Bung cửa cho SCB, Vạn Thịnh Phát "lùa gà ăn trái phiếu", Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có thể phủi tay ?
Gió Bấc, RFA, 24/11/2022
Sau vỡ lở của FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam rúng động. Bất động sản giá trị hàng triệu tỉ đồng đang ế ẩm đóng băng. Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng nâng lãi suất nhưng vẫn cạn tiền. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tháng trước còn hứa hẹn ngon lành giờ đổi giọng trách nhiệm trái phiếu là của doanh nghiệp. Những người hưu trí, chị bán rau, anh nông dân… gởi tiền tiết kiệm kiếm lãi bị lừa thành "nhà đầu tư" trái phiếu, trở thành "oan gia trái chủ" có nguy cơ mất cả vốn lời… Liệu chính quyền do dân, vì dân có thể phủi tay để hàng vạn người dân bị móc túi công khai ?
Phía Tân Hoàng Minh đưa ra hàng loạt lý do vướng mắc trong việc huy động tiền để trả nhà đầu tư
Sau khi FLC và Tân Hoàng Minh bị khởi tổ về hành vi thao túng chứng khoán, chia sẻ với báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã làm việc với các nhà phát hành - bên phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. "Họ đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn trái phiếu. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư" (1).
Lời hứa hẹn hết sức trách nhiệm của người cầm chịch chính sách, cơ chế điều hành tài chính quốc gia làm người dân yên tâm. Nhưng mới đây, khi một số lô trái phiếu của An Đông và những công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đáo hạn nhưng không thanh toán cho trái chủ. Hàng ngàn người dân từ Bắc chí Nam kéo đến trụ sở ngân hàng SCB đòi tiền thì Bộ Tài chính đã đổi giọng. Ông Bộ trưởng lấy luật ra nói rất bài bản lạnh lùng để phủi trách nhiệm. Bô giải thích rằng, "trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.
Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình" (2).
Từ lời hứa làm việc với doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, đến nay, khi doanh nghiệp không có tiền để chi trả trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính chỉ thực hiện biện pháp rất nửa vời mang tính an ủi tâm lý là yêu cầu SCB phải tổ chức đón tiếp lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các "nhà đầu tư oan gia khổ chủ". Người dân cần tiền chắt chiu tiết kiệm của họ chứ đâu phải vừa mất tiền vừa mất thêm thời gian đến SCB để phân trần xin xỏ ?
Lập luận của Bộ không sai về lý thuyết nếu giao dịch mua bán trái phiếu là minh bạch, có khuôn khổ chặt chẽ. Người mua, hay được gọi sang trọng là nhà đầu tư được tư vấn đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, cơ hội và rủi ro, có ý thức chủ động tham gia vào cuộc chơi tài chính. Mặc khác họ cũng phải được bên bán hoặc nhà phát hành cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ở đây, do nhà nước mà cụ thể là Bộ Tài chính và Ngân Hàng nhà nước quản lý lỏng lẻo để các ngân hàng cụ thể là SCB lừa những khách hàng gởi tiền tiết kiệm ký vào các hợp đồng mua trái phiếu. Xem như là hình thức gởi tiết kiệm lãi suất cao hơn. Thậm chí hầu hết những người này không biết tên biết mặt, địa chỉ lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Qua các clip ghi nhận các cuộc "tụ tập đông người" đòi tiền ở các trụ sở SCB cho thấy, hầu hết trong số hơn 25.000 khổ chủ của Vạn Thịnh Phát không có ai chủ động mua cổ phiếu hoặc có kiến thức, kỹ năng kinh doanh tài chính. Có người góp nhặt từ lương, từ thu nhập lao động chân tay, có người bán nhà bán đất, có người dùng nguồn tiền đầu tư cho con đi học…Trong cách tư vấn của ngân hàng và trong nhận thức của họ, đây là hình thức "tiết kiệm linh hoạt", "tiết kiệm ưu đãi dành cho khách hàng VIP của SCB. Về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, họ cũng chỉ hiểu và tin tưởng đó là doanh nghiệp cùng tập đoàn với SCB. Không thể đổ lỗi cho việc tư vấn lừa đảo này là sai sót của một vài nhân viên vì từ Nam chí Bắc, tất cả các "Nhà Đầu Tư bất đắc dĩ" này đều cùng bị lừa chung một bài như nhau. Rỏ là ở đây, SCB đã có chủ trương "lùa gà", biến khách hàng của mình thành "oan gia trái chủ".
Sự việc diễn ra nhiều năm, trên diện rộng cả nước, cũng không riêng ngân hàng SCB. Ai đã rộng cửa cho các ngân hàng "lùa gà" ăn trái độc ?
Trong cuộc họp mới đây, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế khẳng định, trách nhiệm về thị trường này chắc chắn thuộc về Bộ Tài chính.
"Trước đây là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Hiện nay, đã sửa bằng Nghị định 65, tôi khẳng định trách nhiệm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn là của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không thể chối bỏ hay đổ cho ai về câu chuyện của thị trường này",
Tán thành quan điểm của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS bày tỏ "kinh ngạc" về sự "vô tổ chức" của thị trường trái phiếu khi nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khẳng định, trên thực tế trái phiếu cho doanh nghiệp phát hành không phát hành được vì "không ai biết doanh nghiệp này là ai". Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đi qua hệ thống ngân hàng.
"Sự lộn xộn nằm ở chỗ, không biết bằng cách nào để cho các đối tượng liên quan nắm được data của những người gửi tiền để chèo kéo khách hàng rút tiền tiết kiệm để mua trái phiếu doanh nghiệp.
Hay nói cách khác, hạ tầng về thông tin trong thông tin cá nhân có vấn đề, và ngân hàng cùng với phía sau là doanh nghiệp phát hành trái phiếu không theo nguyên tắc nào cả.
Ông Thành đặt vấn đề : Bộ Tài chính quy định thế nào, Ngân hàng Nhà nước quy định thế nào mà để cho những doanh nghiệp đó tiếp cận với khách hàng, để khách hàng chuyển tiết kiệm sang mua trái phiếu? Tất cả không có kiểm soát và bây giờ nhìn lại mới thấy các điều kiện còn rất mơ hồ",
Cũng theo Giám đốc VESS, ông theo dõi báo cáo tài chính của SCB thấy rằng, khoản phải thu của ngân hàng này lên tới 30% tổng tài sản, thế nhưng ngân hàng vẫn tồn tại được, vẫn đứng ra phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng tín dụng… "Đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước" (3).
Trên fb cá nhân, nhà báo Mai Bá Kiến chỉ rõ hơn cái sai của Bộ Tài chính "Nghị định 155/2020 chỉ cho phép bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho Nhà đầu tư chuyên nghiệp (pháp nhân hay thể nhân). Nhà đầu tư thể nhân phải nắm giữ đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng mới được xác nhận và có giá trị 3 tháng kể từ ngày xác nhận. Vậy mà, Bộ Tài chính chụp mũ "Nhà đầu tư chuyên nghiệp" lên đầu người gửi tiết kiệm - vốn bị ngân hàng xí gạt…".
Hơn thế nửa, nhà báo Mai Bá Kiếm còn chứng minh sự chậm trễ, lúng túng của Bộ Tài chính khi đã biết sai mà chậm sửa và càng sửa càng sai. Ngày 4/1/2022, tại Quốc hội, bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra các sơ hở của Nghị định 153/2020 để cho các doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mà không có tài sản bảo đảm và vốn phát hành gấp nhiều lần vốn điều lệ.
"Mãi đến tháng 5/2022, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 lần thứ 5 vẫn bị yêu cầu phải nới lỏng. Ngày 16/9/2022, Chính phủ cắn răng ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trước sự kêu khóc thảm thương của các tập đoàn và hiệp hội bất động sản.
Theo Nghị định 65/2022, trái phiếu doanh nghiệp không thể bán cho Nhà đầu tư không chuyên nghiệp, người gửi tiền tiết kiệm khỏi lo bị ngân hàng dụ, nhưng "Nhà đầu tư không chuyên" lỡ mua 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đến hạn nên chuẩn bị khóc tiếng đông lào !" (4).
Vạn Thịnh Phát, SCB chỉ là vết mưng mủ của khối u trái phiếu khổng lồ còn tiềm ẩn. Sự lỏng lẻo, chiều chuộng cho các đại gia bất động sản tay không bắt giặc "lùa gà" gom "tiền trong dân còn nhiều" làm khối u bất động sản ngày càng phình to. Số liệu của FiinRatings cho thấy, tính đến hết tháng 10/2022, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỉ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành có đến trên 1 triệu tỉ đồng (5).
Sau những vụ vỡ lở, Bộ Tài chính, Ngân hàng đã siết tín dụng, phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng đã chậm, tình thế căn bệnh nền kinh tế và tài chính đã chuyển sang hướng khác. Doanh nghiệp bất động sản như con khủng long thiếu máu, sản phẩm tồn ế lên đến hàng trăm ngàn tỉ không tiêu thụ được lại thiếu vốn triển khai dự án mới kêu cứu như cha chết đến nơi. Nhà nước đã cho tiêm liều thuốc cấp cứu là cho nới rộng room tín dụng bất động sản nhưng lòng tin giảm sút người dân chuyển hướng dự trữ sang đô la, vàng. Ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất tiền gởi đến 9% vẫn không huy động được "tiền trong dân còn nhiều".
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng nên dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay ra (6).
Chưa nói đến nguồn vốn cho hoạt động, chỉ riêng số tiền chi trả trái phiếu đến hạn từ nay đến cuối năm đã là trên 61.000 tỉ đồng. Nếu không có liều thuốc này thì e rằng không chỉ ách tắc về kinh tế mà an ninh trật tự xã hội cũng khó thể bình yên.
Một số doanh nghiệp đưa ra giải pháp chửa cháy là thay vì mua lại trái phiếu, thanh toán tiền cho trái chủ, khuyến khích nhà đầu tư đổi sang sản phẩm bất động sản nói theo kiểu dân gian là cấn trừ nợ. Trong đó có những ưu đãi, có tỉ lệ chiết khấu cho nhà đầu tư có lợi hơn khách hàng thông thường.
Theo các chuyên gia, không chỉ Việt Nam, hình thức cấn trừ này cũng thực hiện ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của một số chuyên gia, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án bất động sản mà doanh nghiệp phát hành muốn "đổi hàng". Bởi nếu không, trái chủ có nguy cơ chuyển sang một tài sản rủi ro khác.
Trong báo cáo của FiinRatings cũng lưu ý tới những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn (7).
Nhà báo Mai Bá Kiếm thì cảnh báo nguy khổ chủ có thể đổi vịt trời trái phiếu sang vịt trời bất động sản chưa xây "Trước đây doanh nghiệp từng phát hành trái phiếu để đầu tư bất động sản hình thành trong tương lai. Đến khi đáo nợ, bất động sản vẫn chưa hình thành để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư, trả nợ trái chủ, nên phải chuyển nợ trái phiếu thành bất động sản, tức tài sản hình thành trong kiếp sau.
bất động sản luôn trường tồn trong sự nghiệp móc túi dân. bất động sản muôn năm trong kiếp luân hồi nợ đảo !" (8).
Có nạn nhân đã từng bức xúc tuyên bố trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo SCB "mạng người có thể mất, tiền không thể mất !"
Không thể dùng súng để xử những con gà bị lừa mua trái phiếu như đã làm với cụ Lê Đình Kình. Không thể lấy điều 311 để xử những nạn nhân của đau con xót.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước không thể phủi trách nhiệm trong vụ vỡ nợ trái phiếu khổng lồ này !
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 24/11/2022
1. https://vnexpress.net/bo-truong-tai-chinh-se-giam-sat-de-dam-bao-quyen-l...
5. https://viettimes.vn/fiinratings-ap-luc-trai-phieu-bat-dong-san-giam-dang-ke-post161965.html
6. https://cafef.vn/ngan-hang-nha-nuoc-noi-tran-tin-dung-cung-khong-con-von...
****************************
Nguyên nhân khủng hoảng thị trường trái phiếu từ góc nhìn thể chế và chính sách
Phạm Quý Thọ, RFA, 23/11/2022
Khủng hoảng thị trường trái phiếu là nghiêm trọng, và đang ảnh hưởng đô-mi-nô tiêu cực đến thị trường bất động sản, ngân hàng và niềm tin của nhà đầu tư. Các nhà điều hành "bế tắc" về giải pháp "giải cứu". Mới đây, ngày 18/11, ông Thủ tướng yêu cầu "Nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý…" nhưng Hiệp hội Ngân hàng (NH) cho rằng dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay ra… Ngày 23/11, Bộ Tài chính lại tiếp tục tổ chức họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu với sự chủ trì của ông Bộ trưởng...
Người mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh tập trung yêu cầu Bộ Tài chính giúp đỡ ở Hà Nội hôm 14/11/2022 - Facebook Vấn đề tại THM
Từ góc nhìn thể chế và chính sách, việc thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân khủng hoảng gợi mở với các nhà điều hành rằng cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô trên thành tích tăng trưởng. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu:
Trước hết, nguyên nhân bao trùm là áp lực phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhanh đã thúc đẩy giải ngân và huy động mọi nguồn lực xã hội mà không dựa trên khả năng hấp thụ và đánh giá rủi ro.
Sau đại dịch Covid-19 nhu cầu về khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được coi là mệnh lệnh cho sự điều hành đối với Chính phủ sau khi Đại hội 13 Đảng Cộng sản kết thúc và bộ máy nhà nước được kiện toàn. Hàng loạt các chính sách được công bố và thực thi, hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách được phân bổ cứu trợ người lao động và các doanh nghiệp gặp khó khăn từ đại dịch. Bài học từ "thập kỷ bất ổn kinh tế vĩ mô" cho thấy việc giải ngân, kiểm soát dòng tiền đúng địa chỉ là phức tạp, tăng trưởng nóng đã để lại hậu quả nặng nề.
Trái ngược với tuyên truyền về tiềm năng tăng trưởng cao, các con số 7 -8% năm được dự đoán lạc quan và xuất hiện với tần suất cao trên các phương tiện đại chúng và không khí phấn khích từ nghị trường thì có một dòng chảy "ngầm" nhưng mạnh mẽ. Đó là sự vận hành của các doanh nghiệp tìm kiếm "cơ hội" vươn lên, trong đó phát hành trái phiếu được coi là một kênh huy động vốn quan trọng. Bức tranh phác thảo thực trạng này như sau. Trái phiếu doanh nghiệp đã "bùng nổ" trong hai năm 2020 -2021. Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2021 đạt gần 640.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020, với gần 95% là phát hành riêng lẻ. Ở phía cung, hai nhóm chính là ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản thúc đẩy "sự bùng nổ", tương ứng với hơn 36% và 33,2% tổng khối lượng toàn thị trường. Ở phía cầu, lãi suất cao là lý do chính thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư. Trong năm 2021, hơn 60% lượng phát hành thành công có lãi suất trên 8 - 9% trong khi mức trung bình lãi ngân hàng của năm 2020 chỉ là 5-6% một năm…
Hai là, năng lực tham mưu lúng túng và bị động của các cơ quan chức năng có liên quan đến thị trường trái phiếu, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc ban hành chính sách điều hành thích hợp.
Sự bùng nổ phát hành trái phiếu được thúc đẩy bởi các chính sách có liên quan, trong đó có Nghị định số 153/2020/NĐ-CP năm 2020 về quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều kiện phát hành dễ dãi, thiếu hiểu biết chuyên môn và tư vấn chuyên nghiệp về rủi ro nhưng lại được coi là "thuận tiện" cho các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trong tình hình tài chính thua lỗ, không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản như cổ phiếu hay hình thành trong tương lai vẫn chưa đủ để đảm bảo mức độ an toàn Chẳng hạn, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, năm 2021 trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm ngoái, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn năm lần vốn chủ sở hữu… Trong khi đó các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, vẫn "tham lam" khi được "chào mời" với nhiều chiêu "lách" quy định để mua bán trái phiếu riêng lẻ…
Mặc dù, từ đầu năm 2021 rủi ro được cảnh báo là nghiêm trọng, rằng ‘bom nợ’ có nguy cơ sắp nổ. Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 9/2022 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP mới được ban hành để sửa đổi, bổ sung theo hướng "siết chặt" một số quy định liên quan đến nhà đầu tư trái phiếu của Nghị định số 153 nêu ở trên. Các cơ quan tham mưu có thể đã chịu áp lực trước quan điểm rằng trái phiếu là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, có nguyên nhân về năng lực quản lý, công tác cán bộ lãnh đạo, trong đó tính liên tục kỹ trị bị gián đoạn và "khoảng trống" trách nhiệm trong giai đoạn chuyển giao quyền lực căng thẳng, từ cuối 2020 đến đầu năm 2021, giữa hai nhiệm kỳ Đại hội 12 và 13 của Đảng Cộng sản, trong đó sự thay đổi vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Bộ trưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ 12 "luân chuyển" sang giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 13…
Ba là, thực hiện các giải pháp cực đoan, "phi thị trường" gây ra hiệu ứng và hậu quả tiêu cực, khó lường.
Trong bối cảnh xây dựng Đảng – Nhà nước mạnh, trước áp lực tăng trưởng các nhà điều hành đã chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh mãn tính "duy ý chí" bị kích hoạt bởi việc dựa trên đánh giá có phần chủ quan về rủi ro, và việc nhà điều hành áp dụng các biện pháp phi tài chính mang tính "cực đoan" là hậu quả. Nửa đầu năm 2022 Tập đoàn Tân Hoàng Minh được coi là điển hình xử lý để răn đe bởi những vi phạm trong chào bán trái phiếu riêng lẻ "lòng vòng".
Tuy nhiên, việc chính quyền bắt giữ các "đại gia" không chỉ liên quan đến vi phạm về phát hành trái phiếu mà có thể nhằm đến các mục đích khác, trong đó có cảnh báo sự bành trướng vô chính phủ của tư bản. Cuối tháng 9/2022 bốn lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị truy tố hình sự cũng với tội danh "lừa đảo và chiếm đoạt tiền" của các nhà đầu tư. Liên kết sở hữu chéo của tập đoàn với ngân hàng SCB khiến khách hàng, các nhà đầu tư hoang mang, và ngân hàng này bị "kiểm soát đặc biệt" bởi chính quyền. Đang lan truyền các thuyết âm mưu quanh sau vụ án này, những cái chết bí ẩn, vụ cháy tại tòa nhà của tập đoàn, đồn đoán về thế lực chống lưng, và dường như nó "quá lớn" để sụp đổ. Mới đây, ngày 16/11 khi chủ trì Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng vụ án này mang tính chất "đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có", những quyết tâm "làm".
Thay vì "răn đe" hiệu ứng từ các giải pháp "phi thị trường" đang tác động tiêu cực. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư sụp giảm niềm tin, "biểu tình" yêu cầu giải trình, bán lại trước hạn trái phiếu trước hạn, áp lực đáo hạn hàng trăm nghìn tỷ đồng, các công ty bất động sản đứng trước thách thức thiếu vốn, lãi suất và nợ xấu ngân hàng tăng cao đột biến…
Nhà chức trách đã không ít lần triệu họp khẩn để có giải pháp cấp bách đối với tình hình khó khăn của các ngân hàng, thị trường chứng khoán, bất động sản và trấn an các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc điều hành đang ở tình thế lưỡng nan: tăng trưởng nhanh và giảm nguy cơ rủi ro từ khủng hoảng, và ngoài ra, trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi nên chăng Chính phủ cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô lên trên thành tích tăng trưởng.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 23/11/2022
Kể từ tháng Tư này, giới đầu tư nước ngoài có thể gia nhập thị trường trái phiếu Trung Quốc để kiếm lời khi cho vay bằng đồng Nguyên (CNY-China Yuan). Quyết định ấy của Bắc Kinh sẽ khiến thị trường tín dụng tiến lên tình trạng minh bạch hóa hệ thống tài chính và ngân hàng của Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao….
Gía cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh ngày 23 tháng 3,2018 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, kể từ mùng một tháng Tư, 2019, nhà đầu tư ngoại quốc có thể được đem tiền vào cho vay trong thị trường trái phiếu của Trung Quốc. Hậu quả của quyết định ấy từ phía Bắc Kinh sẽ là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Xưa nay, lãnh đạo Bắc Kinh thường cố duy trì sự ổn định của thị trường tài chính bằng cách bảo vệ cả chủ nợ lẫn khách nợ, là người cho vay và người đi vay. Hậu quả bất lường của việc thị trường trái phiếu được kiểm soát chặt chẽ như vậy lại gây sức ép trên tỷ giá đồng Nguyên khiến các đại gia Trung Quốc lặng lẽ tẩu tán tài sản ra ngoài. Từ năm 2015, Bắc Kinh mới giải tỏa dần việc kiểm soát để giới đầu tư nội địa dễ gia nhập thị trường trái phiếu, là cho vay bằng đồng nội tệ. Bây giờ, họ mới cho phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào một thị trường có trị giá tương đương với 13 ngàn tỷ đô la, là bằng Tổng sản lượng GDP của cả nước. Biến cố này đánh dấu một bước tiến của Bắc Kinh mặc dù thị trường trái phiếu của họ đang bị nhiều vụ vỡ nợ dồn dập. Chúng ta nên tìm hiểu việc này từ nhiều giác độ khác nhau.
Nguyên Lam : Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của hồ sơ trái phiếu nầy.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các doanh nghiệp, của nhà nước hay tư nhân, và bộ máy hành chính của các cấp chính quyền mà cần tiền thì có thể huy động vốn từ nhiều ngả khác nhau, thí dụ như trên thị trường cổ phiếu, như vay mượn ngân hàng và trên thị trường tín dụng, là phát hành trái phiếu hay giấy nợ. Mỗi ngả vay mượn đó lại có điều kiện riêng về lời lãi và rủi ro cho nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu là nơi mà thành phần tham dự có thể phát hành giấy nợ để vay tiền và trả phân lời cao thấp theo kỳ hạn dài ngắn đã định trước. Sau đó, người ta còn có thể buôn đi bán lại các giấy nợ đó căn cứ trên mức độ rủi ro. Đấy là đại thể.
Tại Trung Quốc, thị trường cổ phiếu thật ra còn rất mỏng nếu so với các nước tiên tiến, nên hai ngả tài trợ chủ yếu vẫn là ngân hàng và trái phiếu do nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Trong các nền kinh tế đã phát triển thì người đi vay sẽ trả tiền lời cao hay thấp - gọi là phân lời, tức là khác với lãi suất ngân hàng - căn cứ trên khả năng thanh toán hay mức tín nhiệm của thị trường trong tinh thần lời thì ăn, lỗ thì chịu. Tại Trung Quốc, vì ổn định kinh tế, xã hội và chính trị là ưu tiên, nhà nước vẫn giữ vai trò kiểm soát rất lớn nên mặc nhiên đảm bảo cho hầu hết mọi khoản nợ và gây ra hiện tượng ta gọi là "ỷ thế làm liều" vì sự đảm bảo đó.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung ngày 21 tháng 2,2019. AFP
Nguyên Lam : Và thưa ông, khi lãnh đạo Bắc Kinh đang giải tỏa việc kiểm soát đó thì thị trường trái phiếu này vận hành ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành việc cải cách và khai phóng 40 năm trước, Trung Quốc từng bước áp dụng quy luật thị trường mà khá chậm vì vẫn e ngại biến động thị trường sẽ dẫn tới động loạn xã hội như ta thấy trong vụ tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Do đó, thị trường trái phiếu chỉ phản ảnh sự xoay chuyển của nền kinh tế toàn quốc, kết tinh vào một chỉ số là lãi suất do ngân hàng trung ương ấn định.
Chìm sâu bên dưới có một nhược điểm là người ta ít chú ý đến mức độ tín nhiệm hay khả năng thanh toán của khách nợ là người đi vay, với hậu quả là rủi ro về tín dụng là có thanh khoản trả nợ hay không, là rủi ro về ngoại hối là sai biệt về tỷ giá hay hối suất đồng bạc khi vay và khi trả.
Các thị trường tiên tiến có loại doanh nghiệp chuyên về lượng giá trái phiếu, là giám định và kiểm tra mức tín nhiệm của từng loại trái phiếu. Trung Quốc đi sau nên mới chỉ tập tành thành lập loại công ty đó và đang vừa học vừa làm để có thể khách quan định giá các trái phiếu, cho nên rủi ro trên thị trường này thật ra vẫn còn cao, và người ta vẫn ngầm trông đợi là nếu có gì thì nhà nước vẫn nhảy vào cấp cứu. Nôm na, tín hiệu về rủi ro vẫn còn sai chệch mà chính nhà nước Bắc Kinh cũng chưa nắm vững.
Nguyên Lam : Bây giờ, khi lãnh đạo Bắc Kinh cho giới đầu tư nước ngoài tham dự vào thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc thì tình hình sẽ có cải tiến hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng đây là con dao hai lưỡi.
Trước hết, vì sức ép của Hoa Kỳ trong trận thương chiến đa diện và thật ra vẫn chưa hề nguôi, Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ đang cải cách theo hướng cởi mở mặc dù đà tăng trưởng không còn ngoạn mục như xưa. Cái hướng cởi mở đó là hết phân biệt doanh nghiệp ngoại quốc và doanh nghiệp nội địa để có sân chơi bình đẳng như phía Hoa Kỳ và các nước yêu cầu. Thứ hai là uy tín hay thế giá vì từ nay, trong các chỉ số toàn cầu sẽ có chỉ số về trái phiếu của Trung Quốc như một xứ văn minh tiên tiến. Thứ ba, sau khi cho giới đầu tư ngoại quốc đem tiền vào thị trường trái phiếu, Bắc Kinh mong các doanh nghiệp đầu tư này, trước tiên là các đại gia quốc tế như Morgan Stanley, Deutsche Bank hay Hong Kong & Shanghai Bank… sẽ phần nào chia xẻ rủi ro trong một thị trường còn có quá nhiều vấn đề. Thứ tư là do lòng tham, giới đầu tư quốc tế sẽ đem nhiều tiền hơn là vài trăm tỷ vào một thị trường trị giá tương đương với 13 ngàn tỷ đô la….
Nguyên Lam : Nhưng vì sao ông lại gọi đây là "con dao hai lưỡi" ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đừng quên về bản chất, Trung Quốc vẫn là một xã hội khép kín, với thông tin bị kiểm soát và thanh lọc dưới một chế độ toản trị. Kể từ nay, với sự gia nhập của các ngân hàng quốc tế có cả trăm chuyên gia được quyền hiện diện, sục sạo tìm kiếm tin tức và còn phát biểu cho các thân chủ về hy vọng sinh lời, thậm chí về những sai lầm trong chính sách của Bắc Kinh, thì chính họ sẽ là "tai mắt của thị trường", là nguồn tin đáng chú ý và tin cậy !...
Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể từ thời sự. Thứ Tư tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vừa thông báo quyết định không tăng lãi suất cơ bản suốt năm nay và có thể chỉ tăng một lần vào năm tới, lập tức thị trường trái phiếu Mỹ phản ứng làm phân lời trái phiếu có kỳ hạn 10 năm sụt còn thấp hơn phân lời trái phiếu có kỳ hạn ba tháng khiến thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ tuột giá ngày Thứ Sáu vì người ta e ngại nạn suy trầm kinh tế. Tại Trung Quốc, viễn ảnh tăng trưởng thiếu khả quan đang là vấn đề cho lãnh đạo, nếu giới đầu tư quốc tế lại tri hô về rủi ro trong gánh nợ quá lớn thì toàn bộ hệ thống tài chính và ngân hàng dễ bị chấn thương.
Ngoài ra, sau khi được phép đem tiền vào làm ăn, các đại gia quốc tế sẽ yêu cầu nhà nước Bắc Kinh giải quyết một số vấn đề như cung cấp thông tin về trị trường, tiến hành nhanh gọn thủ tục đăng ký kinh doanh và chấp nhận một số nghiệp vụ trước đây không có, như đầu tư vào cả hai ngả theo kiểu "đối xung" để bớt rủi ro.
Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng là từ nay Bắc Kinh phải nghe tiếng nói của thị trường và không thể tự quyết định về mức phí tổn hay rủi ro của việc đi vay và nhất là điều hướng nguồn tiền từ khu vực này qua khu vực khác, hay ngấm ngầm nâng đỡ các xí nghiệp quốc doanh khi họ cần tiền ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chỉ quanh quẩn trong ao tù, ta khó bắt được cá lớn, nên Bắc Kinh muốn bơi ra đại dương. Về an ninh quân sự thì có vẻ dễ vì chỉ cần chiếm đóng và cưỡng đoạt chủ quyền của các xứ khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng trên đại dương bát ngát của kinh tế toàn cầu thì quy luật tự do thị trường sẽ chi phối phân lời, tỷ giá đồng bạc lẫn luồng vận chuyển tư bản.
Các tài công Bắc Kinh của con thuyền kinh tế sẽ phải tìm hải đồ và kim chỉ nam khác, dưới sự giám sát đáng ghét của giới đầu tư quốc tế. Các nước tư bản tiên tiến đều đã quen với quy luật ngặt nghèo đó, Bắc Kinh thì chỉ mới học mà thôi !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 03/04/2019