Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/05/2018

Chủ nghĩa dân túy cộng sản và những cảnh báo đối với Việt Nam

Trung Nguyễn

Vừa qua, ngày 15/5, ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương – có một bài viết đáng chú ý trên hệ thống báo đảng, với tựa đề, "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam". Bài viết của ông Thưởng cho thấy, ông hoặc một số lãnh đạo cộng sản cao cấp đang có một mối lo lắng nhất định đối với thứ chủ nghĩa này.

populism1

Chiều 5/2/2017, Bộ Chính trị công bố quyết định phân công ông Võ Văn Thưởng thôi tham gia Ban chấp hành Đảng Bộ Thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương và ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Thanh Niên

Tôi khá ngạc nhiên khi đọc bài viết vì thật ra nói chung, nghe nói tới từ "chủ nghĩa" là tự động người dân Việt Nam sẽ liên tưởng tới "Mác Lênin". Và chủ nghĩa Mác Lênin là cái thứ chủ nghĩa đã dìm dân tộc này xuống đáy, thậm chí Việt Nam giờ đây nhiều mặt đã thua cả Lào và Campuchia, vậy thì còn có cái chủ nghĩa gì đáng sợ hơn cả chủ nghĩa Mác Lênin nữa ?

Chủ nghĩa dân túy là gì ?

Hãy nghe ông Võ Văn Thưởng định nghĩa về chủ nghĩa dân túy : 

"Trong ngôn ngữ hằng ngày ở châu Âu, châu Mỹ lẫn ở châu Á, dân túy thường dùng để chỉ trích một đảng phái, một vài chính trị gia nào đó đang tìm kiếm sự thu hút, ủng hộ của dân chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại.

Vì vậy, từ các cách tiếp cận trên, có thể nhìn nhận, khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân".

Như thế, liên tưởng tới đảng cộng sản thời kỳ còn chưa cướp được chính quyền, ta có thể thấy đảng cộng sản cũng sử dụng chủ nghĩa dân túy để đạt được mục đích.

populism2

Trong thời kỳ chưa cướp đạt được chính quyền, Đảng cộng sản Việt Nam đã sử dụng chủ nghĩa Mác-Lênin như một chiêu bài dân túy để đạt mục đích

Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ Chí Minh cũng đưa ra những ngôn từ "êm tai nhưng trống rỗng" như "dân chủ", "cộng hòa", "tự do", "bình đẳng", "độc lập"… để giành được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đã củng cố được quyền lực, giới lãnh đạo cộng sản đã thực thi chế độ độc đảng toàn trị. Dân hoàn toàn mất quyền lợi căn bản nhất trong thể chế dân chủ cộng hòa là được bầu ra cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia qua bầu cử đa đảng tự do và công bằng, có nhiệm kỳ. Thật vậy, bầu cử độc đảng là không có bầu cử.

Là một quốc gia nông nghiệp, đa số người dân Việt Nam sống bằng nghề nông. Giới lãnh đạo cộng sản cũng đã từng đưa ra khẩu hiệu "người cày có ruộng", hứa hẹn sẽ chia lại ruộng đất cho nông dân. Đến giờ này thì tất cả đã lộ rõ, đó chỉ là "thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý đám đông", như lời của ông Thưởng.

Có rất nhiều ví dụ sống động là những vụ án về việc lãnh đạo cộng sản cướp đất của nông dân trong những năm gần đây như : Vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An, Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội), Đồng Tâm (Hà Nội), Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh)… Không thể kể hết sự phẫn uất ngút trời của người dân bị cướp đất ở Việt Nam. "Người cày" không hề "có ruộng" như hứa hẹn mà bị "cướp ruộng".

Chỉ từ một số ví dụ như trên, có thể khẳng định, giới lãnh đạo cộng sản cũng chẳng hề theo chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ sử dụng chủ nghĩa dân túy để độc chiếm quyền lực chính trị bất hợp pháp, từ đó vơ vét tài sản làm đầy túi riêng cho mình.

Chính ông Thưởng là người tiêu biểu cho chủ nghĩa dân túy trong đảng cộng sản

Ngạc nhiên thay, nhân vật đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi đọc bài viết của ông Võ Văn Thưởng lại chính là … ông Võ Văn Thưởng.

Cách đây đúng một năm, ngày 18/5/2017, ông Thưởng đã tuyên bố rất "kêu"

"Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý".

Nghe ông Thưởng nói câu này, hẳn những trí thức nặng lòng với dân tộc nhưng còn chưa hiểu rõ tính "mị dân" của giới lãnh đạo cộng sản, rất vui sướng. Chắc là cuối cùng nhà cầm quyền đã đồng ý đối thoại với người dân, nhất là với giới trí thức, với những người bất đồng chính kiến để tìm đường tháo gỡ bế tắc cho dân tộc ?

Nhưng không, từ khi ông Thưởng phát biểu câu này, công an Việt Nam đã tung ra một đợt trấn áp chưa từng có đối với phong trào dân chủ và xã hội dân sự. Hàng chục người đã bị bắt và bị kết án với những mức án rất nặng nề, vô nhân đạo như chị Trần Thị Nga (Thúy Nga), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Hoàng Bình, cùng các thành viên Hội Anh em dân chủ…

Phát biểu của ông Thưởng như vậy chỉ mang tính dân túy, "thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại". Bài viết của ông Thưởng hiện tại và câu nói của ông cách đây một năm đã minh chứng cho cả hệ thống chính trị xảo trá, mị dân và tàn bạo, là ví dụ rõ nét cho chủ nghĩa dân túy cộng sản. Giới lãnh đạo cộng sản quá sợ hãi trước việc đối thoại một cách thẳng thắn với người dân. Quá sợ nên mới phải dùng tới bạo lực, bất chấp pháp lý và đạo lý.

Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng là một nhân vật dân túy

Gần đây, ông Nguyễn Phú Trọng, chắc cũng được biết đến tình trạng dân chúng bất mãn cao độ vì sự lộng hành ngang ngược, coi thường luật pháp, tham nhũng vòi vĩnh đòi hối lộ của cán bộ đảng viên cộng sản, nên rất hay nói câu : " Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp".

Nghe câu nói này của ông Trọng có lẽ người dân sẽ nghĩ giới lãnh đạo cộng sản cuối cùng cũng đã chịu thừa nhận sai lầm, nhận là họ đã ngồi lên trên hiến pháp và luật pháp, và sẽ đồng ý thực hiện cơ chế tam quyền phân lập để giới hạn quyền lực, có sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh quyền lực nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư pháp, ngoài ra còn có sự giám sát quyền lực của người dân qua xã hội dân sự và báo chí tự do.

Tuy nhiên, ngày 15/11/2017, chính Bộ Chính trị của đảng Cộng sản lại đưa ra quy định 102-QĐ/TW, cấm đảng viên cộng sản không được đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên đa đảng", tức là giới lãnh đạo cộng sản phủ nhận hoàn toàn các cơ chế được cả thế giới văn minh áp dụng để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền của đảng cai trị.

Như thế, rõ ràng ông Trọng cũng chỉ đi lừa mị nhân dân, nói những câu để người dân ảo tưởng là giới lãnh đạo cộng sản sẽ thay đổi. Chính bản thân ông Trọng từng sổ toẹt về việc đảng cộng sản đứng trên "cái lồng" hiến pháp và luật pháp qua câu nói "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau cương lĩnh của đảng [cộng sản]".

Giới lãnh đạo cộng sản nên chấm dứt mâu thuẫn

Người dân Việt Nam có thể dễ dàng chỉ ra rất nhiều điểm vô lý, mâu thuẫn, mị dân trong lời nói, hành động của các cán bộ cộng sản, đã được chính báo chí nhà nước đăng tải hàng ngày. Hai ví dụ về ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Phú Trọng ở trên, phần nào cho thấy được bức tranh về chủ nghĩa dân túy cộng sản ở Việt Nam.

Có những phỏng đoán cho rằng, qua bài viết về chủ nghĩa dân túy, ông Thưởng muốn ám chỉ một số nhân vật trong đảng cộng sản đang cạnh tranh quyền lực với ông. Bài viết của ông là phát súng đầu tiên nhắm vào các nhân vật này.

Tôi không phải là người ở trong hàng ngũ đảng viên cộng sản cao cấp nên không biết thực hư thế nào. Tôi viết bài viết này để chỉ ra rằng, không có đảng viên cộng sản cao cấp nào mà không dân túy, không mị dân, không đạo đức giả. Việc ông Thưởng chọn vũ khí "dân túy" để triệt hạ đối thủ chính trị của ông, coi chừng lại bị lâm vào cảnh "gậy ông đập lưng ông".

Chừng nào mà giới lãnh đạo cộng sản còn kiên trì chế độ độc đảng toàn trị, chừng đó bắt buộc họ sẽ phải sử dụng các kỹ thuật dân túy để lừa mị nhân dân, câu giờ cho chế độ chuyên chính kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó, để họ tiếp tục đè đầu, cỡi cổ dân, để "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Trung Nguyễn

Nguồn : © Copyright Tiếng Dân (20/05/2018)

Quay lại trang chủ
Read 895 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)