Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/02/2019

Trương Duy Nhất đã "có mặt" tại Việt Nam ?

Thường Sơn

Có khả năng Trương Duy Nhất đã ‘có mặt’ ở Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó... 

tdn0

Trương Duy Nhất, một nhà báo bất đồng chính kiến tại Việt Nam được xác nhận đã đến Văn phòng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan để nộp đơn xin tị nạn chính trị vào hôm 25/01/2019 - Ảnh minh họa

Có vẻ như một lần nữa trong chưa đầy nửa năm, Facebooker Phạm Việt Thắng - một cây bút của báo Lao Động và người được xem là ‘thân đảng’ tuy có bộc lộ đôi chút khuynh hướng dân chủ hóa - đã qua mặt ‘cây bút tín hiệu’ Huy Đức về việc công bố những tin tức bắt bớ đầy nhạy cảm của chính quyền.

Ngày 13/02/2019, tức gần ba tuần sau vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’, tạo nên một làn sóng truyền thông rộng lớn, trong khi Huy Đức hoàn toàn im lặng thì trên facebook của Phạm Việt Thắng đăng một status ngắn gọn :

"Theo giới thạo tin thì ông Trương Duy Nhất đã "có mặt" tại Việt Nam. Ông Nhất được cho là nhập cảnh trái phép vào Thái Lan nhưng sau đó thì "mất tích". Và sau đó, nghe nói ông Nhất bị "chụp" ở Lào. Cũng theo giới thạo tin, ông Nhất buộc phải "có mặt" tại Việt Nam vì liên quan đến tòa nhà văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng, được đem bán cho Vũ Nhôm. Lúc tòa nhà này chuyển cho Vũ thì ông Nhất đang là trưởng văn phòng".

Vào ngày 28/11/2018, Facebooker Phạm Việt Thắng cũng đã đưa tin hàm ý về ‘lưu manh ngân hàng’ Trần Bắc Hà đã bị bắt tại Campuchia. Ngay sau đó, báo chí nhà nước săn tìm thông tin về Trần Bắc Hà nơi các cơ quan chức năng, và chỉ khoảng một ngày sau đã có tin chính thức của Bộ Công an về việc bắt ông Hà.

Còn vào lần này vào nếu xét theo logic biện chứng của cách đưa tin lần trước từ facebook của Phạm Việt Thắng, có khả năng Trương Duy Nhất đã ‘có mặt’ ở Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó. Mà như vậy, không có chuyện ông Nhất đã được tị nạn chính trị sau khi đến làm thủ tục tại Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Bangkok. Cũng loại trừ khả năng Trương Duy Nhất đã lánh sang một nước nào đó sau khi nhập cảnh rất có thể không hợp pháp vào Thái Lan.

Kịch bản vào lần này cũng có thể tương tự vụ Trịnh Xuân Thanh và Trần Bắc Hà, tức sau status ‘bật đèn xanh’ của Facebooker Phạm Việt Thắng - mà status này có thể đã được kiểm duyệt trước từng từ bởi một cơ quan an ninh, báo chí nhà nước sẽ ồn ào săn tin về Trương Duy Nhất nơi giới quan chức ‘có trách nhiệm’, để sau đó một quan chức nào đó tiết lộ về ‘Trương Duy Nhất đã bị tạm giữ’ hoặc ‘Trương Duy Nhất đã tự nguyện về nước đầu thú’.

Một trong những dấu hỏi lớn còn lại là vì sao Trương Duy Nhất bị bắt, hay bị bắt cóc - nếu tin tức của blogger Người Buôn Gió về hành tung của đội đặc nhiệm thuộc Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo quân đội) là đúng ?

Đáng chú ý là trong nội dung status của mình, Facebooker Phạm Việt Thắng dẫn từ ‘giới thạo tin’ nào đó về "ông Nhất buộc phải "có mặt" tại Việt Nam vì liên quan đến tòa nhà văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng, được đem bán cho Vũ Nhôm. Lúc tòa nhà này chuyển cho Vũ thì ông Nhất đang là trưởng văn phòng". Nội dung này lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những bài viết mà giới du luận viên ‘lề đảng’ tung lên mạng xã hội trong vài tuần qua sau khi nổ ra vụ Người Buôn Gió tố cáo Trương Duy Nhất bị bắt cóc.

Cho đến nay, trong khi chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng về vụ việc trên - một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, dấu hiệu duy nhất cho thấy chính quyền Việt Nam ‘mở miệng’ chỉ là một số bài viết của giới dư luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ ‘Nhôm’ và cả những hoạt động thuộc về ‘phe cánh chính trị’ của ông Nhất - hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất. 

Tuy thế, cái cách mà giới dư luận viên đặt vấn đề như trên lại khiến lộ ra một tín hiệu : nếu chính quyền Việt Nam không dính dáng gì đến vụ Trương Duy Nhất và không lo ngại phải chịu trách nhiệm về vụ này, nó sẽ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến việc chỉ đạo dư luận viên viết bài bao biện và thanh minh cho đảng như thế. Nói cách khác, bắt đầu hiện ra những bằng chứng gián tiếp về việc Trương Duy Nhất có thể đã bị bắt (hoặc bắt cóc), đưa về Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.

Trong khi đó, đang xuất hiện những nghi ngờ của dư luận xã hội về việc Trương Duy Nhất, nếu quả thực bị bắt cóc, thì rất khó có thể chỉ do việc ông Nhất nắm giữ những bí mật kinh doanh của Vũ ‘Nhôm’ mà bị bắc cóc, bởi cơ quan điều tra Việt Nam sau khi bắt được Vũ ‘Nhôm’ đã khai thác tình báo viên này đến mức khó mà còn bí mật nào, mà hẳn Trương Duy Nhất phải nắm giữ một bí mật ghê gớm nào đó và đụng chạm đến quyền lực chính trị hoặc lợi ích kinh tế của một phe cánh chính trị nào đó trong đảng, cái bí mật mà nếu Trương Duy Nhất tung ra công khai thì có thể giết chết tươi một số quan chức nào đó… Và suy cho cùng, đó phải là một bí mật mang tính sống chết khiến cho nhóm quan chức này phải một lần nữa, bất chấp vụ bắc cóc Trịnh Xuân Thanh mà đã gây ra cơn địa chấn an ninh - tình báo và kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng từ Đức sang Slovakia và cả một phần khối Liên minh châu Âu, ‘liều mình như chẳng có’ để tổ chức thêm một vụ bắt cóc nữa, lần này trên đất Thái. 

Cũng có dư luận cho rằng nhiều khả năng sau khi chính quyền cho Bộ Công an công bố vụ bắt giữ Trương Duy Nhất và đưa ra xét xử, vụ án Trương Duy Nhất sẽ không bao giờ được công khai về cái bí mật ghê gớm mà ông Nhất nắm giữ, thay vào đó Trương Duy Nhất sẽ bị xử lý hình sự tội danh kinh tế vì ‘dính’ vụ Vũ ‘Nhôm.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/02/2019

******************

‘Trương Duy Nhất là ai’ ?

Thường Sơn, VNTB, 14/02/2019

Vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ vào tháng 1 năm 2019 đã biến diễn một cách phức tạp chứ không thuần túy như vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin vào tháng 7 năm 2017 mà hầu hết mọi người đều biết rõ Thanh là người thế nào - một quan chức tham nhũng, hoặc có nhiều dấu hiệu tham nhũng.

tdn2

Trương Duy Nhất là người thế nào ?

Trong vài tuần đầu tiên sau khi vụ Trương Duy Nhất xảy ra, đã có khá nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Phóng viên không biên giới, Ủy ban bảo vệ ký giả và Liên minh Báo chí Đông Nam Á lên tiếng yêu cầu chính phủ Thái Lan phải làm rõ vụ Trương Duy Nhất mất tích ra sao, số phận của Nhất thế nào…, đồng thời những tổ chức này nhắc lại ‘bài học kinh nghiệm’ từ vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức.

Trương Duy Nhất đã được Phóng Viên Không Biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’ vào năm 2014. Blogger này với blog ‘Một góc nhìn khác’ đã viết phản biện khá mạnh mẽ trước khi bị công an Việt Nam tống giam vào năm 2013. Sau khi ra tù, Trương Duy Nhất vẫn tiếp tục viết phản biện về một số vấn đề thuộc về chính sách và chỉ trích một số quan chức tham nhũng và ăn chơi sa đọa. Đó là lý do căn bản nhất để khi vụ Trương Duy Nhất mất tích bị nghi ngờ là do bắt cóc, vấn đề của ông Nhất đã trở thành một câu hỏi nhân quyền, thậm chí là nhân quyền quốc tế.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng - một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Cho tới nay, dấu hiệu duy nhất cho thấy chính quyền Việt Nam ‘mở miệng’ chỉ là một số bài viết của giới dư luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ ‘Nhôm’ và cả những hoạt động thuộc về ‘phe cánh chính trị’ của ông Nhất - hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất. 

Tuy thế, cái cách mà giới dư luận viên đặt vấn đề như trên lại khiến lộ ra một tín hiệu : nếu chính quyền Việt Nam không dính dáng gì đến vụ Trương Duy Nhất, nó sẽ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến việc chỉ đạo dư luận viên viết bài bao biện và thanh minh cho đảng như thế. Nói cách khác, bắt đầu hiện ra những bằng chứng gián tiếp về việc Trương Duy Nhất có thể đã bị bắt (hoặc bắt cóc), đưa về Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.

Còn quan điểm của giới hoạt động nhân quyền Việt Nam về Trương Duy Nhất ra sao ?

Từ năm 2013 khi bị bắt, sau đó ra tù và cả cho đến gần đây, Trương Duy Nhất là người được một bộ phận trong giới hoạt động nhân quyền dành cho một số thiện cảm vì hoạt động viết phản biện. Nhưng cũng khá nhiều người bất đồng chính kiến nêu dấu hỏi ‘Trương Duy Nhất là ai ?’, bởi ngoài việc được xem là một cựu tù nhân lương tâm, từ trước đến nay ông Nhất không tham gia bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào.

Một trong số những ý kiến của người hoạt động nhân quyền - từ blogger Phạm Lê Vương Các - cho rằng "Nhất là một người khá thú vị. Nhiều người biết đến ông vì ông được ví là một "Anh hùng Thông tin" (được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao tặng) vì các bài viết phê phán mạnh mẽ về lỗi hệ thống chính quyền, cổ suý cho dân chủ và nhân quyền, nhưng đồng thời nhiều người cũng khá rõ mối quan hệ thân thiết của Nhất với Vũ Nhôm và áp phe với một số giới chức lãnh đạo chóp bu…", và "Chính sách của chính quyền Việt Nam trong suốt nhiều năm qua là sẵn sàng "tống khứ" những người bất đồng chính kiến hay hoạt động dân chủ nhân quyền ra khỏi Việt Nam. Chỉ cần quốc gia nào đồng ý tiếp nhận các đối tượng này thì chính quyền Việt Nam cũng sẵn sàng để họ ra đi. Trong một số trường hợp chính quyền còn gây áp lực để buộc những người này phải rời khỏi Việt Nam. Nếu ông Nhất chỉ thuần tuý là một người viết lách bất đồng chính kiến hay một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền thì chính quyền Việt Nam không dở hơi đến nỗi nhanh chóng mở chiến dịch quy mô săn lùng sang tận Thái Lan để bắt về. Về lý do bắt ông Nhất đến lúc này vẫn còn đang bỏ ngỏ".

Nhưng dù Trương Duy Nhất có là ai chăng nữa, thông tin lan ra ngày rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ bắt cóc ông Nhất đang khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là trong những ngày sắp tới, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp - tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.

Song cho dù có thông báo ‘Trương Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú’, chính quyền Việt Nam vẫn không thể làm cho dư luận trong nước và quốc tế tin được, đơn giản vì cho tới nay chính quyền này vẫn còn nợ chính phủ Slovakia câu hỏi ‘Việt Nam phải chứng minh rằng nếu quả thật Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú thì anh ta đã làm thế nào để vượt qua các biên giới và các cửa khẩu quốc tế mà không được bất kỳ nơi nào lưu hồ sơ ?’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 14/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)