Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Bắt cá hai tay". Trung Quốc đang tính toán những gì ở Miến Điện ? Đối thoại với tập đoàn quân sự và liên minh vũ trang chống quân đội là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh với quốc gia Đông Nam Á này "có hạn", hay Trung Quốc đang lo rằng xung đột vũ trang tại Miến Điện "vuột tầm kiểm soát" như Emmanuel Véron chuyên gia về Trung Quốc đương đại, viện INALCO Paris, ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt ?

tqmd1

Binh sĩ của Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đứng gác ở Laiza, thị trấn biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện, ngày 29/10/2013. AP - Khin Maung Win

"Chiến dịch 1027" liên minh vũ trang giữa ba sắc tộc thiểu số Miến Điện khởi động từ hôm 27/10/2023 đang làm đảo lộn những kế hoạch của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Bắc Kinh vẫn là điểm tựa chính trị và quân sự của giới tướng lĩnh cầm quyền nhưng lại "tiếp tay" với phe nổi dậy chống lại Naypyidaw để cứu vãn quyền lợi kinh tế, dập tắt nguy cơ bất ổn tại đường biên giới phía nam, bảo đảm an toàn và kế sinh nhai cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu.

Ngày 01/02/2024 đánh dấu tròn ba năm tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự trong tay Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Ba năm sau cuộc đảo chính, giới tướng lĩnh ở thủ đô Naypyidaw chỉ còn kiểm soát từ "40 đến 60% lãnh thổ" như giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp Eric Mottet ghi nhận.

Từ cuối tháng 10/2023, quân đội Miến Điện, với điểm tựa chính là Trung Quốc, đã bị liên minh vũ trang Three Brotherhood Alliance  - TBA thách thức, mở nhiều mặt trận tấn công. Tập đoàn quân sự nhìn nhận "thất bại quân sự tại nhiều khu vực ở bang Shan" biên giới đông bắc, sát với Trung Quốc.

Hiệu quả của vai trò trung gian hòa giải

Về phía Bắc Kinh, do có đường biên giới chung hơn 2.000 km với Miến Điện, Trung Quốc đã ít nhất hai lần thông báo thuyết phục được Naypyidaw và các phe nổi dậy vũ trang ngừng giao tranh. Gần đây nhất là hôm 12/01/2024 sau ba vòng đàm phán tại Côn Minh tỉnh Vân Nam. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện (Myanmar National Democratic Alliance Army - MNDAA), một trong ba bên chủ chốt trong TBA xác nhận thỏa thuận Côn Minh "tan vỡ" khi quân đội dùng "vũ khí hạng nặng" tấn công một ngôi làng ở bang Shan.

Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia Ta’ang (Ta'ang National Liberation Army – TNLA) chỉ trích Bắc Kinh chỉ "lo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc" trong khu vực và thỏa thuận ngừng bắn là thủ thuật "câu giờ có lợi cho bên quân đội chính quy đang thất thế".

Một nguồn tin khác trích dẫn thông cáo của TBA nhắc lại mục tiêu của liên minh vũ trang này là giành lại quyền lực từ tay giới tướng lĩnh.

Trung tuần tháng 12/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cũng đã rất tự hào khoe thành tích "nỗ lực hòa giải" của Bắc Kinh. Các vòng đàm phán sau đó ở Côn Minh đã phủ nhận thành công của Trung Quốc.

Quyền lợi kinh tế và mối lo bất ổn ở biên giới

Theo tất cả các nhà quan sát, những hoạt động ngoại giao dồn dập đó của Trung Quốc là nhằm "bảo vệ" ổn định tại một vùng ngay sát cạnh, bảo đảm an ninh cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu và nhất là bảo vệ những lợi ích kinh tế, thương mại của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Do xung đột vũ trang tại Miến Điện từ cuối tháng 10/2023, thiệt hại về kinh tế và thương mại song phương đã "lên tới 10 triệu đô la".

Tháng 02/2021, khi tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, từ Nhật Bản đến Úc hay Âu Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt Naypyidaw. Miến Điện cũng đã bị các đối tác trong ASEAN xa lánh. Riêng Bắc Kinh đã đầu tư thêm 113 triệu đô la vào Miến Điện trong cùng năm. Trung Quốc là nguồn bảo đảm đến 25% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Miến Điện.

Nhân danh nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" của bất kỳ một quốc gia nào, Trung Quốc kiên nhẫn duy trì quan hệ với nước láng giềng sát cạnh và "tiếp tục thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa mới", đặc biệt là dự án đầu tư vào cảng nước sâu Kyaukphy, cửa ngõ hướng ra Ấn Độ Dương.

Nhưng trên thực tế bất ổn kéo dài tại Miến Điện càng lúc càng khiến Bắc Kinh bực mình, nhất là khi họ nhận thấy "tập đoàn quân sự Miến Điện không là những đối tác đáng tin cậy cho Trung Quốc thực hiện những mục tiêu chiến lược mà họ đã đề ra", như Jason Tower, một chuyên gia Mỹ về Miến Điện tại Bangkok ghi nhận.

Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông - INALCO Paris nhấn mạnh đến "mật độ" trong bang giao giữa Bắc Kinh với Miến Điện từ rất lâu nay không chỉ về khía cạnh kinh tế hay thương mại mà thôi : 

Emmanuel Véron : "Quan hệ giữa Trung Quốc với Miến Điện đặc biệt quan trọng và chặt chẽ đến nỗi đôi khi giới quan sát cho rằng Miến Điện là một nước thuộc quỹ đạo của Bắc Kinh, là một chư hầu của Trung Quốc. Trung Quốc luôn chú trọng đến mối quan hệ rất cô đọng này, trước đây là với tập đoàn quân sự và hiện nay, do những bất ổn nội bộ tại quốc gia Đông Nam Á này, Bắc Kinh có khuynh hướng kết nối luôn cả với lại các lực lượng vũ trang kình địch với giới tướng lãnh cầm quyền. (...) Từng bước Trung Quốc thiên về các lực lượng chính trị và quân sự đang nổi lên tại Miến Điện. Thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố mà trước hết là những chuyển biến trong nội bộ Miến Điện. Đừng quên rằng đây là một quốc gia đang trong trạng thái rất sôi động cả về chính trị lẫn về phương diện quân sự.

Kế tới là những chuyển động từ bên ngoài. Tôi xin giải thích : Bản thân Trung Quốc cũng đang trải qua một số những biến động và một số hồ sơ đang vượt khỏi tầm tay. Bắc Kinh đang mất dần một số những điểm tựa. Đừng quên rằng, Miến Điện chịu ảnh hưởng cả của Trung Quốc lẫn Ấn Độ và do vậy, đây là sân chơi để hai nước lớn này của châu Á gián tiếp đọ sức với nhau. Cũng phải nói rằng, liên quan đến những bất ổn hiện nay ở Miến Điện, cũng đã có một sự can thiệp kín đáo của New Delhi. Đối với Trung Quốc đây là một vấn đề quá nhạy cảm để có thể bỏ rơi Miến Điện và điều đó giải thích cho thái độ "bắt cá hai tay" của Bắc Kinh, quay sang ủng hộ những thế lực quân sự đang nổi lên".

Cảng nước sâu Miến Điện, lộ trình thay thế cho eo biển Malacca 

Trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường được ông Tập Cận Bình khởi xướng từ 2013 Miến Điện là một "mắt xích" quan trọng và hơn thế nữa bang Shan ở khu vực đông bắc Miến Điện, sát biên giới với Trung Quốc là "nút thắt" chính, là điểm khởi đầu trong tham vọng mở một hành lang kinh tế CMEC đi thẳng ra cảng nước sâu Kyaukphy.

Kyaukphy – Mandalay – Muse bang Shan sẽ là trục chính để đưa dầu, khí đốt Trung Quốc nhập của Nga hay Trung Đông vào tận Côn Minh, tỉnh Vân Nam và là một "lộ trình thay thế" cho con đường giao thương hàng hải phải đi qua eo biển Malacca.

Có điều từ khi liên minh ba sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện TBA khởi động Chiến dịch 1027, giao tranh bùng lên ở nhiều nơi, thất thu về thương mại ở khu vực giám ranh biên giới Miến Điện -Trung Quốc đã lên tới cả chục triêu đô la. Thêm vào đó dự án xây dựng đường ống dẫn dầu đi từ cảng Kyaukphy đến bang Shan đã "nhiều lần là mục tiêu tấn công" của các phe nổi dậy.

RFI : Bang Shan là cửa ngõ "40% xuất nhập khẩu song phương" phải đi qua. Theo các nhà quan sát, đó chính là lý do vì sao cuối tháng 11/2023 Trung Quốc đã mở một cuộc tập trận quy mô gần biên giới Miến Điện. Theo quan điểm của giáo sư Véron, tất cả các động thái cả về ngoại giao, quân sự của Trung Quốc trong vùng đều cho thấy Bắc Kinh đang lo hồ sơ Miến Điện vượt ngoài tầm kiểm soát.

Emmanuel Véron : "Miến Điện ngay sát cạnh Trung Quốc, hai nước có đường biên giới chung. Vì lý do an ninh, Bắc Kinh cần bảo đảm khu vực ở biên giới phía nam này phải được ổn định. Ngoài ra từ rất lâu nay Trung Quốc đã mở rộng giao thương với quốc gia Đông Nam Á này, xem Miến Điện là một mắt xích quan trọng trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, như các hệ thống đường ống dẫn dầu …

Trung Quốc đã bắt rễ sâu vào Miến Điện từ lâu nay với nhiều dự án lớn. Thành thử Bắc Kinh không thể để mất những khoản đầu tư đó. Tôi cho rằng qua việc đối thoại với các nhóm vũ trang Miến Điện, Trung Quốc đang lo mất ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này và đây cũng chính là dấu hiệu Trung Quốc đang gặp khó khăn trước thực tế tại Miến Điện hiện nay".

RFI : Vậy câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có những lá chủ bài nào để thuyết phục cả bên quân đội Miến Điện lẫn phe nổi dậy vãn hồi hòa bình và trật tự trong vùng biên giới ? 

Emmanuel Véron : "Nhìn lại giai đoạn trong thời gian gần đây, một trong những lá chủ bài của Trung Quốc để nói chuyện với Miến Điện luôn là tiền. Đó có thể là tiền để mua chuộc các quan chức, tiền chi ra cho các băng đảng mafia, cho các tổ chức tội phạm hoạt động ở vùng biên giới để khoanh vùng các hoạt động phi pháp trên lãnh thổ Miến Điện, tránh để chúng tràn quan biên giới Trung Quốc. Nói cách khác Trung Quốc dùng tiền đổi lấy an ninh. Nhưng tôi xin nhắc lại là chủ trương được áp dụng từ trước đến nay dường như đang sụp đổ cho nên Bắc Kinh chọn giải pháp đối thoại với các bên bởi vì tình hình ở khu vực biên giới với Miến Điện có khả năng vuột khỏi tầm kiềm soát".

************

Chuyên gia về Trung Quốc đương đại của Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương Emmanuel Véron lưu ý chính sách ngoại giao của Bắc Kinh rất uyển chuyển và thực tiễn. Quan điểm của Trung Quốc "sẽ còn theo đổi tùy theo chuyển biến về tương quan lực lượng" giữa bên quân đội với các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện. 

Một số các nhà quan sát khác nhắc lại "tính thực dụng và mập mờ" trong quan hệ giữa Bắc Kinh với các nhóm nổi dậy ở Miến Điện. Hơn nữa kịch bản mà ông Tập Cận Bình tuyệt đối không muốn xảy ra là phương Tây can thiệp hay nhòm ngó vào Miến Điện.

Một người thuộc phe chống đối tập đoàn quân sự Naypyidaw được báo Pháp Le Figaro trích dẫn thậm chí cho rằng "giờ đây Trung Quốc ủng hộ chúng tôi còn hơn cả phương Tây". Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Bắc Kinh bắt đầu "bỏ rơi" giới tướng lĩnh cầm quyền.

Những lá chủ bài của phe nổi dậy 

Song các thiểu số sắc tộc Miến Điện và nhất là liên minh TBA cũng có không ít là bài trong tay để mặc cả với Bắc Kinh. Trong một bài báo gần đây, thông tín viên báo Le Monde tại Đông Nam Á, Brice Pedroletti nhắc lại lực lượng MNDAA - Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện, một trong ba liên minh Huynh Đệ vũ trang, trong quá khứ và hiện tại vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc, qua những liên hệ chặt chẽ với các cộng đồng gốc Hoa sinh sống tại Miến Điện từ nhiều thế kỷ qua. 

Một số tài liệu khác cho thấy điểm mạnh của các nhóm nổi dậy Miến Điện là quan hệ cả với bên quân đội Trung Quốc lẫn các băng đảng tội phạm gốc người Hoa. Cùng lúc thì Bắc Kinh ý thức được rằng biên giới Miến-Trung là một vùng rừng núi hiểm trở, là đất dụng võ của các băng đảng tội phạm, là nơi mà các đường dây ma túy, buôn người, các tổ chức lừa đảo trên mạng không bị luật lệ của Bắc Kinh hay Naypyidaw trói buộc. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 31/01/2024

*************************

Ba năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện thêm suy yếu

Anh Vũ, RFI, 31/01/2024

Ba năm sau cuộc đảo chính của tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng chính trị và nhân đạo, nội chiến triền miên. Những thất bại quân sự của quân đội chính phủ trước các lực lượng sắc tộc thiểu số gần đây càng cho thấy chính quyền quân sự suy yếu.

miendien1

Miến Điện tổ chức rầm rộ Ngày Quân Lực tại Naypyidaw. Ảnh ngày 27/03/2023. AFP - STR

Từ sau khi tập đoàn quân sự trở lại cầm quyền ở Miến Điện bằng cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, đến nay hơn hai phần ba đất nước luôn trong tình trạng chiến tranh. Gần ba triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa và hàng nghìn thường dân thiệt mạng. Đó là những sự thật được giới quan sát và các tổ chức quốc tế ghi nhận về đất nước này sau 3 năm dưới chính quyền quân sự.

Trong một báo cáo công bố tháng 1/2024, Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã nhấn mạnh tình trạng : "Gia tăng bạo lực, gia tăng mức độ nghèo đói và điều kiện sống xuống cấp đang gây những tác động tàn khốc đến cuộc sống của người dân". Chương trình Lương thực Thế giới cũng ước tính vào năm ngoái, 25% trên 54 triệu dân của đất nước này không đủ ăn, 1/3 dân số đang cần được hỗ trợ nhân đạo. Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc thẩm định : "Gần hai phần ba đất nước đang trong chiến tranh".

Những biến động mới xuất hiện vào cuối tháng 10, khi Quân đội Arakan (AA), Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) quyết định lợi dụng sự suy yếu của lực lượng chính quy đã liên kết với nhau phát động lại cuộc chiến từ hàng chục năm nay, với mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước, bằng chiến dịch mang tên gọi 1027.

Lực lượng nổi dậy đã nhanh chóng giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, chiếm được nhiều căn cứ quân sự và các trục đường chiến lược, đặc biệt là tuyến giao thương với nước láng giềng Trung Quốc.

Ông Guillaume de Langre, một cựu cố vấn về năng lượng cho chính phủ dân sự Miến Điện, được nhật báo Pháp La Croix trích dẫn, nhận định : "Miến Điện đang bước vào giai đoạn mới của cuộc xung đột với cuộc tấn công được tổ chức phối hợp hoàn hảo trên tất cả các vùng biên giới, bởi các nhóm du kích quân được trang bị vũ khí tốt và được huấn luyện kỹ càng. Các nhóm này đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ ở miền bắc, phía đông và đông nam của đất nước". 

Hệ quả là, phần lãnh thổ mà chính quyền quân sự kiểm soát giờ ít hơn hồi năm 2021 và nhất là chính quyền dường như không có phương tiện để dành lại. Theo một số chuyên gia quân sự, hơn 6000 binh sĩ Miến Điện đã đào ngũ chạy sang Ấn Độ và Trung Quốc hoặc gia nhập quân kháng chiến.

Thắng lợi của lực lượng nổi dậy với chiến dịch 1027 đã làm dấy lên sự bất đồng trong chính quyền, vốn thường tỏ ra gắn kết với nhau, đồng thời gây ra sự chỉ trích công khai chưa từng có từ một số người ủng hộ chế độ nổi tiếng. Ông Htwe Htwe Thein, thuộc Đại học Curtin ở Úc, nói với AFP : "Chính quyền chưa bao giờ yếu đến thế". Theo ông, có vẻ như quân đội chính phủ từ giờ sẽ còn hứng chịu nhiều thất bại lớn nữa.

Tuy nhiên, sẽ là quá nếu nói rằng chính quyền quân sự Miến Điện đang trên bờ vực sụp đổ. Một nhà ngoại giao phương Tây từng có nhiều năm làm việc tại Rangoon khẳng định, chính quyền (hiện nay) vẫn có đủ phương tiện để nắm giữ quyền lực thiết yếu. 

Trong khi đó, lộ trình của liên minh nổi dậy vẫn chưa rõ ràng, không biết mục tiêu của họ có vượt ra ngoài cuộc chiến giành lãnh thổ để hướng tới cuộc đấu tranh vì dân chủ hay không.

Trước ngày kỷ niệm 3 năm đảo chính, hôm nay 31/01, tập đoàn cầm quyền quân sự Miến Điện thông báo nới lỏng các quy định đăng ký tham gia bầu cử cho các đảng, đồng thời tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp, đã được áp dụng từ cuộc đảo chính năm 2021. Tuy nhiên, giới quân nhân không nói rõ lịch trình bầu cử mà họ cam kết để trở lại chế độ dân chủ. Với phần đông các nhà quan sát, đó chỉ là nhưng nỗ lực xoa dịu dân chúng, đặc biệt trong lúc gặp khó khăn về quân sự trước lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số. Điều đó không đủ để chế độ độc tài quân sự này tồn tại mãi.

Anh Vũ

Published in Diễn đàn

Tập đoàn quân sự Miến Điện ngày 27/11/2023 loan báo, ba tầu chiến Trung Quốc đã đến Rangoon để tham gia đợt thao dượt chung với hải quân Miến Điện.

tqmiendien1

Các sĩ quan hải quân Myanmar chào đón tàu hải quân Trung Quốc đến cảng Quốc tế Thilawa, Rangoon, Miến Điện, ngày 30/09/2016. AP - Thein Zaw

Sự kiện này diễn ra vào lúc quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc đang căng thẳng do xung đột giữa quân đội Miến Điện và liên minh một số sắc tộc thiểu số vũ trang ở vùng biên giới chung với Trung Quốc.

Theo thông báo của chính quyền quân sự Miến Điện, được AFP trích dẫn, một khu trục hạm, một tầu hộ tống chống tầu ngầm và một tầu tiếp liệu đã cập cảng Thilawa (miền trung Miến Điện) vào chiều tối thứ Hai 27/11. 

Báo Global New Light of Myanmar, được tập đoàn quân sự hậu thuẫn, cho biết, Trung Quốc điều một "lực lượng hải quân tác chiến" gồm 700 lính thủy đến tham gia cuộc tập trận. 

Trung Quốc là một trong số các đồng minh, bên cung cấp vũ khí chính cho tập đoàn quân sự Miến Điện, đồng thời cũng là quốc gia từ chối xem việc tập đoàn quân sự chiếm quyền lực năm 2021 là một cuộc đảo chính. 

Tuy nhiên, xung đột quân sự đã nổ ra từ cuối tháng 10/2023 giữa quân đội Miến Điện và liên minh các nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy nằm dọc theo biên giới với Trung Quốc. 

Theo chính quyền quân sự Miến Điện, những nhóm vũ trang này đã sử dụng nhiều loại drone do Trung Quốc sản xuất, cho phép họ chiếm được nhiều trục giao thương chiến lược và hàng chục đồn biên phòng ở phía bắc bang Shan. Đầu tháng 11/2023, một cuộc biểu tình hiếm có, được tập đoàn quân sự cho phép, đã diễn ra ở Rangoon tố cáo Trung Quốc hậu thuẫn các nhóm vũ trang. 

Phía Bắc Kinh bày tỏ sự "bất bình sâu sắc" trước những cuộc đọ súng ở phía bắc, khu vực có các đường ống dẫn dầu và khí đốt để cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc, và cũng là nơi có một dự án liên thông đường sắt ước tính trị giá một tỷ đô la. 

Xung đột đã làm thiệt mạng nhiều công dân Trung Quốc ở phía bên kia biên giới, theo như khẳng định từ Bắc Kinh nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trước tình hình an ninh xuống cấp, hôm thứ Sáu, 24/11/2023, Bắc Kinh kêu gọi công dân rời khu vực miền bắc Miến Điện "càng nhanh càng tốt" và tránh xa các vùng chiến sự.

Minh Anh

Published in Châu Á

Vai trò của Trung Quốc trong đảo chính ở Myanmar và tác động đến Việt Nam

Lâm Bảo, RFA, 26/02/2021

Chính trường Myanmar đảo chiều và mối liên hệ với Trung Quốc

Sau chính biến ngày 1/2, quân đội Myanmar đã nắm hoàn toàn quyền kiểm soát đất nước. Đây là một sự kiện khá bất ngờ đối với tất cả thế giới.

vaitro1

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội ở Yangon hôm 22/2/2021 - Reuters

Thực chất, những cáo buộc "gian lận bầu cử" dường như chỉ là cái cớ để quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến. Tuy nhiên, điều quan trọng được dư luận thế giới quan tâm nhất hiện nay là động thái của Trung Quốc, đặc biệt là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Myanmar trong tháng 1 vừa qua, có thể đã trở thành động lực quan trọng cho cuộc chính biến lần này.

Mặc cho phương Tây phản đối, Trung Quốc vẫn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với lý do "không can thiệp vào công việc nội bộ" của nước khác. Báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng cuộc đảo chính chỉ là "một sự cải tổ nội các" quan trọng của Myanmar.

Về mặt công khai, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử ở Myanmar tháng 11/2020 là "có gian lận". Nhưng quân đội Myanmar sẽ không thể tự tin thực hiện chính biến nếu không được đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ cho họ trước các lệnh trừng phạt và các nghị quyết lên án của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA Liên Hiệp Quốc) vốn đang được phương Tây đề xuất. Họ hiểu rằng Trung Quốc - nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới - có thể bù đắp cho họ những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt nói trên gây ra. Chắc hẳn đã có một cuộc thảo luận nào đó khiến giới quan chức quân sự Myanmar tin rằng Trung Quốc sẵn sàng đứng về phía Myanmar. 

Mặc dù, Chính phủ Trung Quốc dường như đã có mối quan hệ khá gần gũi với lực lượng dân chủ của bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn nhà nước Myanmar - chứ không phải là với quân đội Myanmar. Thực tế, quân đội Myanmar không ủng hộ chủ trương phụ thuộc vào bên ngoài và lựa chọn con đường cô lập với quốc tế. Quân đội Myanmar phải mất 10 năm mới thích nghi được với nền dân chủ và việc dừng các dự án lớn, được cho là do lo ngại Myanmar sẽ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Thế nhưng, có thể hiện giờ Trung Quốc đã nhận được cam kết của người đứng đầu các lực lượng vũ trang Myanmar về việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa 2 nước nên Bắc Kinh mới "chấp thuận" để quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến lần này. Sau này, nếu dự án xây đập do Trung Quốc "thầu" vẫn được tiến hành bất chấp sự phản đối của người dân, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy Myanmar đã chuyển trọng tâm sang Trung Quốc.

vaitro2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Cố vấn quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw, Myanmar, hôm 17/1/2020. Reuters

Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã "khuyên" người đứng đầu các lực lượng vũ trang Myanmar tiến hành chính biến. Tuy nhiên, có thể quân đội Myanmar tin rằng họ đã "kéo" được Trung Quốc về phía mình và nhận được sự giúp đỡ. Trung Quốc hiếm khi bỏ lỡ cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình ở Châu Á, nhất là những nơi có nền tảng ảnh hưởng nhất định của Mỹ. Vì thế, nếu Mỹ và đồng minh cố gắng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Myanmar, Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt tại khu vực và can thiệp vào tình hình nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Bắc Kinh hiện đang lăng xê "hành lang kinh tế" đại quy mô trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa", gồm một đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu nối Vân Nam với một cảng nước sâu ở Vịnh Bengal. Những công trình quan trọng này giúp đưa dầu khí đến Trung Quốc mà không cần đi que eo biển Malacca - vốn là một trọng điểm trong con đường vận chuyển dầu mỏ từ nhiều nơi trên thế giới đến Trung Quốc. Tuy nhiên, eo biển Malacca có thể bị Mỹ và phương Tây "khoá chốt", vì thế, Trung Quốc luôn tìm cách thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào tuyến đường qua Malacca này.

Làn sóng chống Trung Quốc bùng lên

Cuộc đảo chính ở Myanmar sẽ có nhiều tác động đến khu vực Đông Nam Á. Trước hết, cuộc đảo chính càng đẩy khu vực này đi theo xu hướng "suy thoái" dân chủ, vào lúc mà những quốc gia như Philippines, Campuchia, Indonesia và Thái Lan cũng đang đi bước lùi trên con đường dân chủ hóa. Tình hình tại Myanmar sẽ khiến Đông Nam Á thêm bất ổn. Thứ nhất, nó sẽ tạo ra một làn sóng di dân mới sang các nước láng giềng. Thứ hai, phiến quân của các sắc tộc thiểu số sẽ lợi dụng tình hình để đẩy mạnh các chiến dịch quân sự, phá vỡ các thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù quân đội nắm giữ chính quyền thông qua "họng súng", nhưng đất nước vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất này, không muốn trở lại thời kỳ quân phiệt trước đây. Các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính diễn ra ngày càng nhiều tại Myanmar.

Gần đây, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Myanmar lại đang chuyển sang mang sắc thái chống Trung Quốc. Nhiều đám đông đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon và kêu gọi tẩy chay hàng hóa dịch vụ của nước này. Nhiều thông tin được lan truyền, trong đó có tin đồn rằng binh lính Trung Quốc đã xâm nhập Myanmar và phần mềm Trung Quốc sẽ được sử dụng để thiết lập "Bức tường lửa Vĩ đại". Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar đang cố gắng bác bỏ những tin đồn này nhưng không thu được nhiều kết quả.

vaitro3

Người biểu tình cầm các tấm biểu ngữ phản đối đảo chính của quân đội ở Yagon hôm 24/2/2021. Reuters

Làn sóng chống Trung Quốc đã tồn tại lâu đời tại Myanmar, cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương, do các cuộc xung đột giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số Trung Quốc với các cộng đồng khác. Các dự án đầu tư Trung Quốc đã từng là những điểm sáng quan trọng, đặc biệt là dự án Đập Myitsone (dự án bị đình chỉ năm 2011 sau khi tiến trình dân chủ diễn ra). Tuy nhiên, người dân địa phương liên tục lên án việc cưỡng chế di dời và các tác động môi trường liên quan đến những dự án này. Ngược lại, Bắc Kinh luôn mong muốn được tái khởi động các dự án đầu tư đang bị đình trệ.

Trên thực tế, làn sóng chống Trung Quốc cũng đang tăng cao trên khắp Đông Nam Á. Rất nhiều người trẻ nhìn thấy sự tương đồng giữa cuộc biểu tình Hong Kong năm 2019 và sự phản kháng của họ đối với chính quyền độc tài của Trung Quốc. Điều này đã tạo ra cái gọi là Liên minh Trà Sữa của những nhà hoạt động trực tuyến. Chính chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc và sự bất mãn của người dân các nước đối với với kẻ hiếu chiến bên ngoài đã góp phần củng cố sự đoàn kết của các phong trào chống độc tài. Tuy vậy, sự nguy hiểm thể hiện đằng sau những phong trào chống độc tài này chính là việc giới cầm quyền trong nước và giới siêu giàu sẵn sàng quy thuận Trung Quốc để đổi lấy lợi ích cá nhân.

Câu chuyện của Việt Nam

Tất cả những vấn đề này đều tác động đến Việt Nam không ít. Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường việc tập trung bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến, thậm chí cả những người nông dân. Với sự thụt lùi của phong trào dân chủ của Đông Nam Á, chính quyền Việt Nam dường như đang được cổ vũ cho sự cai trị mang màu sắc độc tài của mình. Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi nếu chính quyền Việt Nam muốn thoát khỏi sự lệ thuộc từ Trung Quốc thì Việt Nam cần phải đi theo con đường dân chủ hoá. Dân chủ hoá để có thể hạn chế và chống lại nạn tham nhũng, đồng thời phát huy được sức mạnh từ nhân dân. Nhưng dường như chính quyền Việt Nam đã bỏ ngoài tai tất cả các lời kêu gọi như vậy.

Nhiều người dân tỏ ra bất mãn trước việc các lãnh đạo Việt Nam chỉ lo chia ghế, giành giật nhau các vị trí quan trọng để thủ lợi cá nhân, mà không lo tới vận mệnh hay an nguy của đất nước, của dân tộc. Đại hội Đảng 13 đã xong, nhưng dường như những người nắm giữ vị trí "Tứ trụ" ngoài chức Tổng bí thư ra vẫn còn là ẩn số. Điều này được giải thích là các phe phái vẫn chưa thoả hiệp được với nhau về các vị trí này.

Ngoài ra, các "đại gia" nắm giữ rất nhiều nguồn lực của đất nước, với sự chống lưng của các quan chức cao cấp. Dư luận Hà Nội râm ran cho biết tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết có sự "chống lưng" từ Trung Quốc. Tập đoàn này kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có cả ngành hàng không dân dụng. Phía Nam, nhiều người không lạ khi hầu hết các "đất vàng" nằm trong khu vực trung tâm Sài Gòn đều bị công ty bất động sản Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan thâu tóm. Vấn đề là bà Trương Mỹ Lan lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để có thể mua hàng loạt bất động sản "khủng" như vậy? Chưa kể sự thâu tóm "đất vàng" của bà Trương Mỹ Lan có sự tiếp tay rất lớn của "Bố già" Lê Thanh Hải - Cựu Bí thư thành uỷ, Uỷ viên Bộ chính trị.

Những mối quan hệ ngầm đầy phức tạp giữa các "đại gia" với các "bố già" chính trị như vậy khiến cho chính trường Việt Nam dễ bị chi phối rất lớn bởi các "thế lực ngoại bang". Và nếu giả sử có sự đối đầu với Trung Quốc thì chính các "đại gia" này lẫn các "bố già" sẽ là lực lượng muốn "quy hàng" Trung Quốc đầu tiên để giữ các lợi ích cá nhân của họ.

Và vì thế, sự bất ổn từ Myanmar cũng sẽ có thể là tương lai của Việt Nam nếu chính quyền Việt Nam không đưa nền chính trị đất nước theo xu hướng dân chủ hóa.

Lâm Bảo

Nguồn : RFA, 26/02/2021

**********************

Nghi kỵ Trung Quốc, quân đội Miến Điện mua thêm vũ khí của Nga

David Camroux, RFI, 26/02/2021

Giữa quân đội Miến Điện và Trung Quốc luôn có một mối quan hệ hợp tác phức tạp, vì hai bên vẫn ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau.Thái độ nước đôi của Trung Quốc buộc Miến Điện phải tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí Trung Quốc. Cách hành xử hai mặt đó cũng khiến Bắc Kinh khó có thể can dự để làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện.

mien1

Nhiều phương tiện cơ giới, xe tăng của Miến Điện là do Nga sản xuất.  AFP – Sai Aung Main

Trên đây là những nhận định chính của chuyên gia về Đông Nam Á, David Camroux, trường đại học Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po) khi trả lời Ban tiếng Việt, đài RFI.

******

RFI : Trước hết xin ông nhắc lại những nguyên nhân nào thúc đẩy quân đội Miến Điện tiến hành cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 ?

David Camroux : Việc chọn ngày đảo chính cũng đơn giản. Ngày 01/02, Nghị Viện mới lẽ ra sẽ phải tuyên thệ nhậm chức sau cuộc bầu cử Quốc Hội được tổ chức hồi tháng 11/2020. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn với 83% số phiếu. Đảng do quân đội hậu thuẫn bị thua, chỉ có được 8% số ghế ở Nghị Viện.

Giới quân nhân trước khi đảo chính đã tố cáo có gian lận trong bầu cử và yêu cầu Ủy ban bầu cử kiểm tra lại. Nhưng đề nghị này đã bị chính phủ bà Aung San Suu Kyi và Ủy ban bầu cử bỏ qua. Điều này giải thích vì sao quân đội chọn ngày này để đảo chính.

Giới quân sự muốn thâu tóm hết những phần quyền lực còn lại. Đúng là họ đã có được 25% số ghế ở Nghị Viện và điều này được quy định cho lâu dài, bởi vì không thể sửa đổi Hiến Pháp mà không có sự đồng thuận của quân đội. Hơn nữa, họ giữ trong tay ba bộ chủ chốt : Nội Vụ, Quốc Phòng và Biên Giới. Nhưng họ vẫn muốn chiếm lấy phần quyền hành không nằm trong tay họ. Miến Điện có một hệ thống chính trị lai ghép, bán dân chủ, luôn đi kèm với vai trò của giới quân nhân.

RFI : Như một sự ngẫu nhiên, hai tuần trước biến cố, ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Naypyidaw, đã gặp bà Aung San Suu Kyi, trước khi đến bắt tay với tướng Min Aung Hlaing. Vậy Trung Quốc có vai trò gì không trong cuộc đảo chính này ?

David Camroux : Trung Quốc cần đến Miến Điện nhiều hơn là chiều ngược lại. Trung Quốc cần Miến Điện cho dự án đường ống dẫn dầu đi từ Vân Nam đến Vịnh Bengale để vận chuyển dầu khí mua từ Trung Đông, rồi các đập thủy điện… Trên thực tế, Bắc Kinh cần có một sự ổn định, thế nên cuộc đảo chính này chưa hẳn có lợi cho Trung Quốc.

Hơn nữa, giới quân sự Miến Điện luôn có thái độ ngờ vực Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không ưa thích gì giới tướng lĩnh Miến Điện. Tuy không rõ nét như Việt Nam, nhưng người Miến Điện có một thái độ nghi kỵ Trung Quốc khá lớn.

Mối ngờ vực này được thấy rõ ở việc từ một thập niên nay, giới quân sự Miến Điện mua nhiều vũ khí từ Nga hơn là Trung Quốc. Tôi cho rằng giới tướng lĩnh Miến Điện rất bài Trung Quốc. Họ tự cho mình là người canh giữ sự thống nhất quốc gia, thế nên họ làm những gì họ thấy cần làm. Họ không cần đến ai cả.

RFI : Tuy hai bên có thái độ nghi kỵ lẫn nhau, nhưng điều trớ trêu là Bắc Kinh vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Miến Điện ?

David Camroux: Đương nhiên người dân Miến Điện không thích Trung Quốc. Họ nghi ngờ bởi vì Trung Quốc có đến gần 2.000 km đường biên giới chung với Miến Điện. Hơn nữa Trung Quốc chơi trò bắt cá hai tay. Họ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy chống lại tập đoàn quân sự Miến Điện, nhưng cùng lúc họ ký hợp đồng bán vũ khí cho quân đội Miến Điện. Hơn nữa, lợi ích của Trung Quốc là đầu tư kinh tế, cụ thể là dự án khai thông đến vịnh Bengale. Do vậy, lãnh đạo quân đội hiện nay muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc và mua nhiều vũ khí của Nga. Chúng ta thấy rõ xe cơ giới, xe tăng đều là do Nga sản xuất.

RFI : Trung Quốc đánh tiếng nhờ ASEAN làm trung gian hòa giải. Vì sao Bắc Kinh có cử chỉ này ?

David Camroux: Trung Quốc muốn mượn lời ASEAN để nói chuyện với một nước Đông Nam Á, nếu như Trung Quốc thấy điều đó thuận tiện cho mình. Nhưng Trung Quốc vẫn luôn giữ ý tưởng về vai trò trung tâm của ASEAN, bởi vì điều này có lợi cho Trung Quốc. Hơn nữa Bắc Kinh cũng thừa thông minh để hiểu rằng họ không thể đóng vai trò trung gian, bởi vì vẫn có sự nghi kỵ từ phía người dân, thậm chí đã có một cuộc biểu tình trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Rangun để chỉ trích vai trò của nước này.

RFI : Phương Tây dường như cũng trong thế khó xử. Trừng phạt quốc tế liệu có còn hiệu quả đối với các tướng lĩnh hay không, bởi vì bản thân họ cũng đang bị trừng phạt vì cuộc khủng hoảng người Rohingya ?

David Camroux : Tôi nghĩ rằng sẽ không ai muốn trở về với một chế độ trước đây cùng với các đòn trừng phạt, vì như vậy chỉ có người dân là phải gánh lấy hậu quả. Người ta sẽ có những biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhắm vào giới tướng lĩnh. Chỉ có điều những nhân vật này cũng đang nằm trong danh sách trừng phạt sau vụ thảm sát người Rohingya.

Đúng là chúng ta đang trong tình thế không còn phương cách gây áp lực đối với giới quân nhân. Theo tôi, giải pháp duy nhất chính là từ trong nước. Làn sóng ủng hộ dân chủ, người biểu tình hoàn toàn phản đối giới quân nhân. Hiện tại vẫn chưa có một cuộc đối thoại khả dĩ nào, nhưng dù sao người dân Miến Điện cũng có một chính phủ dân cử và họ đòi chính phủ đó phải được tái lập.

RFI tiếng Việt xin cảm ơn GS. David Camroux, đại học Khoa học Chính trị Paris.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 26/02/2021

***********************

Gần 140 tổ chức phi chính phủ kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí Miến Điện

Thanh Hà, RFI, 25/02/2021

Trong bức thư ngỏ ngày 24/05/2021, gần 140 tổ chức phi chính phủ thuộc 31 quốc gia kêu gọi cộng đồng quốc tế ngưng bán vũ khí cho Miến Điện sau cuộc đảo chính. Trong khi đó bạo động tiếp diễn tại Rangoon giữa người biểu tình và phe ủng hộ tập đoàn quân sự. Trước mắt, nỗ lực ngoại giao của ASEAN chưa đem lại kết quả cụ thể.

mien2

Công nhân nhà máy cầm biểu ngữ và hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự ở Rangun, Miến Điện, ngày 25/02/2021.  Reuters - Stringer

Bức thư của 137 tổ chức phi chính phủ đệ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nêu đích danh một số nhà cung cấp vũ khí cho Miến Điện, trong số này có Ấn Độ, Trung Quốc Israel, Bắc Triều Tiên và Philippines, Nga, Ukraina. Hai trong số các quốc gia kể trên là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Các tổ chức ký tên vào văn bản nói trên yêu cầu "ngừng ngay lập tức các dịch vụ chuyển giao vũ khí, đạn dược và trang thiết bị" đến chính quyền Naypyidaw. Nhiều nhà quan sát cho rằng ít có khả năng đòi hỏi nói trên được thỏa mãn.

Về tình hình tại chỗ, hãng tin Pháp AFP cho biết vào trưa nay 25/02/2021, tại thành phố Rangoon đã xảy ra xô xát giữa người biểu tình ủng hộ tập đoàn quân sự Miến Điện và phe chống đối quân đội đã cướp chính quyền hôm 01/02. Cảnh sát đã giải tán đám đông tránh gây ra đổ máu.

Trên một mặt trận khác, mạng xã hội Facebook cho biết đã đóng toàn bộ các tài khoản liên quan đến quân đội Miến Điện, với lý do "tập đoàn quân sự nước này sử dụng bạo lực gây chết người nhắm vào những người biểu tình vì dân chủ".

Cùng ngày Ngân Hàng Thế Giới thông báo đình chỉ các khoản viện trợ cho Naypyidaw. Năm ngoái, Miến Điện nhận được 900 triệu đô la tín dụng từ định chế tài chính này.

Nỗ lực ngoại giao của Indonesia chưa có kết quả

Về mặt ngoại giao Indonesia bước lên tuyến đầu tìm kiếm một giải pháp tháo gỡ bế tắc cho Miến Điện từ sau cuộc đảo chính, nhưng hiện giờ những nỗ lực của Jakarta chưa đem lại kết quả mong đợi.

Thông tín viên đài RFI từ Bangkok, Carol Isoux cho biết thêm về buổi làm việc đầu tiên hôm 24/02/2021 giữa các ngoại trưởng Thái Lan, Indonesia và Miến Điện :

"Cuộc tiếp xúc đã diễn ra một cách kín đáo. Đến giờ không một thông tin nào được lộ ra bên ngoài. Vài ngày trước đây, Indonesia đã đề xuất ASEAN nên cử đại diện đến Miến Điện để bảo đảm rằng giới tướng lĩnh cầm quyền tôn trọng cam kết và sẽ cho tổ chức bầu cử trong vòng một năm.

Thế nhưng, đề nghị này đã không được các nhà đấu tranh Miến Điện tán đồng. Số này giải thích rằng người dân Miến Điện đã thể hiện nguyện vọng một rách rất rõ ràng qua cuộc tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái. Không có lý do gì để giới tướng lĩnh nắm giữ quyền lực trong vòng một năm. Phe dân chủ Miến Điện muốn ASEAN nên đóng một vai trò nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại giữa bên quân đội với đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, đề xuất của ASEAN nhằm tìm ra đồng thuận và nương nhẹ bên quân đội, cho phép họ có thêm thời gian để rút lui khỏi chính quyền. Các quốc gia Đông Nam Á dường như đang thiên về giải pháp này, ũng đang được Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Miến Điện, hậu thuẫn".

Những chuyến bay đêm bí ẩn từ Trung Quốc sang Miến Điện

Từ hơn một tuần nay, mỗi đêm có ít nhất 3 chuyến bay xuất phát từ Côn Minh, Trung Quốc đến Rangoon, theo tiết lộ của trung tâm nghiên cứu chiến lược Úc ASPI hôm 23/02/2021. Kèm theo đó là câu hỏi: ai là hành khách trên những chuyến bay này và máy bay cất cánh từ Trung Quốc chở những gì đến Miến Điện ?

Về mặt chính thức, Trung Quốc và tập đoàn hàng không quốc gia Myanmar Airways đồng thanh giải thích đó là những chiếc máy bay chở hàng, đặc biệt là hải sản của Trung Quốc xuất khẩu sang Miến Điện. Có điều từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021, tập đoàn quân sự đã đóng cửa không phận, cấm tất cả các chuyến bay quốc tế đáp xuống các phi trường Miến Điện.

Vẫn nguồn tin này nêu lên hai giả thuyết: một là Trung Quốc cung cấp vũ khí cho quân đội Miến Điện và hai là hành khách trong các chuyến bay đêm bí ẩn đó gồm quân nhân Trung Quốc và các chuyên gia về tin tặc Trung Quốc gửi sang để giúp tập đoàn quân sự Miến Điện tăng cường kiểm soát thông tin và mạng internet.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 25/02/2021

Published in Diễn đàn