Micronesia tố Trung Quốc gây ‘chiến tranh chính trị’
AP, VOA, 14/03/2023
Tổng thống David Panuelo nói Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật bất chính, bao gồm gián điệp và đưa hối lộ, nhằm đảm bảo rằng nếu xảy ra chiến tranh với Đài Loan, Micronesia sẽ liên kết với Trung Quốc thay vì Hoa Kỳ, hoặc ít nhất sẽ không đứng về bên nào.
Tổng thống Micronesia David Panuelo.
Tổng thống Micronesia tố cáo Trung Quốc gây "chiến tranh chính trị" trong một bức thư gửi cho các lãnh đạo trong nước và thảo luận về việc chuyển lòng trung thành ngoại giao từ Trung Quốc sang Đài Loan để đổi lấy 50 triệu đô la.
Ông Panuelo đã gửi bức thư dài 13 trang đề ngày 9 tháng 3 mà hãng thông tấn AP đã có được cho các thống đốc bang và các nhà lãnh đạo chính trị khác của quốc gia Thái Bình Dương.
Bức thư thể hiện sự đánh giá thẳng thắn khác thường về các động cơ của Trung Quốc trong khu vực và vạch trần các sáng kiến tài chính để các nước nhỏ hơn thay đổi lòng trung thành ngoại giao.
Nếu Micronesia chuyển lòng trung thành sang Đài Loan, đó sẽ là một chiến thắng hiếm hoi cho hòn đảo tự trị Đài Loan sau khi một số quốc gia ở Thái Bình Dương chuyển lòng trung thành từ Đài Loan sang Trung Quốc trong những năm gần đây.
"Tôi tin rằng các giá trị của chúng ta hiện đang được sử dụng để chống lại chúng ta" ông Panuelo viết trong thư. "Một trong những lý do khiến chiến tranh chính trị của Trung Quốc thành công trên nhiều lĩnh vực là chúng ta bị mua chuộc để đồng lõa, bị mua chuộc để im lặng".
Ông đưa ra ví dụ, nói rằng khi phó tổng thống còn là thượng nghị sĩ, ông đã được đại sứ Trung Quốc yêu cầu nhận một phong bì chứa đầy tiền nhưng ông đã từ chối.
Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 10/3: "Chúng tôi ghi nhận các báo cáo có liên quan, trong đó sự bôi nhọ và cáo buộc chống lại Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với thực tế".
Bà Mao nói : "Chúng tôi luôn tôn trọng con đường phát triển của Micronesia mà nước này đã chọn dựa trên điều kiện quốc gia của mình và đã hỗ trợ phía Micronesia trong việc bảo vệ nền độc lập".
Ông Panuelo đã đưa ra những ví dụ khác về cái mà ông gọi là các hoạt động "vùng xám" của Trung Quốc. Ông nói rằng các tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã hoạt động bên trong lãnh thổ đại dương của Micronesia để do thám, bằng cách lập bản đồ các nguồn tài nguyên tiềm năng và đường di chuyển của tàu ngầm.
Ông nói rằng khi ông tới Fiji vào tháng 7 năm ngoái để tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, ông đã bị theo dõi bởi hai người đàn ông Trung Quốc, những người mà Micronesia phát hiện làm việc cho Tòa đại sứ Trung Quốc ở Fiji và trong đó có một sĩ quan tình báo.
"Nói rõ ràng : Tôi đã bị các quan chức PRC (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) hành động với tư cách chính thức đe dọa trực tiếp đến sự an toàn cá nhân của tôi", ông Panuelo viết.
Ông cho biết vào tháng 2, ông đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp và nói với ông ấy rằng Micronesia sẽ cần tiền cho quỹ ủy thác của mình nếu muốn thay đổi quan hệ ngoại giao.
"Tôi đã minh bạch với Ngoại trưởng Ngô ; chúng tôi dự đoán rằng chúng tôi cần một khoản tiền khoảng 50 triệu đô la để đáp ứng nhu cầu trong tương lai của chúng tôi", ông Panuelo viết. "Chúng tôi có thể và sẽ nhận được điều này, trong khoảng thời gian ba năm, nếu và khi chúng tôi thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan".
Ông cho biết Micronesia cũng sẽ nhận được gói hỗ trợ hàng năm trị giá 15 triệu đô la và Đài Loan sẽ tiếp quản nhiều dự án khác nhau mà Trung Quốc đã bắt đầu, bao gồm một trung tâm hội nghị quốc gia, hai khu phức hợp chính quyền bang và hai phòng tập thể dục.
Bộ Ngoại giao Đài Loan từ chối bình luận về các chi tiết cụ thể trong bức thư của ông Panuelo.
"Đài Loan chia sẻ các giá trị cốt lõi như dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp quyền với các quốc gia có cùng chí hướng quan tâm đến hòa bình ở khu vực Thái Bình Dương", Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố. "Là một thành viên có trách nhiệm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng trên thế giới".
Thư của ông Panuelo kết thúc với phần trình bày rằng vì quá yêu Micronesia nên ông không muốn thông báo về các loại đe dọa và cơ hội mà đất nước phải đối mặt, ngay cả khi việc viết bức thư này khiến bản thân ông, gia đình và nhân viên của ông gặp rủi ro.
(AP)
Nguồn : VOA, 14/03/2023
***********************
Yomiuri : Ngoại trưởng Nhật chuẩn bị thăm các quốc đảo ở Thái Bình Dương vào cuối tháng 3
Reuters, VOA, 12/03/2023
Nhật báo Yomiuri hôm Chủ nhật trích dẫn nhiều nguồn tin chính phủ cho biết rằng Nhật Bản đã bắt đầu chuẩn bị cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi đến thăm Quần đảo Solomon, Kiribati và Quần đảo Cook vào cuối tháng 3.
Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi.
Chuyến thăm, dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 22 tháng 3, diễn ra sau khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái, khiến Hoa Kỳ và Australia lo ngại trong khi Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.
Ông Hayashi dự định khẳng định sự hợp tác của ba quốc đảo với một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời đang xem xét đề xuất hợp tác an ninh, tin tức cho biết.
Ông cũng có kế hoạch xoa dịu những lo ngại về việc xả nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị hư hại vào cuối năm nay, theo Yomiuri.
Nhật Bản chuẩn bị xả 1 triệu tấn nước sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các đồng vị nhưng vẫn chứa dấu vết của triti, một đồng vị của hydro khó tách khỏi nước, trong một kế hoạch được các nhà quản lý coi là an toàn nhưng đã gây ra lo ngại đối với một số các quốc đảo Thái Bình Dương.
Nguồn : VOA, 12/03/2023
Charles Edel, Nguyễn Thị Kim Phụng, 14/06/2022
Mối nguy từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên các đảo quốc Thái Bình Dương.
Quốc kỳ Quần đảo Solomon ở Bắc Kinh, tháng 10 năm 2019 - Stringer / Reuters
Lần cuối cùng mà hầu hết người Mỹ chú ý đến Quần đảo Solomon là vào giữa Thế chiến II, khi Mỹ và Nhật Bản có một trận hải chiến kéo dài trên vùng biển và vùng trời xung quanh Guadalcanal. Trận chiến cam go đó đã có tác động mang tính chiến lược rất lớn – chặn đứng bước tiến của Nhật vào Nam Thái Bình Dương, đảm bảo rằng các quốc gia đồng minh như Australia và New Zealand không bị các thế lực thù địch bao vây hoặc cắt đứt nguồn tiếp tế, đảo ngược thế trận ở Thái Bình Dương, cũng như cung cấp căn cứ để phát động cuộc phản công chống lại kẻ thù toàn trị. Nhắc đến hàng trăm hòn đảo nhỏ trải dài trên Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt giải thích với công chúng Mỹ rằng, dù chúng có thể "chỉ là những chấm nhỏ trên hầu hết các bản đồ… nhưng chúng bao phủ một khu vực chiến lược rộng lớn".
Khu vực chiến lược rộng lớn, quan trọng cần phải chiếm giữ trong Thế chiến II này đã bị bỏ quên suốt vài thập niên qua, vì chiến lược và chính sách của Mỹ chuyển hướng tập trung vào những nơi khác. Giờ đây mọi chuyện phải thay đổi. Vào tháng 4, chính quyền Quần đảo Solomon thông báo rằng họ đã ký một hiệp ước an ninh đang chờ phê duyệt với Trung Quốc, và vào cuối tháng 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã đến thăm khu vực này trong nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều thỏa thuận hơn từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Hiệp ước an ninh Quần đảo Solomon với ngôn từ mơ hồ và tổng quát dường như đang mở ra cánh cửa cho Trung Quốc đóng vai trò dập tắt bất ổn nội bộ ở Quần đảo Solomon, bằng cách cho phép Bắc Kinh triển khai lực lượng cảnh sát và quân đội Trung Quốc theo yêu cầu từ Quần đảo Solomon để "duy trì trật tự xã hội". Hiệp ước, và các thỏa thuận tiềm năng trong tương lai với các đảo quốc Thái Bình Dương khác, có thể làm suy yếu an ninh khu vực bằng cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc, giúp họ tiếp cận một yết hầu hàng hải quan trọng, và đẩy Quần đảo Thái Bình Dương vào cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.
Thỏa thuận của Trung Quốc với Quần đảo Solomon và nỗ lực của nước này nhằm đạt được các thỏa thuận tương tự với các quốc gia Thái Bình Dương khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở cả trong và ngoài khu vực. Trung Quốc chắc chắn có khả năng cung cấp các khoản đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng trong khu vực, nhưng người dân địa phương lại đề cao cảnh giác vì một quan điểm hoàn toàn có cơ sở, rằng ngoài việc đáp ứng nhu cầu địa phương, các khoản đầu tư của Trung Quốc còn mong muốn thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh và phá hoại chính trị địa phương. Điều này thể hiện rõ nhất ở Quần đảo Solomon, nơi hơn 90% người dân nói rằng họ thích đất nước của mình đi theo các nền dân chủ tự do thay vì Trung Quốc, và gần 80% nói rằng họ không muốn đất nước nhận viện trợ tài chính từ Trung Quốc.
Thế nhưng, với Manasseh Sogavare, Thủ tướng của Quần đảo Solomon, Bắc Kinh đã tìm được cho mình một đối tác sẵn sàng. Quyết định ký kết thỏa thuận của Sogavare không chỉ khiến ông mâu thuẫn với nhiều công dân trong nước, mà còn mâu thuẫn với cả cộng đồng Thái Bình Dương rộng lớn hơn, vốn không ủng hộ việc một chế độ độc tài thiết lập các căn cứ quân sự ở đó. Ngoại trưởng New Zealand lên án thỏa thuận này là "không được hoan nghênh và không cần thiết", trong khi Tổng thống Micronesia viết cho Sogavare rằng ông lo ngại một thỏa thuận như vậy sẽ khiến Quần đảo Thái Bình Dương trở thành "tâm chấn của một cuộc đối đầu trong tương lai". Phản ứng gay gắt nhất đến từ Australia, nơi một số người ví thỏa thuận này với Khủng hoảng tên lửa Cuba và những người khác cho rằng đây là thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Australia kể từ Thế chiến II.
Việc công bố thỏa thuận an ninh giữa Honiara và Bắc Kinh, và chủ trương thúc đẩy ngoại giao của Trung Quốc, sẽ là lời cảnh tỉnh đối với Mỹ và các đồng minh. Sự gắn kết của họ với các nước trong khu vực đã suy giảm. Washington phải mở rộng hiện diện ngoại giao của mình ở Quần đảo Thái Bình Dương, ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong khu vực, củng cố các sáng kiến phát triển và nghiêm túc xem xét các quan ngại mang tính sống còn về biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia trong khu vực này. Cần phải có một sự thay đổi khẩn cấp trong cách tiếp cận để ngăn Bắc Kinh tiếp tục phá hoại nền dân chủ, và mở rộng dấu chân quân sự của mình trên khắp Thái Bình Dương.
Chiến lược Thái Bình Dương của Bắc Kinh
Thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon chẳng hề xuất hiện từ hư không. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện và mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp Thái Bình Dương bằng cách thu hút giới tinh hoa trong khu vực, xây dựng mối quan hệ với các thể chế khu vực, đồng thời tăng cường cả viện trợ lẫn đầu tư trên khắp khu vực. Như họ từng làm trước đây, Bắc Kinh hiện đang săn lùng các vùng đất có vị trí chiến lược, cho phép họ phát huy sức mạnh ra bên ngoài, tác động nhiều hơn lên chính trị của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đã có các báo cáo xuất hiện cho thấy các công ty do Trung Quốc làm chủ đang tìm cách phát triển các cảng nước sâu và sân bay ở Kiribati, Papua New Guinea, Samoa, Quần đảo Solomon, Vanuatu, và các địa điểm khác trên Thái Bình Dương.
Bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại từ Trung Quốc rằng họ không có ý định thiết lập căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon, hoặc những nơi khác trong khu vực, hồ sơ và tham vọng của họ cho thấy điều ngược lại. Tại Campuchia, Djibouti, Pakistan, và Sri Lanka, Trung Quốc đã khởi xướng các dự án cơ sở hạ tầng lớn giúp họ có được quyền tiếp cận các cảng quan trọng về mặt chiến lược. Và như Bắc Kinh đã thể hiện ở Biển Đông, khi tuyên bố chủ quyền và sau đó quân sự hóa các đảo nhân tạo, chính phủ Trung Quốc vẫn thường công khai phủ nhận ý định thực sự của mình trong khi âm thầm tiến hành mở rộng dấu chân quân sự toàn cầu.
Việc Bắc Kinh tìm kiếm một chỗ đứng quân sự ở Thái Bình Dương là một ví dụ mở rộng cho những gì họ đã làm ở nơi khác. Xác lập sự hiện diện ở khu vực này có thể giúp hoàn thành một số mục tiêu chiến lược cùng một lúc – đảm bảo các tuyến đường liên lạc trên biển của Trung Quốc, tăng cường thu thập thông tin tình báo về các lực lượng đồng minh, bao vây Australia và New Zealand, đồng thời khiến cho bất kỳ kế hoạch di chuyển lực lượng nào của Mỹ vào khu vực sẽ trở nên phức tạp. Thông qua thỏa thuận lần này, Quần đảo Solomon đã mở ra cánh cửa cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Bây giờ, câu hỏi đặt ra cho Mỹ và các đồng minh là phải phản ứng như thế nào.
Chuyển hướng tập trung về các đảo
Đã có một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra – đặc biệt là trong nội bộ Australia – rằng chính xác thì thỏa thuận Quần đảo Solomon đã xuất hiện bằng cách nào, và liệu Australia, Mỹ, hay bất kỳ quốc gia nào khác có thể hành động để ngăn chặn một thỏa thuận như vậy hay không. Điều này gây lo lắng đặc biệt nghiêm trọng ở Australia, nơi mọi chính phủ kể từ sau Thế chiến II đều đã nỗ lực ngăn chặn một thế lực thù địch có được sự hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Dù tiến hành một cuộc điều tra về lý do tại sao thỏa thuận này xảy ra có lẽ là việc nên làm, nhưng chơi trò chơi đổ lỗi sẽ không hiệu quả bằng việc sử dụng thời điểm này để tập trung vào cách Mỹ và các đồng minh có thể hợp tác với nhau nhằm giảm thiểu thiệt hại, và ngăn Trung Quốc ký kết các thỏa thuận tương tự ở nơi khác.
Trong những thập niên vừa qua, Thái Bình Dương không phải là một khu vực trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó dường như đang thay đổi, nhưng trừ phi sự chú ý mới này thực sự là nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực, còn nếu không, nó sẽ khó mà được chào đón nhiệt tình. Các chính phủ ở Quần đảo Thái Bình Dương lo ngại về bản chất của các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực, nhưng đó không phải là mối quan tâm chính của họ. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo khu vực này đặc biệt quan tâm đến việc tìm cách thúc đẩy phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, và giải quyết các rủi ro hiện hữu của biến đổi khí hậu mà các quốc gia nằm tại vùng biển thấp ở Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị tổn thương. Cách dễ nhất để có được lòng tin và trở thành một đối tác khu vực hấp dẫn hơn là làm việc với các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương – một cách riêng lẻ, hoặc tập thể, và thường xuyên – để giải quyết những mối quan tâm này, vốn đã được các nhà lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương đưa ra trong Tuyên bố Boe năm 2018 về An ninh Khu vực, trong đó đề cập đến "khái niệm an ninh mở rộng" để đối phó với hàng loạt thách thức mà Thái Bình Dương phải đối mặt.
Làm như vậy sẽ đòi hỏi phải theo đuổi các cam kết mạnh mẽ hơn nhằm chống lại biến đổi khí hậu, giám sát chặt chẽ vùng biển ven bờ của Quần đảo Thái Bình Dương để hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp, và ngăn chặn việc khai thác tài nguyên của ngư dân Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ và các đối tác nên tạo ra thị trường lao động cởi mở hơn để cho phép cư dân của Quần đảo Thái Bình Dương làm việc ở những nơi khác trong khu vực dựa trên nhu cầu việc làm, và hỗ trợ các sáng kiến giáo dục nhằm mang lại nhiều cơ hội hơn cho thanh niên của khu vực này theo học ở nước ngoài. Mỹ và các đối tác nên đầu tư vào các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kết nối Internet ở Quần đảo Thái Bình Dương. Các cơ quan lập pháp ở Australia, New Zealand, Mỹ và các nơi khác cũng có thể tìm cách hợp tác với những người đồng cấp dân cử của họ tại Quần đảo Thái Bình Dương để thảo luận đường hướng cải thiện trách nhiệm giải trình của chính phủ. Tất cả các cam kết này sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn hơn từ Mỹ và các đối tác, những thay đổi trong luật pháp trong nước ở nhiều quốc gia để cho phép mở rộng giấy phép lao động và gắn kết bền vững hơn với khu vực.
Mỹ cũng có thể thể hiện cam kết mới đối với Quần đảo Thái Bình Dương bằng cách thực hiện một số thay đổi quan trọng. Washington có lẽ đang có kế hoạch mở lại đại sứ quán Mỹ tại Quần đảo Solomon, vốn đã bị đóng cửa vào năm 1993, nhưng chính quyền Biden vẫn chưa bổ nhiệm Đại sứ tại Fiji hoặc Papua New Guinea. Họ cũng không có đại sứ thường trú tại Kiribati, Nauru, Samoa, Tonga, Tuvalu hoặc Vanuatu (nhóm này đang được phụ trách bởi đại sứ khu vực của Mỹ). Thật khó để kêu gọi gắn bó nghiêm túc và bền vững với cộng đồng Thái Bình Dương mà không có sự hiện diện tích cực của Mỹ. Ngoài những vị trí kể trên, Washington nên cân nhắc việc chỉ định một đại sứ tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, mô phỏng theo vị trí của Đại sứ Mỹ tại Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, Washington cần phải cập nhật hiệp ước liên kết tự do với Liên bang Micronesia, Palau, và Quần đảo Marshall. Trong nhiều thập niên, những thỏa thuận này đã cho phép Mỹ hạn chế quyền tiếp cận quân sự của các quốc gia khác đối với ba nước ký kết hiệp ước, để đổi lấy sự đảm bảo về chính trị, phát triển, và quốc phòng từ Mỹ.
Mỹ cũng nên ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong khu vực. Washington nên cam kết tham dự liên tục và cử các đại diện cấp cao hơn đến với tư cách là đối tác đối thoại tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Nước này cũng nên thể hiện sự quan tâm đến vai trò thành viên liên kết của diễn đàn dành cho hai lãnh thổ thuộc Mỹ đang nằm ở Quần đảo Thái Bình Dương– Samoa thuộc Mỹ và Guam – và thiết lập một cuộc họp thường kỳ với Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tương tự như cuộc họp hai năm một lần của Nhật Bản với các nhà lãnh đạo của các đảo quốc Thái Bình Dương.
Cam kết với Thái Bình Dương
Tất nhiên, những điều chỉnh chính sách dài hạn hay những điều chỉnh nhân sự ngắn hạn đều không giải quyết được thách thức trước mắt, xuất phát từ dòng vốn đầu tư tăng mạnh của Trung Quốc và khả năng thiết lập sự hiện diện quân sự của nước này trong khu vực. Để giải quyết vấn đề thứ nhất, các đối tác dân chủ nên hỗ trợ các sáng kiến chống tham nhũng và minh bạch, đồng thời tài trợ cho các phương tiện truyền thông độc lập ở Quần đảo Thái Bình Dương. Về vấn đề thứ hai, các nỗ lực ngoại giao nên ưu tiên việc giới hạn thỏa thuận bí mật của Bắc Kinh và Honiara, để đảm bảo rằng nó chỉ là một thỏa thuận trên lý thuyết chứ không phải trên thực tế. Và bởi vì những lời phủ nhận của Bắc Kinh thường là tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, Washington nên bắt đầu cảnh báo các nhà lãnh đạo khu vực về viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Thái Bình Dương sẽ như thế nào, và Mỹ sẽ làm gì để đối phó với hành động quân sự hóa đó. Việc quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực sẽ dẫn đến thiệt hại về môi trường, sự nhượng bộ chủ quyền từ Quần đảo Thái Bình Dương, và phản ứng không thể tránh khỏi của Mỹ và các đồng minh, theo đó có thể kéo các đảo Thái Bình Dương vào một cuộc xung đột trong tương lai.
Những gì xảy ra ở Quần đảo Solomon có hàm ý an ninh rộng lớn hơn cho khu vực và nên được xem là một phần trong nỗ lực có hệ thống của Bắc Kinh nhằm mở rộng sự hiện diện của họ ở Thái Bình Dương, thúc đẩy các công cụ kiểm soát độc tài, giảm bớt khả năng tiếp cận của Mỹ với khu vực, và hạn chế quyền tự do đi lại của các đồng minh của Mỹ. Những bước tiến mới ở Thái Bình Dương nên cho người Mỹ thấy được tầm quan trọng của việc thu hút những quốc gia đã bị lãng quên ở quần đảo này. Chúng cũng nên là cơ hội để đánh giá hiệu quả của chính sách của Mỹ và đồng minh đối với khu vực quan trọng này, đồng thời khuyến khích Washington sáng tạo hơn, chủ động hơn, và cam kết hơn với Thái Bình Dương.
Charles Edel
Nguyên tác : "A Fault Line in the Pacific", Foreign Affairs, 03/06/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/06/2022
Charles Edel là Giám đốc phụ trách Australia kiêm Cố vấn Cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ông từng là Nhân viên Hoạch định Chính sách của Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2015 đến năm 2017.
Minh Anh, RFI, 09/06/2022
Tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương chiến lược, Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng. Bắc Kinh đưa ra một sáng kiến nhằm mở rộng hợp tác an ninh và tự do mậu dịch với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Công du Đông Á, Joe Biden làm sống lại Bộ Tứ - QUAD, diễn đàn an ninh quy tụ bốn nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ, đồng thời thông báo hình thành Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework - IPEF).
Lãnh đạo 4 nước thuộc nhóm Đối thoại An ninh Bốn Bên (QUAD), còn gọi là Bộ Tứ, họp thượng đỉnh tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/05/2022. Từ trái sang phải : Thủ tướng Úc Anthony Albanese, tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. AP - Zhang Xiaoyu
Những ngày cuối tháng 5/2022 có hai sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý của giới quan sát. Thứ nhất là tuyên bố của tổng thống Biden là Mỹ sẽ hậu thuẫn quân sự trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công. Nhiều nhà quan sát tự hỏi : Phải chăng Hoa Kỳ đã từ bỏ chiến lược mập mờ đối với hồ sơ Đài Loan được duy trì từ nửa thế kỷ qua ?
Michael Swaine, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung, giám đốc chương trình Đông Á, Viện Quincy, cho rằng nếu như Joe Biden nghĩ đúng như ông tuyên bố, thì điều đó hoàn toàn không phù hợp với luật của Mỹ đối với Đài Loan :
"Chính sách của Mỹ quy định rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét với một sự cẩn trọng, một mối bận tâm nghiêm túc bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Đài Loan và tổng thống sẽ phải tham khảo ý kiến của Quốc hội về những gì phải làm về vấn đề này. Luật của Mỹ còn quy định không có cam kết triển khai các lực lượng quân đội như thể Đài Loan là một đồng minh an ninh của Mỹ. Nhưng có một cam kết cung cấp các phương tiện phòng vệ cho Đài Loan – nghĩa là bán vũ khí quân sự - nếu Mỹ đánh giá rằng tình hình an ninh của Đài Loan mỗi lúc bị đe dọa" (Trang mạng Democracy Now ngày 24/05/2022).
Michael Swaine nhắc thêm, nếu như từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ vẫn bán vũ khí cho hòn đảo tự trị này, chính sách của Mỹ trong hồ sơ Đài Loan là duy trì sự mập mờ, nhằm ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập và chặn mọi ý đồ hợp nhất hòn đảo bằng vũ lực từ Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS, đưa ra một giải thích khác, cho rằng bản chất của chiến lược này nằm ở cách thức Hoa Kỳ đáp trả trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc đơn phương tấn công, làm thay đổi nguyên trạng :
"Vấn đề ở đây chính là thực chất của sự hậu thuẫn : Phải chăng điều đó muốn nói là chỉ đơn giản cung cấp vũ khí nếu có xung đột ? Hay điều đó có nghĩa là sẽ can thiệp quân sự vào Đài Loan và củng cố khả năng phòng thủ cho đảo ? Hoặc cũng hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ đi xa hơn và có khả năng đánh vào các mục tiêu ở Hoa lục trong trường hợp có chiến tranh ? Chính là dựa trên câu hỏi về thực chất của sự can thiệp này, mà có một chiến lược mập mờ như thế" (France Culture ngày 28/05/2022).
Về phía Trung Quốc, nhà nghiên cứu người Pháp khẳng định từ lâu Bắc Kinh đã có một chiến lược rất rõ ràng : "Từ nhiều thập niên qua, giới chức Trung Quốc, giới chính trị cũng như là Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân PLA, đã chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự Mỹ, nếu chiến tranh xảy ra ở eo biển Đài Loan. Trên thực tế, đây chính là lý do thúc đẩy Trung Quốc hiện đại hóa quân đội nhằm ngăn chặn một cuộc can thiệp từ Mỹ hay hạn chế tối đa sự phát triển đó. Thậm chí ngày nay năng lực hạt nhân của Trung Quốc còn nhắm đến việc ngăn chặn Mỹ đe dọa Trung Quốc trong khuôn khổ một kịch bản có chiến tranh tại eo biển Đài Loan, nhất là tấn công hạt nhân nhằm kết thúc cuộc xung đột" (France Culture ngày 28/05/2022).
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác còn cho rằng tuyên bố này của Joe Biden rất có thể còn là một lời cảnh cáo Bắc Kinh : Nếu như Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan, những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc Vladimir Putin đánh Ukraine sẽ không ngăn cản Hoa Kỳ có hành động đáp trả bằng quân sự.
Điểm đáng chú ý thứ hai là bài phát biểu của lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ, Anthony Blinken tại đại học George Washington hôm 26/05, nhằm trình bày một chính sách về Trung Quốc của Mỹ. Theo đó, Trung Quốc vẫn bị xem là mối đe dọa chính cho "trật tự thế giới", ngày càng "xa rời các giá trị phổ quát". Đương nhiên, tuyên bố này của Washington khiến Bắc Kinh nổi dóa và đã có phản ứng gay gắt, cho rằng mục tiêu của bài diễn văn là nhằm "ngăn chặn và cản trở sự phát triển của Trung Quốc", đồng thời tố cáo Mỹ tìm cách "duy trì thế bá quyền và sức mạnh" của mình.
Trong một bài viết trên trang mạng Responsible Statecraft, nhà sử học Daniel Larison, cựu biên tập viên cho tạp chí "Đảng Bảo Thủ Mỹ" đánh giá, chính sách về Trung Quốc của chính quyền Biden là không có nhiều điều mới mẻ, và được mô phỏng chặt chẽ dựa trên chính sách của Donald Trump. Đây là một sự liên tục lớn nhất giữa chính quyền Biden với người tiền nhiệm, khi ông nhắc lại luận điểm theo đó, Trung Quốc là một cường quốc "hiếu chiến", là một thế lực gây bất ổn cần phải kềm hãm…
Dù vậy, ông cũng nhìn nhận rằng điều đó không có nghĩa là không có một sự khác biệt trong chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Biden. Vẫn theo Daniel Larison, điểm đáng chú ý trong bài diễn văn của ngoại trưởng Blinken là đặt ngoại giao trở lại vào trọng tâm chính sách đối ngoại, vào lúc các hoạt động ngoại giao của Mỹ tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng tỏ ra mờ nhạt.
Maud Quessard, Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp (IRSEM,) ghi nhận đây chính là một phần trong chiến lược mới của Mỹ, ở đó vế "ngoại giao – kinh tế" của chính quyền Biden – Harris sẽ được chú trọng trong nỗ lực đáp trả thách thức thế bá quyền của Trung Quốc tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương (Tạp chí Diplomatie số tháng 5-6/2022).
Những tháng gần đây, nhịp độ hoạt động ngoại giao của Mỹ trong khu vực tăng mạnh. Washington muốn đuổi kịp Bắc Kinh sau một thời gian khởi động chậm chạp : Chuyến thăm ba nước Đông Nam Á của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloy Austin (7/2021), Vòng công du Châu Á của ngoại trưởng Mỹ (2/2022), Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Washington (trung tuần tháng 5/2022) hay như chuyến công du Đông Bắc Á của nguyên thủ Mỹ (cuối tháng 5/2022)…
Mục tiêu là để tái khẳng định cam kết của Mỹ trong khu vực với những thách thức rất rõ ràng : Duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ với tư cách là cường quốc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" vào thời điểm "giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình" có nhiều nguy cơ thay thế vị thế của Mỹ, và qua đó tìm cách "sửa chữa chính sách đối ngoại" sau một nhiệm kỳ Donald Trump tạo thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện tham vọng của mình trên bình diện khu vực cũng như trên thế giới.
Tham vọng của Mỹ sẽ phải là tâm điểm của một trật tự thế giới tương thích với những thách thức mới của thế kỷ XXI, khi dựa vào các đồng minh trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Philippines, Thái Lan… cũng như dựa vào các đồng minh vùng Châu Âu – Đại Tây Dương (đặc biệt là Anh và Liên Hiệp Châu Âu), tùy theo vai trò mà các nước đó có thể nắm giữ (nhất là tại eo biển Đài Loan).
Đây cũng là lần đầu tiên Washington nhấn mạnh đến vai trò này của các nước trong chiến lược mới của Nhà Trắng được công bố hồi tháng 2/2022, mà ví dụ điển hình có thể thấy rõ nhất là vị thế của Nhật Bản trong khu vực, như giải thích của bà Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) :
"Nhật Bản có một vai trò trung gian khá thú vị giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á. Ngoại trưởng và thủ tướng Nhật Bản thường xuyên có mặt trong vùng, bên cạnh các đối tác thuộc khối ASEAN. Nhất là họ gây áp lực sao cho những nước đó chấp nhận một phần nào tham gia vào khuôn khổ kinh tế mới (IPEF) do Mỹ đề xướng" (France Culture ngày 28/05/2022).
Vẫn theo bà Maud Quessard, tham vọng dài hạn này của Washington được thấy rõ qua lập trường của nhiều cố vấn tổng thống Biden, những thành viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia NSC. Phần đông trong số họ giữ những vị trí hàng đầu tại nhiều nước Châu Á – Thái Bình Dương, hay những người từng tham gia kiến tạo cho chiến lược "xoay trục của Obama".
Điển hình nhất là trường hợp của Kurt Campell, từ lâu tin rằng tái định hướng chiến lược của Mỹ sang Châu Á là điều cần thiết. Chiến lược này cần phải được dựa vào việc huy động những phương tiện quân sự, kinh tế và công nghệ. Tầm nhìn này đã được cố vấn cho tổng thống về Trung Quốc, Rush Doshi, đồng chia sẻ. Ông là tác giả tập sách The Long Game : China’s Grand Strategy to Displace American Order (Nhà xuất bản Oxford University Press USA, 2021).
Theo Doshi, việc Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016 dường như đã làm thay đổi cảm nhận của Trung Quốc về sức mạnh của Mỹ, khi nuôi dưỡng hy vọng về "những thay đổi lớn chưa từng có từ một thế kỷ nay". Cũng theo vị cố vấn quyền lực này, Bắc Kinh có lẽ ngay từ năm 2008 đã theo đuổi chính sách bành trướng, nhất là thiết lập những nền tảng cơ bản trật tự bá quyền của mình mang tư tưởng xét lại trong lòng các định chế quốc tế hay khu vực.
Mục tiêu là nhằm chứng tỏ ưu thế của mô hình Trung Quốc trước một "Hoa Kỳ đang thoái trào» và mở rộng ảnh hưởng trên bình diện kinh tế và chính trị, khi tự cho rằng các định chế của Bắc Kinh được thiết kế tốt hơn để có thể huy động Nhà nước, xã hội và thị trường thực hiện các chính sách công nghiệp, phục vụ cho những tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Cuối cùng, trên bình diện quân sự, Trung Quốc tự trang bị cho mình các phương tiện nhằm ra sức phát triển một quân đội mang cấp độ thế giới, có khả năng hậu thuẫn, bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài và nhất là vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh này, ngoài việc phải tăng cường hệ thống phòng thủ và bảo vệ các căn cứ cũng như đồng minh quân sự tại khu vực, chính quyền Biden cho rằng cần phải mở rộng hợp tác đối tác trên bình diện kinh tế và chính trị, để có thể "kềm hãm đà ảnh hưởng của Trung Quốc" tại các định chế quốc tế, cũng như ở vùng Châu Á.
Washington đánh giá phải hoàn thiện cân bằng chiến lược và thành công ở những điểm mà các đời tổng thống tiền nhiệm Obama hay Donald Trump đã thất bại khi không đề xuất được những thỏa thuận tốt nhất cho nhiều nước cường quốc hạng trung như Singapore, Đài Loan, Việt Nam, hay các đảo quốc Nam Thái Bình Dương.
Từ những quan sát này, nhằm bổ sung cho chiến lược mới, chính quyền Biden – Harris vạch ra một khuôn khổ hợp tác đối tác kinh tế mới IPEF – Indo-Pacific Economic Framework, ước tính chiếm giữ đến 40% kinh tế toàn cầu và sơ khởi đã tập hợp được 12 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Singapore, Brunei, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan). Việc 6/12 nước tham gia ban đầu đều là các thành viên của khối ASEAN, cho thấy một lần nữa chính quyền Biden chú trọng đến đặc tính "trung tâm" của ASEAN trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Những nỗ lực này, đương nhiên, cho thấy chính quyền Biden tìm cách vượt qua khuôn khổ một Ấn Độ - Thái Bình Dương quá chú trọng vào những thách thức an ninh khi bổ sung thêm lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, chiến lược này của Mỹ chẳng khác gì "ăn miếng trả miếng", nhằm đáp trả lại sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Bắc Kinh, nhưng lại trong sự muộn màng.
Barthélémy Courmont, chuyên gia về Đông Á và chính sách đối ngoại Mỹ, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, lấy làm tiếc rằng từ hơn hai thập niên qua, chính sách Belt and Road Initiatives đã giúp Trung Quốc cắm rễ sâu với các khoản đầu tư trên toàn Châu lục. Châu Á không còn nhiều chỗ dành cho Washington trong khi khả năng đầu tư của Mỹ lại hạn hẹp do phải cấp bách đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở trong nước. Trong cuộc đua khốc liệt này, rõ ràng quân chốt của Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ xa !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 09/06/2022
Pence lên giọng với Trung Quốc, dọa tiếp tục thuế quan nếu không nhượng bộ (VOA, 17/11/2018)
Mỹ sẽ không chùn bước trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc, và thậm chí có thể tăng gấp đôi các mức thuế quan, trừ phi Bắc Kinh nhượng bộ trước những yêu sách của Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu hôm thứ Bảy.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh CEO APEC 2018 tại Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 17 tháng 11, 2018.
Trong một bài diễn văn với lời lẽ thẳng thừng tại hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea, ông Pence đã nói như vỗ mặt Trung Quốc về thương mại và an ninh trong khu vực.
"Chúng tôi đã có hành động quyết đoán để giải quyết sự mất cân bằng với Trung Quốc", ông Pence tuyên bố. "Chúng tôi đã áp thuế quan lên hơn 250 tỉ đôla hàng hóa của Trung Quốc, và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó".
"Song Hoa Kỳ sẽ không thay đổi đường hướng cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi".
Cảnh báo thẳng thừng này có thể sẽ là tin tức không mấy lạc quan cho các thị trường tài chính vốn đã hi vọng tranh chấp Trung-Mỹ sẽ hạ nhiệt và thậm chí có lẽ đạt được một số thỏa thuận tại một hội nghị G20 vào cuối tháng này ở Argentina.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, không dự cuộc họp APEC, sẽ hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina.
Lời cảnh báo của Pence hôm thứ Bảy tương phản với những phát biểu của ông Trump hôm thứ Sáu, khi ông nói rằng ông có thể không áp thêm thuế quan sau khi Trung Quốc gửi cho Mỹ một danh sách các biện pháp mà họ sẵn sàng thực hiện để giải quyết căng thẳng thương mại.
Ông Trump đã áp thuế quan lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỉ đôla để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về một danh sách những đòi hỏi mà sẽ thay đổi các điều khoản thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã đáp lại bằng thuế quan áp lên hàng hóa của Mỹ.
Washington đang yêu cầu Bắc Kinh cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, cắt trợ cấp công nghiệp và giảm thâm hụt thương mại 375 tỉ đôla.
Những lời lẽ của ông Pence không cho thấy bất cứ sự nhượng bộ nào.
"Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ suốt nhiều năm qua. Những ngày đó đã qua", ông nói với các đại biểu tề tựu trên một du thuyền neo đậu tại Bến cảng Fairfax của thủ đô Port Moresby.
Ông cũng nhắm mục tiêu chỉ trích tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và đặc biệt là kế hoạch Vành đai và Con đường của ông Tập để mở rộng những liên kết trên bộ và trên biển giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu với hàng tỉ đôla đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Chúng tôi không cung cấp những vành đai gò bó hay con đường một chiều", ông Pence nói.
Dù không đề cập trực tiếp đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp khác nhau trong khu vực, ông Pence nói Mỹ sẽ ra sức giúp bảo vệ các quyền hàng hải.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa máy bay và đưa tàu tới nơi mà luật pháp quốc tế cho phép và nơi nhu cầu của chúng tôi đòi hỏi. Hành vi quấy nhiễu sẽ chỉ càng củng cố quyết tâm của chúng tôi mà thôi".
Chỉ vài phút trước đó, ông Tập đã đã trình bày khá lâu về sáng kiến của ông và sự cần thiết phải có thương mại tự do trên toàn khu vực.
"Nó không phải là một câu lạc bộ độc quyền mà những nước không phải thành viên không vào được, mà cũng không phải là một cái bẫy như một số người đã gán cho nó", ông Tập nói về dự án tâm huyết của ông.
Ông cũng gọi là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là "phương sách thiển cận" mà "chắc chắn sẽ thất bại".
"Lịch sử đã cho thấy đối đầu, dù dưới hình thức Chiến tranh Lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không mang tới chiến thắng cho ai cả", ông Tập nói.
*******************
APEC : Trung Quốc muốn gì ở Thái Bình Dương (BBC, 16/11/2018)
Có một câu chuyện tiếu lâm xung quanh Port Moresby những ngày này về việc làm cách nào Trung Quốc đồng ý tài trợ cho dự án đại lộ chính của thành phố.
Hội nghị APEC diễn ra từ ngày 12 đến 18/11 tại Papua New Guinea
Trong chuyến đi gần đây đến Bắc Kinh, hoặc theo chuyện kể như vậy, thủ tướng Papua New Guinea nói với chủ tịch Trung Quốc rằng ông muốn một con đường rộng lớn chạy xuyên qua trung tâm thủ đô Port Moresby đến nhường nào.
Không vấn đề gì, chủ tịch Trung Quốc đáp. Chỉ cần nói với tôi một điều. Nó có cần đủ rộng cho xe tăng đi vào, như của chúng tôi hay không ?
Có rất nhiều giai thoại về đầu tư của Trung Quốc ở Port Moresby những ngày này, và câu chuyện hài này ám chỉ những lo lắng ở nơi đây trước những ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Tăng cường đầu tư
Lái xe quanh Port Moresby trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hướng dẫn viên bản địa chỉ cho tôi thấy tất cả những dự án mà Trung Quốc đã giúp đỡ xây dựng để chuẩn bị cho hội nghị này.
Các con đường, đại lộ - thậm chí bến xe buýt cũng được xây bằng tiền của Trung Quốc.
Quốc gia nghèo nàn này đang tổ chức hội nghị tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới và doanh nhân hàng đầu, cùng với các cuộc đàm phán thương mại cấp cao trong chương trình nghị sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến hôm thứ Năm (15/11) trong chuyến thăm cấp nhà nước trước hội nghị.
Nhưng điều Trung Quốc quan tâm ở quốc gia này không có gì là mới lạ.
Trong thập kỷ qua, quy mô viện trợ và đầu tư của Trung Quốc ở Thái Bình Dương gia tăng đáng kể, như những nghiên cứu gần đây của Viện Lowy cho thấy.
Theo bản đồ viện trợ khu vực Thái Bình Dương của viện, chi tiêu của Trung Quốc ở Papua New Guinea tổng cộng là 20,83 triệu USD trong năm 2016. Số tiền này tăng gấp ba lần trong năm sau đó.
Hãy xem xét việc này trong bối cảnh.
Úc vẫn chi nhiều tiền hơn ở Papua New Guinea so với Trung Quốc - 70% viện trợ của quốc gia này đến từ nước thực dân cai trị cũ.
Papua New Guinea là thành viên nghèo nhất trong APEC với khoảng 40% dân số sống dưới mức 1 USD một ngày, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Một trạm xe buýt do Trung Quốc tài trợ ở trung tâm thủ đô Port Moresby
Dân bản xứ kể với tôi rằng Úc từ lâu đã đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục và cung cấp đào tạo quản trị tốt hơn.
Trong khi đó Trung Quốc đang đầu tư vào các lĩnh vực mà Papua New Guinea đang rất cần ngay bây giờ là cơ sở hạ tầng.
"Trung Quốc xây cho chúng tôi những con đường, cây cầu và họ sẽ tiếp tục làm điều đó", giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Papua New Guinea Douveri Henao nói với tôi.
"Và không chỉ ở Papua New Guinea. Tham vọng là trên toàn Thái Bình Dương".
Đó là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một chương trình trị giá hàng tỷ đô la nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và đầu tư.
Nó là đứa con của Chủ tịch Tập Cận Bình - nhưng tương tự tham vọng của Trung Quốc là những gì được cho là đằng sau cam kết của Úc về quỹ 1 tỷ USD hồi tuần trước để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở đây.
Ngoài ra, giới chỉ trích chính sách đầu tư và hỗ trợ của Trung Quốc ở Papua New Guinea nói với tôi rằng vấn đề với tiền của Trung Quốc ở đây thường là không có sự minh bạch về giải ngân và tiền sẽ đến tay ai.
Một phần của vấn đề là sự yếu kém về quản trị và mức độ tham nhũng cao ngay trong Papua New Guinea. Nhưng vấn đề khác là Bắc Kinh thường chi tiền trước - rồi mới hỏi sau.
Điều này thường dẫn đến các dự án không cần thiết và lãng phí, trong khi tiền có thể được sử dụng cho các nhu cầu cấp thiết khác trong nước như chăm sóc sức khỏe.
Viện trợ trở thành chính trị
Có những lý do kinh tế và ngoại giao tại sao Bắc Kinh đang đầu tư vào Thái Bình Dương.
Ví dụ, Papua New Guinea là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản đất hiếm, và các quốc đảo Thái Bình Dương là nơi có một phần ba số nước trên thế giới ủng hộ Đài Loan - những điều mà giới phân tích cho rằng Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng.
Papua New Guinea nằm trong khu vực Thái Bình Dương, nơi mà Úc và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng
Nhưng những tham vọng chiến lược dài hạn của Trung Quốc đang làm dấy lên những câu hỏi lớn nhất.
Jonathan Pryke thuộc Viện Lowy nói với tôi : "Những gì bạn đang thấy là hỗ trợ địa chính trị".
"Nỗi sợ lớn của các quốc gia như Úc và Hoa Kỳ là cuộc chơi cuối cùng của Trung Quốc là thiết lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn ở đâu đó trên Thái Bình Dương trong hai mươi đến ba mươi năm tới. Đó là lý do tại sao bạn thấy Washington và Canberra phản ứng trước việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương".
Papua New Guinea cách Guam, căn cứ của Mỹ, vài nghìn cây số.
Báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc nhấn mạnh rằng hoàn toàn có thể thấy quân đội Trung Quốc sẽ muốn "mở rộng hoạt động ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên, cho thấy khả năng tấn công Mỹ và lực lượng đồng minh và các căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả Guam".
Hầu hết các nhà phân tích, trong đó có cả ông Pryke của Viện Lowy, không thực sự tin rằng điều này sẽ xảy ra.
Nhưng nó là mối đe dọa đủ để thuyết phục Hoa Kỳ và Úc chú ý nhiều hơn đến Thái Bình Dương.
Đó là lý do tại sao sẽ không chỉ có Trung Quốc vung tiền vào Papua New Guinea tuần này. Mỹ, Úc và Nhật Bản có khả năng sẽ mang các món quà đến cho các quốc đảo Thái Bình Dương khi họ đến Port Moresby dự hội nghị APEC.
Papua New Guinea giờ đây là chiến trường mới nhất trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây.