Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2019

Thị trường trái phiếu Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa

Kể từ tháng Tư này, giới đầu tư nước ngoài có thể gia nhập thị trường trái phiếu Trung Quốc để kiếm lời khi cho vay bằng đồng Nguyên (CNY-China Yuan). Quyết định ấy của Bắc Kinh sẽ khiến thị trường tín dụng tiến lên tình trạng minh bạch hóa hệ thống tài chính và ngân hàng của Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao….

stock1

Gía cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh ngày 23 tháng 3,2018 - AFP

Gia nhập thị trường trái phiếu

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, kể từ mùng một tháng Tư, 2019, nhà đầu tư ngoại quốc có thể được đem tiền vào cho vay trong thị trường trái phiếu của Trung Quốc. Hậu quả của quyết định ấy từ phía Bắc Kinh sẽ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Xưa nay, lãnh đạo Bắc Kinh thường cố duy trì sự ổn định của thị trường tài chính bằng cách bảo vệ cả chủ nợ lẫn khách nợ, là người cho vay và người đi vay. Hậu quả bất lường của việc thị trường trái phiếu được kiểm soát chặt chẽ như vậy lại gây sức ép trên tỷ giá đồng Nguyên khiến các đại gia Trung Quốc lặng lẽ tẩu tán tài sản ra ngoài. Từ năm 2015, Bắc Kinh mới giải tỏa dần việc kiểm soát để giới đầu tư nội địa dễ gia nhập thị trường trái phiếu, là cho vay bằng đồng nội tệ. Bây giờ, họ mới cho phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào một thị trường có trị giá tương đương với 13 ngàn tỷ đô la, là bằng Tổng sản lượng GDP của cả nước. Biến cố này đánh dấu một bước tiến của Bắc Kinh mặc dù thị trường trái phiếu của họ đang bị nhiều vụ vỡ nợ dồn dập. Chúng ta nên tìm hiểu việc này từ nhiều giác độ khác nhau.

Nguyên Lam : Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của hồ sơ trái phiếu nầy.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các doanh nghiệp, của nhà nước hay tư nhân, và bộ máy hành chính của các cấp chính quyền mà cần tiền thì có thể huy động vốn từ nhiều ngả khác nhau, thí dụ như trên thị trường cổ phiếu, như vay mượn ngân hàng và trên thị trường tín dụng, là phát hành trái phiếu hay giấy nợ. Mỗi ngả vay mượn đó lại có điều kiện riêng về lời lãi và rủi ro cho nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu là nơi mà thành phần tham dự có thể phát hành giấy nợ để vay tiền và trả phân lời cao thấp theo kỳ hạn dài ngắn đã định trước. Sau đó, người ta còn có thể buôn đi bán lại các giấy nợ đó căn cứ trên mức độ rủi ro. Đấy là đại thể.

Tại Trung Quốc, thị trường cổ phiếu thật ra còn rất mỏng nếu so với các nước tiên tiến, nên hai ngả tài trợ chủ yếu vẫn là ngân hàng và trái phiếu do nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Trong các nền kinh tế đã phát triển thì người đi vay sẽ trả tiền lời cao hay thấp - gọi là phân lời, tức là khác với lãi suất ngân hàng - căn cứ trên khả năng thanh toán hay mức tín nhiệm của thị trường trong tinh thần lời thì ăn, lỗ thì chịu. Tại Trung Quốc, vì ổn định kinh tế, xã hội và chính trị là ưu tiên, nhà nước vẫn giữ vai trò kiểm soát rất lớn nên mặc nhiên đảm bảo cho hầu hết mọi khoản nợ và gây ra hiện tượng ta gọi là "ỷ thế làm liều" vì sự đảm bảo đó.

stock2

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung ngày 21 tháng 2,2019. AFP

Nguyên Lam : Và thưa ông, khi lãnh đạo Bắc Kinh đang giải tỏa việc kiểm soát đó thì thị trường trái phiếu này vận hành ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành việc cải cách và khai phóng 40 năm trước, Trung Quốc từng bước áp dụng quy luật thị trường mà khá chậm vì vẫn e ngại biến động thị trường sẽ dẫn tới động loạn xã hội như ta thấy trong vụ tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Do đó, thị trường trái phiếu chỉ phản ảnh sự xoay chuyển của nền kinh tế toàn quốc, kết tinh vào một chỉ số là lãi suất do ngân hàng trung ương ấn định.

Chìm sâu bên dưới có một nhược điểm là người ta ít chú ý đến mức độ tín nhiệm hay khả năng thanh toán của khách nợ là người đi vay, với hậu quả là rủi ro về tín dụng là có thanh khoản trả nợ hay không, là rủi ro về ngoại hối là sai biệt về tỷ giá hay hối suất đồng bạc khi vay và khi trả.

Các thị trường tiên tiến có loại doanh nghiệp chuyên về lượng giá trái phiếu, là giám định và kiểm tra mức tín nhiệm của từng loại trái phiếu. Trung Quốc đi sau nên mới chỉ tập tành thành lập loại công ty đó và đang vừa học vừa làm để có thể khách quan định giá các trái phiếu, cho nên rủi ro trên thị trường này thật ra vẫn còn cao, và người ta vẫn ngầm trông đợi là nếu có gì thì nhà nước vẫn nhảy vào cấp cứu. Nôm na, tín hiệu về rủi ro vẫn còn sai chệch mà chính nhà nước Bắc Kinh cũng chưa nắm vững.

Con dao hai lưỡi

Nguyên Lam : Bây giờ, khi lãnh đạo Bắc Kinh cho giới đầu tư nước ngoài tham dự vào thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc thì tình hình sẽ có cải tiến hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng đây là con dao hai lưỡi.

Trước hết, vì sức ép của Hoa Kỳ trong trận thương chiến đa diện và thật ra vẫn chưa hề nguôi, Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ đang cải cách theo hướng cởi mở mặc dù đà tăng trưởng không còn ngoạn mục như xưa. Cái hướng cởi mở đó là hết phân biệt doanh nghiệp ngoại quốc và doanh nghiệp nội địa để có sân chơi bình đẳng như phía Hoa Kỳ và các nước yêu cầu. Thứ hai là uy tín hay thế giá vì từ nay, trong các chỉ số toàn cầu sẽ có chỉ số về trái phiếu của Trung Quốc như một xứ văn minh tiên tiến. Thứ ba, sau khi cho giới đầu tư ngoại quốc đem tiền vào thị trường trái phiếu, Bắc Kinh mong các doanh nghiệp đầu tư này, trước tiên là các đại gia quốc tế như Morgan Stanley, Deutsche Bank hay Hong Kong & Shanghai Bank… sẽ phần nào chia xẻ rủi ro trong một thị trường còn có quá nhiều vấn đề. Thứ tư là do lòng tham, giới đầu tư quốc tế sẽ đem nhiều tiền hơn là vài trăm tỷ vào một thị trường trị giá tương đương với 13 ngàn tỷ đô la….

Nguyên Lam : Nhưng vì sao ông lại gọi đây là "con dao hai lưỡi" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đừng quên về bản chất, Trung Quốc vẫn là một xã hội khép kín, với thông tin bị kiểm soát và thanh lọc dưới một chế độ toản trị. Kể từ nay, với sự gia nhập của các ngân hàng quốc tế có cả trăm chuyên gia được quyền hiện diện, sục sạo tìm kiếm tin tức và còn phát biểu cho các thân chủ về hy vọng sinh lời, thậm chí về những sai lầm trong chính sách của Bắc Kinh, thì chính họ sẽ là "tai mắt của thị trường", là nguồn tin đáng chú ý và tin cậy !...

Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể từ thời sự. Thứ Tư tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vừa thông báo quyết định không tăng lãi suất cơ bản suốt năm nay và có thể chỉ tăng một lần vào năm tới, lập tức thị trường trái phiếu Mỹ phản ứng làm phân lời trái phiếu có kỳ hạn 10 năm sụt còn thấp hơn phân lời trái phiếu có kỳ hạn ba tháng khiến thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ tuột giá ngày Thứ Sáu vì người ta e ngại nạn suy trầm kinh tế. Tại Trung Quốc, viễn ảnh tăng trưởng thiếu khả quan đang là vấn đề cho lãnh đạo, nếu giới đầu tư quốc tế lại tri hô về rủi ro trong gánh nợ quá lớn thì toàn bộ hệ thống tài chính và ngân hàng dễ bị chấn thương.

Ngoài ra, sau khi được phép đem tiền vào làm ăn, các đại gia quốc tế sẽ yêu cầu nhà nước Bắc Kinh giải quyết một số vấn đề như cung cấp thông tin về trị trường, tiến hành nhanh gọn thủ tục đăng ký kinh doanh và chấp nhận một số nghiệp vụ trước đây không có, như đầu tư vào cả hai ngả theo kiểu "đối xung" để bớt rủi ro.

Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng là từ nay Bắc Kinh phải nghe tiếng nói của thị trường và không thể tự quyết định về mức phí tổn hay rủi ro của việc đi vay và nhất là điều hướng nguồn tiền từ khu vực này qua khu vực khác, hay ngấm ngầm nâng đỡ các xí nghiệp quốc doanh khi họ cần tiền ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chỉ quanh quẩn trong ao tù, ta khó bắt được cá lớn, nên Bắc Kinh muốn bơi ra đại dương. Về an ninh quân sự thì có vẻ dễ vì chỉ cần chiếm đóng và cưỡng đoạt chủ quyền của các xứ khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng trên đại dương bát ngát của kinh tế toàn cầu thì quy luật tự do thị trường sẽ chi phối phân lời, tỷ giá đồng bạc lẫn luồng vận chuyển tư bản.

Các tài công Bắc Kinh của con thuyền kinh tế sẽ phải tìm hải đồ và kim chỉ nam khác, dưới sự giám sát đáng ghét của giới đầu tư quốc tế. Các nước tư bản tiên tiến đều đã quen với quy luật ngặt nghèo đó, Bắc Kinh thì chỉ mới học mà thôi !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 03/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 507 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)