Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/05/2017

Truyền thông Việt Nam, sự đa dạng bắt đầu manh nha ?

RFA tiếng Việt

Cách đưa tin về hai vụ việc gần đây tại Việt Nam : khủng hoảng đất đai ở Đồng Tâm Hà Nội, và vụ kỷ luật một ủy viên bộ chính trị, ông Đinh La Thăng, được giới quan sát cho là không đồng nhất.

info1

Các nhà báo Việt Nam trong vòng kiểm tỏa của công an. AFP photo

Theo quan sát thì trong vụ Đồng Tâm, có báo chỉ trích rất mạnh mẽ những người nông dân phản kháng, trong khi tờ VnExpress lại có bài bênh vực họ.

Trong vụ ông Đinh La Thăng, sau khi tất cả các báo đưa tin kỷ luật ông và kèm theo nhiều bài khác liên qaun đến sai phạm của ông, tờ Sài Gòn giải phóng lại chỉ đưa tin và đưa muộn một ngày.

Các tờ báo phụ thuộc các nhóm khác nhau

Nhà báo tự do Sương Quỳnh, hiện sống ở Sài Gòn cho rằng bài báo trên VnExpress của nhà báo Bảo Hà viết về tâm trạng của cô khi vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, thông cảm cho tình cảnh của người dân, là một chuyện xưa nay hiếm trong làng báo chí do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên bà không cho là báo chí đã được tự do hơn :

"Theo tôi thì không hẳn là báo chí được cởi mở, mà được một phần nào đấy của ban tuyên giáo họ nhá ra cho, để cho bớt củi lửa xuống khi mà mức độ người dân người ta phẫn uất nhiều quá".

Một nhà báo xin không nêu danh tính vì không được quyền phát ngôn, thấy rằng mặc dù cùng do nhà nước quản lý nhưng các tờ báo lại có liên quan đến các cơ quan khác nhau, ông giri thích tại sao tờ Sài Gòn giải phóng không đăng tin kỷ luật ông Đinh La Thăng cùng lúc như các báo khác :

"Những tờ báo mà trực thuộc những cơ quan ảnh hưởng trực tiếp đến vụ việc đó, thì bao giờ họ cũng phải làm việc một cách cẩn thận hơn. Ví dụ như tờ Sài Gòn giải phóng chắc chắn thuộc thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nên khi họ đưa ra họ phải rất cẩn thận xem xét vì đó là mối quan hệ trực tiếp trong công việc".

Ông cũng so sánh với trường hợp vụ khủng hoảng Đồng Tâm thì các cơ quan như báo Hà Nội mới phụ thuộc vào thành ủy Hà Nội, nơi chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó thì nhà báo Sương Quỳnh giải thích về cách thức tờ Sài Gòn giải phóng đưa tin về vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng :

"Sài Gòn giải phóng từ xưa có một số anh em trong đó có cảm tình với Đinh La Thăng, họ cho là Đinh La Thăng có quan điểm đổi mới, như vậy anh em trong Sài Gòn giải phóng có thể có cảm tình, cho nên cái kiểu họ đưa tin không phải như cái kiểu kền kền ăn xác chết, nên họ làm một cái tin nhẹ nhàng hơn theo chỉ thị, các anh bắt đăng thì tôi đăng lên thế thôi".

Nhà báo trẻ Khải Đơn, hiện sống ở Sài Gòn và hoạt động tự do, bắt đầu làm báo cách đây bảy năm cho tờ Tuổi trẻ tại Sài Gòn, nhìn sự khác biệt giữa các tờ báo hiện nay phụ thuộc vào các nhóm quyền lực chi phối họ :

"Báo chí bị chi phối rất nặng nề bởi các nhóm quyền lực có lợi ích ảnh hưởng đến họ, ví dụ như chuyện ông Đinh La Thăng, trước khi có cái bản kỷ luật đó thì được báo chí, nhất là báo chí Sài Gòn ca ngợi với hình ảnh rất là đẹp, xuất hiện trên báo giới như là một vị anh hùng. Cái cách xuất hiện đồng loạt như một vị anh hùng hay như một kẻ thất bại, đều là sự ứng xử không sòng phẳng của báo chí với người đọc, và nó chịu sự kiểm soát quyền lực mà các nhà báo đó đi theo".

Một nhà báo ở Hà Nội cũng giấu tên nói khôi hài rằng trong các vụ Đồng Tâm, và Đinh La Thăng, các báo nếu có thái độ khác nhau là do có chủ khác nhau.

Sức ép của mạng xã hội và thiên chức nhà báo

YOUTUBE-DIGITAL

Công cụ media trên smart phone. AFP photo

Báo Hà Nội mới là tờ báo chỉ trích rất mạnh mẽ những người nông dân ở Đồng Tâm, nhưng cuối cùng người đại diện cho thành ủy Hà Nội là thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã có một cuộc đối thoại thành công với nông dân để giải quyết cuộc khủng hoảng. Giải thích mâu thuẫn này nhà báo giấu danh tính nói rằng vụ Đồng Tâm là một vụ rất phức tạp, những người khác nhau nhìn nhận sự việc khác nhau và thay đổi nó theo thời gian.

Đây cũng là cách nhìn nhận của ông Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc ở Tạp chí cộng sản, cơ quan báo chí chính thức của đảng cộng sản Việt Nam :

"Thời gian nhanh không kịp họp bàn để thống nhất từ trên xuống thành ra các báo tự điều chỉnh nên xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược như thế. Một điểm nữa là mạng xã hội mở rộng làm cho nhận thức cũng khác. Nếu chưa có ai nói gì thì tôi cứ đến tôi phản ánh sự thực thôi, chẳng vi phạm điều gì. Khi ông có chủ trương rồi thì lúc đó mới là chuyện khác".

Hầu hết các nhà báo Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng các nguồn thông tin từ mạng xã hội đã góp một sức ép rất lớn lên báo chí chính thống của Việt Nam. Trong tất cả những vụ việc lớn gần đây như Formosa, Đồng Tâm, Đinh La Thăng, nhiều sự tranh cãi đã bùng nổ trên các trang mạng xã hội. Và mạng xã hội lại trở thành một kênh đưa tin của các nhà báo Việt Nam, dù họ vẫn làm việc cho các tờ báo chính thống của nhà nước. Nhà báo trẻ Khải Đơn nói với chúng tôi :

"Khi có sự phân hóa đa dạng thì anh nhìn thấy các nhóm lợi ích khác nhau thì đó là một điều khó chịu, với người đọc. Họ nói khác nhau hoàn toàn trên Facebook. Điều đó cho thấy là quyền lực đã giảm sự tập trung trong tay một ai đó, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là mọi người tôn trọng tiếng nói của nhau hơn".

Cô cho là sự phân hóa quan điểm giữa các cơ quan truyền thông Việt Nam đã xảy ra từ lâu, nhất là trong những vụ việc ít mang tính chính trị. Khải Đơn kể lại chuyện dự án nhà máy thủy điện Đồng Nai. Trong việc tranh cãi có nên xây dựng nhà máy này hay không, theo Khải Đơn thì chủ đầu tư đã vận động rất nhiều tờ báo ủng hộ, nhưng có những nhà báo không chấp nhận hậu quả môi trường của dự án này nên đã lên tiếng chống đối quyết liệt.

Nhà báo giấu tên nói với chúng tôi về các nhà báo Việt Nam :

"Tương đối là đa dạng, từ đó với mục tiêu là phản ánh được cái điều mà ta tạm gọi là sự thật, nhưng có điều là họ vẫn đảm bảo được quan điểm không đi quá một cái gì đó quá khác biệt".

Nhà báo Khải Đơn nhận xét rằng sự đa dạng đó đã khởi sắc hơn nhiều so với thời điểm cách đây 7 năm khi cô mới bước chân vô làng báo Việt Nam :

"Nó rất khởi sắc, tuy nhiên nhiều người cũng bi quan về chuyện không thể hiện chính kiến. Tôi thấy có một sự thú vị là nó không còn như thời tôi bắt đầu viết báo nữa. Khi đó nếu có một sự vụ gì xảy ra thì không ai muốn viết khác vì ngại mặt nhau, thứ hai nữa là chịu sự chỉ đạo rất chặt của các lớp lang cán bộ, hệ thống quản lý, cũng như xếp của mình. Nhưng mà sau này thì các nhà báo ý thức được sự thể hiện cá nhân của họ, ý tưởng và mong muốn của họ nhiều hơn những sự ràng buộc đó".

Như vậy, mặc dù vẫn chịu sự chi phối về tư tưởng của đảng cộng sản, nhưng các cơ quan truyền thông Việt Nam, trong nhiều vấn đề khác nhau, đã có sự khác biệt.

Mặt khác còn có sự giảm quyền lực tập trung trong việc quản lý báo chí. Đó cũng là điều mà nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói với chúng tôi hồi năm 2016 khi một bài viết của ông Đinh La Thăng trên báo Tuổi trẻ bị gỡ bỏ sau khi đăng.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 701 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)