Quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á lại tiếp tục trở nên căng thẳng sau khi Bắc Kinh chặn dòng chảy của sông Mekong tại một trong những con đập lớn ở thượng nguồn, dẫn đến sự sụt giảm đột ngột về lượng nước chảy tới các nước ở hạ nguồn con sông dài nhất của khu vực Đông Nam Á này.
Đập thủy điện Tiểu Loan của Trung Quốc được cho là trữ lượng nước lớn từ Mekong. Ảnh minh họa : Igeo
Sông Mekong bắt đầu hành trình dài 4.600 km từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, chảy về phía Nam qua tỉnh Vân Nam, qua Myanmar vào lưu vực sông Mekong và qua đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Lưu vực con sông này chính là vựa lúa của khu vực.
Sinh kế của khoảng 60 triệu người sống dọc theo hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào dòng chảy của con sông này. Các cộng đồng ở Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam bị bất ngờ trước động thái của Bắc Kinh, khiến tình cảnh của họ trở nên tồi tệ hơn vào giữa mùa khô hàng năm.
Dưới sức ép của Hoa Kỳ cùng các nước Đông Nam Á, hồi tháng 8/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hứa hẹn kế hoạch chia sẻ dữ liệu của Trung Quốc trong mùa khô tại hội nghị thượng đỉnh các nước ven sông Mekong là thành viên của sáng kiến Hợp tác Lan Thương-Mekong, một cơ quan do Bắc Kinh thành lập bao gồm các thành viên MRC, Myanmar và Trung Quốc.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm thiểu thiệt hại đó được đo lường bằng việc nước này sẵn sàng chia sẻ dữ liệu dòng chảy trên sông với các nước hạ nguồn sông Mekong. Cho đến năm ngoái, Trung Quốc chỉ chia sẻ thông tin về lưu lượng nước trong mùa mưa hàng năm (từ tháng 6 đến tháng 10) - thời điểm sông Mekong và các nhánh của nó phình ra và gây ra lũ lụt hàng năm. Sau đợt hạn hán năm 2019, Trung Quốc đã chia sẻ thêm dữ liệu về lưu lượng nước trong mùa khô với các nước láng giềng phía Nam.
Một hồ chứa khô cạn trên sông Mekong trong hạn hán ở biên giới Lào và Thái Lan hôm 11/3/2010. Reuters
Đến giữa tháng 2/2021, hầu như chưa có sự cải thiện nào đối với các cộng đồng ở lưu vực sông Mekong bị ảnh hưởng với quyết định của Trung Quốc giảm lưu lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam. Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã thông báo cho các nước hạ nguồn sông Mekong về các cuộc thử nghiệm của họ tại siêu đập này vào đầu tháng 1/2021, gần một tuần sau khi nước này bắt đầu giảm dòng chảy từ 1.900 m3/giây xuống còn 1.000 m3/giây. Các thử nghiệm của Trung Quốc đã hoàn thành vào ngày 24/1.
Pianporn Deetes, Giám đốc nhóm bảo vệ môi trường toàn cầu International Rivers tại Thái Lan, cho biết : "Là một quốc gia ở thượng nguồn, Trung Quốc coi dòng sông này như một con kênh, hay nguồn nước, và có quyền quyết định việc sử dụng dòng sông theo ý của họ".
Một số người dân phía Bắc Thái Lan có sông Mekong chảy qua, cho hay : "Mực nước (ở hạ nguồn sông Mekong) vẫn còn rất thấp. Nhiều đoạn trơ cả cát ra, rất đột ngột, bởi vì Trung Quốc đã giữ nước ở phía trên" (1).
Trong một báo cáo công bố vào tháng này, Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết dòng chảy (trên sông Mekong) đã giảm xuống mức "đáng lo ngại" (2). Cơ quan liên chính phủ này - đại diện cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - quản lý hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Trong báo cáo trên, một quan chức MRC nhận định : "Đã có những đợt tăng và giảm đột ngột mực nước ở hạ lưu đập Cảnh Hồng và xa hơn xuống Viêng Chăn (Lào), điều này đã đặt ra thách thức cho giới chức và cộng đồng trong việc chuẩn bị và ứng phó với những tác động có thể xảy ra".
Cảnh báo của MRC bộc lộ một bất cập về mặt ngoại giao đang gây khó khăn cho Trung Quốc và các nước nằm dọc sông Mekong ở phía Nam của nước này là : sự thiếu hợp tác về nguồn tài nguyên thiên nhiên chung.
Carl Middleton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói : "Hiện vẫn cần tăng cường hợp tác về quản trị nước xuyên biên giới. Mục tiêu là [để] vận hành có trách nhiệm các dự án thủy điện tránh các tác động xã hội và môi trường ở mức độ có thể, trong khi thừa nhận và đền bù cho những tác hại đã tạo ra".
Hình chụp hôm 8/3/2016 : một cô gái đi bộ trên một kênh khô cạn ở huyện Long Phú, Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. AFP
Trung Quốc, quốc gia gọi sông Mekong là sông Lan Thương, đã nằm trong tầm ngắm của các nhà môi trường khu vực và quốc tế vì quyền năng mà nước này sử dụng để tăng giảm lưu lượng nước. Những người chỉ trích cho rằng Bắc Kinh sử dụng con sông này như chiếc vòi nước được bật hoặc tắt để đáp ứng các yêu cầu về nước sinh hoạt trong nước.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và các cộng đồng ở lưu vực sông Mekong, bùng phát do Trung Quốc xây 11 đập lớn ở thượng nguồn con sông này, đang thử thách mối quan hệ mà cường quốc Châu Á này đang tìm cách xây dựng với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Khi còn giữ ghế Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm ngoái, Việt Nam đã nêu ra các quan ngại về sông Mekong để khối này xem xét.
Một đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra vào năm 2019 đã cho thấy tác động của các con đập ở Trung Quốc và ở các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong khác như Lào đối với các cộng đồng sống dọc theo con sông này. Những khu vực bị ảnh hưởng là những cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và Tonle Sap của Campuchia, một hồ nước khổng lồ cần nguồn nước của sông Mekong để có thể cung cấp nguồn cá dồi dào - thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân địa phương.
David Brown, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, đã phát biểu với báo giới : "Người Việt Nam và [người Campuchia] ở hạ lưu sông Mekong đã phát triển các hệ thống nông nghiệp [và hệ thống ngư nghiệp ven sông] phù hợp chặt chẽ với sự lên xuống của mực nước sông. Hiện nay, năng suất nông nghiệp và thủy sản đều bị ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu, các đập trên sông Mekong của Trung Quốc và việc ngăn đập trên các nhánh sông Mekong ở Lào và ở một mức độ thấp hơn là ở vùng cao nguyên miền Trung của Việt Nam".
Một số nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương như ông Niwat Roikaew, ở Thái Lan, cảm thấy rất lo ngại. Ông ta nói : "Với tư cách là một cộng đồng Mekong, chúng ta cần phải thảo luận và đi đến một thỏa thuận về lượng nước cần được xả ra [từ các đập của Trung Quốc] để giữ chu kỳ tự nhiên cho nhiều người sống dọc theo con sông này. Trung Quốc không thể đưa ra quyết định này một mình".
Trung Quốc đã thực hiện cái gọi là "chính trị nguồn nước" (water politics) khi tìm cách kiểm soát vùng cao nguyên Tây Tạng, vốn là khởi nguồn của hầu hết các con sông lớn nhất ở Châu Á. Trung Quốc cũng là một trong 3 quốc gia đã bỏ phiếu chống lại việc thông qua Công ước của Liên Hợp Quốc về sử dụng các nguồn nước quốc tế 1997. Trung Quốc cũng là quốc gia không tham gia vào Hiệp định Mekông 1995. Hiệp định này chỉ có 4 quốc gia vùng hạ nguồn Mekong : Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam tham gia.
Việt Nam là thành viên duy nhất có lợi ích sống còn ở cả hai điểm nóng - với tư cách là bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và có Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, đã có ý kiến kêu gọi Việt Nam nên đảm nhận vai trò lãnh đạo và vận động hành lang ủng hộ "Thỏa thuận ASEAN về tương hỗ Biển Đông-Mekong".
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam cũng đã có quỹ đạo phát triển đáng chú ý nhất trong số tất cả các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) và đóng vai trò là bên trung gian hòa giải không chính thức giữa 5 nước thành viên sáng lập ASEAN và các nước CLMV.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là Trung Quốc phải có trách nhiệm với cộng đồng dân cư sống dọc con sông, và cho đến nay, ASEAN vẫn chưa tỏ ra quyết liệt với vấn đề này.
Gần đây, Hoa Kỳ đã tích cực thúc đẩy trở lại LMI (Sáng kiến Hạ nguồn Mekông). Việc nâng cấp LMI gần đây cho thấy Washington thừa nhận rằng sông Mekong có liên quan đến Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) có quy mô rộng lớn hơn - nhìn chung, đây là phản ứng trước thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. FOIP của Mỹ nhằm mục đích "cạnh tranh mạnh mẽ chống lại các nỗ lực hạn chế quyền tự chủ và tự do lựa chọn của các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", bao gồm cả các nước nhỏ hơn ở khu vực sông Mekong.
Nguyễn Thiện
Nguồn : RFA, 28/02/2021
Mêkông, dòng sông huyền thoại của Châu Á đang nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc nhằm tìm đường ra Biển Đông. Đào đắp, xây đập… Bắc Kinh muốn tạo ra một tuyến đường thủy chiến lược, bất chấp sự phản đối của dân địa phương và các nhà sinh thái. AFP và Japan Times cho biết tại Thái Lan, cuộc đấu tranh diễn ra trên một chiều dài 97 kilomet.
Đập thủy điện Xayaburi có chiều dài 820 mét nằm trên đoạn sông Mêkông chảy qua Lào. Handout / CK POWER / AFP
Trên đoạn sông này, Trung Quốc muốn phá đi các ghềnh thác, nạo vét lòng sông cho sâu hơn để cho các tàu chở hàng khổng lồ có thể đi qua, thậm chí cả các chiến hạm.
Mục tiêu là nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với vùng Biển Đông đang bị tranh chấp quyết liệt, bằng cách tăng cường kiểm soát "Mẹ của các dòng sông" - vốn từ cao nguyên Himalaya đổ xuống Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.
Với khẩu hiệu "Chia sẻ dòng sông, chia sẻ tương lai", Bắc Kinh biện minh không có ý định bành trướng, khẳng định các công trình lớn của mình chỉ nhằm phát triển bền vững cho dòng sông dài 5.000 kilomet. Nhưng dân địa phương và các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo về các dự án nạo vét của Trung Quốc.
Họ tố cáo Bắc Kinh đã làm thay đổi hẳn sông Mêkông với việc xây vô số đập thủy điện, nhắm vào nhu cầu của một Đông Nam Á đang phát triển cả về kinh tế lẫn dân số. Theo họ, các con đập nhiều khi có kích thước rất lớn này có tác động trực tiếp lên dòng chảy của Mêkông, nguồn lợi thiên nhiên chủ yếu của gần 60 triệu dân Đông Nam Á.
Chỉ đứng sau Amazon, sông Mêkông là nơi có đa dạng sinh học thứ nhì thế giới, với 1.300 loài cá nước ngọt. Lòng sông hiện nay có mực nước thấp một cách bất thường, có những nơi lộ ra những khối đá màu đỏ quạch, vô số bãi cát với thảo mộc bắt đầu mọc lên.
Đất phù sa màu mỡ ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì ngày càng nghèo đi, và trữ lượng cá giảm hẳn.
Những người muốn xây đập thủy điện lý luận rằng như vậy Bắc Kinh sẽ giảm lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch vốn gây hiệu ứng hâm nóng khí hậu.
Cây số 1 : Tam giác vàng
Tại làng Sop Ruak, đông bắc Thái Lan, khách du lịch chụp ảnh trước một tấm pa-nô đánh dấu lối vào "Tam giác vàng", vùng đất của dân buôn ma túy nằm vắt ngang Miến Điện, Lào và Thái Lan. Phía dưới là những tảng đá và bãi cát làm nên lòng sông Mêkông.
Chính tại đây Trung Quốc muốn khởi sự nạo vét trước tiên, để những chiếc tàu chở trên 500 tấn hàng có thể đi qua. Dọc theo hai bên bờ, có những nơi sẽ được biến thành "đặc khu kinh tế" với các cảng, các tuyến đường sắt và đường bộ giao nhau.
Zhang Jingjin, một người chuyên bán thang máy ở Bắc Kinh đi cùng với một nhóm khách du lịch phấn khởi nói : "Nếu nhiều tàu có thể đi ngang đây hơn, thì sẽ có thêm nhiều du khách, nhiều cửa hàng và cơ hội làm ăn". Pianporn Deetes, thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers đáp trả : "Họ muốn biến sông Mêkông thành xa lộ hàng hóa".
Trước mắt, các dự án của Bắc Kinh đang khựng lại. Sau gần 20 năm chiến đấu, các nhà đấu tranh sinh thái ở Thái Lan hồi tháng Ba đã khiến việc nạo vét 97 kilomet lòng sông bị tạm ngưng. Niwat Roikaew, một nhà hoạt động luôn trên tuyến đầu khẳng định với AFP, việc này sẽ gây thiệt hại khủng khiếp cho môi trường, an ninh thực phẩm và phương tiện mưu sinh của người dân. "Nạo vét quy mô như vậy sẽ tiêu diệt nơi cư trú và sinh sản của cá, chúng cũng khó tìm được thức ăn".
Nhưng ông lo ngại chiến thắng này chỉ tạm thời, nhấn mạnh rằng những người dân địa phương phản kháng hiếm khi thắng được trước tham vọng của Trung Quốc, vốn coi Đông Nam Á như sân sau của mình. Bắc Kinh cũng đã ngự trị trên một số đoạn của dòng sông chảy qua Cam Bốt và Lào, hai nước đồng minh mà Trung Quốc đã đổ vào hàng tỉ đô la đầu tư.
Cây số 10 : Nghề đánh cá sa sút
"Tôi đã giăng lưới hai lần trong hôm nay, nhưng chẳng thu hoạch được gì cả" - ngư dân Kome Wilai than thở. Dự án nạo vét ở đây cũng đã bị dừng lại. Người dân hai bên bờ thở phào nhẹ nhõm, họ nhận ra mực nước sông Mêkông thường hạ xuống 1,5 đến 3 mét một cách bất ngờ.
Theo họ, đó là do đập thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) của Trung Quốc ở thượng nguồn – một trong số 11 con đập được xây dựng trên phần sông Mêkông chảy qua Trung Quốc. Quận trưởng Prasong La On cho biết : "Mỗi khi Trung Quốc đóng cửa đập thì lại ảnh hưởng đến tất cả mọi người sinh sống dọc theo con sông". Khi kiểm soát lưu lượng, Bắc Kinh sở hữu phương tiện gây áp lực đáng kể lên các nước láng giềng.
Đại sứ Trung Quốc tại Bangkok khi được hỏi đã trả lời rằng Trung Quốc không giữ lại nước trên thượng nguồn và "hết sức quan tâm" đến nhu cầu của các quốc gia hạ nguồn. Về phía China Water Risk, một tổ chức phi chính phủ Hồng Kông thì quy trách nhiệm cho Thái Lan, cũng đã xây dựng nhiều con đập trên sông Mêkông, chủ yếu tại Lào : "Trung Quốc chỉ kiểm soát 12% lượng nước sông Mêkông".
Nước Lào nhỏ nghèo có tham vọng trở thành nguồn cung cấp điện năng cho Đông Nam Á, và đã cho phép những nước khác tài trợ vài chục đập thủy điện trên sông Mêkông và các nhánh sông.
Trung Quốc, Thái Lan, Lào, hậu quả luôn không thay đổi : lượng cá nước ngọt giảm mạnh, trong đó loại cá lóc khổng lồ của Thái Lan hầu như biến mất. Tạp chí Global Change Biology trong một nghiên cứu công bố hồi tháng Tư khẳng định như trên.
Cây số 45 : Nơi loài cá sinh sản
Những tảng đá nối nhau chồng chất, nơi đây dòng nước ngày càng cuộn chảy nhanh hơn theo cùng với việc lòng sông thu hẹp lại. Cũng ở đây, các loài cá và chim thường chọn làm nơi sinh sản.
"Hệ sinh thái này là căn bản cho khu vực. Nhưng nay mực nước sông lệ thuộc vào việc mở cửa đập thủy điện Cảnh Hồng, và sinh sản tự nhiên không còn như trước nữa" - ông Niwat Roikaew than thở.
Về các loại tảo, thức ăn ưa thích của cá lóc khổng lồ, ngày càng ít và mọc lên chậm hơn. Tình hình này có thể gây hậu quả thảm hại cho hàng trăm kilomet hạ nguồn.
Biển Hồ (Tonlé Sap) ở Cam Bốt nối kết với sông Mêkông, đã bị ảnh hưởng. Hồ rộng mênh mông này là nguồn dự trữ protein chính của Cam Bốt, với nửa triệu tấn cá đánh bắt hàng năm – theo Bryan Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Stimson Center, cơ quan tư vấn ở Washington và là tác giả cuốn "Những ngày cuối cùng của dòng sông Mêkông dũng mãnh".
Về phía Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa nhiễm mặn. Lượng phù sa bị giảm do các đập thủy điện trên thượng nguồn chận lại, nên nước mặn có thể xâm nhập vào.
Cây số 97 : Kháng cự
Ở Huai Lek, một tảng đá cuối cùng chặn lại lòng tham của Bắc Kinh.
Thongsuk Inthavong, cựu trưởng thôn, quan sát phía bờ sông đối diện thuộc Lào. Những mảnh đất nhỏ lần lượt rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, biến thành những trang trại rộng lớn trồng chuối. Bắc Kinh cũng mưu toan thâu tóm đất phía Thái Lan, nhưng vấp phải sự kháng cự. Thongsuk nói : "Trung Quốc coi chúng tôi như những món đồ chơi. Điều này làm tôi phẫn nộ, nhưng chúng tôi quyết bảo vệ dòng sông của mình cho đến cùng".
Thụy My
Nguồn : RFI, 21/01/2020
Thủ tướng Hun Sen : Cam Bốt mua cả "chục nghìn" vũ khí Trung Quốc (RFI, 30/07/2019)
Theo hãng tin AFP, thủ tướng Hun Sen hôm qua, 29/07/2019, cho biết cách đây ít hôm đã ký thỏa thuận vũ khí với Bắc Kinh và đã mua cả "chục nghìn" vũ khí Trung Quốc, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng Phnom Penh cho phép tàu chiến Trung Quốc sử dụng hải cảng làm căn cứ.
Thủy thủ đứng gác gần các tàu dầu tại căn cứ hải quân Ream, Sihanoukville, Cam Bốt ngày 26/07/2019. Reuters/Samrang Pring
Tuần trước, nhật báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin chính phủ Cam Bốt đã cho phép tàu Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream gần cảng Sihanoukville làm nơi neo đậu tàu chiến và cất giữ vũ khí.
Hôm qua, phát biểu khi đến thăm một sân vận động tại Phnom Penh, một món quà của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tặng Cam Bốt, thủ tướng Bốt Hun Sen một lần nữa bác bỏ thông tin trên mà ông gọi là "vu cáo". Tuy nhiên, ông Hun Sen lại tiết lộ chi tiết về việc mua vũ khí của người láng giềng lớn. Ông Hun Sen nói : "Tôi đã đặt mua thêm cả chục ngàn vũ khí... giờ hàng đã được chuyển đi".
Ông Hun Sen cho biết thêm, năm nay Cam Bốt đã chi 40 triệu đô la bổ sung thêm vào 290 triệu đô la để mua sắm vũ khí của Trung Quốc.
Gần đây Cam Bốt cũng tăng cường các cuộc diễn tập quân sự với Trung Quốc, và ngày càng tỏ ra là một đồng minh ngoại giao của Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông.
Dưới thời Hun Sen, Trung Quốc đã cấp hàng tỉ đô la tín dụng với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng của Cam Bốt.
Anh Vũ
******************
Dù bác bỏ tin của báo Mỹ rằng Phnom Penh cho Trung Quốc thuê căn cứ quân sự, Thủ tướng Hun Sen lại vừa xác nhận nước ông mua "hàng chục ngàn" vũ khí Trung Quốc.
Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh hồi cuối 4/2019
Những chi tiết hiếm hoi về các thỏa thuận mua vũ khí từ Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài hôm sau khi Campuchia bác bỏ việc nước này có thỏa thuận bí mật theo đó cho phép tàu chiến Trung Quốc sử dụng một căn cứ hải quân của mình.
Phát biểu trên Facebook hôm 29/07 khi đến thăm công trình xây sân vận động ở Phnom Penh - món quà của chủ tịch Tập Cận Bình - ông Hun Sen nói rằng chỉ trong năm nay, Campuchia đã chi 40 triệu USD mua thêm vũ khí từ Trung Quốc.
"Tôi đã ra lệnh mua hàng chục ngàn vũ khí bổ sung", ông Hun Sen nói nhưng không giải thích là đã đặt mua các loại vũ khí nào. "Nay, chúng đang được vận chuyển tới".
Các hợp đồng trước đó đạt con số 290 triệu USD, cho phép Campuchia dùng vũ khi Trung Quốc để hiện đại hóa quân đội.
Thực hư quanh chuyện Campuchia cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân
Mới đây nhất, chính quyền của ông Hun Sen gọi bài trên báo Wall Street Journal về một thoả thuận bí mật Campuchia - Trung Quốc để quốc gia lớn sử dụng căn cứ hải quân Campuchia là "tin giả".
Họ còn tổ chức cho các đoàn nhà báo nước ngoài đến xem một khu đất ở Ream, Sihanoukville và chỉ ra rằng tại đó không hề có căn cứ nào cho người Trung Quốc cả.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia về an ninh, quốc phòng ở nước ngoài không tin vào chiến dịch thông tin tuyên truyền đó của Campuchia.
Căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia đang là tâm điểm chú ý, nơi được nhiều người cho là sẽ trở thành địa điểm cho Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, Phnom Penh bác bỏ và gọi đó là tin giả
Hai báo Úc, The Age và Sydney Morning Herald trích lời Tiến sĩ Euan Graham, từ Đại học La Trobe nói rằng sẽ sai lầm khi nghĩ rằng Campuchia xây một căn cứ cho Trung Quốc kiểu như căn cứ Mỹ đóng ở Nhật.
Trái lại, ông tin rằng đây là một quá trình từ từ, tạo vị trí bán quân sự, bán dân sự và khi cần khi Trung Quốc mới điều chuyển lực lượng tới.
Ngay lập tức, Úc đã quan tâm đến chuyện này và chuyên gia an ninh quốc phòng John Blaxlabd từ Đại học Quốc gia Australia nói Úc cần đánh giá lại bố trí an ninh vùng cùng đồng minh trong nhóm năm quốc gia "Five power deal" : Úc, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh.
Các nước này đang kiểm soát eo biển Malacca và nếu Trung Quốc đưa được không quân xuống Campuchia, cộng với các căn cứ đã có ở Djibouti và Pakistan, thì tính toán an ninh của Úc phải thay đổi, theo tờ Sydney Morning Herald (26/07/2019).
Ngay từ năm ngoái, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã lên tiếng về một "căn cứ hải quân" Campuchia xây cho Trung Quốc.
Phân tích gia Malcolm Davis từ Viện Chính sách Chiến lược Australia trong bài viết đăng hôm 29/7 nói rằng thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream có hiệu lực trong 30 năm và sẽ được tự động gia hạn 10 năm một lần.
Đáng chú ý là Ream chỉ cách biên giới Việt Nam - Campuchia có 100km.
Nếu quả thực Trung Quốc được Campuchia trao quyền sử dụng căn cứ hải quân tại đây thì tàu chiến Trung Quốc có thể từ khu vực phía nam của Việt Nam đi lên hướng đông bắc để hỗ trợ cho các hoạt động khác của Trung Quốc ở dọc bờ biển Việt Nam và tại các khu vực Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đang có tranh chấp, theo Malcolm Davis.
Hôm 26/7, Campuchia tổ chức đưa các phóng viên tới tham quan căn cứ hải quân Ream để chứng minh nơi này 'không hề có người Trung Quốc nào sử dụng'
"Xây đường băng cho Trung Quốc thuê 99 năm'
Vào tháng 5/2019, Andrew Nachemson viết trên South China Morning Post rằng giới quan sát nghi là sân bay to trên đảo Koh Kong có thể dùng vào mục tiêu quân sự.
Mô thức nhận đất cho thuê dài hạn để rồi có thể "thu nhận vĩnh viễn" đã có trong quan hệ Trung Quốc với Sri Lanka.
Bài báo nói Campuchia cho tập đoàn UDG của Trung Quốc thuê 45 nghìn hectare đất trên đảo Koh Kong tới năm 2108, theo thoả thuận 99 năm.
Tại đây, UDG cho xây đường băng dài 3,4 km, dài hơn sân bay quốc tế ở Phnom Penh và hơn hẳn đường băng dân sự chỉ cần tối đa 2,8 km.
Về lý thuyết, đường băng khổng lồ này là để phục vụ một casino "vắng tanh vắng ngắt" trên hòn đảo nghỉ dưỡng, theo bài báo.
Dù là công ty tư nhân, UDG (Union Development Group) từng có vinh dự được đón một lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc, ông Vương Khâm Mẫn, đến tận nơi thăm dự án Koh Kong.
Được biết công trình "du lịch" trên hòn đảo của Campuchia được chính Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc ủng hộ.
****************
Mêkông : Mối nguy từ các đập thủy điện ở thượng nguồn (RFI, 29/07/2019)
Trải dài hơn 4.800 km, sông Mêkông có hệ đa dạng sinh thái nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau hệ sinh thái Amazone, với 1.300 loài cá. Tại Đông Nam Á, có 70 triệu người, thuộc hơn 100 nhóm sắc tộc sống ở lưu vực sông Mêkông, trong đó có 85% kiếm sống trực tiếp từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của sông Mêkông. Nói cách khác, sông Mêkông giữ vai trò sống còn đối với 60 triệu người trong khu vực.
Các đập thủy điện ở thượng nguồn gây nhiều tác động tới các loài cá trên sông Mêkông. @international rivers
Tuy nhiên, hiện giờ, tương lai của hạ nguồn sông Mêkông, đoạn chảy qua các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, đang nằm trong tay các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hãng tin Anh Reuters ngày 24/07/2019 trích dẫn chuyên gia Premrudee Deoruong của tổ chức bảo vệ môi trường Laos Dam Investment Monitor tại Lào, theo đó "hiện giờ, Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn dòng sông" và "từ nay, có một mối lo ngại là dòng sông sẽ bị các nhà khai thác đập thủy điện kiểm soát".
Mực nước sông Mêkông thấp kỷ lục tại Thái Lan
Hiện giờ đang là giữa mùa mưa tại Thái Lan, nhưng mực nước sông Mêkông đoạn chảy qua Thái Lan lại ở mức thấp chưa từng có tính từ một thế kỷ qua. Tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, mực nước sông Mêkông xuống chỉ còn 1,5m, mức thấp nhất trong suốt 100 năm qua, so với mực nước 12m cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 8m hàng năm. Còn ở Nong Khai, mực nước này là 80cm, so với mức 1,5 m của năm 2018.
Một ngư dân làng chài gần 60 năm qua trên sông Mêkông cho Reuters biết là những gì ông chứng kiến năm nay chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ. Các ngư dân giờ đây chỉ đánh được cá nhỏ, bởi vì mực nước xuống thấp như vậy thì không thể có cá to.
Theo Cơ quan quốc gia về nguồn tài nguyên nước, mực nước ở 18 hồ chứa nước cung cấp cho các cánh đồng lúa nước ở miền trung và miền đông Thái Lan chỉ đạt 30%, không đảm bảo đủ lượng nước cho hoạt động trồng lúa nước. Trongn khi cách nay một năm, vào tháng 08/2018, 11 trong số những hồ nước trên đã tích đầy nước.
Đúng là mực nước sông Mêkông và các hồ chứa nước xuống thấp như vậy là do mưa ít, hạn hán nghiêm trọng nhất trong suốt thập kỷ gần đây. Theo trạm thủy văn tỉnh Nakhon Phanom, lượng nước mưa trung bình năm 2019 chỉ đạt 90mm/m3 so với mức 300mm/m3 hồi năm 2018.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học và cư dân trong vùng lo ngại là đợt hạn hán này đặc biệt nghiêm trọng hơn, do các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo ra những biến đổi lớn không thể đảo ngược trên dòng sông vốn là nguồn cung cấp nước cho một trong những khu vực trồng lúa nước lớn nhất Đông Nam Á.
Mối nguy từ các đập thủy điện Trung Quốc và Lào
Hiện tại, trên sông Lan Thương (đoạn Mêkông chảy qua Trung Quốc), Trung Quốc đã có 11 đập thủy điện, với tổng sản lượng điện 21.300 megawatt. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn đang lên kế hoạch xây thêm 8 đập ở lưu vực sông, cả ở dòng chính và trên các nhánh phụ. Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, ước tính những đập này có thể tạo thêm 6.000 megawatt điện cho Trung Quốc.
Các đập thủy điện tại Lào nhiều, nhưng có quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc : 64 đập hiện mang lại sản lượng chưa tới 6.000 megawatt điện, nhưng 63 đập khác đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch xây dựng. Với tham vọng trở thành nguồn cung cấp năng lượng tại Châu Á, Lào còn đề xuất xây thêm hơn 300 đập. Kế hoạch này có thể khiến sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện của Lào trên sông Mêkông vượt Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 07, cơ quan khai thác đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc thông báo giảm xả 1/2 lượng nước để phục vụ công tác bảo trì trên đoạn sông Mêkông trên lãnh thổ Trung Quốc.
Một nguyên nhân khác là đập thủy điện Xayabury, do một công ty Thái Lan xây dựng tại Lào để cấp điện cho Thái Lan, đã bắt đầu được thử nghiệm từ ngày 15/07.
Vì thiếu nước tưới, chính quyền Thái Lan đã phải yêu cầu nông dân ngưng trồng thêm lúa. Bộ Ngoại Giáo Thái Lan cho Reuters biết họ đã mời đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đến thảo luận về các biện pháp khắc phục khủng hoảng nước trên sông Mêkông do biến đổi khí hậu và hạn hán. Thái Lan cũng đã kêu gọi Lào mở đập Xayaburi xả nước xuống hạ lưu sông Mêkông. Bộ Ngoại Giao Thái Lan sau đó thông báo Trung Quốc và Lào đã xả nước từ các đập thủy điện và mực nước sông Mêkông tại tỉnh Nakhon Phanom đã dâng lên.
Tuy nhiên, trước đó đại sứ quán Trung Quốc không hồi đáp đề nghị bình luận về tình trạng hạn hán. Còn các chuyên gia môi trường cho rằng tình trạng thiếu nước bất thường như vậy là dấu hiệu đáng ngại cho tương lai của sông Mêkông và hệ động thực vật gắn với dòng sông này.
Trang mạng của cộng đồng người Pháp và người nói tiếng Pháp Le petit journal tại Thái Lan hôm nay cho biết các nhà đấu tranh vì môi trường sinh thái hôm thứ Sáu 26/07 đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa hành chính tối cao đề nghị chính phủ Thái Lan đình chỉ các dự án mua điện được sản xuất từ đập thủy điện Xayabury tại Lào. Theo dự kiến, đập này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2019 với sản lượng điện 1.220 megawatt.
Nỗi lo của ngư dân
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF cảnh báo khả năng di cư của các loài cá bị xáo trộn, vì các đập thủy điện tác động lên chu kỳ tự nhiên của dòng chảy. Vì thế, WWF kêu gọi hoãn khai thác đập Xayabury cho đến khi có kết quả nghiên cứu mới về tác động của đập này.
Pianporn Deetes giám đốc chiến dịch tại Thái Lan của tổ chức Sông Ngòi Quốc Tế International Rivers than phiền là người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác sông Mêkông vì mục đích làm thủy điện, còn cuộc sống và quyền lợi của những người khác sống phụ thuộc vào sông Mêkông đã bị gạt ra ngoài lề.
Theo chuyên gia này, chính tuyên bố của Trung Quốc là các đập thủy điện có thể giúp điều chỉnh mực nước sông Mêkông ở hạ nguồn theo hướng cung cấp thêm nước trong mùa khô và đến mùa mưa thì giữ nước lại đã gây lo ngại về việc con người đang can thiệp vào chu kỳ tự nhiên của sông Mêkông. Việc cố gắng tác động vào dòng chảy của sông qua việc xả nước đập thủy điện có thể tạo ra những thay đổi khó lường.
Hồi tháng 05/2019, tạp chí khoa học Nature trích dẫn kết quả một công trình nghiên cứu của thế giới về tác hại của thủy điện đối với sông ngòi, theo đó tình trạng trên sông Mêkông là đặc biệt nghiêm trọng. Giáo sư Bernhard Lehner, thuộc đại học Canada McGill, cho AFP biết là tính trung bình, ngư dân hàng năm đánh bắt được hơn 1 triệu tấn cá nước ngọt từ sông Mêkông, nhưng hiện giờ có quá nhiều đập thủy điện dự kiến được xây dựng và điều này sẽ rất có thể tác động tiêu cực tới sự sinh sôi phát triển của rất nhiều loài cá.
Hiện nay, ở hạ nguồn sông Mêkông, do không còn nhiều cá to, nhiều ngư dân đã buộc phải dùng những loại lưới có mắt lưới nhỏ hơn để đánh bắt cá nhỏ. Dù không còn thu được nhiều cá như trước đây, nhưng các ngư dân không còn lựa chọn nào khác, vì họ không có nghề nào khác và cũng không có đất để trồng trọt. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào dòng sông. Mà dòng chảy tự nhiên của sông Mêkông thì nay đang bị tác động ngay chính từ thượng nguồn, đặc biệt là các đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc.
Thùy Dương
*******************
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới cáo buộc Việt Nam "vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính kể từ tháng Năm", theo South China Morning Post.
"Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam", bà Hoa được tờ báo của Hong Kong trích lời nói tại một cuộc họp báo hôm 26/7. "Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc".
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về sự việc bà nói là "nghiêm trọng" và cho biết rằng Hà Nội đã "trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam".
"Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật", bà Hằng nói trong tuyên bố mới nhất về cuộc "đối đầu" giữa tàu chấp pháp Việt Nam và Trung Quốc nhiều tuần qua.
Đây là lần thứ ba trong vòng 10 ngày Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ Bãi Tư Chính, gia tăng cuộc khẩu chiến với Trung Quốc.
Trong tuyên bố đầu tiên hôm 16/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ nói tới "hoạt động của nước ngoài" ở Biển Đông, không nhắc tới Trung Quốc, nhưng sau đó chỉ đích danh Bắc Kinh hôm 19/7 và tới lần mới nhất hôm 25/7, yêu cầu Trung Quốc "rút ngay".
Cáo buộc của bà Hoa Xuân Oánh về việc Việt Nam "vi phạm quyền chủ quyền kể từ tháng Năm" lần đầu tiên xác nhận thời điểm "châm ngòi" cho cuộc "đối đầu" giữa tàu hải cảnh hai nước ở Bãi Tư chính.
Hai quốc gia láng giềng phương bắc chỉ lên tiếng sau khi ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, đầu tháng này đăng tải trên Twitter về việc tàu Việt Nam và Trung Quốc "vờn nhau" ở Bãi Tư Chính.
Ít ngày sau đó, hôm 12/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "đón tiếp" Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Trong thông cáo mà tới ngày 28/7 vẫn là một trong các tin chính trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập được cho là đã nhờ bà Ngân "chuyển lời chào chân thành tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng".
"Ông Tập Cận Bình chỉ ra rằng Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí và anh em và cũng là một cộng đồng với tương lai chung có tầm quan trọng chiến lược", nhà lãnh đạo Trung Quốc được trích lời nói.