Lời tòa soạn : Nhân cuộc bầu cử quốc hội Việt Nam khóa 15 vừa kết thúc với việc không một ứng cử viên độc lập thật sự nào được trúng cử, ví dụ ông Lương Thế Huy (Hà Nội) chúng tôi xin đăng lại bài viết cũ của ông Nguyễn Gia Kiểng (Thông Luận số 240, tháng 10/2009) về sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển IDS bị giải tán cách đây 11 năm. Sự thật là không thể nào thay đổi được Đảng cộng sản Việt Nam từ bên trong bằng cách hợp tác với họ. Cách duy nhất là nên tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ thực sự.
(…) Toàn viện IDS và từng thành viên đã hết sức đề cao tinh thần trách nhiệm công dân, ý thức kỷ luật và thiện chí, nhưng những cố gắng đó đã không được đáp ứng.
Trước tình hình như vậy, với một quyết định hạn chế đến mức vô lý quyền nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ của mình. Chấp nhận hoạt động theo Quyết định 97, viện IDS và các thành viên sẽ không thể làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng về trí thức mới ban hành, đồng thời không thể làm tròn trách nhiệm công dân và nghĩa vụ người trí thức của mình.
Ngày 14/09/2009, Hội đồng Viện IDS đã họp phiên toàn thể, quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97 (…)
Trên đây là một đoạn trong phần cuối của Tuyên bố tự giải thể của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institute of Development Studies). IDS tự giải thể để phản đối quyết định 97 của chính quyền cộng sản cấm các tổ chức nghiên cứu công bố những phản biện trước khi được nhà nước thông qua. Nghe thật là ai oán. Các thành viên IDS (*) không phải là những người đối kháng. Họ không đòi đa nguyên, đa đảng, nhân quyền. Chưa bao giờ có ai trong họ bày tỏ sự bất bình trước những vụ án chính trị thô bạo. Họ không quan tâm đến phong trào dân chủ và cũng không đánh giá cao những người dân chủ. Họ chọn con đường phục vụ chế độ và cố gắng để cải tiến nó. Họ tự đánh giá là những trí thức lớn, điều này có phần đúng, và họ đã chọn làm những trung thần của chế độ. Họ tôn trọng Đảng cộng sản và muốn phục vụ chế độ một cách thông minh. Vậy mà họ đã bị chèn ép họ đến mức phải tuyên bố tự giải thể.
Phải nói ngay sự thê lương ai oán là ở chỗ muốn phục vụ bằng cách mà mình thấy là hiệu lực nhất, với ý thức kỷ luật và thiện chí mà không được, nghĩa là một thiện chí bị bóp nghẹt oan uổng, chứ không phải vì hoàn cảnh gian truân của các thành viên. Các vị này là những người thoải mái nhất nước hiện nay. Họ được chế độ ưu đãi - uy tín của họ chủ yếu do địa vị mà họ đã có trong chế độ - nhưng lại không bị mang tiếng là gian tham như hầu hết các cấp lãnh đạo, hơn thế nữa còn được mọi người, kể cả đối lập dân chủ, đánh giá cao. Có thể do bản chất lương thiện, có thể vì thiếu quả quyết, họ đã không đạt tới được những chức vụ lãnh đạo hàng đầu trong chế độ cộng sản, nhưng họ vẫn là những người may mắn nhất nước hiện nay, thành công cả về vật chất cũng như tinh thần, có chỗ đứng ưu đãi trong chế độ cộng sản và cũng sẽ có chỗ đứng ưu đãi mai sau nếu một chế độ dân chủ được thành lập. An toàn và thoải mái trong mọi trường hợp.
Nhưng sự giải thể của IDS có thực sự là một thiệt hại không còn là một vấn đề cần được thảo luận.
Thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institute for Development Studies) trong một buổi tiệc họp mặt - Ảnh minh họa
IDS tiêu biểu cho khuynh hướng vận động thay đổi từ trong lòng chế độ bằng cách chấp nhận và hợp tác, mà sau đây ta gọi tắt là "khuynh hướng IDS" dù IDS chỉ là một nhóm trong khối người rất đông đảo này. Đây là một khuynh hướng rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với khuynh hướng vận động dân chủ bằng cách đối đầu trực diện. Kẻ viết bài này thuộc khuynh hướng đối đầu trực diện và có thể làm chứng cho sức thu hút của khuynh hướng này. Có rất nhiều người trước đây chống cộng kịch liệt và từng lên án những người chủ trương hòa giải dân tộc và bất bạo động là nhu nhược, là đồng lõa với cộng sản, bây giờ cũng theo khuynh hướng IDS. Theo họ, đối đầu trực diện là vô ích, có khi còn có hại vì chỉ khiến đảng cộng sản cứng rắn thêm, họ nói : Mỗi lần nghe nói như vậy tôi đều không thảo luận thêm vì thấy có nói gì cũng hoàn toàn vô ích, người trước mặt mình chỉ nói chứ không hề muốn nghe, anh ta đã chọn lựa rồi và sẽ không thay đổi lập trường. Một bản tính của con người nhưng đặc biệt mạnh nơi người Việt Nam là kết luận trước rồi sau đó mới biện luận để bảo vệ một kết luận đã có sẵn, đến từ những động cơ cá nhân. Trong những trường hợp như vậy thảo luận không ích lợi gì. Phải nói một cách rất thẳng thắn rằng sức thu hút của khuynh hướng IDS là ở chỗ nó là một chọn lựa tiện nghi và an toàn chứ không phải vì nó đúng. Những người theo khuynh hướng này không muốn thảo luận vì họ không có lập luận chính xác nào.
Trước hết, tuy chủ trương phải hội nhập vào chế độ và hợp tác với nó để thay đổi nó từ bên trong nhưng họ lại không nói thay đổi để tiến tới cái gì. Nếu họ nói là thay đổi để tiến tới dân chủ đa nguyên đa đảng thì họ sẽ bị coi là đối lập và sẽ bị loại trừ ngay. Ngược lại, họ cũng không thể công khai bênh chính quyền cộng sản vì nó bạo ngược. Họ làm như không có ý kiến. Nhưng không có ý kiến trên vấn đề dân chủ hóa đất nước là tự triệt thoái khỏi cuộc tranh luận nòng cốt nhất hiện nay. Muốn thuyết phục được ai thì ít nhất cũng phải cho người đó biết mình muốn gì. Cái nhập nhằng của khuynh hướng này là ở chỗ nó bắt cá hai tay, đối với những người dân chủ nó muốn được coi như một khuynh hướng dân chủ hóa trong khi đối với chính quyền cộng sản nó muốn được nhìn như một khuynh hướng ủng hộ và hợp tác.
Phải nói một cách thẳng thắn, một lần cho tất cả, rằng lập trường hội nhập và hợp tác để thay đổi từ bên trong tự nó là một sai lầm. Tiến trình chuyển hóa hoàn toàn không diễn ra như thế. Hợp tác với một chế độ, trước hết là đóng góp củng cố chế độ thay vì làm thay đổi chế độ. Những người muốn dân chủ hóa chế độ chỉ là một thiểu số nhỏ trong giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản và hầu như vắng mặt trong các cơ quan quyền lực cao nhất, tiếng nói của họ lại càng yếu, yếu đến độ họ không dám lên tiếng. Ngôn ngữ và nếp sinh hoạt trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản là ngôn ngữ và nếp sinh hoạt độc tài chuyên chính. Như vậy, cứ giả thử là những người thuộc khuynh hướng IDS thực sự muốn đất nước chuyển hóa về dân chủ, một điều không có gì bảo đảm, thì họ tranh thủ được ai khi hội nhập và hợp tác với chế độ ? Tranh thủ những người lãnh đạo thì chắc chắn là họ không dám, còn rỉ tai những đảng viên cấp dưới thì chỉ là vô ích vì đa số đã chấp nhận dân chủ rồi nhưng bị khống chế. Cuối cùng chính họ, chứ không phải chế độ, bị biến chất. Quan sát cá nhân của tôi rất rõ rệt : tất cả những người mà tôi biết đã một thời đấu tranh cho dân chủ rồi chọn khuynh hướng này sau một thời gian đều mất hết ý chí đấu tranh, không có ngoại lệ nào.
Khoa sinh vật học trình bày sự tiến hóa của một chủng loại như sau : một nhóm nhỏ của một chủng loại tự cô lập rồi thay đổi dần do điều kiện thiên nhiên ; nhóm này vì phù hợp với môi trường dần dần phát triển trong khi phần còn lại của chủng loại tàn lụi đi vì không còn phù hợp, sau cùng thiểu số trở thành đa số và chủng loại chuyển hoá. Cô lập lúc ban đầu là điều kiện bắt buộc, nếu không những biến đổi tình cờ xuất hiện sẽ bị tiêu hóa nhanh chóng trong cả khối lớn của chủng loại. Và vượn vẫn là vượn chứ không thể tiến hóa thành người. Một cách tương tự trong khoa học xã hội các nhà nghiên cứu cũng đã vạch ra tiến trình thay đổi của một xã hội : một thiểu số nhìn thấy một mô hình xã hội khác đã có can đảm xác nhận sự khác biệt và chấp nhận bị cô lập để phản bác cơ chế hiện hành. Trong nhiều trường hợp họ bị tiêu diệt nhưng cũng có những trường hợp họ trụ được và tiếp tục phát triển, thu hút được quần chúng và cả những người thuộc cơ chế, rồi trở thành đa số và áp đặt sự thay đổi. Những thay đổi lớn của nhân loại và của các quốc gia đều đã diễn ra như thế. Phật Thích Ca đã phải bỏ hoàng cung, Giêsu Kitô đã chết thảm khốc trong sự thù ghét của đám đông, và họ đã thay đổi thế giới. Nếu không có những người hô to trên đoạn đầu đài "tự do hay là chết !" thì cũng không có các chế độ dân chủ. Mọi thay đổi lớn đều đã là sản phẩm của những con người dũng cảm dám khẳng định sự khác biệt, trong nhiều trường hợp với giá đắt. Điều này có lẽ khuynh hướng IDS cần nghiên cứu thêm.
Giáo sư Hoàng Tụy, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển, viết tắt là IDS, ông cũng là người có đóng góp rất lớn cho nền giáo dục Việt Nam
IDS đã sai lầm về nguyên tắc khi hy vọng được phép phản biện. Hoặc phản biện hoặc không, nhưng nếu đã phản biện thì không cần chờ đợi được cho phép. Phản biện thể hiện quyền tự do suy nghĩ và phát biểu, mà quyền là điều mình có và phải hành xử, và tự do là điều mà người ta phải giành lấy chứ không thể xin. Hegel, sư phụ của Marx, mô tả cuộc chiến đấu giành tự do như là cuộc chiến đấu sống còn trong đó những kẻ không dám liều chết để giành tự do đương nhiên xứng đáng với thân phận nô lệ. Ngày nay loài người đã văn minh hơn so với thế kỷ 19 của Hegel và Marx, có lẽ người ta không còn phải đánh đổi mạng sống để có tự do nhưng chắc chắn là vẫn phải chấp nhận để trả một giá nào đó. Tự do là điều quý báu nhất vì nó định nghĩa con người, vì thế người ta phải giành lấy để được là con người đúng nghĩa chứ không thể chờ đợi để được ban phát. Cũng đừng nên quên rằng đặc tính của các chế độ bạo ngược là chúng… bạo ngược. Chúng không chấp nhận sự phản đối từ những cái đầu đã cúi xuống. Đã chấp nhận quan hệ xin – cho thì cũng phải chấp nhận cái hệ luận cay đắng của nó là khi mình xin thì người ta có thể không cho. Thái độ đứng đắn duy nhất trước những kẻ cướp đoạt tự do của mình là dứt khoát phản kháng ; phản kháng được hay không là một chuyện khác nhưng vẫn phải phản kháng. Điều quan trọng là thái độ.
IDS cũng đã sai lầm về mặt tri thức. Họ muốn nghiên cứu về phát triển trong khuôn khổ một chế độ độc tài đảng trị. Họ muốn "làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng về trí thức". Cần nhấn mạnh từ «phát triển». Phát triển không phải chỉ là tăng trưởng. Khoảng cách giữa hai khái niệm là phẩm chất. Nhưng phát triển cái gì ? Phát triển một quốc gia –nghĩa là một cộng đồng của những con người- hay phát triển một trại chăn nuôi ? Chắc chắn là anh em IDS muốn phát triển đất nước Việt Nam. Nhưng phát triển là một hiện tượng đã được nghiên cứu và tranh cãi trong suốt một thế kỷ qua và đã có kết luận dứt khoát dựa trên cả lý luận lẫn kinh nghiệm của các dân tộc. Kết luận đó là phát triển phải đi đôi với tự do và dân chủ. Muốn "nghiên cứu phát triển" trong khuôn khổ một chế độ toàn trị là biểu lộ một sự thiếu hiểu biết bi đát về một bài toán quan trọng đã được giải đáp. Chẳng khác gì muốn phát minh lại bánh xe.
Không phải chỉ có anh em IDS mà nhiều trí thức Việt Nam khác, kể cả nhiều người có trình độ cao và chống cộng kịch liệt, vẫn còn lấn cấn về điểm này. Một thí dụ là ngay khi đang viết dở dang bài này, trong giờ cơm tối, tôi tình cờ đọc một bài trên báo Ngày Nay (**) của tác giả Trần Gia Phụng, một sử gia có uy tín với lập trường chống cộng rất dứt khoát, trong đó có đoạn viết : "Giá trị của một chế độ, dầu độc tài hay đa đảng, quan trọng ở chỗ hiệu năng của chính quyền trong việc chăm lo hạnh phúc cho toàn dân". Đây chính là lập luận của các chế độ độc tài để từ chối dân chủ như là một điều không cần thiết. Vấn đề là ở chỗ các chế độ độc tài không thể đem lại "hạnh phúc" cho nhân dân, trừ khi ta hài lòng với "hạnh phúc" của một đàn cừu, một hạnh phúc không thể đi xa ngay cả về mặt vật chất. Không phải là một sự tình cờ mà các nước dân chủ lâu năm đều phồn vinh và cũng không phải là một sự tình cờ mà các chế độ độc tài đều chỉ đem đến sự nghèo khổ và chỉ đạt một vài tiến bộ sau khi nới lỏng ách kìm kẹp. Sự lấn cấn này tố giác sự hụt hẫng của trí thức Việt Nam và là một trong những nguyên nhân chính khiến cuộc vận động dân chủ không đạt được khí thế đáng lẽ phải có. Nó có nguyên nhân từ khả năng to lớn của chính con người. Con người xét cho cùng tinh vi hơn mọi bộ máy và có thể làm nên những thành quả kinh ngạc. Các bạo chúa đã hiểu điều này và đã từng khai thác tối đa. Họ đã bắt người dân xây những đền đài, lăng tẩm, cung điện nguy nga, những kim tự tháp, Vạn Lý Trường Thành v.v. Những công trình này đã có tác dụng trấp áp tinh thần và gây sự thán phục, nhưng sau cùng chúng vẫn chỉ có một tác dụng là làm kiệt quệ đất nước. Khi các chế độ độc tài đạt tới một mức độ tăng trưởng cao, như trường hợp Trung Quốc trong ba thập niên qua, thì phải hiểu rằng bù lại chúng đã tạo ra một sự thiệt hại hay mất quân bình nào đó cho xã hội, con người hoặc môi trường, và sẽ thất bại sau một thời gian tạo ảo tưởng thành công. Phát triển bao hàm tăng trưởng nhưng tăng trưởng không phải là phát triển. Liên hệ mật thiết giữa dân chủ và phát triển là điều đã được chứng minh bằng cả lý luận lẫn thực tế. Liên hệ càng hiển nhiên trong lúc này bởi vì chúng ta đang sống trong kỷ nguyên tri thức, trong đó ý kiến và sáng kiến là những yếu tố quyết định mức độ phát triển, chỗ đứng và sự vinh nhục của mỗi dân tộc, nhưng ý kiến và sáng kiến chỉ có thể nẩy nở nơi nhưng con người tự do, trong những xã hội dân chủ. Nghiên cứu phát triển trong khuôn khổ một chế độ độc tài chỉ có thể là những nghiên cứu vụn vặt, khi không vớ vẩn.
Sự ngộ nhận càng đáng tiếc khi nó xuất hiện trong một nhóm người được coi là có trình độ cao như trường hợp IDS. Có thể là có những điều mà các thành viên IDS biết nhưng nghĩ rằng chưa tiện nói ra, nhưng cũng có những ngộ nhận quá lộ liễu và không thể bỏ qua. Thí dụ như một thắc mắc trong tuyên bố giải thể của IDS : "Tại sao trong nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một văn bản pháp quy có tầm quan trọng như vậy lại có thể được thiết kế như một cái bẫy và để ngỏ khả năng cho việc vận dụng cái bẫy đó ?". Hình như anh em IDS nghĩ rằng việc vận dụng pháp luật một cách tùy tiện chỉ có thể có trong những chế độ khác ! Thực tế đây là một đặc tính của những chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại sao lại ngạc nhiên ? Sự giải thể của IDS là tự nhiên.
Một đặc tính khác của các chế độ toàn trị là chúng chủ trương bóp nghẹt xã hội dân sự và không chấp nhận các kết hợp của người dân ngay cả nếu gây bất mãn. Các chính quyền độc tài không cần người dân yêu chúng, chúng chỉ cần người dân đừng yêu nhau và kết hợp với nhau để có sức mạnh, để chúng dễ khống chế một đám đông cô đơn. Sự giải thể này cũng cần thiết để chấm dứt một sự nhập nhằng đã cản trở cuộc vận động dân chủ. Nó chứng tỏ sự phá sản của khuynh hướng phục tùng và hợp tác để thay đổi từ bên trong. Sự hiện diện của khuynh hướng này đã có tác dụng khiến những người dân chủ đối đầu trực diện với chế độ một cách ôn hòa bị nhìn một cách oan sai như là cực đoan hoặc không thực tiễn và do đó ít được hưởng ứng. Nhưng sự ôn hòa không bao giờ bắt buộc phải hy sinh những giá trị nền tảng. Bao dung không có nghĩa là phải cúi đầu chấp nhận cả những điều bạo ngược và vô lý. Chúng ta có thể không thù ghét gì những người lãnh đạo cộng sản, không mong họ bị cảm cúm, con cái họ lêu lổng ; chúng ta cũng muốn họ có hạnh phúc và coi họ là đồng bào, là anh em nhưng không phải vì thế mà chúng ta phải chấp nhận để họ ứng xử như một lực lượng chiếm đóng, tự cho là đương nhiên có vai trò thống trị và coi phần còn lại của dân tộc như những kẻ nô lệ chỉ được phép phục tùng vô điều kiện. Khi luật chơi vô lý thì thái độ thực tiễn nhất là bác bỏ chứ không phải là play by the rule. Bác bỏ được hay không là một chuyện khác nhưng ít nhất như thế chúng ta khẳng định vị thế con người, và phẩm giá, của chúng ta. Có những điều không thể nhân nhượng. Sự giải thể của IDS ít nhất cũng đóng góp đem lại sự minh bạch cho cuộc vận động dân chủ.
Bây giờ Viện Nghiên cứu Phát triển IDS không còn nữa nhưng các thành viên vẫn có thể cùng suy nghĩ với nhau trên một số vấn đề. Một trong những vấn đề đó có thể là ý nghĩa triết học của khái niệm "quyền". Có ít nhất ba khía cạnh cần được lưu ý.
Thứ nhất, quyền thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn và dõng dạc, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp, nếu không nó không còn là quyền.
Thứ hai, quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại, người ta viện dẫn quyền để phản bác một thực tại vô lý ; nhân danh thực tại để hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát ; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không cho phép nhìn con người từ thực tại ; sự phản kháng là cốt lõi của quyền.
Thứ ba, quyền không thể chấp nhận sự vô lý ; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó.
Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với những quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cũng là tranh đấu cho dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân nhượng, là đòi hỏi thực hiện tức khắc và trọn vẹn các quyền tự do cơ bản. Không có gì là quá khích, quyền con người chỉ là qui luật tự nhiên của sự sống. Tôi có cảm tưởng rằng những người cùng khuynh hướng với IDS, và anh em IDS nói riêng, có lúc đã quên, hoặc coi nhẹ, một số khái niệm nền tảng. Tôi hy vọng là mình đã lầm.
Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận số 240, tháng 10/2009
(*) Hoàng Tụy (chủ tịch hội đồng IDS), Nguyễn Quang A (viện trưởng), Phạm Chi Lan (phó viện trưởng), Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Vũ Kim Hạnh, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, Vũ Quốc Huy, Tương Lai, Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Trần Đức Nguyên, Huỳnh Sơn Phước, Trần Việt Phương, Nguyễn Trung.
(**) Trần Gia Phụng, "Đảng cộng sản Việt Nam nên kiện thư khố Pháp và tác giả Hoàng Tranh", Ngày Nay, Houston, số 652, ngày 15 tháng 9, 2009.
Tin tổng hợp giới truyền thống quốc tế và Việt Nam cho hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường, vì cho rằng ông "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" khi xuất bản những cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà khoa học tại buổi gặp mặt 18/08/2018. Ảnh minh họa : Nhan Sáng -TTXVN
Ngay sau khi Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị xem xét kỷ luật giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, vì những căn cứ trên, giới trí thức phản ứng mạnh bằng cách tuyên bố công khai từ bỏ đảng, thậm chí từ chức. Các trí thức trong số 13 người vừa tuyên bố bỏ Đảng cộng sản Việt Nam nói với VOA rằng họ "quá bức xúc" vì Đảng "không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc", Đảng "đã chọn sai đường", và họ dự báo rằng con số thoái đảng "sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo".
Trước sự kiện trên, người viết tự hỏi "Vai trò của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩaa tại Việt Nam" bao lâu nay là gì vậy ?
Để trả lời câu hỏi tự đặt ra này, chúng tôi lần lượt trình bày : (1) Ý nghĩa từ ngữ trí thức và giai cấp trí thức, (2) vai trò của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (3) Nhận định về hiện tượng một số nhà trí thức đồng loạt từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam.
I. Ý nghĩa từ ngữ Trí thức và Giai cấp trí thức
Theo từ điển Hán-Việt của học giả Đào Duy Anh, trí thức (Intellectual) là những người có "tri thức (Knowledge). Nghĩa là "những điều người ta vì kinh nghiệm hoặc học tập mà biết, hay vì cảm xúc hoặc lý trí mà biết". Còn giai cấp trí thức (Intellectuals class) là "những người trong xã hội thuộc về hạng có tri thức, đã từng chịu giáo dục khá cao". Nghĩa là những người mà xã hội thường gọi là trí thức khoa bảng đỗ đạt các văn bằng cao như cử nhân, tiến sĩ , luật sư, bác sỹ, kỹ sư… chẳng hạn.
Trong xã hội dưới chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam xưa, giai cấp trí thức là những người có học thi đỗ đạt ra làm quan lớn nhỏ trong hệ thống công quyền quốc gia và được sắp xếp thứ bậc là giai cấp đứng đầu trong xã hội "sĩ, nông, công, thương, binh". Không biết có phải vì thế trong dân gian với có câu phiếm "nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chậy rông thì nhất nông, nhì sĩ" chăng ?
Trong xã hội ngày nay dưới các chế độ dân chủ pháp trị thì các nhà trí thức không nhất thiết tham gia vào guồng máy công quyền mà có tự do chọn lựa ngành nghề trong xã hội thích hợp theo khả năng văn bằng. Nhưng trong xã hội dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nói chung, Việt Nam nói riêng, thì vai trò của trí thức có khác.
II. Vai trò của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong chế đô độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giai cấp trí thức được giáo dục đào tạo theo qui hoạch, để phục vụ cho các chủ trương chính sách cai trị vì lợi ích của đảng cầm quyền duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam. Nghĩa là tạo ra các trí thức "vừa hồng, vừa chuyên", là vừa thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản (hồng) và kiến thức chuyên môn theo ngành học (chuyên). Nhưng khác với chế độ quân chủ chuyên chế xưa, "chế độ chuyên chính vô sản" xã hội chủ nghĩa lại sắp xếp giai cấp trí thức đứng đầu các giai cấp cần phải cải tạo hay tiêu diệt nếu không thể cải tạo hay thuần hóa thành công cụ của "Đảng và chế độ cộng sản" được. Công cuộc cải tạo hay thuần hóa thường được thực hiện triệt để trước và một thời gian nhất định sau khi "cướp được chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội" theo phương châm "trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn". Vì sao ?
Vì trên bình diện lý luận marxist-leninist, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Vì vậy sau khi cướp được chính quyền cần cải tạo toàn diễn xã hội cũ, trong đó có con người cũ mà giai cấp trí thức cũ (tiểu tư sản) là ưu tiên cải tạo hay thuần hóa hàng đầu. Vì trong các giai cấp cũ, trí thức là loại cứng đầu, do có trình độ hiểu biết, sống có lý trí nên chủ nghĩa cộng sản khó mê hoặc hơn những giai cấp khác, như giai cấp địa chủ(landlord class), giai cấp nông dân (peasant class), giai cấp tư sản (capitalist class) ; và ngay cả giai cấp công nhân (working class) mang danh "giai cấp vô sản" (proletarian class).
Trong cuộc đấu tranh giai cấp, công nhân hay giai cấp vô sản được chủ nghĩa cộng sản coi là lực lượng nòng cốt, tiên phong thực hiện "cuộc cách mạng vô sản" triệt để(vì không có tư sản ngoài bàn sức lao động cho tư bản, "nếu có mất thì chỉ mất cái xiềng xích, mà được toàn thề giới"…), để xây dựng "một xã hội không còn cảnh người bóc lột người" (xã hội chủ nghĩa).
Giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản,cướp chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vẫn theo lý luận Marx-Lenin, Đảng cộng sản là "Đội tiên phong của giai cấp vô sản, là thành phần tiên tiến và ưu tú của giai cấp công nhân", v.v... Thế nhưng thực tế, giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng, các nước có chung hiểm họa cộng sản nói chung đều thấy rõ "giai cấp vô sản" hay "giai cấp công nhân" cũng như nông dân và lao động nghèo đã chỉ là giai cấp lót đường cho Đảng cộng sản thực hiện tham vọng độc quyền thống trị, độc quyền áp bức, bóc lột.
Vì Đảng cộng sản Việt Nam khi chưa cướp được chính quyền "những giai cấp thấp cổ bé miệng" này đã phải hy sinh nhiều nhất kể cả sinh mạng. Nhưng sau khi nắm quyền thống trị rồi, các giai cấp được "uống nước đường", cho đi "tàu bay giấy" này lại là giai cấp đã bị áp bức, bóc lột nhất bởi một tập đoàn thống trí mới, để phục vụ cho quyền và lợi ích trên hết và trước hết của một giai cấp mới : giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức, có quyền, lắm bạc nhiều tiền, sống vinh thân, phì gia một cách "vô tư"… gây phẫn nộ toàn xã hội, nhưng nếu giám phản kháng sẽ bị các lực lượng "chuyên chính vô sản" (!) đàn áp thẳng tay, không thương tiếc. Đó chính là thực tế Việt Nam sau khi Đảng cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm được Miền Nam bằng bạo lực quân sự vào ngày 30/04/1975, cộng sản hóa Miền Nam, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thật vậy, vận dụng lý luận của chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenin, để tiến hành công cuộc "đi lên chủ nghĩa xã hội" tại Việt Nam, Nghị quyết của Đại hội IV năm 1976 của Cộng đảng Việt Nam đã đưa ra "Đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước" như một định thức chỉ đạo là "nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng : cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt…".
Để thực hiện định thức trên, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tiến hành cuộc cải tạo trên các mặt như thế nào nhân dân trong nước, nhất là nhân dân Miền Nam từng sống dưới chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975) đều đã biết. Riêng các trí thức cả hai miền Bắc Nam sau ngày thống nhất, hiển nhiên không cần nói ra thì ai cũng đã biết chính sách cải tạo giới trí thức như thế nào.
Người viết cũng đã từng được học tập cải tạo tư tưởng qua các lớp họp tập chính trị ngắn ngày dành cho giới trí thức và còn được học toàn thời gian dài ngày về chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenin. Nhưng kết quả thực tế đã không cải tạo được người viết để có cơ hội tiến thân trong chế độ mới (1). Trái lại người viết đã chấp nhận là kẻ "phản động" chống lại đảng và chế độ để vào tù (2).
III. Nhận định
Trước hiện tượng một số nhà trí thức đồng loạt từ bỏ đảng sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo,một công thần của chế độ, một trí thức lớn xã hội chủ nghĩa từng lập nhiều công trạng với đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chúng tôi có vài nhận định sau đây :
1. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam bao lâu nay giới trí thức chỉ là những "công cụ tri thức" của Đảng cộng sản Việt Nam, là "chất xám" sau khi được "cải tạo" thành chất "vừa hồng, vừa chuyên", để sử dụng vào "công tác tư tưởng" trên mọi lãnh vực đời sống xã hội.
2. Giáo sư Chu Hảo bị Đảng kỷ luật đưa đến phản ứng của 13 nhà trí thức lớn cùng tuyên bố ra khỏi đảng, đều là những nhà trí thức xã hội chủ nghĩa "vừa hồng vừa chuyên", khác với số đông các nhà trí thức khác tại Việt Nam "không vào Đảng cộng sản" vì có "chuyên" mà "không hồng".
Vì ở cái tuổi giáo sư Hảo sinh năm 1940 cũng như các vị trí thức cùng trang lứa, sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa Miền Bắc sau 1954, đều được giáo dục đào tạo theo khuôn mẫu để thành "trí thức xã hội chủ nghĩa" (vừa hồng vừa chuyên) nên được kết nạp vào Đảng cộng sản, là bước vào hàng ngũ giai cấp công nhân để làm cách mạng xây dựng chủ nghĩ xã hội. Trong suốt thời gian dài giáo sư Chu Hảo đã từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong bộ mày đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng trong những năm cuối đời, ông lại như "phản tỉnh" có những hoạt động tri thức đi ngược lại với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trái với giáo điều chủ nghĩa xã hội mà đảng đã và đang tiếp tục theo đuổi (dù chủ nghĩa xã hội đã ở Giờ Thứ 25, mà chính Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng tỏ ra hoài nghi không biết đến cuối thế kỷ này Việt Nam đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa).
Chẳng hạn, với cương vị là Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, ông đã cho phát hành những cuốn sách của các nhà tư tưởng dân chủ phương Tây, bị xem là "trái quan điểm" của Đảng là những sách về triết học, chính trị - kinh tế học như "Bàn về tự do" của John Stuart Mill, "Khảo luận thứ hai về Chính quyền" của John Locke, "Nền dân trị Mỹ" của Alexis De Tocqueville… Những cuốn sách này vẫn được giới trí thức Việt Nam xem là "tinh hoa" tri thức mà Nhà xuất bản Tri Thức cố gắng mang đến cho người dân Việt Nam.
Tất nhiên, ông bị "Đảng ta" kỷ luật là vì "những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng…". thì đúng rồi còn gì ? Sau đó ông tuyên bố ra khỏi đảng, có lẽ như "giọt nước cuối cùng làm tràn ly" tư tưởng phản tỉnh hình thành từ lâu trong đầu ông chăng ?
3. Qua phát biểu với VOA của một số trong 13 vị trí thức vừa tuyên bố bỏ Đảng cộng sản Việt Nam, rằng họ"quá bức xúc" vì Đảng "không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc", Đảng "đã chọn sai đường", và họ dự báo rằng "con số thoái đảng sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo".Nhưng chúng tôi và có lẽ nhiều người Việt Nam không cộng sản khác, thì nghĩ rằng, Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ "phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc" mà chỉ phục vụ lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam (cụ thể là các cán bộ đảng viên cộng sản nắm quyền) và quốc tế cộng sản (cụ thể là các đế quốc cộng sản Nga-Tàu), phản dân tộc. Và vì vậy "Đảng ta" đã "chọn đúng đường" chứ không "chọn sai đường" đâu.
Chúng tôi nghĩ rằng, những phát biểu này chỉ là cách "nói lái hay nói lách" theo cách nói của Tổng bí thư Đảng cộng sản Nam Tư Milovan Djilas trước đây sau khi phản tỉnh muộn màng, rằng "20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mới rời bỏ cộng sản là không có cái đầu". Trên diễn đàn này chúng tôi đã có bài phản biện, rằng " 20 tuổi mà đi theo cộng sản là không có cái đầu, 40 tuổi mới rời bỏ cộng sản là không có trái tim". Vì chúng tôi cho rằng 20 tuổi là tuổi bắt đầu trưởng thành có đủ đầu óc, trí khôn để tránh được tính mê hoặc, không tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Sau đó, nếu đã lỡ theo cộng sản "vì không có cái đầu" thì sau một thời gian ngắn theo Đảng cộng sản, qua các hành động giã man tàn ác thực tiễn của cộng sản thì phải "phản tỉnh" để từ bỏ cộng sản càng sớm càng tốt chứ ?
Chẳng qua, cách nói của Tổng bí thư Đảng cộng sản Nam Tư, chỉ là sự ngụy biện cho việc tin theo Đảng cộng sản trong quá khứ là một sai lầm chính đáng, không thể tránh được của tuổi trẻ trước tính mê hoặc của chủ nghĩa cộng sản (một xã hội không còn cảnh người áp bức bóc lột người, công bằng, làm theo năng lực, hưởng theo sức lao động bỏ ra : xã hội xã hội chủ nghĩa) tiến tới xã hội cộng sản viên mãn, không còn giai cấp, không còn nhà nước, các quan hệ xã hội vận hành tự động, tự giác, tài hóa dư thừa, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, không còn biên giới quốc gia, tiến tới thế giới đại đồng, con người được sống ấm ho tự do, hạnh phúc tuyệt vời như Thiên đường của Thiên Chúa giáo hay Niết Bàn của Phật giáo…) !?!
IV. Kết luận
Sự khi bị đề nghị thi hành kỷ luật vì vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, giáo sư Chu Hảo đã tự ý rút ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam, kéo theo nhiều nhà trí thức lớn, có thể coi là một hiện tượng "phản tỉnh tập thể" chưa từng có trong hàng ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Mặc dầu đa số các nhà trí thức lớn này đã phản tỉnh khi đã về hưu, sau một thời gian dài cung hiến chất xám "vừa hồng, vừa chuyên" cho Đảng cộng sản Việt Nam xây vinh quang. Thế nhưng hành động rời bỏ đảng tập thể này vẫn là điều được nhiều người trân quý vì đã góp phần vào sự gia tốc tiến trình dân chủ hóa Viêt Nam. Vì các đảng viên trí thức chính là bộ não của Đảng cộng sản Việt Nam. Một khi bộ não teo dần, Đảng cộng sản Việt Nam ngày một suy kiệt, sự tiêu vong của chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam sẽ là một tất yếu, vấn đề chỉ còn là thời gian sớm hay muộn mà thôi.
Vì vậy, đa số quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước ước mong các nhà trí thức đảng viên cộng sản nói riêng, các đảng viên cộng sản nói chung, hãy có hành động thức thời để cứu dân cứu nước thoát họa cộng sản vong nô, phản dân tộc, đã áp đặt nhiều năm qua, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho Đất nước và Dân tộc. Trông đợi ước mong của toàn dân Việt sớm trở thành sự thật.
Houston, 2/11/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 09/11/2018
Ghi chú :
(1) Trong bài viết trước đây trên diễn đàn này "Vì sao tôi từ chối vào Đảng cộng sản Việt Nam", người viết đã nói rõ lý do. Việc được nhà trường gửi cho đi học các lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày hay học về chủ nghĩa cộng sản marxist-leninnist dài ngày, có lẽ là do chi bộ đảng nhà trường có ý định kết nạp người viết vào đảng. Vì khi đưa đề nghị kết nạp vào đảng (tháng 1/1978) Thiếu úy công an khu vực trường học tên S. (là Trung tá Trưởng công an một quận nội thành vào năm 1992 khi gia đình tôi rời Việt Nam) đã nói tôi được quan tâm bồi dưỡng là vì "đồng chí có lý lịch tốt, (thuộc thành phần lao động nghèo, có cha đi kháng chiến chống Pháp) ; có năng lực, nhiệt tình và ảnh hưởng quần chúng…".
(2) Thế những tôi đã từ chối khéo. Vì lúc đó đang tham gia Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức bị coi là "phản động" vì chống lại đảng và chế độ độc tài cộng sản. Đúng là tôi đã "không uống rượu mời, mà uống rượu phạt" như lời cán bộ T.A.N., Đội trưởng Đội chấp pháp (điều tra, xét hỏi) vụ án có lần nói với tôi sau khi bị bắt cầm tù. Nhưng tôi không chút hối tiếc nào, mà tự hào vì đã chọn lựa đúng theo những gì mình cho là đúng, là chân lý, lẽ phải.
Ông Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học… được truyền thông nhà nước Việt Nam tôn vinh với những công trình nghiên cứu lớn về Hồ Chí Minh. Theo đó ông Hà Minh Đức đã dành rất nhiều tâm sức để nghiên cứu văn, thơ Hồ Chí Minh với các chuyên luận : "Chủ tịch Hồ Chí Minh-nhà thơ lớn của dân tộc", "Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh" và "Báo chí Hồ Chí Minh"...
Giáo sư Phan Huy Lê nhận Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011" - TTVH
Năm 2005, ông Hà Minh Đức cho xuất bản giáo trình do ông biên soạn với tựa đề " Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú". Ông Hà Minh Đức đã nhân được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và cả trong lĩnh vực… Khoa học – Công nghệ nhờ những nghiên cứu văn chương của mình.
Một trường hợp khác là Chủ tịch liên tiếp 3 nhiệm kỳ của Hội nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đưa ra nhận xét về nhân vật này như sau :
"Đặt một nhà thơ giỏi lên vai trò một nhà quản lý, một ông quan thì lại là giết chết người ta. Hồi ông còn làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, người ta chê ông là làm cho Báo Văn nghệ đi xuống, báo văn nghệ là xuôi chiều, sau thời Nguyên Ngọc thì báo Văn nghệ không được nữa. Tôi có nói đùa là Báo Văn nghệ rất khó làm dở mà ông Hữu Thỉnh làm dở được thì chứng tỏ ông rất là giỏi "
Không chỉ dính nghi án "đạo thơ" của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig viết năm 1963, ông Hữu Thỉnh còn bị cho là nguyên nhân khiến rất nhiều nhà thơ, nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam từ bỏ Hội bởi không "phục" nhân cách của nhà thơ này. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ra một ví dụ có thể dùng để đánh giá nhân vật Hữu Thỉnh :
"Năm 2018 là kỷ niệm 70 năm ra đời Báo Văn nghệ thế mà ông Hữu Thỉnh với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong dịp kỷ niệm ấy đã không mời nhà văn Nguyên Ngọc, từng giữ chức Tổng biên tập Báo Văn nghệ thời kỳ 87-88, cao trào đổi mới làm cho Báo Văn nghệ phát triển rực rỡ thì tôi đánh giá là một thái độ hèn nhát, vô ơn và đáng khinh bỉ".
Trên thực tế, dù là một tổ chức dân sự mang tính chất phi chính trị, hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề tự do sáng tác nhưng Hội Nhà văn lại luôn né tránh những vấn đề như nỗi đau của người dân hay không quan tâm đến việc các thành viên Hội bị xúc phạm, bị oan ức, thậm chí những tiếng nói phản biện của các thành viên luôn bị tìm cách triệt hạ…
Một số biến cố đau thương đã từng xảy ra cho người dân Việt như cuộc cải cách ruộng đất năm 1953, Thảm sát Mậu Thân năm 1968, cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979… không hề được nhắc đến hay đánh giá bởi một số nhân vật được ngợi ca là nhà trí thức lớn có ‘tâm’, có ‘tầm’ của Việt Nam như ông GS. Vũ Khiêu, hay cả một nhân vật mới qua đời vào ngày 23 tháng 6 là nhà sử học Phan Huy Lê …
Nhà báo Bùi Tín sống ở Pháp, từng giữ chức Phó tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân và báo Nhân Dân, cũng như Tổng Biên tập báo Nhân dân Chủ Nhật, một người bạn thân của GS Phan Huy Lê giải thích :
"Anh Lê đúng là một nhà sử học có dày công nghiên cứu. Trình độ nghiên cứu của anh ý vào hàng sử học ở VN là số 1 đấy. Có thể nói anh ấy là một trí thức có tài năng, uyên bác và có kiến thức rộng. Nhưng mà cũng đáng tiếc là anh ý sống dưới một chế độ khó khăn cho các nhà trí thức dám được là chính mình cho nên tôi rất thông cảm với anh ý".
Nhà báo Bùi Tín cũng thừa nhận những trí thức lớn như Giáo sư Phan Huy Lê, nhờ thụ hưởng những đề bạt của chế độ cộng sản nên phải lựa chọn cách sống và làm việc để làm vừa lòng chế độ. Những bài viết của GS Phan Huy Lê vì thế mà còn nhiều hạn chế do ông đã không đủ can đảm, không dám thách thức và không dám hy sinh như một số trí thức ngay thẳng khác. Nhà báo Bùi Tín chia sẻ thêm :
"Cải cách ruộng đất thì anh ý chỉ nói ở mức độ mà Đảng cho phép nói, tức là nhận ra sai lầm mà đã sửa sai chứ không có khui ra, kể lể. Hay là vụ Mậu Thân thì miền Bắc ỉm đi nên anh ý cũng không dám nói đâu. Nói thì mất chức, nói thì mất lương, nói thì mất sổ hưu, nói thì cả gia đình liên luỵ thì chết do đó phải thông cảm với anh ý phải chịu trong tình cảnh như vậy. Cũng giống như Nguyễn Khải, phải viết theo chế độ đến khi gần chết mới hối hận là tôi vứt bỏ đi tất cả những gì tôi đã viết là láo lếu tuốt".
Trong thực tế, đảng cộng sản Việt Nam luôn tìm cách lôi kéo những trí thức có tiếng với mưu đồ thuần phục họ. Đó là lý do một số trí thức được tôn vinh hết mực. Họ thường xuyên được xuất hiện trên truyền hình quốc gia và hệ thống báo chí quốc doanh phát biểu về những vấn đề quan trọng. Đổi lại họ cũng được nhận mức trả công xứng đáng từ chế độ như được mời tham gia vào các chương trình nghiên cứu của nhà nước với những khoản kinh phí, thu nhập béo bở, được sắp xếp vào những vị trí quan trọng ở những viện, những tổ chức học thuật quốc doanh.
Và theo nhà báo Bùi Tín thì một khi đội ngũ trí thức đã bị phân hóa với rất nhiều những người luôn sợ hãi thì tất nhiên, một tương lai tươi sáng, tự do – dân chủ cho người dân trong nước vẫn còn ở một chặng đường khá xa.
Nguồn : RFA, 27/06/2018