Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/01/2024

Trung Quốc đang tính toán những gì ở Miến Điện ?

Emmanuel Véron, Thanh Hà, Anh Vũ

"Bắt cá hai tay". Trung Quốc đang tính toán những gì ở Miến Điện ? Đối thoại với tập đoàn quân sự và liên minh vũ trang chống quân đội là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh với quốc gia Đông Nam Á này "có hạn", hay Trung Quốc đang lo rằng xung đột vũ trang tại Miến Điện "vuột tầm kiểm soát" như Emmanuel Véron chuyên gia về Trung Quốc đương đại, viện INALCO Paris, ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt ?

tqmd1

Binh sĩ của Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đứng gác ở Laiza, thị trấn biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện, ngày 29/10/2013. AP - Khin Maung Win

"Chiến dịch 1027" liên minh vũ trang giữa ba sắc tộc thiểu số Miến Điện khởi động từ hôm 27/10/2023 đang làm đảo lộn những kế hoạch của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Bắc Kinh vẫn là điểm tựa chính trị và quân sự của giới tướng lĩnh cầm quyền nhưng lại "tiếp tay" với phe nổi dậy chống lại Naypyidaw để cứu vãn quyền lợi kinh tế, dập tắt nguy cơ bất ổn tại đường biên giới phía nam, bảo đảm an toàn và kế sinh nhai cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu.

Ngày 01/02/2024 đánh dấu tròn ba năm tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự trong tay Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Ba năm sau cuộc đảo chính, giới tướng lĩnh ở thủ đô Naypyidaw chỉ còn kiểm soát từ "40 đến 60% lãnh thổ" như giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp Eric Mottet ghi nhận.

Từ cuối tháng 10/2023, quân đội Miến Điện, với điểm tựa chính là Trung Quốc, đã bị liên minh vũ trang Three Brotherhood Alliance  - TBA thách thức, mở nhiều mặt trận tấn công. Tập đoàn quân sự nhìn nhận "thất bại quân sự tại nhiều khu vực ở bang Shan" biên giới đông bắc, sát với Trung Quốc.

Hiệu quả của vai trò trung gian hòa giải

Về phía Bắc Kinh, do có đường biên giới chung hơn 2.000 km với Miến Điện, Trung Quốc đã ít nhất hai lần thông báo thuyết phục được Naypyidaw và các phe nổi dậy vũ trang ngừng giao tranh. Gần đây nhất là hôm 12/01/2024 sau ba vòng đàm phán tại Côn Minh tỉnh Vân Nam. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện (Myanmar National Democratic Alliance Army - MNDAA), một trong ba bên chủ chốt trong TBA xác nhận thỏa thuận Côn Minh "tan vỡ" khi quân đội dùng "vũ khí hạng nặng" tấn công một ngôi làng ở bang Shan.

Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia Ta’ang (Ta'ang National Liberation Army – TNLA) chỉ trích Bắc Kinh chỉ "lo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc" trong khu vực và thỏa thuận ngừng bắn là thủ thuật "câu giờ có lợi cho bên quân đội chính quy đang thất thế".

Một nguồn tin khác trích dẫn thông cáo của TBA nhắc lại mục tiêu của liên minh vũ trang này là giành lại quyền lực từ tay giới tướng lĩnh.

Trung tuần tháng 12/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cũng đã rất tự hào khoe thành tích "nỗ lực hòa giải" của Bắc Kinh. Các vòng đàm phán sau đó ở Côn Minh đã phủ nhận thành công của Trung Quốc.

Quyền lợi kinh tế và mối lo bất ổn ở biên giới

Theo tất cả các nhà quan sát, những hoạt động ngoại giao dồn dập đó của Trung Quốc là nhằm "bảo vệ" ổn định tại một vùng ngay sát cạnh, bảo đảm an ninh cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu và nhất là bảo vệ những lợi ích kinh tế, thương mại của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Do xung đột vũ trang tại Miến Điện từ cuối tháng 10/2023, thiệt hại về kinh tế và thương mại song phương đã "lên tới 10 triệu đô la".

Tháng 02/2021, khi tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, từ Nhật Bản đến Úc hay Âu Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt Naypyidaw. Miến Điện cũng đã bị các đối tác trong ASEAN xa lánh. Riêng Bắc Kinh đã đầu tư thêm 113 triệu đô la vào Miến Điện trong cùng năm. Trung Quốc là nguồn bảo đảm đến 25% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Miến Điện.

Nhân danh nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" của bất kỳ một quốc gia nào, Trung Quốc kiên nhẫn duy trì quan hệ với nước láng giềng sát cạnh và "tiếp tục thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa mới", đặc biệt là dự án đầu tư vào cảng nước sâu Kyaukphy, cửa ngõ hướng ra Ấn Độ Dương.

Nhưng trên thực tế bất ổn kéo dài tại Miến Điện càng lúc càng khiến Bắc Kinh bực mình, nhất là khi họ nhận thấy "tập đoàn quân sự Miến Điện không là những đối tác đáng tin cậy cho Trung Quốc thực hiện những mục tiêu chiến lược mà họ đã đề ra", như Jason Tower, một chuyên gia Mỹ về Miến Điện tại Bangkok ghi nhận.

Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông - INALCO Paris nhấn mạnh đến "mật độ" trong bang giao giữa Bắc Kinh với Miến Điện từ rất lâu nay không chỉ về khía cạnh kinh tế hay thương mại mà thôi : 

Emmanuel Véron : "Quan hệ giữa Trung Quốc với Miến Điện đặc biệt quan trọng và chặt chẽ đến nỗi đôi khi giới quan sát cho rằng Miến Điện là một nước thuộc quỹ đạo của Bắc Kinh, là một chư hầu của Trung Quốc. Trung Quốc luôn chú trọng đến mối quan hệ rất cô đọng này, trước đây là với tập đoàn quân sự và hiện nay, do những bất ổn nội bộ tại quốc gia Đông Nam Á này, Bắc Kinh có khuynh hướng kết nối luôn cả với lại các lực lượng vũ trang kình địch với giới tướng lãnh cầm quyền. (...) Từng bước Trung Quốc thiên về các lực lượng chính trị và quân sự đang nổi lên tại Miến Điện. Thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố mà trước hết là những chuyển biến trong nội bộ Miến Điện. Đừng quên rằng đây là một quốc gia đang trong trạng thái rất sôi động cả về chính trị lẫn về phương diện quân sự.

Kế tới là những chuyển động từ bên ngoài. Tôi xin giải thích : Bản thân Trung Quốc cũng đang trải qua một số những biến động và một số hồ sơ đang vượt khỏi tầm tay. Bắc Kinh đang mất dần một số những điểm tựa. Đừng quên rằng, Miến Điện chịu ảnh hưởng cả của Trung Quốc lẫn Ấn Độ và do vậy, đây là sân chơi để hai nước lớn này của châu Á gián tiếp đọ sức với nhau. Cũng phải nói rằng, liên quan đến những bất ổn hiện nay ở Miến Điện, cũng đã có một sự can thiệp kín đáo của New Delhi. Đối với Trung Quốc đây là một vấn đề quá nhạy cảm để có thể bỏ rơi Miến Điện và điều đó giải thích cho thái độ "bắt cá hai tay" của Bắc Kinh, quay sang ủng hộ những thế lực quân sự đang nổi lên".

Cảng nước sâu Miến Điện, lộ trình thay thế cho eo biển Malacca 

Trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường được ông Tập Cận Bình khởi xướng từ 2013 Miến Điện là một "mắt xích" quan trọng và hơn thế nữa bang Shan ở khu vực đông bắc Miến Điện, sát biên giới với Trung Quốc là "nút thắt" chính, là điểm khởi đầu trong tham vọng mở một hành lang kinh tế CMEC đi thẳng ra cảng nước sâu Kyaukphy.

Kyaukphy – Mandalay – Muse bang Shan sẽ là trục chính để đưa dầu, khí đốt Trung Quốc nhập của Nga hay Trung Đông vào tận Côn Minh, tỉnh Vân Nam và là một "lộ trình thay thế" cho con đường giao thương hàng hải phải đi qua eo biển Malacca.

Có điều từ khi liên minh ba sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện TBA khởi động Chiến dịch 1027, giao tranh bùng lên ở nhiều nơi, thất thu về thương mại ở khu vực giám ranh biên giới Miến Điện -Trung Quốc đã lên tới cả chục triêu đô la. Thêm vào đó dự án xây dựng đường ống dẫn dầu đi từ cảng Kyaukphy đến bang Shan đã "nhiều lần là mục tiêu tấn công" của các phe nổi dậy.

RFI : Bang Shan là cửa ngõ "40% xuất nhập khẩu song phương" phải đi qua. Theo các nhà quan sát, đó chính là lý do vì sao cuối tháng 11/2023 Trung Quốc đã mở một cuộc tập trận quy mô gần biên giới Miến Điện. Theo quan điểm của giáo sư Véron, tất cả các động thái cả về ngoại giao, quân sự của Trung Quốc trong vùng đều cho thấy Bắc Kinh đang lo hồ sơ Miến Điện vượt ngoài tầm kiểm soát.

Emmanuel Véron : "Miến Điện ngay sát cạnh Trung Quốc, hai nước có đường biên giới chung. Vì lý do an ninh, Bắc Kinh cần bảo đảm khu vực ở biên giới phía nam này phải được ổn định. Ngoài ra từ rất lâu nay Trung Quốc đã mở rộng giao thương với quốc gia Đông Nam Á này, xem Miến Điện là một mắt xích quan trọng trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, như các hệ thống đường ống dẫn dầu …

Trung Quốc đã bắt rễ sâu vào Miến Điện từ lâu nay với nhiều dự án lớn. Thành thử Bắc Kinh không thể để mất những khoản đầu tư đó. Tôi cho rằng qua việc đối thoại với các nhóm vũ trang Miến Điện, Trung Quốc đang lo mất ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này và đây cũng chính là dấu hiệu Trung Quốc đang gặp khó khăn trước thực tế tại Miến Điện hiện nay".

RFI : Vậy câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có những lá chủ bài nào để thuyết phục cả bên quân đội Miến Điện lẫn phe nổi dậy vãn hồi hòa bình và trật tự trong vùng biên giới ? 

Emmanuel Véron : "Nhìn lại giai đoạn trong thời gian gần đây, một trong những lá chủ bài của Trung Quốc để nói chuyện với Miến Điện luôn là tiền. Đó có thể là tiền để mua chuộc các quan chức, tiền chi ra cho các băng đảng mafia, cho các tổ chức tội phạm hoạt động ở vùng biên giới để khoanh vùng các hoạt động phi pháp trên lãnh thổ Miến Điện, tránh để chúng tràn quan biên giới Trung Quốc. Nói cách khác Trung Quốc dùng tiền đổi lấy an ninh. Nhưng tôi xin nhắc lại là chủ trương được áp dụng từ trước đến nay dường như đang sụp đổ cho nên Bắc Kinh chọn giải pháp đối thoại với các bên bởi vì tình hình ở khu vực biên giới với Miến Điện có khả năng vuột khỏi tầm kiềm soát".

************

Chuyên gia về Trung Quốc đương đại của Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương Emmanuel Véron lưu ý chính sách ngoại giao của Bắc Kinh rất uyển chuyển và thực tiễn. Quan điểm của Trung Quốc "sẽ còn theo đổi tùy theo chuyển biến về tương quan lực lượng" giữa bên quân đội với các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện. 

Một số các nhà quan sát khác nhắc lại "tính thực dụng và mập mờ" trong quan hệ giữa Bắc Kinh với các nhóm nổi dậy ở Miến Điện. Hơn nữa kịch bản mà ông Tập Cận Bình tuyệt đối không muốn xảy ra là phương Tây can thiệp hay nhòm ngó vào Miến Điện.

Một người thuộc phe chống đối tập đoàn quân sự Naypyidaw được báo Pháp Le Figaro trích dẫn thậm chí cho rằng "giờ đây Trung Quốc ủng hộ chúng tôi còn hơn cả phương Tây". Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Bắc Kinh bắt đầu "bỏ rơi" giới tướng lĩnh cầm quyền.

Những lá chủ bài của phe nổi dậy 

Song các thiểu số sắc tộc Miến Điện và nhất là liên minh TBA cũng có không ít là bài trong tay để mặc cả với Bắc Kinh. Trong một bài báo gần đây, thông tín viên báo Le Monde tại Đông Nam Á, Brice Pedroletti nhắc lại lực lượng MNDAA - Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện, một trong ba liên minh Huynh Đệ vũ trang, trong quá khứ và hiện tại vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc, qua những liên hệ chặt chẽ với các cộng đồng gốc Hoa sinh sống tại Miến Điện từ nhiều thế kỷ qua. 

Một số tài liệu khác cho thấy điểm mạnh của các nhóm nổi dậy Miến Điện là quan hệ cả với bên quân đội Trung Quốc lẫn các băng đảng tội phạm gốc người Hoa. Cùng lúc thì Bắc Kinh ý thức được rằng biên giới Miến-Trung là một vùng rừng núi hiểm trở, là đất dụng võ của các băng đảng tội phạm, là nơi mà các đường dây ma túy, buôn người, các tổ chức lừa đảo trên mạng không bị luật lệ của Bắc Kinh hay Naypyidaw trói buộc. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 31/01/2024

*************************

Ba năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện thêm suy yếu

Anh Vũ, RFI, 31/01/2024

Ba năm sau cuộc đảo chính của tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng chính trị và nhân đạo, nội chiến triền miên. Những thất bại quân sự của quân đội chính phủ trước các lực lượng sắc tộc thiểu số gần đây càng cho thấy chính quyền quân sự suy yếu.

miendien1

Miến Điện tổ chức rầm rộ Ngày Quân Lực tại Naypyidaw. Ảnh ngày 27/03/2023. AFP - STR

Từ sau khi tập đoàn quân sự trở lại cầm quyền ở Miến Điện bằng cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, đến nay hơn hai phần ba đất nước luôn trong tình trạng chiến tranh. Gần ba triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa và hàng nghìn thường dân thiệt mạng. Đó là những sự thật được giới quan sát và các tổ chức quốc tế ghi nhận về đất nước này sau 3 năm dưới chính quyền quân sự.

Trong một báo cáo công bố tháng 1/2024, Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã nhấn mạnh tình trạng : "Gia tăng bạo lực, gia tăng mức độ nghèo đói và điều kiện sống xuống cấp đang gây những tác động tàn khốc đến cuộc sống của người dân". Chương trình Lương thực Thế giới cũng ước tính vào năm ngoái, 25% trên 54 triệu dân của đất nước này không đủ ăn, 1/3 dân số đang cần được hỗ trợ nhân đạo. Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc thẩm định : "Gần hai phần ba đất nước đang trong chiến tranh".

Những biến động mới xuất hiện vào cuối tháng 10, khi Quân đội Arakan (AA), Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) quyết định lợi dụng sự suy yếu của lực lượng chính quy đã liên kết với nhau phát động lại cuộc chiến từ hàng chục năm nay, với mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước, bằng chiến dịch mang tên gọi 1027.

Lực lượng nổi dậy đã nhanh chóng giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, chiếm được nhiều căn cứ quân sự và các trục đường chiến lược, đặc biệt là tuyến giao thương với nước láng giềng Trung Quốc.

Ông Guillaume de Langre, một cựu cố vấn về năng lượng cho chính phủ dân sự Miến Điện, được nhật báo Pháp La Croix trích dẫn, nhận định : "Miến Điện đang bước vào giai đoạn mới của cuộc xung đột với cuộc tấn công được tổ chức phối hợp hoàn hảo trên tất cả các vùng biên giới, bởi các nhóm du kích quân được trang bị vũ khí tốt và được huấn luyện kỹ càng. Các nhóm này đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ ở miền bắc, phía đông và đông nam của đất nước". 

Hệ quả là, phần lãnh thổ mà chính quyền quân sự kiểm soát giờ ít hơn hồi năm 2021 và nhất là chính quyền dường như không có phương tiện để dành lại. Theo một số chuyên gia quân sự, hơn 6000 binh sĩ Miến Điện đã đào ngũ chạy sang Ấn Độ và Trung Quốc hoặc gia nhập quân kháng chiến.

Thắng lợi của lực lượng nổi dậy với chiến dịch 1027 đã làm dấy lên sự bất đồng trong chính quyền, vốn thường tỏ ra gắn kết với nhau, đồng thời gây ra sự chỉ trích công khai chưa từng có từ một số người ủng hộ chế độ nổi tiếng. Ông Htwe Htwe Thein, thuộc Đại học Curtin ở Úc, nói với AFP : "Chính quyền chưa bao giờ yếu đến thế". Theo ông, có vẻ như quân đội chính phủ từ giờ sẽ còn hứng chịu nhiều thất bại lớn nữa.

Tuy nhiên, sẽ là quá nếu nói rằng chính quyền quân sự Miến Điện đang trên bờ vực sụp đổ. Một nhà ngoại giao phương Tây từng có nhiều năm làm việc tại Rangoon khẳng định, chính quyền (hiện nay) vẫn có đủ phương tiện để nắm giữ quyền lực thiết yếu. 

Trong khi đó, lộ trình của liên minh nổi dậy vẫn chưa rõ ràng, không biết mục tiêu của họ có vượt ra ngoài cuộc chiến giành lãnh thổ để hướng tới cuộc đấu tranh vì dân chủ hay không.

Trước ngày kỷ niệm 3 năm đảo chính, hôm nay 31/01, tập đoàn cầm quyền quân sự Miến Điện thông báo nới lỏng các quy định đăng ký tham gia bầu cử cho các đảng, đồng thời tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp, đã được áp dụng từ cuộc đảo chính năm 2021. Tuy nhiên, giới quân nhân không nói rõ lịch trình bầu cử mà họ cam kết để trở lại chế độ dân chủ. Với phần đông các nhà quan sát, đó chỉ là nhưng nỗ lực xoa dịu dân chúng, đặc biệt trong lúc gặp khó khăn về quân sự trước lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số. Điều đó không đủ để chế độ độc tài quân sự này tồn tại mãi.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Emmanuel Véron, Thanh Hà, Anh Vũ
Read 207 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)