Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/02/2019

Tai nạn giao thông, dân oan khiếu kiện, nhập phế liệu và hệ lụy

RFA tiếng Việt

Gần 80 người chết do tai nạn giao thông trong 4 ngày đầu nghỉ Tết Kỷ Hợi (RFA, 06/02/2019)

Trong bốn ngày nghỉ đầu tiên của dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trên cả nước Việt Nam đã xảy ra 117 vụ tai nạn giao thông, khiến 77 người thiệt mạng và 87 người bị thương.

viet1

Hiện trường vụ xe container tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào chiều ngày 2 tháng 1 năm 2019. RFA

Truyền thông trong nước loan tin ngày 6/2, trích thông tin từ báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, cho biết thêm số liệu vừa nêu có giảm so với 4 ngày đầu tiên kỳ nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tuất.

Vẫn theo báo cáo, chỉ trong ngày 5/2 đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông với 15 người thiệt mạng và 13 người bị thương.

Cảnh sát giao thông tại các địa phương trên cả nước đã xử lý 2.073 vụ vi phạm an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 667 phương tiện giao thông vi phạm cùng 349 giấy tờ các loại. Bên cạnh đó, 56 người đã bị tước giấy phép lái xe.

Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay chỉ trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch 2019, cả nước đã 147 vụ tai nạn giao thông khiến 110 người thiệt mạng và 61 người bị thương.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn được cơ quan chức năng đánh giá là vì ý thức chấp hành pháp luật của một số người điều khiển giao thông chưa cao trong khi mật độ phương tiện trong những ngày Tết tăng rất cao.

********************

Dân oan mất niềm tin dù Thủ tướng lại có yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo (RFA, 06/02/2019)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 3/2, yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

viet2

Một nhóm người dân kéo về Hà Nội khiếu kiện tập thể liên quan đất đai. AFP

Đài RFA ghi nhận thông tin vừa nêu cũng như những người dân đi khiếu kiện nói gì về yêu cầu này của Thủ tướng Việt Nam ?

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ

Trong công thư gửi đến các cơ quan và văn phòng từ cấp trung ương đến địa phương phụ trách công tác tiếp công dân vào ngày 3 tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương công chức, cán bộ tiếp dân, đặc biệt Ban Tiếp Dân Trung ương và các cơ quan cùng tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trước đó, Ban Tiếp Công dân cho biết đã phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tiếp gần 20 ngàn lượt người, hơn 500 đoàn khiếu kiện tập thể, tiếp nhận và xử lý hơn 13 ngàn đơn thư. Ban Tiếp Công dân còn cho biết đến ngày 29 Tết, cơ quan này cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để vận động 145 công dân về lại địa phương, hỗ trợ tiền tàu xe cho 115 công dân, không còn người dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân trung ương trong dịp Tết Nguyên đán.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong công thư để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Công An phối hợp với các ban , ngành từ địa phương đến trung ương làm tốt công tác tiếp công dân, tập trung kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự xã hội.

Phản biện của người dân khiếu kiện

Đài RFA liên lạc với cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, một dân oan từng bị tuyên án tù hai lần với cáo buộc tội "gây rối trật tự công cộng" do phản kháng chính quyền địa phương thu hồi đất bất hợp pháp cũng như cùng với bà con Dương Nội tập trung tại Bộ Tài nguyên-Môi trường gửi đơn đòi giải quyết những khuất tất đất đai của họ, và được bà chia sẻ nhận xét liên quan yêu cầu vừa nêu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :

"Trước đây, họ cũng phát ngôn, họ cũng đưa ra những lời nói như thế cách đây mấy năm về trước. Nhưng đến bây giờ thì thực sự lực lượng dân oan ngày càng đông lên. Các quan chức Cộng sản cướp bóc và gây oan trái cho rất nhiều người ở khắp đất nước Việt Nam này. Nhất là gần đây như vụ Thủ Thiêm xảy ra hàng bao nhiêu năm vẫn không giải quyết, rồi Dương Nội, Văn Giang, Đồng Tâm, và mới nhất cận Tết Nguyên đán thì họ tiếp tục gây ra tội ác ủi phá hơn trăm hộ dân ở vườn rau Lộc Hưng".

Theo số liệu ghi nhận của Bộ Tài nguyên-Môi trường ghi nhận đến hết tháng 6 năm 2012, khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 90% trong tổng số các các vụ khiếu kiện, khiếu nại tại Việt Nam. Vào giữa năm 2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho biết có đến 75% khiếu nại ở thành phố này liên quan nhà đất. Và theo báo cáo của Quốc hội, công bố vào trung tuần tháng 11 năm 2018 cho thấy số đơn khiếu nại, tố cáo của người dân trong năm 2018 cao hơn năm trước đó, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức nhà nước.

viet3

Cư dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất Courtesy : Facebook Vườn Rau Lộc Hưng

Trả lời câu hỏi của RFA về công tác giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của các cơ quan hữu quan từ địa phương đến trung ương trong 20 năm qua trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cao Thăng Ca, một dân oan ở Thủ Thiêm lên tiếng :

"Bản chất của dự án này là một dự án không phải kinh doanh mà là dự án ăn cướp. Thành ra việc chậm trễ giải quyết khiếu nại này là do trách nhiệm của Trung ương là chính, trách nhiệm của Ban Tiếp Công dân, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. Họ cứ đùn đẩy, né tránh mà không chịu giải quyết. Bởi vì dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có lợi rất to lớn. Đền bù chỉ 2,3 triệu/m2 mà bán đến 200,300 triệu/m2. Chính vì lợi ích chênh lệch cao như vậy, cho nên cơ quan này đùn đẩy cơ quan khác.

Mặc dù Thủ tướng chỉ đạo ; cụ thể như vụ đất của ông Vũ Huy Hoàng, tại phường An Khánh mà hiện nay giao cho Công ty GS của Hàn Quốc. Thủ tướng Chính phủ có 14 văn bản chỉ đạo thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) phải giải quyết, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đâu chịu giải quyết đâu. Thành ra Thủ tướng nói kệ Thủ tướng, còn Thành phố Hồ Chí Minh cứ làm theo ý của họ. Chừng nào Thành phố Hồ Chí Minh bắt ông Lê Thanh Hải thì lúc đó dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mới được giải quyết. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo kệ thủ tướng, người ta không coi ra gì đâu".

Một số những người dân bị buộc vào hoàn cảnh phải lê la khắp các cơ quan pháp luật từ địa phương đến tận trung ương để khiếu nại, khiếu kiện mà Đài RFA tiếp xúc, khẳng định rằng yêu cầu mới nhất của Thủ tướng Chính phủ không thắp thêm chút hy vọng nào cho họ, mà trái lại còn khiến cho họ lo lắng nhiều hơn với sự chỉ đạo của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng "xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự xã hội".

Các dân oan dẫn chứng trường hợp điển hình trong vụ cưỡng chế mới nhất ở vườn rau Lộc Hưng, tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã không tiếp và từ chối nhận đơn của hơn 100 cư dân Lộc Hưng khi họ đi nộp đơn kêu cứu vào sáng ngày 17 tháng 1. Các cư dân Lộc Hưng có mặt tại văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sáng hôm đó còn cho biết chính quyền điều động một lực lượng hàng chục người tới bao vây họ như là một nhóm tội phạm. Bên cạnh đó, truyền thông nhà nước loan tin Công an quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.

Bà Cấn Thị Thêu quả quyết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo và hiệu quả hay không thì :

"Bà con thấy rằng phải nhìn thấy thực tế, chứ còn những lời hứa suông thì bà con vẫn chưa thể tin tưởng được và tất cả dân oan vẫn sẽ đấu tranh đến cùng để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình".

Trong khi đó, giới luật sư tại Việt Nam cho rằng công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Việt Nam càng ngày càng quá tải vì các cơ quan địa phương không làm tròn chức trách. Luật sư Trần Thu Nam từng nhận định với RFA :

"Khiếu kiện là hệ quả của việc địa phương giải quyết không thấu đáo nên người ta mới khiếu kiện vượt cấp, hoặc khiếu kiện kéo dài lên đến cấp trung ương. Nếu địa phương giải quyết chu đáo, đúng pháp luật thì không nhất thiết phải bắt ép, họ sẽ tự giải tán về lại địa phương".

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cũng lên tiếng với RFA rằng những bất cập trong chính sách, đặc biệt liên quan đến lãnh vực đất đai, biến Việt Nam thành cường quốc dân oan và để tình trạng khiếu nại, khiếu kiện không bị tồn đọng, kéo dài thì Chính phủ phải giải quyết cái gốc của vấn đề bao gồm phải hoàn thiện và minh bạch trong các chính sách pháp luật và phải nghiêm minh trong việc xử lý những sai phạm của cán bộ nhà nước.

Hòa Ái

******************

Nới lỏng kiểm tra phế liệu nhập và hệ lụy (RFA, 06/02/2019)

Vào những ngày sát Tết, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu. Liệu việc này có tạo cơ hội cho phế liệu, rác thải công nghệ tràn ngập Việt Nam ?

viet4

Phế liệu nhập khẩu tại cảng Cát Lái, ảnh minh họa. Photo courtesy of giaothong.org

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo loại bỏ một số nội dung về quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu, vì thời gian qua, các cảng lớn của Việt Nam như Hải Phòng, Cát Lái, Thị Vải, Cái Mép tồn đọng hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu, gây khó khan và thiệt hại cho doanh nghiệp.

Khi trả lời báo chí, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc hàng ngàn container phế liệu bị chậm thông quan là do doanh nghiệp bị quá nhiều phía "hành". Ngoài một phần trách nhiệm nhỏ của Cảng vụ, thì trách nhiệm chính thuộc về Tổng cục Hải quan và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Tuy nhiên, hai cơ quan này cứ đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, khi trả lời chúng tôi cũng nhìn nhận tình trạng gây phiền hà nhũng nhiễu để trục lợi :

"Cái đó là hoàn toàn chuẩn xác, rất đúng, cái thứ nhất là vì lợi ích nhóm ở đây, thứ hai là vụ lợi, cái thứ ba là gây phiền hà nhũng nhiễu để buộc họ hối lộ cho mình".

Ngoài ra, Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, số lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017. Nguyên nhân lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2018, được các chuyên gia cho rằng, là do Trung Quốc có chủ trương cấm nhập khẩu phế liệu. Cụ thể, bắt đầu từ 01/01/2019, Trung Quốc bổ sung thêm 8 loại phế liệu không được phép nhập khẩu, tăng từ 24 lên 32 loại. Ngoài ra, Malaysia gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào quốc gia này.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do nhân dịp Tết Kỷ Hợi, Giáo sư, Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường nhận xét về tình trạng này :

"Đấy là một quá trình cũng có thay đổi chính sách nhất định, cũng có những lúc Việt Nam yêu cầu không được nhập phế thải, tức là những phế thải có thể được sử dụng cho một khâu nào đó, một ngành nào đó, nhưng cũng có lúc lại xả ra, lại chấp nhận. Đấy là trong quá trình lịch sử dài. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, cái gì là được, cái gì là không được mới là quan trọng. Thì cái việc mà tồn đọng ở các cảng thì tôi cho rằng, cũng do các cái thay đổi chính sách trong cả quá trình lịch sử vừa rồi cũng có thể gây ra".

Việt Nam hiện đang đứng trong top đầu về xả thải rác ra đại dương, chưa kể việc tồn đọng rác xảy ra khắp nơi, vì vậy Nhà báo Mai Quốc Ấn, người quan tâm về vấn nạn môi trường tại Việt Nam, khi viết trên trang cá nhân của ông cho rằng, chắc chắn Việt Nam không hề thiếu nguyên liệu tái chế. Theo ông, là do việc phân loại rác từ nguồn đã không được làm tốt. Đặc biệt tình trạng độc quyền xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp lạc hậu gây... ô nhiễm bị thao túng nghiêm trọng.

Theo Nhà báo Mai Quốc Ấn, nhập khẩu phế liệu cũng đồng nghĩa với nhập khẩu thêm ô nhiễm, thêm bệnh tật, thêm cả áp lực an sinh xã hội sau đó. Ông cũng cho rằng nhập khẩu rác cũng chính là đi ngược lại với thông điệp không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

viet5

Phế liệu nhập khẩu tại cảng Cát Lái, ảnh minh họa. Photo courtesy of giaothong.org

Hiện có hơn 24 ngàn container phế liệu chưa thông quan tại các cảng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng nếu bỏ bớt một số nội dung liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu để giải tỏa ách tắt, thì sẽ có bao nhiêu phế liệu kém chuẩn tràn vào Việt Nam ? Ngoài phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, còn có thể có tình trạng nhiều loại công nghệ lạc hậu theo đó tràn vào Việt Nam.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay việc nhập công nghệ rất là phổ biến, bởi vì ở Việt Nam gần như là chưa phát triển, cái gì cũng cần nhập. Ông nói tiếp :

"Đúng là ở Việt Nam có nhiều công nghệ nhập về bị lỗi mốt. Thế thì làm thế nào để cải thiện tình hình và kiểm soát được nó ? Trước hết chúng ta phải có nguồn thông tin từ hai phía, một là nội tạng của chúng ta, chúng ta phải hiểu công nghệ ấy là như thế nào ? Thứ hai là cần một đơn vị nào đó ở bên ngoài để người ta đưa ra các ý kiến, đánh giá một cách khách quan, thì nó tốt hơn".

Giáo sư, Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ lạc hậu vào, mà cả doanh nghiệp Việt Nam mua của nước ngoài thì cũng diễn ra trong thời gian vừa qua khá nhiều. Tuy vừa qua chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách về vấn đề công nghệ, là phải kiểm tra rất chặt trong quá trình phát triển công nghệ, theo định hướng 4.0. Đây có thể nói là một định hướng rõ ràng khẳng định Việt Nam không chấp nhận công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên ông Đặng Hùng Võ cũng nhìn nhận, trên thực tế tình trạng nhập công nghệ lạc hậu vẫn diễn ra ở doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia.

Giáo sư Đặng Hùng Võ đề nghị giải pháp :

"Song song với quá trình kiểm soát nhập phế thải thì nhập công nghệ vào cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Tôi cho rằng, Việt Nam hiện nay cũng trên con đường đưa được các bước kiểm soát việc nhập công nghệ rất là chặt và đều có kiểm tra của bên Bộ khoa học công nghệ. Hy vọng việc thực thi pháp luật vốn được coi là chưa tốt ở Việt Nam, thì trong thời gian tới sẽ tốt hơn, và hiệu quả thực thi pháp luật sẽ cao hơn".

Trước đây từng xảy ra tình trạng rác thải được nhập ồ ạt vào Việt Nam, khi đó việc ngăn chặn hành động này để bảo vệ môi trường cũng ảnh hưởng luôn đến việc nhập khẩu phế liệu của một số ngành sản xuất. Nay lại tháo gỡ một số quy định để thông quan nguyên liệu phế thải, thì lại phát sinh lo ngại rác thải có thể được nhập ồ ạt vào Việt Nam. Đây là câu hỏi khó trả lời dành cho các nhà quản lý chính sách của Việt Nam. Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết :

"Tôi cho rằng, cuối cùng mà nói thì chúng ta phải giữ những khâu nào được gọi là kiểm soát chặt, và cũng cần thiết đơn giản hóa thủ tục hành chính. Miễn là chúng ta có thể đánh giá được cái nào (tiêu chuẩn kiểm tra) là cái phải loại bỏ, tức là không được đưa vào và cái nào nên đưa vào. Những điều theo ý tưởng của các nhà quản lý thì tôi cho rằng nếu chúng ta làm tốt những khâu còn giữ lại để kiểm soát chặt, đồng thời đơn giản hóa hay loại bỏ những khâu mang tính thủ tục, mà không có hiệu quả quản lý, thì tôi cho rằng tư duy ấy cũng là tốt".

Nhưng giáo sư Võ cũng đưa ra cảnh báo, về việc có thể xảy ra tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu cũng lợi dụng chính sách để có thể vụ lợi cho hoạt động của mình, nên đã đi ngược với chính sách.

Và như lời nhà báo Mai Quốc Ấn gởi đến Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, rác ở quốc gia mình rất nhiều, đừng để Việt Nam thành một quốc gia có ‘vị thế’ vừa là nơi chứa rác của nước khác vừa là thủ phạm xả rác ra môi trường chung toàn cầu thì thật đáng xấu hổ.

Trung Khang

Quay lại trang chủ
Read 787 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)