổ chức liên hoan, ăn mừng và "bới đống tro tàn tìm máu đổ" trước mắt các nạn nhân người miền Nam vào mỗi dịp 30 tháng Tư hàng năm.

Từ Trọng đến Phúc

Giờ đây, sau 50 năm chưa nguôi uất hận, tang thương và cay đắng của người dân Huế, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại bỏ ra ba tháng (từ 12/2017 đến 02/2018) với không biết bao nhiều tiền của để tổ chức tiệc tùng và hội thảo để ca tụng chiến thắng Mậu Thân 1968.

Làm như vậy, không những người cộng sản Việt Nam đã che giấu đi tội ác Mậu Thân mà còn "tiếp tục làm nó thêm rỉ máu" như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cảnh giác năm 2005.

Vậy mà, tại Trụ sở trung ương Đảng ngày 07/02 (2018), người cầm đấu Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể hớn hở nói với số Việt kiều thân Đảng từ nước ngoài về ăn Tết rằng : "Đảng và Nhà nước luôn trân trọng những đóng góp, tấm lòng hướng về đất nước của bà con kiều bào ta trên toàn thế giới ; Đảng và Nhà nước luôn giang rộng cánh tay đón chào người Việt ở nước ngoài về với quê hương cội nguồn".

Cũng với giọng lưỡi tát nước theo mưa để nịnh Kiều bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con kiều bào, đặc biệt lắng nghe những nguyện vọng, những ý kiến đóng góp qủy báu của bà con dành cho đất nước" và "Chính phủ do dân, vì dân, trong đó có bà con Việt kiều"… kỳ vọng kiều bào ta cùng người dân trong nước đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước ngày một phát triển hơn, thực hiện khát vọng "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Nhưng những lời đầu môi chót lưỡi này có ý nghĩa gì với những nạn nhân của Huế Mậu Thân khi mà vào ngày 30/01/2018, Nhật báo Nhân Dân của đảng vẫn chạy tội với những lời lẽtrong bài viết tráo trở "Sự dối trá và lừa bịp".

Bài viết mở đầu bằng câu : "50 năm qua, rất nhiều bài báo, công trình nghiên cứu và cả những người trong cuộc đã chứng minh, khẳng định sự việc "thảm sát ở Huế năm 1968" là sản phẩm của sự dối trá, bịp bợm".

Ai dối trá và bịp bợp thì người cộng sản nên hỏi thẳng nằm vùng Hoàng Phủ Ngọc Tường để biết ăn nói ngạo ngược như thế thì hòa hợp-hòa giải dân tộc với ai ?

Tết Mậu Tuất

(15/02/2018)

Phạm Trần

Published in Diễn đàn

Trong phần trước chúng tôi đã trình bày rõ Mỹ biết âm mưu của Cộng quân là hủy động lực lượng chiếm Huế để làm thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nên Mỹ đã hủy động một lục lượng lớn, chờ Cộng quân rơi vào tử địa rồi tiêu diệt.

Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày qua về tình trạng thảm sát ở Huế và phân tích lý do tại sao Hà Nội phải ra lệnh tàn sát.

Thực hiện cuộc thảm sát

Trước khi Cộng quân mở cuộc tấn công Huế, các thành phần ly khai bỏ đi theo Việt Cộng từ năm 1966 và các phần tử nằm vùng đã lập sẵn danh sách những người mà chúng cho rằng cần phải thanh toán. Vì thế, khi mới vào Huế, chúng đã mở cuộc lục xét khắp nơi để tìm kiếm những người này.

hue01

Ngày 7/2/1968, Cộng quân mở cuộc tấn công tiến chiếm Thành Nội Huế - Ảnh VoV

Ngoài những người có tên trong "sổ đen", các toán an ninh đi lùng bắt các thành phần bị coi là Việt gian, ác ôn hay phản động như công chức, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, cảnh sát, nhân viên sở Mỹ, các thành phần đảng phái, người công giáo, v.v.

1. Tại Thành Nội (Quận 1) và một phần khu Tả Ngạn (Quận 2)

Hoàng Nguyên giao việc thanh lọc và xét xử cho cho hai sinh viên là Nguyễn Đọc Nguyễn Thị Đoan. Hầu hết những người bị lôi ra tòa chẳng biết lý do tại sao họ bị bắt. Nhưng tất cả đều bị kết án tử hình sau khi bị dọa, qui chụp và kết tội. Một số bị xử tử ngay tại chỗ.

Phiên tòa tại Thành Nội và khu Tả Ngạn chỉ kéo dài trong 2 ngày là xong, sau đó một chiến dịch khủng bố đã được phát động. Một người mở trộm radio nghe đã bị đưa ra bắn giữa đường phố để làm gương. Một anh sinh viên không tới dự lớp học tập cũng bị đưa ra bắn. Nguyễn Đọc đã bắn nhiều người, trong đó có một bạn thân đồng lớp với anh ta, chỉ vì anh này không chịu hợp tác với y.

2. Tại khu Gia Hội

Hoàng Nguyên giao Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường phụ trách.

Hoàng Phủ Ngọc Tường tốt nghiệp đại học Huế, đi dạy học và là một trong các lãnh tụ sinh viên Phật giáo đấu tranh chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1966, sau đó Tường đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Chùa Theravada ở đường Võ Tánh được dùng làm trụ sở để các công chức và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đến trình diện. Trường Trung học Gia Hội của Dòng Mai Khôi (Phú Xuân) được dùng làm nơi giam giữ và xét xử các thành phần bị coi là Việt gian hay phản động.

Theo Bác sĩ Elje Vannema, các phiên tòa ở đây đểu do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa.

Người đi bắt và bắn chết các nạn nhân là Diệu Linh, người Quảng Ngãi, làm nghề thầy bói và khoác cái áo Việt Nam Quốc dân đảng.

Cuộc tàn sát tại đây được thực hiện rất bừa bải và tàn bạo. Chẳng hạn như hai anh Nguyễn Ngọc Lộ và Nguyễn Thiết bị hạ sát chỉ vì làm nghề nghề dạy võ thất sơn thần quyền, bị cho là một bộ phận của Đại Việt Quốc dân đảng. Hai anh đã bị chôn sống ngay trên con đường nhỏ rẽ vào Trường Trung học Gia Hội sau khi bị đánh bằng cuốc vào đầu. Nghe nói vợ anh Lộ và ba cháu gồm hai gái một trai cũng bị giết tại nhà ở xã Phú Lưu.

Trong số những người bị giết tại Gia Hội, người ta thấy có các nhân vật sau đây : ông Lê Văn Cư, Phó giám đốc cảnh sát quốc gia Vùng I và ông Phú (em vợ anh Cư), Quận trưởng Quận 2 ; ông Từ Tôn Kháng, thiếu tá Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng nông thôn Thừa Thiên ; ông Hồ Đắc Cam và ông Kim Phát, Việt Nam Quốc dân đảng ; ông Trần Văn Nớp, Trưởng phòng hành chánh Ty cảnh sát Thừa Thiên. v.v.

Nguyễn Đắc Xuân là người tổ chức và lãnh đạo "Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử" tại Huế năm 1966 để chống lại Việt Nam Cộng Hòa. Khi bị đánh bại, Xuân đã trốn theo Việt Cộng và trở lại cố đô vào Tết Mậu Thân, phụ trách đội "Công tác thanh niên" nhắm mục đích khuyến dụ các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và cảnh sát bị kẹt ở Huế ra trình diện.

Với số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ra trình diện này, Nguyễn Đắc Xuân thành lập "Đoàn quân nhân Sư đoàn 1 ly khai" và bắt Đại ủy Nguyễn Văn Lợi, Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 4, Trung đoàn 2, mới từ Đông Hà trở về ăn Tết làm Trưởng đoàn. Sau đó, Xuân lập "Đoàn nghĩa binh cảnh sát", bắt ép Quận trưởng Hữu Ngạn là Nguyễn Văn Cán ra chỉ huy.

Tủy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Bộ tư lệnh Quân khu ra lệnh giải tán hai tổ chức này. Đột nhiên, ngày 18/2/1968, toán an ninh ra lệnh cho các công chức và quân nhân phải ra trình diện lần hai tại trường Gia Hội rồi giữ lại và đem đi thủ tiêu luôn.

hue02

Gia đình những nạn nhân cuộc thảm sát Tết Mậu Thân Huế đi tìm xác và nhận diện thân nhân

3. Tại khu Hữu Ngạn (Quận 3)

Toán an ninh ở khu Tả Ngạn không lập tòa án để xét xử các nạn nhân như ở khu Thành Nội và khu Gia Hội. Tại đây, các nạn nhân bị bắt đều bị đưa về giam ở chùa Từ Đàm, bắt làm tờ khai và được thanh lọc rồi đưa đi thủ tiêu. Số nạn nhân ở khu vực này đông nhất vì gồm những người đến ẩn nấp trong khu Dòng Chúa Cứu Thế và Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Tại khu Dòng Chúa Cứu Thế :

khu Hữu Ngạn (tức Quận 3) do Nguyễn Mậu Hiên, bí danh Bảy Lanh đánh chiếm. Bảy Lanh là con nuôi của nhà thuốc bắc Thiên Tường tại chợ An Cựu. Hai con trai của nhà thuốc Thiên Tường là cán bộ Việt Cộng nằm vùng ở cơ quan Xây dựng nông thôn. Vì thế, khi Bảy Lanh vừa làm chủ vùng An Cựu, ông Thiên Tường và hai người con đã đi lùng bắt tất cả những công chức, quân nhân, cảnh sát, thành phần đảng phái... trong khu vực Dòng Chúa Cứu Thế.

Tiếp theo, chúng lùa khoảng 150 người đang ẩn trú trong Dòng Chúa Cứu Thế ra sân để thanh lọc. Chúng xét hỏi giấy tờ của từng người. Những ai có căn cước ghi là quân nhân hay công chức đều được đưa ra khỏi hàng ngay, trong đó có Thượng nghị sĩ Trần Điền.

Có khoảng 500 người trong khu vực này bị bắt đưa về chùa Từ Đàm. Về sau, cả ba cha con ông Thiên Tường đều bị bắt.

Tại nhà thờ Phủ Cam :

Nhà thờ này lúc đó chỉ mới được xây xong phần cung thánh và hai cánh tả hữu, nhưng có tường rất dày và trần được đúc bằng bê-tong cốt sắt, nên có thể che chở phần nào bom đạn. Do đó, có trên 3.000 người đã đến ẩn nấp tại đây.

Khoảng 1 giờ đêm 7/2/1968, du kích và các toán an ninh đã vào lục soát nhà thờ, sau đó chúng bắt những người từ 15 đến 50 tuổi đứng lên, không phân biệt thành phần. Có khoảng 500 người thuộc lớp tuổi này. Chúng tuyên bố : "Các anh được đưa đi học tập 3 ngày rồi trở về". Sau đó chúng dẫn những người này đi về chùa Từ Đàm và bắt làm tờ khai. Thỉnh thoảng chúng đưa một người ra gốc cây bồ đề trước sân chùa và bắn chết rồi chôn ngay trong sân chùa. Về sau, người ta đếm được có 20 xác.

Hai hôm sau, vào lúc trời tối, các toán an ninh gọi mọi người ra sân, lấy dây điện thoại trói ké lại, rồi dùng dây kẻm gai xâu 20 người lại một xâu, và dẫn đi về phía Nam Giao.

hue03

Thân nhân nạn nhân cuộc thảm sát Tết Mậu Thân Huế đau đớn khóc nhìn hài cốt thân nhân, phần lớn sọ não nạn nhân bị đập bễ bằng cuốc xẻn

Ở bệnh viện :

Trò tương tự cũng đã diễn ra. Dân quanh vùng, đặc biệt là vùng quanh căn cứ Mỹ, Cộng quân viện lý do chiến tranh sắp xẩy ra trong vùng nên ra lệnh cho dân chúng tập trung vào bệnh viện. Sau ba ngày, họ bảo đàn bà và trẻ con ngồi xuống, còn đàn ông đứng dậy. Sau đó, chúng đưa hai tên nằm vùng đến nhận diện. Hai tên này vừa mới được xổ tù khi Cộng quân chiếm thành phố. Một số người, trẻ có già có, được cấp thẻ và dẫn về nhà thờ chính tòa Phủ Cam và từ đó họ được đưa lên chùa Từ Đàm.

Tất cả những người bị giam ở chùa Từ Đàm đều được dẫn về phía Tây Nam và lần lượt bị hạ sát tại những nơi khác nhau, kể cả ở Khe Đá Mài, cách Huế khoảng 26 cây số.

hue04

Theo tạp chí Time ngày 31/10/1969, trong số các nạn nhân bị giết tại đây có 398 người là giáo dân Phủ Cam.

Cách giết người của Cộng quân cũng đặc biệt. Cộng quân ra lệnh cho những người bị bắt phải đào hố, nói là để làm hầm trú ẩn tránh bom đạn, hoặc để làm mương dẫn nước cho dân chúng cày cấy. Sau khi đào xong, Cộng quân trói thúc ké tay chân nạn nhân và quăng xuống hố rồi lấp đất lại. Có người cho rằng Cộng quân phải chôn sống như vậy vì sợ bắn sẽ gây tiếng động và để lộ mục tiêu.

Con số nạn nhân

Trong cuốn "Công và Tội", ông Nguyễn Trân cho biết : "Về phía dân chúng, có 5.800 người chết, trong đó có 2.800 người bị Việt Cộng giết và chôn tập thể : 790 là hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán tội "cường hào ác bá" ; 1892 là nhân viên hành chánh ; 38 là cảnh sát, hàng trăm thanh niên trong tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số người Phi Luật Tân".

hue05

 

Lễ an táng nạn nhân sau cuộc thảm sát Tết Mậu Thân Huế 1968 - Ảnh tuần báo Life

Trong "Encyclopedia of the Viet Nam War", David T. Zabecki ghi nhận rằng số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể ở Huế là 2.810 người và hàng ngàn người bị mất tích. 

Trong cuốn "The Vietcong Massacre at Hue" (Vintage Press, New York, 1976), Bác sĩ Elje Vannema, người có mặt tại Huế trong biến cố Tết Mậu Thân, cho biết theo tài liệu kiểm kê được qua 22 mồ tập thể, số nạn nhân bị Cộng quân giết là 2.326 người, chia ra như sau :

- Trường Gia Hội : 203 người ;

- Chùa Theravada [Gia Hội] : 43 ;

- Bãi Dâu [Gia Hội] : 26 ;

- Cồn Hến [Gia Hội] : 101 ;

- Tiểu Chủng Viện : 6 ;

- Quận Tả ngạn : 21 ;

- Phía đông Huế : 25 ;

- Lăng Tự Đức và Đồng Khánh : 203 ;

- Cầu An Ninh : 20 ;

- Cửa Đông Ba : 7 ;

- Trường An Ninh Hạ : 4 ;

- Trường Văn Chí : 8 ;

- Chợ Thông : 102 ;

- Lăng Gia Long : 200 ;

- Chùa Từ Quang : 4 ;

- Đồng Di : 110 ;

- Vinh Thái : 135 ;

- Phù Lương : 22 ;

- Phú Xuân : 587 ;

- Thượng Hòa : 11 ;

- Thủy Thanh - Vinh Hưng : 70 ;

- Khe Đá Mài : 428.

Trong cuốn "Viet Cong Strategy of Terror" (tr. 23 đến 29), Giáo Sư Douglas Pike cho biết qua vụ Tết Mậu Thân ở Huế, có khoảng 7.600 nạn nhân của Cộng Sản, trong đó 1.946 người bị mất tích.

Tại sao phải tàn sát ?

hue06

Dân chúng Huế vừa được quân đội Hoa Kỳ giải thoát khỏi những vùng bị Công quân chiếm đóng trong trận Tết Mậu Thân Huế 1968

Những sự kiện cụ thể chúng tôi vừa trình bày trên cho thấy :

1. Việc chiếm Huế làm căn cứ địa cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một quyết định được Hà Nội nghiên cứu kỹ càng và ra lệnh cho Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế thi hành. Cán bộ thi hành cũng đã được huấn luyện trước. Do đó, không thể có chuyện các cấp chỉ hủy địa phương quyết định tàn sát mà không có lệnh từ trung ương.

2. Đa số các cuộc thảm sát đã diễn ra trong thời gian từ 2 đến 12/2/1968, tức trong thời gian Cộng quân còn chiếm đóng Huế. Các nạn nhân thường được kiểm tra hay xét xử rồi mới bị giết. Rất nhiều mộ tập thể đã được tìm thấy ngay trong thành phố Huế, nhất là tại khu Gia Hội.

hue07

Một phụ nữ gào khóc khi nhận diện xác người thân - Ảnh tuần báo Life

Điều này cho thấy không phải vì bị vướng chân khi rút quân nên Cộng quân mới tàn sát tâp thể để có thể rút nhanh như một số người đã biện hộ cho Cộng Sản.

3. Đến tối 24/2/1968, Cộng quân mới ra lệnh rút lui toàn bộ khỏi Huế. Tài liệu của Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế nói rằng có 23.702 quân địch, trong đó có 8.000 tên Mỹ, đã bị diệt, bắt sống và ra hàng (tr. 153). Như vậy số quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ đã bị tiêu diệt hoặc bắt sống lên đến khoảng 3 sư đoàn, trong khi đó số quân Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ được dùng để tái chiếm Huế chưa tới 2 sư đoàn !

Giả thiết tài liệu của Cộng quân là đúng, vậy số người bị họ bắt đi theo và bị giết tập thể để khỏi bị vướng chân..., xác của những người này đã được chôn ở đâu ? Các cuộc tìm kiếm sau Tết Mậu Thân 1968 không thấy có xác quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ được chôn trên đường rút lui của Cộng quân.

Chỉ có một trường hợp bị xử tử ngay tại chỗ là, khi Cộng quân rút lui, những thanh niên bị bắt đi theo từ chối không chịu gia nhập quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đều bị bắn tại chỗ. Tại Gia Hội, người ta khám phá ra xác của 18 thanh niên bị bắn chết vì không chịu đi theo. Khoảng 600 thanh niên khác vì sợ bị giết nên buộc phải đi theo họ.

Tóm lại, lập luận cho rằng các nạn nhân đã bị tàn sát vì làm vướng chân Cộng quân khi rút lui là ngủy biện và hoàn toàn láo phét. Đảng cộng sản Việt Nam đã dủy trì kỷ cương rất chặt chẽ trong khi hành quân nên không thể có chuyện các cấp chỉ hủy địa phương tự ý ra lệnh tàn sát tập thể như một số người đã biện minh cho Hà Nội. Phải có lệnh của trung ương, các cán bộ cấp dưới mới làm như vậy.

Vấn đề được đặt ra là :

Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra quyết định tàn sát tâp thể như thế ?

Có tác giả cho rằng sở dĩ Hà Nội đã đưa ra quyết định tàn sát tập thể vì lý do an ninh. Hà Nội muốn chiếm Huế và giữ Huế lâu dài như là một căn cứ địa, thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Do đó, để bảo vệ an ninh trong vùng chiếm đóng, Hà Nội đã ra lệnh thanh toán tất cả những thành phần bị coi là có thể gây ngủy hại cho an ninh của họ như tuyên truyền chống đối, quấy rối, làm nội ứng, hình thành các nhóm võ trang chống lại lực lượng chiếm đóng, v.v.

Giả thiết thứ hai là Đảng cộng sản Việt Nam muốn tạo sự kinh hoàng trong quần chúng để mọi người hoảng sợ và tuân phục. Đây là chính sách mà Lenin đã áp dụng tại Liên Xô trước đây.

Trong quyển "The Unknown Lenin", Richard Pipes, Giáo sư Sử học Nga thuộc Harvard University, ghi nhận rằng yếu tố lạnh người nhất là Lenin đã ra lệnh "tạo sự kinh hoàng" trong quần chúng trên toàn quốc. Hồi đầu tháng 9/1918, Lenin viết : "Cần thiết và khẩn cấp chuẩn bị cho sự kinh hoàng, một cách bí mật". Tháng 8/1918, Lenin chỉ thị cho bọn cầm quyền tỉnh Penza phải treo cổ ít nhất 100 người, một cách công khai. Lenin truyền lệnh : "Hãy thực hiện chuyện này bằng mọi phương cách mà người ta có thể thấy, từ xa hàng trăm dặm, run sợ, biết đến, và gào thét. Họ bị treo cổ, và sẽ bị treo cổ đến hết bọn địa chủ hút máu".

Đảng cộng sản Việt Nam đã bắt chước đường lối này của Lenin và áp dụng tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân, vì họ nghĩ rằng Cộng quân có thể chiếm giữ Huế lâu dài. Có lẽ giả thiết muốn tạo sự kinh hoàng trong quần chúng này là đúng hơn cả.

hue08

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã sử dụng tối đa hỏa lực có trong tay, bất chấp những thiệt hại có thể gây ra cho cố đô Huế, để đánh bật Cộng quân ra khỏi thành phố.

Ngoài những tiêu chuẩn thanh toán mà Hà Nội đã đưa ra, cũng phải kể thêm là các nhóm Phật giáo đấu tranh chống Việt Nam Cộng Hòa bỏ đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ năm 1966, khi trở về lại Huế đã đi tìm và thanh toán những người trước đây đã không đồng ý hay chống lại chủ trương của họ, đặc biệt là những người Công giáo.

Nhưng Hà Nội đã có nhận định sai lầm về quyết tâm của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và sự hưởng ứng của quần chúng Phật tử ở Huế. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã sử dụng tối đa hỏa lực có trong tay, bất chấp những thiệt hại có thể gây ra cho cố đô Huế, để đánh bật Cộng quân ra khỏi thành phố. Còn quần chúng Phật tử thì chỉ có một số nhỏ đi theo Cộng quân, đa số còn lại ủng hộ chính quyền miền Nam. Do đó, quyết định chiếm Huế làm căn cứ địa của Cộng quân đã thất bại.

hue3

Hà Nội đã sử dụng những thành phần thuộc "Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử" của Giáo hội Phật giáo Ấn Quang làm lực lượng tiên phong trong vụ tàn sát, đặc biệt nhắm vào những người Công giáo, công chức, cảnh sát và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.

Điều tai hại là nhà cầm quyền Hà Nội nhận ra rằng trong cuộc đấu tranh cướp chính quyền năm 1966, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang là một lực lượng quần chúng có tầm vóc và có hậu thuẫn. Tổ chức này đã lấy hận thù tôn giáo, đặc biệt là kích động sự thù hận đối với Thiên Chúa Giáo như là động lực đấu tranh. Do đó, sau khi chiếm Huế, Cộng quân đã sử dụng các thành phần thuộc "Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử" của Giáo hội Phật giáo Ấn Quang đã đi theo họ, quay trở lại làm lực lượng tiên phong trong vụ tàn sát, đặc biệt nhắm vào những người Công giáo, công chức, cảnh sát và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Đây là vấn đề sẽ được chúng tôi trình bày trong một bài khác.

Ngày 14/2/2018

Lữ Giang

Published in Diễn đàn

Tôi đọc lá thư trần tình của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường với tựa đề Lời cuối cho một câu chuyện quá buồn được ông Nguyễn Quang Lập phổ biến trên facebook. Ông Tường thanh minh trong thư rằng ông không hề hiện diện trong Thảm Sát Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968.

Sự việc xẩy ra đã 50 năm. Thư trần tình của ông Tường được viết, phổ biến đúng vào dịp chế độ cộng sản ăn mừng 50 năm chiến thắng của cuộc Tổng Công Kích như một lời biện hộ, phủ nhận sự có mặt cũng như trách nhiệm về cuộc thảm sát.

thấmt1

Chưa bao giờ tôi viết bài hay lên tiếng về biến cố đẫm máu, vô nhân, tàn bạo này, lý do tôi chỉ là một học sinh trung học, không sống ở Huế vào lúc thảm sát xẩy ra. Tuy nhiên những nhân chứng sống, những hình ảnh, thông tin đã chứng minh rõ ràng là cuộc Thảm Sát ở Huế, do cộng sản gây ra ở nhiều nơi như Bãi Dâu, Cồn Hến, trường tiểu học Gia Hội, Tiểu Chủng Viện, chùa Theravada…, đặc biệt là ở Khe Đá Mài với tổng cộng vài ngàn người chết là có thật, không hề do Mỹ, phía Việt Nam Cộng Hòa dựng lên.

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ nói đến lá thư trần tình của ông Tường, không bàn đến những chuyện khác liên quan Thảm Sát Mậu Thân.

thấmqt3

Thư ông Tường thật ra chỉ muốn gửi đến những "bà con bạn bè thương mến, những ai yêu mến, quen biết và quan tâm" đến ông. Tôi không quen biết, chẳng thương mến, không thù hận hay quan tâm gì đến ông, có điều ngứa mắt khi đọc những lời lẽ ông viết trong thư, nên lên tiếng.

Điều đầu tiên muốn nói, thư trần tình có một điểm son đáng "biểu dương" khi ông Tường thú nhận Thảm Sát Mậu Thân 1968 là một "sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng", thế nhưng tựa đề Lời cuối cho một câu chuyện qá buồn, ông Tường chỉ cho rằng Thảm Sát Mậu Thân là một câu chuyện quá buồn lại làm giảm giá trị lời thú nhận trên.

Quá buồn thôi ư ? Mấy ngàn người dân vô tội, chết tức tưởi, oan uổng, người bị đập đầu bằng cuốc, xẻng, người bị trói bằng dây kẽm gai, bắn từ sau lưng mà ông Tường chỉ quá buồn. Hơn nữa nỗi buồn không đến ngay với ông lúc biết tin, cũng không đến vào năm 1981 khi ông được nhà báo Burchett phỏng vấn và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình". Mãi đến lúc gần đất, xa trời, năm 81 tuổi ông Tường mới cảm thấy "quá buồn" khi chế độ cộng sản Việt Nam rầm rộ tổ chức, mở lại bữa tiệc máu trên xác người dân Việt Nam.

thấmt2

Thư của ông Tường có 3 điểm, xin phân tích, nhận định từng điểm.

1. Ông Tường phủ nhận sự có mặt của mình trong thời gian quân cộng sản chiếm thành phố Huế năm 1968. Tạm thời cứ tin như thế.

2. Ông Tường không nhận mình có mặt tại Huế trong lúc Thảm Sát Mậu Thân xẩy ra, nhưng vì quá hăng say, tin tưởng cách mạng nên đã gian dối, lấy lời kể chuyện của người khác làm chuyện của mình. Hành động này của ông Tường vào năm 1981-1982 nhằm kể công với "cách mạng" hay mục đích gì khác, có trời mới biết.

Chỉ biết rằng mãi 36 năm sau, ông Tường mới nhận rằng mình (duy nhất một lần ?) đã sai lầm khi mạo nhận một việc vô cùng quan trọng trong cuộc đời khiến cho những người dân Huế vốn "tin yêu" xa lánh ông.

Trong thư, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ nói rằng quá buồn thôi, rồi ông xin lỗi (ngàn lần), chứ ông cũng không hề bày tỏ sự ân hận, nuối tiếc về những điều mình đã làm. Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như cố tình không hiểu rằng Xin Lỗi và Ân Hận là 2 điều khác hẳn nhau. Sau năm 1975 ông tiếp tục say máu hận thù để lên án Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng Hòa bằng những lời nói gian đối, điêu ngoa.

Khác với trung úy William Calley - thủ phạm chính trong vụ tàn sát người dân ở thôn Sơn Mỹ, Mỹ Lai thuộc tỉnh Quãng Ngãi ngày 16/03/1968, bị chính phủ Mỹ đưa ra tòa, xét xử vì tội ác chiến tranh và bị kết án - những kẻ nhúng tay hoặc ra lệnh trong vụ Thảm Sát Mậu Thân 1968 vẫn được trọng dụng, thăng thưởng và hả hê với những chiến tích của mình.

Ông Tường đã không có đủ can đảm để nói lên bản chất của sự việc, Thảm Sát Mậu Thân là một chủ trương của cộng sản Việt Nam nhằm gieo rắc khủng bố, kinh hoàng trong dân chúng miền Nam mà ông là môt người tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, để rồi cuối đời mới lên tiếng trần tình, phủ nhận sự có mặt của mình trong thời gian cộng quân chiếm đóng trong thành phố Huế.

Trong thư, ông Tường thừa nhận Thảm Sát Mậu Thân 1968 ở Huế là có thật nhưng do quân nổi dậy vì hận thù nên nhiều người bị giết oan uổng. Chẳng có quân nổi dậy nào ở Huế cả, ông Tường đừng lộng ngôn. Không có người dân nào nổi dậy để chạy theo cộng sản như ông viết, hơn nữa, là đảng viên đảng cộng sản, ông Tường thừa hiều cách tổ chức, vận hành chính sách, đường lối của đảng cộng sản Việt Nam, rằng cuộc Thảm Sát Mậu Thân Huế chắc chắn phải có lệnh từ trung ương đảng, bởi không một cán bộ, đảng viên, sĩ quan quân đội cộng sản bất kỳ cấp bậc nào nào dám tự tiện hành động mà không có lệnh.

Thừa nhận Thảm Sát Mậu Thân là sai lầm không thể biện bác trên quan điểm chiến tranh cách mạng và nhìn từ lương tâm dân tộc nhưng lại đổ lỗi cho quân nổi dậy, ông Tường có mâu thuẫn không vậy ? Bởi quân nổi dậy tất nhiên là quân ô hợp, khó chỉ huy, không có kỷ luật... như thế thì sao lại kết luận là sai lầm trên quan điểm chiến tranh và nhìn từ lương tâm dân tộc ?

3. Sau khi thừa nhận sai lầm (vào lúc cuối đời) ông Hoàng Phủ Ngọc Tường biết mình tự rước họa vào thân (cũng đáng khen) là còn sót lại chút liêm sỉ. Tuy nhiên, cho rằng những người chống cộng cực đoan căn cứ vào đó để quy kết, vu khống ông là tội phạm chiến tranh thì không đúng. Tôi không hận thù, không kết tội, gọi ông là Tên Đồ Tể Tết Mậu Thân như ông cựu thiếu tá cảnh sát Liên Thành, nhưng tôi có quyền đặt câu hỏi về những việc làm của ông trong thời gian đó.

Những người nghi ngờ, đặt câu hỏi về vai trò của ông trong Thảm Sát Mậu Thân có quyền truy tố việc làm của ông, bởi chính bản thân ông tiền hậu bất nhất trong lời nói, hành động của mình trong biến cố này. Họ có quyền buộc tội ông, ông có quyền bào chữa, đưa ra chứng cớ, nhân chứng để biện minh cho sự vô tội của mình.

Cũng có ý kiến cho rằng, đến một thời điểm nào đó, mọi việc sẽ rõ ràng. Tôi không tin điều này, bởi 50 năm đã trôi qua, không còn bao nhiêu nhân chứng hiện diện trên đời, đó cũng là thời gian đủ để người cộng sản Việt Nam tìm cách thủ tiêu, xóa bỏ hết những bằng chứng của tội ác diệt chủng mà họ đã làm trong Thảm Sát Mậu Thân.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì theo tôi, chỉ có tòa án lương tâm của chính ông Hoàng Phủ Ngọc Tường mới quan trọng nhất. Việc ông có tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp trong Thảm Sát Mậu Thân thì chỉ có cá nhân, đồng chí, thượng cấp của ông mới có câu trả lời chính xác.

Thư trần tình của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có chân tình cách nào đi nữa, cũng chỉ có giá trị như một lời Xin Lỗi lấy lệ, nửa vời, không hơn không kém.

Thạch Đạt Lang

(11/02/2018)

Published in Diễn đàn
jeudi, 02 février 2017 13:34

Những ký ức không bao giờ cũ

Đó là một ngày mùa xuân lạnh lẽo bất thường ở Huế. Mùa xuân 1968. Một người cảnh sát tên Dũng bất ngờ khi thấy những người lính đối phương cầm AK tràn khắp thành phố Huế.

hue1

Ngày 30/01/1968, quân cộng sản tiến vào Thành Nội, có đô Huế dịp Tết Mậu Thân 1968

Cuộc tiến chiếm và bắt giữ rất nhiều thường dân và viên chức chính quyền thành phố đã người diễn ra nhanh chóng trong vài ngày Tết, mà nhiều tài liệu sau này ghi lại, cho biết các thành phần Việt Cộng nằm vùng đã âm thầm lên danh sách theo từng tổ, từng tuyến và từng khu vực. Tính bất ngờ khiến cho những người lính phía Bắc Việt nắm ưu thế ngay lập tức. Nhưng Dũng là một người khá may mắn trong phút đầu, vì ông được người nhà nhanh chóng đưa ra sau vườn, đào một cái hố nhỏ và núp ở dưới trong nhiều ngày.

Vào đêm 30 Tết, tức ngày 29/1/1968, được quân đội Bắc Việt ký kết với phía miền Nam Việt Nam và bắt đầu nghỉ ngơi, đốt pháo ăn Tết, thì rạng sáng mùng 1 tết, những tiếng súng đầu tiên hòa lẫn với tiếng pháo đã khởi đầu cho một sự kiện đẫm máu trong lịch sử chiến tranh Việt Nam : thảm sát Mậu Thân tại Huế.

Mỗi bên đều có ngôn ngữ riêng để nhắc lại giờ phút quan trọng này. Chính quyền Sài Gòn thì diễn đạt rằng Việt Cộng đã "phản bội lại hiệp ước đình chiến" ba ngày Tết đã ký. Còn phía Hà Nội thì diễn giải rằng hành động đó, là "cướp thời cơ".

Không chỉ có Huế. Tết Mậu Thân 1968 ghi dấu một cuộc tấn công bất ngờ và đồng loạt của quân đội Bắc Việt vào 25/44 tỉnh lỵ và thị trấn của phía miền Nam Việt Nam lúc đó. Vào sáng ngày mùng 1 Tết (30/1/1968), trên đài phát thanh quốc gia Sài Gòn, cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố phía miền Bắc đã vi phạm việc ký kết hưu chiến trong dịp Tết, và ngay sau đó tuyên bố hủy bỏ lệnh ngưng bắn của phía Việt Nam Cộng Hòa để chính thức mở các cuộc phản công.

Cuộc chiến này, do sự hỗn loạn về truyền thông mà nhiều năm sau, người ta mới có được những số liệu tương đối chính xác. Vào khoảng 3 giờ 40 sáng ngày 30/01/1968, những tiếng súng pháo cối từ phía núi nã vào thành phố Huế, chính là hiệu lệnh cho khoảng 80.000 binh lính chính quy Bắc Việt và quân nằm vùng đã tràn vào kinh đô cổ kính của Việt Nam, nơi có khoảng 140.000 dân sinh sống ở đó.

hue2

Những gì còn lại của thành phố Huế sau gần một tháng bị quân cộng sản chiếm đóng

Lực lượng tương quan được xem là bất cân xứng, vì thuận theo hiệp ước đình chiến ngày Tết, Huế lúc đó - được sách The Tet Offensive : A Concise History and Abandoning Vietnam ghi lại - chỉ có khoảng 200 lính Mỹ và các nhân viên người Úc thuộc sư đoàn 1 đồn trú ở đó, cùng một số cảnh sát và binh lính địa phương không đáng kể.

Suốt trong nhiều ngày, người nhà của ông Dũng đã kinh hoàng chứng kiến các vụ xử bắn ngay trước hiên nhà mình, được gọi là "trừng trị bọn phản cách mạng", mà trong đó có cả những thường dân không hề biết sử dụng vũ khí. Hàng loạt các vụ bắt và đem đi mà người ta không biết là về đâu. Mùng 7, là ngày diễn ra rất nhiều các vụ bắt bớ mang đi mất tích. Khiến rất nhiều gia đình ở Huế, cho đến tận hôm nay vẫn chọn ngày mùng 7 Tết để làm giỗ chung cho người thân cho mình.

Phía trước nhà ông Dũng là một khoảng ruộng. Tiếng súng nổ giật bắn thỉnh thoảng từ đó vang lên, như báo hiệu cho những người sống quanh đó rằng đã có ai đó bị hành hình, chôn vội… mà không có tòa án hay một tội danh đúng.

hue3

Những cuộc đào bới tìm xác nạn nhân

Khắp nơi trong thành phố như vậy. Sau 25 ngày, Huế bị tạm chiếm bởi quân đội Bắc Việt, người ta tìm thấy nhiều hố chôn người tập thể, nhiều nơi xác người bị chôn sống. Các con số tổng kết tại Huế cho thấy các nạn nhân bị thảm sát được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Therevada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Ðức và lăng Ðồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Ðông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Ðông Gi (Di), Vinh Thái, Thủy Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thương Hòa, Vinh Hưng, Khe Ðá Mài... tất cả 22 địa điểm, tìm thấy được tổng cộng 2.326 sọ người trong số 6.000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích...

hue4

hue5

Tội ác của quân cộng sản để lại : sọ của những nạn nhân bị thảm sát

Không chỉ có người Việt Nam giết người Việt Nam. Trong quyển Tet của nhà báo Don Oberdorfer, xuất bản năm 1971, cho biết có những người như Stephen Miller (28 tuổi) nhân viên Sở ngoại vụ và thông tin Hoa Kỳ bị trói mang ra sau một chủng viện Công giáo để hành hình. Các bác sĩ người Đức Raimund Discher, Alois Alteköster, và Horst-Günther Krainick cùng vợ của ông với công việc là giảng dạy về y tế cũng bị dẫn đi. Sau khi quân đội miền Nam Việt Nam tái chiếm Huế, người ta tìm thấy xác những người này bị chôn ở một khu ruộng gần đó. Một tài liệu tiết lộ vào năm 2011, còn cho biết rằng người ta tìm thấy các móng tay của người vợ ông Krainick bị gãy và đầy đất cát, có nghĩa bà đã bị chôn sống và tuyệt vọng tìm cách thoát ra. Hai linh mục người Pháp là Urban và Guy cũng không tránh khỏi thảm nạn : ông Urban thì bị trói và chôn sống. Còn ông Guy thì may mắn hơn với một viên đạn vào sau gáy.

Khi ông Dũng đang trốn trong cái hố của mình, được phủ đầy lá cây lên trên, vô tình ông nghe được người nhà nói với nhau rằng vợ của ông đang vào bệnh viện do đau đẻ sớm. Sốt ruột, ông Dũng tìm cách lẻn đến bệnh viện để nhìn vợ và con, nhưng khi vừa ra khỏi cổng bệnh viện, ông đã bị một nhóm người ập đến giải đi.

hue6

hue7

hue8

hue9

Nỗi đau của những bà me, người vợ và con tìm được xác người thân

Mồng 13, khi có ai đó nói rằng ông Dũng đã bị bắn, xác chôn ở một khu ruộng gần nhà, mẹ ông Dũng cùng gia đình chạy đến để đào, tìm xác. Nhưng đó là một khu ruộng lớn, chỉ nhìn thôi cũng có cảm giác kiệt sức. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi mọi người đã hoàn toàn tuyệt vọng. Mẹ của ông Dũng đã tung đồng xu lên, cầu nguyện rằng nếu ông chết và bị vùi thây nơi đây, hãy để đồng xu rơi xuống nơi đó. Khi mọi người đến nơi đồng xu rơi, đào lên, thì thấy ông nằm dưới xác một người đồng sự của ông. Cả hai đã chết, không biết là bị bắn hay bị chôn sống. Và cũng vì vậy, đám giỗ của ông Dũng hàng năm được tổ chức vào mùng 13 Tết, một ngày vu vơ tạm bợ nào đó, nhưng hàng ngàn gia đình ở Huế đã cắn răng chọn cho người thân của mình, sau vụ thảm sát.

Tôi ngồi nghe câu chuyện của ông Dũng, từ một người thân của ông. Đó là một người đàn ông năm nay đã gần 70 tuổi. Giọng kể chậm rãi, trầm trầm, giống như câu chuyện đọc trước giờ đi ngủ cho trẻ con. Chỉ khác rằng nó sẽ khiến bạn đi vào những cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt, vì đó là sự man rợ mà những người Việt đã hành động trên quê hương mình, nhân danh những nấc thang lên thiên đường từ Nga Sô hay Trung Cộng.

Mỗi năm, Tết về, tôi vẫn có thói quen hay tìm hỏi những người đã sống, đã biết, đã chứng kiến thảm sát Mậu Thân, như một cách mặc niệm cho số phận người Việt Nam bị chà đạp bởi hận thù và những lý tưởng xa vời với tình yêu quê hương và dân tộc. Tôi để avatar của mình trên Facebook không màu, như một cách để tang cho những con người đã vô vọng trước họng súng và sự điên cuồng của đồng loại cùng màu da, tiếng nói. Đơn giản vì tôi thương dân tộc mình, và tôi yêu sự thật.

Trịnh Công Sơn đã viết trong tạp Ca khúc Da vàng : Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co". Không có gì mô tả chân thực như bài hát đó. Lịch sử Việt Nam hôm nay cũng bị bẻ quanh co, quanh những xác người vô tội như vậy, bởi những người cầm quyền.

hue10

hue11

hue12

Xác người nằm phơi trên ruộng đồng, trên những đường quanh co...

Suốt nhiều năm, những người cộng sản miền Bắc vẫn vỗ tay và gọi đó là một chiến thắng oanh liệt, còn một trong những trí thức nổi tiếng đi trong vũng máu thảm sát 1968 đó, thì nói một cách kiêu hãnh trên loạt phim tài liệu Vietnam : A History của Stanley Karnow rằng "cần thì cũng phải giết, vì đó là những con rắn độc". Nhưng không có đạo lý nào công nhận loại chiến thắng chấp nhận dẫm đạp lên sinh mạng của nhân dân mình. Đó chỉ là một tên gọi khác của thứ tội ác ghê tởm.

Những mùa xuân thật buồn từ đó. Khi tôi đến Huế. Tôi lần bước đến sân vận động, ra trường Gia Hội cũ… và nghĩ về những ngày không bao giờ cũ. Mãi mãi không bao giờ cũ. Nếu người cầm quyền có lòng tự trọng và nhân cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau nhìn nhận. Còn nếu không, chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng tất cả lòng khinh khi và oán hận.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA tiếng Việt, 02/02/2017

(tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn