Blackpink, bốn cô con gái Hàn Quốc đã làm rung chuyển Hà Nội, để lại nhiều chấn động tâm lý cho các bậc phụ huynh, đặc biệt những bậc phụ huynh đã lớn tuổi, đã trải qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời.
Những fans hâm mộ sẵn sàng bỏ thêm tiền để thuê các loại điện thoại có khả năng phóng to tốt (Ảnh : Nation).
Thực ra các hiện tượng "fans cuồng" đã có nhiều ở các nước phương tây, nhưng các tác động tâm lý với xã hội của họ nhỏ hơn…
Ở nước ta nó là hiện tượng có vẻ là lạ, nhưng thực ra không phải là lạ.
Nhiều phụ huynh chỉ thấy giá của vé đi xem Blackpink đã cảm thấy vô cùng "đau bụng", rồi khi thấy các cháu gào khóc thảm thiết thì lại thấy vô cùng "đau tim".
Tôi biết một số phụ huynh đã thay đổi cả suy nghĩ của mình, tình cảm của mình đối với các con sau vụ này. Họ cho rằng, cả đời họ chắt chiu từng đồng, tạo dựng được một lượng tài sản nhất định cho các con chẳng có ý nghĩa gì cả khi mà các con có thể vung tay mua luôn một cặp vé vài chục triệu đồng. Khi thấy các cháu khóc hơn cha chết thì cha mẹ cũng lại thấy mình chẳng là cái gì. Chúng nó coi thần tượng của chúng hơn chúng mình rồi.
Nói chung thế hệ già trách thế hệ trẻ vô tâm, chạy theo những chuyện nhảm nhí.
Vậy, ở trong xã hội ta thế hệ già có làm những chuyện tương tự không ? Có đấy mà quý vị không biết.
Ông Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội ngày 25/11/1961. Ảnh : hochiminh.vn
Fans chẳng qua là hiện tượng quá ngưỡng mộ một nhân vật nào đó, thần tượng của họ. Các fans khóc lóc thảm thiết vì họ có cảm giác được giao tiếp với thần tượng và cũng để chứng tỏ họ thuộc vào nhóm đó, có thần tượng chung.
Chính bản thân tôi đã từng được tham dự một cuộc họp, ở đó có một ông quan chức "nổi tiếng" đến phát biểu. Thực tế là ông ta là kẻ bất tài, quá già và lẩm cẩm, hoàn toàn không hiểu biết gì về lĩnh vực của chúng tôi. Ông ta toàn nói nhảm, nhưng đám fans ở dưới cứ trầm trồ khen ngợi. Điều đáng lạ là ngày hôm sau, bọn fans này còn tụ tập ở một phòng của cơ quan để nghe lại băng ghi âm của ông ta đã phát biểu hôm trước. Trời ơi. Tôi thấy bọn này giống hệt như mấy cháu khóc lóc thảm thiết ở sân Mỹ Đình.
Ngoài ra, tôi cũng đã từng được xem các video khi một thằng kể toàn những chuyện nhảm nhí về một nhân vật nổi tiếng nào đó, ở bên dưới cũng đầy bọn khóc thút thít. Già hơn nên không khóc to như bọn trẻ kia thôi. Thế rồi chúng ta cũng đã chứng kiến đầy rẫy những bọn làm thơ… ca ngợi các thần tượng của mình, còn thương thần tượng hơn cả cha mẹ của mình…
Hai sự việc mà tôi nêu trên là cùng một hiện tượng, cùng bản chất cả thôi.
Vậy, bọn fans nào nguy hiểm hơn, đáng trách nhiều hơn ? Câu trả lời quá dễ.
Tôi có thể viết rất dài về chuyện này, nhưng thôi, tôi nghĩ các bạn còn nhiều trí tưởng tượng hơn tôi. Các bạn sẽ có nhiều câu trả lời hay hơn tôi và nhiều ý tưởng tuyệt vời hơn. Mong các bạn mở lòng trong phần bình luận.
Đất nước bị đưa vào con đường bế tắc vì đám fans già.
Bây giờ chỉ còn trông chờ vào giới trẻ.
Giời ơi là giời !
Hoàng Quốc Dũng
(03/08/2023)