Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vừa qua, ngày 15/5, ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương – có một bài viết đáng chú ý trên hệ thống báo đảng, với tựa đề, "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam". Bài viết của ông Thưởng cho thấy, ông hoặc một số lãnh đạo cộng sản cao cấp đang có một mối lo lắng nhất định đối với thứ chủ nghĩa này.

populism1

Chiều 5/2/2017, Bộ Chính trị công bố quyết định phân công ông Võ Văn Thưởng thôi tham gia Ban chấp hành Đảng Bộ Thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương và ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Thanh Niên

Tôi khá ngạc nhiên khi đọc bài viết vì thật ra nói chung, nghe nói tới từ "chủ nghĩa" là tự động người dân Việt Nam sẽ liên tưởng tới "Mác Lênin". Và chủ nghĩa Mác Lênin là cái thứ chủ nghĩa đã dìm dân tộc này xuống đáy, thậm chí Việt Nam giờ đây nhiều mặt đã thua cả Lào và Campuchia, vậy thì còn có cái chủ nghĩa gì đáng sợ hơn cả chủ nghĩa Mác Lênin nữa ?

Chủ nghĩa dân túy là gì ?

Hãy nghe ông Võ Văn Thưởng định nghĩa về chủ nghĩa dân túy : 

"Trong ngôn ngữ hằng ngày ở châu Âu, châu Mỹ lẫn ở châu Á, dân túy thường dùng để chỉ trích một đảng phái, một vài chính trị gia nào đó đang tìm kiếm sự thu hút, ủng hộ của dân chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại.

Vì vậy, từ các cách tiếp cận trên, có thể nhìn nhận, khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân".

Như thế, liên tưởng tới đảng cộng sản thời kỳ còn chưa cướp được chính quyền, ta có thể thấy đảng cộng sản cũng sử dụng chủ nghĩa dân túy để đạt được mục đích.

populism2

Trong thời kỳ chưa cướp đạt được chính quyền, Đảng cộng sản Việt Nam đã sử dụng chủ nghĩa Mác-Lênin như một chiêu bài dân túy để đạt mục đích

Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ Chí Minh cũng đưa ra những ngôn từ "êm tai nhưng trống rỗng" như "dân chủ", "cộng hòa", "tự do", "bình đẳng", "độc lập"… để giành được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đã củng cố được quyền lực, giới lãnh đạo cộng sản đã thực thi chế độ độc đảng toàn trị. Dân hoàn toàn mất quyền lợi căn bản nhất trong thể chế dân chủ cộng hòa là được bầu ra cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia qua bầu cử đa đảng tự do và công bằng, có nhiệm kỳ. Thật vậy, bầu cử độc đảng là không có bầu cử.

Là một quốc gia nông nghiệp, đa số người dân Việt Nam sống bằng nghề nông. Giới lãnh đạo cộng sản cũng đã từng đưa ra khẩu hiệu "người cày có ruộng", hứa hẹn sẽ chia lại ruộng đất cho nông dân. Đến giờ này thì tất cả đã lộ rõ, đó chỉ là "thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý đám đông", như lời của ông Thưởng.

Có rất nhiều ví dụ sống động là những vụ án về việc lãnh đạo cộng sản cướp đất của nông dân trong những năm gần đây như : Vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An, Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội), Đồng Tâm (Hà Nội), Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh)… Không thể kể hết sự phẫn uất ngút trời của người dân bị cướp đất ở Việt Nam. "Người cày" không hề "có ruộng" như hứa hẹn mà bị "cướp ruộng".

Chỉ từ một số ví dụ như trên, có thể khẳng định, giới lãnh đạo cộng sản cũng chẳng hề theo chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ sử dụng chủ nghĩa dân túy để độc chiếm quyền lực chính trị bất hợp pháp, từ đó vơ vét tài sản làm đầy túi riêng cho mình.

Chính ông Thưởng là người tiêu biểu cho chủ nghĩa dân túy trong đảng cộng sản

Ngạc nhiên thay, nhân vật đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi đọc bài viết của ông Võ Văn Thưởng lại chính là … ông Võ Văn Thưởng.

Cách đây đúng một năm, ngày 18/5/2017, ông Thưởng đã tuyên bố rất "kêu"

"Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý".

Nghe ông Thưởng nói câu này, hẳn những trí thức nặng lòng với dân tộc nhưng còn chưa hiểu rõ tính "mị dân" của giới lãnh đạo cộng sản, rất vui sướng. Chắc là cuối cùng nhà cầm quyền đã đồng ý đối thoại với người dân, nhất là với giới trí thức, với những người bất đồng chính kiến để tìm đường tháo gỡ bế tắc cho dân tộc ?

Nhưng không, từ khi ông Thưởng phát biểu câu này, công an Việt Nam đã tung ra một đợt trấn áp chưa từng có đối với phong trào dân chủ và xã hội dân sự. Hàng chục người đã bị bắt và bị kết án với những mức án rất nặng nề, vô nhân đạo như chị Trần Thị Nga (Thúy Nga), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Hoàng Bình, cùng các thành viên Hội Anh em dân chủ…

Phát biểu của ông Thưởng như vậy chỉ mang tính dân túy, "thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại". Bài viết của ông Thưởng hiện tại và câu nói của ông cách đây một năm đã minh chứng cho cả hệ thống chính trị xảo trá, mị dân và tàn bạo, là ví dụ rõ nét cho chủ nghĩa dân túy cộng sản. Giới lãnh đạo cộng sản quá sợ hãi trước việc đối thoại một cách thẳng thắn với người dân. Quá sợ nên mới phải dùng tới bạo lực, bất chấp pháp lý và đạo lý.

Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng là một nhân vật dân túy

Gần đây, ông Nguyễn Phú Trọng, chắc cũng được biết đến tình trạng dân chúng bất mãn cao độ vì sự lộng hành ngang ngược, coi thường luật pháp, tham nhũng vòi vĩnh đòi hối lộ của cán bộ đảng viên cộng sản, nên rất hay nói câu : " Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp".

Nghe câu nói này của ông Trọng có lẽ người dân sẽ nghĩ giới lãnh đạo cộng sản cuối cùng cũng đã chịu thừa nhận sai lầm, nhận là họ đã ngồi lên trên hiến pháp và luật pháp, và sẽ đồng ý thực hiện cơ chế tam quyền phân lập để giới hạn quyền lực, có sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh quyền lực nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư pháp, ngoài ra còn có sự giám sát quyền lực của người dân qua xã hội dân sự và báo chí tự do.

Tuy nhiên, ngày 15/11/2017, chính Bộ Chính trị của đảng Cộng sản lại đưa ra quy định 102-QĐ/TW, cấm đảng viên cộng sản không được đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên đa đảng", tức là giới lãnh đạo cộng sản phủ nhận hoàn toàn các cơ chế được cả thế giới văn minh áp dụng để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền của đảng cai trị.

Như thế, rõ ràng ông Trọng cũng chỉ đi lừa mị nhân dân, nói những câu để người dân ảo tưởng là giới lãnh đạo cộng sản sẽ thay đổi. Chính bản thân ông Trọng từng sổ toẹt về việc đảng cộng sản đứng trên "cái lồng" hiến pháp và luật pháp qua câu nói "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau cương lĩnh của đảng [cộng sản]".

Giới lãnh đạo cộng sản nên chấm dứt mâu thuẫn

Người dân Việt Nam có thể dễ dàng chỉ ra rất nhiều điểm vô lý, mâu thuẫn, mị dân trong lời nói, hành động của các cán bộ cộng sản, đã được chính báo chí nhà nước đăng tải hàng ngày. Hai ví dụ về ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Phú Trọng ở trên, phần nào cho thấy được bức tranh về chủ nghĩa dân túy cộng sản ở Việt Nam.

Có những phỏng đoán cho rằng, qua bài viết về chủ nghĩa dân túy, ông Thưởng muốn ám chỉ một số nhân vật trong đảng cộng sản đang cạnh tranh quyền lực với ông. Bài viết của ông là phát súng đầu tiên nhắm vào các nhân vật này.

Tôi không phải là người ở trong hàng ngũ đảng viên cộng sản cao cấp nên không biết thực hư thế nào. Tôi viết bài viết này để chỉ ra rằng, không có đảng viên cộng sản cao cấp nào mà không dân túy, không mị dân, không đạo đức giả. Việc ông Thưởng chọn vũ khí "dân túy" để triệt hạ đối thủ chính trị của ông, coi chừng lại bị lâm vào cảnh "gậy ông đập lưng ông".

Chừng nào mà giới lãnh đạo cộng sản còn kiên trì chế độ độc đảng toàn trị, chừng đó bắt buộc họ sẽ phải sử dụng các kỹ thuật dân túy để lừa mị nhân dân, câu giờ cho chế độ chuyên chính kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó, để họ tiếp tục đè đầu, cỡi cổ dân, để "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Trung Nguyễn

Nguồn : © Copyright Tiếng Dân (20/05/2018)

Published in Diễn đàn

Ngày 30/4/2018 trôi qua cũng đã lâu, tuy nhiên đến giờ này tôi mới đọc được bài viết của một "học giả" xã hội chủ nghĩa khá nổi tiếng là ông Nguyễn Trần Bạt bàn về "hòa hợp hòa giải" dân tộc. Một chủ đề rất hay và cũng rất khó, và cũng chưa bao giờ lỗi thời.

tb0

Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh : Internet

Tôi phải thú nhận là thời sinh viên tôi rất hâm mộ ông Nguyễn Trần Bạt. Tôi còn nhớ tôi từng tần ngần đứng trước chồng sách dày cộp của ông Bạt trong nhà sách bàn về mọi chủ đề triết học, chính trị, xã hội,… Lý do là tôi muốn mua sách về đọc nhưng tôi không có đủ tiền. Tôi vẫn tin là ông Bạt luôn nỗ lực thúc đẩy các lãnh đạo cộng sản cải cách theo hướng dân chủ.

Vậy mà sau khi đọc bài phỏng vấn của báo Tiền Phong với ông Bạt, thần tượng một thời trong tôi sụp đổ hoàn toàn. Những câu trả lời của ông Bạt đầy rẫy ngụy biện, và thậm chí tàn nhẫn mất nhân tính, nịnh bợ chế độ độc đảng toàn trị. Đó là lý do thôi thúc tôi phải viết bài viết dài này để trao đổi với ông Bạt, cũng như là để góp thêm một cái nhìn về "hòa hợp, hòa giải".

Vừa ngăn cấm lập hội, vừa than không có ai tập hợp ?

Ông Nguyễn Trần Bạt viết : "Hòa giải là phải có hai bên, bên thắng trận đã được khẳng định và vẫn còn nguyên đó, còn bên bại trận thì ai tập hợp để đặt ra vấn đề hòa giải ?"

Thực sự nếu ông Bạt theo dõi thời sự Việt Nam nói về dân chủ, ông sẽ thấy là an ninh Việt Nam luôn hạch hỏi, sách nhiễu những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng ở Sài Gòn để được khám chữa bệnh. Các linh mục đứng ra tổ chức việc giúp đỡ những người cùng khổ này cũng bị đe dọa.

Ngoài ra, người dân tổ chức đi thăm viếng nghĩa trang của các liệt sỹ Việt Nam Cộng Hòa cũng bị những người quản lý nghĩa trang dằn mặt, đe dọa, thậm chí xua đuổi.

Những việc nhân đạo bình thường trong một xã hội nhân bản đã trở thành cái gai trong mắt của nhà cầm quyền, nắm trong tay hàng trăm ngàn quân đội, công an. Liệu có cần phải có ai đó đứng ra tập hợp để đặt vấn đề hòa giải không ? Tại sao cùng là người Việt Nam mà đối xử tàn nhẫn với nhau như vậy ? Rõ ràng những người lãnh đạo đảng cộng sản không hề muốn hòa giải dân tộc.

Nếu các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa lập một hội tương tế và bầu ra hội trưởng, ông Bạt có biết số phận cái hội đó và người được bầu ra để tập hợp mọi người sẽ bị đàn áp thế nào không ? Một mặt thì giới lãnh đạo cộng sản không cho người dân có quyền tự do hội họp và lập hội như trong Hiến pháp cộng sản quy định, một mặt thì đi đặt câu hỏi "ai tập hợp". Ông Bạt có thấy ông và các lãnh đạo cộng sản là thứ đạo đức giả thế nào không ?

Thắng thì không cần hòa giải ?

Ông Bạt lại viết : "Do cuộc cách mạng lâu dài cho nên vấn đề ấy được giải quyết trong từng giai đoạn một, đến năm 1975 chúng ta chiến thắng và không còn phải giải quyết vấn đề hòa giải nữa.

…Tôi không nghĩ những người cộng sản Việt Nam vô tâm trong vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, nếu không hòa hợp dân tộc trước năm 1975 chúng ta không thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Ở đây ông Bạt lại tiếp tục ngụy biện khi cho rằng đảng cộng sản đã thắng thì không phải giải quyết vấn đề hòa giải. Chắc ông không biết sau năm 1975 có bao nhiêu người dân miền Nam phải đi kinh tế mới, bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc, bao nhiêu người phải liều mình trên những con tàu ọp ẹp để vượt biển tìm tự do, bao nhiêu người mất nhà mất tài sản ?

Ông Bạt có biết lịch sử nước Mỹ không ? Phe miền Bắc dù chiến thắng nhưng đã "hòa giải" ngay lập tức với phe miền Nam, tôn trọng phe miền Nam. Nếu phe miền Bắc không "hòa giải" thì liệu nước Mỹ có "hòa hợp" dân tộc để tiếp tục xây dựng quốc gia của họ thành siêu cường ?

Ông Bạt có biết lịch sử Nam Phi không ? Khi đảng ANC và Nelson Mandela lên nắm quyền, họ đã lập ra Ủy ban Sự thật và Hòa giải. Người da đen, đảng ANC đã thắng nhưng họ muốn hòa giải với người da trắng để cùng nhau xây dựng đất nước. Sao ông Bạt lại dám nói là người thắng thì không cần hòa giải ? Người da đen còn văn minh và nhân đạo hơn giới lãnh đạo cộng sản rất nhiều.

Cách đây 10 năm, năm 2008, Thủ tướng Úc đã chính thức xin lỗi thổ dân Úc vì những việc làm không đúng trong quá khứ với thổ dân. Người da trắng đi chiếm đất đã thắng thổ dân. Và sau hàng trăm năm họ vẫn phải xin lỗi thổ dân để bắt đầu "hòa giải" với nhau.

Hoặc nếu nói như kiểu ông Bạt, Trung Quốc đã "hòa hợp" với Việt Nam nên họ mới có thể đô hộ Việt Nam một ngàn năm ?

Trở lại Việt Nam, sau khi đã gây ra tang tóc cho bao nhiêu gia đình người dân miền Nam và cả người dân miền Bắc vì đã xua con em người dân miền Bắc vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nếu ông Bạt thấy không cần thiết phải hòa giải, đảng cộng sản Việt Nam không cần phải xin lỗi thì rõ ràng ông Bạt và giới lãnh đạo cộng sản tiếp tục nhắm mắt bịt tai phủ nhận sự thật. Và sự thật không được công nhận thì làm sao mà hòa giải chứ đừng nói tới hòa hợp dân tộc.

Cách mạng là không còn nhân tính ?

Ông Bạt lại viết : "Mấy năm cuối đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi có mối quan hệ với ông cụ. Chúng tôi có vài ba buổi nói chuyện với nhau, tôi không nghĩ ở trong ông có vấn đề hòa giải mà là sự áy náy của một người thắng trận. Một vài nhà lãnh đạo có tình cảm có thể có sự áy náy, lăn tăn về cái gì đó thái quá của người thắng trận, thí dụ như mình có thô lỗ, có kiêu ngạo, có quyết liệt quá chăng ? Thế nhưng, đấy là tình cảm không phải là vấn đề chính trị, nên không thể đặt ra vấn đề hòa giải. Nhiều khi những tình cảm như vậy phải giấu đi vì tính dứt khoát tiến công, tính nhất quán của tâm lý cách mạng".

Tôi rất thắc mắc câu khẳng định của ông Bạt là "tình cảm không phải là vấn đề chính trị" ? Có người nào làm chính trị mà không phải giành được tình cảm của người dân hay không ? Đảng cộng sản đã gây ra tình cảm chán ghét, thậm chí căm thù chế độ khi thẳng tay trả thù quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa và người dân miền Nam sau năm 1975. Mối căm thù đó còn kéo dài tới tận bây giờ, gây trở ngại rất lớn cho việc phát triển đất nước vì không tập hợp được người tài, nhất là các tài năng Việt kiều.

Nói theo kiểu ông Bạt, ra chiến trường thì dù là đồng bào với nhau cũng nên nhắm mắt lao vào bắn giết nhau để thỏa mãn thú tính là "tính dứt khoát tiến công", "tính nhất quán của tâm lý cách mạng" của giới lãnh đạo ? Nhưng thật ra loài thú cũng hiếm khi nào giết đồng loại của chúng. Những thứ lý tưởng có bề ngoài cao đẹp như "cách mạng" lại trở thành cái cớ để giết người. Đó là thứ lý tưởng, ý thức hệ bệnh hoạn, là lý do để giết người không gớm tay.

Ông Bạt cứ thử tưởng tượng ra cảnh ông đang đi dạo phố thì ông bị một người có ý thức hệ căm ghét cộng sản nhận ra ông và lao vào chém chết ông. Ông Bạt có vui lòng tha thứ cho người đó vì người đó đã "dứt khoát tiến công" ông hay không ?

Yêu nước không có nghĩa là "hòa hợp, hòa giải" với chế độ cộng sản

Ông Nguyễn Trần Bạt lại viết : "Một Phạm Duy tham gia kháng chiến từ những ngày đầu và một trong những người đầu tiên thẩm định và hát Tiến quân ca của Văn Cao. Một Phạm Duy dinh tê, chống cộng quyết liệt. Một Phạm Duy cùng hàng trăm ca khúc cổ vũ lính tráng Việt Nam Cộng hòa. Rồi Phạm Duy bùng sang Mỹ, cuối đời lại về xứ Việt ở và chết ở Sài Gòn".

Ở đây ông Bạt lại phạm vào lỗi ngụy biện khi cho rằng cuối đời nhạc sỹ Phạm Duy từ Mỹ về sinh sống và chết ở Sài Gòn nghĩa là Phạm Duy đã "hòa hợp, hòa giải" với chế độ cộng sản ? Ông Bạt cần nhận thức rằng tình cảm yêu nước, muốn sống và chết ở quê cha đất tổ là một tình cảm rất tự nhiên, hoàn toàn không liên quan đến chế độ đang cai trị tổ quốc. Phạm Duy về sống và chết ở Sài Gòn không có nghĩa là Phạm Duy ủng hộ hay hòa hợp với chế độ cộng sản. Cũng tương tự như vậy đối với hàng ngàn Việt kiều trở về nước sinh sống hay thành lập công ty làm ăn.

Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè, người thân của tôi đang sống và chết ở Việt Nam. Điều này không có nghĩa là chúng tôi "hòa hợp, hòa giải" với chế độ cộng sản vì quyền công dân, quyền con người của chúng tôi hoàn toàn không được tôn trọng.

Chế độ tư bản thân hữu hoang dã là hòa hợp dân tộc ?

Ông Nguyễn Trần Bạt lại hùng hồn tuyên bố rất "triết học" : "Đến giai đoạn hiện nay thì mở cửa và hội nhập, tham gia quá trình toàn cầu hóa về bản chất cũng là hòa hợp dân tộc. Những người cộng sản Việt Nam đã thay đổi bản thân mình từ Đại hội VI để tạo ra năng lực hội nhập, đấy là dấu hiệu triết học của quá trình hòa hợp dân tộc…

…Trước năm 1986 chúng ta không có kinh tế thị trường. Việc thừa nhận tồn tại kinh tế thị trường trong khuôn khổ không gian chính trị của người Việt là một bước hòa giải về mặt tư tưởng, đấy là bước tiến khổng lồ của những người cộng sản".

Thực chất của việc khởi động quá trình Đổi mới ở Việt Nam vào năm 1986 là do nền kinh tế tập trung, quan lieu, bao cấp theo học thuyết Mác Lênin đã tỏ ra bất hợp lý, gây nghèo đói bất mãn rộng khắp. Không có tiền thì chế độ cộng sản phải sụp đổ. Để tự cứu mình thì giới lãnh đạo cộng sản bắt buộc phải mở cửa nền kinh tế, "cởi trói" cho người dân làm ăn bình thường, và qua đó có tiền thu thuế để duy trì chế độ.

Việc "cởi trói" về kinh tế nhưng tiếp tục "trói buộc" về chính trị chỉ là thủ thuật để cứu vãn chế độ đang trên bờ vực sụp đổ. Một nền kinh tế vận hành theo đường lối tư bản thân hữu hoang dã đã tiếp tục gây thêm khổ nạn cho người dân Việt Nam như vụ xả thải của tư bản nước ngoài Formosa, vụ chính quyền cấu kết với doanh nghiệp sân sau để cướp đất dân Thủ Thiêm,…

Ông Bạt có bao giờ nói chuyện với ngư dân của các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi chất độc của Formosa chưa ? Ông có biết bao nhiêu người đã bị tù vì muốn giúp đỡ ngư dân miền Trung hay không ? Ông có biết bao nhiêu gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất, tan cửa nát nhà để giới lãnh đạo cộng sản "giàu, giàu nữa, giàu mãi" nhờ cướp đất hay không ? Đó là tôi chỉ mới kể hai trường hợp trong vô số trường hợp bất công trên đất nước này. Đó là lý do tại sao giới lãnh đạo cộng sản lại không thể sống "hòa hợp" với người dân Việt Nam hiện nay chứ chưa cần nói đến với những người thuộc Việt Nam Cộng Hòa trước đây ?

Thắng cuộc là nắm chân lý ?

Ông Nguyễn Trần Bạt lại viết : "Còn việc đặt ra vấn đề hòa giải hòa hợp, đâu đó trên truyền thông và mạng xã hội là chủ ý của một số lực lượng muốn những người cộng sản Việt Nam phải chính thức thừa nhận từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội. Tôi tin chắc rằng những người cộng sản không bao giờ chấp nhận điều ấy, không chấp nhận đòi hỏi ấy, vì họ là lực lượng duy nhất thắng trong một cuộc cách mạng và chiến tranh lâu dài hơn nửa thế kỷ.

…Không có kẻ thắng nào trên đời này từ bỏ các ưu thế của mình để hòa giải và hòa hợp với các lực lượng thua trận".

Ở đây, ông Bạt không tranh luận chủ nghĩa Mác Lênin đúng sai chỗ nào mà nói với một giọng rất kẻ cả như những tên du đãng ngoài đường, đó là kẻ mạnh nắm chân lý.

Lập luận của ông Bạt rất phù hợp với Trung Cộng. Trung Cộng đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Trung Cộng cũng ngăn cấm đàn em Việt Cộng khai thác dầu khí ngay trong thềm lục địa Việt Nam. Trung Cộng cũng trưng ra các bằng chứng ngụy tạo để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa. Thế thì chúng ta vì Trung Cộng đã thắng và đã chiếm đảo mà từ bỏ chính nghĩa của mình, từ bỏ việc đấu tranh lấy lại Hoàng Sa – Trường Sa, từ bỏ quyền khai thác dầu khí, đánh bắt cá trong thềm lục địa của mình ?

Tôi còn nhớ ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – tuyên bố là đảng cộng sản "không sợ đối thoại, không sợ tranh luận". Thế nhưng, những ai đòi đối thoại, tranh luận với giới học giả cộng sản thì bị bỏ tù hoặc bị đàn áp, sách nhiễu. Người cộng sản duy trì "chân lý" bằng bạo lực chứ không phải bằng lý lẽ, cũng y như ý của ông Bạt.

Tôi đố ông Bạt kiếm trong số quan chức cộng sản hiện tại còn ai đã từng tham gia "cách mạng" thời "chiến tranh". Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã tham gia trận đánh nào chưa ? Cộng sản con, cộng sản cháu lại có quyền nói là cộng sản ông, cộng sản cha đã giành được quyền lực thì con cháu cũng có quyền tiếp tục nắm quyền lực mà không cần dân bầu ?

Lời nói trên của ông Bạt càng khẳng định là giới lãnh đạo cộng sản rất giáo điều, bảo thủ, không chấp nhận chân lý và sự thật. Thế thì việc đảng cộng sản tiêu vong là tất yếu vì xã hội luôn thay đổi và đảng cộng sản sẽ bị đào thải.

Hồ Chí Minh "đoàn kết dân tộc" ?

Ông Nguyễn Trần Bạt lại đi ca ngợi "tư tưởng Hồ Chí Minh" : "Quá trình học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đừng nên bỏ sót việc tổng kết những kinh nghiệm của ông Cụ trong việc sử dụng khái niệm hòa giải và hòa hợp dân tộc để tổ chức ra lực lượng làm cách mạng".

Ông Hồ viết Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945 không hề có dòng nào nhắc đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Nếu ông Hồ dám viết ra thì ai sẽ ủng hộ Việt Minh ?

Ông Hồ kêu gọi tư sản dân tộc đóng góp tiền nuôi cách mạng. Báo Nhà nước đưa tin, "chính quyền cách mạng" đã từng cướp luôn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một ân nhân của đảng Cộng sản, đã từng hiến tặng hơn 5000 lượng vàng cho cái đảng này. Lực lượng cộng sản dưới sự chỉ đạo của ông Hồ đã gây ra Cải cách ruộng đất, tàn sát người vô tội cho đủ chỉ tiêu, giết cả những người đã đóng góp tiền cho "cách mạng", giết cả những người có con cái đang làm bộ đội, sỹ quan chống Pháp.

Ông Hồ lập ra đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội để cho người dân và thế giới thấy chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là chế độ dân chủ, đa nguyên đa đảng. Để rồi sau khi chiếm toàn bộ miền Nam thì xóa sổ hai đảng trên. Đó là thứ thủ đoạn chính trị đê tiện lừa mị dân để đạt mục đích nắm quyền chứ không phải là thực tâm xây dựng một thể chế chính trị "của dân, do dân, vì dân".

Thế mà ông Bạt vẫn ca ngợi những hành động trên của ông Hồ là "hòa giải và hòa hợp dân tộc để tổ chức ra lực lượng làm cách mạng" ?

Hãy định nghĩa các khái niệm do đảng cộng sản đưa ra

Ông Bạt tiếp tục dạy đời : "Thế giới dạy chúng ta rằng nếu không minh bạch về mặt khái niệm, mọi quá trình chính trị đều bế tắc. Việt Nam chúng ta càng phải dứt khoát về mặt khái niệm, không thể lơ mơ, ề à. Còn thực tế thì luôn có mẫu số chung là sinh động".

Ở đây tôi rất đồng ý với ông Nguyễn Trần Bạt, tôi xin mời ông Bạt định nghĩa cho tôi các khái niệm mà đảng cộng sản Việt Nam đưa ra như "dân chủ", "công bằng", "văn minh", hay "kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội", "pháp quyền xã hội chủ nghĩa" ?

Tại sao người dân muốn thực sự được làm chủ đất nước, được bỏ phiếu bầu ra cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia lại là "phản động" ?

Tại sao người dân muốn một xã hội công bằng, không còn sự phân biệt giữa "đảng viên cộng sản" và "dân thường" thì cũng bị coi là "phản động" ?

Tại sao người dân muốn được ra báo chí tư nhân, muốn tòa án độc lập, muốn tự do lập hội và hội họp như các xã hội văn minh khác thì cũng bị dán nhãn "phản động" ?

Tiền không phải là tất cả

Ông Nguyễn Trần Bạt lại có một "danh ngôn" rất hùng hồn : "…quan hệ vĩ mô là quan hệ của chính trị, quan hệ vi mô là quan hệ của tiền bạc. Đất nước chúng ta chắc là không đủ tiền bạc để thu xếp các quan hệ vi mô, cho nên đừng hy vọng vào chuyện ấy".

Không đâu ông Bạt. Chỉ những doanh nhân vô lương tâm dựa hơi nhà cầm quyền để làm giàu như ông mới coi tiền là tất cả. Với người dân bình thường như chúng tôi, điều đáng quý nhất của cuộc sống là Tự Do, là quyền con người – quyền công dân của mình được tôn trọng. Tiền bạc chân chính phải được làm ra trên cơ sở nhân phẩm con người được tôn trọng.

Ngay cả một số doanh nhân bạn tôi có rất nhiều tiền nhưng họ vẫn bỏ nước ra đi đến những xứ "tư bản giãy chết". Ở nước ngoài các bạn tôi không kiếm được nhiều tiền như trong nước nhưng họ hài lòng vì đó là nơi mà họ được tự do, được tôn trọng nhân phẩm, không phải luồn cúi đút lót cho quan chức để được yên ổn làm ăn, không phải ăn thực phẩm độc hại, không phải để con cái bị nhồi sọ những thứ giáo điều sai lầm như chủ nghĩa Mác Lênin.

Có một thứ quan trọng hơn ý chí là chính nghĩa

Ông Nguyễn Trần Bạt còn bình luận về việc thống nhất Hàn Quốc – Bắc Triều Tiên : "Tôi cười và nói rằng từ xưa đến nay tôi chưa thấy ở đâu trên thế giới này mà sự thống nhất bắt đầu từ miền Nam. Bây giờ anh thấy đấy, sự thống nhất bán đảo Triều Tiên nếu có xảy ra là bắt đầu từ miền Bắc. Ý chí để thống nhất là yếu tố mạnh nhất chứ không phải vũ khí và lực lượng.

…Trong đấu tranh chính trị, chưa chắc người giàu đã là người mạnh. Gặp phải những đối tượng ghê gớm và liều lĩnh thì càng giàu càng yếu".

Ở đây, ông Bạt ngụ ý so sánh Hàn Quốc giống Việt Nam Cộng Hòa trước đây, còn Bắc Triều Tiên giống Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây. Và ông khẳng định là Bắc Triều Tiên sẽ thống nhất đất nước, nghĩa là tiến chiếm được Hàn Quốc, áp đặt sự cai trị của dòng họ Kim lên toàn bán đảo Triều Tiên, nhờ vào "ý chí" và sự "ghê gớm", "liều lĩnh" của Kim Jong Un.

Trong thế chiến thứ hai, phe Đồng minh Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô đã thắng được phát xít Đức, Ý, Nhật trong khi phát xít rõ ràng "ghê gớm" và "liều lĩnh" hơn. Thử nhìn độ tàn bạo của phát xít Đức hay độ liều lĩnh của đội bay Thần Phong Nhật Bản thì biết.

Hay như trong thời chiến tranh lạnh, Liên Xô là phe có ý chí rất mạnh là nhuộm đỏ toàn thế giới (thế giới đại đồng), Hoa Kỳ lại giàu có hơn Liên Xô nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng thì Liên Xô lại sụp đổ vì không hợp lòng dân.

Do đó, có một thứ quan trọng để quyết định ý chí, đó là chính nghĩa. Chính chính nghĩa mới quyết định. Không có người lính nào đồng ý hi sinh cho những chuyện phi nghĩa. Việc đảng cộng sản chiếm toàn bộ đất nước là do đã thành công trong việc tuyên truyền cho thanh niên, nhất là thanh niên miền Bắc rằng việc gây chiến tranh với đồng bào miền Nam là chính nghĩa.

Trong hoàn cảnh hai miền Triều Tiên hiện nay, một Hàn Quốc dân chủ, tự do, kinh tế tư bản năng động rõ ràng là quốc gia có chính nghĩa. Do đó ông Bạt đừng nghĩ thanh niên Hàn Quốc sung sướng quá nên không biết và không muốn đánh nhau. Người Hàn Quốc đề cao văn hóa nước họ, ví dụ như họ phát triển rất mạnh môn võ Taekwondo để thanh niên Hàn Quốc khỏe mạnh, dũng cảm, yêu nước. Do đó niềm tin của tôi ngược với ông Bạt, đó là hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất và theo chế độ chính trị dân chủ của Hàn Quốc, cũng như Đông Đức và Tây Đức trước đây. Sự thật là, chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng phi nghĩa, dân chủ cuối cùng sẽ chiến thắng độc tài.

Dân yêu nước nhưng nhà cầm quyền thì không

Ông Nguyễn Trần Bạt cũng trấn an những lo lắng về lòng yêu nước của người Việt xuống thấp : "Ví dụ, nhiều người lo lắng về hiện tượng người dân Việt cõng thuê hàng lậu qua biên giới đông kìn kìn, cho rằng như vậy là người ta không có lòng yêu nước ! Nếu xem xét lòng yêu nước bằng những chuyện như vậy thì chúng ta sẽ mua lấy những nỗi buồn không đáng có. Khuân hàng thì vẫn cứ phải làm để kiếm tiền, nhưng trước họa xâm lăng thì những người sẵn sàng cầm súng chắc chắn là sẽ đông hơn những người đi khuân hàng. Hãy để cho cuộc sống tự thu xếp và đừng sợ dân mình chểnh mảng đánh mất đi lòng yêu nước".

Đúng như ông Bạt nói, khi đất nước đứng trước hiểm họa bị xâm lược, lòng yêu nước của người dân lại bùng lên. Khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam, người dân Việt Nam đã xuống đường biểu tình phản đối quân xâm lược.

Tuy nhiên, chính an ninh, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong của nhà cầm quyền lại đi đàn áp, đánh đập dã man những công dân Việt Nam yêu nước.

Kết quả của lòng "yêu nước" [Trung Quốc] của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam là hiện tại, khi Trung Cộng đã đưa vũ khí lên Hoàng Sa, Trường Sa, khi Trung Cộng ngăn cản Việt Nam khai thác dầu trên vùng biển của mình, thì không còn có cuộc biểu tình nào của người dân Việt Nam nổ ra nữa.

Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hẳn rất hài lòng khi lòng yêu nước của người dân đã bị chùng xuống. Tôi cũng như ông Bạt là không sợ người dân mất đi lòng yêu nước, mà tôi sợ chính giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bán nước, thể hiện bước đầu là đi đàn áp những người yêu nước chống ngoại xâm.

Nguyễn Trần Bạt xứng đáng làm Tổng bí thư đảng cộng sản

Để kết thúc bài, tôi xin có lời khen ông Nguyễn Trần Bạt. Ông xứng đáng lên làm Tổng bí thư đảng cộng sản vì ông là người miền Bắc và ông có … lý luận. Chỉ có điều những lý luận của ông toàn là lý luận… cùn. Tôi rất vui vì thời sinh viên tôi đã không có đủ tiền để mua sách của ông. Nếu không bây giờ chắc chắn tôi rất tiếc tiền.

Các cụ đã dạy "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Uy tín của một trí thức nổi tiếng như ông Nguyễn Trần Bạt sau bài phỏng vấn này coi như mất hết, và ông rơi xuống ngang hàng với các bạn dư luận viên cao cấp. Tôi rất mong có ai đó quen biết ông Bạt sẽ gửi cho ông bài viết này của tôi. Và tôi cũng mong chờ ông sẽ phản hồi ý kiến của tôi trong bài viết này.

Trung Nguyễn

Nguồn : © Copyright Tiếng Dân, 15/05/2018

**************************

Nguyễn Trần Bạt luận về hòa hợp, hòa giải

Xuân Ba, Tiền Phong, 30/04/20148

Trung thành, nhất quán hay là cố hữu một phong cách riêng có trong quan điểm, lập luận của học giả Nguyễn Trần Bạt ? Lọt tai êm thuận hay nghịch nhĩ, có lẽ tùy thuộc vào sự thẩm định của bạn đọc về những luận bàn trên báo Tiền Phong thời gian qua những là doanh nhân biệt phủ, và cả về cải cách giáo dục…

tb2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ và nói chuyện với kiều bào ở nước ngoài về Việt Nam ăn Tết xuân Mậu Tuất (7/2/2018). Ảnh : Như Ý.

Dịp 30/4 này, học giả Nguyễn Trần Bạt lại có dịp tâm sự với bạn đọc qua cuộc trò chuyện với nhà báo Xuân Ba.

Hòa giải, hình như đã xong ?...

Xuân Ba : Thưa anh, 30/4 lại đến. Chắc anh hẳn chưa quên cái thở dài nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...

Rồi không hòa hợp hòa giải được, con người mà không quy tụ được thì nguồn lực nào cũng rơi rụng dần.

Ông Sáu Dân nói câu ấy cách nay đã hơn 10 năm. Ông còn nhấn mạnh muốn hòa giải hòa hợp được thì phải thực tâm khoan dung và nhân ái. Anh nghĩ gì về những chuyện trên ? Về thực trạng hòa giải, hòa hợp ?

Nguyễn Trần Bạt : Về hòa hợp, ta sẽ bàn đến sau. Riêng tôi thì lại nghĩ khác về hòa giải… Tôi khá băn khoăn về vấn đề anh đặt ra. Thứ nhất là vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi.

Hòa giải là phải có hai bên, bên thắng trận đã được khẳng định và vẫn còn nguyên đó, còn bên bại trận thì ai tập hợp để đặt ra vấn đề hòa giải ? Trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài, trong nội bộ một bên thế nào cũng có nhiều quan điểm khác nhau nên cũng có thể đặt ra vấn đề hòa giải giữa những cánh khác nhau của một bên. Thế nhưng bên thắng chưa bao giờ đề cập đến bất cứ một mâu thuẫn nào bên trong, nên chắc là không phải đặt ra vấn đề hòa giải các cánh trong một bên. Xưa cũng có ai dám đặt ra vấn đề giữa Vua Lê và Chúa Trịnh phải có hòa giải đâu. Vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải.

Một vài nhà chính trị trước đây cũng có đặt ra chuyện này, nhưng tôi nghĩ các cụ cũng nói một cách truyền thống thế thôi, chứ thực sự không còn tồn tại khái niệm hòa giải ở giai đoạn sau Giải phóng nữa. Có thể trong lương tâm của một vài cụ có cái áy náy, chủ yếu là cái áy náy thoáng qua của người thắng trận. Mấy năm cuối đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi có mối quan hệ với ông cụ. Chúng tôi có vài ba buổi nói chuyện với nhau, tôi không nghĩ ở trong ông có vấn đề hòa giải mà là sự áy náy của một người thắng trận. Một vài nhà lãnh đạo có tình cảm có thể có sự áy náy, lăn tăn về cái gì đó thái quá của người thắng trận, thí dụ như mình có thô lỗ, có kiêu ngạo, có quyết liệt quá chăng ? Thế nhưng, đấy là tình cảm không phải là vấn đề chính trị, nên không thể đặt ra vấn đề hòa giải. Nhiều khi những tình cảm như vậy phải giấu đi vì tính dứt khoát tiến công, tính nhất quán của tâm lý cách mạng.

tb3

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975. Ảnh : Hứa Kiểm/TTXVN.

Và những sắc thái khác nhau của hòa hợp

Xuân Ba : Thế còn vấn đề hòa hợp ?

Nguyễn Trần Bạt : Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30/4/1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ. Hòa hợp là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của những người cộng sản Việt Nam. Họ đã giải quyết vấn đề này qua từng giai đoạn khác nhau trong suốt cuộc chiến tranh. Một Phạm Duy tham gia kháng chiến từ những ngày đầu và một trong những người đầu tiên thẩm định và hát Tiến quân ca của Văn Cao. Một Phạm Duy dinh tê, chống cộng quyết liệt. Một Phạm Duy cùng hàng trăm ca khúc cổ vũ lính tráng Việt Nam cộng hòa (Việt Nam Cộng Hòa). Rồi Phạm Duy bùng sang Mỹ, cuối đời lại về xứ Việt ở và chết ở Sài Gòn. Anh thấy từ những ngày đầu tiên sự phân hóa trong các lực lượng tham gia cuộc cách mạng của chúng ta đã rất rõ ràng và ngay từ lúc ấy những người cộng sản đã phải giải quyết vấn đề hòa hợp rồi. Nếu không giải quyết tốt vấn đề hòa hợp thì những người cộng sản không thể tập hợp lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất với người Pháp và cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai với người Mỹ. Tôi biết có khá nhiều Việt kiều lặng lẽ tham gia cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai. Tôi có quen một số người như vậy, trong đó có con gái của luật sư Trịnh Đình Thảo. Tôi gặp chị ấy trên đường đi B. Bố vợ tôi cũng là một Việt kiều, là bạn chiến đấu của những người như thế.

Công nhận người cộng sản đã đưa ra rất nhiều giải pháp cho sự hòa hợp. Tôi từng cộng tác rất gần gũi với hai nhân vật hòa hợp với những người cộng sản, đó là bác Nguyễn Xuân Oánh, quyền Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phó chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, bà Ngô Bá Thành. Họ từng là những người cộng tác và lĩnh lương trong công ty của tôi. Tôi biết cả bà Mã Thị Chu, vợ Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu.

Nếu không giải quyết tốt vấn đề hòa hợp thì những người cộng sản không thể tập hợp lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất với người Pháp và cả cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai với người Mỹ.

Những người cộng sản rất có kinh nghiệm trong việc tổ chức sự hòa hợp dân tộc để xây dựng các lực lượng phục vụ cuộc cách mạng. Cho nên, có thể nói là ở nước chúng ta hòa hợp dân tộc không phải là vấn đề hậu chiến. Ở các quốc gia khác có bộ Cựu chiến binh để giải quyết vấn đề hậu chiến, còn ở Việt Nam, do đặc điểm của cuộc chiến tranh quá lâu dài, cho nên vấn đề hòa hợp dân tộc không chỉ là vấn đề hậu chiến, mà còn là vấn đề xây dựng lực lượng ngay trong cuộc chiến tranh. Đến giai đoạn hiện nay thì mở cửa và hội nhập, tham gia quá trình toàn cầu hóa về bản chất cũng là hòa hợp dân tộc. Những người cộng sản Việt Nam đã thay đổi bản thân mình từ Đại hội VI để tạo ra năng lực hội nhập, đấy là dấu hiệu triết học của quá trình hòa hợp dân tộc.

Còn việc đặt ra vấn đề hòa giải hòa hợp, đâu đó trên truyền thông và mạng xã hội là chủ ý của một số lực lượng muốn những người cộng sản Việt Nam phải chính thức thừa nhận từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội. Tôi tin chắc rằng những người cộng sản không bao giờ chấp nhận điều ấy, không chấp nhận đòi hỏi ấy, vì họ là lực lượng duy nhất thắng trong một cuộc cách mạng và chiến tranh lâu dài hơn nửa thế kỷ. Ở trong nước bây giờ không còn lực lượng chính thống nào khác để thương lượng về hòa giải, chỉ có vấn đề hòa hợp trên những khía cạnh khác nhau mà thôi. Những ai muốn hòa hợp thì hãy thừa nhận họ. Nếu chúng ta không thảo luận rõ ràng về chuyện này thì tôi với anh vô tình trở thành đồng minh vu vơ của những lực lượng không có tập hợp (hoặc chỉ tập hợp trên một không gian ảo là mạng xã hội).

Xuân Ba : Anh Bạt ạ, hình như việc này phải có một sự chỉ huy thống nhất và chẳng thể thiếu vai trò một thủ lĩnh, một nhạc trưởng chứ không đơn thuần có một chủ thuyết là ổn ?

Nguyễn Trần Bạt : Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vô cùng tuyệt vời trong giải quyết vấn đề hòa hợp tất cả các lực lượng để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.

Câu nói của Cụ : "Thôi Bác cháu mình lại lên Việt Bắc vậy" là biểu hiện đầy đủ của khái niệm hòa hợp. Bởi vì nếu không lùi một chút thì ông Cụ không tập hợp được lực lượng lên Việt Bắc. Chính những ứng xử có tính chất hòa hợp dân tộc đã giúp Hồ Chí Minh tập hợp được lực lượng lên chiến khu. Chính sách mặt trận nổi tiếng của Hồ Chí Minh chính là hòa hợp dân tộc, diễn ra ngay trong chính các quá trình cách mạng, chứ không phải hậu cách mạng. Đấy là thành tựu lớn về mặt khoa học chính trị của Hồ Chí Minh. Quá trình học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đừng nên bỏ sót việc tổng kết những kinh nghiệm của ông Cụ trong việc sử dụng khái niệm hòa giải và hòa hợp dân tộc để tổ chức ra lực lượng làm cách mạng.

Như vậy, những người cộng sản Việt Nam đã giải quyết vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc ngay trong chính cuộc cách mạng của chúng ta. Do cuộc cách mạng lâu dài cho nên vấn đề ấy được giải quyết trong từng giai đoạn một, đến năm 1975 chúng ta chiến thắng và không còn phải giải quyết vấn đề hòa giải nữa. Ở qui mô toàn cầu, đất nước chúng ta cũng đã giải quyết vấn đề hòa giải với phương Tây và với thế giới thông qua chính sách mở cửa, hội nhập.

tb4

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng chiến thắng. Ảnh : TTXVN.

Xuân Ba : Thưa anh, khái niệm thường là một cái gì chung chung. Ta nói chuyện thực tế đời thường cùng chi tiết nhé ? Lần ấy tôi đi Hải Lăng, Quảng Trị, trên bàn thờ một gia đình thấy có ba tấm ảnh thờ. Hỏi gia chủ là một Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Mạ chỉ ông tê chồng tui là liệt sĩ chống Mỹ. Thằng ni con tui cũng là liệt sĩ chống Mỹ. Còn thằng tê là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa chết trận.

Chắc anh biết có rất nhiều những gia cảnh éo le như thế.

Anh nghĩ gì về những mất mát đau thương và lộ trình gian nan nhọc nhằn của việc hòa giải hòa hợp ? Và có thực sự cốt lõi của sự hòa giải là giải tỏa những mâu thuẫn trong nội bộ người Việt phát sinh từ năm 1945 ?

Nguyễn Trần Bạt : Xin lỗi anh, thế giới dạy chúng ta rằng nếu không minh bạch về mặt khái niệm, mọi quá trình chính trị đều bế tắc. Việt Nam chúng ta càng phải dứt khoát về mặt khái niệm, không thể lơ mơ, ề à. Còn thực tế thì luôn có mẫu số chung là sinh động.

Chính sách mặt trận nổi tiếng của Hồ Chí Minh chính là hòa hợp dân tộc, diễn ra ngay trong chính các quá trình cách mạng, chứ không phải hậu cách mạng. Ðấy là thành tựu lớn về mặt khoa học chính trị của Hồ Chí Minh.

Ví dụ nhé, chúng ta phải hòa hợp với thế giới trong việc xây dựng kinh tế thị trường. Trước năm 1986 chúng ta không có kinh tế thị trường. Việc thừa nhận tồn tại kinh tế thị trường trong khuôn khổ không gian chính trị của người Việt là một bước hòa giải về mặt tư tưởng, đấy là bước tiến khổng lồ của những người cộng sản. Tôi cũng có góp phần cá nhân vào quá trình này. Tôi từng đưa đại sứ Leonard Unger, và đại sứ Woodcock, hai quan chức tham gia việc xử lý vấn đề hậu chiến như viện trợ và đền bù chiến tranh đến Việt Nam. Tôi từng dự cuộc thảo luận giữa hai đại sứ với Bộ trưởng Ngoại giao của chúng ta lúc đó là anh Nguyễn Mạnh Cầm.

Bây giờ thỉnh thoảng anh Cầm đến đây chơi với tôi với tư cách là Chủ tịch hội đồng hương Nghệ An ở Hà Nội.

Tôi đưa cho anh một ví dụ khác về hòa hợp. Năm 1989, tôi đến Mỹ, một số người đề nghị tôi gặp anh Đoàn Văn Toại, lúc ấy là giám đốc Viện dân chủ hóa Việt Nam thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Sau này khi về nước tôi có mời anh ấy nhưng công an không cho phép. Cách đây khoảng chục năm, tôi gặp lại và ăn cơm với anh ấy ở Hà Nội, lúc đó tôi mới biết con trai của anh ấy là chồng của ca sĩ Trần Thu Hà, con nhạc sĩ Trần Hiếu. Bữa ăn ấy có cả một vị nguyên đại tá tình báo hải quân Hoa Kỳ, ông ấy có xưởng sản xuất chân tay giả của cựu chiến Mỹ ở Việt Nam để phục vụ những người cụt chân, cụt tay do chiến tranh gây ra. Chính họ là người hậu thuẫn cho tôi trong việc giúp giáo sư Nguyễn Huy Phan sau này tổ chức đội phẫu thuật nụ cười. Nói như thế để anh hiểu những người cộng sản cực kỳ biến tiệp và tế nhị trong việc xử lý những vấn đề chính trị liên quan đến hòa hợp dân tộc.

tb5

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Hòa nhưng phải hợp ?

Xuân Ba : Anh Bạt ạ, chiến tranh đã hủy hoại không chỉ thể xác mà còn tàn phá tinh thần của dân tộc Việt. Nó chia rẽ giữa những người Việt Nam với nhau, giữa bên thắng và bên thua. Phía nào cũng có cái lý của mình... Anh lý giải thế nào về sự loay hoay ấy trong vấn đề hòa hợp dằng dặc đến hàng chục năm trời ?

Nguyễn Trần Bạt : Không bao giờ có thể làm chuyện ấy một cách triệt để. Tôi từng kể với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về một ví dụ mà tôi đã trải nghiệm. Năm 1990, tôi mua một cái nhà ở Sài Gòn. Nhà của tôi nhìn sang sân thể thao Lan Anh. Bà già bán nhà cho tôi muốn bán được nhanh để có tiền chia cho các con và sau đó sang Mỹ sống với một trong những người con. Em tôi thay mặt tôi mặc cả từ 85 lượng vàng xuống 80 lượng. Tôi nói với em tôi là cứ mua với giá 85 lượng bởi bà ấy có nói với tôi là bà phải chia cho các con tiền bán nhà rồi mới đi Mỹ được. Thế là tôi đã mua nhà của bà ấy với giá cao nhất. Sau đó một vài năm, mỗi lần quay lại Sài Gòn là bà ấy lại đến mượn ghế của quán cà phê đối diện ngồi nhìn ngắm ngôi nhà cũ của mình. Tất cả mọi người khi ra khỏi không gian sống cũ của mình đều lưu luyến như thế, không bao giờ con người có thể hòa hợp thật sự được. Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện vĩ mô để con người hòa hợp, chứ không thể sắp đặt để sự hòa hợp đến đồng đều trên từng con người một. Các nhà chính trị đôi khi chủ quan tưởng rằng giữa vi mô và vĩ mô đâu đó có quan hệ logic với nhau, nhưng không phải thế. Quan hệ vĩ mô là quan hệ của chính trị, quan hệ vi mô là quan hệ của tiền bạc. Đất nước chúng ta chắc là không đủ tiền bạc để thu xếp các quan hệ vi mô, cho nên đừng hy vọng vào chuyện ấy. Tôi có nói với ông Sáu Dân rằng, khi nào kiếm được 10 cái nhà ở bên Mỹ thì người ta mới quên được cái nhà cũ ở Sài Gòn. Còn nếu chỉ có 1-2 cái thì không bao giờ họ quên, bởi vì 1 cái nhà ở Sài Gòn bán đi mua được 2-3 cái nhà bên Mỹ.

Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện vĩ mô để con người hòa hợp, chứ không thể sắp đặt để sự hòa hợp đến đồng đều trên từng con người một.

Tôi nói thêm với anh rằng hòa hợp là một quá trình vô cùng tốn kém. Khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Nhà nước ta buộc phải đối mặt với vấn đề xử lý tài sản của người Mỹ ở Việt Nam, trong đó vấn đề nhà đất của Việt kiều chiếm phần chủ yếu. Thủ tướng Phan Văn Khải lúc ấy là phó Thủ tướng phụ trách tài chính rất lo. Trợ lý của ông là ông Nguyễn Thiệu nói với tôi rằng : "Bây giờ tồn tại vấn đề như vậy. Cậu có cách gì không ?". Tôi đem câu chuyện này nói với Gary Hart, chủ của một công ty luật hàng đầu ở Mỹ, từng là ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ông ấy nói, nếu tôi có thể vận động Chính phủ thì ông ấy sẵn sàng đến Việt Nam để giúp tư vấn miễn phí. Tôi đã tìm nhiều cách để ông ấy đến được Việt Nam và đã gặp được Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải. Rốt cuộc chúng ta cũng đi qua được cửa ải ấy chỉ với mấy chục triệu đô la chứ không phải mấy tỷ như dự kiến ban đầu.

Những năm 1980, trước khi nước Đức thống nhất, chúng ta có hàng chục nghìn người lao động ở Đức, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cực kỳ đau đầu. Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức ở Hà Nội đã hợp tác với chúng tôi để nghiên cứu xử lý vấn đề người lao động Việt Nam trốn trại ở Đức. Những câu chuyện như vậy là nội dung của quá trình giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Gần đây những người như anh Phạm Nhật Vượng, anh Lê Viết Lam… về nước gây dựng những doanh nghiệp lớn cũng là kết quả của quá trình hòa hợp dân tộc.

Xuân Ba : Nhân đây cũng cảm phiền anh thử ngoái lại nhiều quốc gia, dân tộc cũng có bi kịch chia cắt đất nước như nước mình, nhưng lộ trình hòa giải hòa hợp của họ không dai dẳng như mình ? Cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ cũng phải đặt ra vấn đề hòa giải và hòa hợp chứ ? Đức cũng từng có hai miền Đông-Tây và Bức tường Berlin…

Nguyễn Trần Bạt : Tôi không rành lắm chuyện các dân tộc khác xử lý chuyện hòa hợp và hòa giải dân tộc cụ thể như thế nào, nhưng tôi cho rằng những người Cộng sản Việt Nam xử lý vấn đề này như vậy là rất khoa học. Tôi không nghĩ những người cộng sản Việt Nam vô tâm trong vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, nếu không hòa hợp dân tộc trước năm 1975 chúng ta không thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự thống nhất của người Tây Đức và người Đông Đức là sự sáp nhập hai nhà nước thuần túy, nó là biểu hiện của sự thống nhất chính trị, còn tài sản thì không thống nhất, nên ít phức tạp hơn.

Còn cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ đã có hàng chục tiểu thuyết mô tả chuyện ấy. Anh nên tìm đọc để tìm ra tính đặc thù của nó. Đó là sự thẳng thắn sòng phẳng nhưng không gay gắt.

Xuân Ba : Có hẳn những công trình nghiên cứu về căn tính của người Việt… Không ít người đổ riệt cho căn tính chung chung của người Việt là cực đoan, bảo thủ nên khó ngồi lại được với nhau ? Rằng người Việt ngày nay có chỉ số niềm tin vào nhau khá thấp. Ý anh thế nào ?

Nguyễn Trần Bạt : Có thể ở một số quốc gia người ta hóa giải hận thù và hòa hợp nhanh vì họ không có các lực lượng đòi hỏi những người cầm quyền phải làm thế này, thế kia để thỏa mãn cho mình. Ví dụ, đôi khi đâu đó có ý kiến cho rằng muốn hòa hợp hòa giải thành công thì hệ thống chính trị này phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Đòi hỏi ấy không thực tế. Không có kẻ thắng nào trên đời này từ bỏ các ưu thế của mình để hòa giải và hòa hợp với các lực lượng thua trận.

Xuân Ba : Tôi thật sự hơi bị choáng khi các phương tiện truyền thông vừa qua đồng loạt nhấn mạnh một sự kiện lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - Un và phu nhân cùng Ban lãnh đạo tối cao xem biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc ngay tại thủ đô Bình Nhưỡng. Rằng ông Kim Jong-un đã mỉm cười, chụp ảnh chung cùng với dàn nhạc K-pop của Hàn Quốc. Rồi ông Kim bắt tay các thành viên của Red Velvet, ban nhạc nổi tiếng nhất của Hàn Quốc mà những bài hát của họ từng được quân đội Hàn Quốc dùng làm "vũ khí" trong cuộc chiến tranh tâm lý nhằm vào các binh sĩ Triều Tiên. Kết thúc buổi biểu diễn hơn 2 giờ đồng hồ, Ông Kim cười tươi " Hãy gửi lời nhắn của tôi tới Tổng thống Moon rằng, chương trình giao lưu nghệ thuật này thật ý nghĩa. Cảm ơn các bạn vì đã mang món quà này tới cho người dân Bình Nhưỡng".

Nguyễn Trần Bạt (cười) : Họ vẫn làm chính trị là chủ yếu. Thưa với anh, nếu khả năng hòa hợp của họ lớn thật như thế thì họ đã thống nhất lâu rồi. Rất nhiều đại sứ Hàn Quốc đã tự ái với tôi khi họ cổ vũ cho khái niệm thống nhất còn tôi lại nói phải thận trọng với sự thống nhất. Có một ông đại sứ bây giờ làm hiệu trưởng một trường đại học của người Hàn Quốc ở Đà Lạt đã từng cáu với tôi về chuyện đó. Sau này gặp lại, ông ấy đã công nhận tôi nói có lý. Trước đây ông ấy nói về vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên như là một tất yếu, vì Hàn quốc mạnh hơn. Tôi cười và nói rằng từ xưa đến nay tôi chưa thấy ở đâu trên thế giới này mà sự thống nhất bắt đầu từ miền Nam. Bây giờ anh thấy đấy, sự thống nhất bán đảo Triều Tiên nếu có xảy ra là bắt đầu từ miền Bắc. Ý chí để thống nhất là yếu tố mạnh nhất chứ không phải vũ khí và lực lượng. Đối với một quả bom hạt nhân thì tất cả sự giàu có của thủ đô Seoul không có mấy ý nghĩa. Người Hàn Quốc từng nghĩ đến chuyện dịch chuyển thủ đô Seoul lùi hơn nữa về phía Nam để tránh bị hủy diệt. Trong đấu tranh chính trị, chưa chắc người giàu đã là người mạnh. Gặp phải những đối tượng ghê gớm và liều lĩnh thì càng giàu càng yếu.

Xuân Ba : Tôi từng gặp không ít những phàn nàn chuyện biểu tình hô hét trương cờ vàng ở nước nọ quốc gia kia sao cứ triền miên dai dẳng vậy ? Anh nghĩ gì về việc này ?

Nguyễn Trần Bạt : Chuyện anh nhắc làm tôi nhớ từng đọc đâu đó rằng cứ mỗi sáng khi Putin đi làm, cứ đến điện Kremlin là ông ấy hỏi các trợ lý rằng hôm nay người dân biểu tình về vấn đề gì. Phải tập làm quen với các biểu hiện cơ bản của khái niệm dân chủ. Dân chủ không phải là nhường quyền cho ai mà là chuẩn bị thái độ để chấp nhận ai đó, cái gì đó. Tổng thống Mỹ đến đâu cũng gặp biểu tình, thế thì việc gì cá nhân ai đó phải đau đầu khó chịu ? Chúng ta từng thích thú những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Tại sao chúng ta phấn khởi về một loại biểu tình mà lại không chuẩn bị sức lực, tâm thế để đối phó với một loại biểu tình khác. Đấy là trạng thái chưa trưởng thành về mặt chính trị học.

Xuân Ba : Hồi nãy nhân anh có nhắc đến loạt bài trên Tiền Phong vừa rồi về cuộc hội ngộ của hai người lính, một Quân đội nhân dân một Việt Nam Cộng Hòa sau 45 năm… Tôi nghĩ mạo muội thế này, 45 năm trước, hai bàn tay hai phía chiến tuyến ấy đã từng chìa ra như gợi mở báo hiệu cho một trữ lượng, một tiềm năng hòa hợp ăm ắp tràn đầy. Nhưng 43 năm đã qua, tỷ lệ hòa hợp chỉ là những cá nhân đơn lẻ và không phải số đông. Có phải người Việt mình còn đâu đó chưa thực tâm khoan dung, chân thành hòa hợp như ông Sáu Dân từng bày tỏ ?

Nguyễn Trần Bạt : Đó là một câu chuyện thú vị. Nhưng nếu cứ mải mốt đi tìm các bằng chứng về sự thân hữu của con người thì chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều bằng chứng cơ hội. Hòa hợp là một thói quen. Dostoievsky nói như thế này : "Ta yêu loài người nhưng ta rất khó chấp nhận việc ngủ chung phòng với người khác". Đừng suy luận theo kiểu hai bàn tay của hai cá thể đã bắt từ trước rồi để suy ra vấn đề hòa hợp dân tộc đang diễn tiến chậm chạp. Về nguyên tắc, chính trị kích động những tâm lý tiêu cực có thể dẫn đến các hiện tượng tiêu cực. Chúng ta đã đi qua những bước rất dài trong quá trình giải quyết các vấn đề hòa giải, hòa hợp.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài của chúng ta, không hòa hợp thì không thể xây dựng lực lượng được, không hòa giải thì không có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Ðình Thảo… tham gia các lực lượng của miền Nam.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài của chúng ta, không hòa hợp thì không thể xây dựng lực lượng được, không hòa giải thì không có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo… tham gia các lực lượng của miền Nam. Chúng ta đã hòa giải để xây dựng lực lượng và sau chiến tranh chúng ta đã hòa hợp, đỉnh cao nhất của hòa hợp là cải cách và mở cửa. Phải ghép tất cả các sự kiện vĩ mô như vậy với nhau để tạo ra dòng chảy của tư tưởng về lĩnh vực này, còn các biểu hiện tình cảm là ngẫu nhiên.

Về phương diện vi mô, để thay đổi nếp sống, để hòa hợp con người khó lắm. Còn về vĩ mô thì chúng ta đã làm cái việc hòa hợp dân tộc rồi. Cuộc sống là như thế, sự hòa hợp diễn ra phong phú lắm, thể hiện dưới nhiều hình thức lắm.

Tôi nghĩ cuộc sống tự nó làm thay đổi tất cả các ranh giới, các mức độ. Cuộc sống tự điều chỉnh. Khi nó điều chỉnh, nó sẽ tạo nền cho sự hòa hợp chính trị. Cái khó khăn nhất là hòa hợp. Nó thấm vào mỗi con người với mức độ nông sâu khác nhau, tạo ra các biểu hiện khác nhau của sự hòa hợp.

Chúng ta đôi khi cứ hay lo lắng hơi bị viển vông do xuất phát từ những nhận định quan liêu, cảm tính. Ví dụ, nhiều người lo lắng về hiện tượng người dân Việt cõng thuê hàng lậu qua biên giới đông kìn kìn, cho rằng như vậy là người ta không có lòng yêu nước ! Nếu xem xét lòng yêu nước bằng những chuyện như vậy thì chúng ta sẽ mua lấy những nỗi buồn không đáng có. Khuân hàng thì vẫn cứ phải làm để kiếm tiền, nhưng trước họa xâm lăng thì những người sẵn sàng cầm súng chắc chắn là sẽ đông hơn những người đi khuân hàng. Hãy để cho cuộc sống tự thu xếp và đừng sợ dân mình chểnh mảng đánh mất đi lòng yêu nước.

Xuân Ba : Xin cảm ơn học giả Nguyễn Trần Bạt về cuộc chuyện trò này. 

Xuân Ba

Nguồn : Tiền Phong, 30/04/2018

Published in Diễn đàn

Dư luận viên cao cấp xuất chiêu

Có vẻ như các dư luận viên cao cấp tầm cỡ giáo sư – tiến sĩ như ông Phạm Đình Đảng (bút danh Nhị Lê) đang được huy động để đấu võ mồm với những cây bút dân chủ trên mạng. Tầm cỡ "ghê gớm" như vậy (nghĩa là "thấy ghê" và "phát gớm") mà còn không dám tổ chức đối thoại công khai như ông Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng từng tuyên bố mà chỉ toàn viết bài độc thoại, thế thì tầm cỡ các bạn dư luận viên bình thường đúng là chỉ còn biết chửi bới văng tục để kiếm cơm qua ngày.

dadang1

Tiến sĩ Phạm Đình Đảng, bút danh Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh : DT

Dù sao, trình độ dư luận viên cao cấp như ông Đảng viết ra, có khác với dư luận viên bình thường là những thủ thuật ngụy biện tinh vi hơn một chút. Tôi không muốn đấu khẩu gì với ông Đảng nhưng cần phải vạch trần những lừa dối trong loạt bài viết của ông trên báo VietNamNet để "đập tan âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch" với dân là lừa dân, mị dân nhằm bóc lột nhân dân.

Trong hai bài viết "Chúng ta phải tự mình hùng mạnh" và "Từ quốc lệnh 26/1/1946 đến ‘lò đã nóng lên’", cái ý toát ra từ ông Đảng là các chế độ đa đảng ở nước khác cũng tham nhũng thì việc quái gì Việt Nam phải đa đảng. Chế độ cộng sản độc đảng ở Việt Nam cũng đang chống tham nhũng quyết liệt đấy thôi. Bà con cứ vững tin và ráng chờ kết quả công cuộc "đốt lò" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đa đảng là điều kiện cần

Thưa ông Đảng, chế độ chính trị đa đảng chỉ mới là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ của nền dân chủ cũng như của việc chống tham nhũng. Ngoài điều kiện đa đảng thì nền-dân-chủ-gần-như-không-tham-nhũng còn cần phải có các điều kiện khác như báo chí tự do để người dân lên tiếng tố giác tham nhũng và được công luận bảo vệ, tòa án độc lập để sẵn sàng xử bất kể ai tham nhũng, kể cả Tổng bí thư đảng cầm quyền, quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực chính trị – kinh tế – xã hội được bảo vệ, sự tham gia tích cực của người dân vào chính trị,…

Đa đảng để bảo đảm quyền làm chủ của dân

Điều kiện đa đảng nhằm mục đích bảo đảm quyền làm chủ đất nước của người dân là quyền được lựa chọn cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do và công bằng. Không có nhiều đảng để lựa chọn, đồng nghĩa với việc dân mất quyền làm chủ đất nước, cũng có nghĩa là đảng cộng sản cầm quyền là ông chủ đất nước còn người dân là đầy tớ, lo đóng thuế phí nuôi ông chủ.

Tôi tự hỏi lúc ông Đảng chọn vợ thì có ai buộc ông phải chọn cô này mà không chọn cô khác không ? Quyền tự do chọn vợ của ông không bị ai xâm phạm thì tại sao ông cả gan cổ súy cho chuyện tước đoạt quyền tự do chọn cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia của người dân ?

Ông Đảng nên đọc lại điều 2 Hiến pháp do các lãnh đạo cộng sản ban hành là : "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân". Như thế, giới lãnh đạo cộng sản đang vi phạm chính điều 2 Hiến pháp, tước đoạt quyền làm chủ của dân, là quyền được bầu ra lãnh đạo quốc gia.

Tôi cũng nhắc cho ông Đảng nhớ là chính ông Hồ Chí Minh, "bố đẻ" của đảng Lao Động và là "bố ghẻ" của đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội, là người "trình diễn" chế độ đa đảng tại Việt Nam từ những ngày đầu của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ông Đảng chửi chế độ đa đảng cũng có nghĩa là ông chửi Hồ Chí Minh. Ông Đảng nên nhớ là ông Hồ rất linh thiêng vì ông Hồ "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".

Đa đảng nhằm bảo đảm công bằng xã hội

Điều kiện đa đảng cũng nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Không có lý do gì cho phép phân biệt công dân – đảng viên cộng sản với công dân – không cộng sản. Tại sao có những người được phép lập đảng cộng sản trong khi những người còn lại thì bị cấm lập đảng không cộng sản ? Tại sao có một nhóm người tự cho phép mình có quyền cai trị quốc gia mà không cần qua bầu cử và tất cả những người còn lại phải chấp nhận sự cai trị đó ? Tại sao đảng cộng sản chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số, lại có tới gần 100% trong cái quốc hội đại diện cho dân ?

Chính vì mắc mứu đó mà Quốc hội của đảng cộng sản không bao giờ dám ra luật cấm công dân lập đảng. Nhưng ai dám lập đảng ở Việt Nam để thực hiện quyền công dân làm chủ đất nước của mình thì sẽ bị quy vào tội "lật đổ chính quyền nhân dân". Chuyện này rất dễ dàng vì tòa án chỉ nghe theo lệnh của giới lãnh đạo cộng sản. Chưa có phiên tòa xử bất đồng chính kiến nào mà tòa án dám mở công khai cho dân theo dõi tranh luận, đối đáp tại tòa vì rõ ràng chính giới lãnh đạo cộng sản thừa biết các bản án là bất công, vô căn cứ, chỉ nhằm vào đàn áp dân.

Những người cộng sản lên nắm quyền nhờ vào lời hứa xây dựng xã hội công bằng tại Việt Nam. Điều 16 Hiến pháp do giới lãnh đạo cộng sản ban hành cũng công nhận công dân có quyền bình đẳng về chính trị, nghĩa là công dân nào cũng có quyền lập đảng và sinh hoạt đảng phái như các công dân cộng sản. Chế độ độc đảng như vậy là vi phạm điều 16 Hiến pháp, chà đạp lên pháp lý và đạo lý xã hội.

Ngày 15/1/2018, tại hội nghị ngành công an, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo "không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước". Cần nhắc lại là không có điều luật nào trong bộ luật hình sự cấm công dân lập tổ chức chính trị đối lập. Như thế, bản thân ông Trọng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm cả điều 4 Hiến pháp quy định "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Liệu người dân có thể tin một đảng cầm quyền vi phạm hiến pháp và pháp luật lại thực tâm chống tham nhũng ? Thẩm phán nào ở Việt Nam dám lôi ông Trọng và Bộ chính trị của đảng cộng sản ra tòa vì những việc phạm pháp đó ? Đó chính là lý do mà giới lãnh đạo cộng sản rất sợ tư pháp độc lập hay tam quyền phân lập.

Đa đảng nhằm bảo đảm tính liên tục của chính quyền

Điều kiện đa đảng cũng nhằm bảo đảm sự liên tục của chính quyền. Nếu đảng cầm quyền không còn được dân lựa chọn thì sẽ có sự thay thế ngay lập tức của các đảng đối lập, không để xảy ra tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, bảo đảm ổn định chính trị.

Chính vì không có các đảng khác ngoài đảng cộng sản nên làn sóng bỏ nước ra đi, kiếm quốc tịch ở các quốc gia dân chủ đa đảng của giới trí thức, quan chức cộng sản và giới nhà giàu Việt Nam sôi động giống như Trung Quốc. Họ sợ tình trạng hỗn loạn, mất tài sản khi chế độ cộng sản độc đảng bị người dân phẫn uất vùng lên lật đổ. Đã có nhiều vụ việc mà người dân phải dùng bạo lực để chống lại nhà cầm quyền như ông Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến,…

Nói vậy để thấy chế độ độc đảng tạo ra bất ổn xã hội lớn nhất. Mâu thuẫn xã hội không được giải quyết qua quốc hội đa đảng, báo chí tự do và tư pháp độc lập thì tới lúc các mâu thuẫn được tích tụ đó sẽ phải nổ ra như quả bóng đã bị ép quá chặt. Dân Đồng Tâm đã thề quyết tử giữ đất ngay thủ đô rồi đấy.

Đa đảng nhằm bảo đảm phát triển bền vững

Chế độ đa đảng cũng phù hợp với quy luật biện chứng mà chính các nhà lý luận mác-xít rao giảng, đó là sự phát triển của sự vật là do sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong chính sự vật đó. Khi đảng cộng sản phủ nhận đảng đối lập, khi Tổng bí thư đảng cộng sản ra lệnh cho công an bắt bớ đảng viên các đảng đối lập thì nghĩa là đảng cộng sản đã chọn con đường tàn rữa, héo úa, tự sát chứ không phải phát triển.

Nhắc đến biện chứng thì tôi cũng nói cho ông Đảng dễ hiểu là mâu thuẫn lớn nhất của xã hội Việt Nam hiện tại là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị là giới lãnh đạo cộng sản và tuyệt đại đa số người dân. Đó là lý do mà giới lãnh đạo cộng sản luôn lo sợ bị lật đổ. Thật sự không ai có thể lật đổ được họ ngoài sức mạnh của nhân dân, là những người mà họ đang bóc lột, áp bức qua sưu cao thuế nặng, qua bắt bớ bỏ tù.

Đa đảng khiến giới chính trị phải nỗ lực cạnh tranh

Chế độ đa đảng sẽ khiến đảng cầm quyền phải cố gắng làm tốt công việc quản trị quốc gia vì nếu không họ sẽ bị thay thế bởi đảng đối lập. Một bê bối tham nhũng dù nhỏ cũng có thể khiến đảng cầm quyền phải ra đi, bởi vậy nên lãnh đạo quốc gia phải kiểm soát tham nhũng chặt chẽ nếu không muốn mất quyền. Đảng đối lập luôn giám sát chặt chẽ các chính sách và hành động của đảng cầm quyền và thông báo cho người dân biết khi có sai phạm.

Đa đảng góp phần kiểm soát và cân bằng quyền lực

Chế độ đa đảng cùng với nhà nước pháp quyền, báo chí tự do, tư pháp độc lập, xã hội dân sự, kinh tế thị trường… tạo thành hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực chặt chẽ, từ đó hạn chế tham nhũng tối đa, nếu có tham nhũng thì kẻ phạm tội cũng nhanh chóng bị trừng phạt. Đó là lời giải cho việc "nhốt quyền lực vào cái lồng" mà giới lãnh đạo cộng sản đang loay hoay tìm cách giải. Thực sự thì họ biết lời giải nhưng họ không dám làm vì quyền lực và quyền lợi bất hợp pháp của họ.

Ngay mới đây, hàng loạt sĩ quan cao cấp của hạm đội 7 hải quân Mỹ đã phải ra tòa vì tội nhận hối lộ. Nước Mỹ có chế độ đa đảng và đầy đủ các điều kiện khác của nền dân chủ nhưng nước Mỹ vẫn có tham nhũng. Điều đó đúng, nhưng nước Mỹ vĩ đại ở chỗ tòa án xét xử tham nhũng không cần biết kẻ phạm tội mang tới hàm tướng hay thậm chí là tổng thống, và báo chí có thể phát hiện và đưa tin công khai về sự việc chứ không cần "chỉ đạo" "đốt lò" của ai mới dám làm.

Kết luận

Sự khác biệt giữa tham nhũng ở chế độ cộng sản độc đảng ở Việt Nam và tham nhũng ở chế độ dân chủ đa đảng ở các nước văn minh khác là tham nhũng ở Việt Nam tràn lan đến mức nó hủy hoại sự phát triển của quốc gia, biến cả dân tộc thành con nợ để làm đầy túi cho giới lãnh đạo cộng sản. Chính báo chí trong nước còn thừa nhận, Việt Nam "rừng vàng biển bạc" dưới sự lãnh đạo "sáng suốt, tài tình" của đảng cộng sản giờ còn thua cả Lào và Campuchia. Các nước có chế độ dân chủ đa đảng khác có tham nhũng nhưng ít và quốc gia của họ vẫn phát triển bền vững.

Thế thì thưa ông Đảng, ông đã biết rồi đây người dân Việt Nam sẽ lựa chọn thể chế chính trị nào rồi chứ ?

Và chắc ông Đảng cũng biết rồi đây người dân sẽ đối xử với thành phần cơ hội chính trị, lợi dụng học hàm học vị để lừa dân, nịnh bợ những kẻ cai trị độc tài như thế nào rồi ?

Trung Nguyễn

Nguồn : © Copyright Tiếng Dân, 03/02/2018

Published in Diễn đàn

Mới đây, một quan chức và cũng là một trí thức xã hội chủ nghĩa là Thượng tướng – Bộ trưởng công an Tô Lâm có viết một bài dài trên các báo công an. Dù bài viết dài nhưng nội dung bài viết vẫn chỉ xoay quanh ý chính là lực lượng công an phải trung thành với đảng cộng sản : "công an chỉ biết còn đảng [cộng sản] thì còn mình".

congan01

Lực lượng công an phải trung thành với đảng cộng sản

Hẳn là giới lãnh đạo cộng sản rất yên lòng khi nghe hết tướng quân đội lại đến tướng công an bày tỏ lòng trung thành với họ. Giới lãnh đạo thì vậy, thế còn các anh em lính trẻ thì sao ? Tôi vẫn nghĩ cần phải chỉ ra cho các anh em trẻ trong lực lượng vũ trang, gồm cả quân đội và công an, thấy rõ các anh em cần phải trung thành với ai.

Dân trả lương cho lực lượng vũ trang chứ không phải đảng cộng sản

Đầu tiên, cần khẳng định rõ ràng rằng tiền lương, tiền phụ cấp, và mọi thứ bổng lộc khác mà sĩ quan quân đội, công an được hưởng đều là từ tiền thuế của dân. Giới lãnh đạo cộng sản hoàn toàn không có gì để cho các anh em cả. Chính họ tự nhận là họ thuộc tầng lớp vô sản, không hề sở hữu tài sản gì, đi làm cách mạng để "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình" (lời Quốc Tế Ca).

Để có tiền trả lương nhằm mua sự trung thành của các anh em, giới lãnh đạo cộng sản không ngần ngại tăng thuế phí vô tội vạ gây gánh nặng và oán thán cho dân khắp nơi. Các anh em có thể thấy vui khi thấy tiền lương mình tăng một chút nhưng bù lại, gia đình, họ hàng và chính anh em phải trả tiền đổ xăng cao hơn, mua đồ mắc hơn vì các sắc thuế đều tăng.

Cái tuyệt chiêu này gọi là "lấy mỡ nó rán nó". Giới lãnh đạo cộng sản bắt con em nhân dân đi nghĩa vụ công an, quân đội, rồi lấy tiền thuế của nhân dân đóng trả lương cho con em nhân dân để đi làm "công cụ bạo lực" bảo vệ "chính quyền cách mạng" cho họ. Thật quá sức "tài tình" và "khéo léo" !

Dân không chỉ đóng thuế để nuôi lực lượng vũ trang mà còn nuôi cả bộ máy đảng cộng sản. Luật Ngân sách nhà nước ghi rõ là bảo đảm kinh phí cho đảng cộng sản và mặt trận tổ quốc. Giới lãnh đạo cộng sản tự xưng là đại diện cho nhân dân lao động nhưng họ không hề lao động mà ăn bám vào đồng thuế đẫm mồ hôi nước mắt của nhân dân, của chính họ hàng, người thân, bạn bè các anh em lính tráng.

Nếu dân không phải nuôi bộ máy đảng cộng sản, mặt trận ăn bám thì tiền lương dành cho quân đội, công an đã cao hơn nhiều, và quân đội đã có thể có tiền để mua được nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại hơn. Vậy thì lý do gì để anh em lính tráng trung thành với họ ?

Sao dám giao tính mạng cho những người không biết đánh trận ?

Giới lãnh đạo cộng sản nói chung, các tướng lãnh công an, quân đội nói riêng, đòi hỏi các anh em lính tráng phải trung thành với họ. Thế thì một câu hỏi đặt ra là khả năng cầm quân đánh trận của họ đến đâu.

Nếu để ý tin tức một chút thì anh em sẽ thấy là giới lãnh đạo cộng sản không có khả năng bảo vệ đất nước. Ví dụ là tháng 7/2017, công ty Repsol phải rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam do áp lực quân sự từ Trung Quốc. Tướng lãnh Việt Nam không thấy nói cho dân biết kế sách bảo vệ đất nước thế nào mà chỉ thấy đòi kinh doanh kiếm tiền, đòi "phong tướng" nếu không thì sẽ "tâm tư", theo lời trần tình của ông cựu Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Hiện tại thì các tướng lãnh quân đội, công an đang suy nghĩ làm sao đè bẹp được ý chí phản kháng của người dân Đồng Tâm và cướp đất của dân Đồng Tâm, Hà Nội được êm thắm. Những tướng tá như vậy có đáng để anh em trung thành ?

Xa hơn, ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam chết thảm tại đảo Gạc Ma vì "lãnh đạo cấp cao" của đảng cộng sản ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng chống lại quân xâm lược. Đây là theo lời tiết lộ của tướng Lê Mã Lương và clip vẫn còn đầy trên Youtube.

Chưa kể là sau này, tất cả những người lính chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc ở cả mặt trận biên giới phía Bắc từ năm 1979 đều bị truyền thông, lịch sử đảng cộng sản lãng quên. Bia tưởng niệm bị đục bỏ. Những người dân đi tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh vì nước thì bị đánh đập, đe dọa.

Những cựu chiến binh ở chiến trường Campuchia từ năm 1979 cũng bất bình như vậy. Họ cũng chiến đấu để bảo vệ quốc gia nhưng giới lãnh đạo cộng sản vì muốn làm người em tốt của Trung Cộng nên đã xóa bỏ lịch sử.

Ngay cả cái gọi là "Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968" đang được kỷ niệm rầm rộ, anh em cũng thấy là giới lãnh đạo cộng sản dù biết là đánh không thắng nhưng vẫn xua lính vào chỗ chết. Không hề có chuyện dân đồng tình với đảng cộng sản và "nổi dậy". Việc những hình ảnh chết chóc của cuộc chiến tác động đến dư luận Mỹ đòi hỏi rút quân về nước hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của họ. Anh em có thể đọc thêm cuốn "Điệp viên yêu chúng ta" (The spy who loved us) của Thomas Bass nói về điệp viên Phạm Xuân Ẩn để có thêm thông tin.

Do đó, nếu trung thành với giới lãnh đạo cộng sản thì anh em nên chuẩn bị tinh thần là sẽ có thể chết tức tưởi vì có súng đạn trong tay cũng không được bắn, hay biết là không thể đánh mà vẫn bị ép vào chỗ chết, và có chết thì sẽ bị lãng quên. Suy cho cùng, anh em chỉ là "công cụ bạo lực" cho họ, không dùng được nữa thì vứt bỏ. Anh em đừng mong là khi chết anh em sẽ được chôn cùng họ ở nghĩa trang cao cấp Mai Dịch hay nghĩa trang Yên Trung 1.400 tỷ.

Nếu tôi ở vào vị trí như 64 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma, chắc chắn tôi sẽ chống lệnh của "lãnh đạo cấp cao" và bắn trả quân xâm lược Trung Quốc. Thật sự tôi không tán thành cái chết cam chịu tuân phục cấp trên mù quáng như vậy.

Đảng cộng sản và bác Hồ không "đẻ" ra anh em

Một ngụy biện thường thấy của các "giáo sư tiến sỹ" xã hội chủ nghĩa như ông Tô Lâm là bác Hồ và đảng cộng sản đã thành lập ra quân đội nhân dân và công an nhân dân thì quân đội và công an phải trung thành với đảng cộng sản.

Cần phải nói ngay rằng đây là chuyện giả dối. Những người lính đầu tiên gia nhập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là để giải phóng đất nước khỏi thực dân và phát-xít chứ không phải gia nhập quân đội để bảo vệ quyền lợi cho riêng đảng phái nào. Anh em cứ đọc 10 lời thề đầu tiên của đội là sẽ rõ. Bản thân ông Hồ cũng khẳng định quân đội "trung với nước, hiếu với dân". Chuyện "trung với đảng, hiếu với dân" là lời lẽ bịa đặt của giới lãnh đạo cộng sản.

Nếu lúc đó giới lãnh đạo cộng sản "huỵch toẹt" là họ chỉ lợi dụng xương máu anh em trong quân đội để thâu tóm quyền lực và quyền lợi, biến "trung với nước" thành "trung với đảng" thì chắc chắn không có ai theo họ làm cách mạng hết.

Chính ông Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng bí thư đảng cộng sản Lê Duẩn, trong bài viết mới đây đã công nhận 90% liệt sĩ nằm lại Trường Sơn không phải là đảng viên cộng sản mà họ vẫn chết vì [điều mà họ tin là] lợi ích dân tộc. Thắng lợi chiến tranh hay cách mạng gì thì cũng là do dân hy sinh là chính mà thôi. Giới lãnh đạo cộng sản nhận vơ hết công trạng của họ rồi bắt anh em lính tráng phải trung thành với họ là chuyện gian trá.

Nhân dân không biết ra lệnh

Mọi văn kiện của đảng cộng sản hay như bài viết mới đây của ông Tô Lâm đều thêm "nhân dân" vào sau phần "trung thành với Đảng, Nhà nước" cho dân đỡ tủi. Thế nhưng "nhân dân" là một khái niệm rất tổng quát. Liệu có người dân cụ thể nào có thể ra lệnh cho quân đội, công an hay không ? Đó thực sự chỉ là một trò mị dân.

Ở các nước thật sự "dân chủ, công bằng, văn minh", lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Hiến pháp, và qua đó lực lượng vũ trang trung thành với nhân dân một cách thực chất. Lực lượng vũ trang chấp hành mệnh lệnh của người lãnh đạo được dân bầu ra qua bầu cử đa đảng tự do và công bằng. Tuy nhiên, nếu người lãnh đạo đó vượt quyền hạn do Hiến pháp trao cho và ra lệnh cho lực lượng vũ trang đàn áp dân thì lực lượng vũ trang có quyền từ chối không chấp hành mệnh lệnh.

Ở Việt Nam, lực lượng vũ trang "nhân dân" đi đánh đập những người dân tưởng niệm những liệt sĩ đã chống giặc Tàu xâm lược, đánh những người dân đi khiếu kiện đất đai như cụ Lê Đình Kình, đi kinh doanh bất chấp luật pháp để kiếm tiền như vụ Vũ nhôm… Xương máu các anh em chiến sĩ bị lợi dụng, lạm dụng chỉ để bảo vệ cái ghế bất hợp pháp của đảng cầm quyền, làm đầy túi tham cho họ.

Nhắn nhủ

Tôi viết bài này để các anh em trong quân đội, công an đọc, nhất là các anh em trong Lực lượng 47 đọc và cùng thảo luận trong các đơn vị quân đội mà các anh em đang công tác. Tôi không phải là "thế lực thù địch" mà là đồng đội của các anh em. Nhiều bà con, họ hàng, bạn bè của tôi đang là sĩ quan. Nếu có giặc đến thì tôi là người cầm súng cùng với anh em bảo vệ đất nước chứ không phải những người đang rao giảng cho các anh em về lòng trung thành với đảng cộng sản.

Giới lãnh đạo cộng sản ngoài chuyện bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, còn tỏ ra bất lực trong việc phát triển kinh tế. Đơn cử như chuyện phát triển công nghiệp ô tô là một sản phẩm cực kỳ quan trọng trong việc công nghiệp hóa thành công thì đến giờ này Bộ Công thương và Bộ Tài chính vẫn cãi nhau ỏm tỏi về việc áp dụng thuế cho ô tô như thế nào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì ra lệnh tính cả nền kinh tế ngầm vào GDP để GDP cao hơn, và có thể vay nợ nhiều hơn. Đảng cộng sản tiếp tục cầm quyền bất hợp pháp không do dân bầu thì đất nước tiếp tục lụn bại về kinh tế, và qua đó gây suy giảm khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang vì không có tiền mua sắm trang thiết bị, vũ khí.

Nếu giới lãnh đạo cộng sản không thay đổi sang dân chủ thực chất thì cuối cùng chắc chắn sẽ có biến động chính trị – xã hội lớn. Khi đó, hẳn anh em đã biết phải đứng về phía ai, nhân dân hay giới lãnh đạo cộng sản ?

Trung Nguyễn

Nguồn : © Copyright Tiếng Dân, 06/02/2018

Published in Diễn đàn