Hàn Quốc nêu khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine, liên quan Nga, Triều Tiên
Vĩnh Khang, Pháp Luật online, 21/06/2024
Phía Hàn Quốc vừa lên tiếng rằng nước này sẽ xác định mức độ viện trợ vũ khí cho Ukraine dựa trên lập trường của Nga đối với mối quan hệ của Moscow với Triều Tiên.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chang Ho-jin. Ảnh : Yonhap
Ngày 21/6, một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói rằng Seoul sẽ xác định mức độ viện trợ vũ khí cho Ukraine dựa trên lập trường của Nga đối với mối quan hệ của Moscow với Triều Tiên, theo hãng thông tấn Yonhap.
"Có nhiều lựa chọn khác nhau để cung cấp vũ khí và quan điểm của chúng tôi về những diễn biến gần đây giữa Nga và Triều Tiên phụ thuộc vào cách Nga tiếp cận tình hình trong tương lai" - Yonhap dẫn lời quan chức Văn phòng tổng thống Hàn Quốc.
Trước đó một ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chang Ho-jin cho biết Hàn Quốc sẽ xem xét khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm điều khoản về phòng thủ chung.
Đáp lại phát ngôn của ông Chang, ông Putin cảnh báo Hàn Quốc có thể sẽ mắc phải "sai lầm lớn” nếu Seoul cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Cho đến nay, Hàn Quốc chỉ cung cấp các vật phẩm và thiết bị không sát thương cho Ukraine.
Theo các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc, trong số các loại vũ khí tiềm năng đang được xem xét có đạn pháo 155 mm cũng như các hệ thống phòng không cho Ukraine, theo Yonhap.
Các quan chức Seoul vẫn duy trì sự mơ hồ về mặt chiến lược liên quan các loại vũ khí có thể cung cấp cho Ukraine và điều này được coi là một động thái ngoại giao nhằm gây áp lực lên Moscow phải kiềm chế chuyển giao công nghệ quân sự quan trọng cho Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến liên quan, một số nguồn tin ngoại giao nói rằng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc dự kiến cuối ngày 21-6 sẽ triệu tập đại sứ Nga tại Seoul nhằm phản đối Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên.
Vĩnh Khan
Nguồn : Pháp Luật online, 21/06/2024
*************************
Kiev tố cáo Bắc Triều Tiên hỗ trợ quân đội Nga giết hại thường dân Ukraine
Thùy Dương, RFI, 20/06/2024
Ngay sau thông báo ngày 19/06/2024 về thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Moskva và Bình Nhưỡng nhân chuyến công du Bắc Triều Tiên của tổng thống Nga Vladimir Putin, chính quyền Kiev đã có phản ứng gay gắt, tố cáo vũ khí Bắc Triều Tiên đã được quân đội Nga sử dụng để giết hại hàng loạt thường dân Ukraine vô tội.
Một khu nhà bị oanh kích tại Sviatohirsk, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh chụp ngày 14/11/ 2022. AP - Andriy Andriyenko
Theo tổng thống Nga, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Moskva và Bình Nhưỡng bao gồm "sự tương hỗ" quân sự ngay lập tức trong trường hợp 1 trong 2 bên bị tấn công vũ trang từ bên ngoài. Chính vì thế, Kiev càng có lý do để lo ngại về nguy cơ Nga tăng cường sử dụng vũ khí của Bắc Triều Tiên trên chiến trường Ukraine.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan hôm nay 20/06 cho biết thêm :
"Bắc Triều Tiên hiện nay tích cực hợp tác với Nga trong lĩnh vực quân sự và cố tình cung cấp nguồn lực để giết hàng loạt người Ukraine". Đây là những bình luận cực kỳ gay gắt của Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sau thông báo về quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Moskva và Bình Nhưỡng.
Ông Mykhailo Podolyak cáo buộc Bắc Triều Tiên cung cấp cho Moskva "một lượng lớn đạn pháo cỡ lớn", giúp Nga "duy trì cường độ tấn công mạnh bằng pháo và tên lửa". Theo ông, điều này tác động đến diễn biến của cuộc chiến và làm tăng đáng kể số nạn nhân là dân thường.
Trên thực tế, Bình Nhưỡng có thể đã chuyển cho Nga hơn 5 triệu đạn pháo, trong đó có khoảng 3 triệu đạn pháo 152 ly, và lượng dự trữ này đã cho phép quân đội Nga bù đắp số đạn dược cạn kiệt và duy trì hỏa lực chống lại các lực lượng của Ukraine.
Thêm vào đó, hồi đầu năm 2024, quân đội Nga đã oanh kích Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, bằng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Tại Kiev, nhiều quan chức lo ngại rằng việc Nga tăng cường sử dụng vũ khí Bắc Triều Tiên và trong tương lại là vũ khí Iran để tấn công Ukraine, trong khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng phương Tây chậm trễ trong việc giao vũ khí để giúp Ukraine phòng phủ".
Chính quyền Mỹ hôm qua nhắc lại là sự hợp tác gia tăng giữa Nga và Bắc Triều Tiên là xu hướng "đáng lo ngại", việc hai nước này xích lại gần nhau sẽ dẫn đến việc Bình Nhưỡng cung cấp thêm đạn dược và tên lửa cho Nga duy trì chiến tranh Ukraine.
Hôm nay 20/06, Tokyo cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về việc ông Putin không loại trừ khả năng hợp tác kỹ thuật - quân sự với chế độ Kim Jong-un. Theo AFP, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, cho biết, kiểu hợp tác này "có thể cấu thành sự vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, xét về tác động đối với sự an ninh" của Nhật Bản và khu vực.
Thùy Dương
***************************
Nga và Bắc Triều Tiên ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược
Minh Anh, RFI, 19/06/2024
Hôm 19/06/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin, sau nhiều giờ đến muộn, đã có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng. Truyền thông Nga loan báo hai bên đã ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ đón tiếp ở quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 19/06/2024 via Reuters - Gavriil Grigorov
Theo Reuters, thỏa thuận đối tác bao gồm một điều khoản phòng thủ chung, theo đó, hai bên chấp nhận giúp đỡ nhau đẩy lui một cuộc xâm hấn từ bên ngoài, theo như tuyên bố từ tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thỏa thuận còn cho phép mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định thỏa thuận này, về cơ bản, là "hoàn toàn hiếu hòa và có tính phòng thủ". Trong cuộc họp báo hiếm có sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Nga, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho rằng "mối quan hệ Nga – Triều đã được nâng lên tầm cao mới của một mối quan hệ đồng minh".
Từ Seoul, thông tín viên đài RFI, Celio Fioretti cho biết thêm :
"Kim Jong-un và Vladimir Putin đã bước ra ngoài, đứng cạnh nhau trên một xe ô tô rời quảng trường Kim Nhật Thành trước sự hân hoan của hàng người dân Bắc Triều Tiên. Hai nguyên thủ quốc gia đã gặp nhau để chính thức hóa văn kiện. Nếu như nội dung các thỏa thuận và cuộc thảo luận vẫn được giữ bí mật, Kim Jong-un đã tuyên bố hai nước tăng cường hợp tác chiến lược.
Về phần mình, ông Vladimir Putin, đã cảm ơn Bắc Triều Tiên vì đã hậu thuẫn cuộc chiến ở Ukraine. Quả thực, Bình Nhưỡng dường như đã cung cấp tên lửa và đạn pháo cho quân đội Nga. Hồi tháng Giêng năm nay, một tên lửa do Bắc Triều Tiên sản xuất đã được tìm thấy trên chiến trường Ukraine. Ông Kim Jong-un đã ủng hộ vô điều kiện chính sách của Nga.
Ngoài các cuộc thảo luận quân sự, hai nguyên thủ quốc gia còn đề cập đến các vấn đề kinh tế và năng lượng. Tổng thống Nga cuối cùng đã bày tỏ mong muốn được gặp lại Kim Jong-un lần này là ở Moskva. Đây rất có thể sẽ là lần gặp thứ tư giữa hai nguyên thủ và đây cũng dịp để lãnh đạo Bắc Triều Tiên xuất ngoại",
Minh Anh
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence (giữa) ở Khu phi quân sự (DMZ) trên biên giới giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc vào ngày 17 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tin tưởng có thế đạt được mục tiêu không có võ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên bằng giải pháp ôn hòa, ngoại giao, cho dù các nước đang âu lo trước tin Bắc Hàn sẽ nổ thử nghiệm hạt nhân.
Trong cuộc họp báo tại Sydney, Úc, Phó tổng thống Hoa Kỳ cho hay Washington và các đồng minh trong khu vực tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu này với sự trợ giúp của Trung Quốc, nói thêm “phấn khởi trước những việc Bắc Kinh làm trong thời gian gần đây” trong nỗ lực cùng thế giới đẩy Bình Nhưỡng tới chỗ phải ngưng theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và những hành động mang tính gây hấn mà Bắc Hàn thường làm.
Đầu tuần này, tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đưa ra lời ca ngợi tương tự, nói rằng Trung Quốc đang tiếp tay để ngăn chận “những hành động điên rồ của Bắc Hàn”, sau khi Bình Nhưỡng lên tiếng đe dọa sẽ tung ra “cuộc tấn công phủ đầu khủng khiếp” không chỉ “quét sạch các lực lượng đế quốc Mỹ xâm lược ở Nam Hàn mà còn sẽ nhấn chìm cả nước Mỹ trong tro bụi”.
Bản tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn còn viết rằng Bình Nhưỡng không ngần ngại sử dụng võ khí hạt nhân để chống trả mọi âm mưu gây chiến, nói rõ họ có đủ sức mạnh quân sự và hạt nhân “để đánh thắng Mỹ”.
Song song với lời đe dọa vừa nêu, tin tức đều nói thứ Ba tới đây nhân dịp tổ chức kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội, Bình Nhưỡng sẽ phô trương sức mạnh quân sự của họ cũng như có thể cho nổ thử nghiệm hạt nhân.
Hình ảnh ghi nhận được bởi vệ tinh cho thấy “đang có hoạt động nhộn nhịp ở căn cứ Punggye-ri”, nơi Bắc Hàn thường dùng để nổ thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, ngay chính các chuyên gia quốc tế về Bắc Hàn đều nói không rõ đây chỉ là hoạt động bình thường hay là Bình Nhưỡng đang sửa soạn nổ thử nghiệm hạt nhân.
Trước nguy cơ mức độ căng thẳng có thể tăng cao hơn, Tổng thống tạm quyền Hàn quốc Hwang Kyo-ahn nói trong một cuộc họp với các quan chức cao cấp của Hàn Quốc rằng “quân đội và an ninh lúc nào cũng phải cảnh giác”. Truyền thông ở Seoul cũng trích dẫn lời một quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc Phòng cho hay quân đội “luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng đương đầu với những trở ngại do Bình Nhưỡng gây nên”.
Một viên chức Nam Hàn cho hay đặc sứ Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản chuyên trách vấn đề Bắc Hàn dự kiến gặp nhau vào thứ Ba tuần tới để thảo luận phương cách giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên, tìm cách áp lực Bắc Hàn ngưng những hành động có tính cách khiêu khích, đồng thời bảo đảm vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong vấn đề hạn chế khả năng phát triển vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng.
*****************
Mike Pence : Mỹ và đồng minh sẵn sàng tấn công Bắc Triều Tiên (RFI, 22/04/2017)
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (T) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, trước cuộc họp báo chung tại Sydney, ngày 22/04/2017. Reuters
Theo trang báo mạng theguardian.com, trong cuộc họp báo tại Sydney nhân chuyến viếng thăm Úc, hôm nay 22/04/2017, phó tổng thống Mỹ Mike Pence một lần nữa tuyên bố Mỹ "đã đặt trên bàn" mọi phương án, bao gồm cả can thiệp quân sự, để đối phó với mối đe dọa vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Pence cũng nhấn mạnh hy vọng Trung Quốc sẽ gây áp lực được với Bình Nhưỡng trên hồ sơ hạt nhân.
Cụm từ "mọi phương án đã được đặt trên bàn" được phó tổng thống Mỹ nhắc lại đến 3 lần trong cuộc họp báo. Ông Mike Pence tuyên bố : "Khi mà mọi phương án đã được đặt trên bàn, tôi xin phép bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Úc, với các đồng minh trong khu vực và với Trung Quốc để gây áp lực về kinh tế, ngoại giao lên chế độ Bình Nhưỡng, cho đến khi họ từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo ".
Phó tổng thống Mỹ cũng nói thêm "nếu Trung Quốc không có khả năng đối phó với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ làm điều đó".
Dư luận đã được nghe những phát ngôn cứng rắn như vậy của ông Mike Pence trong suốt chuyến công du Châu Á Thái Bình Dương của phó tổng thống Mỹ, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Úc.
Canberra cũng đồng thanh với lập trường của Washington. Thủ tướng Úc Turnbull khẳng định Bắc Kinh phải có trách nhiệm gây sức ép đối với chế độ Bình Nhưỡng . Ông tuyên bố trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, "mọi cặp mắt đang hướng về Bắc Kinh ".
Trong tuần Nhà Trắng đã bị lúng túng với thông tin cho rằng tàu sân bay US Carl Vinson cùng hạm đội vẫn còn ở cách bán đảo Triều Tiên 5000 km và di chuyển theo hướng ngược lại, trong khi trước đó tổng thống Donald Trump thông báo đã điều cụm tàu tác chiến trên đến hướng bán đảo Triều Tiên để sẵn sàng đáp trả các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Vẫn trong cuộc họp báo hôm nay tại Sydney, phó tổng thống Mike Pence khẳng định tàu sân bay Carl Vinson cùng các chiến hạm phóng tên lửa vẫn đang trên đường hướng tới bán đảo Triều Tiên và "sẽ đến biển Nhật Bản trong vài ngày tới, trước khi hết tháng này ".
Anh Vũ
************************
Hội Đồng Bảo An lên án Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn (RFI, 21/04/2017)
Bản sao tên lửa Unha-3 được trưng bày tại Khu Liên Hợp Khoa Học - Kỹ Thuật, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, 17/04/2017. REUTERS/Damir Sagolj
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua 20/04/2017 đã nhất trí thông qua nghị quyết cực lực lên án việc Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn mới đây, đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới.
Mười lăm quốc gia thành viên Hội Đồng Bảo An nhất trí lên án "thái độ gây bất ổn nghiêm trọng" của Bình Nhưỡng, kêu gọi "không nên tiến hành các vụ thử nguyên tử mới". Hội đồng cũng đe dọa sẽ "có những biện pháp quan trọng, kể cả trừng phạt".
Nghị quyết lần này ghi rõ từ "trừng phạt", trong khi các văn bản trước đây chỉ nêu ra "các biện pháp bổ sung", cho thấy tính chất nghiêm khắc đã tăng lên. Các thành viên của Hội Đồng Bảo An đã thông qua được nghị quyết, sau khi yêu cầu của Nga đòi nhấn mạnh nhu cầu tìm ra giải pháp "thông qua đối thoại" được ghi nhận.
Trước đó, Nga đã bác bỏ một dự thảo nghị quyết lên án vụ bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên, dù Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng đã bật đèn xanh.
Hội Đồng Bảo An sẽ họp lại vào ngày 28/4 tới về hồ sơ Bắc Triều Tiên, dưới sự chủ trì của chủ tịch luân phiên là Hoa Kỳ, do ngoại trưởng Rex Tillerson đại diện. Không có nghị quyết nào được dự trù trong hội nghị này, nhưng Mỹ và các đồng minh dự định nhân dịp này sẽ gây áp lực đối với Trung Quốc để Bắc Kinh tác động lên Bình Nhưỡng.
Về phía Hàn Quốc hôm nay lại đặt trong tình trạng báo động chiến tranh với miền Bắc. Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết sẽ bàn bạc với Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thứ Ba tới "để nghiên cứu làm cách nào đối phó với các khiêu khích mới của Bắc Triều Tiên". Hiện nay cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà Bình Nhưỡng luôn cáo buộc là hành động "chuẩn bị xâm lược" - đang diễn ra cho đến ngày 28/4.
Tờ Daily Mail của Anh hôm qua đưa tin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho gởi quân lính và thiết bị đến vùng biên giới với Bắc Triều Tiên, vì lo sợ Donald Trump sẽ ra lệnh tấn công chế độ Kim Jong-un.
*********************
Bắc Hàn có thể cho nổ thử nghiệm hạt nhân vào tuần tới (RFA, 21/004/2017)
Bắc Hàn phóng 4 tên lửa đạn đạo hôm 7/3/2017. AFP photo
Nam Hàn vào ngày 21 tháng tư cho biết đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước khi Bắc Hàn chuẩn bị phô trương thanh thế bằng lễ duyệt binh kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân Đội Triều Tiên vào thứ ba tuần tới.
Bản tin Reuters hôm nay cho thấy dịp này Bình Nhưỡng tập trung vào các loại vũ khí mạnh mà họ thủ đắc, trong đó không loại trừ khả năng cho tiến hành một vụ nổ thử nghiệm hạt nhân khác nữa.
Tin nói các giới chức Hoa Kỳ, Nam Hàn cũng như Trung Quốc mấy tuần qua đều theo dõi diễn biến về sự kiện mà Bắc Hàn cho là rất quan trọng này với quan ngại Bình Nhưỡng vẫn bất chấp lệnh chế tài của Liên Hiệp Quốc cho nổ thử nghiệm hạt nhân một lần nữa.
Một viên chức Nam Hàn cho hay đặc sứ Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản chuyên trách vấn đề Bắc Hàn dự kiến gặp nhau vào thứ Ba tuần tới để thảo luận phương cách giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên, tìm cách áp lực Bắc Hàn ngưng những hành động có tính cách khiêu khích, đồng thời bảo đảm vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong vấn đề hạn chế khả năng phát triển vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên cách chức Bộ trưởng An ninh, hành quyết nhiều sĩ quan (RFI, 03/02/2017)
Bình Nhưỡng lại tiến hành thêm một vụ thanh trừng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã cách chức đại tướng Kim Wong-hong, đưa nhân vật thân cận này đi lao động cải tạo và xử bắn nhiều sĩ quan tình báo. Tin này do Bộ Thống Nhất Hàn Quốc loan báo ngày 03/02/2017.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, tháng 01/2017.© KCNA/via Reuters
Bộ trưởng An ninh Quốc Gia Bắc Triều Tiên và cũng là cánh tay mặt của Kim Jong-un là nạn nhân mới trong chính sách thanh trừng đẫm máu. Phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Hàn Quốc Jeong Joon Hee cho biết đại tướng Bắc Triều Tiên Kim Wong-hong bị mất chức Bộ trưởng An Ninh, bị giáng cấp xuống thiếu tướng và bị đưa đi cải tạo từ giữa tháng 01/2017 vì tội "lạm quyền". Một số sĩ quan và cán bộ của sở tình báo, thuộc quyền của Kim Wong-hong cũng bị hành quyết theo lệnh của Kim Jong-un.
Theo AFP, trong chế độ Bình Nhưỡng, Bộ An ninh là cơ quan cốt lõi có vai trò tình báo, theo dõi kềm kẹp dân chúng, trấn áp những người chống đối và quản lý các nhà tù chính trị.
Sự kiện Kim Wong-hong bị thanh trừng cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên có nguy cơ bất ổn thêm, thành phần có ưu quyền hoang mang hơn vì không biết ngày mai số phận ra sao.
Đại tướng Kim Wong-hong nắm quyền trong suốt các đợt thanh trừng từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền từ năm 2011. Bốn trong số năm tướng lãnh cao cấp nhất cha Kim Jong-un để lại cùng với hơn một trăm sĩ quan và đảng viên khác đã bị hành quyết. Đứng đầu Bộ An ninh và Tình báo từ năm 2012, Kim Wong-hong đóng vai trò then chốt trong vụ hành quyết Jang Song-thaek, chú dượng của lãnh đạo Kim Jong-un, và cũng là nhân vật số hai của chế độ vào năm 2013.
Theo AFP, trong diễn văn đầu năm 2017, Kim Jong-un "nhận lỗi" đã không phục vụ "nhân dân" một cách tốt đẹp. Rất có thể hàng loạt quan chức chính quyền sẽ bị đưa ra làm "vật tế thần" trong năm nay để nhà độc tài trẻ tuổi chạy tội, theo báo cáo của Viện Chiến Lược và An ninh Quốc Gia tại Seoul.
Tú Anh
***********************
Mỹ : Nếu tấn công hạt nhân, Bắc Triều Tiên sẽ bị giáng trả "vùi dập" (RFI, 03/02/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis. Mandel Ngan / AFP
Trong chuyến công du Seoul, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hôm nay, 03/02/2017, có một tuyên bố mạnh mẽ để trấn an đồng minh Hàn Quốc : Hoa Kỳ sẽ có các phản ứng "hữu hiệu", nếu Bình Nhưỡng có động thái gây hấn. Lãnh đạo Bộ Quốc Phòng hai nước cũng nhất trí thúc đẩy chương trình lá chắn tên lửa THAAD, để đối phó với Bắc Triều Tiên.
Theo AFP, phát biểu với báo giới tại Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, trước cuộc gặp đồng nhiệm Han Min-koo, Bộ trưởng Mỹ James Mattis nhấn mạnh : "Bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Mỹ, hay các đồng minh sẽ bị đánh bại, và bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ bị giáng trả một cách hữu hiệu và áp đảo".
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định : Bảo vệ đồng minh Seoul là "ưu tiên" của Washington, và Hoa Kỳ cam kết "triệt để hậu thuẫn" nền dân chủ Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Trump công du nước ngoài. Theo giới quan sát, mục tiêu chủ yếu của chuyến đi này là nhằm trấn an các quốc gia Đông Bắc Á. Hàn Quốc lo ngại về tương lai của liên minh quân sự lâu đời với Hoa Kỳ, sau khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản nếu các đối tác không tăng mạnh các đóng góp tài chính. Các phát biểu của Bộ trưởng James Mattis trong chuyến công du Hàn Quốc vừa qua được đánh giá là tiếp nối chính sách ngoại giao truyền thống của Mỹ với các đồng minh Châu Á.
Hôm 02/02/2017, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn đã đồng ý thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước các đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2017.
Theo các chuyên gia, trong thời gian gần đây, chế độ Kim Jong-un đã có những tiến Bộ đáng kể trong chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công đến Hoa Kỳ. Trong năm 2016, Bình Nhưỡng đã thử bom nguyên tử hai lần và thử tên lửa hàng chục lần. Trong một phát biểu đầu năm mới 2017, Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sắp thử tiếp hỏa tiễn xuyên lục địa.
Tháng 02/2016, sau khi Bình Nhưỡng thử nguyên tử, chính quyền Seoul đã chấp nhận kế hoạch triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, tuy nhiên địa điểm cụ thể lắp đặt dự án này còn chưa được quyết định. Bắc Kinh - đồng minh số một của Bắc Triều Tiên - phản ứng rất mạnh với dự án hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, với lý do hệ thống này có thể ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc.
Trước khi rời Hàn Quốc tới Nhật Bản hôm nay, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tới đặt hoa tại tượng đài chiến sĩ vô danh tại Seoul, và gặp gỡ hàng trăm cựu chiến binh Hàn Quốc, từng tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cùng những người ủng hộ.
Tại Tokyo, ông James Mattis sẽ gặp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Tomomi Inada.
Trọng Thành