Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào buổi bình minh của kỷ nguyên số, Bill Clinton đã dự đoán rằng nền kinh tế thị trường cùng hệ thống mạng toàn cầu Internet có thể khiến Trung Quốc đi theo hướng tự do hóa. Tầm nhìn này của ông rất táo bạo, đầy lạc quan nhưng rất tiếc là sai lầm. Năm 2000, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đã được chứng kiến một cuộc cách mạng khi Đảng cộng sản Trung Quốc từ bỏ vị thế độc quyền của mình trong việc phân phối mọi thứ, từ việc làm, nhà ở cho đến tin tức. Clinton cho rằng trong thời đại có nhiều cơ hội và nguồn thông tin mới, khả năng kiểm soát người dân sẽ bị hạn chế. Theo ông : "Trong thế kỷ mới, quyền tự do sẽ lan rộng thông qua những chiếc điện thoại di động và modem kết nối Internet". Biết được việc Trung Quốc đang cố tìm cách kiểm soát hệ thống Internet của họ, ông phản ứng một cách đầy mỉa mai "Chúc may mắn, nỗ lực này sẽ chẳng đi đến đâu giống như việc cố gắng đóng đinh một miếng thạch rau câu vào tường".

internet1

Giới lãnh đạo của Đảng đã dành 20 năm tiếp theo để chứng minh một điều rằng nếu có đủ đinh thì hoàn toàn có thể khống chế được Internet. Đó là một nỗ lực rất lớn, có sự tham gia của nhiều lực lượng gồm những đội quân kiểm duyệt, cảnh sát ngầm và các quan chức phụ trách việc tuyên truyền. Các công ty Internet phải thuê nhân viên kiểm duyệt nội dung với số lượng hàng chục nghìn người để phát hiện và xóa bỏ những thông tin và hình ảnh bị cấm chỉ trong vòng vài giây. Tuy vậy, ông Clinton cũng không hoàn toàn sai. Nhà nước đã giảm sự hiện diện trong nhiều sinh hoạt thường nhật của người dân Trung Quốc so với trước đây. Ở một số lĩnh vực, các quan chức vẫn còn cố gắng duy trì vị thế gần như độc quyền là nhà cung cấp thông tin "chính thống". Trong ngành công nghiệp truyền thông, giới lãnh đạo Đảng tập trung dồn nguồn lực cho những hãng thông tấn dòng chính mang tư tưởng thủ cựu, chẳng hạn như tờ Nhân Dân nhật báo, khuyến khích họ thành lập các tờ báo con với nội dung tươi mới hơn nhằm cạnh tranh với những ấn phẩm thương mại. Người dân đôi lúc dám đăng tải tin tức theo góc nhìn cá nhân và đặt nghi vấn về những tin tức được cho là "chính thống". Vì điều này, họ thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị khiển trách, đuổi việc thậm chí là phải vào tù.

Giải trí là lĩnh vực tốt nhất cho thấy những dự đoán của ông Clinton đã sai như thế nào, bởi vì đây là lĩnh vực có sự cạnh tranh thương mại gay gắt, đặc biệt là trên nền tảng số, nhưng Đảng vẫn đang kiểm soát vững tình hình. Nhìn bề ngoài thì đây thật là một thành quả ấn tượng. Chỉ mới một thế hệ trước, không tính những video lậu, các đài truyền hình của nhà nước và những nhà kiểm duyệt phim quyết định gần như toàn bộ những gì người dân được xem tại nhà hoặc ở rạp chiếu phim. Tình hình bây giờ đã khác. Ghé thăm một ngôi nhà ở vùng quê may ra có thể thấy được chiếc TV đang bật để ở góc tường, người già và trẻ nhỏ là đối tượng xem chính nhưng họ cũng không chú tâm lắm. Còn ở những nơi khác, trong các toa tàu, căn-tin hay ký túc xá, ta sẽ thấy những người Trung Quốc đang nhìn vào màn hình điện thoại thông minh một cách chăm chú. Họ có thể đang xem một bộ phim truyền hình, một cuộc thi tìm kiếm tài năng hoặc những đoạn video ngắn của những người sáng tạo nội dung nghiệp dư có lượt theo dõi trực tuyến lớn : một người nông dân đang khiêu vũ (có lẽ là vậy), hay một tài xế xe tải đang ngân nga hát trên con đường vắng vẻ nào đó. Một nam thiếu niên có thể ngủ gật trên xe buýt nhưng vẫn còn đang theo dõi một buổi livestream về game online. Những phụ nữ trẻ ngồi ở hàng ghế phía sau có thể đang xem một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với 40 triệu lượt theo dõi rao bán son môi, vì Trung Quốc là nước có thị trường thương mại điện tử quy mô lớn và phát triển nhất trên thế giới.

Tất cả điều này khiến các quan chức phải luôn cảnh giác. Vào ngày 5 tháng 3, trong báo cáo thường niên trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi một lối hành xử chuẩn mực hơn trong ngành công nghiệp văn hóa, với tên gọi "nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến". Bốn ngày trước đó, Hiệp hội Biểu diễn Nghệ thuật Trung Quốc (CAPA), một tổ chức do nhà nước hậu thuẫn, đã bắt đầu áp dụng một danh sách mới gồm 15 hành vi có thể khiến các diễn viên, nhạc sĩ và các nghệ sĩ khác bị cấm biểu diễn trong một năm hoặc lâu hơn. Những hành vi sẽ bị phạt bao gồm xúc phạm danh dự quốc gia, sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe, đánh bạc hoặc hát nhép trong các buổi biểu diễn thương mại. Bộ quy tắc ứng xử được xây dựng dựa trên những động thái trước đó của các hiệp hội ngành nhằm giữ gìn sự ổn định xã hội, trong đó có những quy định cấm miêu tả tình yêu đồng tính, ngoại tình, hút thuốc hoặc mê tín dị đoan. Ở Trung Quốc ngày nay, tình trạng bất bình đẳng đang diễn ra rất trầm trọng do vậy các cơ quan quản lý phim và truyền hình đã cố gắng hạn chế những nội dung phô trương sự giàu có hoặc các đặc quyền thừa kế. Một trong những cách thức mà họ thực hiện là chỉ trích các chương trình truyền hình thực tế mô tả đời sống của những đứa trẻ là con của người nổi tiếng.

Các nhà kiểm duyệt không chỉ kiểm soát các nghệ sĩ thông qua quy định. Internet tại Trung Quốc thời nay có một đặc điểm đã đóng góp không nhỏ vào thành công của công tác giám sát, đó chính là sự có mặt của một đội ngũ cư dân mạng luôn tuần tra và sẵn sàng tấn công bất kỳ cá nhân nào có hành vi bị xem là ‘lệch chuẩn’ trên không gian siêu thương mại này. Đây là giai đoạn mà những ai muốn nổi tiếng ở Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Chỉ vài tuần đầu tiên của năm 2021, người hâm mộ, các blogger nổi tiếng và truyền thông nhà nước đồng loạt chỉ trích rất nhiều người nổi tiếng đến nỗi Tencent News, một trang tin tức trực tuyến, đã đăng tải bài viết với tựa đề : "Thời đại của lời xin lỗi : bất cứ điều gì bạn từng làm sai, hãy xin lỗi". Những người phải nói lời xin lỗi trong năm nay gồm có một nữ diễn viên bị lên án vì đã bỏ rơi hai đứa con được sinh ra nhờ mang thai hộ ở Mỹ và một diễn viên hài đăng bài viết quảng cáo cho thương hiệu bán đồ lót phụ nữ nhưng lại chứa nội dung ‘xem thường nữ giới’. Ngoài ra một nữ diễn hài cũng bị chỉ trích vì mặc chiếc áo có dòng chữ "bộ đồ săn tìm chồng" được cho là đã hạ thấp nhân phẩm phụ nữ ; một thanh niên chăn ngựa 20 tuổi đến từ Tây Tạng phải chịu chung cảnh ngộ khi bị bắt gặp đang hút thuốc trước ống kính. Chỉ vài tháng trước đó, vẻ ngoài điển trai cùng nụ cười dân dã đã giúp anh được nhiều người biết đến và trở thành đại sứ thiện chí đại diện cho vùng đất quê hương mình.

Chuyên mục ‘Chaguan’ (quán trà) về Trung Quốc của tờ The Economist gần đây có những cuộc trò chuyện với các nhân vật kỳ cựu trong ngành giải trí. Họ cho biết nhiều đồng nghiệp đang phải dùng thuốc điều trị trầm cảm vì một số nguyên nhân. Trước đây, các ngôi sao chỉ xuất hiện trước công chúng thông qua những tác phẩm điện ảnh của họ. Còn bây giờ, người hâm mộ quan tâm đến từng chi tiết đời sống riêng tư của các diễn viên thông qua mạng xã hội và họ luôn mong đợi một hình ảnh hoàn hảo từ thần tượng của mình. Mỗi năm, những nghệ sĩ đã có chỗ đứng trong giới giải trí lại chứng kiến sự xuất hiện của hàng trăm đối thủ mới bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng. Ở một đất nước mà những tiếng nói chỉ trích đối với nhà cầm quyền bị xem là điều tối kỵ thì việc hướng sự phẫn nộ của công chúng đến những người nổi tiếng trong giới giải trí giống như việc điều chỉnh chiếc van an toàn vậy, đặc biệt là khi các ngôi sao thực sự đã châm ngòi làn sóng giận dữ qua việc trốn thuế hoặc lạm dụng đặc quyền của mình. Việc cạnh tranh bất chấp mọi thứ đã giúp nâng cao giá trị kinh tế của những sản phẩm giải trí được làm ra. Tuy nhiên những biện pháp kiểm soát về mặt chính trị đã làm giảm tính đa dạng của các sản phẩm văn hóa. Rất nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh yêu nước hay những phim truyền hình đầy lộng lẫy ngoài kia chỉ chú trọng vào mặt lợi nhuận chứ không phải tính nghệ thuật. Chỉ cần gặp chút khó khăn hay rắc rối ở giai đoạn đầu là các nhà tài trợ đã nhanh chóng ‘tháo chạy’.

Đảng đã không còn giữ vị trí độc tôn trong lĩnh vực giải trí nhưng vẫn là thế lực viết ra luật chơi. Chính quyền dựng tường lửa và kiểm soát nhập khẩu đối với các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài, từ đó ngành công nghiệp giải trí và Internet ở trong nước trở thành sân chơi bị các tập đoàn nội địa thao túng, điều có thể xem như phần thưởng cho sự vâng lời và trung thành của họ đối với nhà cầm quyền. Chính vì vậy, tuy đã buông lơi nhưng các nhà kiểm duyệt vẫn nắm đủ quyền lực mà họ cần để tiếp tục công việc giám sát.

The Economist

Nguyên tác : "Why the internet has not freed China", The Economist, 13/3/2021.

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/05/2021

Additional Info

  • Author The Economist, Nguyễn Thanh Hải
Published in Diễn đàn

Trung Quốc tăng kiểm soát các công ty internet khổng lồ

BBC, 11/11/2020

Trung Quốc đã đề xuất các quy định mới nhằm hạn chế sức mạnh của các công ty internet lớn nhất của họ.

tq1

Alibaba và JD.com thống trị thị trường bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc.

Các quy định cho thấy sự bất an ngày càng tăng ở Bắc Kinh trước những ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền tảng kỹ thuật số.

Các quy định mới có thể ảnh hưởng đến những công ty công nghệ khổng lồ trong nước như Alibaba, Ant Group và Tencent, cũng như nền tảng giao đồ ăn Meituan.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU và Mỹ cũng đang tìm cách kiềm chế sức mạnh của những công ty internet khổng lồ.

Cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi những quy định theo đề xuất được công bố vào thứ Ba 10/11.

Tin tức được đưa ra khi JD.com và Alibaba chuẩn bị cho Ngày Độc thân, ngày bán hàng giảm giá trực tuyến lớn nhất trong năm của họ.

tq2

Việc chào bán cổ phiếu theo kế hoạch lẽ ra sẽ diễn ra tại Thượng Hải và Hong Kong trong hôm 5/11.

Đợt bán tháo cổ phiếu tiếp tục vào thứ Tư, với Alibaba, JD.com, Tencent, Xiaomi và Meituan đều sụt giá, giảm hơn 200 tỷ đô la so với giá trị kết hợp của những hãng này.

Các quy định mới nói gì ?

Dự thảo dài 22 trang của Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) sẽ là nỗ lực đầu tiên để xác định hành vi chống cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ.

Các quy định mới sẽ cố gắng ngăn các công ty chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của người tiêu dùng, hợp tác với nhau để loại bỏ các đối thủ nhỏ hơn và bán hàng thậm chí phát sinh lỗ để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.

Các qui định mới cũng sẽ kìm hãm các nền tảng vốn buộc các doanh nghiệp phải có thỏa thuận độc quyền, điều mà Alibaba đã bị các thương gia và đối thủ bị cáo buộc.

Các quy định cũng sẽ nhằm vào các công ty đối xử khác biệt với khách hàng dựa trên dữ liệu và thói quen chi tiêu của họ.

SAMR đang thu thập các đánh giá và phản hồi từ công chúng về các nguyên tắc chống độc quyền cho đến cuối tháng này.

Các công ty này chiếm ưu thế như thế nào ?

Alibaba và JD.com thống trị thị trường bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc, cùng nhau chiếm khoảng 3/4 giao dịch thương mại điện tử Trung Quốc.

Tính đến tháng 9, Alibaba tự hào có 881 triệu người dùng thường tham g hàng tháng trên thiết bị di động - hơn một nửa dân số Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng có những lo ngại riêng về việc công ty con của Alibaba là Ant Group, công ty đã ngừng niêm yết trên thị trường chứng khoán vào tuần trước sau khi các nhà quản lý nêu quan ngại về quyền lực ngày càng tăng của các tổ chức tính d tụngực tuyến và cách họ có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính qui mô hơn.

tq3

EU và Mỹ cũng đang tìm cách kiềm chế sức mạnh của những công ty internet khổng lồ.

Đợt khai trương chào bán cổ phiếu (IPO) được cho là lớn nhất thế giới.

Ant có khoảng 1,3 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc, nơi công ty này điều hành Alipay, hệ thống thanh toán kỹ thuật số chính tại Trung Quốc.

Tencent, công ty có hệ thống thanh toán cạnh tranh và cũng là công ty game lớn nhất thế giới, cũng có thể bị soi xét xét kỹ.

Một xu hướng toàn cầu ?

Nếu các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại về sự phát triển bùng nổ của một số nền tảng internet, thì lo ngại của họ không phải là duy nhất.

Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố cáo buộc chống độc quyền chống lại Amazon, mà họ cáo buộc lạm dụng quyền lực thị trường của mình ở Đức và Pháp.

Trong khi đó, nhà chức trách Hoa Kỳ đang có hành động chống lại sự thống khuynh đảo thị trường của Google như một công cụ tìm khiếm trên internet

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã mô tả Google như một "người gác cổng Internet độc quyền".

Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất ở Hoa Kỳ kể từ vụ kiện chống lại Microsoft vào cuối những năm 1990.

Nguồn : BBC, 11/11/2020

***********************

Hong Kong : Toàn bộ nghị sĩ đối lập từ chức, tuyên bố ‘một nước, hai hệ thống đã chết’

BBC, 11/11/2020

Toàn bộ nghị sĩ đối lập ở Hong Kong đã từ chức để phản đối việc bốn đồng nghiệp của họ bị bãi nhiệm.

tq4

Alvin Yeung Ngok-kiu, Kwok Ka-ki, Kenneth Leun, Dennis Kwok

Hôm thứ Tư, Bắc Kinh thông qua "Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về vấn đề tư cách của nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hành chính Hong Kong".

Quyết định này nói những nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Hong Kong có các hành vi ủng hộ chủ trương của "thế lực thúc đẩy Hong Kong độc lập"; từ chối công nhận Trung Quốc có và thi hành quyền chủ quyền đối với Hong Kong; tìm kiếm thế lực nước ngoài hoặc ngoài Trung Quốc can thiệp vào công việc của Hong Kong; hoặc các hành vi khác làm tổn hại an ninh quốc gia, sẽ lập tức mất đi tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp.

Vì nghị quyết này, bốn nghị sĩ - Alvin Yeung, Kwok Ka-ki and Dennis Kwok và Kenneth Leung - đã mất tư cách ngay.

Ngay sau đó, các nghị sĩ đối lập nói họ sẽ từ nhiệm để bày tỏ đoàn kết.

Đây là lần đầu tiên kể từ 1997, Hội đồng lập pháp Hong Kong gần như không còn tiếng nói đối lập nữa.

tq5

Nghị sĩ đối lập đứng trước báo chí

Lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam, thân Bắc Kinh và được chính phủ Trung Quốc ủng hộ.

Tháng Sáu, Trung Quốc đã đưa vào Hong Kong luật an ninh quốc gia.

Các nghị sĩ được gọi là "thân dân chủ" có 19 ghế trong Hội đồng gồm 70 ghế.

Nhưng 15 người còn lại nay đã từ chức đồng loạt để phản đối.

Chủ tịch đảng Dân chủ Hong Kong Wu Chi-wai nói: "Chúng tôi không còn có thể nói rằng vẫn có 'một nước hai hệ thống', diễn tiến này xác định cái chết chính thức."

Nguồn : BBC, 11/11/2020

Additional Info

  • Author BBC tổng hợp
Published in Châu Á