Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tại buổi Thảo luận hôm 29/6 ở quận Tây Hồ cho rằng : "Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ; cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và quy định nêu gương của cán bộ đảng viên".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến giảng bài tại Lớp cập nhật kiến thức mới cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ quản lý năm 2023
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 30/6 nhận định với RFA :
"Đây không phải lần đầu tiên các quan chức hàng đầu của chế độ cộng sản Việt Nam nói sẽ đổi mới phương thức lãnh đạo là tập thể ra nghị quyết, còn cá nhân chịu trách nhiệm, ý nói là chịu trách nhiệm người đứng đầu. Cái này đã nói cách đây 20 năm, mỗi một lần có sự cố gì xảy ra cho Việt Nam ví dụ như vấn đề tham nhũng, hay những vấn đề xã hội nổi cộm... thì họ lại mang những chiêu bài ra để lừa dối người dân. Thực tế trong chế độ cộng sản Việt Nam, họ không bao giờ chấp nhận phương thức một người có thể đưa ra toàn bộ những quyết định. Gần đây nhất, họ đã đề nghị Quốc hội ra một nghị quyết, miễn trách nhiệm cho người đứng đầu khi họ dám nghĩ dám làm".
Nhưng cho đến nay theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, việc miễn trách nhiệm cho người đứng đầu ‘dám nghĩ dám làm’ vẫn chưa được thực hiện trong thực tế. Ông Đài giải thích thêm :
"Bởi vì trong chế độ cộng sản Việt Nam, một người đóng vai trò thủ trưởng thì cần ít nhất 3 cấp phó... cho đến 6 hoặc 7 cấp phó trong một cơ quan nhà nước. Mỗi người như vậy sẽ chia nhau những lĩnh vực khác nhau để quản lý, cho nên để quy trách nhiệm cho một người là cực kỳ khó. Bởi vì trước khi thực hiện một công việc nào đó, thường bao giờ họ cũng họp Đảng ủy của cơ quan ấy và sau đó họ ra một nghị quyết, khi thống nhất rồi sẽ giao cho người phụ trách, nếu có sai là do cả tập thể đó quyết định, chứ người cá nhân đấy có xử lý họ thì họ vẫn nói là tôi làm theo nghị quyết của Đảng. Giống như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói với Quốc hội là đảng giao nhiệm vụ và ông ta thực hiện, chứ không đòi hỏi".
Cho nên Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, một khi còn tồn tại chế độ một đảng, thì chắc chắn quy trách nhiệm cho người đứng đầu là không bao giờ có khả năng trong thực tế.
Trong khi đó, cuộc chiến chống tham nhũng được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay, đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức Chính phủ khác lo ngại và không dám bật đèn xanh cho việc mua bán hàng hóa hay các khoản đầu tư vì sợ bị điều tra tham nhũng.
Nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị, khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân. Nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức.
Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác ở Tạp chí cộng sản khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nói :
"Quan chức càng cao cấp, càng nói này nói nọ thì càng đi ngược lại với những cái người ta phủ nhận. Ví dụ như những người tham nhũng vào tù ngồi như Trung tướng Phạm Văn Vĩnh, Nguyễn Đức Chung… Đấy là một loại tuyên truyền, như những biểu tượng họ hay dùng là thầy thuốc nhân dân, nhà báo nhân dân… Từ những biểu tượng như thế càng nói, càng tuyên truyền, càng thổi lên thì bản chất càng ngược lại".
Ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, nhận định với RFA về việc này :
"Tôi đã từng 21 năm làm đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, tôi thấy một điều là nói để cho hay, cho đẹp thì không ai hơn cộng sản. Tuyên truyền thì cộng sản là số một, nên những lời đó tôi nghĩ chẳng có giá trị gì và hoàn toàn không đáng tin cây. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nghe thì có vẻ hay, nhưng tất cả đều nằm trong vòng kim cô của đảng cộng sản, nên không thể có người nào làm được như vậy. Thực tế không thể có, những người chưa nói đến làm, đến chịu trách nhiệm... mà chỉ cần phản biện trái ý của họ là họ đã cho vào tù, thậm chí rất lâu".
Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 10/5/2023 đã yêu cầu khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cấp quản lý.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ hôm 8/5/2023, Chính phủ cũng đã yêu cầu khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Trước đó, vào cuối năm 2021, Ông Hoàng Anh Công - Phó
trưởng Ban Dân nguyện từng cho rằng : "Có một 'dịch bệnh' đã xuất hiện và âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước... là bệnh sợ trách nhiệm".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trả lời RFA khi đó cho rằng :
"Bệnh sợ trách nhiệm trong cán bộ đã có từ lâu. Những người có hiểu biết nhưng thiếu tự tin, kém bản lĩnh mới sợ bị kỷ luật, sợ bị cấp trên đánh giá sai, sợ vi phạm 19 điều cấm. Bệnh sợ này làm cho cán bộ không dám mạnh dạn thực hiện những việc tốt mà chưa được cấp trên cho phép, không dám phản biện những điều sai trái, gây một số tác hại cho nhân dân. Tác hại nhất là làm mất lòng tin của dân vào cán bộ, vào chính quyền, làm khổ dân".
Để giảm bớt nỗi sợ này, Đảng đã ban hành quyết định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, việc này chủ yếu là hình thức. Có quyết định mà không có người thực hiện hoặc người thực hiện không đủ phẩm chất thì cũng như không. Vấn đề cơ bản theo ông Cống là phải có được những cán bộ đủ tài năng, bản lĩnh và liêm khiết để làm ra và thực hiện luật pháp cùng các đường lối chính sách. Muốn vậy phải thực sự có dân chủ trong bầu cử. Mà muốn có dân chủ lại cần những điều kiện khác.
Nguồn : RFA, 30/06/2023
Vụ xử đại án Đinh La Thăng - Trần Xuân Thanh diễn ra đã gần 10 ngày.
Các phiên xử được dư luận trong ngoài nước quan tâm đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên một ủy viên Bộ chính trị, Đảng cộng sản Việt Nam - cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa các kỳ Đại hội - bị đưa ra tòa cùng hơn 20 bị cáo phần lớn là cán bộ lãnh đạo chính trị, kinh tế cấp cao của chế độ.
Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng. (Ảnh chụp từ VTV)
Có thể chỉ ra một số tiến bộ mở đầu.
Các bị cáo không còn đứng trước cái gọi là "vành móng ngựa" nghe lạ tai, không văn minh, mà đứng trước một bục có bảng ghi "Bị cáo".
Khu vực của các Kiểm sát viên giữ vai trò cống tố đối diện với khu dành cho luật sư, nói lên sự bình đẳng trong tranh tụng trước tòa.
Trước khi mở phiên tòa, thẩm phán Chủ tọa Hội đồng xét xử Nguyễn Ngọc Huân tuyên bố việc xét xử sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 23/1 liên tục, cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, sẽ tôn trọng việc tranh tụng giữa Hội đồng xét xử, các kiểm sát viên và các luật sư, các bị cáo, các nhân chứng, việc xét xử sẽ chỉ tuân theo chuẩn mực của luật pháp, không chịu một sức ép nào khác.
Ngay ngày đầu các luật sư có mặt tại phiên tòa đã chỉ ra những thiếu sót, đó là phiên tòa lớn, đông người dự mà phòng xử quá nhỏ, sao không mượn phòng xử của Tòa án tối cao gần ngay đó để có thể có đông người dự hơn, biểu lộ rõ tính công khai, tính nhân dân của tòa ? Tại sao phải còng tay các bị cáo khi đó từng là những cán bộ cấp cao không có thái độ chống đối hung hăng của các lọai tội phạm hình sự khác ; việc gì mà phải có 2 nhân viên công an vũ trang kè kè bên cạnh các bị cáo, một sự đề phòng không đẹp, không có nhu cầu cần thiết.
Việc bố trí cho các nhà báo và công dân theo dõi phiên tòa trong một phòng riêng ở cạnh là rất không nên, họ không theo dõi phiên tòa được trực tiếp và đầy đủ. Huống gì màn truyền hình phòng bên luôn để chậm chừng 3 phút để sàng lọc, bỏ bớt, giảm thanh, có khi câm tiếng, một kiểu kiểm duyệt rất thô thiển phản dân chủ, đặt cơ quan tuyên huấn của đảng ngồi trên Hội đồng xử án, làm trò cười cho giới báo chí săn tin.
Thêm nữa việc cấm các luật sư mang theo máy điện toán, ghi âm cá nhân là một chủ trương hạn chế dân chủ, gây nhiều trở ngại cho công việc của họ trong khi vụ án lớn, tài liệu nhiều, hồ sơ dày phải tra cứu luôn, đến mức 2 luật sư bỏ cuộc.
Có một điều hết sức quan trọng là nhiều luật sư như Võ An Đôn, Trần Đình Triển, Lê Văn Thiệp… nhắc đến Nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ 4 khóa XI của Đảng cộng sản Việt Nam, nêu rõ "cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị… là việc lớn cần làm ngay".
Do đó khi bị cáo Đinh La Thăng khai rằng một số việc làm của Tổng công ty PVN và Công ty PCV là theo chủ trương của Bộ chính trị và của Chính phủ thì bị Chủ tọa phiên tòa yên lặng bỏ qua.
Lẽ ra Hội đồng xét xử phải triệu tập người cầm đầu Bộ chính trị, người cầm đầu chính phủ, người từng cầm đầu Bộ công thương là bộ chủ quản đến làm chứng trong phiên tòa và nếu cần phải để tòa xem xét trách nhiệm của những người cầm đầu ấy.
Yêu cầu triệu tập các quan chức nói trên là cần thiết vì tòa đã xác định không có vùng cấm. Do đó Tòa án cần triệu tập nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bộ trưởng công thương Võ Huy Hoàng, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, vì vụ đại án này có liên quan nhiều mặt đến hệ thống ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo.
Cần nhắc lại đảng cộng sản luôn đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ là "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", nên cần làm rõ trách nhiệm của tập thể đến đâu, trách nhiệm cá nhân ra sao một cách rõ ràng minh bạch.
Một vấn đề nghi vấn lớn mà dư luận quan tâm, là liệu các nghi can Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có bị đối xử quá mức khắt khe, bị dọa nạt, ép cung, mớm cung, trong thời gian bị tạm giam hay không. Nếu điều này là có thật, thì vụ án này có thể bị lật án, có thể bị xóa bỏ, xử lại, vì theo luật các khẩu cung tiến hành trong đe dọa, tra tấn tinh thần vật chất, từ thô bạo đến tinh vi, đều bị coi như vô giá trị.
Cho đến hôm nay, có thể nhận định phiên tòa lớn mở đầu năm mới có một vài tiến bộ về hình thức, các luật sư được tranh tụng tự do hơn, nhưng còn lâu mới đạt chuẩn mực pháp quyền quốc tế, những người cầm đầu các cơ chế liên quan còn vắng bóng, các Kiểm sát viên có vẻ lấn án, lạm quyền khi khẳng định các tội phạm với chứng cứ không đầy đủ và đề nghị các mức án quá cao như chung thân, bỏ qua nguyên tắc rất quan trọng khi xử án là "Được suy đoán vô tội", nghĩa là không ai có thể bị coi là có tội khi Hội đồng Xử án chưa chính thức tuyên án sau khi có tranh tụng đến tận cùng.
Một luồng dư luận rộng rãi cho rằng tội phạm lớn nhất là thuộc về cơ chế, mô hình cầm quyền hủ bại cổ lỗ, chế độ độc đảng hoành hành với học thuyết Mác-Lê ngoại lai, với chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo, nuông chiều vô độ những "quả đấm thép mạ vàng" ấy của đảng, một chế độ lỏng lẻo do không có kiểm soát, không có thăng bằng, đảng lộng hành ngồi trên hiến pháp và luật pháp. Đây là nguyên nhân gốc gác của tất cả các đại án đang được xem xét, nhưng còn bị coi là húy kỵ, không ai dám nêu lên trong phòng xử án.
Nguồn : VOA, 17/01/2018