Trung Quốc mô tả cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ở bang Florida hồi tuần trước là một "thành công lớn". Bài xã luận đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo hôm thứ Hai nói rằng sau một thời gian bất định, hai cường quốc giờ "rõ ràng là đang trên con đường xây dựng hướng tới phát triển mối quan hệ hợp tác song phương". Bài xã luận nói cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không thể trả cái giá đắt nếu hai bên từ bỏ các phương tiện để hợp tác. Thông tín viên Victor Beattie của VOA có bài tường trình chi tiết sau đây :
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, ngày 7/4/2017.
Dù bị phủ bóng bởi cuộc tấn công bằng phi đạn nhắm vào một căn cứ không quân Syria, hai ngày thảo luận tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago cũng tập trung vào cán cân thương mại mất cân bằng giữa hai nước và mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Hàn.
Phát biểu trên chương trình truyền hình ABC’s This Week, Ngoại Trưởng Tillerson nói hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc thảo luận sâu rộng về "tình hình nghiêm trọng tại Bắc Hàn".
Ông Tillerson nói :
"Hai ông đã gặp nhau tay đôi khá lâu để thảo luận vấn đề Bắc Hàn, hai nhà lãnh đạo đề cập tới một loạt sự lựa chọn khác nhau. Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự đồng tình của ông rằng tình hình đã leo thang tới một mức nghiêm trọng mới, và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ để thuyết phục chế độ tại Bình nhưỡng thay đổi quan điểm về nhu cầu tương lai của họ phải có các vũ khí loại này. Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đến lập trường của họ và tái khẳng định điều đó với chúng tôi ở Mar-a-Lago rằng chính sách của Trung Quốc vẫn không thay đổi, đó là một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân".
Ông Tillerson miêu tả các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo là "rất thẳng thắn và cởi mở". Ông nói hai ông Trump và Tập đã đồng ý cùng nhau làm việc để nới rộng các phạm vi hợp tác trong khi xử lý các khác biệt quan điểm dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Dali Yang thuộc Đại học Chicago nói với Thông tín viên Beattie của Đài VOA rằng đây là cuộc gặp quan trọng nhất với một nhà lãnh đạo thế giới từ khi ông Trump lên nhậm chức hồi tháng Giêng 2017, và phần lớn là do tác động của các quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Dali Yang nói :
"Hai nước đã đồng ý thiết lập một cuộc đối thoại sâu rộng trong 4 lĩnh vực chính, đặt quan hệ Mỹ-Trung trên một căn bản toàn diện hơn hướng tới phía trước. Theo tôi thì đó là dấu hiệu cho thấy là bất chấp những lời lẽ cường điệu trong chiến dịch tranh cử và ngay cả những phát biểu trong những ngày đầu của chính quyền Tổng thống Trump, hai bên đã sằn sàng sắn tay lên làm việc để đặt mối quan hệ này trên căn bản các định chế vững chắc hơn. Ngoài ra, khung cảnh của cuộc họp thượng đỉnh cũng rất quan trọng, nhấn mạnh tới tình hữu nghị. Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ cật lực làm việc để ít nhất là giải quyết một số vấn đề để có thể hướng tới phía trước. Cho nên theo tôi đây là một cuộc gặp gỡ tích cực, đã giúp hai bên lánh xa những lời lẽ cường điệu mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua".
Ông Yang nói ông dự kiến hai bên sẽ đi đến một hình thức thoả thuận để hạn chế xuất khẩu tương tự như thoả thuận thương mại mà Nhật Bản đã đã dồng ý trong những năm 1980.
Về vấn đề Bắc Hàn, chuyên gia này nói ông nhận thấy Trung Quốc tỏ ra thông cảm hơn với Hoa Kỳ về những quan ngại liên quan tới chương trình hạt nhân và khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng, so với những dấu hiệu từ các tài liệu của cuộc họp thượng đỉnh.
Ông nói hai bên đã tái khẳng dịnh lập trường về Biển Đông, và ông ghi nhận rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã có vẻ tự kiềm chế hơn từ sau phán quyết năm 2016 của Toà án trọng tài Liên Hiệp Quốc, cho rằng đa số các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông là bất hợp pháp.
Sau khi công khai nói rằng cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ rất khó khăn, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cảnh báo Trung Quốc hãy kiềm chế Triều Tiên nếu không Mỹ sẽ hành động một mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỹ không cần tới Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Trung tuần tháng 3/2017, ông Rex Tillerson đã có chuyến thăm Châu Á đầu tiên với cương vị Ngoại trưởng Mỹ, phát tín hiệu đanh thép đối với Triều Tiên bằng việc tuyên bố "chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc", đồng thời đề xuất tìm kiếm các biện pháp mới về ngoại giao, an ninh và kinh tế để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong một động thái được cho là nhằm đáp trả tuyên bố cứng rắn của phía Mỹ, ngày 21/03/2017, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công một loại động cơ tên lửa đời mới vào hai ngày trước.
Hành động nêu trên của Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ, trở thành một trong những nguyên nhân thúc đẩy Bộ Tài chính Mỹ ban hành lệnh trừng phạt bổ sung đối với 11 cá nhân và 1 công ty Triều Tiên dính líu đến các chương trình vũ khí, ngân hàng và giao dịch hàng hóa của Bình Nhưỡng vào ngày 31/03/2017.
Theo đánh giá của chính quyền Trump và nhiều chuyên gia, chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ sớm đe dọa tới Washington. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà K.T. McFarland từng phát biểu : "Có khả năng thực tế rằng Bình Nhưỡng có thể bắn một quả tên lửa hạt nhân vào Mỹ trong cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump".
Chính vì vậy, "mớ hỗn độn ở Triều Tiên" được thừa kế từ người tiền nhiệm, như cách nói của ông Trump khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time, cần phải được giải quyết theo cách thức mới và ngày 2/04, phát biểu trên tờ Financial Times, ông Trump cảnh báo Trung Quốc hãy kiềm chế Triều Tiên nếu không Mỹ sẽ hành động một mình.
Điều đáng quan tâm là phát biểu này của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, càng khiến dư luận đồn đoán về sự xuất hiện của một động thái bất ngờ nào đó trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình trên cương vị nguyên thủ hai nước.
Cuộc gặp hứa hẹn nhiều bất ngờ
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn được dự đoán là những nội dung được quan tâm hàng đầu trong các cuộc gặp gỡ gần đây giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, qua các lần tiếp xúc song phương có nhiều sự cố bất ngờ gần đây của ông Trump, như buổi tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, thì cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ngạc nhiên không kém, thậm chí kể cả một cái bắt tay cũng sẽ làm báo giới phải tốn giấy mực bàn luận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhắc lại buổi gặp mặt thượng đỉnh đầu tiên ngày 10/2 tại Nhà Trắng, ông Trump đã khiến nhà lãnh đạo nước đồng minh lớn nhất ở Châu Á là ông Abe bị rơi vào tình huống lúng túng. Tân Tổng thống Mỹ đã kéo tay của Thủ tướng Nhật Bản về phía mình, giữ thật chặt và lâu, liên tục giật mạnh và vỗ trong suốt 19 giây. Đây quả là một cách thức ngoại giao hiếm thấy.
Nắm được tình huống này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc gặp ngày 13/2 đã có động tác chủ động để không bị ông Trump giật tay về phía mình. Ông Trudeau đã đặt tay trái lên tay phải của Tổng thống Mỹ để ngăn bị kéo.
Về phần bà Angela Merkel, Thủ tướng nước đồng minh lâu năm ở Châu Âu của Mỹ lại gặp một phen khó xử khi bà bị ông Trump phớt lờ đề nghị bắt tay sau khi kết thúc cuộc gặp tại phòng Bầu dục ngày 17/03. Tổng thống Trump từ chối thực hiện một nghi thức truyền thống vỗn dĩ có trong những buổi hội đàm như vậy. Hành động này của ông Trump đã làm dư luận bóng gió ám chỉ là do mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa ông và bà Thủ tướng Đức, cụ thể là bất đồng trong chính sách đối với người nhập cư và trách nhiệm đóng góp của thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Donald Trump từng công khai chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn, nhập cư của bà Angela Merkel là một "sai lầm thảm họa". Ngược lại, bà Merkel cũng cảnh báo Tổng thống Trump về xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, để chống lại việc nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.
Còn lần đón tiếp ông Tập Cận Bình đã được chính ông Trump nhận định trên Twitter cá nhân là sẽ "rất khó khăn", dù ông đã thực hiện một cuộc điện đàm từ hồi tháng 2 để trấn an quan hệ giữa hai nước cũng như củng cố lập trường ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".
Hoàng Trang
********************
Vấn đề Bắc Hàn và Biển Đông trong cuộc hội kiến Mỹ-Trung (VOA, 03/04/2017)
Những phát biểu cứng rắn nhưng mơ hồ về Bắc Triều Tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này làm dấy lên những đồn đoán rộng rãi rằng ông Trump có thể theo đuổi một sự thay đổi quan trọng về mặt chính sách sẽ dẫn đến một cuộc mà cả quy mô với Bắc Kinh, hoặc bắt đầu một cuộc chiến tranh phủ đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của London hôm Chủ Nhật, ông Trump tuyên bố nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, "thì người Mỹ chúng ta sẽ giải quyết". Ông lưu ý về "ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên" và cảnh báo rằng Bắc Kinh nếu Bắc Kinh không giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn đạt tiến bộ nhanh chóng về khả năng sản xuất hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, thì điều đó "không tốt cho bất cứ ai".
Phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bắc Triều Tiên
Chặn lại chương trình hạt nhân của BắcTriều Tiên và ngăn không cho chính phủ của ông Kim Jong-un sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một vũ khí có khả năng tấn công vào đất liền của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ là một vấn đề chính mà ông Trump và ông Tập sẽ mang ra thảo luận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở bang Florida vào ngày thứ Năm tới đây.
Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng quốc phòng Mattis
Các chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng quốc phòng James Mattis tới thăm khu vực đã giúp Washington trấn an giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, Tokyo và Seoul rằng Washington sẽ tiếp tục đặt vào hàng ưu tiên cao việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực với Bình Nhưỡng, buộc họ phải thay đổi hành vi và từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh.
Ngoài ra, một báo cáo an ninh quốc gia mới đây của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách nhắm mục tiêu vào nhiều ngân hàng và các công ty của Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Ít người nghĩ rằng trong cuộc gặp đầu tiên, ông Trump và ông Tập sẽ đạt được một bước đột phá đáng kể về vấn đề Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh từ lâu không muốn làm bất cứ điều gì gây bất ổn cho chế độ miền Bắc, bởi vì nếu có bất ổn thì hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ vượt qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc.
Một số vấn đề khác cũng được đưa vào nghị trình làm việc của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, chẳng hạn như giảm thiểu các động thái quân sự có tính cách gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh hải, một ưu tiên khác là thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, một vấn đề lớn mà ông Trump đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử.
Một cuộc mà cả lớn
Tuy nhiên xét chính quyền ông Trump luôn nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự lựa chọn sẽ được đưa ra, không loại trừ giải pháp nào, để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, có tin đồn đoán cho rằng ông Trump có thể mưu tìm một thỏa thuận nhiều tầng lớp với ông Tập, sẽ bao gồm các vấn đề thương mại và an ninh khu vực.
Ông Bong Young-shik thuộc Viện Yonsei ở Seoul nhận định :
"Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không".
Ông Bong nói có lẽ Washington sẽ cần một phần nào đó, ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Đài Loan, đồng thời hạn chế bớt những lời chỉ trích nhắm vào thành tích nhân quyền của Trung Quốc, để khích lệ nước này ra hành động quyết liệt hơn chống lại Bắc Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Time, ông Trump nói : "Thương mại là động lực" mà Mỹ sẽ sử dụng trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.
Được hỏi về một "cuộc mặc cả lớn" trong đó Trung Quốc sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng để đổi lấy lời hứa của Mỹ sẽ rút quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên, tờ báo trích lời ông Trump nói rằng : "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ đứng ra giải quyết. Tôi chỉ có thể cho quý vị biết vậy thôi".
Giải pháp quân sự
Những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump và những bình luận của các quan chức trong chính quyền của ông cũng làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Trump có thể ủng hộ giải pháp sử dụng vũ lực để giải quyết các mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Tillerson và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trong chuyến viếng thăm Seoul hồi gần đây, ông Tillerson tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên leo thang "mối đe dọa về chương trình vũ khí của họ đến mức mà chúng tôi tin là cần có hành động quân sự, thì giải pháp đó sẽ được cứu xét".
Ông James Nolt, một nhà phân tích kinh tế chính trị quốc tế thuộc Viện Chính sách Thế giới, lo ngại rằng các giới chức có lập trường diều hâu trong chính quyền Trump có thể cứu xét việc phát động một cuộc tấn công phủ đầu để chặn Bắc Triều Tiên phóng đi một phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), giải pháp quân sự đó được coi là một mố rủi ro có thể chấp nhận được để giữ gìn an ninh của Hoa Kỳ.
Nhà phân tích Nolt nhận định :
"Tôi nghĩ đó là một hành động có khả năng xảy ra bởi vì hành động này không nhất thiết phải giống như chiến tranh. Có thể đó là một phản ứng tương đối hợp lý trước một mối đe doạ, nhưng chắc chắn là nhìn từ quan điểm Bắc Hàn, thì hành động đó có tính cách ‘khiêu khích cao độ’".
Nhiều người tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ không chấm dứt mối đe doạ hạt nhân vì nhiều cơ sở hạt nhân và phi đạn của nước này được giấu trong các hầm bí mật dưới lòng đất.
Và tệ hại hơn, theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công của Mỹ có thể đẩy Trung Quốc và toàn bộ khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, có thể giết chết hàng triệu con người.
**********************
Mỹ ‘sẵn sàng một mình đối phó với Bắc Hàn’ (VOA, 03/04/2017)
Hoa Kỳ chuẩn bị sẵn sàng một mình đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng, nếu Trung Quốc không thể gây áp lực lên Bắc Hàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói như vậy với tờ Financial Times hôm 2/04.
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un và các binh sĩ.
Reuters dẫn lời ông Trump nói với tờ báo tài chính : "Nếu Trung Quốc không thể giải quyết Bắc Hàn, chúng tôi sẽ [làm chuyện đó]. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói lúc này".
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa tuần này ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, và ngoài thương mại và tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông, vấn đề Bắc Hàn dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói với tờ Financial Times : "Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Hàn. Và Trung Quốc có thể quyết định giúp chúng tôi về Bắc Hàn hoặc là họ sẽ không làm vậy".
Theo tờ báo, Phó Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, K.T. McFarland, nói rằng có "khả năng thật sự" về việc Bắc Hàn có thể đánh trúng Hoa Kỳ bằng tên lửa hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ đầu của tỷ phú bất động sản.
Trong khi đó, các chuyên gia tình báo không đồng tình với đánh giá của ông McFarland, nói rằng khả năng đó của Bắc Hàn "nhiều năm nữa" mới đạt được.
Đầu tháng trước, Bình Nhưỡng phóng bốn quả tên lửa đạn đạo để đáp lại cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc mà Bắc Hàn coi là sự chuẩn bị cho chiến tranh.
Bắc Hàn đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và một loạt các vụ phóng tên lửa kể từ đầu năm 2016, theo Reuters.
Washington đã thúc ép Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.
Lãnh đạo cả 2 quốc gia này ngày càng thực dụng và khôn ngoan hơn trong giao dịch. Họ đích thị là những Lã Bất Vi thời hiện đại, có thể tạo ra những thay đổi...
The Independent, Anh quốc ngày 3/04 đưa tin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố, Washington sẵn sàng hành động một mình xử lý vấn đề Triều Tiên nếu Trung Quốc không có lập trường cứng rắn hơn với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thông điệp trước chuyến thăm
Phát biểu này được ông Trump đưa ra chỉ vài ngày trước khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, "Nhà Trắng phương Nam" của ông ở Florida.
Tổng thống Mỹ khẳng định rằng, nước ông có thể "hoàn toàn" xử lý tình huống với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Donald Trump nói với tờ Financial Times :
"Vâng, chúng ta sẽ nói về Bắc Triều Tiên. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn trên bầu trời Bắc Triều Tiên. Trung Quốc sẽ đưa ra một trong hai quyết định : giúp chúng tôi về Bắc Triều Tiên, hoặc họ sẽ không giúp.
Nếu họ làm điều đó, sẽ rất tốt cho Trung Quốc. Nếu họ không làm, nó sẽ không tốt cho bất cứ ai".
Khi được hỏi làm thế nào ông sẽ giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, Donald Trump trả lời :
"Tôi sẽ không để bạn biết. Bạn biết đấy, tôi không phải (Tổng thống của) Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trong quá khứ, nơi chúng tôi nói cho các bạn biết tất cả những gì chúng ta sẽ làm ở Trung Đông".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Mỹ 2 ngày 6, 7/04, ảnh : The New York Times.
Ông chủ Nhà Trắng cũng từ chối giải thích về một thỏa thuận tiềm năng trong đó Mỹ sẽ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sức ép từ Trung Quốc với nước láng giềng Đông Bắc Á :
"Vâng, nếu Trung Quốc sẽ không giải quyết Bắc Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ làm. Đó là tất cả những gì tôi đang nói với các bạn".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng nói trên ABC News rằng, Hoa Kỳ đang gây sức ép lên Trung Quốc để họ có lập trường cứng rắn hơn về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Bà nói :
"Họ cần phải chỉ cho chúng ta thấy họ có liên quan như thế nào. Họ cần phải tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên. Quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên là Trung Quốc, và họ biết điều đó. Trung Quốc có hợp tác".
Donald Trump cũng cho hay, trong cuộc họp giữa ông với ông Tập Cận Bình, một trong các vấn đề có thể được đưa ra thảo luận là tranh chấp phức tạp ở Biển Đông [1].
Bóng dáng Lã Bất Vi trong cách Bắc Kinh chủ động tiếp cận Trump qua phò mã - cố vấn Kushner
The New York Times, Mỹ ngày 2/04 cho biết, Trung Quốc đã chuyển tải các thông điệp của mình đến tai Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua con rể kiêm cố vấn của ông, Jared Kushner.
Chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Tập Cận Bình dưới triều đại Donald Trump nằm trong sự sắp xếp của 2 người, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và con rể - cố vấn của Donald Trump, Jared Kushner.
Vai trò trung tâm của ông Kushner không chỉ phản ánh tính chất đặc biệt của cuộc họp đầu tiên giữa ông Donald Trump với ông Tập Cận bình, mà còn là mối quan hệ Trung - Mỹ trong những tháng đầu tiên của chính quyền Trump.
Phò mã kiêm cố vấn của ông Donald Trump, Jared Kushner, ảnh : democracynow.org.
Trong khi các quan chức Trung Quốc bối rối trước các phát biểu từ Tổng thống Donald Trump, họ cũng tìm thấy một điều khá rõ ràng : trong số những thân tín của Donald Trump ở Washington, phò mã Jared Kushner là người nên biết hơn cả.
Ảnh hưởng của Jared Kushner thể hiện rõ trong việc ông và Thôi Thiên Khải đã thu xếp cuộc điện đàm đầu tiên giữa Donald Trump và Tập Cận Bình.
Trong cuộc điện đàm này, Donald Trump nói ông cam kết sẽ tuân thủ nguyên tắc "một nước Trung Quốc" theo đề nghị của ông Tập Cận Bình. Bây giờ đến lúc Trump muốn có một cái gì đó bù lại từ Trung Nam Hải.
Kể từ cuộc điện đàm này, Thôi Thiên Khải liên tục củng cố quan hệ với gia đình phò mã Jared Kushner. Vào tháng Hai, ông mời Ivanka Trump và con gái của cặp vợ chồng Kushner, Arabella đến Đại sứ quán Trung Quốc đón Tết Đinh Dậu (mùng 6 Tết).
Trump dự định sẽ nhấn mạnh với ông Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của họ.
Tán tỉnh của Trung Nam Hải với phò mã của ông Donald Trump diễn ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nắm toàn quyền hay thế thượng phong trong hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ.
Evan S. Medeiros, một chuyên gia cao cấp về Châu Á trong chính quyền ông Obama bình luận :
"Sau Henry Kissinger, người Trung Quốc luôn say mê tìm kiếm cách liên lạc và duy trì quyền "truy cập" vào Nhà Trắng.
Họ tìm cách xâm nhập gia đình Tổng thống và một số người nào đó được họ xem còn quan trọng hơn cả vương hầu".
Các quan chức Mỹ và các chuyên gia về Trung Quốc cảnh báo rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho chuyến thăm này so với Nhà Trắng, nơi các tham mưu cố vấn hàng đầu cho Tổng thống vẫn đang tranh cãi, làm thế nào để đối phó với Trung Nam Hải.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn thiện hệ thống tổ chức, nhát là vị trí Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á.
Bên trong Nhà Trắng, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Jared Kushner lên chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Khi Hội đồng An ninh quốc gia nhóm họp để thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên, Jared Kushner đã ngồi trong phòng họp Tình huống khi tướng Joshep F. Dunford Jr - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ bước vào.
Thấy không còn ghế trống, tướng Dunford đi về phía hàng ghế dành cho các thành viên ít quan trọng, nơi đã có 2 người ngồi từ trước.
Jared Kushner thấy vậy liền đứng dậy nhường ghế đang ngồi cho tướng Dunford và đi xuống hàng ghế dọc bức tường của phòng họp.
Trong khi các quan chức chính quyền xác nhận rằng, cố vấn Jared Kushner tham gia sâu sắc vào hoạch định quan hệ Mỹ - Trung, Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng đã đưa ra nhiều định hướng chính sách và quyết định cho cuộc họp tại Mar-a-Lago.
Các quan chức Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã cố gắng phát triển mối quan hệ của mình với Tổng thống Donald Trump qua các bữa ăn trưa, ăn tối thường xuyên.
Sự tham gia sâu của phò mã Jared Kushner vào hoạt động hoạch định chính sách quan hệ với Trung Quốc đang dấy lên những câu hỏi xung quanh hoạt động làm ăn của công ty gia đình ông với doanh nghiệp Trung Quốc.
Thứ Tư tuần trước, công ty của gia đình Kushner đã kết thúc đàm phán với Tập đoàn Bảo hiểm An Bang, Trung Quốc về việc đầu tư hàng trăm triệu đô la vào tài sản chủ lực của gia đình Kushner, tòa cao ốc 666 Fifth Avenue ở Manhattan.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Phát biểu mới nhất của Tổng thống Donald Trump về vai trò của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên có thể thấy là một kiểu làm giá quen thuộc của nhà chính khách - doanh nhân này.
Cá nhân người viết cho rằng, The New York Times khá nhạy bén và sâu sắc khi đưa ra nhận định, lần trước ông Donald Trump đã "nhượng bộ" ông Tập Cận Bình trong vấn đề Đài Loan, lần này Trung Nam Hải cũng phải nhớ, có đi có lại mới toại lòng nhau.
Đài Loan cũng đã chính thức lên tiếng bày tỏ lo ngại về những giao dịch có thể xảy ra tại hội nghị Donald Trump - Tập Cận Bình liên quan đến hòn đảo này. Ảnh nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, nguồn : SCMP.
Tuy nhiên, cách thức Trung Nam Hải tiếp cận Donald Trump thông qua phò mã Jared Kushner cho thấy bóng dáng của Lã Bất Vi trong đó, và Donald Trump không nên coi thường.
Vai trò của phò mã Jared Kushner càng trở nên nổi bật khi những người được cho là cứng rắn với Trung Quốc trong đội ngũ giúp việc, hoạch định chiến lược cho Donald Trump lại trở nên im lặng kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng.
Người Trung Quốc vốn giỏi buôn bán, mà đỉnh cao là buôn vua bán chúa như Lã Bất Vi thời Chiến Quốc, không phải dễ bị hớ trong các giao dịch với Hoa Kỳ.
Financial Times, Anh quốc đã từng nhận xét : trong quá khứ, các quốc gia lớn đã từng dùng tiền để mua chuộc bạn bè, nhưng không nước nào có quy mô vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực này [3].
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao năm nay, người Trung Quốc đã thể hiện cho Hoa Kỳ thấy sức mạnh to lớn từ thị trường 1,3 tỉ dân của họ với các doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ.
Theo Financial Review, Australia ngày 26/03, một đội xe limousine lấp lánh thương hiệu Cadillac đen bóng của hãng xe hơi Mỹ General Motors liên tục ra vào nơi tổ chức Diễn đàn Bác Ngao ở Hải Nam, chở các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc và có cảnh sát dẹp đường.
2800 đại biểu dự Diễn đàn Bác Ngao năm nay cũng được nước chủ nhà bố trí đưa đón bằng những chiếc xe sang trọng của hãng General Motors, một nhà tài trợ kim cương của hội nghị Bắc Kinh mệnh danh là Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos của Châu Á.
Trung Quốc là thị trường quốc tế phát triển nhanh nhất của General Motors. Trong năm 2016 số lượng xe Cadillac của General Motors báo vào Trung Quốc đạt mức kỷ lục : 116 ngàn chiếc, tăng 45% so với 2015.
Đà tăng trưởng của mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm nay, với 27 ngàn chiếc Cadillac được bán trong 2 tháng đầu năm 2017, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Đây mới là con số nhỏ nếu so với 24 triệu xe hơi bán ra ở Trung Quốc năm 2016, nhưng với mức tăng trưởng hiện nay, nhiều khả năng năm 2017, General Motors sẽ bán được nhiều xe Cadillac ở Trung Quốc hơn là thị trường Mỹ [4].
Người viết cho rằng, đây là một trong nhiều ví dụ cho thấy, người Trung Quốc hiện nay đã có đủ đòn bẩy để giao dịch với Hoa Kỳ, kể cả về kinh tế lẫn địa chính trị, địa chiến lược.
Do đó, những tuyên bố của Donald Trump khi còn tranh cử, rằng ông có thể tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, áp mức thuế 45% với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có lẽ chỉ là nói cho vui.
Bắc Kinh biết rõ điều này, Washington cũng không thể không thấy.
Ngay cả tuyên bố mới nhất của Trump về Bắc Triều Tiên hay phát biểu của ông lẫn đội ngũ tham mưu cao cấp Nhà Trắng về Biển Đông, Đài Loan... chẳng qua cũng chỉ là một chiêu làm giá trước khi tiếp ông Tập Cận Bình mà thôi.
Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Hoa Kỳ kẻ tám lạng, người nửa cân. Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình không còn là Trung Quốc thời ông Mao Trạch Đông.
Điều này càng đáng lưu ý hơn, khi lãnh đạo cả 2 quốc gia này ngày càng thực dụng và khôn ngoan hơn trong giao dịch.
Họ đích thị là những Lã Bất Vi thời hiện đại, có thể tạo ra những thay đổi khó lường cho cục diện trật tự khu vực và thế giới trong thời kỳ mới.
Do đó rất có thể lợi ích của các nước nhỏ ở Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành những món hàng của hai tay chơi Trung Quốc - Hoa Kỳ trên bàn cờ chiến lược.
Có lẽ đây là một xu thế khó tránh khỏi, và các bên liên quan cần chủ động nghiên cứu tình hình để có những giải pháp phù hợp.
Cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr, hiện là Giám đốc Viện Quan hệ Trung Quốc - Australia ở Đại học Công nghệ Sydney nói với Financial Review, Trung Quốc đã giành được thế thượng phong trong cuộc so găng ý chí với Mỹ ở Biển Đông.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã được dịch chuyển sang sức mạnh chiến lược của họ trên Biển Đông, họ trở thành một sức mạnh mới được thừa nhận ở Đông Nam Á, đấy là lý do tại sao một số nước ASEAN mong muốn Mỹ đóng vai trò cân bằng quyền lực, không rời khỏi khu vực [4].
Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ tại Mar-a-Lago ngày 6 và 7/04 này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Bắc Kinh và Washington, mà ngay cả các nước khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên cho tới 10 nước ASEAN hay Australia cũng đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Bởi biết đâu trên bàn đàm phán chiến lược, Tòa Bạch Ốc và Trung Nam Hải có thể sẽ có những giao dịch trên lưng nước khác, khi vấn đề trao đổi giữa họ là bán đảo Triều Tiên và Biển Đông ?
Nghiên cứu tìm hiểu để có giải pháp phù hợp, thích ứng với thời cuộc và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc thiết nghĩ là điều hết sức cần thiết để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực hay thiệt hại tiềm ẩn từ những cái bắt tay sau hậu trường của những Lã Bất Vi thời hiện đại.
Hồng Thủy
Nguồn : GDVN, 03/04/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.independent.co.uk/news/world/americas/us-politics/donald-trump-latest-china-north-korea-kim-jong-un-us-alone-a7663621.html
[2] https://www.nytimes.com/2017/04/02/us/politics/trump-china-jared-kushner.html ?_r=0&module=ArrowsNav&contentCollection=Politics&action=keypress®ion=FixedLeft&pgtype=article
[3] https://www.ft.com/content/c7d87b62-d85e-11e4-8a68-00144feab7de
[4] http//www.afr.com/brand/chanticleer/us-presidents-threats-on-trade-will-be-trumped-by-commercial-pragmatism-20170326-gv6t6y
Tổng thống Trump : Thượng đỉnh Mỹ-Trung rất quan trọng (RFA, 01/04/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trông chờ ngày gặp Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, gọi thượng đỉnh Mỹ-Trung là "cuộc họp rất quan trọng, thật đặc biệt", cho mối quan hệ song phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida hôm 28/12/2016. AFP photo
Lên tiếng với báo chí chiều hôm qua ở Nhà Trắng, Tổng Thống Hoa Kỳ không nói đến những điểm ông sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng tỏ ý cho thấy chính ông nóng lòng trông chờ kết quả, khi nói là "chúng ta hãy chờ xem những gì xảy ra" trong cuộc thảo luận giữa ông và ông Tập.
Tổng Thống Trump đưa ra phát biểu này khi đón tiếp phái đoàn đại diện Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Hoa Kỳ, dùng cơ hội này để nhắc lại điều ông từng cam kết với cử tri khi vận động tranh cử là sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các công ty Mỹ mở nhà máy hoạt động ngay trong nước để tạo thêm việc làm cho công nhân, thay vì bỏ vốn đầu tư ở nước ngoài.
Qua phát biểu, Tổng Thống Hoa Kỳ cũng nhắc lại nước Mỹ "đang chịu thiệt thòi, việc làm từ Mỹ chạy sang Trung Quốc, Mexico và những nước khác", nên trách nhiệm của ông là phải xây dựng một sân chơi công bình, để tạo việc làm cho công nhân Mỹ.
Một ngày trước đó, Tổng Thống Hoa Kỳ đã dùng trang mạng xã hội Twitter để bày tỏ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, dự báo cuộc thảo luận giữa ông và Chủ Tịch Tập Cận Bình của Hoa Lục là cuộc gặp gỡ "đầy khó khăn".
Ông cũng viết rằng Hoa Kỳ "không thể tiếp tục bị thâm thủng mậu dịch to lớn (với Trung Quốc)" khiến "(công nhân Mỹ) mất việc làm".
Dựa theo đó, các nhà quan sát dự đoán thương mại sẽ là để tài quan trọng nhất của cuộc thượng đỉnh, đồng thời những vấn đề khác cũng sẽ được Tổng Thống Hoa Kỳ nói đến, như căng thẳng tại Biển Đông và tình hình bất ổn đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ diễn ra trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Tư này, tại khu nghỉ dưỡng Mar A Lago của ông Trump ở bang Florida.
**********************
Tổng thống Trump gửi thư cho Chủ tịch Trần Đại Quang (RFA, 01/04/2017)
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Hà Nội hôm 31/3/2017. Courtesy of TTXVN
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gửi một bức thư cho Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, nói rằng Hoa Kỳ muốn thúc đẩy các quan hệ với Việt Nam, và bản thân ông sẽ cân nhắc đến chuyện sang Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đán Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC vào cuối năm nay ở Đà Nẵng.
Bức thư được ông Trump gửi cho ông Trần Đại Quang từ hôm 23/3 nhưng đến hôm nay mới được truyền thông trong nước loan tải, sau khi Chủ tịch Việt Nam đề cập đến nhân buổi tiếp đón Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong thư gửi Chủ tịch Việt Nam "Tổng thống Donald Trump khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng Việt Nam và các nước trong khu vực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế".
Đáp lại, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nhờ Đại sứ Ted Osius gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Donald Trump, nói rằng "lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác duy trì và phát triển quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước".