Thái Lan có điều tra thêm vụ ông Trương Duy Nhất 'mất tích' ? (BBC, 05/03/2019)
Gần một tháng sau khi lãnh đạo cơ quan di trú Thái Lan tuyên bố sẽ điều tra việc blogger Trương Duy Nhất bị mất tích, vụ một người Việt ở Bangkok bị cảnh sát giữ vì giấy tờ cư trú đang gợi lại các câu hỏi về vụ blogger Trương Duy Nhất 'mất tích'.
Trương Duy Nhất - Ảnh minh họa
Cùng lúc, Tổ chức Human Rights Watch công bố yêu cầu đối với Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhắc tới vụ việc này và cho rằng EU cần nêu với phía Việt Nam trong kỳ đối thoại nhân quyền lần thứ tám ở Brussels sắp bắt đầu hôm 4/03/2019.
Hôm 2/3, một nguồn tin ẩn danh cho BBC biết, chiều hôm trước, thứ Sáu 1/3, ông Phạm Cao Lâm và vợ bị cảnh sát Thái Lan đến nhà mời về đồn.
Cảnh sát hỏi ông Lâm về một nhân vật đã giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong thời gian ông đến Bangkok để tìm cách tới cơ quan Cao ủy Tỵ nạn (UNHCR) nộp đơn xin tỵ nạn, theo nguồn tin ẩn danh nói trên.
Bị bắt vì thiếu giấy tờ
Trả lời BBC hôm 4/3, văn phòng của ông Surachate Hakparn, Cục Di trú Thái Lan xác định tin ông Phạm Cao Lâm bị cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt.
Nhưng cảnh sát Thái Lan lại cho biết lý do tạm giữ người này là vì thiếu giấy tờ cư trú :
"Ông Phạm Cao Lâm đã bị bắt vì ông đã làm việc mà không có giấy phép làm việc tại đây. Bây giờ vấn đề của ông ấy đang trong quá trình làm việc. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng gọi cho đồn cảnh sát".
Cơ quan Di trú Thái Lan không phủ nhận và cũng không xác nhận với BBC là việc bắt giữ ông Phạm Cao Lâm có liên quan gì đến việc điều tra của Thái Lan về vụ blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng bị cho là 'mất tích' từ hôm 26/1 không.
Và họ cũng không trả lời câu hỏi của BBC về tình hình của cuộc điều tra này.
Một nhân viên đồn cảnh sát Kookot thì cho hay ông Phạm Cao Lâm đã bị chuyển cho Trung tâm tạm giữ của Sở Di trú, còn gọi là 'Immigration Detention Center' ở Bangkok.
Ông Phạm Cao Lâm là khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tị nạn tại Vương quốc Thái Lan và tin ông bị bắt làm một số người Việt khác ở đây lo lắng.
Các nhóm chạy từ Việt Nam sang Thái Lan thường liên lạc với những người đã có mặt tại đây để tìm trợ giúp ăn ở, sinh hoạt và quan trọng hơn, cách nộp đơn xin tỵ nạn.
Trong khi đó, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất nói với BBC :
"Đã hơn một tháng rồi mà cả Thái Lan và Hà Nội đều chưa có thông tin gì, chưa có cơ quan nào xác nhận là đang giữ ba của con nên con hết sức lo lắng".
Hôm 7/2 ông Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
"Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này", ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tuần này nói họ đã xác nhận tin ông Nhất bị những người vô danh bắt giữ tại một trung tâm thương mại, Future Park, ở Bangkok ngày 26/1.
Ân xá Quốc tế nói họ xác nhận tin này với "các nguồn độc lập giấu tên".
Các mạng xã hội tiếng Việt đã rộ lên tin nói ông Nhất đến Thái Lan đầu tháng Giêng. Rồi ngày 25/1, ông nộp đơn xin tị nạn tại văn phòng Bangkok của cơ quan UNHCR.
Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cung cấp thông tin về vụ việc.
Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì nói ông Nhất đến Thái Lan "chỉ vì một nguyên nhân".
"Là để xin tị nạn, và ai đó không muốn ông ta làm thế, vì vậy chính phủ Thái Lan nên mở ngay điều tra".
UNHCR-Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn-tại Thái Lan từ chối bình luận.
Trên các báo quốc tế, vụ việc ông Trương Duy Nhất 'bị mất tích' dừng lại trong các bài đăng hồi tháng 2.
Chẳng hạn trang The Guardian ở Anh có bài như vậy hôm 05/02/2019, còn trang Washington Post ở Hoa Kỳ thì có blog mới nhất đã là hôm 11/02/2019 nói ông Nhất là một cây bút bất đồng chính kiến, "bị mất tích, và mối nghi ngờ chính hướng tới Việt Nam".
*********************
Xử phúc thẩm vụ đánh bạc ngàn tỷ : Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương vắng mặt (RFA, 05/03/2019)
Thêm nhiều tài liệu, chứng cứ mới tại phiên tòa phúc thẩm đường dây đánh bạc ngàn tỷ vừa diễn ra sáng ngày 5 tháng 3 năm 2019, do Tòa án nhân dân Cấp cao Hà Nội mở tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị can liên trong đường dây đánh bạc trên mạng hàng ngàn tỷ đồng tại phiên tòa ngày 21/11/2019. RFA
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.
Chỉ 23 người có mặt tại phiên xét xử phúc thẩm, 22 bị cáo khác có đơn xin xử vắng mặt, trong đó có 2 "ông trùm" cờ bạc Phan Sào Nam cựu chủ tịch công ty VTC online và Nguyễn Văn Dương cựu chủ tịch công ty CNC.
Ông Nam và ông Dương không nằm trong 36 bị cáo có đơn chống án xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo hoặc phạt tiền thay ngồi tù, nhưng có tên trong danh sách triệu tập tới tòa vì liên quan tới kháng nghị của Viện kiểm sát.
Theo kháng nghị, Viện kiểm sát đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội có tổ chức" với các bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc từ đại lý cấp một trở lên ; đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ một nửa trở lên số tiền thu lời bất chính, trong đó có ông Nam và ông Dương.
Cũng tại phiên xử, một số bị cáo bổ sung nhiều tài liệu như giấy tờ chứng minh gia đình có công, giấy nộp phạt khắc phục hậu quả, hồ sơ bệnh án, v.v…
Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên ngày 30/11/2018 xác định, Dương biết lợi thế CNC là công ty bình phong của công an nên nhận hợp tác tổ chức mạng lưới đánh bạc trực tuyến. Theo đó, Dương có vai trò quan trọng nhất, là người móc mối việc bảo kê của cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.
Theo bản án sơ thẩm, cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù, cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù cùng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phải nhận mức án lần lượt 10 và 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. Bốn bị cáo trên không kháng cáo.
88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 3 năm 6 tháng tù về các tội : Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.
******************
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm trong năm 2019 (RFA, 05/03/2019)
Kết luận cuối cùng về việc thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được Trung ương hoàn tất và Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ cố gắng giải quyết cơ bản trong năm 2019.
Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm - RFA
Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan cho biết thông tin vừa nêu tại buổi họp báo vào ngày 5 tháng 3.
Ông Võ Văn Hoan cho biết thêm chính quyền thành phố sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp đồng thuận, còn những trường hợp chưa đồng thuận thì sẽ gặp gỡ để đạt được kết quả với người dân Thủ Thiêm.
Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người dân Thủ Thiêm đã tiếp tục ra Hà Nội khiếu nại với các cấp ở Trung ương trong nhiều ngày vì phản đối kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ được công bố liên quan đến việc khiếu nại của họ về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, cụ thể là hai phường Bình Khánh và An Khánh nằm ngoài ranh giới quy hoạch.
Tại buổi họp báo vào ngày 5 tháng 3, ông Võ Văn Hoan nói rằng người dân Thủ Thiêm và thành phố cùng đi trên một con đường nhưng một số trường hợp đi theo hướng khác với chính quyền, do đó không đạt được sự đồng thuận.
Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân Thủ Thiêm bình tĩnh để cùng chính quyền thành phố tìm cách giải quyết tốt nhất để thành phố được ổn định và phát triển trong tương lai.
Những người dân Thủ Thiêm khiếu kiện cho biết trường hợp của họ được nêu ra với các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cả 20 năm nay ; thế nhưng đơn thư của họ chưa được giải quyết khiến cuộc sống đang ổn định bị rơi vào tình cảnh khốn khó. Thậm chí có trường hợp phải tự vẫn vì khốn quẩn, không còn lối thoát.
Cũng trong lãnh vực liên quan đất đai, truyền thông trong nước vào ngày 5 tháng 3 loan tin hàng trăm doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, nông nghiệp ở xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai kể từ khi địa giới của xã được sát nhập vào thành phố Biên Hòa hồi tháng 2 năm 2010.
Tin cho biết hiện có gần 50 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, nhà máy trái phép trong khu quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt hồi năm 2015 nhưng vẫn chưa cấp phép thành lập. Trong đó, có những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số công nhân lên đến hơn 1000 người.
Tin còn cho biết có đến 95 doanh nghiệp xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất ở hai ấp Tân Cang và Tân Lập. Trong số này, có đến 74 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng khổng lồ, nhà máy với dây chuyền sản xuất trên quy mô nhiều héc-ta.
Chính quyền địa phương lên tiếng với báo giới rằng tuy có ra quyết định xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhưng vẫn khó xử lý vì việc xây dựng lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ nên khó phát hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ vụ việc xây dựng trái phép trên đất quy hoạch rừng ở cụm công nghiệp Phước Tân và báo cáo với Chính phủ.
*****************
Dân đếm xe qua BOT : Hoạt động dân sự cần được khích lệ (VOA, 06/03/2019)
Sau khi nhóm người dân tự tổ chức đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa, cho biết những dữ liệu mà họ thu thập được trong nhiều ngày qua đã bị đánh cắp hôm 5/3, một nhà vận động xã hội dân sự Việt Nam nhận định với VOA rằng công việc mà người dân đang làm thay cho nhà nước lẽ ra phải là một hoạt động dân sự cần được khích lệ, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, nó sẽ không tránh khỏi những "rủi ro" mà tất cả các hoạt động dân sự khác đều gặp phải : bị đe dọa, đàn áp, quấy nhiễu.
Người dân tự tổ chức đếm xe đi qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa.
Trong một video đăng trên YouTube, nhóm người dân tự đứng ra đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc cho biết những dữ liệu họ thu thập được trong gần một tuần qua đã bị mất vào ngày làm việc cuối cùng, 5/3, khiến họ nghi ngờ "có sự mập mờ", mặc dù không thể quy kết trách nhiệm cho một người nào.
Nhóm 10 người dân này đã tự dựng lán trại, chia thành 3 ca, thay phiên nhau trực bên cạnh trạm thu phí BOT Ninh Lộc để đếm xe qua lại trạm bằng phương pháp thủ công, nhằm thống kê lưu lượng xe qua lại và khoản tiền thu vào của trạm để gửi báo cáo lên Bộ Giao thông và vận tải đối chiếu với kết quả báo cáo của trạm BOT.
Một đại diện của nhóm cho biết hầu hết số liệu thu thập được của họ trong những ngày trước đã bị mất, chỉ còn lại ngày 28/2 và một ca cuối cùng của ngày 5/3. Trước tình thế này, họ buộc phải tổ chức đếm lại thêm một tuần nữa để có đủ số liệu gửi cho cơ quan chức năng, theo báo Lao Động.
Hoạt động tự phát này của người dân đang thu hút khá nhiều sự chú ý và ủng hộ của dư luận.
Cũng như những hoạt động "chống BOT bẩn" trước đây, sáng kiến mới của người dân đã khiến cho các cơ quan hữu quan "lúng túng" trong việc phản ứng, đối phó ban đầu.
Mặc dù chưa tiến hành xử lý, nhưng thông qua báo chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói sẽ mời công an "vào cuộc" nếu nhóm người đếm xe có hành vi gây rối.
"Người ta gán ghép vào một tội danh nào đó để khởi tố, nhằm chặn đứng hiện tượng tự phát của những người đấu tranh chống BOT bẩn", Luật sư Phạm Công Út nhận xét với VOA.
Theo ông, người dân có quyền giám sát các hoạt động công cộng của nhà nước và doanh nghiệp, theo quy định của luật pháp.
"Tôi cho rằng việc họ làm là mang tính giám sát. Những gì luật pháp không cấm thì họ có quyền được làm. Việc làm của họ mang tính tự phát, không nhằm mục đích vụ lợi, họ không cản trở bất kỳ hoạt động nào của trạm BOT và không có hành vi gây rối đối với trật tự an toàn công cộng", LS. Phạm Công Út nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, cho rằng đây là một sáng kiến cần được khích lệ. Ông nói :
"Đó là một sáng kiến rất đáng khích lệ và rất quan trọng, vì nó đụng đến quyền lợi của hàng triệu người sử dụng con đường. BOT ‘bẩn’ thực chất là một sự cướp bóc trắng trợn".
Theo TS. Nguyễn Quang A, hoạt động tự phát trên cho thấy người dân đã biết cách sử dụng quyền hợp pháp của mình để lên tiếng một cách xây dựng với các cơ quan chức năng.
"Lẽ ra đó là việc của cơ quan nhà nước phải đứng ra làm để giám sát. Sáng kiến của người dân là vì nhà nước không làm được nên chúng tôi mới phải làm. Tôi nghĩ đó là một việc rất quan trọng. Nó có thể giúp giáo dục người dân hiểu quyền của mình là gì và phải lên tiếng để chống lại bọn ăn cướp", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.
Phong trào "chống BOT bẩn" bắt đầu vài năm gần đây với sáng kiến dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm, gây ra ách tắc giao thông nghiêm trọng trong khu vực.
Trong khi các cơ quan chức năng lúng túng trong cách xử lý, với nhiều quyết định "đóng", "mở" thất thường đối với các trạm thu phí bị phản đối, người dân lại tiếp tục phát hiện ra nhiều kiểu gian lận khác nhau trong việc thu phí BOT như dùng lại vé để bán cho nhiều người, kê khống giá đầu tư hoặc báo cáo doanh thu thấp hơn thực tế nhằm kéo dài thời gian thu phí…
Tổ chức "đếm xe" là sáng kiến mới nhất của phong trào này, bắt đầu từ ngày 26/2-4/3/2019.
Trên thực tế, những người đi tiên phong trong phong trào chống BOT bẩn đã gặp không ít rủi ro, nguy hiểm, trong đó có việc xe của họ bị phá hỏng, bản thân họ bị công an giam giữ, hoặc bị đe dọa "lấy mạng".
TS. Nguyễn Quang A cho rằng đây là những "rủi ro" mà bất kỳ hoạt động dân sự nào ở Việt Nam đều phải đối mặt. Ông nói :
"Không có hoạt động dân sự nào mà không bị quấy nhiễu hoặc đàn áp. Những anh em trẻ, những tài xế dũng cảm chống BOT bẩn cũng phải chịu những rủi ro như thế. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta kêu gọi tiếng nói của rất nhiều người dân ủng hộ, thì quấy nhiễu của chính quyền hoặc doanh nghiệp ăn cánh với chính quyền để cướp bóc của dân sẽ bớt đi".
Trong một diễn tiến khác, hôm 5/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cho Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương phải "kiểm soát chặt chẽ" hoạt động thu phí tại các trạm BOT đường bộ trên cả nước và làm rõ những thông tin người dân phản ánh về tình trạng thiếu minh bạch, gian lận tại các trạm thu phí này.
********************
Chiến sĩ đánh BOT bẩn Hà Văn Nam bị khởi tố và đã bị bắt (RFA, 05/03/2019)
Ngày 5/3/2019, công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã bắt tạm giam và khám xét nhà anh Hà Văn Nam, lái xe trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Thông báo của công an Quế Võ
Thư của Hà Văn Nam gửi ra ngoài
Theo lá thư của Hà Văn Nam gửi ra ngoài thì ngày 4/3/2018, cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ ra quyết định khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam anh về tội gây rối trật tự công cộng hôm 31/12/2018 trại trạm thu phí BOT Phả Lại.
Hà Văn Nam, sinh 1981 là một lái xe dũng cảm. Anh thường xuyên tham gia các hoạt động phản đối các BOT bẩn như : BOT Tân Đệ, BOT Bắc Thanh Long-Nội Bài, BOT An Sương.
Hoạt động của Hà Văn Nam tuy hợp pháp nhưng đã gây khó chịu cho các doanh nghiệp kinh doanh đường cao tốc vì ảnh hưởng đến lợi ích gian trá của họ. Ngày 28/1/2019 anh bị một nhóm người bắt lên ô tô. Chúng trói anh rồi chụp túi bóng lên đầu, dùng gậy đánh dã man, gây nên những thương tích nặng nề (xem hình dưới đây). Anh phải đi bệnh viện cấp cứu, có giấy xác nhận thương tích của bệnh viện.
Hà Văn Nam bị bắt cóc và đánh đập tàn bạo ngày 28/01/2019
Sau đó, anh đã gửi hồ sơ tố cáo đến các cơ quan chức năng. Khi sức khỏe chưa kịp hồi phục, anh vẫn tiếp tục cuộc hành trình chống lại các BOT bẩn.
Có thực Hà Văn Nam gây rối trật tự công cộng và thực chất của việc bắt anh là gì ?
Đã có nhiều người có hành vi ở nơi công cộng, tuy không vi phạm pháp luật nhưng vẫn bị cáo buộc những tội danh tùy tiện vì gây khó chịu cho nhà cầm quyền. Do ở nơi công cộng nên nhà cầm quyền thường qui chụp cho họ tội danh gây rối trật tự công cộng hoặc chống người thi hành công vụ. Có thể kể ra các vụ án như Bùi Thị Minh Hằng, Cấn Thị Thêu, dân bị cướp đất ở Dương Nội, Trịnh Nguyễn... cùng nhiều người hoạt động xã hội dân sự độc lập khác. Việc bắt bỏ tù họ là vừa để trả thù, vừa muốn vô hiệu hóa họ trong các cuộc đấu tranh. Bản thân tôi đã từng nhiều lần bị công an quận Hoàn Kiếm bắt và bí mật ra quyết định cảnh cáo về tội gây rối trật tự công cộng khi tôi không có hành vi ấy. Tôi nói bí mật là do họ chưa bao giờ dám giao quyết định cho tôi. Tôi chỉ biết khi chính quyền địa phương nói tới.
Tại sao công an Bắc Ninh lại bắt Hà Văn Nam ? facebooker Bạch Cúc viết :
Nếu Nhà nước này chỉ biết sử dụng nhà tù và cái còng để giam giữ những người dân lương thiện, sử dụng luật pháp một cách tùy tiện với những mục đích đê hèn nhằm trả đũa những người dám đấu tranh cho lợi ích dân sinh công cộng ; cố ý dung dưỡng cho các nhóm lợi ích tác oai tác quái, được quyền hành xử vô pháp vô thiên, dùng tiền bạc mua chuộc quyền lực và sai khiến được cả lực lượng chức năng, lực lượng công quyền... thì chẳng khác nào Nhà nước này muốn cho người dân thấy chính họ đang chống lưng, hợp tác chặt chẽ, ăn chia quyền lợi với các BOT bẩn để bóc lột và chống lại nhân dân.
Phân tích về kẻ nào là thủ phạm bắt và đánh đập tàn bạo Hà Văn Nam, fbker Bạch Cúc cho biết, trong đoạn ghi âm lúc Hà Văn Nam bị bắt cóc tra tấn ngày 28/1/2019, nghe rất rõ đoạn đối thoại của bọn chúng nói với nhau : "Cho lên đồn", "Cho về phường". "Cho lên thẳng phòng Hình sự hay lên Quận ?"
Từ đoạn ghi âm có thể suy đoán : Chính công an đã tổ chức bắt cóc, đánh hội đồng để dằn mặt Hà Văn Nam, để anh sợ mà dừng lại những hoạt động chống BOT bẩn của mình. Như vậy, Công an đã bị nhóm lợi ích BOT mua chuộc làm bảo kê chứ chẳng phải để thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân và xã hội.
Không nghi ngờ gì về vụ bắt Hà Văn Nam là để bảo vệ các BOT bẩn.
Sau Khi Hà Văn Nam bị bắt, Bà Lê Hiền Đức, Công dân liêm chính đã có mặt ở công an Quế Võ. Vào lúc 6 giờ chiều, chúng tôi liên lạc với bà, bà cho biết vẫn đang làm việc chưa thể về Hà Nội
Nguyễn Tường Thụy
**********************
Tài xế phản đối BOT, Hà Văn Nam bị bắt (RFA, 05/03/2019)
Ông Hà Văn Nam, tài xế ở tỉnh Thái Bình, người tham gia phản đối nhiều trạm thu phí BOT bất hợp lý, bị bắt tạm giam theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, do Thượng tá Nguyễn Kim Cương ký hôm 5/3/2019.
Tài xế Hà Văn Nam - Youtube captured
Theo thông báo này thì ông Hà Văn Nam bị bắt giam do có hành vi ‘Gây rối trật tự công cộng tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến QL 18 địa phận xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh phạm vào Khoản 2 Điều 318 BLHS’. Thông báo cho biết ông Nam đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh.
Từ trại tạm giam, ông Hà Văn Nam có đơn ủy quyền cho vợ ông là bà Trần Thị Nhài thay mặt ông mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông. Ông đề nghị luật sư Trần Thu Nam và cụ Lê Hiền Đức cùng các luật sư tự nguyện nếu cần.
Chị Nhài vợ anh Nam cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :
"Sáng ngày 5/3/2019, khi anh Nam mới ngủ dậy ngồi tầng 1 tại nhà ở quận bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tôi đang ở tầng 2 thì nghe ai đó nói có công an Bắc Ninh đến, tôi tưởng chỉ công an đến nói chuyện bình thường thôi nên chưa tôi chưa xuống ngay.
Khi anh Nam gọi tôi với giọng gấp gáp, tôi chạy xuống thì thấy tay anh Nam đã bị còng cùng một lực lượng công an rất đông khoảng 15 người đọc lệnh bắt anh Nam tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ hôm 31/12/2018. Sau khi đọc lệnh bắt thì họ đưa anh Nam đi, còn một nhóm công an ở lại đọc lệnh khám nhà và chỉ thu một điện thoại. Họ giam anh Nam ở công an tỉnh Bắc Ninh".
Ông Hà Văn Nam từng bị công an bắt và đánh trọng thương vào ngày 28/1/2019 vừa qua khi đang cùng các tài xế khác phản đối việc thu phí sai quy định tại BOT An Sương và phát trực tiếp trên tài khoản Facebook cá nhân. Ông được thả ra vài tiếng sau đó. Đoạn video được lưu lại thể hiện một nhóm người dường như đang khống chế ông Nam lên xe, buộc ông này im miệng bằng băng keo (băng dính) và nói với nhau là "chở về đồn".
Sau khi vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ xảy ra được hai tuần và từ đó đến nay, đã hiện ra những dấu hiệu mà qua đó có thể gián tiếp xác nhận chính quyền Việt Nam liên đới vụ này.
Trương Duy Nhất trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, 31 tháng Năm, 2016. (Hình : RFA Vietnamese)
Thanh minh cho ‘đảng ta’
"Đi tìm chân dung Trương Duy Nhất, kẻ cơ hội !" là tựa đề loạt bài viết của tác giả Hồng Hà gửi cho một số trang mạng xã hội. Trong bài viết này, tác giả tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất và Vũ ‘Nhôm’, cùng hoạt động của ông Nhất thời còn là đại diện thường trú của báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng và yếu tố phe phái chính trị của Trương Duy Nhất, đặc biệt nhấn mạnh ông Nhất là ‘đệ’ của bí thư thành ủy thời đó là Nguyễn Bá Thanh.
Cùng thời điểm bài viết của Hồng Hà, đã lan truyền một luồng dư luận cho rằng Trương Duy Nhất ‘dính’ với ông Đinh Đức Lập - cựu tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết và Vũ ‘Nhôm’ trong vụ Vũ ‘Nhôm’ ‘gom’ đất vàng từ trụ sở của tờ báo này, và sau tết nguyên đán 2019 sẽ có một chiến dịch bắt bớ đối với ‘một số nhà báo lớn’. Không có nhiều dấu hiệu cho thấy luồng dư luận này là do suy đoán hay được khẳng định bởi mạng xã hội, trong khi khá nhiều ý kiến lại cho rằng luồng dư luận này - với khá nhiều chi tiết cụ thể và mang tính điều tra về mối quan hệ Trương Duy Nhất - Vũ ‘Nhôm’- hẳn phải xuất phát từ nội bộ đảng ; và thậm chí, đây là một luồng dư luận được cố ý tung ra vào thời điểm này, khi Trương Duy Nhất ‘mất tích’, nhấn mạnh việc ông Nhất nếu có bị bắt thì cũng chẳng có gì oan sai bởi Nhất bị liên đới trách nhiệm hình sự trong vụ án Vũ ‘Nhôm’.
Cách đặt vấn đề, dẫn dắt của tác giả Hồng Hà là khá giống với nhiều bài viết của những tác giả được xem là dư luận viên phe ‘lề đảng’ và phe ‘Ba X’ về chủ đề nội bộ và đấu đá nội bộ, được đăng tải trên một số trang mạng xã hội mà không phải là báo nhà nước. Và cũng như một số tác giả ‘nội bộ’ khác, Hồng Hà rất có thể chỉ là một bút danh của một người muốn ẩn danh, muốn lợi dụng mạng xã hội để dư luận được ‘rộng đường tham khảo’, hoặc thực tế hơn muốn hướng lái dư luận vào tính ‘chính nghĩa’ của một phe cánh chính trị nào đó nhằm triệt cho được một phe khác trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.
Bài "Đi tìm chân dung Trương Duy Nhất, kẻ cơ hội !" của tác giả Hồng Hà là có thể đoán trước được, và đó là một bài viết - như một dấu hiệu - cần được chờ đợi xuất hiện. Bởi đơn giản là nếu chính quyền Việt Nam không dính líu đến vụ Trương Duy Nhất - có thể bị ‘mất tích’ hoặc bị bắt cóc tại Bangkok hay ở một nơi nào đó ngoài biên giới Việt Nam, đã chẳng hiện ra bài viết nào của tác giả Hồng Hà nhằm thanh minh cho ‘đảng ta’ như một loại phản ứng nhanh nằm trong chủ trương ‘chủ động thông tin đối ngoại’, mà hẳn là Bộ Chính trị đảng cùng các cơ quan giúp việc cho nó đã ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ từ vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ ở Berlin vào tháng 7 năm 2017, để làm sao trong lúc vẫn giữ được quan điểm ‘hy sinh đối ngoại để xử lý đối nội’ thì vẫn làm cho ‘uy tín Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế’.
Nhưng tàn tích thời ‘hậu Quang’
Cho tới nay, Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ vẫn chưa đi hết ‘mười tám tầng địa ngục’. Những phiên tòa nối tiếp nhau được mở ra, với những mối dính líu mới về tham nhũng và những tội danh mới vẫn tiếp tục bắt ‘của thiên trả địa’ đối với đại gia từng làm mưa làm gió dải đất miền Trung và cả Sài Gòn.
Những ‘tầng địa ngục’ mới, sâu thẳm hơn và thể hiện ‘tình đồng chí’ ở mức độ thê thảm hơn, tiếp tục hiện ra sau khi một quan chức cao cấp được đồn đoán là ‘chú của Trần Đại Vũ’ (hàm ý Vũ ‘Nhôm’) là Chủ tịch nước Trần Đại Quang bị đột tử đầy nghi vấn vào tháng 9 năm 2018. Ít tháng sau, hai viên tướng thứ trưởng Bộ Công an có dính líu tới Vũ ‘Nhôm’ là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đều phải ra tòa, tuy mức án bị dư luận xem là ‘nhẹ hều’ và khiến cho cái gọi là ‘cán cân công lý xã hội chủ nghĩa’ càng thêm sụp gãy.
Nhưng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân có phải là những cái đuôi cuối cùng thời ‘hậu Quang’ bị chiến dịch hồi tố của Nguyễn Phú Trọng chặt đứt ? Liệu sau đó còn những kẻ nào khác ?
Cái gì đã được dự đoán thì đã và sẽ xảy ra trong một sớm một chiều. Cái thực tế tàn nhẫn ‘cá lớn nuốt cá bé’ hay trần trụi hơn nữa là ‘đánh rắn phải đánh dập đầu’ - như chính một số cảm tình viên của Nguyễn Phú Trọng đã từng hô hào thẳng tuột và hiếu thắng như thế - đã và sẽ còn xảy ra với ‘phe cánh chính trị’ của kẻ đã trở thành người thiên cổ. Không chỉ ‘thay máu’ Bộ Công an bằng đề án ‘tái cơ cấu’ vào đầu năm 2018, trong đó xóa bỏ toàn bộ các tổng cục của bộ này trong khi vẫn giữ nguyên các tổng cục của Bộ Quốc phòng, chẳng có gì chắc chắn là tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ không chặt nốt những cái đuôi còn lại của một thời ăn uống xả láng, lộng hành và kiêu binh.
Trong khi đó, xảy ra vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’…
Cứ nhìn vào cái cách mà blogger Người Buôn Gió đột nhiên sôi sục và còn có vẻ như hằn học trên diễn đàn mạng xã hội với hàng loại bài viết về vụ Trương Duy Nhất, có thể hình dung ra vụ việc này không hề đơn giản như cái cách mà một số dư luận ‘định hướng’ rằng Trương Duy Nhất có thể bị áp vào tội danh kinh tế trong vụ án Vũ ‘Nhôm’.
Mà phải là cái gì đó lớn hơn thế, hơn nhiều hoặc hơn thế rất nhiều.
Một bí mật ghê gớm ?
Đang xuất hiện những nghi ngờ về việc Trương Duy Nhất, nếu quả thực bị bắt cóc bởi Tổng cục 2 (tình báo quân đội) như một cáo buộc (chưa được kiểm chứng) của Người Buôn Gió, thì rất khó có thể chỉ do việc ông Nhất nắm giữ những bí mật kinh doanh của Vũ ‘Nhôm’ mà bị bắc cóc, bởi cơ quan điều tra Việt Nam sau khi bắt được Vũ ‘Nhôm’ đã khai thác tình báo viên này đến mức khó mà còn bí mật nào.
Mà hẳn Trương Duy Nhất phải nắm giữ một bí mật ghê gớm nào đó và đụng chạm đến quyền lực chính trị hoặc lợi ích kinh tế của một phe cánh chính trị nào đó trong đảng, cái bí mật mà nếu Trương Duy Nhất tung ra công khai thì có thể giết chết tươi một số quan chức nào đó… Và suy cho cùng, đó phải là một bí mật mang tính sinh tử khiến cho nhóm quan chức này phải một lần nữa, bất chấp vụ bắc cóc Trịnh Xuân Thanh mà đã gây ra cơn địa chấn an ninh - tình báo và kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng từ Đức sang Slovakia và cả một phần khối Liên minh châu Âu, ‘liều mình như chẳng có’ để tổ chức thêm một vụ bắt cóc nữa, lần này trên đất Thái.
Bí mật ghê gớm đó, nếu có, là gì ?
Cần nhắc lại, lệnh truy nã đầu tiên của Bộ Công an đối với Vũ ‘Nhôm’ vào cuối tháng 12 năm 2017 không phải là tội danh kinh tế, mà ‘cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’.
Có một lối suy đoán, hoặc có thể được hiểu như lối dẫn dắt rất thiếu thuyết phục của blogger Người Buôn Gió : trong loạt bài viết của mình, blogger này cho rằng sở dĩ Thủ tướng Phúc phải chỉ đạo cho Tổng cục 2 cử hẳn một đội đặc nhiệm 10 người sang Thái Lan để bắt cóc Trương Duy Nhất là do Nhất nắm được những vụ bê bối của Nguyễn Xuân Phúc vào thời ông Phúc còn làm việc ở tỉnh Quảng Nam. Vì nếu quả thực vào thời đó mà Nguyễn Xuân Phúc ‘có vấn đề’, thì mức độ bê bối của nó chẳng ăn thua gì so với rất nhiều dư luận đồn đãi về tai tiếng của ông Phúc khi ông ta là phó thủ tướng và từ sau đó đến nay trở thành thủ tướng.
Dường như cả Người Buôn Gió, tác giả Hồng Hà và một luồng dư luận cho rằng Trương Duy Nhất ‘dính’ Vũ ‘Nhôm’ đều chủ ý né tránh cái bí mật ghê gớm mà có thể đã khiến Trương Duy Nhất phải ‘mất tích’ ở Bangkok.
Ba tuần sau vụ ông Nhất bị mất tích ở Bangkok, bắt đầu xuất hiện vài tin tức mơ hồ về ‘Trương Duy Nhất đã có mặt ở Việt Nam’, nhưng không phải từ các cơ quan ‘có trách nhiệm’ hay báo chí của Việt Nam, mà chỉ từ những facebooker ‘lề đảng’ và có mối quan hệ gần gũi với công an.
Vụ Trương Duy Nhất cũng vì thế đã không còn mang phạm vi cá nhân của blogger này mà đang trở nên ‘quốc tế hóa’ - theo nghĩa đen và theo cả nghĩa bóng, tức đang lôi kéo sự tham gia và xung đột của ít nhất hai phe phái trong nội bộ đảng, chẳng khác gì hậu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nguồn tin hay gián điệp ?
Sau cáo buộc của Người Buôn Gió về ‘Tổng cục 2 bắt cóc Trương Duy Nhất’, người ta vẫn đang chờ đợi blogger này có trưng ra được bằng chứng nào đủ sức thuyết phục hay không.
Trong khi đó, phe ‘bảo vệ đảng’ cũng đang ráo riết công bố thông tin và dẫn dắt dư luận về mối quan hệ tay ba Vũ ‘Nhôm’ - Người Buôn Gió - Trương Duy Nhất, và rằng Người Buôn Gió thực chất là người thuộc về một phe cánh trong nội bộ đảng…
Không phải chỉ vào lúc này mà trước đây nhiều tháng, hẳn phe ‘bảo vệ đảng’ đã rất muốn truy xét một chủ đề cực kỳ nhạy cảm : nguồn tin. Hay còn mang một khái niệm khác : gián điệp.
Với quá nhiều thông tin cực mật của nội bộ giới quan chức, cộng thêm cách mô tả chi tiết về cuộc bắt cóc Trương Duy Nhất của Tổng cục 2 cứ như thể người trong ruột của Người Buôn Gió, không chỉ phe ‘bảo vệ đảng’ mà rất nhiều người khác đã tò mò về việc Người Buôn Gió, nếu không phải bởi trí tưởng tượng quá sức phong phú, lấy đâu ra những tin tức đó ?
Bức tranh một vụ án ‘truy bắt gián điệp nội bộ’ đang dần hiện hình trên bình diện ‘an ninh quốc gia’ trong nội tình Đảng cộng sản Việt Nam…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/02/2019
Có khả năng Trương Duy Nhất đã ‘có mặt’ ở Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó...
Trương Duy Nhất, một nhà báo bất đồng chính kiến tại Việt Nam được xác nhận đã đến Văn phòng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan để nộp đơn xin tị nạn chính trị vào hôm 25/01/2019 - Ảnh minh họa
Có vẻ như một lần nữa trong chưa đầy nửa năm, Facebooker Phạm Việt Thắng - một cây bút của báo Lao Động và người được xem là ‘thân đảng’ tuy có bộc lộ đôi chút khuynh hướng dân chủ hóa - đã qua mặt ‘cây bút tín hiệu’ Huy Đức về việc công bố những tin tức bắt bớ đầy nhạy cảm của chính quyền.
Ngày 13/02/2019, tức gần ba tuần sau vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’, tạo nên một làn sóng truyền thông rộng lớn, trong khi Huy Đức hoàn toàn im lặng thì trên facebook của Phạm Việt Thắng đăng một status ngắn gọn :
"Theo giới thạo tin thì ông Trương Duy Nhất đã "có mặt" tại Việt Nam. Ông Nhất được cho là nhập cảnh trái phép vào Thái Lan nhưng sau đó thì "mất tích". Và sau đó, nghe nói ông Nhất bị "chụp" ở Lào. Cũng theo giới thạo tin, ông Nhất buộc phải "có mặt" tại Việt Nam vì liên quan đến tòa nhà văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng, được đem bán cho Vũ Nhôm. Lúc tòa nhà này chuyển cho Vũ thì ông Nhất đang là trưởng văn phòng".
Vào ngày 28/11/2018, Facebooker Phạm Việt Thắng cũng đã đưa tin hàm ý về ‘lưu manh ngân hàng’ Trần Bắc Hà đã bị bắt tại Campuchia. Ngay sau đó, báo chí nhà nước săn tìm thông tin về Trần Bắc Hà nơi các cơ quan chức năng, và chỉ khoảng một ngày sau đã có tin chính thức của Bộ Công an về việc bắt ông Hà.
Còn vào lần này vào nếu xét theo logic biện chứng của cách đưa tin lần trước từ facebook của Phạm Việt Thắng, có khả năng Trương Duy Nhất đã ‘có mặt’ ở Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó. Mà như vậy, không có chuyện ông Nhất đã được tị nạn chính trị sau khi đến làm thủ tục tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Bangkok. Cũng loại trừ khả năng Trương Duy Nhất đã lánh sang một nước nào đó sau khi nhập cảnh rất có thể không hợp pháp vào Thái Lan.
Kịch bản vào lần này cũng có thể tương tự vụ Trịnh Xuân Thanh và Trần Bắc Hà, tức sau status ‘bật đèn xanh’ của Facebooker Phạm Việt Thắng - mà status này có thể đã được kiểm duyệt trước từng từ bởi một cơ quan an ninh, báo chí nhà nước sẽ ồn ào săn tin về Trương Duy Nhất nơi giới quan chức ‘có trách nhiệm’, để sau đó một quan chức nào đó tiết lộ về ‘Trương Duy Nhất đã bị tạm giữ’ hoặc ‘Trương Duy Nhất đã tự nguyện về nước đầu thú’.
Một trong những dấu hỏi lớn còn lại là vì sao Trương Duy Nhất bị bắt, hay bị bắt cóc - nếu tin tức của blogger Người Buôn Gió về hành tung của đội đặc nhiệm thuộc Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo quân đội) là đúng ?
Đáng chú ý là trong nội dung status của mình, Facebooker Phạm Việt Thắng dẫn từ ‘giới thạo tin’ nào đó về "ông Nhất buộc phải "có mặt" tại Việt Nam vì liên quan đến tòa nhà văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng, được đem bán cho Vũ Nhôm. Lúc tòa nhà này chuyển cho Vũ thì ông Nhất đang là trưởng văn phòng". Nội dung này lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những bài viết mà giới du luận viên ‘lề đảng’ tung lên mạng xã hội trong vài tuần qua sau khi nổ ra vụ Người Buôn Gió tố cáo Trương Duy Nhất bị bắt cóc.
Cho đến nay, trong khi chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng về vụ việc trên - một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, dấu hiệu duy nhất cho thấy chính quyền Việt Nam ‘mở miệng’ chỉ là một số bài viết của giới dư luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ ‘Nhôm’ và cả những hoạt động thuộc về ‘phe cánh chính trị’ của ông Nhất - hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.
Tuy thế, cái cách mà giới dư luận viên đặt vấn đề như trên lại khiến lộ ra một tín hiệu : nếu chính quyền Việt Nam không dính dáng gì đến vụ Trương Duy Nhất và không lo ngại phải chịu trách nhiệm về vụ này, nó sẽ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến việc chỉ đạo dư luận viên viết bài bao biện và thanh minh cho đảng như thế. Nói cách khác, bắt đầu hiện ra những bằng chứng gián tiếp về việc Trương Duy Nhất có thể đã bị bắt (hoặc bắt cóc), đưa về Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.
Trong khi đó, đang xuất hiện những nghi ngờ của dư luận xã hội về việc Trương Duy Nhất, nếu quả thực bị bắt cóc, thì rất khó có thể chỉ do việc ông Nhất nắm giữ những bí mật kinh doanh của Vũ ‘Nhôm’ mà bị bắc cóc, bởi cơ quan điều tra Việt Nam sau khi bắt được Vũ ‘Nhôm’ đã khai thác tình báo viên này đến mức khó mà còn bí mật nào, mà hẳn Trương Duy Nhất phải nắm giữ một bí mật ghê gớm nào đó và đụng chạm đến quyền lực chính trị hoặc lợi ích kinh tế của một phe cánh chính trị nào đó trong đảng, cái bí mật mà nếu Trương Duy Nhất tung ra công khai thì có thể giết chết tươi một số quan chức nào đó… Và suy cho cùng, đó phải là một bí mật mang tính sống chết khiến cho nhóm quan chức này phải một lần nữa, bất chấp vụ bắc cóc Trịnh Xuân Thanh mà đã gây ra cơn địa chấn an ninh - tình báo và kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng từ Đức sang Slovakia và cả một phần khối Liên minh châu Âu, ‘liều mình như chẳng có’ để tổ chức thêm một vụ bắt cóc nữa, lần này trên đất Thái.
Cũng có dư luận cho rằng nhiều khả năng sau khi chính quyền cho Bộ Công an công bố vụ bắt giữ Trương Duy Nhất và đưa ra xét xử, vụ án Trương Duy Nhất sẽ không bao giờ được công khai về cái bí mật ghê gớm mà ông Nhất nắm giữ, thay vào đó Trương Duy Nhất sẽ bị xử lý hình sự tội danh kinh tế vì ‘dính’ vụ Vũ ‘Nhôm.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 15/02/2019
******************
‘Trương Duy Nhất là ai’ ?
Thường Sơn, VNTB, 14/02/2019
Vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ vào tháng 1 năm 2019 đã biến diễn một cách phức tạp chứ không thuần túy như vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin vào tháng 7 năm 2017 mà hầu hết mọi người đều biết rõ Thanh là người thế nào - một quan chức tham nhũng, hoặc có nhiều dấu hiệu tham nhũng.
Trương Duy Nhất là người thế nào ?
Trong vài tuần đầu tiên sau khi vụ Trương Duy Nhất xảy ra, đã có khá nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Phóng viên không biên giới, Ủy ban bảo vệ ký giả và Liên minh Báo chí Đông Nam Á lên tiếng yêu cầu chính phủ Thái Lan phải làm rõ vụ Trương Duy Nhất mất tích ra sao, số phận của Nhất thế nào…, đồng thời những tổ chức này nhắc lại ‘bài học kinh nghiệm’ từ vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức.
Trương Duy Nhất đã được Phóng Viên Không Biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’ vào năm 2014. Blogger này với blog ‘Một góc nhìn khác’ đã viết phản biện khá mạnh mẽ trước khi bị công an Việt Nam tống giam vào năm 2013. Sau khi ra tù, Trương Duy Nhất vẫn tiếp tục viết phản biện về một số vấn đề thuộc về chính sách và chỉ trích một số quan chức tham nhũng và ăn chơi sa đọa. Đó là lý do căn bản nhất để khi vụ Trương Duy Nhất mất tích bị nghi ngờ là do bắt cóc, vấn đề của ông Nhất đã trở thành một câu hỏi nhân quyền, thậm chí là nhân quyền quốc tế.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng - một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Cho tới nay, dấu hiệu duy nhất cho thấy chính quyền Việt Nam ‘mở miệng’ chỉ là một số bài viết của giới dư luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ ‘Nhôm’ và cả những hoạt động thuộc về ‘phe cánh chính trị’ của ông Nhất - hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.
Tuy thế, cái cách mà giới dư luận viên đặt vấn đề như trên lại khiến lộ ra một tín hiệu : nếu chính quyền Việt Nam không dính dáng gì đến vụ Trương Duy Nhất, nó sẽ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến việc chỉ đạo dư luận viên viết bài bao biện và thanh minh cho đảng như thế. Nói cách khác, bắt đầu hiện ra những bằng chứng gián tiếp về việc Trương Duy Nhất có thể đã bị bắt (hoặc bắt cóc), đưa về Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.
Còn quan điểm của giới hoạt động nhân quyền Việt Nam về Trương Duy Nhất ra sao ?
Từ năm 2013 khi bị bắt, sau đó ra tù và cả cho đến gần đây, Trương Duy Nhất là người được một bộ phận trong giới hoạt động nhân quyền dành cho một số thiện cảm vì hoạt động viết phản biện. Nhưng cũng khá nhiều người bất đồng chính kiến nêu dấu hỏi ‘Trương Duy Nhất là ai ?’, bởi ngoài việc được xem là một cựu tù nhân lương tâm, từ trước đến nay ông Nhất không tham gia bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào.
Một trong số những ý kiến của người hoạt động nhân quyền - từ blogger Phạm Lê Vương Các - cho rằng "Nhất là một người khá thú vị. Nhiều người biết đến ông vì ông được ví là một "Anh hùng Thông tin" (được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao tặng) vì các bài viết phê phán mạnh mẽ về lỗi hệ thống chính quyền, cổ suý cho dân chủ và nhân quyền, nhưng đồng thời nhiều người cũng khá rõ mối quan hệ thân thiết của Nhất với Vũ Nhôm và áp phe với một số giới chức lãnh đạo chóp bu…", và "Chính sách của chính quyền Việt Nam trong suốt nhiều năm qua là sẵn sàng "tống khứ" những người bất đồng chính kiến hay hoạt động dân chủ nhân quyền ra khỏi Việt Nam. Chỉ cần quốc gia nào đồng ý tiếp nhận các đối tượng này thì chính quyền Việt Nam cũng sẵn sàng để họ ra đi. Trong một số trường hợp chính quyền còn gây áp lực để buộc những người này phải rời khỏi Việt Nam. Nếu ông Nhất chỉ thuần tuý là một người viết lách bất đồng chính kiến hay một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền thì chính quyền Việt Nam không dở hơi đến nỗi nhanh chóng mở chiến dịch quy mô săn lùng sang tận Thái Lan để bắt về. Về lý do bắt ông Nhất đến lúc này vẫn còn đang bỏ ngỏ".
Nhưng dù Trương Duy Nhất có là ai chăng nữa, thông tin lan ra ngày rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ bắt cóc ông Nhất đang khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là trong những ngày sắp tới, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.
Song cho dù có thông báo ‘Trương Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú’, chính quyền Việt Nam vẫn không thể làm cho dư luận trong nước và quốc tế tin được, đơn giản vì cho tới nay chính quyền này vẫn còn nợ chính phủ Slovakia câu hỏi ‘Việt Nam phải chứng minh rằng nếu quả thật Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú thì anh ta đã làm thế nào để vượt qua các biên giới và các cửa khẩu quốc tế mà không được bất kỳ nơi nào lưu hồ sơ ?’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 14/02/2019
Một năm rưỡi sau vụ Nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay tại Berlin, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ - nổ ra vào những ngày giáp tết nguyên đán năm 2019 - đang hứa hẹn sẽ trở thành một vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai.
Blogger Trương Duy Nhất
Vẫn là ‘kẻ tử thù của chế độ’
Điểm trùng hợp ngẫu nhiên và cứ như thể một thứ điềm báo dành cho chính thể độc đảng ở Việt Nam là trong khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc vào thời gian cuối tháng 4 năm 2017 và chưa đầy một tuần sau đó báo chí Việt ngữ ở Đức và cả báo chí Đức đã đưa tin về vụ này, thì vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ xảy ra vào những ngày cuối tháng 1 năm 2019 cũng được phát tin khoảng một tuần sau đó bởi báo chí quốc tế. Nhưng đặc biệt nhất là được phát tin một cách rất chi tiết bởi một blogger - người bị xem là ‘kẻ tử thù của chế độ cộng sản Việt Nam’ : Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, hiện đang sống ở Đức.
Trong khi một số tờ báo nước ngoài, trong đó có báo Thái Lan, bắt đầu đề cập vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ một cách thận trọng và tỏ ý nghi ngờ có sự nhúng tay của phía Việt Nam, thì blogger Người Buôn Gió đã huỵch toẹt : blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc bởi Tổng cục 2 tình báo (thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam) theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kèm theo nhiều chi tiết khá cụ thể về vụ bắt cóc này : lực lượng bắt cóc khoảng 10 người, trong đó có 2 người biết tiếng Thái, lên đường đến Thái Lan vào ngày 23/1 ; trước khi bị bắt, Trương Duy Nhất đã nhận số máy lạ có đuôi 6521 ; ngày Trương Duy Nhất bị bắt là 26/1 ; Trương Duy Nhất bị bắt tại siêu thị FuturePark ; khi bị bắt, Trương Duy Nhất còn xin thay áo ; một số hình ảnh về Trương Duy Nhất tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Bangkok…. Những chi tiết quá cụ thể này khiến độc giả không thể không nghĩ rằng tác giả Người Buôn Gió, nếu không phải do hoang tưởng, đã nhận được những nguồn tin cực mật từ chính nội bộ đảng CSVN, hay cụ thể hơn là từ nội bộ của giới công an Việt Nam, hoặc từ chính người nằm trong ‘lực lượng bắt cóc’.
Trong bài viết mô tả vụ bắt cóc Trương Duy Nhất, blogger Người Buôn Gió còn gửi đi một thông điệp vừa ẩn ý vừa lộ liễu : "Tôi biết nhiều hơn những gì tôi viết, những điều tôi biết là những bằng chứng chứ không phải là những suy đoán, trong vụ này cũng như trong nhiều vụ khác cũng vậy".
Đây là lần thứ hai Người Buôn Gió làm cho chính quyền Việt Nam điên đầu và có thể sẽ rơi vào trạng thái lúng túng cao độ như tình trạng hậu cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, những thông tin mà blogger Người Buôn Gió cung cấp trong loạt bài viết về Trương Duy Nhất cho đến nay chỉ thuộc về tác giả mà chưa thể kiểm chứng được.
Nhưng khách quan mà xét, nếu nhìn lại vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và loạt bài viết của Người Buôn Gió về vụ này, có thể nhận ra một số chi tiết mà Người Buôn Gió nêu ra là phù hợp với thực tế vụ bắt cóc này và kết quả điều tra đã được công bố của cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Công tố Đức.
Nếu những cáo buộc chi tiết và như thể trong ruột mà Người Buôn Gió nhắm tới Tổng cục 2 quân đội là đúng, hoặc ít ra có một số cơ sở xác thực, vụ blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Bangkok gần như chắc chắn sẽ trở thành vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai. Nhưng lần này, ‘tác giả’ không phải là Bộ Công an mà lại là Bộ Quốc phòng với vai trò Bí thư quân ủy trung ương là ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Liệu có ‘thỏa thuận ngầm’ ?
Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước tết nguyên đán khi xuất hiện tin tức Trương Duy nhất bị mất tích hay bị bắt cóc. Đó là khoảng thời gian mà có thể ‘thông cảm’ được : giới quan chức còn phải ăn tết.
https://youtu.be/7C7G3U5S4pY
Nhưng sau cái tết nguyên đán đầy cảnh ‘lót tay’, chúc tụng đãi bôi và ăn nhậu xả láng thì lại là chuyện khác : thông tin lan rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ Trương Duy Nhất sẽ khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.
Điều an ủi mà có thể khiến chính quyền Việt Nam tạm thời yên tâm để đưa ra một thông báo theo kiểu trên là khác với lời tố cáo mạnh mẽ của nhà nước Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh, chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một ‘thỏa thuận ngầm’ nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt - Thái được xem là ‘ngày càng tốt đẹp’, và chế độ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha chẳng ưa gì tự do báo chí. Củng cố cho khả năng này là động thái mới nhất của lãnh đạo Cục Di trú Thái Lan thông tin rằng họ đã không có hồ sơ về việc Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan - một vấn đề có thể được hiểu là ông Nhất đã vào đất Thái theo cách không hợp pháp và do vậy các cơ quan Thái có thể sẽ cho rằng họ không liên can đến vụ việc này.
Nhưng còn sức ép của các tổ chức nhân quyền quốc tế và truyền thông quốc tế đòi hỏi trách nhiệm của người Thái phải tìm ra tung tích của Trương Duy Nhất ? Chắc chắn chính quyền Thái Lan sẽ phải tiến hành một số động tác nào đó, dù chỉ cho có, để có cơ sở hồi âm cho quốc tế về vụ việc này. Nội dung hồi âm này lại có thể có độ chênh, thậm chí là chênh biệt đáng kể, với một thông báo mà phía Việt Nam phải nêu ra sau tết nguyên đán 2019 về vụ Trương Duy Nhất. Khi đó, sự thật sẽ lộ dần ra.
Song mối lo sợ và nguy hiểm lớn nhất của chính quyền Việt Nam, và của cả chính quyền Thái Lan, sẽ đến từ… Người Buôn Gió.
Sẽ có bằng chứng ?
Bởi khi Người Buôn Gió dám khẳng định là anh ta có những bằng chứng về vụ Trương Duy Nhất bị bắt cóc mà không phải là suy đoán, toàn bộ những ai quan tâm đến vụ này đều ngóng cổ trông chờ Người Buôn Gió tung ra những bằng chứng đó để xem tính xác thực đến đâu. Còn chính quyền Việt Nam, đặc biệt là thủ tướng Phúc và Tổng cục 2, có lẽ sẽ sống trong nỗi hồi hộp mòn mỏi.
Nếu Người Buôn Gió không thể cung cấp những bằng chứng trên ? Nhiều quan chức Việt Nam sẽ thở phào và tổ chức phản đòn để cho quốc tế thấy ‘chính nghĩa Việt Nam’.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trong những ngày tới một số bằng chứng, và nếu đúng là bằng chứng có tính xác thực, được công bố theo đúng cái cách mà Người Buôn Gió thường làm là rỉ rả giết dần giết mòn sức chịu đựng của địch thủ ?
Chỉ có thể là những cơn đau tim, thống phong và… xơ gan cổ trướng. Hoặc cả ba.
Và nếu quả thực vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ sẽ nổ ra như một cuộc khủng hoảng ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’, đó sẽ là điềm báo ‘rông cả năm’ hoặc còn lâu hơn thế dành cho tương lai toàn màu tối của chính thể độc trị ở Việt Nam.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 11/02/2019
Một loạt ‘nhà báo lớn’ sắp ‘vào lò’ theo Vũ ‘nhôm’ ? (VOA, 07/02/2019)
Một nguồn tin am tường trong nước cho VOA biết một loạt "nhà báo lớn", trong đó có thể có một cựu Tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết, sắp bị cơ quan chức năng bắt giữ vì liên quan đến những phi vụ thâu tóm đất đai trong vụ án Vũ "nhôm".
Ông Phan Văn Anh Vũ tại một phiên tòa ở Hà Nội, ngày 30/01/2019. Photo : TTXVN.
Theo nguồn tin này, "cấp trên" đã có chỉ thị bắt giam, nhưng việc thi hành và công bố sẽ chỉ được phép đưa ra sau dịp Tết Nguyên Đán.
Vụ án Vũ "nhôm" được xem là một đại án về tình trạng lũng đoạn của bộ máy nhà nước, liên quan đến rất nhiều người, trong đó có cả sự tiếp tay của Tổng cục Tình báo, thuộc Bộ Công an, cho đến các quan chức lãnh đạo ở địa phương và báo chí.
Vũ "nhôm", tên thật là Phan Văn Anh Vũ, 44 tuổi, là một ông trùm khét tiếng thao túng thị trường địa ốc ở Đà Nẵng và cả Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tay Vũ là hàng loạt dự án ở các khu "đất vàng". Đại gia này còn được biết đến về khả năng chi phối cả các lãnh đạo cấp cao nhất của Đà Nẵng nhờ mác thượng tá tình báo.
Theo Cáo trạng từ các phiên tòa xử Vũ "nhôm" và hai tướng công an, cựu Thứ trưởng công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân vào tháng trước, Vũ "nhôm" đã được tuyển vào làm nhân viên tình báo thuộc Tổng cục 5 Bộ Công an từ năm 2009, sau đó leo lên chức thượng tá, Phó phòng Biệt phái, Tổng cục 5, Bộ Công an, trong một thời gian ngắn dù không có thông tin cho thấy ông này có bằng cấp hay được đào tạo chuyên môn.
Báo chí trong nước dẫn thông tin từ các phiên tòa xử Vũ "nhôm" cho biết đại gia Đà Nẵng này đã thành lập 2 công ty bình phong là Công ty xây dựng Bắc Nam 79 và công ty Nova Bắc Nam 79 để thâu tóm 7 khu "đất vàng" công sản ở các vị trí đắc địa của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1.159 tỷ đồng. Để làm được điều này, Vũ "nhôm" đã được các lãnh đạo của Cục Tình báo là Thứ trưởng Bùi Văn Thành và Thứ trưởng Trần Việt Tân, và một số quan chức khác ký các văn bản, giấy tờ bảo kê cho hoạt động lũng đoạn đất đai của mình, trong đó có cả tài sản của Bộ Công an là khu đất 129 Pasteur, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài khả năng chi phối các lãnh đạo cấp cao, Vũ "nhôm" còn "nắm" luôn cả giới báo chí trong thời gian tung hoành với công việc kinh doanh mà đại gia này khai trước tòa rằng "được giao làm phát triển kinh tế".
Hồi tháng 9/2017, một nhà báo tại miền Trung, bà Dương Thị Hằng Nga – Trưởng phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Tạp chí Giao Thông Vận Tải, đã bị cấm xuất cảnh theo chỉ thị của Công an Đà Nẵng chỉ vì viết bài "đụng" đến các dự án đất đai của Vũ "nhôm".
Vì vậy, gần như không một nhà báo "chính thống" nào dám "đụng" đến Vũ "nhôm", dù biết rõ những sai phạm về đất đai của ông này. Lý do, theo một số nguồn tin trong giới báo chí, có thể là vì họ bị đe dọa, hoặc đã được Vũ "nhôm" chi tiền dưới các hình thức hoạt động xã hội hay tổ chức sự kiện, thậm chí là bằng việc sang nhượng đất đai.
Một trong những cơ quan báo chí được cho là có liên quan đến những "lùm xùm" về đất đai với Vũ "nhôm" là báo Đại Đoàn Kết, sau khi báo này chuyển nhượng Văn phòng đại diện ở miền Trung, mà tờ báo xin mua theo diện công sản nhà nước và năm 2004, cho Công ty Xây dựng 79 của Vũ "nhôm" vào năm 2011 để Vũ biến nơi đây thành nhà riêng của mình, khiến cho nhiều người, trong đó có một vài nhà báo của Đại Đoàn Kết, bức xúc vì "đất công" đã bị biến thành "đất tư" dưới bàn tay điều khiển của Vũ "nhôm".
Vào tháng 8/2014, báo Đại Đoàn Kết đã ra thông báo tuyển Tổng biên tập mới để thay cho Tổng biên tập tờ báo vào thời gian này là ông Đinh Đức Lập bị điều chuyển "do có nhiều sai phạm trong công tác điều hành tờ báo", theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ.
Sau phiên xử ngày 30/1 vừa qua, tòa án tại Hà Nội đã tuyên Vũ "nhôm" 8 năm tù về tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" và 17 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án ngân hàng Đông Á.
Trong một diễn biến khác, nhà báo-blogger Trương Duy Nhất gần đây được tin là mất tích ở Thái Lan, sau khi ông đến Bangkok xin tị nạn chính trị vào đầu tháng 1.
Trong lúc các tổ chức nhân quyền kêu gọi nhà chức trách Thái Lan điều tra về sự mất tích của ông Nhất, nguồn tin trong nước cho VOA biết ông Trương Duy Nhất đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ.
Ông Trương Duy Nhất trước đây từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và sau đó là báo Đại Đoàn Kết.
Do Việt Nam đang trong thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, VOA chưa thể liên lạc được với các cơ quan chức năng liên quan để xác minh các thông tin trên.
Khánh An
********************
Việt Nam sẽ công bố việc bắt giam Trương Duy Nhất sau tết 2019 ? (VNTB, 08/02/2019)
Đang diễn ra hai động thái khá trái ngược xung quanh vụ blogger Trương Duy Nhất đột nhiên mất tích ở Thái Lan vào đầu năm 2019.
Blogger Trương Duy Nhất (trái) và nhà báo Huy Đức. Ảnh minh họa.
Trong khi vài tổ chức nhân quyền và tự do báo chí quốc tế, trong đó có Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) lên tiếng yêu cầu chính quyền Thái Lan điều tra vụ mất tích trên và đang có những dư luận về khả năng Trương Duy Nhất đã bị mật vụ của chính quyền Việt Nam bắt cóc, thì lại có những đồn đoán về việc ông Nhất ‘dính’ vụ Vũ ‘Nhôm’.
Trương Duy Nhất đã được RSF vinh danh ‘Anh hùng thông tin’ vào năm 2014. Blogger này với blog ‘Một góc nhìn khác’ đã viết phản biện khá mạnh mẽ trước khi bị công an Việt Nam tống giam vào năm 2013. Sau khi ra tù, Trương Duy Nhất vẫn tiếp tục viết phản biện.
Một luồng dư luận cho rằng do nắm được những thông tin liên quan đến các vụ làm ăn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Quảng Nam (quê ông Phúc) nên Trương Duy Nhất đã bị Thủ tướng Phúc chủi đạo cho Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo - Bộ Quốc phòng) điều quân sang thái ngầm bắt cóc Nhất trong khi ông đến Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Bangkok để làm thủ tục xin tị nạn chính trị (dư luận này không thể được kiểm chứng).
Gần đây nhất, VOA Việt ngữ đưa tin "Một loạt ‘nhà báo lớn’ sắp ‘vào lò’ theo Vũ ‘nhôm’ ?"
Theo đó, "Một nguồn tin am tường trong nước cho VOA biết một loạt "nhà báo lớn", trong đó có thể có một cựu Tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết, sắp bị cơ quan chức năng bắt giữ vì liên quan đến những phi vụ thâu tóm đất đai trong vụ án Vũ "nhôm". Theo nguồn tin này, "cấp trên" đã có chỉ thị bắt giam, nhưng việc thi hành và công bố sẽ chỉ được phép đưa ra sau dịp Tết Nguyên Đán".
Đáng chú ý là ở phần cuối bản tin trên, VOA Việt ngữ đề cập :
"Trong một diễn biến khác, nhà báo-blogger Trương Duy Nhất gần đây được tin là mất tích ở Thái Lan, sau khi ông đến Bangkok xin tị nạn chính trị vào đầu tháng 1.
Trong lúc các tổ chức nhân quyền kêu gọi nhà chức trách Thái Lan điều tra về sự mất tích của ông Nhất, nguồn tin trong nước cho VOA biết ông Trương Duy Nhất đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ.
Ông Trương Duy Nhất trước đây từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và sau đó là báo Đại Đoàn Kết".
Cho đến nay, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ đã dần chuyển thành ‘Trương Duy Nhất bị bắt cóc’ lan rộng với mối nghi ngờ xoáy sâu vào chính quyền Việt Nam và không ít so sánh vụ này với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng 7 năm 2017 mà Nhà nước Đức đã cáo buộc rất mạnh mẽ đối với Việt Nam.
Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện đầu thú’ do hành vi phạm pháp…
Còn với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, Trương Duy Nhất là người được dành cho một số thiện cảm vì hoạt động viết phản biện, nhưng cũng khá nhiều người bất đồng chính kiến nêu dấu hỏi ‘Trương Duy Nhất là ai ?’, bởi ngoài việc được xem là một cựu tù nhân lương tâm, từ trước và sau khi ra tù đến nay ông Nhất không tham gia bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào.
Minh Quân
****************
Thái Lan điều tra vụ blogger Trương Duy Nhất mất tích 'RFI, 08/02/2019)
Chính quyền Thái Lan, ngày 07/02/2019 cho biết sẽ điều tra về vụ nhà báo Việt Nam Trương Duy Nhất, một nhà báo và blogger bất đồng chính kiến, bị tình nghi là đã mất tích ở Bangkok khi đến thủ đô Thái Lan nộp đơn xin tị nạn với Liên Hiệp Quốc.
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất từng bị tòa án Đà Nẵng kết án hai năm tù. Reuters/Van Son/VNA/Handout via Reuters
Trả lời hãng tin Reuters, ông Surachate Hakparn, lãnh đạo cơ quan di trú Thái Lan, cho biết chính quyền Thái Lan không có tài liệu chính thức về việc ông Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan. Tuy nhiên, cơ quan của ông đang tìm hiểu xem ông Nhất có nhập cư Thái Lan một cách trái phép hay không, và xem điều gì có thể đã xảy ra cho đương sự. Vị quan chức Thái Lan còn xác nhận : "Tôi đã ra lệnh mở điều tra về vụ này".
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế trong tuần này có nêu khả năng ông Trương Duy Nhất đã bị bắt cóc tại Bangkok vào khoảng ngày 26/01 vừa qua, sau khi trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị bắt. Ông Nhất dường như đã chạy qua Bangkok nộp đơn xin tị nạn tại văn phòng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR.
Sau lời báo động kể trên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và nhà báo như Human Rights Watch hay Phóng Viên Không Biên Giới RSF đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Thái Lan tiến hành điều tra về nghi án mất tích này.
Một đại diện của tổ chức Ân Xá Quốc Tế không ngần ngại đưa ra giả thuyết về sự can dự của chính quyền Việt Nam trong vụ mất tích. Bà Minar Pimple, giám đốc cấp cao của Amnesty International phụ trách các hoạt động toàn cầu giải thích : "Việt Nam đã có tiếng là từng bắt cóc những người lưu vong và tị nạn ở nước ngoài. Chính quyền Thái Lan và Việt Nam phải khẩn trương đưa ra thông tin về vụ ông Trương Duy Nhất mất tích".
Hiện tại, giới chức chính quyền Việt Nam chưa có bình luận gì về vụ việc này do còn trong kỳ nghỉ Tết. Còn văn phòng HCR tại Bangkok cho biết là không thể bình luận hoặc xác nhận các trường hợp riêng lẻ.
Hãng tin Anh Reuters nhắc lại rằng ông Trương Duy Nhất từng bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào năm 2013, sau đó bị kết án 2 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước". Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, ông đã trốn sang Thái Lan sau khi được bắn tin là ông có nguy cơ bị bắt trở lại.
Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, thì ông Trương Duy Nhất đã đến Thái Lan với một lý do duy nhất là xin tị nạn, nhưng "một ai đó rõ ràng là không muốn ông làm điều đó".
Trọng Nghĩa
******************
Việt-Nga khai thác mỏ dầu mới tại Biển Đông (VOA, 08/02/2019)
Một liên doanh Việt-Nga bắt đầu sản xuất dầu thô tại một địa điểm mới ở Biển Đông. Dự án này hy vọng sẽ mang lại hơn 1 tỉ đô la cho Hà Nội trước năm 2032, theo Nikkei Asian Review.
Hoạt động của Vietsovpetro
Công ty Vietsovpetro, do công ty quốc doanh PVEP của Việt Nam cùng đối tác Nga kiểm soát, hiện đang thăm dò một giếng dầu cách bờ biển phía nam Việt Nam 160 km.
Địa điểm này gần giếng Bạch Hổ lớn nhất Việt Nam cũng do Vietsovpetro điều hành. Tuy nhiên giếng dầu này nằm bên ngoài "Đường Chín Đoạn" một khu vực tại Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Mức thu hàng ngày của giếng này dự kiến lên tới 230 thùng dầu, tờ Nikkei Asian Review cho biết.
Giếng dầu Bạch Hổ bắt đầu sản xuất vào năm 1986 biến Việt Nam trở thành một trong các nước sản xuất dầu hàng đầu tại Châu Á. Tuy nhiên sản lượng đầu ra tiếp tục giảm sau khi lên đến cao điểm vào năm 2004, khi sản lượng từ Bạch Hổ sụt giảm. Hậu quả là Việt Nam được cho là đã trở thành một nước nhập khẩu dầu vào khoảng năm 2010.
Hà Nội có kế hoạch thăm dò thêm trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại nhiều địa điểm trong khu vực khiến cho một số dự án phải ngưng lại.
(Nguồn Nikkei Asian Review)
Những ngày giáp Tết, tin tức về nhà báo Trương Duy Nhất bị mất tích sau khi tới Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees, viết tắt UNHCR) tại Bangkok xin tị nạn chính trị, khiến nhiều người bàng hoàng. Thông tin anh bị bắt cũng đã kịp thời xuất hiện trên một số báo, đài nước ngoài, cả trên trang web của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới.
Blogger, nhà báo Trương Duy Nhất - Ảnh RFA
Trương Duy Nhất là một nhà báo, blogger, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng. Anh từng có một thời gian dài làm phóng viên báo Công An tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng rồi phóng viên báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung. Là chủ nhân của trang blog "Một góc nhìn khác" được thành lập từ năm 2007. Và thực sự là Trương Duy Nhất đã luôn cố gắng để làm được điều mà anh treo ngay trên đầu trang blog này : "Có thể không mới, chưa hẳn đã hay, nhưng là một góc nhìn khác".
Blog "Một góc nhìn khác" được chia thành nhiều mục, từ bút ký-phóng sự, chân dung-nhân vật, từ tin tức-sự kiện, chính trị-xã hội, du lịch-thể thao, giải trí-thư giãn, góc văn hóa, từ hoạt động bàn tròn trện BBC, ngụ ngôn của Nhất, bình chọn của Nhất, Nhất trong góc nhìn bạn bè cho tới góc bạn đọc… Những bài viết của anh thường, ngắn, sắc, cái nhìn của anh dù có những khi gây tranh cãi, nhưng thường là khác với số đông và thú vị, mang tính phát hiện. Chính vì vậy mà trang blog "Một góc nhìn khác" luôn có số lượng người đọc đông đảo, trên facebook anh cũng có số lượng follower khoảng hơn 62, 000 người, thuộc vào hàng top ten những facebooker bất đồng chính kiến có nhiều người theo dõi, đọc bài. Một trong những chuyên mục thú vị nhất do anh thực hiện từ nhiều năm nay là bình chọn Top ten ấn tượng (của năm), Top ten hình ảnh ấn tượng (của năm), Top ten phát ngôn ấn tượng (của các quan chức, trong năm), Nhân vật của năm, Bức ảnh của năm v.v…
Đến năm 2010 thì Trương Duy Nhất bỏ việc tại báo Đại Đoàn Kết và trở thành người viết báo tự do, viết blog, toàn tâm toàn ý cho trang blog "Trương Duy Nhất - Một góc nhìn khác". Và khá nhiều lần anh đụng chạm không chỉ những vấn đề chính trị xã hội đang diễn ra tại Việt Nam, mà những cá nhân quan chức cụ thể như Thủ tướng, Tổng Bí thư…Cho tới lúc bị bắt, Trương Duy Nhất đã viết và đăng tải hàng trăm bài trên trang blog của mình.
Ngày 26.05.2013, Bộ Công An cùng với Công an Đà Nẵng đã tiến hành bắt khẩn cấp Trương Duy Nhất. Chiều cùng ngày anh bị di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra về "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258, Bộ luật Hình sự.
Nhiều người vẫn nhớ bức ảnh, không rõ do ai chụp, Trương Duy Nhất thong dong đi giữa hai người lính áp tải ra phi trường đi Hà Nội, mặt mũi tươi tỉnh cứ như đi…du lịch. Và lúc đứng trước tòa, Nhất chắp tay sau đít, cũng vẫn thái độ ung dung, cứng cỏi, trả lời rành mạch những câu hỏi của Tòa.
Ngày 4/3/2014, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trương Duy Nhất 2 năm tù về tội "Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Theo BBC, Trương Duy Nhất bị kết tội do đã viết 11 bài đăng trên trang blog của mình, trong đó nặng nhất, có lẽ là 2 bài "chấm điểm Thủ tướng" và yêu cầu "Tổng bí thư phải ra đi". Vì những bài công kích trực diện vào Thủ tướng lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng, nhiều người ngờ rằng việc Nhất bị bắt là có bàn tay trả thù của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng trước tòa, đáp lại lời kết tội "Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước", Trương Duy Nhất cho rằng anh chỉ "chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng với hy vọng lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm".
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 26/06/2014 Tòa án Nhân dân tối cao Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với nhà báo Trương Duy Nhất. Nhiều người cũng nhớ lời nói cuối cùng của Trương Duy Nhất, trước khi toà tuyên án : "Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang !" Sau này anh còn lặp lại nhiều lần câu này trong một số bài viết.
Ngày 26/05/2015, Trương Duy Nhất được ra tù sau 2 năm thi hành án. Chế độ hèn hạ, còn cố chơi bẩn cú chót, thay vì thả anh tại cổng nhà giam có vợ con, bạn bè đến đón, thì lại áp tải anh lên xe đưa đi và ném ra lề đường cách trại vài km để anh phải vất vả tìm đường về nhà.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi được thả, Trương Duy Nhất tuyên bố mở lại trang "Một góc nhìn khác" và tiếp tục viết, như không hề có bất cứ sự e ngại hay khó khăn nào. Thời gian sau này anh cộng tác với blog RFA, thỉnh thoảng tham gia bàn tròn cuối tuần, bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt. Vẫn một cái nhìn khác với số đông, đôi khi gây tranh cãi, sắc sảo, thú vị và trực diện.
Tôi chưa từng gặp Trương Duy Nhất ngoài đời. Chúng tôi chỉ nghe tên nhau, đọc bài của nhau, một vài lần trò chuyện với nhau khi cùng tham gia một số chương trình bàn tròn Điểm tin của BBC. Và bây giờ nghe tin anh bị mất tích tại Thái Lan. Bài viết cuối cùng đăng trên facebook của anh là vào ngày 23/01.
Những người quen Trương Duy Nhất ở Thái Lan cho biết anh bị mất tích vào hôm 26/01 tại một trung tâm mua sắm ở ngoại ô Bangkok. Cảnh sát Thái Lan khẳng định họ không giam giữ Trương Duy Nhất. Đối với tất cả những ai hiểu chuyện, thì đều biết ngay rằng Trương Duy Nhất đã bị "bắt cóc" bởi công an nổi, công an chìm của Việt Nam.
Khi tin Trương Duy Nhất bị bắt vừa lan truyền, có người thắc mắc hỏi tôi rằng "tôi không hiểu tại sao giờ này mà Nhất lại đi", tôi đã trả lời : "Có thể anh Nhất đã nhận được những thông tin hay lời cảnh báo rằng mình sẽ bị bắt lại và lần này sẽ là án dài hạn nên trốn đi trước ? Không biết được, nhưng phải có lý do gì đó chứ nếu chỉ đơn thuần là muốn ra đi thì anh ấy đã có thể tìm cách ra đi từ lâu, đâu đợi đến bây giờ !".
Phải, nếu muốn đi thì Trương Duy Nhất đã đi từ lâu, chẳng hạn như anh từng đi Mỹ du lịch, gặp lại cả người bạn tù thân thiết của mình là nhà báo tự do, blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải, bị nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất thẳng từ nhà tù sang Mỹ ! Hoặc anh có thể xin tỵ nạn chính trị tại Canada, nơi con gái đang theo học, an toàn hơn rất nhiều so với trốn sang Thái Lan.
Từ lâu, ai cũng biết, tại Cambodia hay thái Lan đầy công an chìm, chỉ điểm của nhà cầm quyền Việt Nam, sang mấy quốc gia này rất dễ bị nhận mặt, rồi bị nhà cầm quyền cho người tóm. Đã có nhiều trường hợp như vậy mà cụ thể là câu chuyện anh Lê Trí Tuệ, một trong những người sáng lập Công đoàn Độc lập Việt Nam vào năm 2006, đã bị mất tích tại Campuchia vào năm 2007 một cách bí ẩn sau khi được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) phỏng vấn và cấp giấy ! Hơn mười năm qua không ai có tin tức gì về Lê Trí Tuệ, có lẽ anh đã bị cộng sản thủ tiêu !
Trương Duy Nhất không muốn đi, cũng như hầu hết những người bất đồng chính kiến, chẳng ai muốn từ bỏ quê hương, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, sự nghiệp, môi trường thân yêu để sống lưu vong, chỉ là buộc phải chọn lựa ra đi mà thôi.
Nhà báo Trương Duy Nhất bị "bắt cóc", không hiểu sao lần này tôi cứ thấy lo ngại cho anh, sợ lành ít dữ nhiều. Có thể anh có những thông tin liên quan đến Vũ Nhôm và thân nhân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì cùng là dân Đà Nẵng, Nhất từng làm báo Công an Đà Nẵng nhiều năm, và khá thân với phe Nguyễn Bá Thanh nên có thể biết nhiều, thậm chí còn liên quan một số vụ việc. Chỉ sợ nhà cầm quyền lần này sẽ không xử Nhất bằng bản án chính trị để anh có thể tiếp tục hiên ngang, cứng cỏi, ngẩng cao đầu như lần trước, mà chúng sẽ nhân dịp này buộc vào cổ anh một bản án dân sự với với thời gian có khi lên đến 15, 20 năm ! Một công đôi việc, vừa dập tắt một ngòi bút ngang ngạnh mà chúng ngứa mắt từ lâu, vừa làm cho anh mất luôn uy tín chính trị !
Ai cũng biết, làm việc trong một môi trường báo chí như ở Việt Nam, mà lại là báo Công An, lại thân với một vài quan chức nào đó, nếu không nắm được những tin tức "hậu trường chính trị" thì cũng khó mà không dính líu vụ này vụ kia. Nhưng mặt khác, cũng chính vì "ở trong chăn" như vậy nên người ta mới hiểu rõ bộ mặt của chế độ, giống như một số cựu bộ đội, đảng viên, con em gia đình cách mạng ‘gộc", khi đã hiểu rõ bộ mặt của chế độ này thì sự thức tỉnh của họ thường là quyết liệt và không bao giờ còn ngây thơ, cả tin vào VC nữa !
Với tôi, quãng đời Trương Duy Nhất làm báo trước đó tôi không tính, nhưng từ khi anh tuyên bố bỏ làm báo để trở thành nhà báo tự do, nhất là từ khi anh bước chân vào nhà tù nhỏ rồi sau đó ra tù vẫn tiếp tục viết, thì đó mới là anh, Trương Duy Nhất !
Nhà cầm quyền Việt Nam bây giờ ngày càng sắt máu, ngang nhiên cho người bắt bớ, bóp miệng người dân, bức hại, bắt cóc người bất đồng chính kiến ngay tại nước khác, bởi họ biết rõ, thế giới bây giờ ít có thời gian quan tâm đến chế độ độc tài ở Việt Nam ! Một khi những vụ bức hại người bất đồng chính kiến cỡ như vụ nhà báo người Saudi Arabia Khashoggi bị thủ tiêu man rợ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump không lên tiếng, thậm chí còn bênh vực, bao che cho chính quyền Saudi Arabia và vụ án mạng này có nguy cơ sẽ không được làm sáng tỏ thì chúng ta có thể thấy ngay hậu quả sẽ là sự khuyến khích các chế độ độc tài tiếp tục bắt cóc, giết hại những người dám nói lên sự thật !
Mặt khác, một chế độ không thể chấp nhận dù những lời chỉ trích ôn hòa thì chỉ có mỗi một con đường là tự đi thẳng đến sự diệt vong, bởi sự thối nát băng hoại của nó mà không cần ai phải làm "cách mạng" lật đổ !
Và như thế là trong những ngày Tết này, thêm một gia đình bất đồng chính kiến mất đi niềm vui đón xuân về.
Cầu mong mọi sự an lành cho nhà báo Trương Duy Nhất !
Song Chi
Nguồn : RFA, 08/02/2019 (songchi's blog)
Ân xá Quốc tế yêu cầu Thái Lan điều tra vụ blogger Trương Duy Nhất ‘mất tích’ (VOA, 06/02/2019)
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 6/2 ra thông cáo yêu cầu nhà chức trách Thái Lan "lập tức điều tra" về thông tin cho rằng nhà báo-blogger Trương Duy Nhất mất tích gần đây trong lúc đang xin tị nạn chính trị ở Bangkok, Thái Lan.
Blogger Trương Duy Nhất trong phiên tòa ở Đà Nẵng vào ngày 4/3/2014.
"Sự mất tích của ông Trương Duy Nhất là rất đáng báo động. Ông ấy là một cựu tù nhân lương tâm đã nhiều lần bị chính quyền Việt Nam nhắm đến. Chúng tôi biết từ một số nguồn tin rằng ông ấy đã đến Bangkok để xin tị nạn, và không ai nhìn thấy hoặc nghe gì về ông kể từ ngày 26/1", thông cáo của Ân xá Quốc tế nói.
Tổ chức quốc tế yêu cầu chính quyền Thái Lan phải lập tức điều tra về trường hợp mất tích mà Ân xá Quốc tế cho là đang "gióng lên hồi chuông cảnh báo" về tình trạng người tị nạn hoặc người chạy trốn ra nước ngoài bị bắt trở lại Việt Nam.
Nhà báo Trương Duy Nhất trước đây từng làm việc cho báo Công An Quảng Nam-Đà Nẵng và báo Đại Đoàn Kết. Sau đó, ông nghỉ làm báo và chuyển sang lập trang blog "Một góc nhìn khác", chuyên bình luận về các sự kiện và phanh phui những chuyện hậu trường chính trị Việt Nam.
Năm 2014, ông Trương Duy Nhất bị kết án tù 2 năm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Thông cáo của Ân xá Quốc tế nói bắt đầu từ tháng 12/2018, ông Trương Duy Nhất đã nhận thấy nhiều khả năng bị bắt vào tù trở lại nên đã trốn sang Thái Lan vào đầu tháng 1/2019, và nộp đơn xin tị nạn lên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok vào ngày 25/1. Sau khi ông Nhất gửi 2 tấm ảnh ông chụp trước cổng Văn phòng Cao ủy Tị nạn, không ai trông thấy hay nghe biết gì về ông kể từ ngày 26/1.
Vào đầu tuần trước, một nguồn tin am tường trong nước xác nhận với VOA về việc ông Trương Duy Nhất bị bắt tại Thái Lan, nhưng thông tin này chỉ được phép loan ra sau dịp Tết Nguyên Đán.
*******************
Những nghi vấn về khả năng blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan (RFA, 05/02/2019)
Sự mất tích đột ngột của blogger Trương Duy Nhất, một trong những blogger của Đài Á Châu Tự Do, khi đến Thái Lan xin quy chế tị nạn chính trị đang làm dấy lên những nghi ngờ là ông có thể đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc.
Blogger Trương Duy Nhất trong một lần phỏng vấn tại RFA vào tháng 5 năm 2016 - Photo : RFA
Kể từ ngày 26 tháng 1 đến nay, những người thân và gia đình ông Nhất không nhận được tin nhắn hay liên lạc được với blogger này. Lần cuối cùng blogger Trương Duy Nhất liên hệ với RFA là vào ngày 24/1/2019 liên quan đến bài blog lúc đó ông viết cho RFA với nội dung cảm hứng Venezuela và cái nhìn về Việt Nam.
"Chúng tôi rất lo ngại cho sự an nguy của ông Trương Duy Nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được tin tức từ ông càng sớm càng tốt liên quan đến tung tích của ông ấy và để đảm bảo là ông ấy không bị nguy hiểm", bà Libby Liu, Tổng giám đốc Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết.
Bài blog cuối cùng trước khi mất tích của blogger Trương Duy Nhất trên RFA Photo : RFA
Sự biết mất của blogger Trương Duy Nhất cũng đã khiến cộng đồng người Việt tị nạn ở Thái Lan lo ngại và thậm chí Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) đã phải lên tiếng kêu gọi giới chức Thái tiến hành điều tra. RFA cũng đã thông báo về trường hợp của blogger này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và văn phòng của một số các Dân biểu Mỹ.
Các nguồn tin người Việt ở Thái cho biết ông Nhất đã đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok hôm 25/1 để xin quy chế tị nạn, nhưng sau đó cơ quan này đã không thể liên hệ được với ông Nhất.
Những người quen ông Nhất ở Thái Lan không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết blogger Trương Duy Nhất bị mất tích vào hôm 26/1 tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok. Một nguồn tin cho biết blogger Nhất bị bắt tại một tiệm kem trên tầng ba của trung tâm này.
Cảnh sát Thái cho biết họ không giam giữ blogger Trương Duy Nhất.
"Chúng tôi đã kiểm tra danh sách những người bị tạm giữ và không thấy tên Trương Duy Nhất trong danh sách", Đại tá cảnh sát Tatpong Sarawanangkoon, người phụ trách phòng tạm giữ của Trung Tâm Tạm giữ Di trú (IDC) ở Bangkok, nói với RFA.
Trong khi đó, UNHCR không tiết lộ thông tin gì thêm với lý do quan ngại về thông tin riêng tư. Bà Jennifer Harrison, đại diện về quan hệ đối ngoại của cơ quan này nói với RFA : "vì lý do bảo vệ thông tin và bảo mật, chúng tôi không thể bình luận gì, hoặc xác nhận hay bác bỏ thông tin về các hồ sơ cá nhân".
Vợ của blogger Trương Duy Nhất ở Việt Nam và con gái ông ở Canada hiện rất sợ phải nói gì về tình hình của blogger này, các nguồn tin người Việt ở nước ngoài cho biết.
Theo trang tin thevietnamese.org, gia đình của blogger này cho biết ông Nhất đã rời Việt Nam để sang Thái Lan khoảng 3 tuần trước khi ông mất tích.
Chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng hơn 200 tù nhân chính trị, theo một con số thống kê từ ông Nguyễn Kim Bình, đại diện của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại California.
Chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ báo chí, kiểm duyệt internet và hạn chế các quyền bày tỏ ý kiến của người dân.
Bản thân blogger Trương Duy Nhất cũng đã từng bị tù 2 năm, từ năm 2014 đến 2015 vì các hoạt động của mình. Ông bị bắt giữ vào tháng 5/2013 và bị giam giữ cho đến khi ra tòa.
Human Rights Watch cho rằng giới chức Thái Lan cần phải điều tra về tình trạng của ông Nhất, lưu ý rằng ông đã tới Bangkok vì một lý do duy nhất là xin tị nạn chính trị. Human Rights Watch kêu gọi giới chức Thái Lan phải nói chuyện với gia đình của blogger cho đến khi tìm thấy ông.
Cũng theo Human Rights Watch, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok cũng có thể cho biết tung tích của blogger này.
"Giới chức Thái có một nghĩa vụ khẩn cấp là điều tra một cách nghiêm túc về sự biến mất này", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch tại Bangkok, nói với RFA, và cho biết thêm rằng tổ chức này hiện cũng không biết điều gì đã xảy ra với ông Nhất.
"Nếu các quan chức Thái Lan và Việt Nam có dính líu đến vụ mất tích này thì sẽ phải có những hậu quả nghiêm trọng đối với bất cứ ai có liên quan", ông Phil Robertson nói với RFA.
Người đại diện HRW cũng cáo buộc "Việt Nam thường xuyên có những hoạt động giám sát và sách nhiễu đối với những người Việt Nam và người Thượng chạy trốn khỏi Việt Nam vì lý do truy bức chính trị và tôn giáo. Những hoạt động này cũng xảy ra ở cả Bangkok".
"Truy đuổi các nhà bất đồng chính kiến và yêu cầu chính phủ Thái không cho tổ chức các sự kiện về nhân quyền hay dân chủ ở Việt Nam chỉ là một phần trong số những gì đã khiến Hà Nội là một trong những chính quyền vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong khối ASEAN", ông Phil Robertson nói.
Bối cảnh liên quan đến sự biến mất của blogger Trương Duy Nhất ở Bangkok hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải ở California, người đã từng ở chung tù với blogger Trương Duy Nhất trước khi ông được trả tự do vào năm 2014, và blogger Bùi Thanh Hiếu ở Đức, nói rằng họ nghi ngờ blogger Trương Duy Nhất đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc tại Thái Lan.
"Hiện chỉ còn một khả năng duy nhất là anh ấy đã bị bắt cóc", blogger Điếu Cày nói với RFA.
"Chúng tôi biết là anh ấy đã đến Bangkok và đến văn phòng của UN để xin quy chế tị nạn. Nếu vì bất cứ lý do gì mà anh Nhất xuất hiện trở lại ở Việt Nam thì điều đó chắc chắn nằm ngoài ý muốn của anh ấy", blogger Điếu Cày nói tiếp.
Các nguồn tin cho RFA biết những người Việt ở Thái đã tìm kiếm tung tích của ông Nhất tại các bệnh viện và các quận ở Bangkok nhưng không thấy ông đâu. Một người quen ông Nhất cho biết việc ông bị mất tích cũng đã được trình báo lên cảnh sát Thái vào cuối tuần trước.
Blogger Trương Duy Nhất sinh sống tại Đà Nẵng, ngay cạnh tỉnh Quảng Nam – quê hương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và cũng là nơi đang có những đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản. Một số nhà hoạt động cho rằng blogger này có thể đã có những thông tin quan trọng có thể gây nguy hại cho Thủ tướng Phúc. Blogger Trương Duy Nhất cũng đã có một thời kỳ làm cho báo Công An tại Đà Nẵng, nơi được coi là địa bàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Blogger Bùi Thanh Hiếu viết rằng ông nghi ngờ những nhân viên tình báo của quân đội đã bắt cóc ông Nhất tại Bangkok theo lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dòng trạng thái trên Facebook của blogger Bùi Thanh Hiếu về blogger Trương Duy Nhất Courtesy of FB
Blogger Bùi Thanh Hiếu, hay còn được biết đến với tên Người Buôn Gió, viết trên Facebook cá nhân : "Theo sự suy đoán của mình thì Nguyễn Xuân Phúc quyết bắt tù Trương Duy Nhất, vì Nhất có nhiều thông tin về băng đảng của Phúc ở Quảng Nam".
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam bị cáo buộc bắt cóc công dân của mình ở nước ngoài.
Hồi năm ngoái, tòa án Đức đã kết án gần 4 năm tù một người Việt Nam vì đã giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí, ngay tại Berlin hồi năm 2017 và sau đó đưa về Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh lúc đó cũng đang xin tị nạn tại Đức và sự biến mất của ông đã làm cho quan hệ Việt Nam và Đức xấu đi, với cáo buộc từ phía Bộ Ngoại giao Đức là Việt Nam vi phạm luật quốc tế.
Ông Trịnh Xuân Thanh sau đó bị tòa tuyên án tù chung thân với cáo buộc tham nhũng.
********************
Ân Xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan điều tra vụ nhà báo Trương Duy Nhất (RFA, 06/02/2019)
Tố chức Ân Xá Quốc Tế vào ngày 6 tháng 2 cũng ra thông cáo báo kêu gọi Thái Lan điều tra về báo cáo blogger Trương Duy Nhất có thể bị bắt cóc ở Thái Lan.
Blogger Trương Duy Nhất - AFP
Giám đốc cấp cao Phụ trách Chiến dịch Vận động Toàn cầu của Ân xá Quốc Tế, Ông Minar Pimple, nhận định rằng vụ mất tích của ông Trương Duy Nhất là hết sức cần cảnh báo. Ông Nhất là một cựu tù nhân lương tâm đã nhiều lần bị chính quyền Việt Nam nhắm đến.
Ông Pimple nói thêm rằng qua một số nguồn tin thì tổ chức ông biết được ông Nhất đến Bangkok để xin tị nạn. Từ ngày 26/1/2019 thì không ai có tin tức gì từ ông Trương Duy Nhất nữa. Ông yêu cầu nhà chức trách Thái Lan phải điều tra ngày lập tức vụ bắt cóc này.
Ông Pimple cho biết rõ "Lực lượng an ninh Việt Nam trong quá khứ đã bắt cóc những người Việt lưu vong hoặc tị nạn ở Thái Lan và cả ở những nơi khác. Ông Trương Duy Nhất có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tệ hại nếu vụ bắt cóc này được xác nhận. Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước vụ mất tích này".
Ông Trương Duy Nhất là một nhà báo. Ông bị bắt vào năm 2013 và bị bỏ tù đến năm 2015 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Từ khi ra tù, Trương Duy Nhất trở thành một nhà báo độc lập. Tháng 12/2018 ông Nhất nhận được cảnh báo thể bị bắt lại và thấy công an lảng vảng gần nhà ông.
Đầu tháng 1 năm 2019 ông Nhất sang Thái Lan. Ngày 25/1 ông nộp đơn xin tị nạn tại Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok. Ông gửi ra cho gia đình hai tấm ảnh ông chụp trước cổng Cao ủy. Kể từ ngày 26/1 không ai thấy hoặc nghe tin tức gì về ông nữa.
Theo một nguồn tin độc lập bí mật được Ân xá Quốc Tế xác nhận thì ông Trương Duy Nhất bị những người lạ mặt bắt tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok vào ngày 26 tháng 1.
******************
RFS kêu gọi Thái Lan làm sáng tỏ vụ việc Blogger Trương Duy Nhất bị mất tích (RFA, 06/02/2019)
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RFS) kêu gọi Chính phủ Thái Lan cần làm sáng tỏ vụ việc Blogger Trương Duy Nhất, một blogger nổi tiếng ở Việt Nam đến đất nước Chùa Vàng để xin quy chế tị nạn chính trị, nhưng được cho là đã bị mất tích tại Bangkok từ hôm 26 tháng 1.
Blogger Trương Duy Nhất được cho là bị mất tích tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 26/01/19. Courtesy : Facebook Trương Duy Nhất
Trong thông cáo báo chí phổ biến ngày 6 tháng 2, ông Daniel Bastard, Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của của RFS lên tiếng rằng RFS quan ngại an ninh Việt Nam đã bắt cóc Blogger Trương Duy Nhất, đồng thời nhấn mạnh nếu Chính phủ Thái chứng minh không liên can trong vụ việc này thì điều đó có nghĩa an ninh Việt Nam không thực hiện theo luật quốc tế và vi phạm chủ quyền quốc gia Thái Lan trong việc bắt giữ Blogger Trương Duy Nhất.
Đại diện của RFS cho rằng động thái an ninh Việt Nam bắt cóc Blogger Trương Duy Nhất đã gửi một tín hiệu cảnh báo đến cộng đồng blogger Việt Nam đang xin quy chế tị nạn ở Thái Lan.
Các nguồn tin người Việt ở Thái cho biết ông Nhất đã đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok hôm 25/1 để xin quy chế tị nạn, nhưng sau đó cơ quan này đã không thể liên hệ được với ông Nhất.
Đại diện của Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) nói với RFA cơ quan này không thể tiết lộ thông tin gì liên quan vụ việc của Blogger Trương Duy Nhất. Về phía Cảnh sát Thái Lan cho biết họ không giam giữ blogger này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng đã lên tiếng kêu gọi giới chức Thái tiến hành điều tra.
Đài RFA đã thông báo về trường hợp của blogger Truong Duy Nhất bị mất tích lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và văn phòng của một số các Dân biểu Mỹ.
Blogger Trương Duy Nhất, chủ trang Blog "Một góc nhìn khác" đã bị Chính quyền Việt Nam bắt giữ hồi tháng 5 năm 2013 và bị chịu án tù 2 năm.
*********************
Nhà báo Trương Duy Nhất mất tích tại Thái Lan (RFI, 03/02/2019)
Theo một số nguồn tin mạng xã hội trong nước và báo chí tiếng Việt ở ngoài nước, ông Trương Duy Nhất mất tích ngày 25/01/2019, trong lúc đang tìm cách làm thủ tục xin tị nạn với đại diện Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok. Gia đình, bạn bè không liên lạc được. Việc nhà báo Trương Duy Nhất mất tích tại Thái Lan hồi cuối tháng Giêng 2019 gây lo ngại. Hư thực ra sao ?
Ông Trương Duy Nhất - Capture d'ecran Teu Blog
Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một người bạn của ông Trương Duy Nhất, nêu một số giả thuyết :
"...Có hai tình huống xảy ra. Hoặc Nhất lánh đi đâu đó, hoặc Nhất bị bắt cóc. Cái chuyện lánh đi đâu đó là xác suất rất bé... Ai bắt cóc ? ...Trước đó có những tín hiệu phát ra làm cho Nhất thấy rằng mình sẽ bị bắt…
Hoặc là đã đưa Nhất về Việt Nam rồi,… nhưng không dám thông báo ra, vì tiền lệ đã xảy ra với Trịnh Xuân Thanh ở Châu Âu. Đưa về thì dễ, nhưng giải trình thì rất khó. Tình huống thứ hai là vẫn còn ở Thái Lan, nhưng có sự thương lượng để làm thế nào đưa Nhất về hợp pháp".
Ông Trương Duy Nhất từng là phóng viên cho một số báo chính thức trong nước. Ông Nhất được biết đến nhiều với trang blog cá nhân mang tên "Một góc nhìn khác", với nhiều bài viết chỉ trích chính quyền.
Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù (2013-2015), theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam, vì tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Một điều khoản thường bị giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc là công cụ để chính quyền đàn áp tự do ngôn luận. Năm 2014, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) phong tặng Trương Duy Nhất danh hiệu "Anh hùng thông tin".
RFI tiếng Việt
"Hôm nay anh chị ngủ ở đâu ?
Hôm nay anh chị vẫn ngủ tại nhà, đồ đạc trong phòng còn nguyên vẹn, chưa một món nào được chuyển đi. Mặc dù họ cố tình cho mọi người trong vườn rau biết ngày mai sẽ đến cướp phá nhưng anh chị không thể đi.
Bà Phạm Thanh Nghiên và ông Huỳnh Anh Tú đều từng bị tù vì đấu tranh cho dân chủ - Ảnh minh họa
Ra tù, chị quen và cưới anh, người đàn ông tù gấp 4 lần án chị phải chịu. Khi bé Tôm ra đời, hai vợ chồng những tưởng cuộc đời sẽ mỉm cười sau bao bất công và mất mát. Nhưng rồi sắp tới đây, chính quyền cộng sản có thể lại tiếp tục phá hủy tất cả, một lần nữa giết chết cuộc đời anh chị.
Chị là nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, người phải chịu 4 năm tù cho việc giăng băng rôn "Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam" và những bài viết về hai quần đảo này. Nhiều người sẽ nghĩ rằng làm gì có chuyện đó, nhưng sự thật là ngày đó, chị đã phải trả giá từ rất sớm, khi mà Internet chưa phát triển, nhiều người không biết Hoàng Sa - Trường Sa ở đâu trên bản đồ địa lý.
Chồng chị là anh Huỳnh Anh Tú, người tù lương tâm bị chế độ đọa đầy trong 14 năm. Ra tù, anh không còn gì để mất, anh trai anh là Huỳnh Anh Trí qua đời bởi căn bệnh HIV bị lây nhiễm trong khi ngồi tù cộng sản. Anh không nhà cửa, không mảnh giấy trong người. Nhà cầm quyền địa phương khó dễ, cố tình không cấp lại giấy tờ tuỳ thân cho anh. Anh không được sống như một người công dân bình thường, không thể đi lại cũng không thể có chỗ nương thân nào khác ngoài khu vực vườn rau.
Hai người đến với nhau trong ơn lành của Chúa, trong sự ngỡ ngàng của tất cả anh em bạn bè. Và phép lạ đã đến với họ, ở cái tuổi và sức khỏe tưởng chừng như không thể, chị đã mang bầu. Bé Tôm ra đời trong niềm hạnh phúc khôn nguôi của cha mẹ và sự chúc lành của mọi người.
Bởi vì sự ra đời của con, ba mẹ con bắt đầu mong ước có một ngôi nhà để nuôi con khôn lớn. Nhưng một người không giấy tờ như anh Tú không thể đi đâu khác, rời xa sự cưu mang của anh chị em Công giáo sống trong vườn rau. Anh chị quyết định đem toàn bộ số tiền tích lũy và đi vậy mượn thêm để mua cho mình một mảnh đất nơi đây và dựng lên căn nhà cấp 4 để ở.
Đến ngày nhà xây xong cũng là ngày nó chuẩn bị bị đập bỏ.
Không cung cấp giấy tờ pháp lý cho các chủ đất, lấy lý do là xây dựng trái phép, nhà cầm quyền đã cho xe ủi sạch gần 10 căn nhà ở vườn rau Lộc Hưng. Chưa dừng lại, họ nói sẽ còn tiếp tục, cho đến khi mảnh đất vàng ấy thuộc về họ.
Căn nhà mới xây của anh chị như cái cây nhỏ đứng giữa cơn bão lớn. Chẳng biết khi nào đến lượt bị đập bỏ.
Tối nay, khi chúng tôi đến, anh Tú trầm ngâm ngồi bên ngoài cửa, ngước nhìn lên giàn cây trước ngôi nhà họ đang ở. Mặt anh buồn thì rõ nhưng lại rất điềm đạm, bình tĩnh. Sự bình tình khiến tôi có chút rờn rợn. Chị Nghiên vẫn cười nói tươi tỉnh và cho bé Tôm bú. Anh chị tối nay vẫn ngủ ở đó, trong vườn rau.
Vào buổi tối mà nhà cầm quyền cưỡng chế gần chục ngôi nhà khác trong ấy, anh Tú cũng nhất quyết không chịu đi, dù điện nước không có, muỗi chích đầy tay chân. Anh nói anh muốn ở lại để nhìn chúng nó dỡ đến nhà anh. Anh là người hiền lành rất mực nhưng lại vô cùng cương quyết.
Tối nay khi biết nhà cầm quyền đe nẹt ngày mai sẽ san bằng mảnh đất của mình, anh chị chọn ở đó. Một nhà ba người không đi đâu hết.
Cũng giống như anh chị, các chủ đất và người nhà của họ đêm nay cũng không đi đâu hết, đồ đạc của họ vẫn nguyên vẹn, vì đó là nhà của họ, không có ai có quyền đuổi họ đi.
Chỉ là tôi nhìn thấy trong dòng người cầu nguyện, những giọt nước mắt đang rơi thốn thức, đôi lúc bắt gặp những ánh mắt rực lửa hờn căm.
Ngày mai, khi những chiếc xe cẩu san lấp đi nhà của họ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chắc rằng nếu nhà cầm quyền cố tình cướp đất, nhiều gia đình sẽ phải trắng tay, ngủ trên đống hoang tàn đổ nát ; các bác thương phế binh, tay chân không còn lành lặn sẽ chẳng còn nơi nương thân ở nhờ".
Những dòng xúc động trên trang facebook chị Trịnh Kim Tiến (1) :
Thủ Thiêm chưa yên. Khu vườn rau Lộc Hưng lại thành điểm nóng mấy ngày qua. Rồi sẽ thêm nhiều người nữa, nhiều gia cảnh mất đất, không nhà như anh chị Huỳnh Anh Tú - Phạm Thanh Nghiên.
Đàn áp, cướp phá dân lành tàn độc thế, nhưng vẫn oang oảng nói về "lòng tin".
Hãy nhìn một Lộc Hưng tan tành sau "trận đánh" sáng nay, 8/1/2019.
Hãy nhìn hình ảnh một dân oan mất đất chặn ngang xích xe ủi trong cuộc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng sáng 4/1/2019.
Hãy nhớ lại một hình ảnh khác, khi chiếc xe ủi nghiến ngang thân hình một người phụ nữ trong cuộc cưỡng chế tại Hải Dương, 2015.
Căm thù !
Vâng, là những phản kháng từ sự căm thù. Đừng trát tô mãi ở cái "lòng tin" không thực.
Nó - không chỉ là câu chuyện đất đai, đền bù, giải tỏa. Vượt trên cả, là một thể chế tạo ức chế, căm thù nơi dân chúng.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 07/01/2019
10 phát ngôn ấn tượng nhất, trong hàng núi những phát ngôn ấn tượng của quan chức Việt, qua bình xét từ Một Góc Nhìn Khác.
1. "Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ, sự hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó tuổi tác đã lớn rồi" - Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
2. "Đã đến lúc phải chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam" - Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ.
3. "Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải lựa chọn những bàn tay tinh túy nhất, chứ không phải là ai cũng cho vào…" - Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch quốc hội.
4. "Chúng ta phải có những nỗ lực đến mức khiến thế giới ngạc nhiên, thậm chí kinh ngạc" - Vương Đình Huệ, ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng.
5. "Soi sáng cuộc cách mạng 4.0 bằng tư tưởng của Các Mác" - Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương, giám đốc học viện quốc gia Hồ Chí Minh.
6. "Đói khát là một lợi thế" - Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng thông tin và truyền thông.
7. "Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới" - Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại quốc hội.
8. "Ngân sách Việt Nam không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch" - Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm ủy ban ngân sách quốc hội.
9. "Chiến thắng kỳ diệu của U23 Việt Nam đã thêm một sở cứ chứng minh vận nước đang lên, đất nước thật sự đang chuyển mình để chào đón vận hội mới" - Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội.
10. "Tạo hóa cho tôi một bộ não quá bé, nhưng lại cho tôi một tham vọng quá lớn" - Nguyễn Thanh Hóa, thiếu tướng, cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50, Bộ Công an.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 20/12/2018 (truongduynhat's blog)
Ngày nhà giáo, nói về những ông thầy đặc biệt
Trương Duy Nhất, 19/11/2018
Biết rằng 20/11, nhưng không thể không nói. Xin lỗi quý cô thầy.
Bộ trưởng ngọng :
Vẫn cần những bông hoa cho nhà giáo hôm nay. Nhiều thầy cô đáng được như thế. Nhưng có một người, ít nhất một người không đáng, đó là ông Nhạ, Phùng Xuân Nhạ bộ trưởng.
Người đứng chót bảng tín nhiệm qua cuộc bỏ phiếu gần nhất của quốc hội. Người tạo ra quá nhiều hệ quả bê bết và điều tiếng cho giáo dục nửa nhiệm kỳ qua.
Lịch sử, chưa thời nào giáo dục Việt đụng một bộ trưởng tệ hại, phi giáo dục và phản văn hoá thế.
Một bộ trưởng từ cách ngồi, dáng đứng chẳng khác kẻ du côn. Một bộ trưởng đánh vần đến trẹo mồm không ra nổi chữ "nồn". Một bộ trưởng tự duyệt phong hàm giáo sư cho chính mình.
Những chính khách giáo sư và hiện tượng nhà giáo vô giáo :
Ai thống kê cho tôi, hiện bao nhiêu vị mang hàm giáo sư, phó giáo sư nhưng "mất dạy", tức không còn hoặc chưa từng giảng dạy ?
Nhiều lắm.
Thế gian, chẳng đâu như nước Việt mình, một ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng hàm giáo sư. Bộ trưởng công an cũng giáo sư. Rồi la liệt những chính khách khác, những quan chức chính phủ, địa phương không liên quan, chẳng hiểu biết gì về giáo dục, phi giáo dục hoàn toàn, vẫn giáo sư.
Đến một ông "mất dạy" mấy thập niên rồi như Nguyễn Thiện Nhân cũng giáo sư, cũng được vinh danh là "nhà giáo ưu tú".
Hề đến mức, có "đại tướng giáo sư", "thượng tướng giáo sư", "đại tá giáo sư"...
Có thể nói, ngoài chuyện bộ trưởng ngọng, việc trùng điệp một đội ngũ những tướng tá quân đội, công an được phong hàm giáo sư, cùng những chính khách giáo sư như Tổng Bí thư giáo sư, Chủ tịch nước giáo sư, Bí thư tỉnh giáo sư... là những điều bậy bạ và phản giáo dục nhất của sự nghiệp giáo dục.
Họ là những nhà giáo vô giáo.
Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ.
Vì thế, nhìn vào ông Nhạ, nhìn vào đội ngũ các giáo sư vô giáo đó, không chỉ để thấy chất lượng giáo dục, đó còn là chất lượng con người, chất lượng chế độ.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 19/11/2018 (truongduynhat's blog)
*********************
Quà đểu
Trương Duy Nhất, 19/11/2018
Tôi tin, đếch có quan chức nào dám móc tiền túi mua chiếc Rolex trị giá hàng tỷ đồng.
Cũng như rượu ngoại. Tôi viết lâu rồi : là thứ người mua không bao giờ uống, và người uống không bao giờ mua.
Móc tiền túi mua chai Macallan mấy chục triệu đồng, vợ nó tát cho sưng mồm.
Nhưng :
Đời đau ở chỗ, nhiều khi nốc rượu dổm đến nát gan mà đếch biết. Bọn đại gia, trọc phú Việt nhà mình lắm thằng cũng đểu giả. Mua rượu về nhà chúng uống là rượu thật, chính hãng. Nhưng rượu biếu, nhất là mỗi dịp lễ tết, toàn hàng đểu.
Cũng không gì ngạc nhiên lắm. Bởi không chơi rượu đểu, tiền đâu phục vụ hàng valy, thậm chí container rượu phân phát cho đội ngũ quan chức tầng tầng lớp lớp vậy.
Mà nốc rượu như quan Việt, cũng chẳng có hãng nào sản xuất kịp.
Đồng hồ, một chiếc Rolex đểu hàng Tàu, vàng chóe như của tướng Vĩnh, có 7.000USD, nhưng khi đem biếu chúng hét lên tới 1,1 tỷ.
Khổ thân, tròng lên cổ tay mấy năm rồi không biết hàng đểu.
Chưa chắc chỉ đồng hồ, còn nhiều thứ nữa.
Sau vụ này, tôi nghĩ các quan chức, nhất là hàng Bí thư, Chủ tịch tỉnh thành hoặc trung ương ủy viên trở lên, hãy vén cổ tay áo lên nhìn kỹ lại xem chiếc Rolex hay Patek Philippe đang đeo nó có mùi Tàu không nhé.
Không chừng, ngay con Patek Philippe của "người hùng" Đoàn Ngọc Hải cũng chắc gì đã made in Thuỵ Sỹ.
Đời, có sự trả giá hết. Tham lam lắm cũng có ngày gặm cứt, à quên gặm cái... ông Nhạ !
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 19/11/2018 (truongduynhat's blog)
********************
SMS, nhân chuyện tướng Vĩnh
Trương Duy Nhất, 17/11/2018
Tôi không quen tướng Vĩnh, nên không biết chuyện ông không biết SMS và không xài máy tính (như tiết lộ từ người bạn thân ông, nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong) thực hư mức nào.
Nhưng tôi nghi ngờ thông tin này.
Yêu cầu công việc của một tư lệnh cảnh sát quốc gia như tướng Vĩnh, không thể không nhắn tin hay dùng laptop.
Ừ, thì cũng có thể nhiều vị quan liêu, lính làm cho hết. Nhưng tham mưu, lính lác giúp là ở công việc.
Những chuyện đánh đấm, giành giật, hoặc móc ngoặc, bảo kê như ông làm với bọn đánh bạc công nghệ cao thì phải thực tay ông, không thể nhờ - sai đứa nào giúp được.
Cũng có thời, tôi cứ tưởng hàng Bộ Chính trị hay nguyên thủ, họ chẳng bao giờ cầm điện thoại đâu, trong tay thư ký hết.
Nhầm to ! Thậm chí có người 2,3 máy. Máy cho công việc, máy cho gia đình, máy cho việc... không phải công việc.
Đừng tưởng các quan Bộ Chính trị không biết nhắn tin hay xài laptop nhé. Bây giờ là thời của chỉ thị, mệnh lệnh tin nhắn. Công văn lạc hậu, vứt lâu rồi. Đặc biệt, đối với những việc "nhạy cảm". Cờ Lờ Mờ Vờ là ở việc nước việc công thôi, việc khác chớ xem thường họ.
Tôi biết, và nhiều lần chứng kiến những vị hai tay choanh choách hai máy. Những năm 2009 - 2010, một nhân vật cũ như ông Nguyễn Văn Chi mà đã dùng tới 3,4 điện thoại. Thay sim rác, nhắn 1 tin, vứt, thay sim khác. Tháo lắp soẹt soẹt như chuyên nghiệp vậy. Khi đánh vụ Vinashin, thời cao điểm, tôi nhìn ông ngồi chỉ đạo "đánh án" mà hai tay cùng lúc 3,4 máy choanh choách. Không thể tin nổi.
Nói chung, hễ những chuyện đánh đấm, đốt lò, hay mờ ám chi đó thì đều phải xài tin nhắn, sim rác. Họ không dốt như chúng ta tưởng.
Không ít vị giờ còn chơi cả Whatsapp, Telegram... nữa đấy.
Vì thế, chuyện tướng Vĩnh nghi lắm. Hay có phải do bênh bạn quí bạn quá mà ông Phong mắc phải cái lỗi, giống kiểu mấy tay nhà báo nào đó ca ngợi cậu học trò nghèo Trần Đại Quang bắt đom đóm cho vào vỏ trứng làm đèn học vậy ?
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 17/11/2018 (truongduynhat's blog)