Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiệu quả của nỗ lực Trung Quốc thao túng truyền thông ở Việt Nam ra sao ?

Cùng với sự tăng trưởng về sức mạnh kinh tế và quân sự, ảnh hưởng của Trung Quốc lên phần còn lại của thế giới cũng tăng theo, và nước này đang ngày càng chú trọng đến việc sử dụng truyền thông để gieo rắc, tuyên truyền nhằm củng cố ảnh hưởng cũng như chống lại những gì mà Trung Quốc cho là bất lợi.

thaotung1

Một người ủng hộ chính phủ Trung Quốc phát báo trước là cờ Trung Quốc ở Hong Kong hôm 1/7/2020. AFP

Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc và có hệ thống chính trị tương đồng, song song đó có những tranh chấp gay gắt về mặt chủ quyền, và đang kẹt ở giữa cuộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường. Do đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức độc nhất trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực truyền thông.

Ngày 23 tháng 7, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở ở Singapore tổ chức cuộc hội đàm về nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ra ảnh hưởng đến lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam.

Cuộc toạ đàm được thực hiện bởi hai diễn giả, bao gồm ông Drew Thompson từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu, và ông Lương Nguyễn An Điền từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

Chính quyền Trung Quốc, theo ông Drew Thompson, đã chi hàng tỉ đô la Mỹ trong những năm vừa qua cho chiến lược tuyên truyền ở nước ngoài của họ.

Cụ thể, nước này thành lập hàng loạt các hãng thông tấn và đài phát thanh, trong số đó phải kể đến Tân Hoa Xã (Xinhua) và Đài phát thanh Quốc tế Tiếng Trung (China International Radio). Những cơ quan truyền thông này được nhà nước rót kinh phí để mở hàng loạt trụ sở ở nước ngoài, và hoạt động dưới sự chỉ đạo của cơ quan tuyên giáo Trung Quốc, với mục đích đảm bảo lợi ích của nước này ở quảng bá chính sách cũng như hình ảnh cá nhân của Tập Cập Bình.

Ngoài truyền thông dòng chính, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ vào nỗ lực tạo ảnh hưởng trên truyền thông mạng xã hội, các trang tin như Hoàn cầu Thời báo (Global Time) hay Trung Hoa Nhật báo (China Daily) là những trang tin của chính phủ Trung Quốc hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Twitter, dù cho các mạng xã hội này bị cấm ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tích cực đầu tư vào các dự án làm phim ở Hollywood, thông qua đó quảng bá các thông điệp mà chính phủ nước này muốn đến toàn thế giới.

Khi nói đến ảnh hưởng của Trung Quốc lên môi trường thông tin ở Việt Nam, ông Drew Thompson nhấn mạnh, là trước tiên cần phải hiểu bản chất của môi trường truyền thông ở Việt Nam.

"Internet bị kiểm duyệt, truyền thông thì bị kiểm soát ngặt nghèo, và giới hạn việc sở hữu, đã ngăn chặn những luồng tư tưởng mà Đảng cộng sản Việt Nam coi là mối hoạ". Ông Drew Thompson nói.

Việt Nam vốn được biết là quốc gia có môi trường báo chí bị kiểm soát ngặt nghèo bởi Nhà nước, hầu như tất cả các cơ quan truyền thông ở trong nước đều thuộc sự chi phối của các cơ quan Đảng và Chính phủ, như Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Về cơ bản thì giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng rất lớn về cách quản lý báo chí và truyền thông.

Chính vì môi trường báo chí bị kiểm duyệt ngặt nghèo, nên ông Drew Thompson cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ảnh hưởng lên hệ thống truyền thông ở Việt Nam là rất hạn chế, bởi Nhà nước Việt Nam không cho phép bất cứ sự đầu tư hay can thiệp nào từ nước ngoài vào hệ sinh thái truyền thông ở Việt Nam.

Ngoài nguyên do cơ chế, Trung Quốc còn gặp phải một lực cản khác khi cố gắng thao túng truyền thông ở Việt Nam, và theo ông Lương Nguyễn An Điền thì đó chính là tâm lý chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.

Quả vậy, xã hội Việt Nam từ trước đến nay vẫn duy trì thái độ dè dặt, thậm chí là bài bác gay gắt những gì liên quan đến Trung Quốc. Điều này, ông Lương Nguyễn An Điền nói, đã tạo ra sự kháng cự trước những ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nội bộ đội ngũ báo chí ở Việt Nam, và đóng vai trò răn đe đối với bất cứ nỗ lực tuyên truyền có lợi nào cho nước láng giềng phía Bắc, bởi điều đó chắc chắn sẽ đón nhận làn sóng phẫn nộ của dân chúng.

Gặp trở trại trong việc tác động đến truyền thông dòng chính ở Việt Nam, chính quyền Trung Quốc, thông qua cơ quan ngoại giao của mình, đã chuyển hướng và nhắm vào các công cụ mạng xã hội để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền.

Theo đánh giá của ông Drew Thompson thì chính vì Việt Nam và Trung Quốc có hệ thống chính trị tương đồng nhau, đều là các quốc gia cộng sản, nên giữa hai quốc gia có sự liên hệ không giống so với các nước khác, ở đây là sự liên hệ giữa hai đảng cộng sản. Chính quyền Trung Quốc rất nỗ lực trong việc tạo ảnh hưởng thông qua gây áp lực lên các cơ quan Đảng và chính quyền ở Việt Nam. Do vậy, chiến lược tuyên truyền của họ trên mạng xã hội ở Việt Nam, có mục đích rất riêng.

Theo quan sát của ông Lương Nguyễn An Điền, thì các nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu là thông qua cơ quan ngoại giao của nước này, trong đó có Đại sứ quán của họ tại Hà Nội, và lãnh sự quán ở TP. Hồ Chí Minh. Cả hai cơ quan ngoại giao này của Trung Quốc đều xuất hiện trên Facebook, mạng xã hội được hầu hết người Việt Nam sử dụng. Và thông điệp mà họ tích cực truyền đi nhất, đó là các luận điệu chống Mỹ.

"Nội dung trên trang Facebook của cơ quan ngoại giao Trung Quốc hàm chứa thông điệp đả kích nhằm phục vụ hai mục đích, một là để bảo vệ chính sách của Trung Quốc, và hai là để chỉ trích Hoa Kỳ". Ông Lương Nguyễn An Điền phát biểu.

thaotung2

So sánh hai trang Fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh vào 8 giờ tối giờ Việt Nam (ngày 24/11/2020)

Việt Nam đang ở trong tình huống bị kẹt ở giữa cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, rõ ràng Trung Quốc không muốn Việt Nam ngả theo Mỹ, nhưng nước này cũng ý thức được là người dân Việt Nam bài bác họ. Thế nên các thông điệp mà các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc đưa ra hầu hết tập trung vào việc chỉ trích Hoa Kỳ và tránh động đến các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.

Dù vậy, theo đánh giá của ông Lương Nguyễn An Điền thì Trung Quốc hầu như không gặt hái được thành công nào trong việc tạo ảnh hưởng đến truyền thông và người dân Việt Nam thông qua mạng xã hội. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, những nỗ lực của cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã tạo ra làn sóng phản đối của người dân Việt Nam. Đơn cử như hồi tháng 7 năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đăng tải bài báo được viết bởi Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo, trong đó cảnh báo Việt Nam không không được ngả theo Mỹ. Bài đăng này sau đó đã nhận phải làn sóng công kích của dân mạng ở Việt Nam.

Kể từ đó, theo quan sát của ông Điền thì các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam đã hạn chế đăng tải phát ngôn trên mạng xã hội. Bằng chứng là hồi tháng 6 năm 2021, đại sứ quán Trung Quốc đã đăng tuyên bố phản đối việc phân bổ vắc-xin do Trung Quốc tặng của chính quyền Việt Nam trên mạng xã hội Weibo, vốn chỉ được người Trung Quốc sử dụng, chứ không đăng tải trên Facebook.

Theo kết luận của hai chuyên gia, Drew Thompson và Lương Nguyễn An Điền, thì dù cố gắng nhưng cho đến nay các nỗ lực của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng lên truyền thông và mạng xã hội ở Việt Nam được cho là đã gặp phải thất bại.

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 26/07/2021

Published in Diễn đàn

Đài RFA ghi nhận ngày càng có nhiều nhà báo ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội để chuyển tải các thông tin trung thực hay những tiếng nói độc lập của họ. Tuy nhiên, các nhà báo này cũng gặp phải rất nhiều rủi ro.

truyenthong1

Nhà báo Đỗ Cao Cường bị dọa giết do đăng tải các phóng sự không qua kiểm duyệt trên mạng xã hội. Courtesy : Facebook Đỗ Cao Cường

Hòa Ái có cuộc trao đổi với nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ bút của tờ Thoibao.de ở Đức, Blogger Nguyễn Ngọc Già và nhà báo Đỗ Cao Cường ở Việt Nam.

Hòa Ái : Hòa Ái được biết nhà báo Đỗ Cao Cường chọn mạng xã hội để đưa các thông tin trung thực, không qua kiểm duyệt, đặc biệt về môi trường Việt Nam và mới đây nhất là phóng sự "Chết khi đang còn sống" gây chú ý và quan tâm trong cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam. Sau khi phóng sự "Chết khi đang còn sống" được phổ biến, anh và gia đình nhận được những lời hăm dọa, thậm chí đe dọa đến cả mạng sống của anh. Anh có suy đoán được sự hăm dọa này đến từ đâu không ?

Đỗ Cao Cường : Khó khăn của một phóng viên điều tra rất là nhiều, đến từ nhiều phía từ lãnh đạo tòa soạn, chính quyền và doanh nghiệp. Mình phải đấu tranh với cả chính nơi mình làm việc. Khi ở trong Nam, tôi gặp rất nhiều nguy hiểm. Tôi ra Bắc và thực hiện một số phóng sự điều tra độc lập. Thực sự thì có vô vàn mối nguy hiểm và những lời đe dọa vì mình không còn mang tính chất pháp lý đối với các toàn soạn mà mình làm việc nữa mà mình tác nghiệp độc lập, với Điều 25 trong Hiến pháp, đó là công dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Tôi mới ra Bắc thôi. Một trong những phóng sự đầu tiên của tôi là về Hoàng Phát. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi ở các báo như Báo Giáo Dục, Đài VTC và nhiều báo đài khác sau đó mới vào cuộc điều tra. Phó Chủ tịch huyện Kim Môn gọi điện nói rằng người dân tố cáo tôi đã kích động người dân, rồi bắt tôi gỡ bài. Tổng thư ký Tạp chí Thương Trường nói rằng cái mạng của tôi đáng giá vài chục triệu thôi, và họ tự tiện gỡ bài "Tại Hải Dương : Thép Hoàng Phát đánh đổi môi trường đổi lấy kinh tế". Lãnh đạo Báo Pháp Luật cũng gọi điện cho tôi hỏi rằng "em dừng có được không ?". Sau đó tôi nhận các cuộc điện thoại đe dọa. Rất nhiều sự đe dọa như vậy.

Hòa Ái : Và bây giờ xin được thưa chuyện với Blogger Nguyễn Ngọc Già. Xin hỏi Blogger Nguyễn Ngọc Già về riêng cá nhân ông, kể từ khi ông bắt đầu viết blog, thể hiện tiếng nói chính kiến của mình về chính trị, xã hội Việt Nam, ông có gặp phải sự đe dọa nào trước khi bị bắt, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", theo điều 88 Bộ luật Hình sự và cả sau khi mãn án 3 năm tù giam, vào cuối năm ngoái, thưa ông ?

Nguyễn Ngọc Già : Khi bắt đầu viết, tôi suy nghĩ rất nhiều và tôi đã quyết định chọn "con đường cô đơn trong tự do tư tưởng" nên hầu như không ai biết gì về tôi. Do đó, tôi không bị đe dọa gì cả. Nhân dây, tôi muốn nhắc lại việc tôi bị bắt, nói thật là tôi tự khai lý lịch qua các bài viết mà tôi đã trình bày ở trên mạng, chủ yếu 3 bài "Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa", "Bàn về câu chuyện lá cờ" và "Hội Nhà báo Độc lập mất đoàn kết", chứ không phải do phía an ninh tìm ra tôi đâu.

Họ bắt tôi là có công văn của Công ty SPT, gọi là tố cáo tôi với PA 92, thì công văn đó là nhà cầm quyền Việt Nam làm theo quy trình ngược ; tức là khi bắt tôi rồi thì họ mới kêu SPT làm công văn để nhằm cho ra vẻ hợp pháp và đúng quy trình.

Từ ngày ra tù đến nay, tôi ra phường nhiều lần theo án quản chế. Cấp phường và cấp quận cũng hỏi tôi về các bài báo và những cuộc phỏng vấn sau này thì tôi nói rằng không nhớ gì hết và tôi chỉ làm đúng theo nguyên tắc người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và tôi luôn thực hiện đúng khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi nghĩ việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt hay không bắt bất cứ ai dù đã đi tù hay trở về, hoặc chưa đi tù cũng vậy thì đó là sự tính toán thiệt hơn của nhà cầm quyền trong giai đoạn hiện nay, chứ thực ra chẳng có luật pháp nào cả.

Hòa Ái : Thưa nhà báo Lê Trung Khoa, Hòa Ái đọc được thông tin cuối tháng 6 vừa qua, Cảnh sát Berlin đã gặp gỡ với ông và thông báo cho ông biết để cảnh giác vì có sự đe dọa giết chết ông. Thực hư về thông tin đó như thế nào ?

truyenthong2

Nhà báo Lê Trung Khoa, ở Đức nhận tin nhắn dọa giết từ một người thân cận với mật vụ của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Courtesy : thoibao.de

Lê Trung Khoa : Quả thật vào cuối tháng 6 vừa qua, cụ thể vào đầu tháng 7, tôi được Sở Cảnh sát Berlin mời lên làm việc hơn một giờ đồng hồ. Trong thời gian làm việc đó, họ đã hỏi rất nhiều về những người xung quanh, có những hiện tượng gì, có ai theo dõi hay không, có ai dọa gì không thì thông báo với họ để họ có thể có biện pháp bảo vệ phù hợp. Và cuối cùng, họ nói rằng tôi mời anh đến đây vì có một lý do quan trọng nhất, đó là trong hồ sơ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh có tên tôi - Lê Trung Khoa. Tôi rất ngạc nhiên vì điều này, bởi vì tôi cũng chỉ là một phóng viên để dưa tin về vụ việc này từ đầu đến cuối. Tôi có yêu cầu giải thích và cảnh sát Berlin nói rằng nội dung trong đó gồm có nhiều việc, nhưng đối với tôi thì có dòng chữ "Cần phải ám sát ông Lê Trung Khoa bằng hình thức gây tai nạn hoặc là tạo ngộ độc…". Chính vì vậy, họ gọi tôi lên hỏi xem vụ việc thế nào, và tất nhiên, sau cuộc gặp, họ nâng biện pháp bảo vệ hơn đối với cá nhân tôi, bằng cách nào thì tôi không biết vì ở Đức họ có thể bảo vệ từ xa hay bảo vệ vòng ngoài thế nào đó.

Hòa Ái : Qua tờ TAZ, phát hành hồi hạ tuần tháng 7, Hòa Ái cũng được biết vào khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông cũng bị dọa giết. Ông có thể cho biết chi tiết về vụ việc này ?

Lê Trung Khoa : Vụ việc đó xảy ra trước khi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức vào đầu tháng 7 năm 2017. Cuối tháng 6 năm 2017, tôi có đăng một bản tin "Vì sao bà Thủ tướng Đức không tiếp chính thức ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ?" và tôi nhận được thông tin từ Đại sứ Việt Nam tại Berlin nói rằng điều đó có thể không đúng và đề nghị điều chỉnh lại bằng cách gỡ bỏ bản tin hoặc thay đổi nội dung bản tin. Tất nhiên là tôi đã không gỡ bỏ và giữ nguyên bản tin.

Sau khi vụ việc xảy ra, tôi lập tức bị đối tượng rất thân cận với mật vụ của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin dọa, nhắn tin giết với từ ngữ "cho ăn tiết canh ngan", mà tiết canh ngan không bao giờ được bán ở Đức. Đây là một từ lóng. Và cảnh sát Đức cũng giải thích đây là một từ lóng, dành cho việc cắt cổ một người. Việc dọa đó không phải chỉ một lần, mà họ nhắn tin đến hai lần. Người nhắn tin dọa tôi là ông Sơn Điền. Tôi đã thưa cảnh sát và họ đã mời ông ta lên để hỏi. Thời gian gần đây, cảnh sát đặc nhiệm Đức đã đến nhà ông ta đọc lệnh khám nhà và họ đã tìm thấy rất nhiều tài liệu và máy tính. Họ đã thu điện thoại của ông ta. Tôi nghĩ rằng đó là những bằng chứng để họ tiếp tục tìm hiểu xem những ai đã liên hệ với ông ta và ai đã ra lệnh cho ông ta dọa nhà báo ở Đức, cụ thể dọa tôi và việc điều tra này vẫn đang tiếp tục, chưa kết thúc.

Hòa Ái : Xin được chân thành cảm ơn Blogger Nguyễn Ngọc Già, Nhà báo Lê Trung Khoa và Nhà báo Đỗ Cao Cường chia sẻ với Đài RFA.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 13/08/2018

Published in Diễn đàn

Cách đưa tin về hai vụ việc gần đây tại Việt Nam : khủng hoảng đất đai ở Đồng Tâm Hà Nội, và vụ kỷ luật một ủy viên bộ chính trị, ông Đinh La Thăng, được giới quan sát cho là không đồng nhất.

info1

Các nhà báo Việt Nam trong vòng kiểm tỏa của công an. AFP photo

Theo quan sát thì trong vụ Đồng Tâm, có báo chỉ trích rất mạnh mẽ những người nông dân phản kháng, trong khi tờ VnExpress lại có bài bênh vực họ.

Trong vụ ông Đinh La Thăng, sau khi tất cả các báo đưa tin kỷ luật ông và kèm theo nhiều bài khác liên qaun đến sai phạm của ông, tờ Sài Gòn giải phóng lại chỉ đưa tin và đưa muộn một ngày.

Các tờ báo phụ thuộc các nhóm khác nhau

Nhà báo tự do Sương Quỳnh, hiện sống ở Sài Gòn cho rằng bài báo trên VnExpress của nhà báo Bảo Hà viết về tâm trạng của cô khi vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, thông cảm cho tình cảnh của người dân, là một chuyện xưa nay hiếm trong làng báo chí do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên bà không cho là báo chí đã được tự do hơn :

"Theo tôi thì không hẳn là báo chí được cởi mở, mà được một phần nào đấy của ban tuyên giáo họ nhá ra cho, để cho bớt củi lửa xuống khi mà mức độ người dân người ta phẫn uất nhiều quá".

Một nhà báo xin không nêu danh tính vì không được quyền phát ngôn, thấy rằng mặc dù cùng do nhà nước quản lý nhưng các tờ báo lại có liên quan đến các cơ quan khác nhau, ông giri thích tại sao tờ Sài Gòn giải phóng không đăng tin kỷ luật ông Đinh La Thăng cùng lúc như các báo khác :

"Những tờ báo mà trực thuộc những cơ quan ảnh hưởng trực tiếp đến vụ việc đó, thì bao giờ họ cũng phải làm việc một cách cẩn thận hơn. Ví dụ như tờ Sài Gòn giải phóng chắc chắn thuộc thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nên khi họ đưa ra họ phải rất cẩn thận xem xét vì đó là mối quan hệ trực tiếp trong công việc".

Ông cũng so sánh với trường hợp vụ khủng hoảng Đồng Tâm thì các cơ quan như báo Hà Nội mới phụ thuộc vào thành ủy Hà Nội, nơi chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó thì nhà báo Sương Quỳnh giải thích về cách thức tờ Sài Gòn giải phóng đưa tin về vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng :

"Sài Gòn giải phóng từ xưa có một số anh em trong đó có cảm tình với Đinh La Thăng, họ cho là Đinh La Thăng có quan điểm đổi mới, như vậy anh em trong Sài Gòn giải phóng có thể có cảm tình, cho nên cái kiểu họ đưa tin không phải như cái kiểu kền kền ăn xác chết, nên họ làm một cái tin nhẹ nhàng hơn theo chỉ thị, các anh bắt đăng thì tôi đăng lên thế thôi".

Nhà báo trẻ Khải Đơn, hiện sống ở Sài Gòn và hoạt động tự do, bắt đầu làm báo cách đây bảy năm cho tờ Tuổi trẻ tại Sài Gòn, nhìn sự khác biệt giữa các tờ báo hiện nay phụ thuộc vào các nhóm quyền lực chi phối họ :

"Báo chí bị chi phối rất nặng nề bởi các nhóm quyền lực có lợi ích ảnh hưởng đến họ, ví dụ như chuyện ông Đinh La Thăng, trước khi có cái bản kỷ luật đó thì được báo chí, nhất là báo chí Sài Gòn ca ngợi với hình ảnh rất là đẹp, xuất hiện trên báo giới như là một vị anh hùng. Cái cách xuất hiện đồng loạt như một vị anh hùng hay như một kẻ thất bại, đều là sự ứng xử không sòng phẳng của báo chí với người đọc, và nó chịu sự kiểm soát quyền lực mà các nhà báo đó đi theo".

Một nhà báo ở Hà Nội cũng giấu tên nói khôi hài rằng trong các vụ Đồng Tâm, và Đinh La Thăng, các báo nếu có thái độ khác nhau là do có chủ khác nhau.

Sức ép của mạng xã hội và thiên chức nhà báo

YOUTUBE-DIGITAL

Công cụ media trên smart phone. AFP photo

Báo Hà Nội mới là tờ báo chỉ trích rất mạnh mẽ những người nông dân ở Đồng Tâm, nhưng cuối cùng người đại diện cho thành ủy Hà Nội là thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã có một cuộc đối thoại thành công với nông dân để giải quyết cuộc khủng hoảng. Giải thích mâu thuẫn này nhà báo giấu danh tính nói rằng vụ Đồng Tâm là một vụ rất phức tạp, những người khác nhau nhìn nhận sự việc khác nhau và thay đổi nó theo thời gian.

Đây cũng là cách nhìn nhận của ông Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc ở Tạp chí cộng sản, cơ quan báo chí chính thức của đảng cộng sản Việt Nam :

"Thời gian nhanh không kịp họp bàn để thống nhất từ trên xuống thành ra các báo tự điều chỉnh nên xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược như thế. Một điểm nữa là mạng xã hội mở rộng làm cho nhận thức cũng khác. Nếu chưa có ai nói gì thì tôi cứ đến tôi phản ánh sự thực thôi, chẳng vi phạm điều gì. Khi ông có chủ trương rồi thì lúc đó mới là chuyện khác".

Hầu hết các nhà báo Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng các nguồn thông tin từ mạng xã hội đã góp một sức ép rất lớn lên báo chí chính thống của Việt Nam. Trong tất cả những vụ việc lớn gần đây như Formosa, Đồng Tâm, Đinh La Thăng, nhiều sự tranh cãi đã bùng nổ trên các trang mạng xã hội. Và mạng xã hội lại trở thành một kênh đưa tin của các nhà báo Việt Nam, dù họ vẫn làm việc cho các tờ báo chính thống của nhà nước. Nhà báo trẻ Khải Đơn nói với chúng tôi :

"Khi có sự phân hóa đa dạng thì anh nhìn thấy các nhóm lợi ích khác nhau thì đó là một điều khó chịu, với người đọc. Họ nói khác nhau hoàn toàn trên Facebook. Điều đó cho thấy là quyền lực đã giảm sự tập trung trong tay một ai đó, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là mọi người tôn trọng tiếng nói của nhau hơn".

Cô cho là sự phân hóa quan điểm giữa các cơ quan truyền thông Việt Nam đã xảy ra từ lâu, nhất là trong những vụ việc ít mang tính chính trị. Khải Đơn kể lại chuyện dự án nhà máy thủy điện Đồng Nai. Trong việc tranh cãi có nên xây dựng nhà máy này hay không, theo Khải Đơn thì chủ đầu tư đã vận động rất nhiều tờ báo ủng hộ, nhưng có những nhà báo không chấp nhận hậu quả môi trường của dự án này nên đã lên tiếng chống đối quyết liệt.

Nhà báo giấu tên nói với chúng tôi về các nhà báo Việt Nam :

"Tương đối là đa dạng, từ đó với mục tiêu là phản ánh được cái điều mà ta tạm gọi là sự thật, nhưng có điều là họ vẫn đảm bảo được quan điểm không đi quá một cái gì đó quá khác biệt".

Nhà báo Khải Đơn nhận xét rằng sự đa dạng đó đã khởi sắc hơn nhiều so với thời điểm cách đây 7 năm khi cô mới bước chân vô làng báo Việt Nam :

"Nó rất khởi sắc, tuy nhiên nhiều người cũng bi quan về chuyện không thể hiện chính kiến. Tôi thấy có một sự thú vị là nó không còn như thời tôi bắt đầu viết báo nữa. Khi đó nếu có một sự vụ gì xảy ra thì không ai muốn viết khác vì ngại mặt nhau, thứ hai nữa là chịu sự chỉ đạo rất chặt của các lớp lang cán bộ, hệ thống quản lý, cũng như xếp của mình. Nhưng mà sau này thì các nhà báo ý thức được sự thể hiện cá nhân của họ, ý tưởng và mong muốn của họ nhiều hơn những sự ràng buộc đó".

Như vậy, mặc dù vẫn chịu sự chi phối về tư tưởng của đảng cộng sản, nhưng các cơ quan truyền thông Việt Nam, trong nhiều vấn đề khác nhau, đã có sự khác biệt.

Mặt khác còn có sự giảm quyền lực tập trung trong việc quản lý báo chí. Đó cũng là điều mà nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói với chúng tôi hồi năm 2016 khi một bài viết của ông Đinh La Thăng trên báo Tuổi trẻ bị gỡ bỏ sau khi đăng.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Published in Việt Nam