Bước ngoặt thay đổi cục diện an ninh trên biển Đông
Ngày 14/2/2024 đánh dấu 36 năm Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Trong cuộc tấn công này, Trung Quốc đã thảm sát 64 công binh Việt Nam trên đảo. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc đáng nhớ về lịch sử tranh chấp trên Biển Đông : lần đầu tiên Trung Quốc tiến xuống và hiện diện tại quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma - AMIT / CSIS
Cục diện Biển Đông đã thay đổi ra sao từ sau vụ thảm sát Gạc Ma năm 1988 đối với các công binh Việt Nam ? Sự kiện thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/2024 là sự kiện lớn. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn, thay đổi cục diện biển Đông một cách âm thầm.
Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, cho rằng hiện nay, thế giới tập trung vào nỗi lo ngại Trung Quốc tấn công Đài Loan. Thế giới cũng tập trung vào vào cuộc chiến ở Ukraine và những gì đang diễn ra ở Trung Đông. Trong khi đó, trong những thập kỉ qua, Trung Quốc đã âm thầm thay đổi cán cân quyền lực ở Châu Á mà không bị gặp phải bất kỳ trở ngại hay phản ứng có hiệu quả nào từ phía Mỹ.
Ông Greg Poling nói cho đến khoảng năm 2017 và 2018, tàu Trung Quốc muốn hoạt động ngoài khơi Malaysia hoặc miền Nam Việt Nam phải đi cách bờ biển Trung Quốc từ 800 đến 1.000 hải lý. Nhờ vào nỗ lực xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc và sau đó quân sự hóa các đảo đó ở quần đảo Trường Sa, các tàu Trung Quốc hiện đang tiến gần hơn đến nhiều vùng biển đang tranh chấp ngoài khơi Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Theo ông Greg Poling, bằng việc xây dựng các đảo này ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã đưa tuyến triển khai quân sự của mình tiến lên phía trước hơn một ngàn cây số. Lực lượng quân sự của Trung Quốc đã tiến gần Philippines hơn nước Mỹ. Họ cũng đã tiến đến gần bãi Tư Chính của Việt Nam hơn đất liền Việt Nam. Tức là căn cứ quân sự gần nhất của Trung Quốc nằm gần mỏ dầu khí ở bãi Tư Chính của Việt Nam hơn cả khoảng cách từ đất liền Việt Nam đến đó, vị Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở CSIS chỉ ra tình huống an ninh trên biển Đông ngày nay.
Tất cả những điều này là hoàn toàn xa lạ trước năm 1988, khi Trung Quốc còn chưa hiện diện ở Trường Sa. Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam cần nhìn sự kiện thảm sát Gạc Ma năm 1988 trong bối cảnh rộng hơn về lịch sử nhận thức về biển và tiến ra biển của Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Trung Quốc có một tầm nhìn về biển xa và rộng. Từ hội nghị quốc tế về luật biển năm 1958 thì Trung Quốc đã đề nghị lãnh hải có 12 hải lý. Và sau này thì quốc tế cũng lựa chọn đề xuất của Trung Quốc. Ngòai ra, theo ông Hoàng Việt, Trung Quốc có một kế hoạch phát triển về phía biển từ sớm. Chiến lược này được thể hiện rõ nhất trong đệ trình của tướng hải quân nước này là Lưu Hoa Thanh năm 1982. Ông nói tiếp :
"Nếu muốn trở thành một cường quốc biển thì Trung Quốc phải nắm được biển Đông. Vì biển Đông là cửa ngõ cho Trung Quốc tiến ra biển. Để nắm được biển Đông thì họ phải nắm được Hoàng Sa và Trường Sa, những điểm tựa quan trọng của họ. Hoàng Sa thì họ đã chiếm hoàn toàn từ 1974. Còn Trường Sa thì họ lần đầu tiến xuống vào năm 1988 sau khi đánh chiếm Gạc Ma. Trước 1988 thì Trung Quốc không có sự hiện diện ở Trường Sa. Trung Quốc đã thấy một điều là nếu không có sự hiện diện ở đó thì bất lợi đối với họ. Cho nên họ đã ra tay để chiếm Gạc Ma năm 1988. Và sau đó là một loạt các đảo khác. Năm 1995 thì họ tiếp tục chiếm đá Vành Khăn từ tay Philippines.
Cho đến nay, nhiều chuyên gia đã nói là trước khi Trung Quốc bồi lấp, cải tạo các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là trước 2014, thì họ vẫn đánh giá là Trung Quốc bị yếu về mặt quân sự. Do máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay ra tới Trường Sa thì sẽ bị hết nhiên liệu nếu chiến đấu trên không quá lâu. Quãng đường bay từ đất liền Trung Quốc tới Trường Sa quá xa.
Nhưng đến nay, sau khi họ đã quân sự hóa được Trường Sa thì rõ ràng Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề đó. Họ có khả năng tạo ra một một sự đe dọa rất lớn với Biển Đông".
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng chỉ ra là năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố một vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng không sớm thì muộn, Trung Quốc cũng sẽ công bố một vùng nhận diện phòng không trên biển Đông, đặc biệt là ở những vùng họ kiểm soát được.
Tất cả những chuyển biến lớn về "thế trận" biển Đông như trên đều được bắt đầu từ sau sự kiện Gạc Ma năm 1988. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói về sự kiện xảy ra cách đây 36 năm trên quần đảo Trường Sa :
"Nó đánh dấu một bước Trung Quốc bắt đầu sử dụng vũ lực để tiến ra biển, xuống Trường Sa và chiếm biển Đông. Chúng ta thấy rằng sau sự kiện này thì Trung Quốc không có nhiều hoạt động mạnh trên biển Đông, ngoài sự kiện năm 1992, Trung Quốc cho một công ty Mỹ thăm dò trên bãi Tư Chính mà họ gọi là Vạn An Bắc. Việt Nam đã phản đối quyết liệt và Trung Quốc dừng lại. Sau đó đến những năm 2007 và đặc biệt là 2009 thì chúng ta mới lại chứng kiến một bước phát triển mới trong hành động và chiến lược của Trung Quốc đối với biển Đông".
Nguồn : RFA, 14/03/2024
Vụ thảm sát do lực lượng Trung Quốc nhắm vào các chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam tại Đá Gạc Ma 32 năm trước là một biến cố lớn trong lịch sử Việt Nam. Trong một thời gian dài sự thật lịch sử này không được đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam công khai cho toàn dân. Mãi đến gần đây, thông tin về vụ thảm sát đẫm máu đó mới được truyền thông chính thống Nhà nước loan đi một cách dè dặt.
Hôm 14/3/2016, người dân Hà Nội tưởng niệm 64 tử sĩ Gạc Ma bị Trung Quốc giết hôm 14/3/1988. AFP
Báo chí đưa tin theo chỉ đạo
Những người có mặt trên chiếc HQ-604 thuật lại, vào ngày 14/3/1988, Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam và chiếm đảo. 56 người mãi mãi nằm lại biển khơi ; 8 người được đồng đội mang xác về ; 9 người sống sót.
Báo chí Trung Quốc hàng năm vẫn nhắc lại như một chiến thắng. Còn phía Việt Nam thì im lặng đến mấy chục năm sau mới dè dặt đề cập đến.
Tháng 7/2018, khi cuốn sách "Gạc Ma - vòng tròn bất tử" ra mắt, báo CAND có chụp tấm ảnh ông Võ Văn Thưởng đến thăm gian hàng Trí Việt và mua ủng hộ một cuốn. Cuốn sách này sau đó lại bị ngưng phát hành.
Ngày 12/3/2016, VnExpress đăng một video "Gạc Ma - Trận hải chiến bị lãng quên" với nội dung tóm tắt : "Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền cụm đảo chìm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, với 64 liệt sĩ ngã xuống giữa làn đạn của quân Trung Quốc xâm lược cách đây 28 năm, không được nhiều người biết đến".
Tháng 3/2013, chỉ duy nhất tờ Thanh Niên có bài viết "Ký ức về trận chiến Gạc Ma năm 1988", trong khi Việt Nam có hàng trăm tờ báo chính thống. Phải chăng chính quyền, ban tuyên giáo... đã quên mất sự kiện này ?
Trung tá quân đội Đinh Đức Long khẳng định họ không thể quên và nhấn mạnh đây là vụ quân đội Trung Quốc thảm sát lính hải quân Việt Nam. Ông nói :
"Tôi nhớ rõ tại thời điểm đấy phía Việt Nam có tổ chức một buổi lễ truy điệu rất lớn, và người đứng đầu tỉnh Khánh Hòa nói một câu là "chúng ta khắc cốt khi xương mối thù này". Nghĩa là họ không thể quên được. Đó là điều chắc chắn. Phải nói đây là vụ thảm sát của quân Trung Quốc đối với bộ đội Việt Nam, trên vùng đảo của Việt Nam. Sau đó phía Trung Quốc chiếm trọn đảo đá Gạc Ma. Đây là vụ xâm lược.
Sau Hội nghị Thành Đô thì mọi việc phụ thuộc vào tình hình và ‘thời tiết’ chính trị trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Có những lúc ai lên tiếng về vụ này thì bị cho là ‘phản động’. Công an băt, chặn đường. Có lúc thì họ thấy cần phải nhắc lại. Nó tùy thuộc vào nhu cầu chính trị của giới lãnh đạo Việt Nam".
Ông Đinh Đức Long kết luận, phía chính quyền thấy có lợi thì tổ chức tưởng niệm, báo chí nhắc nhớ. Còn họ thấy không có lợi thì họ im. Việt Nam là như thế. Chính trị đu dây.
Theo những người trong cuộc, chiều 13/3/1988, tàu HQ-604 vừa đến Gạc Ma và bị quân Trung Quốc dùng loa cảnh báo. Anh Dương Văn Dũng, người sống sót sau trận thảm sát, nói rõ lúc ấy Trung Quốc có 3 tàu chiến bao vây con tàu vận tải HQ-604 của hải quân Việt Nam. Anh kể lính Trung Quốc cầm loa thông báo rằng đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu lính Việt Nam rời ngay. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn bám đảo và sáng mai thì phía Trung Quốc tấn công. Anh kể :
"Chúng tôi biết rằng đã bị thua thế và mắc mưu Trung Quốc, cho nên chỉ làm bia đỡ đạn cho địch thôi chứ không biết nói sao. Họ là phía hành động tất cả. Khi họ tràn qua đánh thì chúng tôi biết rằng chỉ có chết thôi chứ làm sao sống được ? Ở đó chỉ có nước và trời, không phải rừng núi, trốn vào đâu được ? Khi hành động là họ vây mình hết rồi, nên mình chỉ có chết thôi. Tất cả các anh em đều bị bắn xối xả hết. Tôi vẫn nhớ kỹ mà. Tôi nhìn rõ hết mà. Dễ sợ lắm".
Người dân tham dự buổi tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam bị thảm sát hôm 14/3/1988. Ảnh chụp hôm 14/3/2013 tại Hà Nội. AFP
Anh Lê Minh Thoa, một người lính sống sót nhớ lại, lính Việt Nam chết gần hết, xác họ trôi lơ lửng, máu tràn lan trên biển, máu của lính từ mạn tàu chảy xuống. Sau này khi anh xem lại đoạn phim về trận hải chiến này do Trung Quốc làm, anh vẫn nhớ như in cảnh tượng kinh hoàng ấy.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vào năm 2018 đã đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trong trận Gạc Ma :
"Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc".
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ với RFA 30 năm sau sự kiện này :
"Trong lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam chưa có trận nào mà hải quân ta chỉ có mấy phút thôi chúng ta chết đến hơn nửa đại đội. Không có chuyện lịch sử Hải quân, lịch sử của các đơn vị chiến đấu bộ binh chỉ trong mấy phút mà tiêu như thế, trừ bom, nó bỏ trúng đội hình đang hành quân hoặc là nó thả trúng đội hình đang đóng quân còn trong đánh nhau ta cũng trong thế chủ động thì không có chuyện đó. Cho nên đó là cái nỗi đau mà nỗi đau này nó âm ỉ và nó sẽ đi với người lính cho tới khi kết thúc sứ mệnh trên cái đất này".
Tuy nỗi đau là thế, nhưng báo chí trong nước chỉ lên tiếng trong hai năm rồi im bặt. Mãi đến những năm sau này mới nhắc lại cầm chừng.
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng viết những bản tin liên quan đến vụ Gạc Ma, kể rằng ngày 20 tháng 12 năm 2008, khi nghe thông tin ngư dân Lý Sơn tình cờ tìm thấy di cốt liệt sĩ trong chiếc tàu đắm ở Gạc Ma, ông đã xác minh qua Trưởng Ban Chính sách Vùng 4 Hải quân, Trưởng Phòng Chính sách Quân chủng Hải quân, thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, rồi viết thành bản tin, gửi Tòa soạn báo Tuổi Trẻ và chia cho phóng viên Nguyễn Đình Quân của Tiền Phong, thường trú Nha Trang. Sau đó, biên tập viên báo Tuổi Trẻ là ông Đặng Đại, cho biết bản tin này "nhạy cảm" nên không thể đăng. Đến ngày 21/12 thì báo Tiền Phong đăng. Sau khi Tiền Phong đăng thì hôm sau, báo Tuổi Trẻ cũng đăng. Nhưng khuya cùng ngày (22/12), thì các bản tin online trên Tuổi Trẻ và Tiền Phong đều bị gỡ.
Trao đổi với RFA tối 13/3/2020, nhà báo Võ Văn Tạo phân tích :
"Nói cho đúng là sau trận đánh đó, báo chí cả nước ồn ào đưa tin suốt hai năm (1988 – 1989). Đến sau Hội Nghị Thành Đô năm 1990 thì câm lặng luôn cho đến sự kiện giàn khoan HD 981 tháng 5 năm 2014 thì mới bắt đầu nhắc lại sự kiện này nhưng cũng chỉ ở mức độ cầm chừng.
Trước vụ giàn khoan là không dám hó hé gì hết. Nói thẳng là như thế. Không báo nào dám đăng. Đăng là chết liền. Đến cột mốc giàn khoan 981 tháng 5 năm 2014, chính quyền Việt Nam mới thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc nên thả cho báo chí tố cáo dần dần".
Hội nghị Thành Đô được tổ chức tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990. Lãnh đạo cao cấp phía Việt Nam có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Phạm Văn Đồng, cố vấn ban chấp hành Trung ương Đảng. Phía bên Trung Quốc là Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện.
Người dân Việt Nam cho đến nay vẫn không biết những nội dung gì được bàn thảo trong hội nghị dù ai cũng cũng biết nó liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 13/03/2020
Cách đây 30 năm vào ngày 14/3/1988 với lực lượng và trang bị áp đảo, Trung Quốc đã tấn công chiếm đóng Gạc Ma, nằm trong quần đảo Trương Sa, vùng lãnh hải thuộc của chủ quyền của Việt Nam. 64 sĩ quan và chiến sĩ hậu cần hải quân Việt Nam đã bị Trung Quốc sát hại, số còn lại bị bắt làm tù binh.
Đây là môt cuộc thảm sát mà giới bạo quyền Bắc Kinh đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam – bọc trần bộ măt giả nhân, giả nghĩa của họ về cái gọi là mối tinh hữu nghị "vừa là đồng chí, vừa là anh em".
Nhân sự kiện Gạc Ma xảy ra cách đây 30 năm, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành, nội dung như sau – Mời quí vị cùng nghe
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 12/03/2018