Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

01/08/2023

Tội ác của hai anh em Hoàng Phủ trong vụ Tết Mậu Thân Huế

Nguyễn Tiến Cường - Nguyễn Thị Thái Hòa

Hoàng Phủ Ngọc Tường – Sát nhân máu lạnh ?

Nguyễn Tiến Cường, 29/07/2023

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn nổi tiếng - nhưng không nổi tiếng với những tác phẩm của mình, ông nổi tiếng về vụ Thảm sát Tết Mậu Thân 1968 - đã qua đời vào ngày 24/07/2023. Cái chết của ông Tường gây rất nhiều tranh cãi về sự hiện diện của ông trong vụ Thảm sát Tết Mậu Thân nói trên với hơn 3.000 thường dân vô tội.

hpnt1

Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1963

Sự tranh cãi đã nổ ra vào năm 2018 khi ông Tường viết một lá thư có tựa đề Lời xin lỗi cho một chuyện quá buồn (1), được đánh giá như lời sám hối (nửa vời) của ông với những nạn nhân vụ Thảm sát Mậu Thân 1968.

Một số người bênh vực, bào chữa cho ông Tường, quả quyết (theo lời kể của ông Tường) rằng ông không hề có mặt ở Huế, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Lập – thường được gọi là Bọ Lập, người phổ biến lá thư trên trang nhà ở Facebook, viết thêm lời nhận định.

Nhiều người khác chính thức lên tiếng, kết án ông là một trong những sát thủ máu lạnh, thủ phạm chính trong Thảm sát Mậu Thân 1968. Sau đó, khi bị chỉ trích nặng nề, ông Lập đành phải công khai xin chấm dứt tranh luận, rút bài của mình xuống.

Ngay sau khi ông Tường qua đời, cuộc tranh cãi chợt bùng nổ trở lại. Tôi không tham gia vào cuộc tranh cãi này vì ông Tường có mặt ở Huế hay không thì việc phân tích, mổ xẻ một cuộc tàn sát thường dân vô tội sau 55 năm không thể căn cứ vào lời nói, tài liệu, bằng chứng thứ cấp (nghe kể lại, có bài báo...). Hơn thế nữa, việc tranh cãi có lợi gì không khi người nói có, kẻ nói không, đôi co qua lại, kết quả là gì, đi về đâu ?

Khi ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phủ nhận sự có mặt của mình trong thời gian quân cộng sản chiếm đóng Huế bằng lá thư sám hối thượng dẫn cùng với lời bàn của nhà văn Nguyễn Quang Lập – thú nhận rằng ông đã nói dối – chỉ kể theo lời một người khác, chúng ta hãy tin như vậy.

Bài viết này chỉ nhận định, đánh giá con người, bản chất của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường – một cán bộ cộng sản tiêu biểu - qua những câu trả lời phỏng vấn với đài PBS năm 1982 và thư sám hối (nửa vời) năm 2018. Trích :

"Còn một số những trường hợp khác thì chính nhân dân do đã căm thù quá lâu, đó là những người đã bị (chính quyền Sài Gòn) tra tấn, bắt tất cả gia đình phải đi ở tù ra ngoài đảo... và đến khi cách mạng bùng lên, họ lấy lại cái thế của người mạnh, thì họ tự đi tìm những kẻ đó để loại trừ như trừ những con rắn độc mà từ lâu nay nếu còn sống sẽ tiếp tục gây tội ác trong chiến tranh". Hết trích (2).

Trong thư "sám hối", ông Tường viết : "Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc".

Lúc trả lời phỏng vấn đài PBS, nhận mình là nhân chứng ở Huế trong Thảm sát Tết Mậu Thân, một mặt ông Tường mong đợi sự tin dùng của chế độ cộng sản, mặt khác khẳng định mình là người cộng sản sắt máu, không nhân nhượng với kẻ thù. Chỉ hoài công, khi làm tờ nguyệt san Cửa Việt với tư cách tổng biên tập, Nguyễn Quang Lập phụ tá, tờ báo chỉ ra được 17 số rồi phải đóng cửa. Trước đó, ông Tường phải viết một lá thư cầu cứu trung ương vì sự chèn ép, hăm dọa của cán bộ lãnh đạo địa phương, nhưng vô ích – nội dung, bài vở tờ báo không làm hài lòng họ.

Phải chờ đến cuối đời, ngồi xe lăn, ông Tường mới nhận ra được tác hại những phát ngôn của mình, nên vụng về bào chữa rằng lúc trả lời phỏng vấn đã mạo nhận là nhân chứng. Số phận của ông Tường cũng là số phận của những đứa con nuôi lạc loài của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ở đây cần đặt ra một vài câu hỏi : Là người sinh trưởng ở Huế, học hành, thành nhân, tốt nghiệp cử nhân triết đại học văn khoa Huế, dạy học, sinh sống cũng ở Huế…, lý do nào ông Tường hận thù, căm ghét người dân Huế đến mức độ gọi họ là những con rắn độc ? Viên chức chính quyền, cảnh sát, công an nào đã hành hạ, bắt giữ, tra tấn ông Tường hay thân nhân ruột thịt, bạn bè ông khiến ông nguyền rủa họ khi họ đã chết ?

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chết, bằng cách này hay cách khác, xác thân ông sẽ trở về với cát bụi, ông có hiện diện ở Huế, trực tiếp hay gián tiếp nhúng tay vào cuộc Thảm sát Mậu Thân 1968 không ? Không quan trọng ! Quan trọng là chế độ cộng sản, chế độ mà ông trung thành, theo đuổi, phục vụ, tham gia xây dựng đã tàn phá đất nước về mọi mặt, từ giáo dục, y tế, đến lãnh thổ, tài nguyên, đạo đức, văn hóa, ngôn ngữ... vô phương cứu chữa.

Ông ra đi nhưng chắc khó lòng siêu thoát bởi di hại cho dân tộc, đất nước Việt Nam - có sự góp phần của ông dù trực tiếp hay gián tiếp - sẽ tồn tại lâu dài theo thời gian, có khi cả trăm năm. Tuy nhiên dù sao đi nữa, tôi vẫn cầu xin cho ông được bình yên, thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Tiến Cường

Nguồn : tiencuong.nguyen.94, 29/07/2023

****************************

Người chứng kiến sát thủ Hoàng Phủ Ngọc Phan ở Tết Mậu Thân Huế

Nguyễn Thị Thái Hòa, Văn Hóa, 15/01/2018

Bà Nguyễn Thị Thái Hòa là nhân chứng sống của cuộc tàn sát dân lành một cách dã man chưa từng có trong lịch sử Việt Nam của cộng sản Bắc Việt. Bà chính mắt chứng kiến ông nội và 3 người anh ruột bị Hoàng Phủ Ngọc Phan sát hại.

hpnt2

Ảnh chụp tại chiến khu Bình Trị Thiên : Hoàng Phù Ngọc Tường (đứng, giữa), Hàng Phủ Ngọc Phan (phải, ngồi)

Nhân chứng, nạn nhân tội ác cộng sản Tết Mậu Thân 1968

Tôi xin tường thuật lại chi tiết những cái chết đau thương của ông nội tôi, ba người anh, cùng một người bạn của họ, như là một nhân chứng còn sống sót sau tết Mậu Thân như là tiếng kêu oan cho gia đình tôi, cho linh hồn của những người thân trong gia đình, gia tộc tôi cách riêng, và cho những người dân Huế nói chung, thay cho tất cả những ai bị sát hại trong tết Mậu Thân 1968 bây giờ còn kẹt lại Việt Nam không có cơ hội để nói lên những oan khiên mà họ đã gánh chịu bởi Đảng cộng sản, và bè lũ tay sai khát máu giết hại dân lành vô tội như anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh, v.v…

hpnt3

Bệnh viện Trung ương Huế, đường Lê Lợi, 1968.

Năm 1968, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất trường Cán sự Điều dưỡng Huế. Ngoài những giờ học lý thuyết chung tại trường, bọn sinh viên chúng tôi được chia thành nhiều toán. Mỗi toán từ 8 đến 10 người, luân phiên thực tập ở các trại. Có những trại bệnh sinh viên thực tập theo giờ hành chánh. Có một vài nơi, như phòng cấp cứu, phòng bệnh nội thương… thì giờ thực tập được chia làm ba ca, sáng, chiều và đêm… Ca sáng từ 7 giờ đến 2 giờ chiều, ca chiều từ 2 giờ đến 9 giờ tối, và ca đêm từ 9 giờ tối cho đến 7giờ sáng hôm sau.

Mỗi một nơi chúng tôi được thực tập từ 2 đến 3 tuần lễ.

Hai tuần trước tết, toán của tôi được chia phiên thực tập ở phòng cấp cứu. Ngày mồng hai, tôi và hai anh bạn vào ca đêm.

Tết năm nay ba tôi bận đi hành quân xa không về kịp ăn tết.

Thường thì mấy anh em tôi năm nào cũng vậy, đều phải về nhà ông bà nội từ trước ngày 30 tết, ở luôn cho hết ngày mồng một, rồi sau đó mới được tự do đi chơi, thăm viếng bạn bè…

Sau bữa cơm tối mồng một tết, khoảng 8 giờ 30, anh Hai lấy xe Honda của anh đưa tôi tới Bệnh viện, và nói sáng mai anh sẽ đến đón.

Tối mồng một tết phòng cấp cứu hơi vắng, chúng tôi, mấy anh sinh viên y khoa và hai người nhân viên phòng cấp cứu nói đùa với nhau rằng hôm nay tụi mình… hên ! Chúng tôi mang một ít mứt bánh ra vừa ăn vừa nói chuyện, vừa thay nhau thăm chừng những bệnh nhân mới nhập viện từ đêm qua chưa được chuyển trại.

Nhưng qua nữa đêm thì bắt đầu nghe có tiếng súng. Tiếng súng lớn, nhỏ, từ xa rồi mỗi lúc một gần. Chúng tôi thốt giựt mình, băn khoăn nhìn nhau, hoang mang lo sợ. Bầu không khí bắt đầu căng thẳng, mấy anh sinh viên y khoa thì nghe ngóng bàn tán, thắc mắc không biết tiếng súng từ đâu vọng lại…

Lúc đầu chúng tôi tưởng là thành phố Huế và Bệnh Viện bị pháo kích, nhưng không ngờ, chừng 3, 4 giờ sáng, bất thần không biết từ ngõ ngách nào có chừng mười mấy người tràn vào phòng cấp cứu, họ xưng "chúng tôi là quân giải phóng". Đa số mặc áo quần đen, súng mang vai, bị rết ngang hông. Họ bắt tất cả chúng tôi băng bó cho một số người bị thương, đồng thời hò hét chia nhau lục soát, vơ vét, và lấy đi một số thuốc men, bông băng, dụng cụ y khoa, v.v… Họ lấy sạch không chừa lại một món nào, kể cả những bánh mứt chúng tôi để trong phòng trực.

Trong lúc bọn họ đang tranh nhau lục lọi, thì ầm một cái, một tiếng nổ rớt rất gần, đâu đó trong Bệnh viện, rồi tiếng thứ hai, thứ ba… rớt ngay con đường phía trước cổng chính Bệnh viện, kề phòng cấp cứu… Điện trong phòng cấp cứu vụt tắt. Thừa lúc bọn chúng nhốn nháo kéo nhau đi, chúng tôi mạnh ai nấy tìm đường chạy thoát thân.

Ra khỏi phòng cấp cứu tôi cắm đầu chạy, tôi không định hướng được là mình đang chạy đi đâu. Súng nổ tư bề, cứ nằm xuống trốn đạn, rồi đứng lên chạy, cứ thế mà chạy. Chạy bất kể tả hữu. Cho tới khi tôi đâm sầm vào một người, định thần ngó lại mới biết đó là cha Trung, tuyên úy của Bệnh viện. Cha từ phía một trại bệnh nào đó tình cờ chạy về phía tôi. Nét mặt cha cũng thất thần, đầy vẻ lo âu, nhận ra tôi, cha hỏi "con ở mô chạy lại đây ?". Tôi nói "từ phòng cấp cứu". Vừa nói vừa theo cha, chạy về phía nhà nguyện của Bệnh viện và cũng là chỗ ở thường ngày của cha. Đến đó thì đã có hai bà sơ dòng áo trắng và vài người nữa không biết từ trại bệnh nào cũng chạy lại đây. Tôi nhận ra trong số đó có sơ giám thị suốt trong sáu năm tôi nội trú tại trường trung học Jeanne d’Arc.

Cha Trung quen biết ông nội và ba mạ tôi, thỉnh thoảng ngài có ghé đến thăm ông nội nhà ở đường Hàm Nghi, nên ngài biết tôi. Không biết chạy đi đâu nữa tôi ở lại đó với cha hai bà sơ, và mấy người nữa.

Bốn năm ngày liền chúng tôi chui rúc trong nhà nguyện, không dám chạy ra ngoài và cũng không liên lạc được với một ai từ những trại bệnh khác. Súng nổ tư bề nên ai ở đâu thì cứ ở đó.

Sau khi đám người xưng là "quân giải phóng" ở Cấp Cứu kéo nhau đi chúng tôi không gặp, không thấy bọn Việt Cộng nào nữa, hay chúng đang lẫn trốn trong những trại bệnh khác thì tôi không biết.

Tới ngày thứ năm, ruột gan như lửa đốt, không biết ông bà nội, mạ và mấy anh em tôi trên đường Hàm Nghi ra sao. Tôi nói với cha Trung, cha ơi con muốn muốn về nhà. Cha bảo, không được, súng đạn tư bề, nguy hiểm lắm, cứ ở đây với cha và mấy sơ đi đã, khi mô có lính mình xuất hiện thì mới đi được. Tôi hỏi, khi mô thì lính mình mới tới, cha nói không sớm thì muộn họ cũng sẽ phản công thôi, cha nói như để trấn an tôi và mọi người thôi chứ trên mặt cha thì vẫn đầy vẻ lo âu…

Không biết nghe tin từ đâu mà một người trong nhóm nói người ta chạy vô ở trong nhà thờ Phủ Cam đông lắm. Tôi nghe càng nóng lòng muốn chạy về nhà. Muốn đi phần vì sốt ruột muốn gặp mạ với mấy anh em tôi, phần vì đói. Đã mấy ngày không có gì ăn ngoài mấy ổ bánh mì cứng còng của Caritas còn sót lại ở nhà nguyện chúng tôi chia nhau gặm… cầm hơi !

Tôi quyết định chạy về tìm gia đình. Tôi liều. Trên người tôi chỉ có bộ đồ đồng phục dính đầy máu, tôi chạy ra phía sau cổng Bệnh viện, tìm đường về nhà. Vừa chạy vừa lo, ngó tới, ngó lui không một bóng người, nhưng tiếng súng thì nghe rất gần. Không biết mấy lần vấp, tôi té xuống. Té rồi lồm cồm bò dậy, vài bước lại vấp té. Tôi lạnh run, hai hàm răng đánh bò cạp, nhìn cảnh tượng xác người nằm đây đó, máu me đóng vũng, không biết họ bị thương đâu đó ở bên ngoài chạy vào gục chết ở đây. Quá sợ hãi, tôi định chạy trở lại nhà nguyện thì bất thần thấy anh Văn hớt ha hớt hải từ cổng sau Bệnh viện chạy vô.

hpnt4

Đại học Văn Khoa Huế trước 1975.

Văn là bạn của anh Hải, anh kế tôi, hai người cùng học ở Văn Khoa. Nhà Văn ở miệt trên, gần dòng Thiên An. Mặt mày Văn xanh xao, hai mắt thất thần, trủm lơ, gặp tôi Văn lắp bắp, nói không ra hơi.

- Ti ơi thằng Hải bị bắn chết rồi. Hắn bị bắn ở bên Văn Khoa.

Toàn thân run rẩy, tôi khuỵu xuống. Văn đỡ tôi đứng lên. Lại có tiếng nổ rất gần. Văn hoảng hốt kéo tôi chạy lại ngồi xuống bên trong bức tường sát cánh cổng sau Bệnh viện. Hai đứa tôi run rẩy ngồi sát vào nhau. Lát sau, tiếng được tiếng mất, anh lắp bắp kể. Văn nói mấy đêm rồi Văn với mấy người anh của tôi trốn đạn trong nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ Phủ Cam), nhưng rồi đêm qua có mấy sinh viên của mình dắt một toán Việt Cộng vô nhà thờ đọc một lô danh sách, họ lùa người đi đông lắm, không biết họ đưa đi đâu. Văn kể một hơi mấy tên "sinh viên của mình" nhưng bây giờ tôi không còn nhớ nổi.

hpnt5

Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam trải qua 3 đời Giám mục - từ Tổng giám mục Ngô Đình Thục đến Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và Tổng giám mục Nguyễn Như Thể (1)

Khi đám người bị lùa đi, thân nhân của họ khóc la thảm thiết.

Sau đó Văn, anh Hải cùng mấy người bạn rủ nhau trốn ra khỏi nhà thờ và mạnh ai nấy tìm đường trốn.

Ra khỏi nhà thờ, không biết trốn chui, trốn nhủi, chạy quanh, chạy co, làm sao mà Văn với anh Hải lại tới được Trường Y khoa. Anh Lộc, anh Kính đi lạc hướng nào không biết. Hai anh hè nhau chui vô phòng thí nghiêm trốn thì thấy có vài người đã bị bắn chết từ bao giờ mà những vũng máu đọng dưới họ còn tươi lắm. Văn, anh Hải hoảng hồn chạy trở ra. Chưa ra khỏi cửa thì gặp Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn thị Đoan Trinh cùng mấy sinh viên khác nữa Văn không biết tên, chỉ biết họ đồng bọn với Hoàng Phủ Ngọc Phan. Văn biết mặt Phan là vì Văn có người anh học y khoa cùng lớp với Phan.

Gặp Văn, Phan nạt nộ :

- Tụi mi chạy trốn đi mô ? Khôn hồn thì chạy qua bên Văn Khoa tập trung ở đó để đi tải thương !

Hải và Văn biết không thể nào thoát khỏi sự kiểm soát của bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan nên vội vàng chạy bộ xuống Văn Khoa, hy vọng bị bắt đi tải thương chứ không bị giết.

Bọn Trinh, Phan chạy xe Honda nên họ tới trước, và cũng đã bắn trước một số người khác rồi. Hải, Văn không biết nên lúc thúc chạy đến. Anh Hải chạy vô trước, nghĩ là sẽ gặp được một số bạn bè khác, cùng đi tải thương với nhau như lời Hoàng Phủ Ngọc Phan nói.

Vừa vô tới giảng đường thì anh Hải bị Hoàng Phủ Ngọc Phan bắn gục ngay. Văn mắc đi cầu, tìm chỗ phóng uế nên chạy vô sau anh Hải. Mới tới cửa thì nghe tiến súng, tiếng hét của anh Hải, Văn quay đầu bỏ chạy. Chưa kịp rượt theo Văn thì bỗng ầm, một tiếng nổ đâu đó, trong sân trường đại học, khiến Hoàng Phủ Ngọc Phan và đồng bọn hoảng hốt leo lên xe Honda tháo chạy. Văn thoát chết, chạy như điên, như khùng, chạy vô Bệnh viện và tình cờ gặp tôi trong đó.

Nghe anh Hải bị bắn trong sân đại học Văn khoa, tôi bỏ ý định về nhà, tôi muốn chạy qua Văn khoa tìm anh tôi, hy vọng anh chưa chết, tôi nghĩ sẽ tìm cách đưa anh vô Bệnh viện cấp cứu. Tôi khóc nói với Văn, em tới chỗ anh Hải. Văn can :

- Ti đừng đi, tụi nó có thể trở lại.

Tôi mặc kệ Văn ngồi đó, vừa khóc vừa chạy. Một lát nghe tiếng chân Văn sau lưng, miệng thì nói : "Ti ơi, vô Bệnh viện trốn đi, Hải nó chết thiệt rồi", mà chân vẫn bước theo tôi. Tôi như người mất hồn, vừa đi, vừa chạy, vừa khóc. Trời ơi, thật là khủng khiếp, chỉ một đoạn đường từ cổng sau Bệnh viện tới sân trường Văn Khoa mà không biết bao nhiêu là xác người, áo quần vung vãi khắp nơi.

Chúng tôi chạy mới tới trường trung học Jeanne d’Arc, thì gặp bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan lấp ló trước cổng trường với một nhóm bộ đội Bắc Việt. Người nào mặt mày cũng đằng đằng sát khí. Gặp lại Phan, Văn run rẩy, Phan chưa kịp nói thì Văn đã lắp bắp phân trần, em qua Bệnh viện kiếm con Ti chớ em không có trốn mô, và xin xỏ, anh cho em với con Ti đem xác thằng Hải về nhà rồi em trở lại đi… tải thương !

Phan không trả lời Văn, hắn nhìn tôi ác độc :

- Mi về nhà kêu thằng Lộc, thằng Kính xuống đây mà đem thằng Hải về.

Tôi líu lưỡi :

- Em không biết hai anh em ở mô mà kêu.

Trước đây tôi không hề biết mặt Hoàng Phủ Ngọc Phan, mà cũng chưa hề nghe nói tới tên người này vì trước năm 68 tôi còn là học sinh trung học. Có thể các người anh của tôi thì biết, vì họ là những lớp sinh viên đàn anh, đã từng qua những khó khăn đối đầu với đám sinh viên theo phe "tranh dấu, lên đường xuống đường" của những năm trước.

hpnt6

Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1981. Nguồn : Hoàng tộc Bích Khê.

Hoàng Phủ Ngọc Phan to nhỏ gì với những người đồng bọn rồi quay lại ra lệnh cho tôi với anh Văn đem xác anh Hải về nhà. Chưa biết nghĩ cách nào để đem xác anh Hải về thì Văn thấy một chiếc xích lô của ai bị bể bánh xe sau, nằm chơ vơ cạnh vách tường trường Jeanne d’Arc.

Văn gọi tôi theo anh. Chúng tôi đẩy chiếc xích lô sứt cọng gẫy càng về phía Văn Khoa. Có chừng 10 xác người trong đó. Tôi không dám nhìn lâu. Chúng tôi hè hụi khiêng Hải bỏ lên xích lô. Xác anh đã cứng. Đùm ruột lòi ra ngoài trông rất khủng khiếp. Hai mắt vẫn còn mở trừng. Miệng vẫn còn há ra.

Hoàng Phủ Ngọc Phan vừa đánh anh Văn bằng báng súng vừa chửi :

- Chuyến ni mi trốn nữa, mi gặp lại tau là mi chết !

Văn run rẩy lắp bắp, "dạ lạy anh, em không dám nữa mô". Rồi chúng tôi hè hụi đẩy chiếc xích lô mang xác người anh xấu số của tôi nhắm hướng cầu Kho Rèn đi lên. Nhà tôi ở trên đường Hàm Nghi. Qua khỏi cầu một chút. Suốt quãng đường từ đó về đến nhà, có rất nhiều đám lính bộ đội Bắc Việt đứng tụm năm, tụm ba. Chúng tôi không bị bắt giữ lại vì có Hoàng Phủ Ngọc Phan chạy đi trước ra dấu cho họ để cho chúng tôi đi.

Khúc đường ngang trường Thiên Hựu cũng có rất nhiều xác người nằm rãi rác. Nhiều vũng máu cũng như xác người bị ruồi bu đen.

Đã mấy ngày không có gì trong bụng, tôi vừa đi vừa ói khan. Văn cũng vậy. Chúng tôi ráng sức đẩy chiếc xích lô, trong lúc Hoàng Phủ Ngọc Phan cùng hai người đàn bà nữa cứ chạy xe đảo tới, đảo lui hối chúng tôi mau lên. Tôi nghe chúng nó hỏi nhau, bên Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ còn ai nữa không ? Có mấy chiếc xe Honda chở gạo, bánh tét, đã tịch thu của nhà ai đó chạy thẳng vô trường Thiên Hựu.

Lúc đó bỗng dưng có mấy chiếc trực thăng xuất hiện trên trời nhả đạn xuống, Văn nói như reo bên tai tôi :

- Ti ơi, máy bay của mình.

Mừng chưa kịp no, thì trời ơi, từ những cửa sổ trên lầu của trường Thiên Hựu những họng súng lớn nhỏ nhả đạn, nhắm hai chiếc trực thăng mà bắn, lúc đó chúng tôi mới biết là Việt Cộng đang ở trong trường Thiên Hựu quá nhiều. Hoảng hồn tôi, Văn chạy lại ngồi sụp xuống bên tường rào của trường tránh đạn. Phan và đồng bọn biến đâu mất. Tụi nó như ma, khi ẩn, khi hiện. Nhưng chỉ được một lát, hai chiếc trực thang bay đâu mất. Chúng tôi thất vọng, khi thấy Phan với đồng bọn xuất hiện hối chúng tôi đi.

Lên tới cầu Kho Rèn, thấy một đám người, đàn ông, đàn bà, con nít bị bắt trói chung với nhau ngồi trên đầu cầu. Họ ngồi gục đầu xuống hai đầu gối. Tiếng con nít khóc, tiếng mấy bà mẹ dỗ con, nín đi con ơi. Đi ngang qua họ mà chúng tôi không dám nhìn. Có tiếng người trong đám gọi tôi : "Ti ơi !", quay lại tôi nhận ra chị giúp việc của mẹ tôi và vợ của một chú cùng đơn vị với ba tôi ở tiểu đoàn 12 Pháo binh Phú Bài. Tôi đoán họ là những người từ trên Phủ Cam, chung quanh cầu Kho Rèn, Hàm Nghi và những con đường chung quanh đó chạy xuống tìm đường trốn lên Phú Lương thì bị bắt giữ.

Tôi định dừng lại hỏi thăm thì Hoàng Phủ Ngọc Phan trờ xe tới nạt nộ "Đi mau, ngó chi !".

Trên đoạn đường từ Văn Khoa ngang qua trường Thiên Hựu, cầu Kho Rèn, lên tới nhà nội chúng tôi thấy nhiều người bị trói dính chùm vào với nhau đi trước mấy người mặc đồ đen đi dép râu, mang súng.

Súng nổ tư bề mà sao không thấy bóng dáng lính mình ở đâu cả. Chỉ thấy lính bộ đội Bắc Việt khắp nơi.

Trên đường Hàm Nghi, Nguyễn Thị Đoan Trinh chạy ngang nhà nào mà y thị gật đầu là y như rằng trong nhà đó có người bị bắt đem ra, người thì bị bắn tại trước nhà, người thì bị dắt đi, mấy ông bà cụ trong nhà chạy theo nằm lăn ra đường khóc la thảm thiết… Bọn lính Bắc thì cứ chửi thề luôn miệng : "Đéo mẹ câm mồm, ông bắn bỏ mẹ bây giờ…".

Hai chúng tôi cứ nghiến răng, cúi mặt, lầm lủi đẩy chiếc xích lô mang xác anh Hải đi tới.

Khi gần tới nhà tôi ở số 24 đường Hàm Nghi thì Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh rà xe lại gần bảo tôi :

- Không được đẩy vô nhà mi. Đẩy lên trên tê !

Đẩy lên trên tê, tôi hiểu đây là đẩy lên nhà ông bà nội tôi. Cũng trên đường Hàm Nghi nhưng nhà nội tôi ở trên dốc, hướng đi lên Phủ Cam. Nhà ba mạ tôi thì ở gần cầu Kho Rèn.

Tôi cũng không hề biết mặt Nguyễn Thị Đoan Trinh trước đó. Trong hoàn cảnh này tôi mới biết mặt y thị là nhờ anh Văn nói. Tội nghiệp anh Văn, cứ tưởng khi Hoàng Phủ Ngọc Phan biểu cùng tôi đẩy xác anh Hải về là được tha chết. Anh Văn và tôi cũng không ngờ rằng đoạn đường từ Văn Khoa lên tới nhà nội trên đường Hàm Nghi là đoạn đường sau cùng chúng tôi đi chung với nhau trong cuộc đời này

Lên tới nhà nội, chúng tôi đẩy xác anh Hải vô bên trong hàng rào chè tàu. Bỏ anh Hải ngoài sân, tôi với Văn chạy vào nhà, nhà vắng ngắt, đi từ trước ra sau bếp gọi "ông ơi, mệ ơi". Nghe tiếng ông nội yếu ớt từ trong buồng vọng ra, ai đó, đứa mô đó ? "Con đây, ông nội". Nghe tiếng tôi, ông tôi hấp tấp chạy ra, bước chân xiêu xiêu, ông tôi chạy lại ôm tôi, ông khóc, ông nói : "Lạy Chú,a lạy Mẹ, cháu tui con sống". Tôi không khóc được, tôi run rẩy trong tay ông nội. Ông tưởng tôi sợ nên an ủi : "Con còn sống mà về được đây là phúc lắm rồi, ở đây với ông nội, không can chi mô ! Nghe nói mạ mi đưa ba thằng em mi chạy lên Phú Lương rồi, không biết đi tới mô rồi, có thoát được không ? Lạy Chúa, lạy Mẹ phù hộ".

Tôi không nói vì quá mệt, kéo tay ông nội ra ngoài, thấy Văn ngồi bệt dưới nền nhà, ông hỏi : "Đứa mô giống thằng Văn rứa bây ?". Văn òa khóc, tôi khóc theo, kéo ông nội ra sân. Nhìn thấy xác Hải ông nội tôi khuỵu xuống, miệng thì kêu "Ttrời ơi, trời ơi, răng mà ra nông nỗi ni…".

Chúng tôi đem Hải vào nhà, đặt anh trên divan. Ông nội lấy mền đắp lên xác Hải.

Hai người anh tôi đang trốn trên trần nhà đòi xuống nhìn mặt Hải. Ông nội không cho. Anh Lộc giở nắp trần nhà sát góc tường, thò đầu xuống vừa khóc vừa nói :

- Ti, đẩy cái ghế đẩu qua cho anh.

Tôi nghe lời ra đằng sau bếp lấy cái ghế đẩu mang lên để ngay góc phòng cho anh Lộc nhẩy xuống. Ông nội ngó lên, quơ quơ hai tay, giọng ông lạc đi :

- Đừng xuống, ông nội lạy con, đừng xuống, ở trên đó đi mà…

Anh Kính đang ở trên đó, cũng đang khóc. Lộc chưa kịp nhẩy xuống thì nghe tiếng nói, tiếng chân người ngoài sân. Anh vội vàng đóng miếng ván lại thì bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng vừa vào đến.

Thấy Phan bước vô, mặt Văn biến sắc, anh lắp bắp nói với ông nội :

- Anh Phan cho tụi con đem xác về đó ông ơi.

Ông nội đứng im không nói. Hai mắt cú vọ của nó ngó ông nội hỏi : "Thằng Lộc, thằng Kính ở mô ?". Ông nội nói "tui không biết". Phan gằn giọng :

- Ông thiệt không biết tụi hắn ở mô? Tụi hắn năm mô cũng về ăn tết ở đây mà ông không biết răng được ?

Ông nội nói:

- Ba ngày tư ngày tết, ăn xong thì tụi hắn đi chơi, đi thăm bà con họ hàng chứ chẳng lẽ ở nhà hoài răng ? Chừ thì tui biêt tụi hắn ở nhà mô mà chỉ !

Mắt Phan ngó láo liên khắp nơi, chợt thấy cái ghế đẩu ngay góc phòng, nó cười khan một tiếng.

Tôi đứng núp sau lưng ông nội, Hoàng Phủ Ngọc Phan hung hăng bước tới, xô ông nội qua một bên, nó nắm lấy tóc tôi kéo tôi ra về phía hắn. Ngó lên trần nhà la lớn :

- Lộc, Kính, Hiệp, tụi mày không xuống tau bắn con Ti !

Nó vừa nói, vừa xoáy mái tóc dài của tôi trong tay, nó đẩy tới, đẩy lui. Tôi đau điếng, tôi sợ, tôi run lẩy bẩy, nước mắt ứa ra nhưng không dám la thành tiếng. Ông nội tôi chấp tay lạy nó như tế sao :

- Tui lạy anh tha cháu tui, con gái con lứa, hắn biết chi mô.

Thằng Phan càng la lớn :

- Tau biết tụi mi trên đó, có xuống không thì nói, tau bắn con Ti.

Phan xô tôi té xuống, lấy chân đạp lên lưng. Chĩa mũi súng lên đầu tôi hô một, hai, ba… Lập tức anh Lộc mở nắp trần nhà thò đầu xuống la to :

- Đừng, đừng bắn em tau, tau xuống, để tau xuống…

Ông nội tôi chạy lại giữ cái ghế cho anh bước xuống, hai chân ông run, ông té sấp, đang lúc anh Lộc tìm cách tuột xuống, thò hai chân xuống trước, hai tay còn vịn trần nhà, khi đôi chân vừa chạm chiếc ghế đẩu thì Hoàng Phủ Ngọc Phan đã nổ súng, đạn trúng ngay chính giữa cổ, máu phọt ra, anh Lộc lăn xuống sàn nhà toàn thân anh dẫy dụa mấy cái rồi nằm im.

Mặc ông nội tôi la hét thất thanh, Phan chĩa súng bắn lên trần nhà, nghe tiếng anh Kính lăn tới đâu, nó bắn tới đó, bắn nát trần nhà, hết đạn nó dành lấy cây súng của một thằng khác bắn tiếp, cho tới khi anh Kính tôi rớt xuống theo mấy miếng ván.

Anh Văn ngồi bệt xuống đất, nhắm mắt, bịt tai, run lẩy bẩy. Ngồi kề bên cạnh anh, người tôi tê cóng, đái ỉa ra cả quần. Ông nội tôi nhào tới ôm anh Kính, hai mắt trợn trừng, anh đang thều thào những lời sau cùng. Ông khóc, ông chửi rủa thằng Phan. Nó say máu, bắn luôn ông nội tôi. Ông tôi đổ xuống bên cạnh anh Kính.

Bắn ông tôi xong, chúng kéo nhau đi bắt anh Văn theo. Còn lại một mình, tôi bò lại ôm lấy ông nội, tôi khóc không ra tiếng, tôi thở không ra hơi, hai bàn tay tôi ướt đẫm máu, máu của ông nội tôi, tôi bò sang anh Lộc, bò sang anh Kính, tôi lay, tôi gọi, tôi gào, không ai nghe tôi hết. Anh tôi không trả lời tôi, hai con mắt, bốn con mắt, sáu con mắt đều mắt mở trừng. Ông nội tôi nằm im, máu trong ngực ông vẫn tuôn ra từng vòi. Tôi gục đầu xuống xác ông lịm đi. Không biết bao lâu thì tôi tỉnh lại, nhưng không ngồi dậy nổi. Cứ nằm ôm lấy xác ông nội. Tóc tôi bết đầy máu, toàn thân tôi, máu, phân và nước tiểu đẩm ướt. Tôi không còn sức để ngồi lên. Không biết tôi nằm bên cạnh xác ông tôi với ba người anh như vậy là bao lâu. Khi tỉnh dậy thì thấy hai vợ chồng bác Hậu, vài người lối xóm của với ông nội đang ở trong nhà.

Họ dọn dẹp, khiêng bộ ngựa trong nhà bếp ra trước phòng khách, đặt xác ông nội cùng với ba người anh tôi nằm chung với nhau. Hai bác gái đem tôi vào phòng tắm, phụ nhau tắm rửa cho tôi như một đứa con nít, bác Hậu lấy áo quần của bác mặc cho tôi. Tâm trí tôi hoàn toàn tê liệt. Tôi không còn khóc được, không còn mở miệng nói được câu nào. Ngày cũng như đêm ngồi rũ rượi bên cạnh xác của ông tôi, các anh tôi. Tôi không còn sợ chết. Nhưng sao tụi nó không giết luôn tôi ? Trời hỡi, trời ơi !

Nhìn thấy tôi tiều tụy, mỗi ngày bác Hậu gái khuấy cho tôi vài muổng bột bích chi ép tôi uống. Thiệt ra nhà nội cũng chẳng còn chi. Gạo cơm, bánh mứt thì bị tụi nó khiêng đi hết rồi. Bác Hâu còn dấu được ít gạo, ít than nấu cháo uống cầm hơi với nhau.

Ngày hôm sau thằng Phan trở lại. Bác Hâu xin phép được chôn ông tôi và mấy người anh sau vườn nhà nhưng nó không cho, nói cứ để đó.

Đã hơn bảy ngày, xác đã bắt đầu sình lên và nặng mùi. Mà Phan không trở lại. Một buổi tối tụi bộ đội Bắc Việt đến lục lọi kiếm gạo. Bác Hậu xin chúng nó đào huyệt sau nhà để chôn ông nội và ba người anh tôi. Chúng nó bảo ừ thối quá rồi thì chôn đi, nhưng chỉ được đào một lỗ huyệt.

Vợ chồng bác Hậu khóc lóc năn nĩ, mấy anh ơi, người chết rồi biết chi, anh cho tụi tui đào 4 huyệt. Chúng không cho. Chúng nó phụ bác Hậu đào huyệt. Bảo đem cả bốn người bỏ xuống chung một lỗ. "Lấp lẹ đi, thối quá". Bác Hậu với mấy người trong nhà không ai muốn làm, ngó nhau mà khóc…

Chiều tối hôm đó Văn trở lại với Phan và mấy thằng bộ đội. Chúng nó bắt Văn phụ với mấy thằng bộ đội khiêng từng người ra bỏ xuống huyệt. Hai vợ chồng bác Hậu theo ra vườn. Tôi kiệt sức nằm vùi một chỗ nhưng tai tôi vẫn nghe rõ những lời đối thoại trong nhà. Tôi không đủ can đảm theo ra vườn chứng kiến cảnh vùi lấp những người thân yêu của tôi. Nằm trong buồn ông bà nội nhưng tôi nghe rõ từng tiếng cuổng xẻng đang đào đất. Tâm trí tôi quay cuồng, ruột gan tôi đòi đoạn. Trời ở đâu, đất ở đâu ? Tôi gọi ông tôi, gọi anh Lộc, anh Kính, anh Hải, không ai nghe tôi hết…

Khi bốn cái xác người được bỏ xuống, miệng lỗ chưa được lấp, thì tôi nghe tiếng súng nổ, tiếng kêu gào của vợ chồng bác Hậu, nhưng không nghe tiếng của Văn.

Tiếng bác Hậu kêu "Văn ơi, Văn ơi", giọng bác đòi đoạn, thì tôi biết chuyện gì đã xẩy ra cho Văn. Toàn thân tôi lẩy bẩy, tôi cảm thấy khó thở, một lần nữa cứt và nước đái trong người tôi túa ra.

Tôi nghe tiếng mấy thắng bộ đội hò hét bảo lấp đất lại. Bác Hậu và những người hàng xóm của nội tôi đành phải làm theo. Khi tụi bộ đội Việt Cộng bỏ đi, bác Hậu chạy vào buồng vò đầu, bức tai, giọng tức tưởi :

- Thằng Văn nằm chung với ba thằng anh mi rồi con ơi ! Trời ơi, là trời ơi0

Bác Hậu đấm ngực :

- Không biết thằng Văn đã chết chưa mà hắn bắt tui lấp. Văn ơi là Văn ơi, con tha tội cho bác, trời ơi người mô mà ác như rứa…

Tôi lặng người, nghe bác Hậu khóc anh Văn.

Sau lần đó không đứa nào trong bọn chúng trở lại, kể cả tụi bộ đội. Chắc nhà ông tôi chẳng còn người để mà giết, chẳng còn của cải chi để mà cướp nữa.

Hơn hai mươi ngày, tôi nằm liệt lào trong nhà nội. Bên ngoài súng đạn vẫn tư bề.

Hai vợ chồng bác Hậu không nở bỏ tôi lại một mình, trong lúc bác nghe ngóng và biết đa số dân Phủ Cam đã tìm đường chạy thoát được xuống Phú Lương. Bác năn nỉ tôi ráng ăn uống thêm một chút để có sức mà chạy, không lẽ con nằm đây chờ chết ? Con không muốn tìm mạ con răng ?

Hôm sau nữa tôi theo gia đình bác Hậu tìm đường chạy lên Phú Lương vì nghe nói lính Mỹ, lính mình đã thấy xuất hiện chung quanh đây rồi. Đi xuống ngã cầu Kho Rèn thì cầu đã bị sập, bác theo đoàn người đi hướng khác, tôi đi theo như người mất hồn, họ đi đâu tôi theo đó, tôi không còn nhớ là mình đã đi qua được những nơi đâu. Có điều tôi lấy làm lạ, trên đường chạy giặc, mỗi khi đạn pháo bắn khắp nơi mà người ta cứ gồng gánh nhau mà đi, không ai chịu dừng lại kiếm chỗ tránh đạn. Người ta nói với nhau : "khi mô mà có mọc chê hay đạn pháo chi đó thì bọn Việt Cộng chui vô nhà dân để trốn đạn, chúng nó không ra đường để chặn bắt dân lại", vì vậy người ta cứ chạy bất kể, dưới lằn mưa đạn người ta càng chạy đi đông hơn. Ôi những người dân tội nghiệp của xứ Huế thà chết dưới bom đạn còn hơn để bị lọt vô tay quân sát nhân ác độc.

Cuối cùng thì tôi cũng về đến được Phú Lương gặp mạ và ba đứa em trai của tôi. Quá đau khổ, Mạ tôi bị phát điên khi hay tin cái chết của ba người anh và ông nội. Ít lâu sau ba tôi trở về sau một đợt hành quân nào đó của tiểu đoàn 12 Pháo binh Phú Bài. Thấy mạ tội như vậy, biết không thể trở lại đường Hàm Nghi, ông mướn nhà ở tạm tại Phú Lương.

hpnt6

Cầu Phú Lương, 1968

Sau khi Huế được giải thoát. Ba tôi nhờ bà con lối xóm cải táng Văn, ba người anh, và ông nội tôi, tang lễ được cử hành tại nhà thờ Phủ Cam do cha Nguyễn Phùng Tuệ chủ tế. Gia đình anh Văn đồng ý cho anh Văn được nằm lại trong miếng vườn nhà ông nội tôi cùng với ba người anh của tôi.

Ba tôi được giải ngũ khoảng giữa năm 69. Mạ tôi vẫn trong cơn điên loạn không thuyên giảm. Ba tôi quyết định bỏ Huế đem hết gia đình vào Long Khánh sinh sống. Nhà nội giao lại nhờ hai bác Hậu coi chừng. Nhà ở 24 Hàm Nghi (gần đường rầy xe lửa) thì bán cho ai đó tôi không rõ.

hpnt8

Tưởng nhớ 7.600 người dân Huế bị thảm sát trong cuộc tổng tấn công của cộng sản, Tết Mậu Thân, 1968.

Thưa ông Liên Thành,

Đó là những cái chết oan khiên của những người ruột thịt thân yêu mà tôi phải chứng kiến tận mắt với muôn ngàn đau đớn. Trong bà con thân tộc nội ngoại hai bên của tôi, có rất nhiều người bị bắt đi ở nhà thờ Phủ Cam, một số bị bắt ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Số người bị chôn sống, mất tích lên tới 70 người. Tất cả đều là học sinh, sinh viên, thường dân, nông dân, buôn bán ở chợ An Cựu.

Sau Tết Mậu Thân, những người bà con còn lại của tôi quá đau khổ, sợ hãi, họ đã âm thầm bỏ Huế, tản mác khắp nơi, thay tên đổi họ mà sống…

Sau biến cố tháng 4 đen 75, gia đình tôi lại là những nạn nhân của lũ cộng sản ác độc, vô luân. Ba tôi và những đứa em trai còn lại cũng đã chết sau mười mấy năm bị đày đọa trong lao tù cộng sản.

Đã 40 năm qua, những vết thương đó vẫn còn tươi rói trong tôi. Nỗi đau mỗi ngày một đầy. Đó là những cái chết oan khiên trong muôn ngàn cái oan khiên của người dân Huế.

Tôi là người con duy nhất trong gia đình còn sống sót sau Tết Mậu Thân cũng như sau những ngày mất nước. Nay viết lại những cái chết thương tâm của những người Thân Yêu Trong Gia Đình Tôi với tư cách là một nhân chứng và nạn nhân, để tố cáo Tội Ác của cộng sản, có như thế, oan hồn của ông nội và anh em tôi mới có thể siêu thoát

Tôi sẵn sàng ra làm nhân chứng trước tòa án quốc tế, cũng như xuất hiện trước các phương tiện truyền thông khi cần thiết.

Xin trình ông tên tuổi ông nội tôi, và của ba người anh bị sát hại :

Tên ông nội : Nguyễn Tín, 70 tuổi.

Ba người anh : Nguyễn Xuân Kính, sinh viên y khoa, sinh năm 1942.

Nguyễn Xuân Lộc, sinh viên luật, sinh năm 1946.

Nguyễn Thanh Hải, sinh viên Văn Khoa, sinh năm 1949.

Lê Tuấn Văn, sinh viên Văn Khoa, bạn của anh Hải tôi.

Nguyễn Thị Thái Hòa

Nguồn : Văn Hóa online, 15/01/2018

(1) Nhà thờ Phủ Cam do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và điều khiển xây dựng.

Ngô Viết Thụ (1926–2000), là một kiến trúc sư Việt Nam. Ông đã đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1955, là tác giả công trình kiến trúc hiện đại như Dinh Độc Lập, Viện Hạt nhân Đà Lạt, Nhà thờ chính tòa Phủ Cam... Ông sinh ngày 17 tháng 9 năm 1926, tại tại làng Lang Xá, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông lập gia đình với bà Võ Thị Cơ từ năm 1948, trong khi theo học dự bị kiến trúc tại trường Cao đẳng Kiến trúc tại Đà Lạt. Ông bà có 8 người con, trong đó có một người là Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cũng là một kiến trúc sư tốt nghiệp tại Mỹ (Đại học Berkeley và Đại học Washington) và hiện đang giảng dạy tại Châu Á, và Bắc Mỹ (theo Trần Công Nhung).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn Thị Thái Hòa
Read 1216 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)