Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 93 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố ; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hiệu lực từ ngày 11/12.
Reuters
Nghị định này được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Các quy định mới đối với những người muốn huy động, quyên góp để làm từ thiện bị cho là quá rắc rối, gây khó khăn cho người đứng ra tiếp nhận.
Ông Nguyên, một người thường giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cho rằng những quy định trong Nghị định này khi áp dụng sẽ gây cản trở, rắc rối cho người có lòng muốn giúp đỡ người khác. Ví dụ như mỗi lần muốn kêu gọi để giúp đỡ một hoàn cảnh ngặt nghèo nào đó mà phải làm đơn nộp báo cho chính quyền địa phương thì quá tốn thời gian, công sức :
"Bây giờ mình sẽ lập một cái tài khoản ngân hàng riêng chuyên để nhận tiền từ thiện. Có thu chi bao nhiêu thì mình lên clip hết. Mạnh thường quân gửi về bao nhiêu tiền là mình công khai lên.
Tôi thấy có nhiều cái rắc rối, không đúng thực tiễn lắm. Ví dụ quay các hoàn cảnh để từ thiện mà đi trình lên các cơ quan Chính quyền địa phương như vậy thì rất là khó. Thủ tục rườm rà, giúp tức thời thì hơi khó. Ví dụ một số nhân vật mình giúp luôn người ta trong lúc khó khăn ngặt nghèo, chứ bây giờ mà chờ giấy tờ tùm lum thứ thì làm sao mà làm được".
Ông Khánh là chủ một kênh YouTube có nội dung chia sẻ, kết nối người nghèo với các mạnh thường quân cả trong và ngoài nước. Ông nói với RFA rằng ông chỉ nhận tiền giúp, rồi chuyển lại cho các hoàn cảnh khó khăn chứ ông không kêu gọi quyên góp. Ông Khánh cho rằng như vậy thì Nghị định này không ảnh hưởng gì công việc mà ông đang làm :
"Tôi không bao giờ dùng câu chữ là mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ cho người này người kia. Tôi chỉ chia sẻ câu chuyện đó thôi. Ai muốn giúp đỡ thì họ có hai cách, thứ nhất là chia sẻ trực tiếp cho những người gặp khó khăn, hoặc là họ liên hệ với tôi. Chứ tôi tôi không phải là người đứng ra đi hô hào kêu gọi.
Thực sự thì tôi cũng không ngại. Có nghị định để bảo vệ cho người dân cũng là điều tốt thôi".
Theo nội dung Nghị định, đối với trường hợp cá nhân đứng ra tiếp nhận đóng góp thì phải mở một tài khoản riêng biệt để nhận tiền, phải có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật…
Ngoài ra, người đó có trách nhiệm thông báo trên truyền thông mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản hay địa điểm tiếp nhận, đồng thời gửi bằng văn bản theo mẫu đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã để Chính quyền có thể hướng dẫn, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Khi thực hiện phân phối quà, cá nhân phải thông báo với UBND địa phương để được hướng dẫn về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ.
Khi kết thúc đợt từ thiện, cá nhân phải ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp rồi gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấpxã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Đồng thời công khai giải ngân trên các phương tiện truyền thông.
Cá nhân có thể bàn với người đóng góp về cách sử dụng số tiền, hiện vật còn dư sau khi đã kết thúc đợt từ thiện, hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.
Đối với các tổ chức Nhà nước đứng ra kêu gọi đóng góp như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, các cơ quan thông tin đại chúng…, Nghị định này yêu cầu phải công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Các tổ chức này phải công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận ; Công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng bằng cách niêm yết công khai tại trụ sở tổ chức, cơ quan, đơn vị, điểm sinh hoạt cộng đồng và công khai trên trang thông tin điện tử trong 30 ngày, hoặc thông báo ba ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình.
Người dân nhận hàng cứu trợ lũ lụt ở Quảng Bình hôm 26/10/2021. Reuters
Bà Hương (đã đổi tên vì lý do an toàn), đang ở TPHCM, bình luận với RFA về Nghị định này rằng các tổ chức Nhà nước nên "đi đầu" trong việc công khai, minh bạch chuyện giải ngân các khoản tiền kêu gọi người dân đóng góp để làm gương cho dân.
Bà nói sau mỗi đợt thiên tai, các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ hay Hội Phụ nữ đều kêu gọi người dân đóng góp giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả, thậm chí trừ thẳng một ngày lương của viên chức. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ thấy một dòng sao kê nào từ các tổ chức trên :
"Luật pháp phải áp dụng với tất cả mọi người và không có đối tượng được loại trừ. Tôi chưa từng thấy và bây giờ tôi cũng rất hiếu kỳ muốn được xem sao kê của Nhà nước về tiền hỗ trợ người dân. Nhà nước bây giờ ra một cái nghị định mới thì phải làm gương đi. Hãy in sao kê đi !
Minh bạch là không có đối tượng loại trừ. Ai cũng phải mình bạch hết, chứ không phải là Nhà nước thì có quyền không minh bạch.
Ngay cả như Quỹ vắc-xin, tôi cá là mọi người chưa coi được một dòng sao kê nào đâu. Tôi chưa tìm được một dòng sao kê nào của quỹ vắc-xin cả, mà cái quỹ vắc-xin tiền tới hơn 8.000 tỷ".
Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 do Chính phủ thành lập vào ngày 26/5/2021 nhằm kêu gọi mọi người đóng góp cho việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Theo báo cáo trên trang thông tin chính thức của quỹ vắc-xin này, tính đến ngày 28/10/2021, tổng số tiền nhận được là 8.791,4 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi 7.072,4 tỷ đồng. Trong đó, danh sách người đóng góp tiền được đăng công khai nhưng không có danh sách về các khoản tiền đã giải ngân, và cũng hoàn toàn không có bằng chứng nào chứng minh cho số tiền nhận vào hay đã chi ra của quỹ này.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 28/10/2021