Ân xá Quốc tế yêu cầu Thái Lan điều tra vụ blogger Trương Duy Nhất ‘mất tích’ (VOA, 06/02/2019)
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 6/2 ra thông cáo yêu cầu nhà chức trách Thái Lan "lập tức điều tra" về thông tin cho rằng nhà báo-blogger Trương Duy Nhất mất tích gần đây trong lúc đang xin tị nạn chính trị ở Bangkok, Thái Lan.
Blogger Trương Duy Nhất trong phiên tòa ở Đà Nẵng vào ngày 4/3/2014.
"Sự mất tích của ông Trương Duy Nhất là rất đáng báo động. Ông ấy là một cựu tù nhân lương tâm đã nhiều lần bị chính quyền Việt Nam nhắm đến. Chúng tôi biết từ một số nguồn tin rằng ông ấy đã đến Bangkok để xin tị nạn, và không ai nhìn thấy hoặc nghe gì về ông kể từ ngày 26/1", thông cáo của Ân xá Quốc tế nói.
Tổ chức quốc tế yêu cầu chính quyền Thái Lan phải lập tức điều tra về trường hợp mất tích mà Ân xá Quốc tế cho là đang "gióng lên hồi chuông cảnh báo" về tình trạng người tị nạn hoặc người chạy trốn ra nước ngoài bị bắt trở lại Việt Nam.
Nhà báo Trương Duy Nhất trước đây từng làm việc cho báo Công An Quảng Nam-Đà Nẵng và báo Đại Đoàn Kết. Sau đó, ông nghỉ làm báo và chuyển sang lập trang blog "Một góc nhìn khác", chuyên bình luận về các sự kiện và phanh phui những chuyện hậu trường chính trị Việt Nam.
Năm 2014, ông Trương Duy Nhất bị kết án tù 2 năm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Thông cáo của Ân xá Quốc tế nói bắt đầu từ tháng 12/2018, ông Trương Duy Nhất đã nhận thấy nhiều khả năng bị bắt vào tù trở lại nên đã trốn sang Thái Lan vào đầu tháng 1/2019, và nộp đơn xin tị nạn lên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok vào ngày 25/1. Sau khi ông Nhất gửi 2 tấm ảnh ông chụp trước cổng Văn phòng Cao ủy Tị nạn, không ai trông thấy hay nghe biết gì về ông kể từ ngày 26/1.
Vào đầu tuần trước, một nguồn tin am tường trong nước xác nhận với VOA về việc ông Trương Duy Nhất bị bắt tại Thái Lan, nhưng thông tin này chỉ được phép loan ra sau dịp Tết Nguyên Đán.
*******************
Những nghi vấn về khả năng blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan (RFA, 05/02/2019)
Sự mất tích đột ngột của blogger Trương Duy Nhất, một trong những blogger của Đài Á Châu Tự Do, khi đến Thái Lan xin quy chế tị nạn chính trị đang làm dấy lên những nghi ngờ là ông có thể đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc.
Blogger Trương Duy Nhất trong một lần phỏng vấn tại RFA vào tháng 5 năm 2016 - Photo : RFA
Kể từ ngày 26 tháng 1 đến nay, những người thân và gia đình ông Nhất không nhận được tin nhắn hay liên lạc được với blogger này. Lần cuối cùng blogger Trương Duy Nhất liên hệ với RFA là vào ngày 24/1/2019 liên quan đến bài blog lúc đó ông viết cho RFA với nội dung cảm hứng Venezuela và cái nhìn về Việt Nam.
"Chúng tôi rất lo ngại cho sự an nguy của ông Trương Duy Nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được tin tức từ ông càng sớm càng tốt liên quan đến tung tích của ông ấy và để đảm bảo là ông ấy không bị nguy hiểm", bà Libby Liu, Tổng giám đốc Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết.
Bài blog cuối cùng trước khi mất tích của blogger Trương Duy Nhất trên RFA Photo : RFA
Sự biết mất của blogger Trương Duy Nhất cũng đã khiến cộng đồng người Việt tị nạn ở Thái Lan lo ngại và thậm chí Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) đã phải lên tiếng kêu gọi giới chức Thái tiến hành điều tra. RFA cũng đã thông báo về trường hợp của blogger này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và văn phòng của một số các Dân biểu Mỹ.
Các nguồn tin người Việt ở Thái cho biết ông Nhất đã đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok hôm 25/1 để xin quy chế tị nạn, nhưng sau đó cơ quan này đã không thể liên hệ được với ông Nhất.
Những người quen ông Nhất ở Thái Lan không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết blogger Trương Duy Nhất bị mất tích vào hôm 26/1 tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok. Một nguồn tin cho biết blogger Nhất bị bắt tại một tiệm kem trên tầng ba của trung tâm này.
Cảnh sát Thái cho biết họ không giam giữ blogger Trương Duy Nhất.
"Chúng tôi đã kiểm tra danh sách những người bị tạm giữ và không thấy tên Trương Duy Nhất trong danh sách", Đại tá cảnh sát Tatpong Sarawanangkoon, người phụ trách phòng tạm giữ của Trung Tâm Tạm giữ Di trú (IDC) ở Bangkok, nói với RFA.
Trong khi đó, UNHCR không tiết lộ thông tin gì thêm với lý do quan ngại về thông tin riêng tư. Bà Jennifer Harrison, đại diện về quan hệ đối ngoại của cơ quan này nói với RFA : "vì lý do bảo vệ thông tin và bảo mật, chúng tôi không thể bình luận gì, hoặc xác nhận hay bác bỏ thông tin về các hồ sơ cá nhân".
Vợ của blogger Trương Duy Nhất ở Việt Nam và con gái ông ở Canada hiện rất sợ phải nói gì về tình hình của blogger này, các nguồn tin người Việt ở nước ngoài cho biết.
Theo trang tin thevietnamese.org, gia đình của blogger này cho biết ông Nhất đã rời Việt Nam để sang Thái Lan khoảng 3 tuần trước khi ông mất tích.
Chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng hơn 200 tù nhân chính trị, theo một con số thống kê từ ông Nguyễn Kim Bình, đại diện của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại California.
Chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ báo chí, kiểm duyệt internet và hạn chế các quyền bày tỏ ý kiến của người dân.
Bản thân blogger Trương Duy Nhất cũng đã từng bị tù 2 năm, từ năm 2014 đến 2015 vì các hoạt động của mình. Ông bị bắt giữ vào tháng 5/2013 và bị giam giữ cho đến khi ra tòa.
Human Rights Watch cho rằng giới chức Thái Lan cần phải điều tra về tình trạng của ông Nhất, lưu ý rằng ông đã tới Bangkok vì một lý do duy nhất là xin tị nạn chính trị. Human Rights Watch kêu gọi giới chức Thái Lan phải nói chuyện với gia đình của blogger cho đến khi tìm thấy ông.
Cũng theo Human Rights Watch, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok cũng có thể cho biết tung tích của blogger này.
"Giới chức Thái có một nghĩa vụ khẩn cấp là điều tra một cách nghiêm túc về sự biến mất này", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch tại Bangkok, nói với RFA, và cho biết thêm rằng tổ chức này hiện cũng không biết điều gì đã xảy ra với ông Nhất.
"Nếu các quan chức Thái Lan và Việt Nam có dính líu đến vụ mất tích này thì sẽ phải có những hậu quả nghiêm trọng đối với bất cứ ai có liên quan", ông Phil Robertson nói với RFA.
Người đại diện HRW cũng cáo buộc "Việt Nam thường xuyên có những hoạt động giám sát và sách nhiễu đối với những người Việt Nam và người Thượng chạy trốn khỏi Việt Nam vì lý do truy bức chính trị và tôn giáo. Những hoạt động này cũng xảy ra ở cả Bangkok".
"Truy đuổi các nhà bất đồng chính kiến và yêu cầu chính phủ Thái không cho tổ chức các sự kiện về nhân quyền hay dân chủ ở Việt Nam chỉ là một phần trong số những gì đã khiến Hà Nội là một trong những chính quyền vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong khối ASEAN", ông Phil Robertson nói.
Bối cảnh liên quan đến sự biến mất của blogger Trương Duy Nhất ở Bangkok hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải ở California, người đã từng ở chung tù với blogger Trương Duy Nhất trước khi ông được trả tự do vào năm 2014, và blogger Bùi Thanh Hiếu ở Đức, nói rằng họ nghi ngờ blogger Trương Duy Nhất đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc tại Thái Lan.
"Hiện chỉ còn một khả năng duy nhất là anh ấy đã bị bắt cóc", blogger Điếu Cày nói với RFA.
"Chúng tôi biết là anh ấy đã đến Bangkok và đến văn phòng của UN để xin quy chế tị nạn. Nếu vì bất cứ lý do gì mà anh Nhất xuất hiện trở lại ở Việt Nam thì điều đó chắc chắn nằm ngoài ý muốn của anh ấy", blogger Điếu Cày nói tiếp.
Các nguồn tin cho RFA biết những người Việt ở Thái đã tìm kiếm tung tích của ông Nhất tại các bệnh viện và các quận ở Bangkok nhưng không thấy ông đâu. Một người quen ông Nhất cho biết việc ông bị mất tích cũng đã được trình báo lên cảnh sát Thái vào cuối tuần trước.
Blogger Trương Duy Nhất sinh sống tại Đà Nẵng, ngay cạnh tỉnh Quảng Nam – quê hương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và cũng là nơi đang có những đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản. Một số nhà hoạt động cho rằng blogger này có thể đã có những thông tin quan trọng có thể gây nguy hại cho Thủ tướng Phúc. Blogger Trương Duy Nhất cũng đã có một thời kỳ làm cho báo Công An tại Đà Nẵng, nơi được coi là địa bàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Blogger Bùi Thanh Hiếu viết rằng ông nghi ngờ những nhân viên tình báo của quân đội đã bắt cóc ông Nhất tại Bangkok theo lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dòng trạng thái trên Facebook của blogger Bùi Thanh Hiếu về blogger Trương Duy Nhất Courtesy of FB
Blogger Bùi Thanh Hiếu, hay còn được biết đến với tên Người Buôn Gió, viết trên Facebook cá nhân : "Theo sự suy đoán của mình thì Nguyễn Xuân Phúc quyết bắt tù Trương Duy Nhất, vì Nhất có nhiều thông tin về băng đảng của Phúc ở Quảng Nam".
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam bị cáo buộc bắt cóc công dân của mình ở nước ngoài.
Hồi năm ngoái, tòa án Đức đã kết án gần 4 năm tù một người Việt Nam vì đã giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí, ngay tại Berlin hồi năm 2017 và sau đó đưa về Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh lúc đó cũng đang xin tị nạn tại Đức và sự biến mất của ông đã làm cho quan hệ Việt Nam và Đức xấu đi, với cáo buộc từ phía Bộ Ngoại giao Đức là Việt Nam vi phạm luật quốc tế.
Ông Trịnh Xuân Thanh sau đó bị tòa tuyên án tù chung thân với cáo buộc tham nhũng.
********************
Ân Xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan điều tra vụ nhà báo Trương Duy Nhất (RFA, 06/02/2019)
Tố chức Ân Xá Quốc Tế vào ngày 6 tháng 2 cũng ra thông cáo báo kêu gọi Thái Lan điều tra về báo cáo blogger Trương Duy Nhất có thể bị bắt cóc ở Thái Lan.
Blogger Trương Duy Nhất - AFP
Giám đốc cấp cao Phụ trách Chiến dịch Vận động Toàn cầu của Ân xá Quốc Tế, Ông Minar Pimple, nhận định rằng vụ mất tích của ông Trương Duy Nhất là hết sức cần cảnh báo. Ông Nhất là một cựu tù nhân lương tâm đã nhiều lần bị chính quyền Việt Nam nhắm đến.
Ông Pimple nói thêm rằng qua một số nguồn tin thì tổ chức ông biết được ông Nhất đến Bangkok để xin tị nạn. Từ ngày 26/1/2019 thì không ai có tin tức gì từ ông Trương Duy Nhất nữa. Ông yêu cầu nhà chức trách Thái Lan phải điều tra ngày lập tức vụ bắt cóc này.
Ông Pimple cho biết rõ "Lực lượng an ninh Việt Nam trong quá khứ đã bắt cóc những người Việt lưu vong hoặc tị nạn ở Thái Lan và cả ở những nơi khác. Ông Trương Duy Nhất có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tệ hại nếu vụ bắt cóc này được xác nhận. Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước vụ mất tích này".
Ông Trương Duy Nhất là một nhà báo. Ông bị bắt vào năm 2013 và bị bỏ tù đến năm 2015 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Từ khi ra tù, Trương Duy Nhất trở thành một nhà báo độc lập. Tháng 12/2018 ông Nhất nhận được cảnh báo thể bị bắt lại và thấy công an lảng vảng gần nhà ông.
Đầu tháng 1 năm 2019 ông Nhất sang Thái Lan. Ngày 25/1 ông nộp đơn xin tị nạn tại Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok. Ông gửi ra cho gia đình hai tấm ảnh ông chụp trước cổng Cao ủy. Kể từ ngày 26/1 không ai thấy hoặc nghe tin tức gì về ông nữa.
Theo một nguồn tin độc lập bí mật được Ân xá Quốc Tế xác nhận thì ông Trương Duy Nhất bị những người lạ mặt bắt tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok vào ngày 26 tháng 1.
******************
RFS kêu gọi Thái Lan làm sáng tỏ vụ việc Blogger Trương Duy Nhất bị mất tích (RFA, 06/02/2019)
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RFS) kêu gọi Chính phủ Thái Lan cần làm sáng tỏ vụ việc Blogger Trương Duy Nhất, một blogger nổi tiếng ở Việt Nam đến đất nước Chùa Vàng để xin quy chế tị nạn chính trị, nhưng được cho là đã bị mất tích tại Bangkok từ hôm 26 tháng 1.
Blogger Trương Duy Nhất được cho là bị mất tích tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 26/01/19. Courtesy : Facebook Trương Duy Nhất
Trong thông cáo báo chí phổ biến ngày 6 tháng 2, ông Daniel Bastard, Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của của RFS lên tiếng rằng RFS quan ngại an ninh Việt Nam đã bắt cóc Blogger Trương Duy Nhất, đồng thời nhấn mạnh nếu Chính phủ Thái chứng minh không liên can trong vụ việc này thì điều đó có nghĩa an ninh Việt Nam không thực hiện theo luật quốc tế và vi phạm chủ quyền quốc gia Thái Lan trong việc bắt giữ Blogger Trương Duy Nhất.
Đại diện của RFS cho rằng động thái an ninh Việt Nam bắt cóc Blogger Trương Duy Nhất đã gửi một tín hiệu cảnh báo đến cộng đồng blogger Việt Nam đang xin quy chế tị nạn ở Thái Lan.
Các nguồn tin người Việt ở Thái cho biết ông Nhất đã đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok hôm 25/1 để xin quy chế tị nạn, nhưng sau đó cơ quan này đã không thể liên hệ được với ông Nhất.
Đại diện của Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) nói với RFA cơ quan này không thể tiết lộ thông tin gì liên quan vụ việc của Blogger Trương Duy Nhất. Về phía Cảnh sát Thái Lan cho biết họ không giam giữ blogger này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng đã lên tiếng kêu gọi giới chức Thái tiến hành điều tra.
Đài RFA đã thông báo về trường hợp của blogger Truong Duy Nhất bị mất tích lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và văn phòng của một số các Dân biểu Mỹ.
Blogger Trương Duy Nhất, chủ trang Blog "Một góc nhìn khác" đã bị Chính quyền Việt Nam bắt giữ hồi tháng 5 năm 2013 và bị chịu án tù 2 năm.
*********************
Nhà báo Trương Duy Nhất mất tích tại Thái Lan (RFI, 03/02/2019)
Theo một số nguồn tin mạng xã hội trong nước và báo chí tiếng Việt ở ngoài nước, ông Trương Duy Nhất mất tích ngày 25/01/2019, trong lúc đang tìm cách làm thủ tục xin tị nạn với đại diện Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok. Gia đình, bạn bè không liên lạc được. Việc nhà báo Trương Duy Nhất mất tích tại Thái Lan hồi cuối tháng Giêng 2019 gây lo ngại. Hư thực ra sao ?
Ông Trương Duy Nhất - Capture d'ecran Teu Blog
Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một người bạn của ông Trương Duy Nhất, nêu một số giả thuyết :
"...Có hai tình huống xảy ra. Hoặc Nhất lánh đi đâu đó, hoặc Nhất bị bắt cóc. Cái chuyện lánh đi đâu đó là xác suất rất bé... Ai bắt cóc ? ...Trước đó có những tín hiệu phát ra làm cho Nhất thấy rằng mình sẽ bị bắt…
Hoặc là đã đưa Nhất về Việt Nam rồi,… nhưng không dám thông báo ra, vì tiền lệ đã xảy ra với Trịnh Xuân Thanh ở Châu Âu. Đưa về thì dễ, nhưng giải trình thì rất khó. Tình huống thứ hai là vẫn còn ở Thái Lan, nhưng có sự thương lượng để làm thế nào đưa Nhất về hợp pháp".
Ông Trương Duy Nhất từng là phóng viên cho một số báo chính thức trong nước. Ông Nhất được biết đến nhiều với trang blog cá nhân mang tên "Một góc nhìn khác", với nhiều bài viết chỉ trích chính quyền.
Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù (2013-2015), theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam, vì tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Một điều khoản thường bị giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc là công cụ để chính quyền đàn áp tự do ngôn luận. Năm 2014, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) phong tặng Trương Duy Nhất danh hiệu "Anh hùng thông tin".
RFI tiếng Việt