Cách đây 1 năm, vào ngày 15 tháng 4 năm 2017, đã xảy ra cuộc đối đầu giữa nông dân và nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội khi lực lượng công an và quân đội được cử đến xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội để tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Trong cuộc xô xát, lực lượng cảnh sát cơ động và đơn vị hình sự Bộ quốc phòng không những đánh gẫy chân cụ Lê Đình Kình, một lão nông 82 tuổi, mà còn túm áo đẩy cụ Kình cùng một số nông dân khác lên xe cây chở về đồn công an giam giữ.
Quá bức xúc, người dân xã Đồng Tâm đã bất ngờ bắt giữ gần 40 cảnh sát cơ động có nhiệm vụ canh gác xã và cán bộ huyện Mỹ Đức làm con tin. Để tự tổ chức bảo vệ, rào làng và chia người luân phiên đóng chốt canh giữ, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Cuộc đồng khởi của nông dân xã Đồng Tâm ngày càng quyết liệt đưa đến việc nhà cầm quyền Hà Nội phải tìm cách gỡ ngòi nổ. Thiếu tướng công an, phó bí thư thành ủy, chủ tịch thành phố Hà Nội đã phải đích thân đến thương lượng và ký bản cam kết chấp nhận các điều kiện của nhân dân Đồng Tâm đưa ra để đổi lấy việc trao trả gần 40 con tin gồm cảnh sát cơ động và cán bộ huyện.
Bản cam kết chưa kịp ráo mực thì đã bị nhà cầm quyền Nội bội ước. Công an Hà Nội ra lệnh khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ. Gần 50 dân Đồng Tâm đã bị công an triệu tập lên đồn và ban hình sự Bộ quốc phòng. Nhiều người đã từ chối mặc dù bị triệu tập đên lần thứ 3.
Đánh dấu một năm Đồng Tâm đồng khởi là việc Tiểu đoàn 31, đơn vị quản lý đất quốc phòng vùng sân bay Miếu Môn đã tiến hành đào hào, dựng hàng rào phân vùng ranh giới đất quốc phòng và đất nông nghiệp ở Đồng Tâm, theo đó những đòi hỏi về diện tích đất đai nông nghiệp của nông dân xã Đồng Tâm là hoàn toàn chính xác.
Từ Sài Gòn, luật sư nhân quyền đã có đôi điều đánh giá về cuộc đấu tranh giữ đất của nông dân Đồng Tâm, biểu tượng của tinh thần quật khởi của nông dân Việt Nam.
Nội dung cuộc phỏng vấn như sau, mời quí vị cùng nghe :
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 13/04/2018
Sự kiện những người dân bị cướp đất ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội nổi lên bắt và giam giữ 38 con tin của chính quyền mà phần lớn là công an đã khiến dư luận trong và ngoài nước sốt xình xịch suốt từ hôm 15/4 đến nay.
Thả 19 người, không truy cứu trách nhiệm hình sự dân Đồng Tâm - Ảnh minh họa
Sẽ còn nhiều ‘lươn lẹo’, ‘mưu mẹo’ ở Đồng Tâm.
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đây là lần đầu tiên dân chúng dám bắt giữ cả một đơn vị công an cấp trung đội, trong số đó có viên trung đoàn trưởng trung đoàn cảnh sát cơ động thành phố và một viên phó trưởng công an huyện sở tại.
Âm mưu tấn công bị lộ
Kể từ khi vụ việc xảy ra, bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản đã trổ hết "ngón nghề" sở trường, ra sức lèo lái, định hướng dư luận, nhưng vẫn không che dấu được bản chất vụ việc : đây lại là một vụ tham nhũng đất đai nghiêm trọng của các cấp chính quyền Hà Nội. Nói cách khác, đám tham quan nhũng lại đã cấu kết với doanh nghiệp cùng các thành phần bất hảo khác để cướp đoạt đất đai của người dân xã Đồng Tâm, trong một vụ tố cáo tham nhũng mà bà con đã theo đuổi từ nhiều năm nay.
Bất chấp thái độ chân thành của bà con là muốn được đối thoại trên tinh thần công khai và thẳng thắn với Chủ tịch thành phố về những tranh chấp giữa họ với chính quyền, song người đứng đầu bộ máy hành chính thành phố vẫn tìm cách lảng tránh, dù ngày 17/4, họ đã trả tự do cho 18 con tin để bày tỏ thiện chí của mình.
Căng thẳng tiếp tục được đẩy lên cao khi người dân cho biết là tối 19/4 hàng trăm tên côn đồ đã tấn công vào làng nhưng bị dân làng đẩy ra. Đặc biệt, buổi chiều cùng ngày, người dân đã phát hiện ra một khẩu súng cùng 5 viên đạn được giấu trong đống chăn tại nhà văn hóa xã, nơi giam giữ các con tin. Đây là những dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền đã lên phương án tấn công vào Đồng Tâm. Nếu âm mưu không bị lộ khiến bà con tăng cường cảnh giới thì cuộc tấn công có thể đã nổ ra.
Cuộc đối thoại bất thành
Cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội với bà con Đồng Tâm vào chiều tối ngày 20/4 cuối cùng đã không diễn ra. Lý do là vì mãi đến 4h30 bà con mới nhận được giấy mời nên không kịp chuẩn bị, nhưng quan trọng hơn là vì họ không muốn đến hội trường Huyện uỷ Mỹ Đức, mà muốn đối thoại ngay tại xã Đồng Tâm. (UBND huyện Mỹ Đức mời 100 người, cả người dân lẫn cán bộ, tuy nhiên chỉ có lãnh đạo xã Đồng Tâm đến dự). Theo lời ông Chủ tịch thành phố thì cuộc đối thoại với bà con sẽ diễn ra trong ngày 21 hoặc 22/4.
Chưa biết kết quả cuộc đối thoại sắp tới sẽ thế nào nhưng giờ đây nhà cầm quyền có làm gì đi nữa thì họ cũng đã thua. Đàn áp dân hay đối thoại với dân đều là những cục xương cực kỳ khó nuốt với những kẻ vốn chỉ quen với lối hành xử bạo ngược và đứng trên pháp luật.
Lựa chọn giải pháp đàn áp ư ? Nó sẽ châm ngòi cho một vòng xoáy bạo lực mà cuối cùng chính những kẻ ra tay đàn áp dân sẽ trở thành nạn nhân ; nó sẽ khiến cho sự chia rẽ trong đảng càng thêm sâu sắc, thúc đẩy quá trình "tự diễn biến, tự chuyển hóa" diễn ra nhanh hơn ; nó sẽ lột lớp son phấn rẻ tiền cuối cùng trên bộ mặt tham tàn, vô đạo của nhà cầm quyền trước nhân dân và cộng đồng quốc tế.
Còn nếu giải pháp đối thoại được lựa chọn, sự kiện Đồng Tâm sẽ là một thắng lợi ngoạn mục của người dân trước bạo quyền cộng sản, khích lệ tinh thần đấu tranh của những dân oan bị cướp đất nói riêng và những nạn nhân của chế độ nói chung trong cuộc đấu tranh giành lại những quyền lợi chính đáng mà nhà cầm quyền cộng sản đã tước đoạt của họ suốt hơn 2/3 thế kỷ qua.
Chính quyền : thua toàn diện
Một vụ khiếu kiện kéo dài 5 năm qua mà nhà chức trách vẫn không giải quyết ổn thỏa, đúng pháp luật, vẫn tiếp tục những lời hứa rỗng tuếch, vô trách nhiệm trong bối cảnh sự phẫn uất trong dân chúng ngày càng dồn nén – điều đó cho thấy họ đã hoàn toàn thua về "lý".
Trong khi bà con vẫn đối đãi tử tế với các con tin, đồng thời bày tỏ thái độ chân thành khi ngỏ lời mời Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về đối thoại thẳng thắn với họ thì một mặt ông Nguyễn Đức Chung lại nuốt lời hứa về Đồng Tâm làm việc hôm 18/4, một mặt Phó Giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định lại lên giọng đe nẹt người dân. Phản ứng của chính quyền đã cho thấy họ đã thua về "tình" trước người dân Đồng Tâm trong mắt công chúng.
Người Việt trong và ngoài nước vốn đã mất niềm tin vào chính quyền nên việc họ bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ đối với bà con Đồng Tâm là điều rất bình thường. Điều khác thường ở đây là, trước một vụ việc đang gây chấn động dư luận trong và ngoài nước như thế mà đến nay quan chức cao nhất trong hệ thống chính trị chính thức lên tiếng mới chỉ là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Đào Đức Toàn, vào ngày 18/4 và Chủ tịch Hà Nội ngày 20/4. Các vị "tứ trụ triều đình" thì hoàn toàn "im hơi lặng tiếng". Trong khi đó, một số nhân vật có tiếng nói trong hệ thống đã công khai bày tỏ thái độ ủng hộ người dân Đồng Tâm, như Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc hay nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong đảng trước vụ việc nghiêm trọng này.
Một phần vì lý do an ninh, một phần vì điều kiện thông tin liên lạc và một phần là để tránh bị quy chụp là do các "thế lực thù địch" hay Việt Tân "kích động" mà mấy ngày qua người dân Đồng Tâm ít tiếp xúc với những anh chị em đấu tranh trong nước. Mặc dù vậy, thông tin về tình hình Đồng Tâm vẫn được cập nhật khá đầy đủ và kịp thời trên Facebook và các trang mạng "lề dân". Trong khi đó, báo chí "lề đảng" lại bị cấm đưa những thông tin phản ảnh chân thực tình hình Đồng Tâm, cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con. Minh chứng điển hình là việc trang Tuổi Trẻ Online đã phải gỡ bài "Vào ‘tâm bão’ Đồng Tâm" chỉ vài chục phút sau khi đăng vào tối ngày 19/4.
Ngoài ra, không chỉ báo chí Tiếng Việt, mà nhiều cơ quan truyền thông quốc tế Anh ngữ cũng đã đồng loạt đưa tin bài về sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức, điều vốn xưa nay hiếm khi xảy ra.
Tóm lại, trong "sự kiện Đồng Tâm", nhà cầm quyền cộng sản đã thua toàn diện : thua từ lý cho đến tình ; thua từ bên ngoài dân chúng cho đến bên trong bộ máy ; thua từ truyền thông "lề dân" cho đến báo chí "lề đảng" ; thua từ truyền thông Tiếng Việt cho đến truyền thông Anh ngữ…
Bất luận thế nào, "tinh thần Đồng Tâm" cũng sẽ lan tỏa, không chỉ ở Hà Nội mà khắp Việt Nam. Trong cơn quẫy đạp của bạo quyền cộng sản, máu của người dân vô tội có thể còn tiếp tục đổ, song "sự kiện Đồng Tâm" vẫn là điềm báo rằng ngày tàn của chế độ độc tài buôn dân bán nước trên dải đất hình chữ S đang đến gần.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 21/04/2017