Hiền Vương, VNTB, 06/11/2020
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, hôm 3/11 nói rằng "rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung" trong 30 năm phát triển và cho biết cần phải "phục hồi từng bước".
Giờ là tháng 11/2020, nghĩa là sắp sang năm thứ 47 kể từ ngày người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào 29/3/1973. Trên thực tế thì việc ‘rải chất khai hoang’ của lính Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc trong năm 1971.
Như vậy con số tính toán gọi là "trong 30 năm phát triển" mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu ra cho ‘đổ thừa’ về việc 2 triệu ha rừng ở miền Trung bị hủy hoại vì Mỹ rải chất độc hóa học, là không thuyết phục.
Theo bài viết "Một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người" đăng trên cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam ngày 13/5/2016, có đoạn viết như sau :
"Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái : Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm ; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau" (1).
Dường như khi ‘đổ thừa’ vào người Mỹ trong chuyện hủy diệt rừng miền Trung, ông bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quên mất khoản tài trợ hàng chục triệu Mỹ kim được chính phủ Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam để giải quyết những hệ lụy liên quan chất độc khai quang. Tài liệu có tên "Bản tuyên bố và chương trình hành động – Nhóm đối thoại Việt – Mỹ về chất độc da cam/dioxin 2010 -2019" đã mô tả chi tiết về từng gói tiền chục triệu cùng các cam kết từ chính phủ Việt Nam, trong đó có phần trồng lại rừng bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Nếu lời ‘đổ thừa’ của ông bộ trưởng Cường là đúng sự thật, thì cần làm rõ về số tiền bạc chục triệu Mỹ kim đó suốt cả chục năm qua đã sử dụng có đúng mục đích hay không ?
Một tài liệu khác có tên "Đánh giá cơ hội phục hồi cảnh quan rừng Quảng Trị, Việt Nam" do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị thực hiện, có nhận xét như sau (trích) :
"Bốn yếu tố được xác định là tối quan trọng cho phục hồi cảnh quan rừng thành công là : 1) sự tích cực của các bên tham gia chủ chốt ; 2) năng lực và nguồn lực để thực hiện ; 3) chính sách hỗ trợ và thực thi ; và 4) khả năng tiếp cận thị trường và các chuỗi giá trị. Tại Việt Nam, những nhân tố này vừa hỗ trợ lại vừa là rào cản đối với phục hồi cảnh quan rừng.
Ví dụ, sự đảm bảo về quyền sử dụng đất sẽ khuyến khích người nông dân đầu tư vào các loài cây gỗ có giá trị cao hơn. Nhưng nhu cầu cần có thu nhập ngắn hạn buộc người nông dân phải phụ thuộc vào việc trồng keo ngắn ngày để lấy gỗ dăm có giá trị thấp. Tương tự, việc đóng cửa rừng thường có xu hướng tạo ra khai thác không bền vững, người dân chỉ khai thác nhanh thay cho việc khai thác rừng tự nhiên một cách bền vững để mang lại lợi nhuận cao như cách các dự án của KfW đã chứng minh.
Một vấn đề cụ thể ở Quảng Trị là các mô hình trồng keo để phục hồi rừng đã rất thành công từ những năm 1980. Điều này giúp tăng độ che phủ rừng và phủ xanh đất trống. Tuy nhiên, việc trồng đơn loài trên quy mô lớn dẫn đến nguy cơ dễ bị sâu bệnh, làm suy giảm chất lượng rừng trồng và rủi ro thị trường lớn.
Việc cả ngành lâm nghiệp gần như chỉ tập trung vào phát triển keo, từ nghiên cứu đến khuyến lâm và thị trường, trở nên "keo hóa", điều này hạn chế tầm nhìn của tỉnh để có thể nâng cao chuỗi giá trị bằng cách đầu tư vào rừng gỗ lớn (chu kỳ khai thác dài hơn) và trồng rừng bằng các loài cây gỗ bản địa. Nhưng ngay cả trồng rừng bằng các loài bản địa, thì hiện tại cũng còn rất thiếu năng lực và công nghệ kỹ thuật để sản xuất giống cây có chất lượng cao, kỹ thuật lâm sinh (ngoài "trồng và chặt") tại địa phương còn yếu hay chưa có chứng nhận chất lượng giống.
Ở tầm quốc gia, độ che phủ rừng trên thực tế là đã tăng, nhưng hầu hết là do tăng diện tích rừng trồng với các loài cây mọc nhanh nhập ngoại, nhất là cây keo. Trong thời gian 2005 và 2015, Quảng Trị đã mất 35.000 ha rừng tự nhiên, nhưng được bù đắp bởi việc trồng 57.00 ha nên diện tích rừng vẫn tăng 22.000 ha. Các diện tích rừng trồng này có giá trị đa dạng sinh học rất thấp và trong trường hợp ở Quảng Trị, nó làm cho đất lâm nghiệp bị đối mặt với nguy cơ xói mòn cao hơn do chu kỳ khai thác ngắn. Việc chuyển ưu tiên từ số lượng sang chất lượng đòi hỏi có những cải cách ở các cấp cao nhất" (3).
Trở lại với phát biểu ở nghị trường của bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) khi lý giải về thiên tai, có ý kiến giải thích do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở. Tuy nhiên, lý giải đó chưa đủ, khi trong thời gian qua chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn.
"Nhìn vào mưa lũ và hậu quả ở miền Trung vừa qua, chúng ta càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào", ông Thắng nêu ý kiến.
Từ thực tế, ông cho biết những năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng ồ ạt, cùng với việc phát triển phục vụ sinh kế khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Đặc biệt, độ che phủ rừng hàng năm tuy tăng, vẫn không thể chống chọi được với thiên tai. "Lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ngoài lý do địa chất còn do nằm ở khu vực đồi núi trọc. Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên lũ đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn", ông Thắng phân tích.
Theo thống kê của Tổng cục lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là hơn 11% và 89% là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 05/11/2020
Chú thích :
(1)https://www.quangnam.gov.vn/CMSPages/BaiViet/Default.aspx?IDBaiViet=20052
(2)https://assets.aspeninstitute.org/content/uploads/2016/06/2012-5-30DialogueGroup2ndYearReportwithFocusonUSAIDComprehensivePlan-VN.pdf
(3)https://www.iucn.org/sites/dev/files/content/documents/2018/tom_tat_tieng_viet_-_quang_tri_roam_assessment-28.5docx.pdf
**************************
Chọn lựa giữa chế độ hay đất nước
Hoàng Hoành Sơn, VOA 05/11/2020
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong một phiên họp chính phủ thường kỳ cuối tháng 10, đã nói : "Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều - đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết "Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước". Ông phó thủ tướng còn nói thêm : "cần thông tin chính xác nguyên nhân của mưa lũ, không thể đổ lỗi cho thủy điện… Ở đây, đổ lỗi cho chính phủ, chính quyền là không khách quan" (1).
Một cảnh sạt lở ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh minh họa
Đang khi phó thủ tướng né mọi trách nhiệm và chụp mũ mọi dị tượng thời tiết là do quy luật đất trời thì ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu quốc hội, lại có phát biểu ngược lại : "Bão thì năm nào cũng có nhưng tại sao bão năm nay lại cứ nặng nề hơn năm trước, mức nước lụt trên tường nhà mỗi đợt bão về lại ngày càng cao hơn. Đây là hậu quả của việc chúng ta đã "tấn công" vào mẹ trái đất, tấn công vào những ngọn núi con sông, cánh rừng... Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào vậy nên nước mới lúc khô lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương" (2).
Ông đại biểu này cho biết thêm :Philippines là quốc gia chịu bão nhiều nhất Đông Nam Á nên chúng ta có thể học rất nhiều từ phía bạn. Họ giữ rừng, giữ những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình vì họ biết đây chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Siêu bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philippines đã hạ cấp độ nguy hiểm là ví dụ rõ ràng nhất.
Vùng đất miền Trung cũng có ngay câu trả lời cho ông phó thủ tướng Việt Nam : Báo Công an nhân dân cho biết : lúc 8g56, 9g, 14g và 13g ngày 14/10, tại khu vực huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi lại tiếp tục xảy ra 4 trận trận động đất có độ lớn lần lượt là 3.3, 3.4, 3.3 và 2.8, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km (3).
Báo Vnexpress cho biết, chỉ trong tháng 10, miền Trung đã có 15 vụ lở núi nghiêm trọng khiến 83 người chết và 32 người mất tích (4). Hoặc như trang báo Tuổi Trẻ tường thuật tình hình mưa lũ miền Trung riêng tháng 10 đã cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí báo này còn có bài "xả lũ khiến nhà dân tan hoang, thủy điện Đắk Mi 4 phải chịu trách nhiệm" (5).
Vậy mà những người đứng đầu nhà nước Việt Nam vẫn thản nhiên đổ mọi thiên tai nhân họa là "quy luật trời đất", để rồi huề cả làng chăng ?
Hẳn chúng ta còn nhớ trong đợt mưa lũ nghiêm trọng ở Trung Quốc vừa qua. Những kẻ cầm quyền trung cộng đã ra lệnhnổ phá đê An Huy, Phụ Dương, Phụ Nam và Vương Gia Bá để nước chảy ồ ạt về vùng trũng mặc cho 4 làng và thị trấn ở hạ lưu ra sao thì ra. Sau đó, báo Trung Quốc ca ngợi rằng 200.000 người dân dưới hạ lưu đã "hy sinh vì đại cục" mà không nhắc gì đến những đền bù cho tổn thất kinh tế to lớn của họ cũng như sinh mạng bao người dân vô tội chết oan uổng (6).
Phải chăng nhà nước Việt Nam đang học lóm chiêu bài đó củaTrung Quốc hầu phủi tay đổ mọi trách nhiệm cho trời rồi để mặc dân tự lo ? Và sự lựa chọn giữa chế độ hay đất nước của những kẻ cầm quyền tại Việt Nam đã hiển lộ rõ ràng. Khi cần vẫn dùng dân hy sinh cho đại cục, bắt dân làm con tin để duy trì chế độ, chẳng hề có chuyện dân là gốc chuối, gốc mít nào cả. Nhà nước Việt Nam hiện nay chỉ là công cụ phục vụ lợi ích cho đảng cộng sản Việt Nam, không có chuyện phục vụ hoặc là công bộc của nhân dân gì cả.
Cứ trông vào những phát biểu vô tư và vô căn cứ của những người đứng đầu ban – bộ - ngành ở Việt Nam sẽ rõ. Chẳng hạn bộ trưởng bộ Công thương, Trần Tuấn Anh, phát biểu ngây ngô đại thể : "…cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện" (7).
Thế thưa ông bộ trưởng, làm thế nào để vận chuyển máy móc cơ giới hạng nặng từ ngoài rừng đến điểm làm thủy điện ? Chỉ riêng việc mở đường từ bìa rừng lên đến thủy điện đã phá hằng hà sa số ha rừng tự nhiên, chưa nói gì đến ngay địa điểm làm thủy điện. Ông xem dân là con nít hay sao ? Hoặc là ông nói đúng, bởi lẽ còn rừng tự nhiên đâu mà phá cho đủ 1m2 ! Hay các nhà thầu xây thủy điện cánh hẩu đã tuân thủ đúng lời ông bộ trưởng là "nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên" sẽ bị loại, nên họ phá hơn 1m2, nghĩa là phá nguyên cánh rừng chăng ?
Dĩ nhiên, thủy điện không làm ra lũ, nhưng nó giúp lũ tàn phá vùng hạ lưu nặng nề hơn cả lũ tự nhiên. Điều đó hẳn nhiên ông bộ trưởng công thương không hề biết đến ; do có bao giờ ông quá bộ đến vùng hạ lưu nghèo mạt miền Trung. Ông cứ ngồi trực thăng bay lên chót vót rừng đầu nguồn nhìn xuống, mà đinh ninh không có thằng dân nào có thể lọt đến các thủy điện xa tít tắp mù do ông cấp phép xây dựng. Vâng, dân chỉ lên Google Earth là thấy ngay vùng xám vùng xanh để biết được rừng quốc gia còn hay mất đấy ông ạ.
Lý sự loại trừ thủy điện "nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên" tự thân nó nêu lên cái sự độc quyền chân lý do đảng và nhà nước nắm giữ. Vì thế, các ngài phó thủ tướng và bộ trưởng tha hồ phát biểu lèo lái dư luận như vừa kể trên.
Độc quyền là con đẻ của hệ thống độc tài toàn trị. Đảng không chỉ độc quyền về chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, lập – tư – hành pháp, báo chí v.v… mà đảng còn độc quyền cả chân lý. Dân chỉ có cúi đầu tuân phục và lần hồi mất đi tư duy phản biện cũng như sáng tạo. Ý chí độc quyền lần hồi triệt tiêu mọi khả năng tự suy tư của người dân và họ không thể tìm ra được giải pháp khả dĩ cho vấn nạn trước mắt, nó là chính sách "ngu dân" của chính quyền cộng sản Việt Nam đang áp đặt lên đất nước này.
"Nắng lắm mưa nhiều" diễn tả cho thái độ chọn lựa của quan chức cộng sản Việt Nam : bảo vệ chế độ đến cùng. Những gì tốt đẹp đều do đảng lãnh đạo, kể cả mùa xuân cũng do đảng ban phát chứ không đến từ tiết trời xoay chuyển ; mùa mưa lũ ập đến tàn hại mùa màng, cuốn trôi người dân và tài sản, đảng sẵn sàng đổ tội cho thiên tai. Đảng muốn nắm cả vận mệnh đất trời chứ kể gì đến vận mệnh quốc gia, con người, dân tộc, tiền đồ hay tương lai đất nước.
Ông bà ta thường nói "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Nhưng đảng nào sá kể, quyền lực đảng tập trung vào tay 1 người duy nhất, nắm giữ cả hai ghế tổng bí thư đảng và chủ tịch nước mới đáng mặt "sĩ phu Bắc Hà". Và cứ thế tái diễn y hệt thời phong kiến, quân chủ tập quyền 1 nước không có 2 vua ; lịch sử cho thấy minh quân dân còn dễ thở, chứ gặp hôn quân dân ná thở.
Tuy nhiên, lịch sử cận đại đã minh chứng chả có tổng bí thư đảng cộng sản nào là "minh quân" cả. Thời Stalin, nắm quyền Liên Xô cũ, đã giết hại hơn 20 triệu người ; rồi từ 7-15 triệu người Xô Viết bị đày đọa vào các trại tù khổ sai để khai phá các vùng đất xa xôi lạnh lẽo. Stalin đã dùng con bài đấu tranh giai cấp để thanh lọc và tiêu diệt toàn bộ tầng lớp trí thức, có của, nông dân giàu có và tư sản Nga (8).
Mao Trạch Đông, báo chí tây phương từng gọi là kẻ tội đồ lớn nhất trong lịch sử nhân loại (9), hơn cả Hitler hay Stalin, đã giết trên 50 triệu người dân Trung Hoa. Ông ta cũng bắt chước chiêu bài đấu tranh giai cấp, đánh địa chủ tư sản để tổ chức đấu tố, trăm hoa đua nở, đại nhảy vọt, đại cách mạng… Mao đã triệt để áp dụng bạo lực để củng cố quyền lực vào duy nhất một tay Mao. Vì thế dưới thời Mao, có khi chỉ trong 1 năm, hơn 2 triệu người bị hành quyết trước công chúng (10).
Hồ Chí Minh, cha đẻ ra đảng cộng sản Việt Nam, cũng không hề chịu kém cạnh các đàn anh về vận dụng đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất tàn sát người dân lương thiện vô tội. Cải cách ruộng đất ở Việt Nam những năm 50 đã giết chết gần 2 trăm ngàn người (11). Chưa kể hàng triệu thanh niên, thiếu nữ thiệt mạng trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn Nam – Bắc, mà đảng cộng sản miền Bắc luôn là kẻ tấn công trước như : dịp tết Mậu Thân 68, mùa hè đỏ lửa 72 ở Quảng Trị. Và sau 75, hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức miền Nam Cộng hòa bị giam giữ, bỏ đói trong các trại cải tạo nơi rừng thiêng nước độc và hàng trăm ngàn người vượt biên chạy trốn chế độ cộng sản bị làm mồi cho hải tặc, bị gió bão vùi dập bỏ xác ngoài biển khơi.
Giang Trạch Dân, cựu chủ tịch nhà nước cộng sản Trung Quốc, đã bị một tòa án Tây Ban Nha hạ lệnh bắt giữ vì tội ác diệt chủng ở Tây Tạng (12). Ông này còn bị cáo buộc với nhiều bằng chứng hiển nhiên về tàn sát hàng triệu người học Pháp Luân Công, mổ cướp sống nội tạng của họ và tội ác đó vẫn tiếp diễn cho đến thời điểm hiện tại (13).
Sơ lược một vài "minh quân" tiêu biểu của các thể chế cộng sản trên thế giới để hiểu sâu hơn những tội ác chống lại loài người, qua các đường lối, chính sách và hoạt động đàn áp người dân của các thể chế độc tài toàn trị này. Sau thế chiến thứ hai, nhân loại và người dân Việt Nam những tưởng sẽ được an cư lạc nghiệp, tránh được thảm họa phát xít gây nên, thì lại gặp ngay đại nạn cộng sản. Người cộng sản nhìn đâu cũng thấy kẻ thù nên mọi sách lược của họ luôn nhắm đấu tranh giai cấp, chống phản động, triệt hạ tư sản và hệ quả tất yếu là cộng sản luôn xem nhân dân như kẻ thù.
Vì thế, việc quan chức cộng sản lựa chọn thể chế độc tài và bảo vệ nó đến cùng là căn nguyên gây nên mọi thứ độc quyền trong mọi phạm vi đời sống xã hội ; đặc tính độc quyền mọi thứ kể cả chân lý khiến Việt Nam bị tổn thương nguyên khí quốc gia, mọi tài nguyên tự nhiên cũng như nhân tài vật lực bị hủy hoại. Chúng làm cho dân tộc ngày một lụn bại và tụt hậu. Và sẽ mãi là như thế, vì cánh cửa cho một xã hội cởi mở, dân chủ, tự do đã bị đảng cộng sản khóa kín.
Mọi thông tin bị bóp méo, những câu phát ngôn ngu ngơ của các quan chức lãnh đạo cộng sản nhan nhản khắp mặt báo. Đời sống người dân thê lương vì xăng tăng, điện tăng, rồi huyết áp người dân cũng tăng theo ; thêm nữa là thiên tai nhân họa do bàn tay hủy diệt của người cộng sản ban phát cho rừng, biển, cho phép "nước lạ" đổ rác thải công nghiệp đầy dẫy khắp nước Việt Nam, rồi thảm họa giáo dục v.v. nhưng cuối cùng đảng vẫn ngây thơ trong sạch, đổ trách nhiệm cho đảng là không khách quan vân vân và vân vân.
Lập lờ đánh lận con đen và xem dân như kẻ thù như thế nên mới có chuyện dân phạm tội bị xử phạt thẳng tay ; ai dám lên tiếng vạch trần cái xấu xa, tham ô, đạo văn, bất công ở Việt Nam đều lãnh án tù khủng ; đang khi đảng viên phạm tội chỉ xử phạt như gãi cho đã ngứa. Đan cử trường hợp ông Mai Văn Dâu, thứ trưởng thường trực bộ Thương mại Việt Nam, tháng 2 năm 2007, tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 14 năm tù giam về tội nhận hối lộ. Đến tháng 1 năm 2009, ông này được đặc xá tha tù trước thời hạn cùng với tham quan Lương Quốc Dũng, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban thể dục thể thao. Hai ông này được báo đảng ưu ái mô tả những ngày tháng "ủ tờ" rất chi ư là tội nghiệp (14).
Ngay cả việc phá rừng, căn cội gây lũ ống, lũ quét ; những thủy điện xả lũ gia tăng cường độ dòng lũ, rồi nứt và sạt lở đất tang thương như đã nói vẫn được các quan chức cấp cao đảng cộng sản Việt Nam lấp liếm, che đậy, ngụy biện rằng đổ lỗi cho thủy điện là không khách quan. Mà toàn đảng viên "nguồn" cấp cao phát biểu theo kiểu độc quyền chân lý như vậy đấy. Dân thấp cổ bé miệng làm sao phản biện nổi.
Chính vì bảo vệ thể chế, nên đảng cộng sản Việt Nam không hề có ý niệm quốc gia – dân tộc. Cần phải nói ngay là những con chữ này chỉ được đảng dùng như khiên thuẫn che đỡ ; chứ sự thật không như thế. Chủ nghĩa cộng sản chủ trương tam vô : vô tôn giáo, vô tổ quốc, vô gia đình. Cái họ muốn là làm chủ tập thể, chứ không phải để tập thể làm chủ.
Vì lẽ đó mà dân gian mãi còn nhớ những câu nói bất hủ truyền kỳ qua các thời tổng bí thư ở Việt Nam, chẳng hạn : đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa… ; nhân loại đã có 3 phát minh vĩ đại :Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể. Hoặc đến thời Nguyễn Văn Linh, đảng viên truyền nhau học thuộc câu : "Biết rằng đi với Trung Quốc là mất nước nhưng như thế còn hơn mất đảng".
Chuyện đảng là nhà nước và nhà nước là đảng ở Việt Nam chả mấy ai xa lạ. Đảng cộng sản Việt Nam là giá trị cao nhất trong nhà nước Việt Nam ; cho nên ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam, lẽ ra là nơi đòi hỏi bằng cấp cao, trình độ tri thức lớn hơn người để mang tài năng phục vụ đất nước, thì đảng chỉ cần sự trung thành tuyệt đối, sự hy sinh và cống hiến cho đảng là đủ, bằng cấp từ máu hơn bằng cấp từ giấy là đây.
Rồi để bảo vệ uy tín chính trị cho đảng và gia tăng lòng sùng bái lãnh tụ ; đảng cho xây cái lăng to đùng giữa thủ đô và cơ man là tượng đài, đền miếu ghi nhớ công bác ơn đảng. Nó là biểu hiện lệch lạc của một dạng tín ngưỡng vô thần tạp pí lù tôn sùng đảng và thần thánh hóa lãnh tụ.
Hơn thế nữa, đảng là tập thể, ý niệm của tập thể ở đâu và là gì ? Tập thể đảng có suy tư triệu người như một không ? Vì thế, cái sự phóng chiếu tư tưởng của một lãnh tụ lên toàn đảng là điều hiển nhiên. Tư duy, lời nói, tinh thần của lãnh tụ và đảng là một. Chả thế mà bỏ phiếu bầu lãnh đạo các cấp ở Việt Nam cứ 99,99% từ khi có đảng đến nay vẫn vậy. Hoặc đảng nói tàu lạ thì cả mấy trăm tờ báo trong nước sẽ viết y nguyên là tàu lạ chứ không thể viết khác được. Và đảng nói thiên tai lũ lụt không do thủy điện mà do quy luật đất trời, rừng vẫn còn nguyên như chưa hề có cuộc phá rừng nào, thì nó sẽ được báo đài của đảng tin răm rắp như thế.
Ở đây, ta thấy sự khác biệt giữa các đảng phái thông thường ở các nước đa nguyên và đảng cộng sản Việt Nam. Đó là các đảng viên dân chủ hay cộng hòa... Họ giữ được nhân cách, trách nhiệm, suy nghĩ độc lập cá nhân và họ dám lên tiếng trước mọi bất công, sai quấy mà đảng đang cầm quyền gây ra. Riêng đảng viên cộng sản lại khác, đảng viên cộng sản bị cấm đoán mọi thứ quyền căn bản đó ; Họ được trao quyền thu lợi và kiếm lời trên xương máu đồng bào. Nên đồng thời đảng viên cộng sản đã biến thành những công cụ được nuôi ăn phè phỡn để thi hành ý chí của lãnh tụ.
Đảng viên còn bị biến thành công cụ, nói gì đến tứ thời bát tiết, nói gì đến đất nước - dân tộc, sẽ không bị biến thành công cụ hữu hiệu dưới bàn tay độc quyền của đảng cộng sản Việt Nam hay sao ? Việc đảng chọn lựa hy sinh cho quốc gia hay dân tộc là điều không tưởng. Hiện nay cả đất nước hình chữ S đã biến thành một trại cải tạo khổng lồ, không chỉ một vài trăm ngàn quân nhân, viên chức bị giam giữ như sau năm 75 nữa, mà cả dân tộc 90 triệu người đang chịu sự giám sát nghiêm nhặt của hơn 5 triệu đảng viên cộng sản từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm và chưa biết sẽ đến từng... bao nhiêu năm nữa.
Hoàng Hoành Sơn
Nguồn : VOA, 05/11/2020
Tài liệu tham khảo :
(3) http://cand.com.vn/doi-song/Xay-ra-them-2-tran-dong-dat-tai-Quang-Ngai-615570/
(4) https://vnexpress.net/mot-thang-15-vu-lo-nui-chet-nguoi-o-mien-trung-4186427.html
(5) https://tuoitre.vn/mua-lu-mien-trung-e313.htm
https://www.bbc.com/vietnamese/world-40046426
(9) https://www.thedailybeast.com/an-oral-history-of-maos-greatest-crime
(10) https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20160820-mao-toi-pham-lon-nhat-cua-lich-su-hon-ca-hitler-hay-stalin
(11) https://www.rfa.org/english/news/vietnam_landreform-20060608.html
(13) http://www.upholdjustice.org/node/89
(14) https://vnexpress.net/cuu-thu-truong-mai-van-dau-xin-duoc-dac-xa-2119468.html
*******************
Cần khẩn cấp xóa bỏ cây cao su… ở một số tỉnh miền Trung và Tây Bắc ?
Nguyễn Như Phong, VNTB, 06/11/2020
Tôi vừa đi Hà Tĩnh về và đi qua những cánh rừng cao su ở huyện Hương Khê.
Hàng vạn ha cao su ở Bắc Trung Bộ bị tàn phá sau cơn bão số 10 là hậu quả của việc trồng cao su theo phong trào
Hỏi ra mới biết, cây cao su ở Hà Tĩnh cho sản lượng cực thấp, chất lượng mủ kém… và thu nhập từ 1 héc ta cao su không bằng nuôi… 10 con bò.
Lãnh đạo huyện Hương Khê đã nhiều lần kiến nghị phải xem xét lại hiệu quả từ trồng cây cao su… Tuy nhiên, vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp trồng cao su.
Có một thực tế không thể chối cãi là :
- Cây cao su chính là loại cây độc hại. Không có loại chim thú nào ( kể cả chuột) sống nổi trong rừng cây su. Tôi đố ai nghe thấy tiếng chim hót trong vườn cao su ?
- Rừng cây cao su trồng trên đất có độ dốc hoàn toàn không có tác dụng giữ nước, ngăn lũ lụt… mà nơi nào có rừng cao su thì nơi đó đất đai bị bào mòn nhanh kinh khủng ?
Đây là loại cây tàn phá môi trường tự nhiên dã man nhất trong các loại cây.
Năm 2010, tôi đi sang Lào và có hỏi kỹ về việc trồng cao su ở một số tỉnh Bắc Lào như Phong Sa Lỳ, Bò Kẹo, U Đôm Say, Luông Nậm Thà… thì một vị Phó Thủ tướng của Lào cũng đã phải nói rằng Lào đã sai lầm khi cho doanh nghiệp Trung Quốc (và có cả Việt Nam) sang đầu tư trồng cây cao su… Và nghe nói từ năm 2012 là Lào cấm trồng cao su ở những vùng đồi núi.
Ở Việt Nam, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cũng cho phát triển trồng cao su và theo thông tin (tôi chưa kiểm chứng) thì các doanh nghiệp trồng cao su này lo phá rừng, lấy gỗ rồi sau đó có trồng, có bỏ chút ít đầu tư… nhưng gần như rồi họ bỏ mặc. Đó là chưa kể họ cấu kết với chính quyền địa phương, phá cả những khu rừng nguyên sinh để trồng cao su. Ở một số tỉnh miền Trung cũng vậy, cây cao su mà trồng nơi gió bão, khi hậu cực kỳ khắc nghiệt thì làm sao có sản lượng tốt.
Khẩn thiết đề nghị chính phủ cho "Tổng thanh tra" lại việc trông cao su ở miền Trung và Tây Bắc. Nếu nơi nào trồng cao su mà không lãi hơn trồng cỏ nuôi bò thì kiên quyết cho xóa. Và nhân đây, cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn : Không được đưa diện tích trông cao su, cà phê… vào cái gọi là "diện tích rừng", mà gọi là "diện tích… vườn".
***
"Con số Bộ trưởng đưa ra có gì đó thực sự là sai sai"
Cũng trong sáng cùng ngày, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm rõ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, vì vai trò của hai loại rừng này khác nhau.
"Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada đều kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên", ông Nghĩa nêu vấn đề.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa vào chiều nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu ha tăng lên 14,6 triệu ha. Trong số này có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Như vậy, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha.
"Tuy nhiên, phải khẳng định diện tích rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, bởi vì trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo. Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm", Bộ trưởng Cường thừa nhận.
Vì vậy, ông nói tới đây phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học.
"Với 14,3 triệu ha rừng trồng, tới đây cũng được thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng 2021 – 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng", ông Cường cho biết.
Tranh luận lại với giải trình trên, Thiếu tá Ksor H’Bơ Khắp cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi.
Tuy nhiên, Đại biểu cảm thấy con số Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là vô lý và "có gì đó thực sự là sai".
Theo Đại biểu, ít nhất trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp chúng ta đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên).
"Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy. Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao ?
Tỷ lệ che phủ rừng là gì, là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không có con gì sống đước ở đó", Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp nói và đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.
Nguyễn Như Phong
Nguồn : VNTB, 06/11/2020
**************************
Những bộ trưởng "một nắng"
Cánh Cò, RFA, 05/11/2020
Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam sau 75 xuất hiện một sản phẩm rất phổ biến đó là "mực một nắng". Người ngư dân đánh cá nảy sinh ý tưởng phơi con mực khô thay vì nhiều ngày thì chúng chỉ phơi một ngày, tức là một nắng…con mực vì chưa khô hẳn nên thịt rất mềm, ngọt và rất được ưa thích. Tuy nhiên vấn đề bảo quản nó đã gây không ít tai họa cho người dùng bởi vi khuẩn và các loại bụi bặm, chất thải.. chưa được tiêu diệt hẳn khiến không ít người ăn nó phải vào nhà thương cấp cứu.
Hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. Ảnh minh họa đồn điền trồng cây cà phê Lộc Ngãi, Lâm Đồng
Những tưởng chỉ có con mực mới phơi một nắng, hôm qua người dân thành phố mới biết thêm hai loại sản phẩm "một nắng" nữa của Tây nguyên " bò một nắng, heo một nắng". Hai sản phẩm này được bà nữ Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp thuộc đơn vị Gia Lai cho biết trong kỳ họp Quốc hội hôm qua khi bà tranh luận với hai với 2 Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về hai vấn đề trồng rừng và Pin mặt trời.
Vấn đề Pin mặt trời thì ông Trần Tuấn Anh báo cáo "Theo quy định hiện nay, tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện".
Bà Ksor H’Bơ Khăp phản bác lại và cho rằng "không thể nói là đã có quy định, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý, bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì ? Dùng để nướng bò một nắng hay sao, vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng ?"
Về vấn đề diện tích trồng rừng khi ông Nguyễn Xuân Cường xác định diện tích rừng của Việt Nam hiện nay là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%. Ông Cường khẳng định trước Quốc hội : "Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị".
Rất bất ngờ Bà Ksor H’Bơ Khăp chỉ ra sự báo cáo láo của bộ trưởng Cường khi cho rằng "hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. "Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó", nữ đại biểu nói và cho biết, cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc"
Câu chuyện thú vị vừa được báo chí loan tải cho thấy không phải Đại biểu quốc hội nào cũng là "bò một nắng" cả. Bà Ksor H’Bơ Khăp chứng minh rằng không ít người trong số 500 đại biểu thường đưa tay biểu quyết ấy có kiến thức và óc khôi hài tuy họ biết rằng phát biểu của họ không bao giờ thay đổi được vòng quay của những con bò cao cấp ngồi lì trong hệ thống. Những con "bò một nắng" ấy đã được bà Ksor H’Bơ Khăp vạch mặt trong nghị trường không làm cho chúng thay đổi được tư duy nhưng ít ra cũng khiến dân chúng thấy được sự so sánh hết sức sáng tạo từ đại biểu của dân tộc thiểu số nhưng tư tưởng và óc hài hước của bà không thiểu số chút nào.
Không riêng hai con bò một nắng của Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương mà vừa đây một con bò khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường là Trần Hồng Hà ghi tên gia nhập lực lượng "bò một nắng" này sau khi ông ta tuyên bố với báo chí rằng "Mưa lũ lịch sử ở miền Trung là "trời đổ nước chứ không phải mưa" ! Không thể nói gì với loài bò đã đành, khi chúng được phơi một nắng nữa thì tai họa cho dân tộc này càng tăng cao khó bề đối phó.
Bởi tâm thế của loại bò này là tư duy nhiệm kỳ, chỉ cần ngồi một nhiệm kỳ xong là chúng hạ cánh phủ phê với những gì kiếm được, vì vậy mọi công tác, chính sách, ngân khoản mà chúng tạo ra đều chụp giựt cho nhanh với nhiệm kỳ của chúng. Loại Bộ trưởng "bò một nắng" này giống như người ngư dân phơi con mực một ngày để mau kiếm tiền hơn nhưng chúng nguy hiểm ở chỗ hành vi của chúng không gây bệnh cho một người hay một gia đình mà chúng gây sụp đổ cả một chính sách, chương trình của quốc gia.
Họ đông và nguy hiểm đến nỗi người ta không thể lôi họ ra bất cứ tòa án nào về hành vi của họ vì hệ thống tòa án, pháp luật đang được điều hành bởi những sinh vật "một nắng" khác, những loại một nắng đang đồng hành dày xéo đất nước này một cách kinh khủng và không có ngày dừng lại.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 05/11/2020 (canhco's blog)
**********************
Có đúng thủy điện nhỏ không gây nên lũ lụt ?
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 5 tháng 11, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng trong đợt lũ vừa qua, nếu ‘Không có hồ chứa thủy điện, lũ lụt còn khủng khiếp hơn’
Những nhân viên đội cứu hộ, cứu nạn vượt hồ thủy điện Hương Điền (Hương Bình, quận Hương Khê) đến khu xảy ra vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 hôm 14/10/2020. AFP
Báo Nhà nước Việt Nam trong cùng ngày dẫn lời ông Trần Hồng Hà cho biết ông chỉ đưa ra những thông tin khách quan để Quốc hội có cái nhìn chính xác về hiện tượng mưa bão, lũ lụt, sạt lở nặng nề vừa xảy ra.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên - Môi trường của Việt Nam, thảm họa thiên tai tại các tỉnh miền Trung Việt Nam vừa qua là do kết quả của tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng lại. Cụ thể, có 4 trận bão liên tiếp và hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn. Ông Hà nêu ra rằng có nơi mưa đến 500mm/ngày và đó là ‘Trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa’.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm tại những khu vực sạt lở đất kinh hoàng vừa qua rừng đều phủ xanh. Đó là các nơi như Trạm 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế ; tại Đoàn Kinh tế- quốc phòng 337 ở Cha Lo, tỉnh Quảng Trị và tại Trà Leng, Tà Vân ở tỉnh Quảng Nam.
Đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022 nhận định :
"Tôi thấy phát biểu này cũng có ý đúng vì độ dốc của núi ở khu vực miền Trung mình rất lớn, nếu mưa xuống mà cứ để tự nhiên như vậy thì toàn bộ nước sẽ trút nhanh xuống vùng đồng bằng. Đập thủy điện ngăn lại một phần, tức nó chặn ở rất nhiều những nơi như vậy, sẽ giảm bớt độ lũ lụt ở khu vực phía hạ du trong những ngày mưa lũ như vậy. Thủy điện nhỏ thường có rất nhiều hồ chứa đi kèm theo, chính những hồ chứa đó tích nước lại làm cho không phải một lúc mưa xuống thì toàn bộ nước đổ ào xuống đồng bằng. Như vậy cũng có những trường hợp chỉ vừa mưa lũ vài ngày thì lại hạn hán. Nó tích nước lại rất nhiều hồ chứa như vậy thì sẽ giữ lại được nguồn nước mà ta có thể dùng cho thủy lợi, tưới tiêu sau này".
Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về môi trường, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai lại cho rằng :
"Làm thủy điện thì phải có hồ chứa mà bây giờ anh thấy các hồ chứa đó là trái bom nổ chậm với người dân. Chính phủ như thế nào nhưng người dân sống ở vùng có những hồ chứa như vậy thì nỗi lo, nỗi sợ của người dân giết dần giết mòn người dân, làm người dân tự tử một cách từ từ".
Trao đổi với RFA tối 5/11, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường giải thích rõ hơn về tác dụng của những hồ chứa tại các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ :
Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ sau trận mưa lớn do bão Talas gây ra tại tỉnh Hòa Bình, ngoại ô Hà Nội. Reuters / Kham
"Có thể lúc bắt đầu lũ nhỏ thì nó có thể chứa được lượng nước lũ gây ra, nhưng khi lũ vượt mức thì nó không phải là giải pháp để chứa được lũ khi lũ quá lũ. Đến lúc đó lũ vượt qua nó và nó phải xả lũ tiếp thì sự thực mà nói sự phá của lũ cộng lũ thì sẽ mạnh hơn lũ bình thường rất nhiều".
Ngoài ra, Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng nếu nghiêm túc nhìn nhận thì chưa đủ căn cứ để Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu như báo chí đưa tin. Ông nói :
"Hiện nay theo kinh nghiệm trên thế giới thì thủy điện vừa và nhỏ tàn phá rừng, tức được quyền phá một khoảng rừng, một thủy điện bình thường cũng phải mất độ 100 ha rừng. Hơn nữa là chuyện phá rừng cũng làm cho đất đá không còn lượng rễ cây rừng giữ gây ra trượt lở đất, gây ra sập núi. Đấy chính là cái kinh khủng nhất trong đợt lũ miền Trung vừa rồi, không phải chỉ lũ gây sập núi".
Cũng trong sáng 5/11, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thuộc đoàn Cà Mau khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng không nên vì lũ lụt mà đổ lỗi hết cho thủy điện. Theo ông Lê Thanh Vân thì cần có quan điểm lịch sử về thủy điện.
Một số chuyên gia môi trường lên tiếng về tình trạng phá rừng để xây dựng thủy điện tràn lan là nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Tuy vậy, gần đây, chính phủ Hà Nội lên tiếng bác bỏ nhận định của giới chuyên môn về nạn phá rừng, phát triển thủy điện ; đặc biệt là thủy điện nhỏ, khắp nơi như bấy lâu nay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ, thế giới cũng đã chứng minh rằng có mối quan hệ giữa thủy điện vừa và nhỏ với sạt lở. Ông giải thích :
"Tình trạng vừa rồi ở miền Trung Việt Nam thì sạt lở xảy ra rất nhiều, đặc biệt ở khu vực gần thủy điện, thì chắc chắn sạt lở đó có liên quan đến thủy điện vì những vùng khác không bị như vậy. Rõ ràng độ sạt lở đó thì rừng đã bị tàn phá rất nhiều do thủy điện. Khi xây dựng thủy điện thì người ta phá đi lượng rừng đáng kể. Tụi tôi nghiên cứu rằng cứ 1MW công suất lắp nhà máy thủy điện nhỏ và vừa ở khu vực đồi núi thì phá ít nhất khoảng 10 ha rừng tự nhiên. Dù bây giờ có quy định trồng lại rừng nhưng rừng trồng khác với rừng tự nhiên, nên khi gặp mưa bão lớn khác thường mà mất rừng nên cây không còn khả năng giữ đất, đất trở nên bị hóa nhão, mất ổn định, đến một thời điểm đặc biệt nào đó thì nó sạt lở và gây thiệt hại cho người dân".
Trước những tác động mà thủy điện vừa và nhỏ gây ra đối với môi trường sống như vừa nêu, GS. Đặng Hùng Võ đưa ra đề xuất :
"Từ nay trở đi chúng ta nên tạm biệt với phương thức sản xuất điện từ thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ là thứ tàn phá rừng rất lớn thì nên tuyệt đối không dùng nữa. Ngay cả thủy điện lớn thì cũng ở một mức độ tìm giải pháp khác để sản xuất điện thì cũng nên tạm biệt luôn cả thủy điện lớn. Quan điểm của tôi hiện nay là vậy".
Trong khi đó, Giáo sư Trần Đình Long lại cho rằng đừng đổ hết lỗi cho thủy điện nhỏ khi thấy một vài sự cố nào đó mà nên có cái nhìn khách quan hơn. Vì theo ông, không phải thủy điện nhỏ nào cũng là có hại mà nên nhìn vào những đóng góp rất tốt của nó đối với việc sử dụng, tận dụng năng lượng tái tạo.
Nguồn : RFA, 05/11/2020
*********************
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường và Đại biểu quốc hội ‘bênh’ thủy điện nhỏ
RFA, 05/11/2020
‘Không có hồ chứa thủy điện, lũ lụt còn khủng khiếp hơn’ là phát biểu của ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 5 tháng 11.
Đội cứu hộ tìm kiếm công nhân mất tích ở Thủy Điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên - Huế hôm 23/10/2020 - Reuters
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Trần Hồng Hà rằng tại những khu vực sạt lở đất kinh hoàng vừa qua rừng đều phủ xanh. Đó là các nơi như Trạm 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế ; tại Đoàn Kinh tế- quốc phòng 337 ở Cha Lo, tỉnh Quảng Trị và tại Trà Leng, Tà Vân ở tỉnh Quảng Nam.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên- Môi trường của Việt Nam thì thảm họa thiên tai tại các tỉnh miền Trung Việt Nam vừa qua là do kết quả của tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng lại. Ông nói có 4 trận bão liên tiếp và hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn. Ông Hà nêu ra rằng có nơi mưa đến 500mm/ngày và đó là ‘Trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa’.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thuộc đoàn Cà Mau cũng cho rằng không nên vì lũ lụt mà đổ lỗi hết cho thủy điện. Theo ông Lê Thanh Vân thì cần có quan điểm lịch sử về thủy điện.
Sau khi nêu dẫn chứng về vai trò của Thủy điện Sông Đà tại miền Bắc, ông Lê Thanh Vân thừa nhận có tình trạng lạm dụng của một số nhà đầu tư thủy điện nhỏ mà ông nêu ra là ‘trục lợi, thông qua phá rừng lấy gỗ quí.’
Một số chuyên gia môi trường lên tiếng về tình trạng phá rừng để xây dựng thủy điện tràn lan là nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Tuy vậy, gần đây, chính phủ Hà Nội lên tiếng bác bỏ nhận định của giới chuyên môn về nạn phá rừng, phát triển thủy điện ; đặc biệt là thủy điện nhỏ, khắp nơi như bấy lâu nay.
*********************
Bộ trưởng Việt Nam : Rừng mất do Mỹ rải chất độc hóa học
VOA, 05/11/2020
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường vấp phải phản ứng từ đại biểu quốc hội sau khi cho rằng rừng tự nhiên bị thu hẹp do chất độc hóa học mà Mỹ rải xuống trước đây, trong bối cảnh lũ lụt và sạt lở xảy ra ở miền Trung được cho là một phần hệ quả của việc phá rừng.
Rừng núi bị bạt để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú ở Hà Giang. Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng rừng ở Việt Nam bị mất là do Mỹ rải chất độc hóa học trong khi một đại biểu quốc hội nói còn do "quản lý bất cập".
Ông Cường hôm 3/11nói rằng "rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung" trong 30 năm phát triển và cho biết cần phải "phục hồi từng bước".
Giữa lúc công chúng và các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang mất đi nhiều diện tích rừng do bị chặt phá trái phép và làm thủy điện, vị tư lệnh ngành nông nghiệp, trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội ở Hà Nội hôm 3/11, cho biết rằng diện tích rừng ở Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha và có hệ số che phủ rừng gần 42%. Ông Cường cho đây là một "cố gắng vượt bậc" khi so sánh với hệ số che phủ bình quân của thế giới ở mức gần 29%, theo VGP News.
Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã rải hơn 20 triệu gallon chất diệt cỏ xuống Việt Nam, Lào và Campuchia nhưng chính phủ Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD để làm sạch các điểm nóng trong chương trình xử lý môi trường ô nhiễm dioxin ở Việt Nam.
Tranh luận trước phát biểu của ông Cường, đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Maiđề nghị người đứng đầu ngành nông nghiệp "trung thực hơn" và cho rằng Bộ trưởng nên nói "mất rừng" là do "quản lý bất cập".
Theo vị Đại biểu quốc hộiđại diện Thành phố Hà Nội, đợt thiên tai lũ lụt vừa qua ở miền Trung, trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là "con người đang phá hủy môi trường và cái giá phải trả quá đắt". Bà Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên.
"Xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ý kiến lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do ‘Đế quốc Mỹ rải thảm hóa chất,’" bà Mai nói. "Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ Trung ương đến địa phương có rừng".
Trước đó hôm 2/11, Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếunói tại một phiên họp của Quốc hội rằng "chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện có vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp phép mới". Theo vị đại biểu tỉnh Quảng Trị, những trận lụt lịch sử như tại miền Trung hiện nay sẽ tiếp tục xảy ra vì những nguyên nhân trên.
Theo Thanh Niên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mất nhiều rừng tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây sạt lở, ngập lụt nặng nề.
Giữa các luồng ý kiến khác nhau về thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Công thương Tần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hôm 2/11thừa nhận rằng "các hoạt động nhân sinh trong quá trình xây dựng đường sá, thủy điện… đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng các thiệt hại".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 2/11yêu cầu "phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng" khi phát biểu trước các đại biểu quốc hội trong một phiên thảo luận.
Các đợt lũ lụt và lở đất ở miền Trung trong vài tuần qua được coi là lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây và đã làm hàng trăm người chết và mất tích. Chính phủ Việt Namước tính thiệt hại lên đến 17.000 tỷ đồng trong các đợt bão lũ liên tiếp từ giữa tháng 10 vừa qua.
Nguồn : VOA, 05/11/2020