Tôi ủng hộ điều này. Trước khi có một bản án hiệu lực của tòa, họ vẫn chỉ là nghi can, chưa phải tội phạm.
Một Đinh La Thăng nai nịt chỉnh tề. Một Phan Văn Vĩnh thong dong không bị còng.
Nhưng, phải bình đẳng với mọi bị cáo. Không thể có "tất cả những bị cáo đều bình đẳng trước tòa, nhưng có một số bị cáo khác được bình đẳng hơn" (nhại câu trong Trại súc vật của George Orwell).
Năm 2014. Tôi đang bị giam, nên không biết về hình ảnh một Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) ra tòa với đôi tay còng và xiềng xích chân. Tại sao một nghi can, án kinh tế như Bầu Kiên lại bị đối xử, xích xiềng như... chó vậy (xin lỗi anh Kiên, bởi chính tôi cũng từng cảnh xích xiềng như anh).
Để giờ đây. Vị chỉ huy vụ án Bầu Kiên - tướng Vĩnh - ra tòa với tay chân vung vẩy thế.
2014. Tôi cũng bị còng tay ra tòa, theo lối bẻ ngoặt cánh gà sau lưng. Một cách còng hiếm thấy trong bất kỳ vụ án nào. Phiên phúc thẩm, họ còn xích chân tôi không khác gì Bầu Kiên. Chỉ khi đấu tranh cương quyết không chịu ra tòa nếu không tháo xiềng, thì sợi xích chân mới được mở.
Kết luận điều tra, với án chính trị như chúng tôi, tòa chưa xử đã được tung cho báo chí đánh tơi bời. Án tướng Vĩnh hôm nay, lại được giấu kín, không công bố vì cái gọi là "nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư".
Chúng tôi không yêu cầu bí mật bản án như tướng Vĩnh. Ngược lại, đòi hỏi phải được công bố, công khai những bản án của chúng tôi, theo đúng qui định tại nghị quyết 03/2017/NQ- Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Có dám không ? Tại sao không ?
Có thể khác nhau về thái độ, quan điểm nhìn nhận. Ví như Đinh La Thăng hay tướng Vĩnh ra tòa thì chắp hai tay trước bụng, nước mắt sụt sùi. Còn Nguyễn Đức Kiên, hay tôi thì chắp tay sau đít, nhếch mép cười nhạo...
Đó thuộc về nhận thức và bản lĩnh.
Nhưng, những nguyên tắc thuộc về quy định nhằm hạn chế quyền con người như xiềng xích, chăm sóc y tế, quyền được bảo vệ bí mật đời tư, bảo vệ nhân phẩm, thậm chí đến quyền được mặc quần lót, sử dụng băng vệ sinh như chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh... thì phải bình đẳng.
Hình ảnh tướng Vĩnh mấy hôm nay, trước đó là Đinh La Thăng, và có thể sẽ là Tất Thành Cang hay X nào nữa, như thể luật pháp đang tạo ra một lớp bị cáo khác, bị cáo cấp cao, được hưởng những qui chế đặc ân, như kiểu lũ lợn trong trang trại của George Orwell vậy.
Như vậy thì phỉ nhổ luật pháp quá. Chốn công đường há chẳng khác gì cái "trại súc vật" ấy sao ?
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 17/11/2018
Loạn tướng. Phải gọi đúng thế.
Kết thúc chiến tranh, sau 1975, Việt Nam chỉ vỏn vẹn 36 tướng. Nay, quân đội đã tăng đến 415 tướng (3 đại tướng, 18 thượng tướng, 81 trung tướng, 313 thiếu tướng)(1).
Cộng thêm 205 tướng bên công an (2).
Chỉ tính 8 năm từ 2006 đến 2014, riêng quân đội đã có 231 sĩ quan cấp tướng được thụ phong, gồm 10 thượng tướng, 65 trung tướng và 157 thiếu tướng, gấp 20 lần số tướng trong kháng chiến chống Pháp và hơn 4 lần số tướng trong kháng chiến chống Mỹ.
Loạn tướng. Phải gọi đúng thế.
Chưa kể một lượng khá khủng "thiếu tướng chìm". Gọi nôm na là "đại tá nhô", tức sĩ quan cấp đại tá không được phong hàm tướng nhưng lại hưởng lương tướng (3).
Trong chiến tranh, tướng chỉ để phong cho những chỉ huy thực tài và có chiến công hiển hách. Thời bình, nhiều sĩ quan văn phòng, giáo dục, y tế, bán buôn… cũng đeo hàm tướng.
Loạn từ đấy.
Đến một quân nhân hàm vụ trưởng kinh tài, tức chuyên bấm bàn tính chia lương cho lính cũng tướng. Bác sĩ bệnh viện cũng tướng. Một lão giảng viên, trưởng khoa Mác Lê cũng tướng. Một cậu quân nhân chuyên chuyện bán buôn như ông cựu Chủ tịch tập đoàn viễn thông Viettel Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Thông tin truyền thông) cũng tướng. Một gã làm báo viết văn lăng nhăng như Hữu Ước cũng tướng, trung tướng mới tởm !
Tướng phong rất vớ vẩn. Phong vì cả nể. Không loại trừ khả năng chạy chọt. Dư luận, ngay cả trên báo chí chính thống cũng từng có thời đặt nghi vấn về "thị trường sao vạch" này.
Cực kỳ khôi hài, thậm chí là lố bịch khi vị đại tướng cựu Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh trước đây có lần tha thiết xin quốc hội đừng cắt giảm quân số tướng, vì "không phong tướng thì anh em rất tâm tư".
Rồi ngay chiều qua 6/11, khi quốc hội thảo luận sửa đổi luật công an nhân dân, thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch hội cựu chiến binh, cựu Thứ trưởng quốc phòng cũng "tâm tư" khi so bì định khung chuẩn cho tướng giữa ngành công an với quân đội :
"Việc phong hàm cho các đồng chí công an cũng là đáng mừng, nhưng nếu hai bên không công bằng thì sẽ thấy "tủi thân". Giờ ngồi họp như nhau, một bên tướng, một bên tá thì cũng không vui lắm… Làm thế này, bên quân đội buồn, tủi thân" (4).
Ý ông, muốn so việc qui định giám đốc công an tỉnh thành được phong hàm tướng, trong khi chỉ huy trưởng quân sự các tỉnh thành lại chỉ được hàm đại tá.
So bì "anh ít tôi nhiều, anh được sao tôi không" trong việc phong tướng giữa quân đội và công an, nhiều khi nghe cứ như chuyện tị nạnh của bọn trẻ nít.
Nhớ hồi ông Hữu Ước còn Tổng Biên tập báo công an, khi đó mới mang hàm đại tá. Khi nghe tin ông làm thủ tục "xin" hàm tướng, cũng có lời ra tiếng vào. Ông nghe được, cười rằng : nhiều người như tôi, thậm chí thua tôi, vẫn tướng. So với qui định khung, tôi thừa chuẩn, vậy tại sao lại không ? Họ tướng thì tôi cũng tướng chứ !
Đại loại thế, quá lâu rồi, tôi không nhớ chính xác từng câu chữ ông nói, nhưng cơ bản nội dung vậy.
Rồi ông lên tướng thật. Thiếu tướng, rồi trung tướng mới kinh !
Trước đây, hồi tôi còn ở công an. Nhớ qui định chỉ giám đốc công an Hà Nội với Sài Gòn mới được phong hàm tướng, cũng chỉ kịch trần thiếu tướng. Khi đó tướng ít lắm, nghe là giật mình. Ngay cấp Bộ cũng cực ít. Ông Lê Thế Tiệm, năm 1990 ra ngồi ghế Tổng cục trưởng cảnh sát cũng chỉ hàm đại tá. Giờ, tất tật giám đốc công an các tỉnh thành đa phần đều tướng. Có nơi như Hà Nội, Sài Gòn, đến mấy tướng.
Thế nên, dân tình nhạo "tướng nhiều như lợn con" cũng chẳng oan gì. Chưa bao giờ, cái danh "tướng" lại mỉa mai và ê chề đến thế.
Sửa luật, phải trên tinh thần dẹp tan loạn tướng này. Tướng là cấp hàm, không phải chức vụ. Luật, nên qui định đúng tinh thần đó. Không phải cứ bộ trưởng thì đại tướng, thứ trưởng thì thượng tướng, hay giám đốc công an tỉnh/thành thì thiếu tướng. Phong tướng, vì họ xứng hàm tướng, có tài năng và chiến công hiển hách. Không phải phong tướng vì họ là giám đốc, thứ, bộ trưởng…
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 07/11/2018 (truongduynhat's blog)
____________
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/12/141221_nguyendangquang_vn
(4) http://www.baogiaothong.vn/phong-tuong-cong-an-khong-cong-bang-quan-doi-se-tui-than-d277996.html
Trường hợp Nguyễn Sỹ Cương :
Phát biểu, trong phiên chất vấn chiều 30/10/2018, đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu hiện tượng "trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm". Ông đưa dẫn chứng sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại quốc hội, xuất hiện nhiều phát ngôn "xúc phạm đến các bộ trưởng", thậm chí có cá nhân đăng lên câu "đại diện cho dân, đi ngược lòng dân".
Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội ngày 22/10/2018 - Hình minh họa. AFP
Từ đó, ông chất vấn, yêu cầu Bộ Công an "có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không ?" [1].
Hiểu biết, và thái độ của đại biểu quốc hội như trường hợp Nguyễn Sỹ Cương là hạn chế, và đáng chê trách.
Quan chức, càng cao cấp càng nên biết lắng nghe, cả những lời chê chửi từ dân. Thậm chí, là một chiếc guốc phản kháng, như trường hợp Thủ Thiêm. Bộ trưởng, hay đại biểu quốc hội, không phải "bố mẹ" dân để trông xuống mà mắng mỏ những lời góp ý, phê trách của dân là "xúc phạm".
Hiểu biết, và thái độ như trường hợp Nguyễn Sỹ Cương, tôi cho là hách dịch, kém văn hóa.
Ngô nghê, tục tĩu :
Ngoài thái độ cao ngạo, hách dịch như trường hợp Nguyễn Sỹ Cương, còn nhiều hiện tượng ngô nghê, tục tĩu khác.
Bàn việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các đặc khu kinh tế, nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch quốc hội, lại có cách ví von rất tục tĩu : "Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải lựa chọn những bàn tay tinh tuý nhất, chứ không phải là ai cũng cho vào…" [2].
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phát biểu trước quốc hội về nhóm "giải pháp 3 chân" cho ngành y tế. Bà say sưa nói về "cái chân thứ 3", tỉ mỉ chi tiết mãi hình tượng "chân thứ 3", khiến cả quốc hội được phen cười… vỡ mồm ! Tôi không tin là bà Tiến không biết "chân thứ 3" thường được dân gian dùng để gọi … [3].
Thật tình, tôi không thể hiểu nổi tại sao một vị Phó Chủ tịch quốc hội như ông Phùng Quốc Hiển, một nữ Bộ trưởng như bà Nguyễn Thị Kim Tiến, lại có thể vô tư, hồn nhiên tục tĩu như vậy trước quốc hội.
Đó là chưa kể nhiều trường hợp, từ đại biểu quốc hội, quan chức chính phủ, đến Thủ tướng, Tổng Bí thư… cứ hay hồn nhiên "trên nóng dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", "trên phát động, dưới nằm im"…
Do tư duy tục tĩu ? Hay có thể, do trình độ hạn chế, lúng túng không tìm ra cách nào khác để diễn đạt ?
Rồi nhiều trường hợp ngô nghê khác. Đến mức, dân tình hay ví đại biểu quốc hội như mấy cậu hề Xuân Bắc, Trấn Thành, Hoài Linh…
Quyền cử tri :
Trước những hiện trạng trên, thái độ cử tri là gì ?
Quyền lực giám sát, nói ra thì mông lung. Nhưng cụ thể là tỏ bày, nhận xét, đánh giá, thậm chí là chê chửi. Chê chửi, thậm chí vung chiếc guốc vào mặt đại biểu cũng là một phương cách bày tỏ.
Trước những phát biểu với tư duy hống hách như Nguyễn Sỹ Cương, tục tĩu như Phùng Quốc Hiển, Nguyễn Thị Kim Tiến… Dân không chửi mới lạ.
Biết nghe dân chửi để sửa mình, ấy mới là thái độ thực sự văn hóa.
Và nên nhớ, không chỉ tỏ bày, nhận xét, chê chửi. Không chỉ là những chiếc guốc như trường hợp Thủ Thiêm, cử tri còn một quyền lớn hơn : bãi nhiệm, phế truất đại biểu quốc hội.
Có vẻ như khi phát biểu đòi trị dân, xử dân, ông Cương quên mất điều này.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 01/11/2018
___________
[2] https://tuoitre.vn/viet-nam-cho-nao-cung-dep-khong-phai-ai-cung-cho-vao-20180111111303142.htm
Ai tinh hoa, ai quí tộc ?
Bạn phổ thông, tôi có 3 đứa cực thân : Trương Đức Lãnh, Trương Bảy và Võ Hoàng Phương. Tôi may mắn hơn, là đứa đậu đại học. 35 năm trước, vùng quê thế, vào được đại học là như thể... tinh hoa.
Đại gia đất Cảng từng có 3 tấn vàng - Ảnh minh họa - baomoivnnet, 21/12/2014
3 đứa bám quê. Lãnh giờ thành giám đốc quản mấy xí nghiệp may. Bảy làm ông chủ một shop hoa. Phương nuôi lợn.
À, phải thêm một thằng nữa. Là Việt em tôi, thợ hồ. Mấy đứa bạn thân tôi, cũng là bạn nó. Vì thế riết rồi, nó với tôi cũng như hai thằng bạn.
Lâu lâu, có chai rượu ngon, tôi vẫn chạy về. Mày tao chí tớ rôm rả, chẳng đứa nào phân rạch giai tầng, ngôi vị. Quí, nên bọn chúng cứ hay bảo tôi là đứa "thành danh", là "niềm tự hào"... Tôi chả dám. Bởi chúng nó còn khối niềm tự hào mà tôi không thể có.
Thú thật, chưa bao giờ tôi quan niệm ai "tinh hoa" hay đẳng cấp hơn ai. Cả những thằng bạn sau này, có đứa hàm Thứ trưởng, Bộ trưởng, trung ương ủy viên... Mỗi thằng một tính, mỗi công việc. Chắc gì tôi đã làm tốt cái nghĩa vụ và bổn phận công dân hơn chúng nó. Cũng như cái thằng Thứ trưởng, Bộ trưởng, trung ương ủy viên kia, có phải việc gì cũng "tinh hoa", cũng "trên thế" với thằng Việt thợ hồ hay thằng Phương nuôi lợn.
Đóng góp cho xã hội và vị thế, vai trò mỗi đứa, không hẳn đứa nào "trên" đứa nào. Biết quí trọng nhau, quí trọng cuộc đời, bình đẳng và yêu thương chúng bạn, ấy mới là "tinh hoa" của cuộc sống.
Cũng không ít lần từng ngồi rung đùi trong mấy cái "opera", với nhà hàng dành cho giới quý tộc, thượng lưu giữa trung tâm New York, Washington DC... Nhưng chỉ để cho biết. Chưa bao giờ tôi dám xem đó là điều "hơn" chúng bạn. Mấy ông bà quý tộc Mỹ, cũng chẳng thấy ai nhìn tôi với ánh mắt khi dễ. Vào đấy, tôi cũng như họ, ai cũng "quý tộc" như ai. Chẳng ai dám vênh mặt cho mình là "tinh hoa, dẫn đắt".
Ăn cơm với vua, tôi cũng đã từng. Cơm tù cũng đã. Nhưng không thể nói ngồi với vua (hay Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng bí thư) là "vinh" hơn cơm tù. Thậm chí là ngược lại.
Dài dòng thế, là nhân việc có một cậu nhạc sĩ nọ vừa cao xướng mình là "giới quí tộc, tinh hoa".
Hơn 30 năm làm báo, tôi có nhiều cơ hội để có thể "vun vén" cho mình một cơ ngơi "quí tộc" như chàng nhạc sĩ nọ. Nhưng tôi không chọn cách đó. Bởi không xem đấy là một giá trị "quí tộc, thượng lưu", và ngược lại, luôn hướng cho mình một lối sống giản lược nhất có thể.
Không biết gia thế cu cậu thế nào. Ừ, cứ cho là "quí tộc" đi. Nhưng, ôm đàn tửng tưng vài nốt sòn la sí đố mà dám vỗ ngực xưng "tinh hoa", đòi "dẫn dắt dân tộc" thì là thứ vô học.
Tôi không cho đó là sự lỡ lời. Lỡ, có thể văng Đ.M, hay… "cái ông Nhạ". Còn đây, là cậu đã mặc xếp mình thuộc tầng lớp "quý tộc tinh hoa" mang sứ mệnh "dẫn dắt dân tộc" cơ mà.
Đất nước, có vài đứa như thế là mạt vận, chứ "dẫn dắt" chi.
Luận lý "dẫn dắt" & câu hỏi : đảng viên không phải con người ?
Tôi gắn đảng vào đây, cùng với chàng "quí tộc" kia, cũng bởi chính sự tương đồng trong tư duy "trên dưới", "dẫn dắt" và "tinh hoa" bậy bạ đó.
Sống trên đời, chẳng ai có thể vỗ ngực tự xưng mình "là đạo đức, là văn minh". Đảng (cộng sản), không thể là tầng lớp đứng trên để "dẫn dắt" quần chúng. Câu "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" xưa rồi. Giờ, ối đảng viên phải nhìn vào nhân dân mà học tập.
Anh đảng ư, kệ đảng. Việc đảng của đảng, việc dân của dân. Xã hội hiện đại, mỗi người một vai trò - chức phận, không ai làm gương hay dẫn dắt ai.
Càng không thể khi xếp đảng là một "loài giống" đứng trên và cao hơn... con người.
Hãy nghe ông Nhị Lê (phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) nói : "Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đạo đức, phẩm hạnh, trước hết ở liêm sỉ, tức là sự xấu hổ, mà thiếu nó thì không thể thành người, nói gì đến trở thành đảng viên" (1).
Thật kinh sợ ! Thế chẳng lẽ đảng viên không phải con người, đứa nào đảng viên thì là giống loài khác ?
Tôi không đảng. Nhưng mấy đứa em tôi đem đảng ra để phân xếp, đòi "dẫn dắt", e no đòn. Về quê, ngồi nhậu mà mở miệng "quí tộc" với "tinh hoa", có khi ăn ly rượu vào mặt.
Không chỉ là chuyện về một thằng nhạc sĩ vớ vẩn với cái lão đảng viên giáo điều nọ. Đó còn là tư duy phát triển. Quốc gia, luẩn quẩn mãi bởi sự "dẫn dắt" của thứ tư duy "quí tộc, tinh hoa" Cờ Lờ Mờ Vờ thế, không mạt mới lạ.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 15/10/2018 (truongduynhat's blog)
(1)http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nha-bao-nhi-le-nhieu-dang-v...
Nếu Hà Nội khuấy động dân tình với chủ trương không bán không ăn thịt chó, thì Hồ Chí Minh lại đang nóng lên với những chiến dịch tìm diệt chó.
Những chuyện chó ấy, không chỉ là Hà Nội.
"Công an tịch thu chó, dân tình, hàng quán nháo nhào ôm chó chạy trốn" - Những bản tin hết sức khôi hài về các cuộc tấn công bắt giữ chó, tràn mặt báo.
"Sáng 18.9, lực lượng chức năng P. Trung Mỹ Tây tiếp tục ra quân kiểm tra các quầy bán thịt chó tại đường Trung Mỹ Tây 13.
Khi đoàn di chuyển đến khu vực chợ Trung Mỹ Tây, nhiều người buôn bán thịt chó nháo nhào. Một số người lập tức mang thịt chó vào bên trong nhà rồi đóng cửa khoá kín. Có người đang sửa soạn sơ chế nội tạng chó bỏ ngang đi nơi khác tránh mặt. Thậm chí, có người đang giao hàng cũng ôm thịt chó chạy thục mạng vào bên trong lòng chợ" (trích bài tườ ng thuật trên báo Thanh Niên ).
Đấy là cuộc tổng tấn công hàng quán thịt chó tại quận 12.
Quận 1, cuộc ra quân rầm rộ đuổi bắt chó đã diễn ra từ mấy tháng qua. Vị tổng chỉ huy chiến dịch chó này, không ai khác, chính nhân vật Hải Cẩu huyền thoại.
Sau thất bại ở đợt ra quân dẹp loạn vỉa hè, Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức. Chưa từ chức được, đang đợi cấp trên duyệt thì ông lại đổi ý, viết "đơn rút đơn từ chức".
Không từ chức. Cũng không cẩu xe dẹp loạn vỉa hè nữa. Đoàn Ngọc Hải chuyển hướng, mở các cuộc tấn công chó, truy đuổi và triệt bắt chó thả rông.
Tuy không còn vẻ hung hăng như trong chiến cuộc vỉa hè, nhưng sự quyết liệt đến dữ dằn từ trong ánh mắt ông Hải không hề khác. Đôi mắt nhìn kinh sợ. Cho dù, đối tượng của ông hiện là chó, chứ không còn là dân thúng bán bưng như trước.
Thật tình hoảng.
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ?
Nếu tỉnh thành nào cũng như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Cả nước đồng loạt những chính sách chó, và những cuộc tổng tấn công chó như thế, thì sao nhỉ ?
Cứ liên tưởng vậy mà kinh !
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 18/09/2018 (truongduynhat's blog)
Sự tàn độc và ác ôn của trại 6 trong cách ứng xử với tù nhân chính trị, một lần nữa được nhắc đến qua đợt tuyệt thực vừa rồi của Trần Huỳnh Duy Thức.
Trại Giam số 6 - Ảnh : Trương Huy San (Huy Đức)
Trước đó là trường hợp Hải Điếu Cày.
Biệt giam. Cắt bỏ, ngăn cản và tước đoạt nhiều quyền lợi về thăm gặp, tiếp tế lương thực, sách báo, thuốc men...
Là trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bị bịt mồm trong cuộc thăm gặp thân nhân, khi anh cố đưa tin Hải Điếu Cày tuyệt thực.
Là hành hung, đánh đập dã man bà con nông dân Dương Nội khi họ vào đón anh Trịnh Bá Khiêm mãn hạn tù. Con trai anh Khiêm (cháu Trịnh Bá Tư) bị đánh toét đầu rách mắt.
Là trường hợp tôi, Trương Duy Nhất trọng bệnh nằm liệt một chỗ suốt 25 ngày. Đến khi phải bò lết ra, nằm chắn ngang cửa phòng giam đấu tranh mới được chuyển viện cấp cứu.
Khi mãn hạn tù, đã tổ chức cướp đoạt hết những tập nhật ký tôi viết. Chở vứt tại một đoạn đường rừng cách trại hơn 4 km rồi hăm dọa "xin tí huyết" cho tôi "hết đường về".
...
Tôi đã đi qua 3 trại, từ B 14, Hòa Sơn, đến trại 6. Mỗi trại mỗi sự khắc nghiệt và ác ôn riêng. B 14 không tước đoạt quyền nhận - đọc sách báo, nhưng bịt bùng đến ngộp thở. Hòa Sơn thì điều kiện ăn uống, sinh hoạt, giam cầm như súc vật.
Mỗi nơi mỗi vẻ.
B 14, với điều kiện ăn uống và sách báo hơn các nơi khác nên thường được ví là "thiên đường trại tạm giam Việt Nam". Có lẽ nó được vậy, bởi là trại chuyên biệt dành giam các nhân vật cao cấp và những án lớn thuộc an ninh quốc gia, liên đới tới chuyện triều đình.
Hòa Sơn, dù ít bịt bùng hơn, mỗi ngày được ra tựa cửa "hơ nắng" 30 phút, nhưng cơ bản mọi điều kiện ăn uống sinh hoạt không khác gì... trại lợn.
Trại 6, khác B 14 với Hòa Sơn vì nó là trại giam (không phải trại tạm giam), nên điều kiện ăn uống có khá hơn. Nhưng cách ứng xử và trừng trị tù nhân khi có chuyện thì cực kỳ tàn độc và man rợ. Đến mức, đợt thả anh Trịnh Bá Khiêm, họ còn dùng cả lực lượng "cảnh sát chó" (cảnh khuyển) để uy hiếp, trấn áp đoàn ngừoi đến đón.
Những hành vi xâm phạm đến quyền lợi tù nhân, thậm chí chà đạp quyền con ngừoi, có thể nói là phổ biến trong nhiều trại, chứ không gì các trại trên. Bạn đọc hẳn nhớ trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi ở trại tạm giam công an Khánh Hòa, thậm chí còn không được mặc quần lót và không băng vệ sinh.
Việc duy trì trại tạm giam, trại giam thuộc Bộ Công an khiến không thể kiểm soát để hạn chế được các tình trạng vi phạm thô bạo và man rợ, như kể trên. Nhiều ý kiến, kể cả quốc hội, cũng nhiều lần đặt vấn đề, đòi tách hệ thống giam giữ giao cho Bộ Tư pháp quản. Nhưng rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy.
Hiện, ngoài vai trò "cấp trên" là Tổng cục (nay là Cục) cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, thì vai trò kiểm tra giám sát việc giam giữ thuộc về Viện kiểm sát nơi trại giam đóng.
Ở bài viết khác, tôi sẽ kể hầu bạn đọc một chuyện khá... vui, về một nhân vật được giao quyền kiểm sát giam giữ : Nguyễn Cảnh Nga, trưởng phòng kiểm sát giam giữ Viện Kiểm sat nhân dân tỉnh Nghệ An. Nhân vật đụng độ khá nhiều với khu tù chính trị trại 6.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 17/09/2048 (truongduynhat's blog)
Là chuyện chó, đang rộn lên gần chục ngày rồi. Chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu : sau 3 đến 5 năm nữa, dân thủ đô sẽ không ai ăn thịt chó. Bước đầu là vận động, nhưng nghe vẻ quyết liệt lắm. Tuyên bố đến 2021 cấm tiệt các hàng quán thịt chó trong nội thành.
Hình chụp hôm 26/7/2012. Thịt chó được bày bán tại một cửa hàng ở Hà Nội - AFP
Cũng từng có thời mê mẩn, cứ ra Hà Nội là kéo đến Nhật Tân. Nhưng tôi bỏ hơn chục năm rồi. Nên ủng hộ phong trào không thịt chó. Ủng hộ, không có nghĩa kỳ thị, hoặc ngăn cản, cấm đoán quyền được ăn của người khác.
Hãy nghe cụ Vũ Bằng nói về việc này từ những năm 50 của thế kỷ trước :
"Ờ mà nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh... huống chi là thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao ?".
…
"Người ta viện lý con chó là bạn của loài người, ăn thịt nó là mọi rợ, thế thì tại sao con ngựa, "một chinh phục cao cả nhất của loài người" mà người Âu Mỹ cũng đem ra "đánh chén" ? Bảo là con chó ăn bẩn, thế thì con gà, con lợn, con cá ăn uống sạch sẽ ư ?
Không. Con chó là con vật để cho người ta ăn thịt : ăn thịt chó không khác gì ăn thịt thỏ, ăn thịt nai, ăn thịt bò. Huống chi thịt chó lại còn ngon và bổ ; vì thế tôi cho rằng mặc dầu người ta đàm tiếu thế nào đi nữa, thịt chó vẫn cứ là một món ngon bất diệt của dân ta và tôi tin rằng : "Nước ta còn, thịt chó còn" mà văn hóa ẩm thực của ta mai sau hay, dở là ở điểm có biết duy trì thịt chó hay không vậy".
(Trích "Miếng ngon Hà Nội")
Tôi không dám nói "nước ta còn, thịt chó còn", nâng tầm thịt chó thành "quốc hồn quốc tuý" như cụ Vũ Bằng. Nhưng quả thật không dễ gì để câu cửa miệng "sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không ?" tồn tại đời đời kiếp kiếp đến tận bây giờ. Ở nghĩa nào đó, có thể coi đấy cũng là một nét văn hoá Hà thành vậy.
Thế nên, ai thích cứ việc. Đừng coi việc gắp một miếng dồi chó là hành vi "độc ác" hay "thiếu văn minh". Hoặc đến như cái ông giáo sư trường sinh học và tâm linh nào đó cho rằng "chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người, nên ăn thịt chó tức là ăn thịt người", thì kinh quá !
Ai lại đi nói thế. Người là người, mà chó là chó chứ !
Vả lại, Hà Nội giờ còn muôn việc khác, đâu chỉ chuyện chó ? Để dân tình bỗng nhiên nhốn nháo lên vì chuyện chó ấy mà gọi là "văn minh" sao ?
Nói lại : tôi đoạn tuyệt với món chó hơn chục năm rồi. Ủng hộ chủ trương không thịt chó. Nhưng để xây dựng một Hà Nội văn minh, phải là những mục tiêu khác, chính sách khác, không phải ở chính sách… chó này !
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 15/09/2018
Giáo dục hiện đại là làm sao để học sinh trở thành chính nó, chứ không noi gương ai.
Tôi thích tư duy giáo dục này của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Dạy trẻ, từ thuở lên 3, đã buộc chúng phải biết yêu thương ông Bác Hồ, là thứ giáo dục bậy bạ, phản giáo dục.
Không am hiểu chuyên sâu nhiều về mặt ngữ âm, nên tôi không dám lạm bàn đúng - sai, nên - không ở việc dạy trẻ đánh vần và tiếp cận con chữ kiểu những ô vuông tròn của "công nghệ giáo dục". Nhưng tư duy một bộ sách, một kiểu dạy "đồng phục" là thứ giáo dục hủy hoại và triệt tiêu sáng tạo.
Giáo dục hiện đại là làm sao để học sinh trở thành chính nó, chứ không noi gương ai.
Tại sao cứ duy trì một cách tiếp cận con chữ duy nhất cho con trẻ, mà không phải nhiều cách, lối khác nhau ?
Đó là với trẻ bắt đầu tiếp cận con chữ ở lớp vỡ lòng. Với cấp học phổ thông và cao hơn, càng phải "thả" học sinh vào trường tư duy tự do hơn, không cột nhốt trong một khuôn mẫu bất kỳ nào. Con gái tôi, hồi học cấp 3, đã mấy lần tỏ vẻ khó chịu khi "cô giáo cứ bắt con phải thích Thúy Kiều, trong khi con lại thích Thúy Vân". Tôi bảo "hãy cứ là chính con, thích ai thì viết thích". Nó nhăn "không được, viết thế cô cho 0 điểm".
Hỏng. Giáo dục thế, tư duy thế, sẽ chỉ tạo nên tương lai những thế hệ công dân robot đồng loạt gật gù vâng dạ, triệt tiêu khác biệt, triệt tiêu phản kháng.
Tôi nhìn cuộc đánh đấm "công nghệ giáo dục" của giáo sư Hồ Ngọc Đại trên nghĩa đó. Chứ không hẳn ở chuyện vuông - méo - tròn cùng cách đánh vần, tiếp cận con chữ.
Hãy là chính mình. Tôi thích "triết lý" này. Nó đề cao, tôn trọng vai trò cá nhân, chứ không "đồng phục hóa" cả xã hội. Giáo dục, dạy dỗ sao để con trẻ là chính mình, không lẫn lộn, không noi gương, không ra rả học tập làm theo ai. Dạy trẻ, khác dạy con vẹt ở điểm đó.
Giáo dục, phải nhìn trên nghĩa đó. Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ. Không độc lập tư duy, không là chính mình, suốt đời cứ "học tập và làm theo" một tấm gương nào đó, thì dân Việt mãi mãi chưa trưởng thành.
Hãy nghe thầy Đại nói về sự so sánh "cậu ấy đẹp trai như anh hàng xóm" : Tại sao lại so sánh thế, nó phải là chính nó chứ !
Cũng như tại sao, cứ phải ước ao Hà Nội như Paris, Sài Gòn như Singapore mà không là chính nó. Giá trị riêng biệt của Hà Nội, Sài Gòn là gì ?
Hoặc lớn hơn, đâu là giá trị Việt riêng biệt ?
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 12/09/2018
Vụ 800 tỷ Oceanbank đang xử. Khi Đinh La Thăng khai vai trò của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến sự chỉ đạo, đồng ý để PVN bưng một núi tiền sang "gửi" Oceanbank, nhưng thấy Hội đồng xét xử bỏ qua, không triệu tập ông Dũng.
Đinh La Thăng khai vai trò của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến một núi tiền sang "gửi" Oceanbank
Tòa cho qua. Nhưng tôi nghĩ, ở quyền lợi bị cáo, Đinh La Thăng và các bị cáo khác nên yêu cầu triệu tập ông Dũng ra tòa đối chất. Tại sao không ?
Và một khi đã có yêu cầu từ bị cáo, thì tòa phải triệu tập. Phải xem đây là nguyên tắc bắt buộc, không được từ chối.
Trước tòa, Hội đồng xét xử phải triệu tập nhân chứng, người bị hại, hoặc các cá nhân liên quan khác theo yêu cầu của bị cáo. Không thể vin cớ "không cần thiết" (theo quan điểm của Hội đồng xét xử) để từ chối yêu cầu triệu tập. Hội đồng xét xử cho rằng "không cần thiết", nhưng bị cáo lại cho rằng "cần thiết", để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo trong khi xét xử, thì Hội đồng xét xử không có quyền từ chối.
Sẽ là sai phạm, bất công lớn khi Hội đồng xét xử tự coi việc triệu tập là quyền của tòa, chứ không phải quyền của bị cáo.
Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa phần các vụ án (đặc biệt án chính trị), Hội đồng xét xử đều từ chối các yêu cầu triệu tập của bị cáo.
Ở vụ án của tôi trước đây, không chỉ yêu cầu tại tòa, trước cả hai phiên xét xử (sơ và phúc thẩm), tôi đều có đơn yêu cầu triệu tập các cá nhân liên quan (được cáo trạng xem là đối tượng "bị hại" trong vụ án) gồm : Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Nông Đức Mạnh... Đặc biệt với trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, tôi yêu cầu "nếu triệu tập không đến thì phải dẫn giải".
Nhưng đã không "đối tượng bị hại" nào được triệu tập, không "người bị hại" nào được dẫn giải tới tòa.
Xét xử một bị cáo về hành vi "xâm hại" đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, mà không có sự đối chất với đối tượng "bị hại", không xác định được ai là người bị hại.
Đến giờ, tôi vẫn tin rằng, không ai trong số họ (cả ông Nguyễn Tấn Dũng) dám cho rằng những bài viết của tôi là "xâm hại, bôi nhọ", làm giảm "uy tín chính trị" của họ. Và thật sự, nếu triệu tập họ đến tòa, nếu cho đối chất sòng phẳng, công tâm, thì tôi xử họ chứ làm sao họ xử được tôi.
Nguyên tắc tranh tụng trước tòa, không có sự đối chất này, coi như phiến diện, một chiều, dễ mắc oan sai.
Trở lại vụ đại án đang xử. Đinh La Thăng, và các bị cáo khác nên yêu cầu tòa triệu tập cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phải ý thức rằng đó là quyền đương nhiên của bị cáo.
Các thẩm phán chủ toạ phiên tòa, cũng nên trưởng thành hơn trong nhận thức để hiểu rằng : Triệu tập, không chỉ là quyền của tòa án, cơ quan điều tra, công tố, mà còn phải được xem là quyền của bị cáo. Tước bỏ quyền này là tước bỏ nguyên tắc công bằng trong tranh tụng, xét xử, là xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Nhận thức vậy, hiểu được vậy, thì Nguyễn Tấn Dũng hay bố, tổ, tông ti thằng X cũng phải triệu đến tòa.
Nhận thức vậy, xử vậy, thì khối kẻ đã vào tù thay tôi.
Nhận thức vậy, xử vậy, thì trước tòa hôm nay, sẽ không chỉ là Đinh La Thăng.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 21/03/2018 (truongduynhat's blog)
Khi lòng thương thành tội ác
Vâng, chân thành cảm ơn nhiều bạn đọc đã nhắc nhở, chỉ bày khi tôi lỡ văng đôi lời tục tĩu trước đám tung hô về "lòng tử tế" và nghĩa "quân tử" của Đinh La Thăng cùng bè lũ X ăn tàn phá hoại đất nước.
Ông Đinh La Thăng bị còng tay đi vào phòng xử
Nhưng quả thật, trước nhiều sự thể, không ngòi bút, câu chữ nào có thể diễn tả hơn một câu chửi, cho dù có tục tằn.
Hình ảnh Đinh La Thăng bị còng tay lôi ra tòa, có thể khiến nhiều vị chạnh lòng.
Vâng. Tôi cũng thế, ở nghĩa con người, thoạt đầu tôi cũng chạnh lòng, cũng thoảng chút… thương cảm chứ. Nhưng trên tư thế một nhà báo, tôi không cho phép mình tỏ lòng thương cảm, mà phải biết… căm thù !
Thương xót bọn ăn tàn vét tận, phá hoại nền kinh tế, ăn trên xương máu đồng bào thì "lòng thương" đó cũng đã thành tội ác.
Chúng nó cười
Tại sao, trước vạn ngàn lời phỉ nhổ thế, chúng nó vẫn có thể cười ? Tại sao, sau khi vơ tàn vét tận tài sản quốc gia và phá nát tan cả nền kinh tế, chúng vẫn có thể thanh thản… vô chùa, làm "người tử tế" ?
Ghét nhau ghét cả… nụ cười. Có thể thế chăng ? Tôi không che giấu điều này, bởi luôn xem chúng là kẻ thù, không chỉ kẻ thù của tôi mà kẻ thù của quốc gia, dân tộc.
Thà chúng biết khóc, như thằng Nguyễn Minh Hùng Việt Nam Pharma. Nhục thì rõ là nhục đấy, nhưng lại thấy còn chút động lòng cảm thương hơn, vì còn nhìn thấy ở đấy ít nhiều tính thiện.
Hay, chút thiện nhân ít ỏi trong chúng cũng không còn ?
Người tử tế hay kẻ khốn nạn ?
Không nín được, chắc phải tục một tí thôi, xin lỗi không thể khác : Tôi… ị vào mồm những đứa nào đang choàng áo "quân tử" cho Đinh La Thăng làm "người tử tế".
Vì sao, cái danh "tử tế" xưa nay vốn tử tế vậy, lại trở nên như một sự mai mỉa khinh miệt đến tột cùng, khi áp vào trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, và giờ với Đinh La Thăng ?
Đã cố kìm mãi mấy ngày qua, khi nghe quá nhiều những bài báo ngợi ca một thằng khốn nạn, ăn tàn phá hoại đất nước là "người tử tế", "đấng quân tử". Nhưng rồi không thể văng một câu, cho dù biết là rất tục.
Có vẻ như, nhiều, quá nhiều những cây bút đang dính mùi... c !
Chúng nó, chúng tôi
Thấy nhiều người lên tiếng đòi tháo còng cho Đinh La Thăng.
Chúng tôi - Ảnh : internet
Tại sao trước đấy, không nghe ai lên tiếng đòi tháo còng cho chúng tôi, những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải Điếu Cày, Cấn Thị Thêu, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh… và mới đây là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hóa… ?
Thậm chí như phiên xử tôi, còn bị còng giật cánh khuỷu (bẻ quặt hai tay phía sau như… súc vật vậy). Phiên phúc thẩm, chúng còn còng xích cả hai chân tôi.
Nhưng tất cả chúng tôi, vẫn đạp trên mọi xiềng xích để ngẩng đầu trước toà. Còn họ, không, tôi phải gọi họ là chúng nó, tại sao chúng nó lại rúm ró cúi đầu trốn tránh ống kính phóng viên ?
Ai mới là "đối tượng nguy hiểm", chúng tôi hay chúng nó mới là kẻ đáng bị còng ? Nhân danh đạo đức và cái lẽ công bằng chi chi đó đòi tháo còng cho chúng nó. Còn chúng tôi thì sao ?
Hỡi những nhà đạo đức đang khóc ướt bàn phím cảm thương cho những Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh… Các vị có biết, trong tù chúng nó sống thế nào không ? Mùa đông chúng nó có chăn bông, vạt giường, mùa hè chúng nó có máy lạnh, thức ăn chúng nó thừa vứt cho chuột, chó.
Còn chúng tôi bị ngược đãi thế nào ? Giữa những ngày tê cóng này, trong khi chúng nó có chăn bông, vạt gỗ, thì những bạn tù của tôi, những Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài… đang co ro trên sàn xi măng lạnh cóng.
Không ai bị coi là có tội, khi chưa có một bản án kết tội hiệu lực của toà. Vâng. Nhưng có phiên xử nào của chúng tôi, bị cáo và luật sư được tranh tụng thoải mái như các phiên xử chúng nó ? Các vị đòi hỏi lẽ công bằng trong giam giữ, dẫn giải, xét xử, tranh tụng. Nhưng tại sao, những công bằng đó lại chỉ dành cho chúng nó, còn chúng tôi thì không ?
Thưa thật, nếu các phiên tòa xử chúng tôi, cho tranh tụng một cách công minh, sòng phẳng thì chúng tôi xử tòa chứ làm sao tòa xử được chúng tôi.
Cùng là tù nhân, nhưng chúng tôi là tù khác. Còn chúng nó là loại tù nhục tù ô. Trả lời RFA về việc Đinh La Thăng bị còng tay lôi ra toà, tôi gọi đó là hình ảnh ô nhục. Nó khác, rất khác với những hình ảnh trước tòa của chúng tôi. "Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang". Câu ấy, tôi nói trước toà, và được khắc ngay trên bức tường buồng giam B14. Nơi luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều bạn tù bất khuất của tôi đang bị giam giữ.
Ừ thì nhân đức. Nhưng lòng nhân ấy, nếu còn, tôi dành cho những bạn tù bất khuất của tôi, để góp chút hơi ấm đến những Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Cấn Thị Thêu… chứ không phải chúng nó, những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và cả một lũ X khốn kiếp kia !
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 12/01/2018 (truongduynhat's blog)